Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 27 tháng 02 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    TT Biden họp với lãnh đạo hai viện Quốc Hội để giải tỏa gói viện trợ cho Ukraina

    Anh Vũ /RFI

    27/02/2024

    Tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm nay, 27/02/2024, có cuộc gặp làm việc tại Nhà Trắng với các lãnh đạo Hạ Viện của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa nhằm giải tỏa gói viện trợ cho Ukraina trị giá 60 tỷ đô la. 

    U.S. President Joe Biden, U.S. House of Representatives Democratic leader Hakeem Jeffries (D-NY) and U.S. House Speaker Mike Johnson (R-LA) attend the annual National Prayer Breakfast at the U.S. Capi

    Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo phe Dân Chủ tại Hạ Viện Hakeem Jeffries và chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, tại điện Capitol, Washington, ngày 01/02/2024. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN 

    Cho đến thời điểm hiện nay, chủ tịch Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hòa, Mile Johnson vẫn từ chối xem xét dự luật ngân sách dự trù các gói viện trợ mới cho Ukraina và Israel, cũng như ngân khoản cho cải cách chính sách nhập cư, đã được Thượng Viện phê chuẩn.

    Theo AFP, tổng thống Joe Biden tiếp ông Johnson cùng lãnh đạo phe Dân Chủ Hakeem Jeffries, chủ tịch Thượng Viện Chuck Schumer của phe Dân Chủ và Mitch McConnell bên phe Cộng Hòa.

    Cố vấn an ninh của Nhà Trắng, Jake Sullivan, hôm qua đã khẳng đinh trên kênh truyền hình Mỹ CNN rằng, đa số các dân biểu của cả hai đảng đã sẵn sàng thông qua nếu dự luật được trình và quyết định hiện nay đặt trên vai một người duy nhất là chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson.

    Bên ngoài nước Mỹ, Ukraina và các đồng minh khác đang rất mong đợi Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật tài chính vô cùng quan trọng này.

    Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski, đang công du Washington, hôm qua đã lên tiếng khẩn thiết kêu gọi “chủ tịch Hạ Viện Mỹ cho bỏ phiếu về gói viện trợ quân sự cho Ukraina”. 

    Do ảnh hưởng mạnh mẽ của cựu tổng thống Donald Trump, người có nhiều khả năng trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, một nhóm nghị sĩ của đảng Cộng Hòa, trong đó có ông Johnson, tìm cách chặn dự luật bằng cách đưa ra các đòi hỏi về cải cách chính sách nhập cư. Ông Trump đã không ít lần kêu gọi các nghị sĩ không duyệt “chi thêm một đồng nào” cho Ukraina.

    Các bất đồng sâu sắc giữa phe Dân Chủ và Cộng Hòa chủ yếu nằm trong cánh cứng rắn của đảng Cộng Hòa, vốn dĩ được cho là trung thành với Donald Trump.

    Gaza: TT Biden nói Israel sẵn sàng tạm dừng giao tranh, Hamas nói chưa đạt được thoả thuận 

    27/02/2024 

    Reuters 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. 

    Israel sẵn sàng tạm dừng các cuộc tấn công vào Gaza nhân tháng chay Ramadan của người Hồi giáo theo một lệnh ngừng bắn có thể được ký ngay trong tuần tới, Tổng thống Joe Biden cho biết, mặc dù các quan chức Hamas nói rằng phát ngôn của tổng thống Mỹ là quá sớm vì họ đang xem xét đề nghị đình chiến.

    Phát biểu của ông Biden, được ghi hình vào thứ Hai và phát đi sau nửa đêm vào thứ Ba, được đưa ra khi các nhà đàm phán đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận đình chiến kéo dài đầu tiên trong cuộc chiến đã xóa sổ Dải Gaza kể từ tháng 10 năm ngoái.

    “Sắp đến tháng Ramadan và người Israel đã đạt được thỏa thuận rằng họ sẽ không tham gia các hoạt động trong tháng Ramadan để cho chúng ta có thời gian đưa tất cả con tin ra ngoài”, ông Biden nói trên chương trình truyền hình “Late Night với Seth Meyers” của đài NBC.

    Trước đó vào thứ Hai, ông Biden nói ông hy vọng một thỏa thuận ngừng bắn sẽ được ký kết vào thứ Hai, ngày 4/3. Tháng Ramadan sẽ bắt đầu vào ngày 10/3.

    “Cố vấn an ninh quốc gia nói với tôi rằng họ gần đạt được. Họ đang tiến đến rất gần. Họ vẫn chưa xong. Tôi hy vọng vào thứ Hai tới, chúng ta sẽ có lệnh ngừng bắn”, ông Biden nói.

    Hamas đang xem xét một đề xuất đã được thống nhất tại cuộc họp ở Paris vào tuần trước giữa Israel, Mỹ và các nhà hòa giải từ Ai Cập và Qatar, nỗ lực lớn nhất nhằm đạt được lệnh ngừng bắn kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng sụp đổ sau một tuần hồi tháng 11.

    Hai quan chức cấp cao của Hamas nói phát biểu của ông Biden cho rằng thỏa thuận đã đạt được về nguyên tắc là quá sớm.

    “Vẫn còn những khoảng trống lớn cần được lấp đầy”, một quan chức Hamas nói với Reuters. “Các vấn đề chính và cơ bản của lệnh ngừng bắn và việc rút quân của Israel không được nêu rõ ràng, điều này làm trì hoãn việc đạt được thỏa thuận”.

