Tác giả, Kelly Ng
BBC News, Singapore
27/02/2024
" Theo Chính phủ Thống nhất Quốc gia, tự xưng là chính phủ lưu vong của Myanmar, hơn 60% lãnh thổ Myanmar hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng kháng chiến.
“Bằng việc bắt đầu cưỡng bức tòng quân sau một loạt thất bại thảm hại và nhục nhã trước các tổ chức vũ trang người dân tộc, quân đội đang công khai chứng minh rằng họ đã trở nên tuyệt vọng đến mức nào,” Jason Tower, Giám đốc quốc gia phụ trách chương trình Miến Điện thuộc Viện Hòa bình Mỹ, cho biết.
Ông Tower dự đoán động thái này sẽ thất bại do sự phẫn nộ đối với chính quyền ngày càng tăng.
"Nhiều thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trốn sang các nước láng giềng, làm gia tăng các cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn trong khu vực. Điều này có thể dẫn đến sự thất vọng ngày càng gia tăng ở Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh, tất cả những người đang ở các quốc gia này có thể không ủng hộ cho chính quyền," ông nói".
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Người biểu tình tập trung trước Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan
Một vụ giẫm đạp khiến hai người chết bên ngoài văn phòng làm hộ chiếu, những đoàn người xếp hàng dài vô tận trước các đại sứ quán là những gì đang xảy ra ở Myanmar kể từ khi lệnh nhập ngũ bắt buộc được ban bố.
Chính phủ quân sự Myanmar đang phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng hiệu quả chống lại sự cai trị của họ và đã để mất nhiều khu vực rộng lớn của đất nước vào tay các nhóm kháng chiến có vũ trang.
Vào ngày 1/2/2021, quân đội Myanmar đã lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính, bỏ tù các nhà lãnh đạo được bầu và đẩy phần lớn đất nước vào một cuộc nội chiến đẫm máu vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Hàng ngàn người đã thiệt mạng và Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 2,6 triệu người phải chạy nạn. Những người Myanmar trẻ tuổi, nhiều người trong số đó đóng vai trò lãnh đạo hoạt động phản đối và chống lại chính quyền, giờ đây được thông báo rằng họ sẽ phải nhập ngũ và chiến đấu cho chế độ.
Nhiều người tin rằng đây là kết quả của những thất bại mà quân đội chính phủ hứng chịu trong những tháng gần đây, khi các nhóm chống chính phủ đoàn kết lại để đánh bại họ ở một số khu vực then chốt.
"Thật vô nghĩa khi phải phục vụ trong quân đội vào thời điểm này, bởi vì chúng tôi đang không chiến đấu với quân xâm lược nước ngoài. Chúng tôi đang đánh nhau. Nếu tòng quân, chúng tôi sẽ góp sức vào sự tàn bạo của họ", Robert, nhà hoạt động 24 tuổi, nói với BBC.
Thay vào đó, nhiều người trong số họ đang tìm cách rời khỏi đất nước.
“Tôi đến vào lúc 3 giờ 30 sáng [giờ địa phương] và lúc đó đã có khoảng 40 người xếp hàng lấy số để xin thị thực,” một cô gái trẻ tuổi chen vào đám đông lớn bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan ở Yangon hồi tháng Hai nhớ lại. Cô kể rằng chỉ sau một giờ, đám đông trước đại sứ quán đã lên tới hơn 300 người.
“Tôi sợ rằng nếu tôi chậm chân thì đại sứ quán sẽ ngưng xử lý thị thực trong bối cảnh hỗn loạn,” cô nói với BBC và cho biết thêm rằng một số người phải đợi ba ngày mới lấy được số xếp hàng.
Tại Mandalay, nơi xảy ra hai trường hợp tử vong bên ngoài văn phòng làm hộ chiếu, BBC nhận được tin cũng có những người bị thương nặng - một người gãy chân sau khi rơi xuống cống còn một người khác bị gãy răng, sáu người khác bị khó thở.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Dòng người xếp hàng bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan ở Yangon
Justine Chambers, nhà nghiên về Myanmar tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết chế độ tòng quân bắt buộc là một cách loại bỏ những thường dân trẻ đang lãnh đạo cuộc cách mạng.
