Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 26 tháng 02 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Mỹ gởi 5 hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương : Răn đe quá mức ?

    Minh Anh / RFI

    26/02/2024

    Gần một nửa trong số hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể sớm được triển khai cùng lúc ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hành động « phô trương sức mạnh » nhằm trấn an các đồng minh rằng Hoa Kỳ không bị dàn trải quá mức, lại có thể gây phản tác dụng. 

    Ảnh minh họa: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại vùng Biển Đông ngày 07/10/2019.

    Ảnh minh họa: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại vùng Biển Đông ngày 07/10/2019. AFP - ERWIN JACOB V. MICIANO 

    Trang mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 14/02/2024 đưa tin, hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson and USS Theodore Roosevelt đang hiện diện trong khu vực và đã có cuộc tập trận chung với Nhật Bản tại vùng biển Philippines. Chiếc USS Ronald Reagan thì đang neo đậu tại cảng quân sự Yokosuka, Nhật Bản. Hai chiếc còn lại là USS Abraham Lincoln đã rời cảng San Diego hồi đầu tháng Hai, và USS George Washington trong vài tuần nữa sẽ đến Yokosuka để thay phiên cho hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.

    Thái Bình Dương : Ưu tiên quân sự !

    Đây là lần đầu tiên cùng lúc 5 trong số 11 hàng không mẫu hạm của Mỹ hoạt động trong cùng khu vực. Nhiều chuyên gia được SCMP trích dẫn nhận định rằng sự tập trung bất thường sức mạnh hải quân Mỹ cùng lúc tại một khu vực là một tín hiệu răn đe trước các hành động quân sự ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

    Trong năm 2023, chính quyền Biden đã nêu rõ sẽ thực hiện nhiều hoạt động pho trương sức mạnh hơn ở Đông Á nhằm trấn an các đồng minh châu Á rằng Hoa Kỳ vẫn chưa quên họ. Tầm quan trọng mà Hoa Kỳ gắn cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như vai trò tích cực của Mỹ tại khu vực là không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng cách thức Washington thực hiện có thể góp phần làm gia tăng căng thẳng cả với Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng.

    Quảng cáo

    Nhà sử học Daniel Larison, và cũng là một cây bút xã luận, trên trang mạng Responsible Statecraft, đánh giá : « Mặc dù việc triển khai này được cho là nhằm báo hiệu quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với các đồng minh, nhưng chúng có thể dễ dàng khuyến khích Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lao vào các cuộc biểu dương sức mạnh đáp trả của chính họ. Cần nhắc lại rằng cách tiếp cận của Mỹ tại Đông Á vẫn là cách tiếp cận "ưu tiên quân sự", vốn dĩ coi nhẹ và dành tương đối ít nguồn lực cho ngoại giao và lôi kéo về kinh tế ».

    Việc triển khai đông đảo hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương dường như là một nỗ lực để « bù đắp » cho việc Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư quá mức các nguồn lực và năng lượng cho cuộc chiến ở Gaza và các cuộc xung đột có liên quan ở Trung Đông từ bốn tháng qua. Nếu như việc phô trương sức mạnh này có thể làm hài lòng các chính phủ đồng minh, nhưng cũng có nguy cơ xác nhận một cảm giác ở cả các nước thân thiện lẫn thù địch rằng Mỹ đang bị « căng » quá mức và cố gắng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.

    Nhưng thói quen trấn an đồng minh thường xuyên có những cái giá phải trả, bao gồm cả việc khuyến khích các đồng minh phụ thuộc nhiều hơn và như vậy, có nguy cơ gây ra các bất ổn ở khu vực rộng lớn. Trên trang mạng Responsible Statecraft, Daniel Larison phân tích như sau :

    « Một trong những điểm yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đông Á là dựa quá nhiều vào răn đe quân sự. Chiến lược này có xu hướng làm gia tăng căng thẳng quá mức cần thiết và làm suy giảm những trấn an đáng tin cậy đối với đối thủ. Hoa Kỳ rất xuất sắc trong việc trấn an các đồng minh bằng cách phô trương sức mạnh quân sự, nhưng thường vì không đạt được sự cân bằng qua việc đưa ra các trấn an cho đối thủ về các ý định của mình, chính phủ Mỹ có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lo sợ và thúc đẩy họ nghĩ đến điều tồi tệ nhất về những gì Mỹ đang làm. »

    Cân bằng răn đe và trấn an : Điều cần thiết ?

    Việc triển khai đông đảo hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương cho thấy chính quyền Biden không hiểu sự cần thiết của việc cân bằng giữa răn đe và trấn an. Không cân bằng được hai rủi ro này sẽ dễ xảy ra xung đột do những tính toán sai lầm.