    Một nguồn tin cấp cao thân cận với cuộc đàm phán nói với Reuters rằng dự thảo đề xuất gửi tới Hamas là về một lệnh ngừng bắn kéo dài 40 ngày, trong đó Hamas sẽ thả khoảng 40 con tin, bao gồm cả phụ nữ, những người dưới 19 hoặc trên 50 tuổi và người bệnh, để đổi lại khoảng 400 người Palestine đang bị giam giữ theo tỷ lệ 10:1.

    Israel sẽ tái bố trí quân đội bên ngoài các khu định cư. Cư dân Gaza, ngoài nam giới trong độ tuổi chiến đấu, sẽ được phép trở về nhà ở những khu vực đã sơ tán trước đó và viện trợ sẽ được tăng cường, bao gồm cả trang thiết bị khẩn cấp để làm nơi ở cho những người phải di tản.

    Nhưng đề xuất này dường như không đáp ứng được yêu cầu chính của Hamas trong các cuộc đàm phán trước đó rằng lệnh ngừng bắn bao gồm cam kết chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh và Israel phải rút quân.

    Đề xuất cũng không bao gồm việc thả các con tin Israel là binh lính hoặc những người đàn ông khỏe mạnh trong độ tuổi chiến đấu, hoặc yêu cầu của Hamas về việc trả tự do cho khoảng 1.500 người bị giam giữ.

    Các phái đoàn của Hamas và Israel đều có mặt tại Qatar trong tuần này để thảo luận chi tiết về lệnh ngừng bắn.

    Ông Biden nói với NBC rằng Israel có nguy cơ mất đi sự hỗ trợ quốc tế trừ khi thực hiện thêm các bước để bảo vệ thường dân. Israel đã đe dọa tấn công Rafah, thành phố cuối cùng ở rìa phía nam của Dải Gaza, nơi hơn một nửa trong số 2,3 triệu cư dân của nước này đang bị bao vây, hầu hết phải ngủ trong những căn lều tạm bợ hoặc các tòa nhà công cộng.

    “Có quá nhiều người vô tội đang bị giết. Và Israel đã chậm lại các cuộc tấn công ở Rafah”, ông Biden nói và cho biết thêm rằng Israel đã cam kết tạo điều kiện cho người Palestine sơ tán khỏi Rafah trước khi tăng cường chiến dịch ở đó.

    Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ đề nghị ngừng bắn trước đó của Hamas, trong đó yêu cầu tất cả các con tin được trả tự do, Israel rút quân khỏi Gaza và một thỏa thuận sẽ đạt được về chấm dứt chiến tranh.

    Phía Irsael nói rằng họ sẽ không dừng chiến tranh cho đến khi Hamas bị tiêu diệt.

    Hôm thứ Hai, ông Netanyahu lặp lại mô tả của ông về các yêu cầu của Hamas là “từ hành tinh khác” và nói rằng tuỳ nhóm này quyết định có chấp nhận lời đề nghị mới nhất của Israel hay không.

    Trên NBC, ông Biden nói rằng lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ khởi động quá trình để người Palestine có nhà nước riêng. Ông Netanyahu đã bác bỏ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập vì không phù hợp với yêu cầu của Israel trong việc kiểm soát an ninh toàn diện đối với toàn bộ vùng đất nằm giữa sông Jordan và Biển Địa Trung Hải.

    Đài Loan tố 5 tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần các đảo tiền tuyến 

    27/02/2024 

    Reuters 

    Tuần duyên Đài Loan kiểm tra một tàu bị lật gần đảo Kim Môn hôm 14/2/2024 (Taiwan Coast Guard Administration via AP).

    Tuần duyên Đài Loan kiểm tra một tàu bị lật gần đảo Kim Môn hôm 14/2/2024 (Taiwan Coast Guard Administration via AP). 

    5 tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào các vùng biển bị cấm hoặc bị hạn chế xung quanh đảo tiền tuyến Kim Môn của Đài Loan hôm thứ Hai 26/2 nhưng đã rời đi ngay sau khi bị xua đuổi, một bộ trưởng Đài Loan cho biết hôm thứ Ba 27/2 trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng với Bắc Kinh.

    Lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong tháng này đã bắt đầu tuần tra đều đặn quanh quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát, gần bờ biển Trung Quốc, sau khi hai công dân Trung Quốc thiệt mạng trong lúc họ cố chạy trốn lực lượng tuần duyên Đài Loan vì trước đó tàu của họ đi vào vùng biển cấm.

    Kuan Bi-ling, người đứng đầu Hội đồng Đại dương Sự vụ của Đài Loan, cơ quan điều hành lực lượng tuần duyên, nói với các phóng viên tại quốc hội rằng các tàu Trung Quốc đã rời khỏi khu vực ngay sau khi lực lượng tuần duyên Đài Loan yêu cầu họ rời đi.

    Bà nói: “Ý nghĩa chính trị rất lớn, đó là một hình thức tuyên bố chủ quyền”.

    Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ bất chấp việc bị hòn đảo này bác bỏ. Đài Loan gần đây cảnh giác với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng áp lực lên Đài Bắc sau khi ông Lai Ching-te được bầu làm tổng thống vào tháng trước. Bắc Kinh coi ông Lai là nhân vật ly khai.

