Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 13 tháng 02 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Thượng viện Mỹ tiến gần tới việc thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine 

    13/02/2024 

    Reuters 

    Điện Capitol vào tối 9/2/2024.

    Điện Capitol vào tối 9/2/2024. 

    Thượng viện Hoa Kỳ với đảng Dân chủ nắm quyền lãnh đạo đã dọn đường hôm thứ Hai 12/2 cho việc thông qua gói viện trợ trị giá 95,34 tỷ đô la cho Ukraine, Israel và Đài Loan, giữa lúc mối hoài nghi ngày càng tăng lên về số phận của dự luật này tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

    Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 66 thuận-33 chống, nhiều hơn so với mức 60 phiếu thuận cần thiết, để dỡ đi rào cản thủ tục cuối cùng và hạn chế việc tranh luận về dự luật trong 30 giờ cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu thông qua có thể diễn ra vào ngày 14/2.

    Nhưng mọi việc có thể chuyển động nhanh hơn. Các phụ tá cho biết những người chống đạo luật này bên đảng Cộng hòa dự kiến sẽ lên tiếng phản đối nó tại Thượng viện trong đêm 12/2. Một động thái như vậy có thể cho phép Lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Chuck Schumer tiến hành việc bỏ phiếu thông qua chung cuộc vào sáng 13/2.

    Nhưng việc thông qua ở Thượng viện sẽ chỉ đưa dự luật đi tiếp tới Hạ viện. Ở đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson từng nói rằng khối đa số bên đảng Cộng hòa của ông tại Hạ viện muốn rằng luật về viện trợ phải bao gồm cả các điều khoản theo đường lối bảo thủ để giải quyết vấn đề dòng người di cư qua biên giới Mỹ-Mexico.

    Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe Biden đã thúc giục Quốc hội nhanh chóng cung cấp viện trợ mới cho Ukraine và các đối tác của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan, trong nhiều tháng. Sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel, ông cũng yêu cầu tài trợ cho nước đồng minh của Hoa Kỳ, cùng với viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza.

    Các quan chức Ukraine đã cảnh báo về tình trạng thiếu vũ khí vào thời điểm Nga đang dấn tới với các cuộc tấn công mới.

    Nhưng để trở thành luật, dự luật phải được cả Hạ viện lẫn Thượng viện thông qua, trong khi Hạ viện chưa thông qua bất kỳ khoản viện trợ lớn nào cho Ukraine kể từ khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1/2023.

    Trong nhiều tháng, đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh rằng bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cho Israel và Ukraine cũng phải giải quyết vấn đề có quá nhiều người di cư đến biên giới Mỹ-Mexico.

    Hoa Kỳ : Các dân biểu thân Trump tiếp tục phản bác dự luật viện trợ cho Ukraina

    Anh Vũ /RFI

    13/02/2024

    Những người ủng hộ viện trợ cho Ukraina tiếp tục thất bại. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, tối ngày 12/02/2024, đã khẳng định văn kiện đạt được thỏa thuận tại Thượng Viện dự trù gói viện trợ 60 tỷ đô la viện trợ cho Ukraina sẽ không được xem xét tại Hạ Viện. 

    Speaker of the House Rep. Mike Johnson, R-La., speaks during a news conference on Capitol Hill in Washington, Tuesday, Feb. 6, 2024.

    Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson trong một buổi họp báo tại Quốc Hội, Đồi Capitol, Washington, ngày 06/02/2024. AP - Jose Luis Magana 

    Dự luật liên quan đến viện trợ cho Ukraina mà Thượng Viện chấp nhận đã được chuyển sang Hạ Viện cùng ngày để xem xét, trước khi các thượng nghị sĩ chính thức thông qua, rồi Hạ Viện bỏ phiếu lần cuối.

    Tối hôm qua, Mike Johnson, lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Hạ Viện, một người được cho là trung thành với Donald Trump, ra thông cáo, tỏ thất vọng : « Dự luật về viện trợ cho các nước của Thượng Viện vẫn không nói gi về vấn đề khẩn cấp nhất mà đất nước đang đối mặt ».