    Michael Swaine, một nhà nghiên cứu địa chính trị tại Viện Quincy khi nhận định về Đài Loan và thế răn đe của Mỹ có nhận định : « Thế cân bằng này là cần thiết, bởi vì, nếu cấp độ trừng phạt hay khả năng phủ nhận đạt được trên thực tế bị coi là một mối đe dọa cho các lợi ích sống còn của đối thủ, thì chính đối thủ, thay vì bị cản trở có những hành động hung hăng, sẽ có khuynh hướng thực hiện hoặc đe dọa đánh phủ đầu hay có những động thái trừng phạt của riêng mình để bảo vệ các lợi ích của họ và như vậy, làm gia tăng nguy cơ xung đột thay vì là giảm đi. »  

    Vì quá dựa vào phô trương sức mạnh để đe dọa Trung Quốc, chính quyền Biden đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Nhưng mối nguy hiểm tiềm tàng với Bắc Triều Tiên thậm chí còn lớn hơn, vì chính phủ Bắc Triều Tiên có lịch sử lâu dài trong việc đáp trả các áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ bằng chính những hành động khiêu khích và dọa dẫm của nước này.

    Trong một chừng mực nào đó, Bình Nhưỡng cảm nhận việc triển khai nhiều hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương có phần nào nhắm thẳng vào Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo Kim Jong Un có thể kết luận rằng ông ấy cần phải chứng tỏ năng lực thật sự của đất nước qua việc thử nghiệm thêm nhiều tên lửa và thậm chí có thể là một vụ thử hạt nhân mới.

    Năm 2023, Bắc Triều Tiên đã có phản ứng giận dữ về việc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến cảng Busan của Hàn Quốc. Nếu lần này có nhiều hàng không mẫu hạm cùng lúc tại các vùng phụ cận, đương nhiên Bình Nhưỡng có thể phản ứng gay gắt hơn. Việc chế độ Kim Jong Un trong vài tháng qua có những lời lẽ ngày càng trở nên thù địch, một cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ chẳng phải đợi lâu.

    Tóm lại, Hoa Kỳ khó thể cáng thêm một cuộc khủng hoảng mới ở Đông Á cùng với nhiều cuộc xung đột khác mà nước này can dự vào, nhưng cách tiếp cận quân sự quá mức trong vùng không phải là phương cách tốt để tránh xảy ra khủng hoảng. Theo tác giả Daniel Larison, việc hiểu rõ suy nghĩ của đối thủ và đưa ra những bảo đảm có thể làm họ tin tưởng là những việc Washington nên làm. Nhưng rủi thay Hoa Kỳ rất ít hành động theo hai hướng này và đặt Mỹ và các nước đồng minh trong thế bất an !

    Quân đội Ukraine xác nhận rút lui khỏi làng phía đông nhằm chặn quân Nga 

    26/02/2024 

    Reuters 

    Một người dân địa phương bế con đi ngang qua nhà ga xe lửa bị phá hủy bởi cuộc tấn công tên lửa của Nga ở Kostyantynivka, vùng Donetsk, vào ngày 25/2.

    Một người dân địa phương bế con đi ngang qua nhà ga xe lửa bị phá hủy bởi cuộc tấn công tên lửa của Nga ở Kostyantynivka, vùng Donetsk, vào ngày 25/2. 

    Quân đội Ukraine hôm 26/2 xác nhận việc rút lui khỏi làng Lastochkyne ở miền đông Ukraine, nói rằng hành động này sẽ giúp họ ngăn chặn bước tiến về phía tây của lực lượng Nga.

    Lastochkyne nằm cách thị trấn Avdiivka khoảng 2km về phía Tây, nơi Ukraine đã từ bỏ hồi đầu tháng này.

    Người phát ngôn quân đội Ukraine Dmytro Lykhoviy cho biết trên truyền hình rằng "các đơn vị Lực lượng vũ trang Ukraine đã rút khỏi làng Lastochkyne để tổ chức phòng thủ... và ngăn chặn kẻ thù tiến sâu hơn về hướng Tây".

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 25/2 cho biết điều quan trọng đối với Kyiv và các đồng minh phương Tây là duy trì sự đoàn kết và nhắc lại rằng chiến thắng của Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ liên tục của phương Tây khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba.

    Sau những thành công ban đầu trong việc đẩy lùi quân đội Nga, Ukraine đã phải hứng chịu những thất bại trên chiến trường phía đông, trong khi các tướng lĩnh của họ phàn nàn về tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược.

    Người phát ngôn Lykhoviy cho biết một tuyến phòng thủ mới của Ukraine sẽ được thiết lập cách Lastochkyne vài kilomet về phía tây.

    Nga hôm 25/2 cho biết lực lượng của họ đã chiếm được những vị trí thuận lợi hơn gần Avdiivka và Donetsk.

    Cùng ngày 25/2, Tổng thống Zelenskyy cho biết 31.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga hai năm trước, đưa ra con số chính thức đầu tiên trong hơn một năm.

    Ông Zelenskyy nói trong một cuộc họp báo ở Kyiv rằng ông không thể tiết lộ số người bị thương vì nó sẽ giúp ích cho việc lập kế hoạch quân sự của Nga.

    Ukraine chưa đưa ra con số tổn thất quân sự kể từ cuối năm 2022. Trợ lý tổng thống Mykhailo Podolyak lúc đó cho biết 13.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2/2022.

    Houthi nhắm vào tàu thuộc sở hữu của Mỹ ở Vịnh Aden 

    26/02/2024 

    VOA News 

    Một thành viên phi hành đoàn quan sát từ Tàu khu trục USS Gravely của Mỹ ở phía nam Biển Đỏ, hôm 13/2.

    Một thành viên phi hành đoàn quan sát từ Tàu khu trục USS Gravely của Mỹ ở phía nam Biển Đỏ, hôm 13/2. 