    Đài Loan có một doanh trại quân đội lớn ở Kim Môn, nơi từng xảy ra giao tranh thường xuyên trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng lực lượng tuần duyên của Đài Loan vẫn tuần tra vùng biển của họ.

    Bộ Quốc phòng Đài Loan tuần trước nói rằng họ sẽ không tăng cường lực lượng trên các hòn đảo gần Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Mã Tổ không xa Kim Môn.

    Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng, cũng phát biểu tại quốc hội rằng ông hy vọng những gì đang xảy ra xung quanh Kim Môn sẽ không leo thang và sẽ được "xử lý êm thấm".

    Ông nói: “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ tình huống chiến sự nào xảy ra”.

    Kim Môn cách hai thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc một khoảng ngắn nếu đi bằng tàu thuyền. Đài Bắc đã kiểm soát đảo này kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bại trận chạy sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi thua trong cuộc nội chiến với những người cộng sản của Mao Trạch Đông. Phe cộng sản đã thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

    Tổng thống Pháp: ‘Không loại trừ’ việc đưa quân phương Tây vào Ukraine trong tương lai 

    27/02/2024 

    AP 

    Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại hội nghị về trợ giúp cho Ukraine, diễn ra ở Paris, Pháp, 26/2/2024.

    Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại hội nghị về trợ giúp cho Ukraine, diễn ra ở Paris, Pháp, 26/2/2024. 

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói hôm thứ Hai 26/2 rằng " không loại trừ" việc đưa các binh sĩ phương Tây tới Ukraine trong tương lai sau khi vấn đề này được đem ra tranh luận tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris, vào lúc cuộc xâm lược toàn diện của Nga bước sang năm thứ ba.

    Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu rằng “chúng tôi sẽ làm mọi điều cần thiết để Nga không thể thắng trong cuộc chiến” sau khi ông tham gia cuộc họp với hơn 20 nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các chính phủ châu Âu và các quan chức phương Tây khác.

    “Ngày hôm nay, không có sự đồng thuận về việc đưa binh sĩ đến thực địa một cách chính thức và được phê duyệt. Nhưng xét về mặt diễn biến, không thể loại trừ được điều gì”, ông Macron nói trong cuộc họp báo tại Điện Elysee tức dinh tổng thống.

    Ông Macron không đưa ra thông tin chi tiết về những quốc gia nào đang cân nhắc việc đưa quân đến.

    Tham gia cuộc họp gồm có Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và các nhà lãnh đạo từ các quốc gia vùng Baltic. Hoa Kỳ cử đại diện là nhà ngoại giao hàng đầu của họ ở châu Âu, James O’Brien, và Vương quốc Anh cử Ngoại trưởng David Cameron.

    Ông Duda cho biết cuộc thảo luận sôi nổi nhất là về việc có nên đưa quân tới Ukraine hay không và “đã không có sự nhất trí nào về vấn đề này. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc này nhưng không có quyết định nào cả”.

    Tổng thống Ba Lan nói ông hy vọng rằng “trong tương lai gần nhất, chúng tôi sẽ có thể cùng nhau chuẩn bị những lô đạn dược đáng kể để chuyển tới Ukraine. Đây là điều quan trọng nhất bây giờ. Đó là những gì Ukraine thực sự cần”.

    Ông Macron trước đó đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu đảm bảo “an ninh tập thể” cho lục địa này bằng cách trợ giúp một cách vững chắc cho Ukraine trước những cuộc tấn công mạnh hơn của Nga trên chiến trường trong những tháng gần đây.

    Ông Macron nêu lên sự cần thiết phải củng cố an ninh để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga vào các quốc gia khác trong tương lai. Estonia, Lithuania và Latvia cũng như Ba Lan rộng lớn hơn nhiều đã bị xem là nằm trong số những mục tiêu có thể của chủ nghĩa bành trướng của Nga trong tương lai. Cả 4 quốc gia đều kiên định ủng hộ Ukraine.

    Ngoại trưởng Estonia hồi đầu tháng này nói rằng NATO có khoảng 3 hoặc 4 năm để tăng cường khả năng phòng thủ.

    Phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi các nhà lãnh đạo họp ở Paris “hãy đảm bảo rằng Putin không thể phá hủy những thành tựu của chúng ta và không thể mở rộng cuộc xâm lược của ông ta sang các quốc gia khác”.

    Những quan chức tham gia cuộc họp cho biết một số nước châu Âu, bao gồm cả Pháp, bày tỏ ủng hộ sáng kiến do Cộng hòa Séc đưa ra về việc mua đạn dược và đạn pháo bên ngoài EU.

    Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho hay nước ông quyết định cung cấp hơn 100 triệu euro cho mục đích đó.

    Ngoài ra, một liên minh mới sẽ được thành lập để tiếp tục “huy động” các quốc gia có khả năng cung cấp tên lửa tầm trung và tầm xa, ông Macron nói, sau khi Pháp đã tuyên bố hồi tháng trước về việc cung cấp thêm 40 tên lửa hành trình tầm xa Scalp.

    NATO : Thụy Điển xây dựng một trung tâm quân sự quy mô lớn tại Ostersund

    Minh Anh /RFI

    27/02/2024


    Rào cản cuối cùng cho việc Thụy Điển gia nhập NATO đã được dỡ bỏ. Nghị Viện Hungary hôm 26/02/2024 đã phê chuẩn đơn xin gia nhập Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương sau hơn một năm rưỡi chờ đợi. 