    Ý ông chủ tịch Hạ Viện muốn nói đến cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới Mỹ - Mêhicô. Phe Cộng Hòa vẫn giữ lập trường là chỉ thông qua gói viện trợ cho Ukraina, nếu chính quyền Joe Biden cứng rắn hơn trong chính sách nhập cư.

    Ông Mike Johnson quả quyết sẽ không xem xét dự luật tại Hạ Viện khi văn bản thiếu các điều khoản liên quan đến việc thay đổi chính sách nhập cư.

    Cũng như nhiều nghị sĩ  Cộng Hòa, chủ tịch Hạ Viện theo các chỉ đạo từ xa của Donald Trump. Hôm thứ Bảy, 10/02, ông Trump tuyên bố, Hoa Kỳ phải « chấm dứt đưa tiền mà không hy vọng được hoàn lại ».

    Từ nhiều tháng qua, đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa đã bất hòa sâu sắc tại Quốc Hội Mỹ về vấn đề viện trợ cho đồng minh Ukraina tiếp tục cuộc kháng chiến chống Nga.

    Tại Hạ Viện, phe Dân Chủ ủng hộ khoản viện trợ này. Trong khi đó, đảng Cộng Hòa, chiếm đa số, bị chia rẽ giữa những người ủng hộ Ukraina với những thành phần thân Donald Trump kiên quyết phản đối viện trợ thêm cho Kiev.

    Viện trợ cho Ukraina trở thành đề tài trung tâm của cuộc vận động tranh cử giữa tổng thống Joe Biden, cựu tổng thống Donald Trump, hai ứng viên có nhiều khả năng sẽ lại đối đầu nhau trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. 

    Ai Cập điều xe tăng đến biên giới Gaza

    Ai Cập điều xe tăng đến biên giới Gaza

    Người dân đứng xung quanh các miệng hố do cuộc bắn phá của Israel gây ra ở Rafah, phía nam Dải Gaza vào ngày 12/2/2024. (Ảnh: SAID KHATIB/AFP via Getty Images) 

    Reuters ngày 11/2 dẫn nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết 40 xe tăng, xe bọc thép chở quân được triển khai đến biên giới đông bắc bán đảo Sinai hai tuần qua, trong nỗ lực tăng cường an ninh biên giới với Dải Gaza.

    Các nguồn tin cho biết hoạt động này được Ai Cập tiến hành trước khi quân đội Israel (IDF) mở rộng hoạt động quân sự xung quanh thành phố Rafah ở phía nam Gaza, nơi tiếp nhận một nửa dân số dải đất đổ về trú ẩn.

    Ai Cập cũng có thể đã xây dựng tường bê tông cao 6 mét, trên cùng có ba lớp dây thép gai. Hình ảnh từ Tổ chức Nhân quyền Sinai cho thấy quá trình xây dựng có thể bắt đầu từ tháng 12/2023, với nhiều công sự phía sau tường.

    Hình ảnh vệ tinh những tháng gần đây cũng cho thấy một số công trình quân sự mới được xây dựng dọc biên giới dài 13 km với Rafah.

    Hơn một nửa trong số 2,3 triệu dân tại Dải Gaza đã di tản tới thành phố Rafah giáp Ai Cập để tránh giao tranh tại các khu dân cư gần biên giới với Israel. Giới chức Ai Cập lo ngại nếu biên giới mất kiểm soát, quân đội nước này không thể ngăn được làn sóng người tị nạn đổ vào bán đảo Sinai.

    Trong cuộc phỏng vấn ngày 10/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố điều quân tấn công thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza, để xóa sổ các tiểu đoàn còn sót lại của Hamas ở đây là cần thiết để giành chiến thắng trong chiến dịch quân sự kéo dài hơn 4 tháng nhằm vào lực lượng này.

    Hai quan chức Ai Cập và một quan chức ngoại giao phương Tây ngày 11/2 cho biết nước này đe dọa đình chỉ Hiệp định Trại David nếu Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tấn công Rafah.

    Hiệp định Trại David là hiệp ước hòa bình mà Ai Cập và Israel ký tháng 9/1978, với Mỹ làm trung gian, được coi là nền tảng cho ổn định trong khu vực trong gần nửa thế kỷ qua.