    Quân đội Mỹ cho biết phiến quân Houthi đã bắn một tên lửa đạn đạo vào cuối ngày 25/2, có khả năng nhắm vào một tàu chở dầu do Mỹ sở hữu và điều hành ở Vịnh Aden.

    Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng tên lửa đã rơi gần trúng tàu chở dầu M/V Torm Thor mà không gây ra bất kỳ thiệt hại hay thương tích nào.

    CENTCOM cũng cho biết lực lượng Hoa Kỳ đã bắn hạ hai máy bay không người lái vào cuối ngày 25/2 trên không phận phía nam Biển Đỏ, trong khi chiếc máy bay không người lái thứ ba bị rơi do “lỗi trong lúc bay”.

    “Những hành động này được thực hiện để bảo vệ quyền tự do hàng hải và làm cho các vùng biển quốc tế an toàn hơn và an ninh hơn cho các tàu buôn và Hải quân Hoa Kỳ,” CENTCOM nói trong tuyên bố.

    Động thái này diễn ra một ngày sau khi lực lượng Mỹ và Anh thực hiện các cuộc tấn công mới nhất vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen, bao gồm tấn công các cơ sở lưu trữ vũ khí, hệ thống phòng không và hệ thống máy bay không người lái.

    Lực lượng Houthi đã thực hiện các cuộc tấn công kể từ tháng 11 nhắm vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ trong cái mà họ nói là sự đoàn kết với người Palestine ở Gaza.

    Mỹ đã thực hiện các cuộc oanh kích gần như hàng ngày nhắm vào người Houthi. Tuy nhiên, các cuộc oanh kích đến nay đã không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng này, vốn đã gây xáo trộn thương mại toàn cầu và tăng cước phí vận tải.

    Lãnh đạo lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen hôm 22/2 tuyên bố rằng họ sẽ gia tăng các cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ và các vùng biển khác bằng “vũ khí tàu ngầm” để tiếp tục đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến ở Gaza.

    Tổng thống Pháp sắp thăm Ukraina và công bố gói viện trợ

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2024/02/zelensky-va-ong-macron.jpg

    Ông Zelensky và ông Macron bắt tay tại buổi họp báo ở Paris ngày 16/2. (Ảnh: AFP). 

    Trong cuộc họp báo hôm 25/2, tổng thống Ukraina Zelensky cho biết, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron sẽ sớm đến thăm Ukraina và vào thời điểm đó, những chi tiết mới quan trọng liên quan đến viện trợ sẽ được công bố.

    Ông Zelensky nói: “Gần đây chúng tôi đã có cuộc gặp với ông Emmanuel. Tôi nghĩ thỏa thuận đã ký về bảo đảm an ninh là rất tốt. Tôi nghĩ sẽ có thêm một số chi tiết mà chúng tôi đã nhất trí. Nhưng tôi muốn những điều đó sẽ được thông báo từ ông ấy”.

    Tổng thống Ukraina cho hay, Kyiv đang mong chờ chuyến thăm của ông Macron.

    Ông Zelensky nói thêm: “Vì lý do an ninh, tôi không nói ngày cụ thể nhưng sẽ sớm thôi. Tôi nghĩ sẽ có một số chi tiết mới, quan trọng hơn về việc viện trợ Ukraina”.

    Theo nguyên thủ quốc gia, Ukraina hiện đang chờ đợi vài chục hệ thống vũ khí từ phía Pháp và các đối tác.Trước đó, ông Zelenskyy đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Emmanuel Macron. Họ đã thảo luận về “Liên minh pháo binh” và nhất trí chuẩn bị cho chuyến thăm Ukraina sắp tới của nhà lãnh đạo Pháp.

    Nikkei: Nga mua linh kiện xe tăng từ Nhật Bản và Đài Loan thông qua Trung Quốc

    Trí Đạt (theo Nikkei)

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/quan-Ukraine-768x432-1.jpg

    Các thành viên Ukraine của tiểu đoàn OPFOR trên xe bọc thép chở quân khi họ tham gia khóa huấn luyện quân sự ở khu vực Donetsk vào ngày 26/9/2023.(Ảnh của ROMAN PILIPEY/AFP qua Getty Images)

     https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/T-90M-768x512-1-768x480.jpg

    Xe tăng Nga Y-90M. (Ảnh: Mil.ru) 

    Nhóm đối lập Belarus tiết lộ câu chuyện nội bộ về việc Nga và Belarus mua các bộ phận, linh kiện từ Nhật Bản và Đài Loan thông qua Trung Quốc, và thông qua Georgia để lách các lệnh trừng phạt.

    Theo báo cáo của Nikkei hôm 23/2, sau khi Nga bắt đầu tấn công toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022, những người có liên quan đến chính phủ đồng minh của Nga là Belarus đã thành lập một công ty ở Quảng Đông, Trung Quốc, để lách lệnh trừng phạt và cung cấp linh kiện cho nhà sản xuất vũ khí của Nga. Mỹ và Anh nhận thức được tình trạng này và có thể tăng cường trừng phạt.