    (Ảnh minh họa) - Các binh sĩ Mỹ đến Östersund, Thụy Điển, nhân cuộc thao dợt ngày 17/04/2023.

    (Ảnh minh họa) - Các binh sĩ Mỹ đến Östersund, Thụy Điển, nhân cuộc thao dợt ngày 17/04/2023. AP - Pontus Lundahl 

    Là quốc gia vốn có truyền thống phi liên kết, Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO ngay sau cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga bùng phát, một quyết định đã được 60% người dân Thụy Điển ủng hộ.

    Nếu như còn phải tiến hành một vài thủ tục để có thể chính thức là thành viên thứ 32 của khối, thì quốc gia Bắc Âu này đã xem xét lại các kế hoạch phòng thủ sao cho phù hợp với nhu cầu của NATO. Một ví dụ là thành phố nhỏ bé Östersund, ở miền trung, trở thành một trung tâm quân sự của quân đồng minh.

    Phóng sự của thông tín viên đài RFI, Carlotta Morteo :

    « Từ bắc xuống nam, từ tây qua đông, tất cả các chuyến tàu đều dẫn đến Östersund, giao lộ đường sắt và đường bộ càng quan trọng hơn bởi vì ở phía bên kia những ngọn núi phủ đầy tuyết là thành phố Trondheim của Na Uy.

    Erik Essen, điều phối viên quân sự thành phố, giải thích : "Cảng biển không bị đóng băng của Trondheim là cửa ngõ vào khu vực Bắc Âu cho NATO. Đây là nơi đặt các kho chứa khổng lồ (của NATO), thủy quân lục chiến Mỹ và là trụ sở của không quân Na Uy."

    Thách thức đặt ra là phải nhanh chóng hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng để cho phép vận chuyển xe tăng và hàng trăm ngàn binh sĩ về phía Bắc Cực, Phần Lan, thậm chí các nước vùng Baltic.

    Thị trưởng Niklas Daoson của thành phố Östersund tự hỏi : "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga thắng Ukraina ? Sau đó Nga sẽ làm gì ? Liệu họ có sẽ tấn công phương Tây hay không ? Cách nay 5 năm, không ai tin rằng Thụy Điển sẽ có thể bị cuốn vào chiến tranh. Giờ thì điều đó là có thể lắm, chúng có thể xảy ra. Do vậy, cần phải sử dụng thời gian còn lại để xây dựng lại hệ thống phòng thủ đáng tin cậy cho đất nước và với tư cách là thành viên của NATO."

    Thụy Điển không phải lo sợ một cuộc tấn công trực tiếp, nhưng Matxcơva một ngày nào đó sẽ trắc nghiệm tính bền vững của Liên Minh tại các nước láng giềng. Thụy Điển chuẩn bị cho khả năng trở thành một mắc xích hậu cần trung tâm cho chiến lược phòng thủ sườn đông - bắc của NATO. »

    Tuần tra chống bắt cá phi pháp, tuần duyên Mỹ ‘đổ bộ’ qua tàu cá Trung Quốc 

    27/02/2024 

    Reuters 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden, giữa, nói chuyện với Tổng thống Kiribati Taneti Maamau, phải, và Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown, trái, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo các Đảo quốc Thái Bình Dương, ở Tòa Bạch Ốc ngày 25/9/2023.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden, giữa, nói chuyện với Tổng thống Kiribati Taneti Maamau, phải, và Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown, trái, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo các Đảo quốc Thái Bình Dương, ở Tòa Bạch Ốc ngày 25/9/2023. 

    Tuần duyên Mỹ và cảnh sát Kiribati tháng này ‘đổ bộ’ qua hai tàu đánh cá Trung Quốc trong một cuộc tuần tra chống đánh bắt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của quốc đảo Thái Bình Dương này nhưng không phát hiện vấn đề gì trên tàu, một quan chức tuần duyên cho biết.

    Hoa Kỳ đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn cho lực lượng tuần duyên của mình trong việc giúp các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương xa xôi giám sát hàng triệu km đại dương - một ngư trường cá ngừ phong phú - một động thái giúp tăng cường giám sát khi sự cạnh tranh với Trung Quốc về quan hệ an ninh trong khu vực ngày càng gia tăng.

    Reuters đưa tin hôm 23/2 rằng cảnh sát Trung Quốc đang làm việc tại Kiribati, với các sĩ quan mặc đồng phục tham gia vào hoạt động trị an cộng đồng và chương trình cơ sở dữ liệu tội phạm.

    Kiribati, một quốc gia với 115.000 dân, được coi là chiến lược dù có diện tích nhỏ vì nó tương đối gần Hawaii và kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế rộng 3,5 triệu km vuông. Đây cũng là nơi đặt trạm theo dõi vệ tinh của Nhật Bản.

    Washington đã lên kế hoạch xây toà đại sứ ở Kiribati để cạnh tranh với Trung Quốc nhưng vẫn chưa thực hiện.

    Một phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ tại Guam cho biết, các sĩ quan cảnh sát Kiribati đã tuần tra cùng Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ lần đầu tiên sau gần một thập niên, từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 2.

    Phát ngôn viên nói trong một bình luận gửi qua email: “Lực lượng tuần duyên bước lên hai tàu đánh cá treo cờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) trong khuôn khổ hoạt động thực thi pháp luật hàng hải thường lệ nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định trong Vùng đặc quyền kinh tế Kiribati”.