    Kênh Aqsa thuộc Hamas ngày 11/2 dẫn lời quan chức cấp cao của nhóm cảnh báo “bất cứ chiến dịch tấn công nào của IDF nhằm vào thành phố Rafah sẽ thổi tung triển vọng đàm phán trao đổi con tin” với Israel. Các cuộc đàm phán này do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian.

    Kế hoạch tiến công thành phố Rafah của Israel vấp phải phản đối từ nhiều bên. Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), nhận định chiến dịch nhằm vào Rafah của IDF “sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo không thể tả xiết và căng thẳng nghiêm trọng với Ai Cập”.

    Mỹ, quốc gia ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất, cũng cảnh báo nguy cơ chiến dịch trên bộ của IDF nhằm vào Rafah lúc này “sẽ gây ra thảm họa cho dân thường”. Trong khi đó, IDF những ngày qua liên tục không kích Rafah, hoạt động được nhận định nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tiến công thành phố.

    Theo cơ quan y tế ở Dải Gaza, ít nhất 28.176 tại đây thiệt mạng và 67.784 người bị thương vì giao tranh, phần lớn trong số này là phụ nữ và trẻ em.

    Viên Minh (tổng hợp)

    Tình hình kinh tế vĩ mô của Anh

    Tuần này mang đến nhiều dữ liệu kinh tế vĩ mô của Anh. Thị trường và các nhà hoạch định chính sách sẽ theo dõi chặt chẽ, và dữ liệu sẽ quyết định ngân sách chính phủ cũng như bước đi tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) về lãi suất vào tháng 3.

    Đầu tiên là số liệu việc làm vào thứ ba. Cho tới nay thị trường lao động Anh cho thấy sức bền đáng kể bất chấp lãi suất cao và tăng trưởng yếu. Tỷ lệ thất nghiệp tăng trong mùa hè nhưng hiện đang ở gần mức thấp lịch sử. Bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp, BoE xem dữ liệu tiền lương như một chỉ số quan trọng để biết liệu Anh có thoát khỏi lạm phát chưa.

    Nhưng trọng tâm nhất của câu hỏi đó không đâu khác chính là số liệu lạm phát. Dữ liệu lạm phát tháng 1 sẽ được công bố vào thứ Tư. Lạm phát ở Anh tỏ ra dai dẳng hơn các nước giàu khác; nó đã giảm trong những tháng cuối năm 2023, nhưng rồi tăng phần nào trong tháng 12. Ngoài ra, dữ liệu GDP cho quý cuối năm 2023 cũng sẽ được công bố vào thứ Năm. Thị trường nhìn chung dự đoán tăng trưởng bằng không, phản ánh những con số gần đây ở châu Âu và đà phục hồi yếu ớt sau đại dịch của Anh.

    Một cuộc bầu cử hạ nghị sĩ khác thường ở Mỹ

    Các cuộc bầu cử đặc biệt thường ít thu hút sự chú ý, nhưng cuộc tranh cử vào thứ Ba ở khu vực bầu cử thứ ba của New York là một ngoại lệ. Kết quả từ khu vực này, vốn bao gồm các vùng của Queens (ở Thành phố New York) và Quận Nassau (trên Long Island), có thể sẽ dự báo kết quả của cuộc bầu cử tháng 11. Đây là ghế cũ của George Santos, nghị sĩ Cộng hòa đã bị trục xuất khỏi Quốc hội, và thường không ngả hẳn về bên nào. Năm 2020, Joe Biden thắng tại đây với cách biệt 10 điểm, nhưng ông Santos lại lật được ghế hạ nghị sĩ.

    Đảng Dân chủ đang kỳ vọng vào một cuộc trở lại. Nhưng thăm dò cho thấy hai ứng viên đang cạnh tranh nhau sít sao. Mazi Melesa Pilip, ứng cử viên của phe Cộng hòa, nói đối thủ Dân chủ Tom Suozzi của bà “đã mang cuộc khủng hoảng biên giới đến trước cửa nhà chúng ta.” Ông Suozzi, người giữ chức vụ này trong ba nhiệm kỳ trước khi từ chức để tranh cử thống đốc, gọi điều này là “vô lý.” Ronald Reagan từng nói: “Khi một đảng viên Cộng hòa chết và lên thiên đường, nó trông rất giống Quận Nassau.” Nếu thật vậy, đây chẳng khác nào địa ngục đối với đảng Dân chủ.