    Theo thông tin của nhóm đối lập lưu vong Belarus “Belpol” có được từ các cộng tác viên của các công ty vũ khí nước này, Nga mua các bộ phận và linh kiện từ Nhật Bản và Đài Loan thông qua Trung Quốc. Thông tin hiển thị các hợp đồng, hồ sơ giao dịch và thanh toán thông qua các tổ chức tài chính liên quan đến các công ty ở Nga, Belarus, Trung Quốc và các quốc gia khác.

    Báo cáo cho thấy một người có quan hệ với chính phủ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã thành lập Công ty Đổi mới Công nghệ cao 5G Thâm Quyến (Shenzhen 5G High-Tech Innovation) tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vào năm 2022, sau đó bắt đầu mua động cơ, cảm biến và các linh kiện chính xác khác cần thiết để chế tạo xe tăng và các loại vũ khí.

    Các bộ phận và linh kiện được công ty này mua bao gồm những bộ phận được sản xuất bởi Metrol (nhà sản xuất cảm biến định vị chính xác ở Tachikawa, Tokyo), Oriental Motor (nhà sản xuất động cơ chính xác nhỏ ở Tokyo) và nhà sản xuất máy công cụ lớn ở tỉnh Aichi của Nhật Bản. Công ty 5G Thâm Quyến cũng được cho là đã mua linh kiện có sẵn từ các công ty Trung Quốc khác.

    Công ty 5G Thâm Quyến gửi những bộ phận này cho nhà sản xuất vũ khí Belarus SALEO và Phòng thí nghiệm công nghệ phụ gia LLC (LLC Laboratory of Additive Technologies). Tất cả các đơn vị này đều nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ của ông Lukashenko. Ví dụ vào tháng Năm năm nay, các linh kiện cảm biến do Metrol của Nhật Bản sản xuất đã được xuất khẩu sang sang công ty SALEO với giá 16.035 nhân dân tệ (tương đương 2.228 USD) một chiếc.

    Theo ông Uladzimir Zhyhar, đại diện nhóm đối lập Belpol của Belarus, những bộ phận này được gửi đến nhà sản xuất xe tăng UralVagonZavod của Nga để sử dụng trong sản xuất T-72, T-90 và các xe tăng chủ lực khác của Nga.

    Nhưng Metrol, nhà sản xuất cảm biến định vị chính xác ở Tachikawa, Tokyo, nói với Nikkei rằng công ty chưa bao giờ làm việc trực tiếp với Công ty 5G Thâm Quyến. Công ty cho biết sẽ yêu cầu khách hàng không bán lại cảm biến của mình cho 5G Thâm Quyến và có thể ngừng cung cấp nếu khách hàng từ chối hợp tác.

    Oriental Motor nói với Nikkei rằng họ không có giao dịch trực tiếp với Công ty 5G Thâm Quyến và cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ luật kiểm soát xuất khẩu”.

    Tính đến thứ Năm, cả 5G Thâm Quyến và công ty SALEO của Belarus đều chưa hồi đáp các câu hỏi của Nikkei.

    Đĩa từ mã hóa Đài Loan

    Tài liệu do Belpol, một nhóm đối lập bên ngoài Belarus cung cấp, cũng cho thấy Phòng thí nghiệm LLC đã bắt đầu mua đĩa mã hóa trực tiếp từ nhà sản xuất dụng cụ chính xác Đài Loan Attoptic vào năm 2022.

    Bộ mã hóa này được sử dụng trong tầm nhìn toàn cảnh trên xe tăng T-72 và các xe tăng khác. Công ty Peleng của Nga, bị Mỹ và Anh trừng phạt, đã mua được 600 bộ mã hóa từ Đài Loan với giá 108.864 Euro (117.818 USD).

    Phòng thí nghiệm LLC đã 4 lần cố gắng chuyển tiền cho Công ty Attoptic của Đài Loan, nhưng mọi nỗ lực đều bị chặn do lệnh trừng phạt của Mỹ. Công ty đã nhiều lần thông báo bằng văn bản cho công ty Peleng của Nga về việc giao hàng chậm trễ, nói rằng “gặp khó khăn trong việc thanh toán các bộ phận do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Thanh toán qua ngân hàng nước ngoài và trực tiếp đến Đài Loan đều bị chặn”.

    Lỗ hổng Georgia

    Cuối cùng, LLC Labs đã lách các lệnh trừng phạt và chuyển tiền thông qua một tổ chức tài chính ở Georgia vào tháng 6/2023. Tháng tiếp theo, đĩa từ cũng được gửi từ Đài Loan đến Phòng thí nghiệm LLC qua Georgia.

    Georgia, giáp biên giới với Nga và không tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, được cho là điểm nóng của việc phá bỏ các lệnh trừng phạt. LLC Labs được cho là đang sử dụng Georgia làm kênh trung gian thanh toán và hậu cần.

    Báo cáo cho biết Đài Loan đã đạt được thỏa thuận với nhóm G7 để áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại với Nga và Belarus. Nhưng đại diện Cục Quản lý Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan nói với Nikkei: “Về cơ bản, các đĩa mã hóa và các công ty phòng thí nghiệm LLC này không nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu. Vì vậy, họ không vi phạm lệnh trừng phạt Nga”.

    Đại diện này cho biết thêm, phạm vi hạn chế của Đài Loan đối với việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Nga phù hợp với quy định của các đồng minh như Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Nhật Bản. Nếu các đồng minh quốc tế thêm LLC vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của họ trong tương lai, “chúng tôi sẽ cấm các nhà sản xuất Đài Loan xuất khẩu cho công ty này”.