“Chúng ta có thể phân tích luật nhập ngũ bắt buộc là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của quân đội Myanmar, nhưng cuối cùng luật này lại nhằm mục đích hủy hoại sinh mạng… Một số người sẽ tìm cách trốn thoát, nhưng nhiều người sẽ trở thành lá chắn sống chống lại đồng bào của chính họ,” bà nói.
Luật nghĩa vụ quân sự của Myanmar lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2010 nhưng mãi đến ngày 10/2/2024 mới được thi hành. Chính quyền quân sự cho biết họ sẽ bắt buộc tất cả nam giới từ 18-35 tuổi và nữ từ 18-27 tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ít nhất hai năm.
Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính phủ quân sự, cho biết trong một thông cáo rằng khoảng 1/4 trong số 56 triệu dân Myanmar đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự theo luật.
Chính quyền quân sự sau đó nói rằng họ không có kế hoạch đưa phụ nữ vào danh sách lính nghĩa vụ "trong thời điểm hiện tại" nhưng không nói rõ điều đó có nghĩa là gì.
Người phát ngôn của chính phủ quân đội nói với BBC News Miến Điện rằng việc tuyển quân sẽ bắt đầu sau lễ hội Thingyan đánh dấu năm mới của người Myanmar vào giữa tháng 4, với đợt đầu tiên là 5.000 người.
Thông báo của chế độ đã giáng một đòn nữa vào giới trẻ Myanmar.
Nhiều người đã bị gián đoạn việc học hành do cuộc đảo chính, khi các trường học phải đóng cửa vào thời cao điểm của đại dịch Covid-19.
Theo Liên đoàn Giáo viên Myanmar, vào năm 2021, chính quyền đã đình chỉ công tác của 145.000 giáo viên và nhân viên của các trường đại học vì ủng hộ phe đối lập, và một số trường học trong các khu vực do phe đối lập chiếm giữ đã bị tàn phá do giao tranh hoặc không kích.
Sau đó, có những người Myanmar đã vượt biên để tìm nơi ẩn náu, trong số đó có những người trẻ đang tìm việc làm để nuôi sống gia đình.
Phản ứng với luật nghĩa vụ quân sự, một số người đã nói trên mạng xã hội rằng họ sẽ đi tu hoặc kết hôn sớm để trốn lệnh tòng quân.
Chính quyền cho biết việc miễn nghĩa vụ quân sự vĩnh viễn được áp dụng với thành viên của các nhóm tôn giáo, phụ nữ đã kết hôn, người khuyết tật, những người được đánh giá là không phù hợp để phục vụ quân đội và "những người được hội đồng nghĩa vụ quân sự miễn trừ". Đối với những trường hợp khác, trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tù từ ba đến năm năm và phạt tiền.
Nhưng Robert nghi ngờ rằng chính quyền sẽ không minh bạch về những trường hợp miễn trừ. “Chính quyền có thể bắt giữ và bắt cóc bất cứ ai họ muốn. Không có luật pháp và họ không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai,” anh này nói.
Các gia đình giàu có trong xã hội đang cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài sinh sống - Thái Lan và Singapore là những lựa chọn phổ biến, nhưng một số gia đình thậm chí còn nhìn xa hơn, tới tận Iceland - với hy vọng rằng con cái họ sẽ có được thẻ thường trú hoặc có quốc tịch ở đó trước khi đến tuổi nhập ngũ.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Người dân Myanmar giẫm lên ảnh của lãnh đạo chính quyền quân sự, Tướng Min Aung Hlaing, vào ngày kỷ niệm 3 năm kể từ cuộc đảo chính
Có những người đã chọn gia nhập lực lượng kháng chiến, Aung Sett từ Liên đoàn Sinh viên Toàn Miến Điện, tổ chức có lịch sử chống lại sự cai trị của quân đội từ lâu, cho biết.