    Đối thoại căng thẳng giữa tổng thống và chính phủ Ba Lan

    Vào thứ Ba, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda sẽ triệu tập các bộ trưởng trong liên minh tự do của Donald Tusk – đúng hai tháng kể từ khi họ nhậm chức. Ông Duda, liên minh với đảng Luật pháp và Công lý (PiS), đã bất đồng với ông Tusk về động thái sa thải những người được PiS bổ nhiệm vào các tổ chức công. Tổng thống cáo buộc chính phủ mới vi phạm hiến pháp; ông đã trì hoãn phê chuẩn chính phủ suốt nhiều tuần và sau đó chặn một dự luật chi tiêu quan trọng. Ông Tusk đã tìm kiếm các giải pháp pháp lý để né tránh quyền phủ quyết của tổng thống.

    Ông Duda tuyên bố mục đích của cuộc họp hội đồng nội các vào thứ Ba là nhận thông tin về các dự án cơ sở hạ tầng. Chính phủ PiS theo chủ nghĩa dân túy đã sử dụng các dự án lớn để khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khoe khoang về khả năng tạo ra việc làm mới. Nhưng những người kế nhiệm chỉ trích thói chi tiêu lãng phí của họ, bao gồm 420 triệu USD để hoàn thành một kênh đào vận chuyển không nhiều giá trị vào năm 2022 và khoảng 50 tỷ USD dành cho một sân bay được coi là thuộc hàng lớn nhất châu Âu. Cuộc gặp gỡ có thể sẽ không giúp ích gì nhiều trong việc xây dựng những cầu nối – cả thực tế lẫn ẩn dụ.

    Trung Quốc và Philippines đụng độ ở Bãi cạn Scarborough

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/r_shutterstock_694668448-1024x683-1.jpeg

    Ảnh minh họa. Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở khu vực Đảo Điếu Ngư, chụp ngày19/5/2017. (Nguồn ảnh: Igor Grochev / Shutterstock)Philippines đã cáo buộc các tàu Trung Quốc mà họ gặp đã hành động một cách “nguy hiểm”. 

    Trung Quốc và Philippines đã đụng độ trong nhiệm vụ tuần tra kéo dài 9 ngày của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tại khu vực Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), một rạn san hô ngoài khơi bờ biển Philippines.

    Trong khi đó, người phát ngôn của Cảnh sát biển Trung Quốc tuyên bố, tàu Cảnh sát biển Philippines số 9701 “đã xâm phạm trái phép vào vùng biển tiếp giáp với đảo Hoàng Nham của Trung Quốc nhiều hơn một lần từ ngày 2 – 9/2”.

    Khi “các cảnh báo của Cảnh sát biển Trung Quốc không hiệu quả”, Cảnh sát biển Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp “kiểm soát tuyến đường và cưỡng bức sơ tán” đối với các tàu Philippines “theo luật pháp”, và xử lý tình huống tại hiện trường một cách “chuyên nghiệp và chuẩn mực”.

    Từ khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012, rạn san hô này đã trở thành điểm nóng trong cuộc xung đột giữa hai nước.

    Bắc Kinh đã triển khai các tàu tuần tra quanh bãi cạn Scarborough, còn Manila thì phàn nàn rằng họ quấy rối các tàu Philippines và ngăn cản ngư dân vào vùng đầm phá, nơi có nhiều cá hơn.

    Ngày 11/2, AFP đưa tin, tàu tuần tra đa chức năng BRP Teresa Magbanua của Philippines đã được triển khai tới Biển Đông hồi đầu tháng này, để tuần tra vùng biển xung quanh đảo Hoàng Nham.

    Ngày 11/2, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ra tuyên bố cho biết, trong quá trình tuần tra, tàu tuần duyên Trung Quốc đã chặn tàu Magbanua một cách nguy hiểm 4 lần trên biển, thậm chí còn đi ngang qua mũi tàu 2 lần.