    Người phát ngôn của Attoptic Đài Loan từ chối bình luận. Người phát ngôn của Phòng thí nghiệm LLC phủ nhận việc công ty có giao dịch trực tiếp với Công ty Attoptic của Đài Loan và cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với một tổ chức Trung Quốc”.

    Nikkei lưu ý rằng chính quyền Mỹ và Anh gần đây đã biết rằng 5G Thâm Quyến được sử dụng để lách các lệnh trừng phạt và công ty có thể sớm bị hạn chế. Nhưng vì Nga chắc chắn sẽ thành lập thêm một công ty giả mạo khác ở nước thứ ba nên việc đóng cửa các tuyến cung cấp đối với tất cả các sản phẩm công nghệ cao bị hạn chế sẽ là điều vô cùng khó khăn.

    Chứng khoán toàn cầu lên cao kỷ lục

    Nhìn đâu cũng thấy các sàn chứng khoán đua nhau phá kỷ lục. Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 1 trước khi tăng cao hơn nữa lên trên 5.000 điểm vào thứ Năm tuần trước, khi Nvidia công bố kết quả ngoạn mục. Cùng ngày, STOXX 600 của châu Âu cũng lập kỷ lục của riêng mình. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản phá mức cao nhất trước đó được thiết lập vào năm 1989.

    Cuộc bùng nổ này là sự kết hợp của kỳ vọng vào tiềm năng biến đổi nền kinh tế toàn cầu của AI cũng như việc các ngân hàng trung ương sẽ sớm giảm lãi suất. Cả hai đều có thể xảy ra. Các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã bắt đầu thử nghiệm các công cụ và kỹ thuật AI, trong khi lạm phát toàn cầu dường như đang đi xuống, từ đó kéo lãi suất xuống theo. Nhưng nếu AI và các ngân hàng trung ương bắt đầu gây thất vọng thì định giá hiện tại của các mã sẽ rất cao.

    Châu Âu tổ chức thượng đỉnh về Ukraine

    Giữa những lo ngại về tâm lý mệt mỏi chiến tranh, các nhà lãnh đạo châu Âu và các nước đồng minh sẽ đến cung điện Elysée ở Paris vào thứ Hai để dự hội nghị thượng đỉnh về viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong số những người tham dự có thủ tướng Đức Olaf Scholz và ngoại trưởng Anh David Cameron. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lập luận về một “bước thay đổi” trong việc hỗ trợ Ukraine. Pháp muốn có phối hợp tốt hơn khi cung cấp các loại vũ khí khác nhau của các nước và thảo luận về cách huy động thêm tiền mặt cũng như tăng sản lượng vũ khí. Pháp hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ cho tổng thống Nga Vladimir Putin thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine không hề suy giảm.

    Sáng kiến này sẽ được hoan nghênh. Nhưng ông Macron vẫn cần thuyết phục một số người rằng bản thân Pháp đã làm đủ. Trong thỏa thuận quốc phòng song phương gần đây với Ukraine, được ký trong tháng 2, Pháp đã hứa chi 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) trong năm 2024. Con số này tương đương với 2,5 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ USD) mà Anh đã cam kết trong thỏa thuận song phương gần đây, nhưng chưa bằng một nửa so với thỏa thuận quốc phòng song phương trị giá 7,1 tỷ euro của Đức với Ukraine.

    Một vụ kiện quan trọng chờ Toà Tối cao Mỹ phán quyết

    Vào thứ Hai, tòa án tối cao Hoa Kỳ sẽ xem xét liệu các bang có thể ra lệnh cho các công ty truyền thông xã hội kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của họ hay không. NetChoice, công ty vận động hành lang cho những trang như X (trước đây là Twitter), Facebook và YouTube, sẽ cố gắng thuyết phục các thẩm phán bãi bỏ luật ở Florida và Texas vốn quy định cách các MXH quản lý bài đăng. Hai luật trên được thông qua vào năm 2021 trước cáo buộc các MXH phân biệt đối xử những tiếng nói bảo thủ và (theo cách nói của phó thống đốc bang Florida) thúc đẩy một “diễn ngôn cánh tả cực đoan.”

    NetChoice lập luận rằng MXH cũng như các tờ báo, có quyền rõ ràng theo Tu Chính án thứ Nhất để tự quyết định bài nào được xuất bản trên trang của họ. Song Florida và Texas phản đối rằng Facebook và X giống “các nhà cung cấp dịch vụ chung” hơn, mà bằng cách kinh doanh với tất cả người dùng, họ phải “mở cửa một cách công bằng cho tất cả mọi người.” Nhờ có cùng một cách giải thích về quyền tự do ngôn luận, Paul Clement, một luật sư bảo thủ nổi tiếng, và Elizabeth Prelogar, tổng luật sư của tổng thống Joe Biden, sẽ hợp lực để tranh luận chống lại hai luật ở Florida và Texas.

    Hôm nay Hungary bỏ phiếu về đơn gia nhập NATO của Thuỵ Điển

    Đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển vào tháng 5 năm 2022 lẽ ra đã được chấp thuận, nhưng lại bị cản trở bởi hai quốc gia thành viên vốn phản đối những lời chỉ trích của Thụy Điển về nền dân chủ của họ: Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển vào tháng 1. Thứ Hai này sẽ đến lượt quốc hội Hungary.