    Bà cho biết không có mối lo ngại nào được báo cáo trong quá trình lên tàu.

    Bà nói thêm: “Các hai sĩ quan Kiribati từ Đơn vị Cảnh sát Hàng hải Kiribati và các sĩ quan Tuần duyên Hoa Kỳ đều tham gia vào các chiến dịch này. Sự hợp tác này nhấn mạnh mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia trong việc duy trì luật hàng hải và quản trị tốt”.

    Văn phòng tổng thống Kiribati và toà đại sứ Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

    Trung Quốc đã xây dựng một toà đại sứ lớn trên đảo chính Tarawa sau khi Kiribati chuyển quan hệ từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019.

    Thủ tướng Slovakia: Một số nước phương Tây cân nhắc thỏa thuận song phương đưa quân tới Ukraine 

    27/02/2024 

    Reuters 

    Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói ông sẽ không gởi binh lính đến Ukraine.

    Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói ông sẽ không gởi binh lính đến Ukraine. 

    Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 26/2 cho biết, một số thành viên NATO và Liên hiệp châu Âu đang cân nhắc việc gửi binh sĩ tới Ukraine trên cơ sở song phương.

    Ông Fico, người từ lâu đã phản đối việc cung cấp quân sự cho Ukraine và có quan điểm được một số nhà phê bình coi là thân Nga, không đưa ra thông tin chi tiết và các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng không bình luận ngay về thông tin ông đưa ra.

    Ông phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris hôm 26/2.

    “Tôi sẽ tự tiết chế, chỉ nói rằng những luận điểm này (để chuẩn bị cho cuộc họp ở Paris) ám chỉ một số quốc gia thành viên NATO và EU đang cân nhắc việc họ sẽ gửi quân tới Ukraine trên cơ sở song phương,” ông Fico nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình sau cuộc họp với Hội đồng an ninh Slovakia.

    Ông nói: “Tôi không thể nói vì mục đích gì và họ sẽ làm gì ở đó”, đồng thời cho biết thêm rằng Slovakia, một thành viên của EU và NATO, sẽ không gửi binh lính đến Ukraine.

    Các thành viên NATO đã cung cấp hàng tỷ đô la vũ khí và đạn dược cho Kyiv và đang huấn luyện lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã nhấn mạnh rằng liên minh quân sự phương Tây muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga, điều có thể dẫn đến chiến tranh toàn cầu.

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm 14/2: “NATO hay các đồng minh NATO đều không tham gia vào cuộc xung đột”.

    NATO không bình luận ngay về phát biểu của ông Fico.

    Khi được hỏi về bình luận này, Thủ tướng Czech, Petr Fiala, nói: “Cộng hòa Czech chắc chắn không chuẩn bị gửi bất kỳ binh sĩ nào tới Ukraine, không ai phải lo lắng về điều đó”.

    Ông Fico cho biết ông nhận thấy nguy cơ xung đột leo thang lớn ở Ukraine và không thể tiết lộ thêm thông tin cho công chúng.

    Pháp nói khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả ông Fico, tập trung tại Paris ngày 26/2 để gửi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một thông điệp về quyết tâm của châu Âu đối với Ukraine và phản bác lại tuyên bố của Điện Kremlin rằng Nga chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện đã bước sang năm thứ ba.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời các nhà lãnh đạo châu Âu tới Điện Elysee để dự một cuộc họp làm việc được thông báo trong thời gian ngắn vì điều mà các cố vấn của ông nói là hành động gây hấn của Nga leo thang trong vài tuần qua.

    Ông Fico cho biết việc tổ chức cuộc họp cho thấy chiến lược của phương Tây đối với Ukraine đã thất bại. Ông nói ông sẽ tham gia với tinh thần xây dựng mặc dù tài liệu thảo luận khiến ông “lạnh xương sống”.

    Thụy Điển vượt qua rào cản cuối cùng để gia nhập NATO 

    27/02/2024 

    Reuters 

    Thủ tướng Thuỵ Điển Ulf Kristersson, trái, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban họp báo chung tại Budapest, Hungary, ngày 23/2/2024.

    Thủ tướng Thuỵ Điển Ulf Kristersson, trái, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban họp báo chung tại Budapest, Hungary, ngày 23/2/2024. 

    Quốc hội Hungary hôm 26/2 phê chuẩn việc gia nhập NATO của Thụy Điển, xóa bỏ rào cản cuối cùng trước bước đi lịch sử của quốc gia Bắc Âu có tính trung lập kéo dài qua hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc xung đột âm ỉ trong Chiến tranh Lạnh.

    Cuộc biểu quyết của Hungary đã chấm dứt nhiều tháng trì hoãn trong việc hoàn thành thay đổi chính sách an ninh của Thụy Điển và diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm 23/2, trong đó hai nước đã ký một thỏa thuận vũ khí.

    Ông Kristersson nói trong một cuộc họp báo: “Thụy Điển đang bỏ lại phía sau 200 năm trung lập và không liên kết quân sự”.

    “Chúng tôi gia nhập NATO để bảo vệ bản sắc của chúng tôi và mọi thứ chúng tôi tin tưởng thậm chí còn tốt hơn nữa. Chúng tôi đang bảo vệ quyền tự do, nền dân chủ và các giá trị của mình cùng với những nước khác.”