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết, 4 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã “bám đuôi” tàu Magbanua hơn 40 lần. Lực lượng phòng vệ cũng quan sát cái mà họ mô tả là “4 tàu dân quân biển của Trung Quốc”.

    Cảnh sát biển Philippines tuyên bố, mặc dù vậy, họ đã liên lạc một cách chuyên nghiệp với các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và Dân quân biển Trung Quốc qua đài phát thanh, đồng thời nhắc lại rõ ràng các nguyên tắc và lập trường của Philippines phù hợp với luật pháp quốc tế.

    Do căng thẳng tại khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, trong vòng chưa đầy 3 tháng, Philippines và Mỹ đã tiến hành 3 cuộc tuần tra hàng hải chung và các hoạt động hợp tác hàng hải.

    Ngày 7/2, Hãng thông tấn CNA đưa tin, Philippines đang có kế hoạch tăng cường triển khai quân sự và cơ sở hạ tầng ở quần đảo Batanes, tỉnh cực bắc của đất nước và gần Đài Loan nhất, để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.

    Sau khi đến thăm một phân đội hải quân ở tỉnh Batanes, ngày 10/2, theo tuyên bố của Lực lượng vũ trang Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. cho biết, bắt đầu từ năm 2024, tốc độ hoạt động của Lực lượng vũ trang Philippines sẽ được cải thiện. Tỉnh Batanes hiện cũng đang xây dựng một căn cứ hải quân.

    Quần đảo Batanes cách Đài Loan khoảng 200 km. Theo tuyên bố của Lực lượng vũ trang Philippines đưa ra vào ngày 6/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Teodoro đã kêu gọi tăng thêm quân đồn trú, phát triển thêm các tòa nhà ở quần đảo Batanes, và mô tả khu vực này là tiên phong đường cơ sở của miền Bắc Philippines.

    Philippines và Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau ở Biển Đông giàu tài nguyên, nơi tàu thuyền của cả hai bên đã đụng độ trong những tháng gần đây. Bình luận của ông Teodoro nhấn mạnh những nỗ lực của Manila, nhằm tăng cường năng lực an ninh của nước này.

    Theo tuyên bố, chuyến thăm của ông Teodoro nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phòng thủ lãnh thổ, đảm bảo an ninh và toàn vẹn chung của đất nước. Tuyên bố không cung cấp chi tiết về kế hoạch.

    Hãng thông tấn CNA Đài Loan đưa tin, Philippines và Mỹ đã nối lại các hoạt động tuần tra chung vào tháng 11/2023.

    Ông Yaita Akio, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản, cho rằng cuối cùng Philippines đã nhận ra, “thân ĐCSTQ” không thể ngăn cản ĐCSTQ xâm phạm quyền hàng hải của Philippines.

    Bình Minh (t/h)

    Philippines cáo buộc Trung Quốc diễn tập nguy hiểm trên biển

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2024/02/chiana.jpg

    Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc chặn tàu Cảnh sát biển Philippines gần Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông gần đây. (Ảnh: AFP/Cảnh sát biển Philippines). 

    Ngày 11/2, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện các hoạt động nguy hiểm và gây cản trở việc đi lại của tàu của nước này tuần tra gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Manila cho biết trong một tuyên bố rằng trong cuộc tuần tra kéo dài 9 ngày gần bãi cạn này bằng tàu Teresa Magbanua dài 97 mét, 4 tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã tiến hành theo dõi chiếc tàu này hơn 40 lần.

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết 4 tàu dân quân biển Trung Quốc cũng có mặt gần bãi cạn này.

    Nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng bãi cạn Scarborough vẫn được Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Tranh chấp này khiến bãi cạn  trở thành một trong những thực thể biển có nhiều tranh chấp nhất ở châu Á và là điểm có  nguy cơ cao bùng phát vụ xung đột.

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết tàu của họ đang có mặt trong khu vực này, nơi vẫn được xem là ngư trường truyền thống của Philippines.

    Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi vận chuyển hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Các tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc chồng chéo lên các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei.

    Vào năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay cho biết những yêu sách trên của Trung Quốc ;là không có cơ sở pháp lý ,tuy nhiên Bắc Kinh đã bác bỏ những nội dung này.

    Liên Thành


    Không có nhận xét nào