    Máy bay chiến đấu xuất hiện trong cả hai quyết định. Mỹ đã bán cho Thổ Nhĩ Kỳ một lô hàng F-16 mới sau khi họ chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập. Và trong chuyến thăm Budapest vào ngày 23 tháng 2, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã đồng ý cho không quân Hungary thuê thêm 4 chiếc Saab Gripens, từ 14 chiếc hiện tại. Nhưng chính trị quan trọng hơn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phần còn lại của NATO và Liên minh châu Âu sau khi ông liên tục từ chối viện trợ cho Ukraine và tăng trừng phạt lên Nga. Một cơ quan nghiên cứu của chính phủ cho biết, bằng cách cứng rắn với Thụy Điển, Hungary đã cho thấy nước này có thể theo đuổi một “chính sách đối ngoại độc lập.” Nga và Trung Quốc chắc chắn hài lòng.

    FBI: Vụ i-Soon cho thấy hoạt động gián điệp mạng của TQ lớn nhất thế giới

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/id14186946-5d1248710793b5dbff40a-768x576-1-768x480.jpeg

    Công ty TNHH Công nghệ Thông tin i-Soon Tứ Xuyên lạc tại Tòa nhà B, Cuifeng International, số 366 Đường Bách Thảo, Khu Công nghệ cao mới phía Tây, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. (Ảnh: Weibo i-Soon) 

    Vụ rò rỉ thông tin nội bộ của Công ty Công nghệ Thông tin i-Soon Trung Quốc tiếp tục thu hút sự chú ý. Một báo cáo của AFP ngày 23/2 trích dẫn phân tích của FBI Mỹ, chỉ ra rằng vụ rò rỉ này cung cấp một thông tin cho thấy quy mô hack máy tính của Trung Quốc lớn nhất thế giới.

    Một lượng lớn thông tin nội bộ được cho là của i-Soon, một công ty công nghệ thông tin Trung Quốc, hôm 16/2 bất ngờ xuất hiện trên GitHub, nền tảng dịch vụ lưu trữ mã nguồn phần mềm trực tuyến. Sự việc này tiếp tục thu hút sự chú ý rộng rãi. Vụ rò rỉ được coi là phơi bày quy mô hoạt động tấn công mạng của Trung Quốc trên toàn thế giới. Sau lập trường thận trọng ban đầu, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin dường như bắt đầu nắm bắt được giá trị của thông tin này. Theo báo cáo của Hãng tin AFP từ Bắc Kinh vào ngày 23/2, thông tin rò rỉ được công bố trên nền tảng GitHub đã biến mất cùng ngày. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng dữ liệu này cung cấp một lượng thông tin khổng lồ về các hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc, cho thấy quy mô là lớn nhất thế giới.

    Thông tin bị rò rỉ bao gồm các khiếu nại của nhân viên về tiền lương, tin đồn giữa các nhân viên và thông tin về việc xâm nhập vào hệ thống thông tin của các cơ quan chính phủ nước ngoài. Có thể thấy, Công ty i-Soon đã xâm chiếm máy chủ email và trang web của các cơ quan chính phủ ở Kyrgyzstan, Thái Lan, Campuchia, Mông Cổ, Việt Nam và các quốc gia xung quanh Trung Quốc. Các nhân viên của công ty đã xác định Ấn Độ là mục tiêu xâm nhập chính và họ cũng đã chấm dứt thành công quyền truy cập vào một số trang web của trường đại học ở Hồng Kông và Đài Loan.

    Thông tin bị rò rỉ cũng cho thấy, công ty này không còn có thể mở dữ liệu chính phủ thu được trước đó từ Myanmar và Hàn Quốc.

    Danh sách mục tiêu của công ty còn dài. Chính phủ Anh cũng nằm trong số các mục tiêu. Thông tin được truyền thông Pháp tiết lộ cho thấy Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po), một cơ sở giáo dục đại học ở Pháp chuyên đào tạo giới tinh hoa chính trị, cũng nằm trong số nạn nhân.

    Các mục tiêu trong nước của Trung Quốc bao gồm Tân Cương và Tây Tạng.

    Đánh giá từ những tiết lộ này, khách hàng của các hoạt động xâm nhập mạng này bao gồm cả sở cảnh sát địa phương và sở an ninh quốc gia ở Trung Quốc. Từ những dữ liệu bị rò rỉ này, cũng có thể thấy được hành vi mua bán thông tin có được thông qua việc xâm nhập máy tính.

    AFP báo cáo rằng dựa trên các cuộc trò chuyện giữa các nhân viên nội bộ của công ty, hoạt động kinh doanh chính của công ty là thiết kế Trojan và cấy phần mềm độc hại để xâm nhập hệ thống mục tiêu và lấy thông tin.

    Ảnh chụp màn hình của trang cho thấy một khách hàng đã yêu cầu dịch vụ để truy cập các hệ thống như văn phòng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ Ngoại giao và Văn phòng Thủ tướng của một quốc gia nào đó.