    Chính phủ của Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, đối mặt với áp lực từ các đồng minh NATO để phải chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập liên minh NATO.

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngay lập tức hoan nghênh động thái của Hungary. Ông nói trên X: “Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”.

    Stockholm đã từ bỏ chính sách không liên kết để có được sự an toàn cao hơn trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine từ năm 2022.

    Với việc Thụy Điển theo chân Phần Lan gia nhập NATO, Tổng thống Vladimir Putin gặp đúng điều mà ông tìm cách ngăn chặn khi phát động cuộc chiến ở Ukraine: sự mở rộng của liên minh NATO, theo các nhà lãnh đạo phương Tây.

    Ông Kristersson nói: “Khi nói đến Nga, điều duy nhất chúng tôi có thể dự kiến là họ sẽ không thích việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO”. “Ngoài ra, họ còn làm gì thì chúng tôi không thể biết. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi thứ.”

    Sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, quốc gia không có chiến tranh kể từ năm 1814, là sự mở rộng đáng kể nhất của liên minh kể từ khi NATO tiến vào Đông Âu vào những năm 1990.

    Trong khi Thụy Điển đã tăng cường hợp tác với liên minh này trong những thập niên gần đây, góp phần vào các hoạt động ở những nơi như Afghanistan, tư cách thành viên của nước này được thiết lập để đơn giản hóa việc lập kế hoạch và hợp tác quốc phòng ở sườn phía bắc của NATO.

    Ông Robert Dalsjo, nhà phân tích cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ, cho biết: “NATO có được một thành viên nghiêm túc và có năng lực và điều này sẽ loại bỏ yếu tố bất ổn ở Bắc Âu”.

    “Thụy Điển đạt được an ninh trong đám đông các nước... được hỗ trợ bởi khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ.”

    Thụy Điển cũng đưa các nguồn lực như tàu ngầm tiên tiến phù hợp với điều kiện Biển Baltic và một phi đội máy bay chiến đấu Gripen sản xuất trong nước khá lớn vào liên minh. Nước này đang tăng chi tiêu quân sự và sẽ đạt ngưỡng 2% GDP của NATO trong năm nay.

    Đường dài đến phê chuẩn

    Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên làn sóng ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, đặc biệt khi nước láng giềng Phần Lan, nơi có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ, đã nhanh chóng gia nhập.

    Cô Josefine Wallbom, 23 tuổi, sinh viên khoa học chính trị, nói tại Stockholm: “Đó là một hành trình dài.” “Tôi và mọi người lúc đầu có thể hơi nghi ngờ, nhưng bây giờ tôi cảm thấy đó là quyết định đúng đắn.”

    Trong khi Phần Lan gia nhập NATO vào năm ngoái, Thụy Điển vẫn phải chờ đợi khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, cả hai đều duy trì mối quan hệ tốt hơn với Nga so với các thành viên khác trong liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu, đã đưa ra phản đối.

    Thổ Nhĩ Kỳ từ chối phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển và yêu cầu hành động cứng rắn hơn chống lại các phần tử hiếu chiến thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà họ cho rằng đã trú ẩn ở Thụy Điển.

    Thụy Điển đã thay đổi luật pháp và nới lỏng các quy định về bán vũ khí để xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Tayyip Erdogan cũng liên kết việc phê chuẩn với việc Mỹ chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, và Ankara hiện mong đợi Mỹ sẽ nỗ lực để đảm bảo sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ.

    Sự chậm trễ của Hungary về bản chất ít rõ ràng hơn khi Budapest chủ yếu bày tỏ sự khó chịu trước những lời chỉ trích của Thụy Điển về đường hướng dân chủ dưới thời thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc Orban hơn là bất kỳ yêu cầu cụ thể nào.

    Việc phê chuẩn của Hungary, được đa số các nhà lập pháp ủng hộ, giờ đây sẽ được chủ tịch quốc hội và tổng thống nước này ký trong vòng vài ngày tới. Sau đó, các thủ tục còn lại, chẳng hạn như nộp hồ sơ gia nhập tại Washington, có thể sẽ được hoàn tất nhanh chóng

    Công ty của Warren Buffett lãi hơn 96 tỷ USD, lập kỷ lục tiền mặt 167 tỷ USD

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/gdfgrt5.jpg

    Tỷ phú Warren Buffett.(Ảnh: Kent Sievers/ Shutterstock) 

    Nhờ hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực bảo hiểm và thu nhập đầu tư tăng cao, lợi nhuận quý 4/2023 của công ty tỷ phú Warren Buffett tăng 30%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lãi ròng cả năm đạt 96,223 tỷ USD, đồng thời dự trữ tiền mặt tăng vọt lên mức kỷ lục 167,6 tỷ USD.

    Theo báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2023 do ‘gã khổng lồ’ Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett công bố vào thứ Bảy (24/2), lợi nhuận ròng trong quý 4/2023 của công ty đạt 37,574 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 18,08 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Con số này bao gồm 29,09 tỷ USD thu nhập trên giấy tờ từ danh mục đầu tư chứng khoán trị giá khoảng 350 tỷ USD và thu nhập từ cổ phiếu chủ yếu từ Apple (mảng đầu tư lớn nhất chiếm khoảng một nửa tổng giá trị danh mục đầu tư của công ty). Trong cả năm, công ty Berkshire đạt lợi nhuận ròng 96,223 tỷ USD, trong khi vào năm ngoái chịu khoản lỗ ròng 22,759 tỷ USD vào giai đoạn chứng khoán sụt mạnh.