“Khi biết tin mình sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự, tôi thực sự thất vọng, đồng thời thấy xót xa cho người dân, nhất là những người còn trẻ như tôi. Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đã đăng ký tham gia đấu tranh chống lại chính quyền," chàng trai 23 tuổi nói với BBC từ nơi anh đang sống lưu vong.
Một số nhà quan sát cho rằng việc thực thi luật nghĩa vụ quân sự hiện nay cho thấy quyền lực của chính quyền quân sự đối với đất nước đang giảm dần.
Vào tháng 10 năm ngoái, chế độ này đã chịu thất bại nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đảo chính. Một liên minh các nhóm nổi dậy thuộc các nhóm dân tộc đã chiếm được hàng chục tiền đồn quân sự dọc biên giới với Ấn Độ và Trung Quốc. Chính quyền cũng đã mất nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn vào tay quân nổi dậy dọc biên giới Bangladesh và Ấn Độ.
Theo Chính phủ Thống nhất Quốc gia, tự xưng là chính phủ lưu vong của Myanmar, hơn 60% lãnh thổ Myanmar hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng kháng chiến.
“Bằng việc bắt đầu cưỡng bức tòng quân sau một loạt thất bại thảm hại và nhục nhã trước các tổ chức vũ trang người dân tộc, quân đội đang công khai chứng minh rằng họ đã trở nên tuyệt vọng đến mức nào,” Jason Tower, Giám đốc quốc gia phụ trách chương trình Miến Điện thuộc Viện Hòa bình Mỹ, cho biết.
Ông Tower dự đoán động thái này sẽ thất bại do sự phẫn nộ đối với chính quyền ngày càng tăng.
"Nhiều thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trốn sang các nước láng giềng, làm gia tăng các cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn trong khu vực. Điều này có thể dẫn đến sự thất vọng ngày càng gia tăng ở Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh, tất cả những người đang ở các quốc gia này có thể không ủng hộ cho chính quyền," ông nói.
Ngay cả khi quân đội tìm cách tăng quân số bằng vũ lực, điều này cũng sẽ không giải quyết được vấn đề sa sút tinh thần trong quân ngũ. Ông nói rằng việc huấn luyện lực lượng mới sẽ mất nhiều tháng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Myanmar đã bước sang năm thứ tư kể từ cuộc đảo chính
Chính quyền quân sự từ lâu đã thực hiện việc "tuyển quân cưỡng bức" ngay cả trước khi luật nghĩa vụ được ban hành, Ye Myo Hein, một thành viên tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson, cho biết.
“Luật pháp có lẽ chỉ đóng vai trò là bình phong cho việc ép buộc các tân binh vào quân đội. Với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, không có thời gian để chờ đợi quá trình tuyển mộ tân binh kéo dài và dần dần, thế là [các quan chức] khai thác pháp luật để nhanh chóng ép buộc mọi người phải nhập ngũ," ông nói.
Ngay cả đối với những người tìm cách trốn đi, nhiều người trong số họ sẽ mang theo vết thương và nỗi đau tinh thần trong suốt quãng đời còn lại.
“Việc này thực sự khó khăn đối với những người trẻ tuổi ở Myanmar, cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng tôi đã mất đi ước mơ, hy vọng và tuổi trẻ của mình. Mọi chuyện không thể giống như trước đây được nữa,” thủ lĩnh sinh viên Aung Sett nói.
"Ba năm trôi qua như không có gì. Chúng tôi đã mất đi bạn bè, đồng nghiệp trong cuộc chiến chống lại chính quyền và nhiều gia đình đã mất đi người thân. Đó là một cơn ác mộng đối với đất nước này. Chúng tôi đang chứng kiến những hành động tàn bạo do chính quyền quân sự gây ra mỗi ngày. Tôi không thể diễn tả bằng lời."
BBC News Miến Điện đưa tin bổ sung
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c510120yeeyo
Không có nhận xét nào