    Công ty cũng cung cấp cho khách hàng khả năng truy cập vào tài khoản Twitter trên mạng xã hội, lấy số điện thoại hoặc đánh cắp hồ sơ các cuộc trò chuyện riêng tư. Công ty này thậm chí còn tuyên bố có cách vượt qua các biện pháp bảo mật xác thực hai bước trên một số trang web.

    Ông Dakota Cary, chuyên gia an ninh mạng Trung Quốc tại công ty SentinelOne của Mỹ, cũng viết rằng vụ rò rỉ tiết lộ “hệ sinh thái gián điệp mạng của Trung Quốc đã trưởng thành”.

    Ông viết trong một bài đăng trên blog: “Nó thể hiện rõ ràng các yêu cầu nhắm mục tiêu của Chính phủ [Trung Quốc] đã thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà thầu độc lập trong thị trường hacker cho thuê như thế nào”.

    Cho đến nay, Công ty i-Soon vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ rò rỉ thông tin này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 22/2 rằng ông không biết về tình hình được đề cập và nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng “về nguyên tắc, Trung Quốc kiên quyết phản đối và trấn áp mọi hình thức tấn công mạng theo quy định của pháp luật.”

    Trang web của i-Soon không thể truy cập kể từ ngày 22/2. Theo thông tin trang web trước đó, công ty có trụ sở chính tại Thượng Hải và có văn phòng tại các nơi khác như Bắc Kinh, Thành Đô, v.v.

    Trí Đạt, theo RFI

    Israel tấn công sâu hơn vào Lebanon trong khi Hezbollah bắn hạ máy bay không người lái  

    26/02/2024 

    Reuters 

    Lính cứu hỏa làm nhiệm trong lúc khói bốc lên tại địa điểm bị không kích hôm 26/2, sau điều mà truyền thông nhà nước Lebanon cho biết là một loạt cuộc tấn công của Israel xung quanh Ghaziyeh trên bờ biển Lebanon.

    Lính cứu hỏa làm nhiệm trong lúc khói bốc lên tại địa điểm bị không kích hôm 26/2, sau điều mà truyền thông nhà nước Lebanon cho biết là một loạt cuộc tấn công của Israel xung quanh Ghaziyeh trên bờ biển Lebanon. 

    Israel hôm 26/2 tiến hành các cuộc không kích ở phía tây thành phố Baalbek của Lebanon, giết chết ít nhất hai thành viên Hezbollah, theo các nguồn tin ở Lebanon cho biết. Đây là cuộc tấn công sâu nhất vào Lebanon kể từ khi xung đột nổ ra với lực lượng được Iran hậu thuẫn vào tháng 10 năm ngoái. 

    Quân đội Israel cho biết họ đang tấn công các mục tiêu của Hezbollah ở sâu bên trong Lebanon nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Không có bình luận ngay lập tức từ Hezbollah. 

    Các cuộc tấn công xảy ra ở một khu vực cách thành phố Baalbek khoảng 18km, nơi được biết đến với những di tích cổ, một di sản thế giới được UNESCO công nhận. Là một phần của vùng Thung lũng Bekaa giáp biên giới Syria, khu vực này là thành trì chính trị của nhóm Hezbollah theo dòng Shi'ite. Các nguồn tin cho biết Israel đã cùng lúc thực hiện hai cuộc tấn công tại đây. 

    Đài truyền hình Lebanon Al-Jadeed đã phát sóng hình ảnh những đám khói bốc lên từ khu vực này. 

    Hezbollah đã tiến hành các cuộc tấn công vào các vị trí của Israel tại biên giới giữa Lebanon và Israel kể từ cuộc tấn công vào Israel do nhóm Hamas, đồng minh của Palestine, tiến hành ngày 7/10 trong cái mà nhóm này mô tả là một chiến dịch hỗ trợ người Palestine đang bị tấn công ở Dải Gaza. 

    Trước đó trong ngày 26/2, Hezbollah cho biết họ đã bắn hạ một máy bay không người lái Hermes 450 của Israel trên lãnh thổ Lebanon bằng tên lửa đất đối không. Đây là lần thứ hai họ tuyên bố bắn hạ loại máy bay không người lái này. 

    Quân đội Israel cho biết hai vụ phóng tên lửa đã nhắm vào một máy bay không người lái của Không lực Israel hoạt động trên bầu trời Lebanon. Họ cho biết quả tên lửa đầu tiên đã bị Hệ thống phòng không "David's Sling" của Israel đánh chặn nhưng chiếc máy bay không người lái "rơi vào lãnh thổ Lebanon" sau lần phóng thứ hai. 

    Các cuộc xung đột, chủ yếu diễn ra ở các khu vực gần biên giới Lebanon-Israel, đã được mở rộng vào tuần trước khi Israel tấn công một khu vực ngay phía nam thành phố ven biển Sidon. 

    Điều này đánh dấu tình trạng bạo lực tồi tệ nhất giữa Israel và Hezbollah kể từ cuộc chiến năm 2006. 

    Các cuộc tấn công của Israel kể từ tháng 10 đã giết chết khoảng 50 thường dân ở Lebanon, cùng với khoảng 200 chiến binh Hezbollah. 

    Các cuộc tấn công từ Lebanon vào Israel đã giết chết hàng chục binh sĩ Israel và 5 thường dân. 