    Đánh giá về lượng cổ phiếu nắm giữ, Berkshire tiết lộ khoảng 79% giá trị hợp lý (fair value) của danh mục đầu tư tập trung vào 5 công ty là Apple (174,3 tỷ USD), Bank of America (34,8 tỷ USD), American Express (28,4 tỷ USD), Coca- Cola (23,6 tỷ USD) và Chevron (18,8 tỷ USD).

    Berkshire nhấn mạnh trong báo cáo tài chính rằng công ty không quan trọng lợi nhuận ngắn hạn từ đầu tư, mà tập trung vào giá trị dài hạn và hiệu suất của các đầu tư của họ.

    Về các khoản đầu tư trong tương lai, ông Buffett đã chỉ ra trong lá thư thường niên gửi các cổ đông được công bố hôm thứ Bảy rằng hiện ở Mỹ “chỉ một số công ty có thể thực sự thúc đẩy sự phát triển của Berkshire”, còn bên ngoài nước Mỹ “về cơ bản không có nhiều cơ hội hoặc lựa chọn đáng chú ý”.

    Vì khó tìm kiếm các mục tiêu đầu tư hấp dẫn, dự trữ tiền mặt của Berkshire đã tăng lên mức kỷ lục 167,6 tỷ USD trong quý 4/2023.

    Những năm gần đây, công ty Berkshire đã đẩy mạnh tốc độ mua lại các công ty khác, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm được những thương vụ lớn phù hợp, khiến lượng tồn tiền mặt của công ty nhiều hơn mức có thể triển khai nhanh chóng.

    Ông Buffett nói trong thư gửi cổ đông: “Hoạt động kinh doanh bảo hiểm của chúng tôi hoạt động tốt trong năm ngoái, lập kỷ lục về doanh thu, vốn lưu động và lợi nhuận bảo lãnh phát hành. Chúng tôi có dư địa đáng kể để tăng trưởng”.

    Sau khi áp dụng cách tiếp cận chờ đợi trong thời kỳ đại dịch COVID-19, gần đây ông Buffett đã mua cổ phiếu của công ty dầu khí phương tây Occidental Petroleum Corp, đồng thời đạt được thỏa thuận mua lại Alleghany Corp với giá 11,6 tỷ USD. Vào năm ngoái ông cũng tăng lượng nắm giữ tại 5 công ty thương mại Nhật Bản sau khi lợi nhuận của họ tăng vọt, một động thái đẩy cổ phiếu của họ lên cao hơn.

    Do thiếu các công ty M&A hấp dẫn, vào năm 2023 tỷ phú này tiếp tục dựa vào việc mua lại cổ phiếu để thưởng cho cổ đông. Trong quý 4/2023, công ty đã chi 2,2 tỷ USD cho hoạt động mua lại, nâng tổng giá trị hoạt động này cả năm lên khoảng 9,2 tỷ USD.

    Thu nhập của Berkshire được xem như “chỉ số về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ” nên luôn được theo dõi chặt. Các khoản đầu tư của công ty này bao gồm từ công ty đường sắt BNSF, công ty bảo hiểm Geico và chuỗi cửa hàng kem Dairy Queen cho đến các tiện ích và năng lượng.

    Đồng thời, công ty này cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, việc lãi suất tăng sẽ làm giảm nhu cầu. Ông Buffett cảnh báo vào tháng 5/2023 rằng “thời kỳ (tăng trưởng) đáng kinh ngạc” của nền kinh tế Mỹ sắp kết thúc, dự kiến thu nhập năm 2023 của hầu hết hoạt động kinh doanh tại nước Mỹ sẽ giảm.

    Thứ Bảy cũng là lần đầu tiên Berkshire công bố báo cáo tài chính kể từ khi đối tác đầu tư lâu năm của ông Buffett là Charlie Munger qua đời. Trong thư, Buffett một lần nữa ca ngợi Munger vì những đóng góp xuất sắc của ông trong việc tạo dựng nên một công ty kinh doanh khổng lồ.

    Ông Buffett cho biết trong thư rằng theo nguyên tắc kế toán được áp dụng phổ biến của Mỹ (GAAP), Berkshire hiện là công ty có giá trị ròng cao nhất trong số các công ty Mỹ, khả năng sẽ còn vượt xa. Ông cho hay: “Thu nhập hoạt động kỷ lục và thị trường chứng khoán mạnh mẽ đã khiến con số cuối năm đạt 561 tỷ USD. Tổng tài sản ròng GAAP của 499 công ty S&P khác (đại diện cho các công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của Mỹ) vào năm 2022 là 8.900 tỷ USD”.

    Theo Lâm Yên, Epoch Times

    Hoa Kỳ - Chủ tịch đảng Cộng hòa sẽ từ chức sau sức ép từ ông Trump

    Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) Ronna McDaniel tại Miami, Florida, hồi tháng 11/2023. Ảnh: Reuters

    Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) Ronna McDaniel tại Miami, Florida, hồi tháng 11/2023. Ảnh: Reuters 

    Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa McDaniel thông báo sẽ từ chức sau nhiều tuần chịu áp lực từ dư luận vì chọc giận cựu tổng thống Trump.