    Bạo lực đã khiến hàng chục nghìn người ở cả hai bên biên giới phải rời bỏ nhà cửa. 

    Biển Đông: Hình ảnh vệ tinh tiết lộ hàng rào nổi chặn lối vào Bãi cạn Scarborough

    Bãi cạn Scarborough

    Nguồn hình ảnh, Maxar Technologies/Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Hình vệ tinh chụp Bãi cạn Scarborough

    Hình ảnh vệ tinh chụp Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông cho thấy một hàng rào nổi mới được dựng lên chặn lối vào khu vực này, gần nơi các tàu của Philippines và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên có các cuộc va chạm, theo nguồn tin độc quyền của Reuters. 

    Một trong những hình ảnh do Maxar Technologies chụp hôm 22/2 và Reuters được độc quyền xem cho thấy hàng rào này chắn ngang lối vào bãi cạn, nơi cảnh sát biển Trung Quốc tuần trước khẳng định họ đã xua đuổi một tàu Philippines ‘xâm nhập trái phép’ vào vùng biển mà Bắc Kinh nói của mình. 

    Philippines tuần trước vừa triển khai một tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản tới tuần tra ở bãi cạn và tiếp nhiên liệu cho ngư dân Philippines đang hoạt động ở khu vực này. Philippines nói rằng tuyên bố của Trung Quốc là ‘không chính xác’ và các hoạt động của Manila là hợp pháp. 

    Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough, dù bãi này nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines. Một tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye đã khẳng định rằng các tuyên bố của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý – một quyết định mà Bắc Kinh bác bỏ. 

    Hành động của Trung Quốc biến rạn san hô này thành một trong những thực thể trên biển gây tranh chấp nhất ở châu Á và trở thành điểm nóng ngoại giao về chủ quyền và quyền đánh bắt cá. 

    Bãi cạn Scarborough

    Nguồn hình ảnh, Maxar Technologies/Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Một hình ảnh khác của Bãi cạn Scarborough mà Maxar Technologies chụp được

    Các hình ảnh vệ tinh củng cố một báo cáo và video do Lực lượng Tuần duyên Philippines công bố hôm Chủ nhật (25/2) cho thấy hai tàu bơm hơi của cảnh sát biển Trung Quốc đang triển khai các hàng rào nổi tại lối vào bãi cạn. 

    Lực lượng Tuần duyên Philippines nói rằng một tàu của cảnh sát biển Trung Quốc đã theo dõi tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản Philippines, “tiến hành các biện pháp ngăn chặn” cách bãi cạn khoảng 1,3 hải lý (2,4 km) và tiếp cận rất gần bãi này.

    “Chúng tôi cho rằng (rào chắn) là dùng để nhắm vào các tàu của chính phủ Philippines vì họ lắp đặt nó mỗi khi họ giám sát sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực lân cận đảo Bajo de Masinloc,” Jay Tarriela, người phát ngôn của Tuần duyên Philippines, nói. 

    Bajo de Masinloc là tên Philippines dùng để gọi Bãi cạn Scarborough. 

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng "Hoàng Nham Đảo", tên mà Trung Quốc đặt cho bãi cạn này, là "lãnh thổ vốn có của Trung Quốc".

    Bà này nói: “Gần đây, phía Philippines đã thực hiện một loạt hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển gần bãi cạn này. Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của mình.”

    Một hình ảnh vệ tinh khác cho thấy hoạt động được mô tả là "có khả năng Trung Quốc đánh chặn tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản Philippines " tại Bãi cạn Scarborough.

    Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải có lượng hàng hóa lưu thông mỗi năm hơn 3.000 tỷ USD. 

    Yêu sách của nước này chồng chéo với yêu sách của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

    Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nhận định: “Những gì chúng ta đang thấy ở Bãi cạn Scarborough hiện nay có thể là sự khởi đầu cho việc Bắc Kinh đẩy lùi nỗ lực của Manila”.

    Ông nói, kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào tháng 6/2022, Philippines đã thách thức sự hiện diện của Trung Quốc tại Scarborough và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Bãi cạn Second Thomas.

    Ông Storey nói: “Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 đã trao cho ngư dân của cả hai nước quyền đánh bắt cá ở đó. Manila chỉ đơn thuần ủng hộ các quyền hợp pháp của ngư dân Philippines."

    Bãi cạn này được ưa chuộng nhờ nguồn cá dồi dào và màu nước ngọc lam tuyệt đẹp, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền khi có bão.

    Bà Tarriela cho biết người Trung Quốc đã dỡ bỏ rào cản vài giờ sau khi tàu của Philippines rời đi. Các bức ảnh không cho thấy rõ rào chắn chắc chắn đến mức nào và liệu nó có gây trở ngại cho các tàu chiến lớn hơn hay không.

    Trong một bài báo hôm Chủ nhật, tờ Global Times của Trung Quốc đăng bài viết trong đó nói rằng “Philippines đã lạm dụng và đơn phương phá hoại nền tảng thiện chí của Bắc Kinh đối với Manila” vốn cho phép ngư dân Philippines hoạt động gần đó, bằng cách xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.

    Bài báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng: “Nếu những hành động khiêu khích như vậy vẫn tiếp diễn, Trung Quốc có thể buộc phải thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để kiểm soát tình hình”.


    Không có nhận xét nào