    “Thật vinh dự khi được phụng sự Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) trong 7 năm trên cương vị chủ tịch, để giúp các đảng viên chiến thắng và phát triển đảng ta. Tôi đã quyết định từ chức vào ngày 8/3 để cho phép người được đảng ta đề cử bầu chọn chức chủ tịch theo ý họ”, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) Ronna McDaniel thông báo ngày 26/2.

    Bà McDaniel nói thêm trong lịch sử, RNC đã trải qua thay đổi khi tìm được ứng viên đại diện đảng và bà luôn có ý định đề cao truyền thống đó.

    Quyết định từ chức của bà McDaniel không bất ngờ. Bà được cho là đã lên kế hoạch làm vậy sau cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Nam Carolina. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người nhiều khả năng trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa, đã ủng hộ cố vấn trưởng RNC Michael Whatley lên làm chủ tịch.

    Đồng chủ tịch RNC Drew McKissick cùng ngày cũng thông báo sẽ từ chức vào tháng sau. Cựu tổng thống Trump đã ủng hộ con dâu Lara Trump đảm đương vị trí này.

    Bà McDaniel, 50 tuổi, lần đầu trở thành chủ tịch RNC với sự ủng hộ của ông Trump vào năm 2017 và đã 4 lần tái đắc cử. Tuy nhiên, mối quan hệ của bà và cựu tổng thống Mỹ gần đây căng thẳng khi ông Trump muốn RNC hủy các cuộc tranh luận sơ bộ của đảng, song bà McDaniel bác bỏ.

    RNC đóng vai trò quan trọng trong kêu gọi gây quỹ cho đại diện đảng Cộng hòa, quảng bá thông điệp của đảng, huy động các nguồn lực và thu hút cử tri.

    Cựu tổng thống Trump đã thắng bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa ở các bang Iowa, New Hampshire, Nevada và Nam Carolina. Trong các cuộc thăm dò tại những bang sắp diễn ra bầu cử sơ bộ, ông Trump cũng bỏ xa cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.

    FDA cảnh báo việc đo lượng đường trong máu bằng đồng hồ

    Nguyên Lee/SGN

    26/02/2024

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/02/26-dong-ho-thong-minh-Andres-Urena-Unsplash.jpg

    (minh họa: Andres Urena/Unsplash) 

    Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo đồng hồ thông minh và nhẫn đo lượng đường trong máu cho mục đích y tế, có thể nguy hiểm, mọi người không nên sử dụng.

    Cơ quan này cho biết cảnh báo này áp dụng cho bất kỳ đồng hồ thông minh hoặc nhẫn, bất kể nhãn hiệu nào, không dùng kim chích mà vẫn đưa ra chỉ số về lượng đường trong máu. FDA cho biết họ chưa cấp phép cho bất kỳ thiết bị nào như vậy.

    Thông báo của cơ quan này không áp dụng cho các ứng dụng đồng hồ thông minh được liên kết với cảm biến, chẳng hạn như hệ thống theo dõi đường huyết liên tục đo trực tiếp lượng đường trong máu.

    Khoảng 37 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh không thể điều chỉnh lượng đường trong máu một cách hiệu quả vì cơ thể họ không sản xuất đủ lượng hormone insulin hoặc họ trở nên kháng insulin.

    Để kiểm soát tình trạng này, họ phải thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu bằng xét nghiệm máu, lấy từ đầu ngón tay hoặc bằng cảm biến đặt kim ngay dưới da để theo dõi lượng đường liên tục.

    Tiến sĩ Robert Gabbay, thuộc Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) cho biết, việc sử dụng đồng hồ thông minh và các thiết bị nhẫn thông minh không được phê duyệt có thể dẫn đến kết quả đo lượng đường trong máu không chính xác, gây ra những hậu quả tàn khốc, ông dùng từ “potentially devastating.”

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/3-12-thu-tieu-duong-Unsplash.jpg

    Người bị tiểu đường phải đo đường huyết mỗi ngày. (minh họa: Unsplash) 

    Điều đó có thể khiến bệnh nhân dùng sai liều lượng thuốc, dẫn đến lượng đường trong máu ở mức nguy hiểm, gây rối loạn tâm thần, hôn mê, thậm chí tử vong.

    Tiến sĩ David Klonoff, người đã nghiên cứu công nghệ bệnh tiểu đường trong 25 năm, cho biết: Một số công ty đang nghiên cứu các thiết bị không cần dùng tim chích, để đo lượng đường trong máu, nhưng chưa có công ty nào tạo ra sản phẩm đủ chính xác và an toàn để được FDA chấp thuận.

    Klonoff, thuộc Trung tâm Y tế Sutter Health Mills-Peninsula ở San Mateo, California, cho biết công nghệ cho phép đồng hồ thông minh và nhẫn đo các số liệu như nhịp tim và lượng oxy trong máu không đủ chính xác để đo lượng đường trong máu.

    Những nỗ lực đo lượng đường trong máu trong chất dịch cơ thể như nước mắt, mồ hôi và nước bọt cũng chưa thể tin cậy.

     Trong khi đó, người tiêu dùng muốn đo lượng đường trong máu của mình một cách chính xác, có thể mua máy đo đường huyết được FDA chứng nhận tại bất kỳ hiệu thuốc nào. “Nếu FDA chấp thuận thì rủi ro rất nhỏ. Còn nếu bạn sử dụng một sản phẩm không được FDA cho phép, thì rủi ro thường rất lớn,” Klonoff nói. Theo AP.


    Không có nhận xét nào