Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn*
06/02/2024
Một phụ nữ được đưa về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh từ tâm dịch COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 10/2/2020 (minh họa)
AFP
Chứ còn sao nữa? Mấy năm gần đây, kiều bào giận cụ kịch liệt. Ai bảo cụ qua đời hơn hai thế kỷ mà sấm truyền để lại chính xác đến từng chữ từng câu, ám vào đời các “kiều” đến sợ hãi.
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ “kiều” chữ “sứ” rõ là ghét nhau
Trải qua lắm cuộc …gì đâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì cái thói quan ông
Xưa nay hễ thấy hơi đồng là mê
Đời nàng Kiều xưa lênh đênh vạn dặm, xa lìa người thân, rơi vào đáy sâu cuộc đời, khi hy vọng tràn trề tin tưởng được cứu giúp thì nào ngờ gặp phải hết Mã Giám sinh, Tú bà, lại đến Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến. Đời các Kiều (bào) ngày nay, hết gặp phải các thể loại “sứ” thì đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Hết “Chuyến bay giải cứu” lại đụng phải các trại cách ly điều kiện ăn ở tệ hơn ký túc xá sinh viên nghèo nhưng hét giá phải cỡ khách sạn năm sao trở lên.
Năm 2022, khi dịch COVID-19 lên đỉnh điểm ở nhiều nước trên thế giới, Nhà nước Việt Nam có chủ trương giải cứu kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài về nước tránh dịch. Đây là chủ trương nhân đạo, nhưng phải phụ thuộc vào quyền phê duyệt của một số cơ quan, một số người cụ thể. Khiến (như thông lệ), doanh nghiệp tổ chức chuyến bay và kiều bào cần được giải cứu phải chạy rất nhiều tiền mới được tổ chức chuyến bay hoặc được mua vé về nhà.
Cách đây hơn 200 năm còn lộc cộc đi ngựa nhưng Nguyễn Du đã tiên đoán được sau này sẽ có các chuyến bay giải cứu:
Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Nhưng:
Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền
Từ Nhật Bản về Việt Nam trên chuyến bay giải cứu, bà bầu Hồng Hạnh (25 tuổi, quê Bắc Ninh) mua vé 20 triệu đồng, đắt gấp ba bình thường. Nhưng cô còn may, vì sinh viên Đức Trung (Hà Nội) phải chi đến 54 triệu đồng.
Phải mau may túi ba gang
Một phen này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa
Một đằng nhỏ giọt vé ra
Kiều bào kiều bọt ắt là đua nhau.
Hẳn vài chục triệu kém đâu
Vốn thì chẳng mất, còn đâu toàn lời.
Miếng ngon kề đến tận nơi
Không ăn còn bị chúng cười là ngu!
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật đã nhận tiền của một doanh nghiệp để giúp họ bán vé và đưa công dân về nước cách ly tại khách sạn của doanh nghiệp này luôn. Qua sáu chuyến bay, công ty này lãi 18 tỷ đồng, họ khai chia cựu đại sứ gần hai tỷ đồng.
Công dân Việt Nam mặc đồ bảo hộ đợi lên máy bay ở Singapore để về nước thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 hôm 7/8/2020 (minh họa). Reuters
Hồng Hạnh bị kẹt lại Nhật Bản khi dịch bùng phát năm 2021. Cô tự nhận là “lao động chui”, phải làm bốc vác trong công ty thực phẩm, lương từ 25 triệu-30 triệu đồng. Nhưng cô phải gửi về nhà phần lớn thu nhập, chỉ dám chi tiêu khoảng tám triệu đồng cho bản thân. Khi dịch lên cao điểm, hoạt động kinh tế ở Nhật bắt đầu tê liệt, Hạnh mất việc, không có tiền để dành, bị chủ trọ đuổi khỏi nhà. Cô vét túi mua vé đến một địa phương khác ở nhờ người thân rồi xin lên chùa để được cưu mang cơm ăn, chốn ở. Suốt nhiều ngày, cô mang tấm biển chỉ có chín chữ màu đỏ “Tôi đang mang thai, xin cho tôi về nước” đến chờ chực trước Đại sứ quán cùng với nhiều người khác,
Sự tình như khóc như than
Khiến người ngoài cuộc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng Việt Nam đồng
Quan tham cười tủm, người dân khóc òa.
Thế rồi bị phát hiện, điều tra, ra tòa:
Dưới tòa, còng mới mở ra
Chính danh thủ phạm tên là ... (một dây).
Thoạt trông liêm chính đủ đầy
Nào ngờ tham nhũng đã dầy bao năm.
Cựu giám đốc công ty Vijasun khai ông nhiều lần gặp khó khăn khi xin cấp phép các chuyến bay và bị ép phải đưa tiền.
Rằng: Xin giấy phép chuyến bay
Lót tay xin dạy cỡ dày mấy gang?
Quan rằng: Đáng giá ngàn vàng
Đầy người đứng cửa xếp hàng chờ xin.
Cò kè bớt chục thêm nghìn
Giờ lâu ngã giá cục tiền gãy chân.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, 32 lần nhận hối lộ 25 tỷ đồng của tám cá nhân đại diện doanh nghiệp nhưng không nhớ nhận của ai, tiền đã tiêu hết nhưng cũng không nhớ đã tiêu vào việc gì:
Ngoại giao có một chị Lan
Nuốt 25 tỷ không màng nhớ tên.
Cùng trong một cánh làm tiền
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường
Chung lưng bóp nặn doanh thương
Quanh năm buôn nước… quỳnh tương đã rành!
(Quỳnh tương: nước bọt (châm biếm)
Đều là các quan chức cao cấp “phương diện quốc gia”, khi còn tại chức:
Nghênh ngang một cõi sơn hà
Thiếu gì doanh nghiệp, huống là người dân
Hoạnh tiền ai dám phân vân
Bao năm bóp nặn thành thần, thành ma.
Nhưng đến khi ra tòa, thì từ Thứ trưởng, Cục trưởng, Lãnh sự, Trưởng phòng… :
Xe công chở đến pháp đường
Mặt như chàm đổ, mình dường giẽ run
“Ăn năn” “xin lỗi” huyên thiên
Nào trên xin Đảng, dưới liền xin dân:
-Chúng em chẳng quản tấm thân
Một lòng vì nước vì dân nhiệt tình
Oan này thật khó thanh minh
Người ta cứ tự vác tiền đến cho
Mình không nhận, họ càng lo!
Khi bị chất vấn, vạch tội thì:
Phong lôi nổi trận bời bời
Nặng lòng xảo quyệt tính bài phân chia
Quyết ngay biện bạch một bề
Rằng valy đó chẳng hề đựng đô.
Từ ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Bộ trưởng Bộ Y tế đến bà Cục trưởng Cục lãnh sự đều lôi công lao thành tích chống dịch, thậm chí gia cảnh khó khăn mẹ già con dại, gia đình liệt sĩ… ra để xin giảm tội:
Trên vì nước, dưới vì nhà
(Một là đắc lợi, hai là đắc danh)
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nói doanh nghiệp xin gặp thì gặp để lắng nghe, giải quyết khó khăn. Khi doanh nghiệp hoàn thành chuyến bay thì đến gặp để báo cáo kết quả, họ đưa quà là quà cảm ơn thôi chứ không biết như thế là hối lộ. Có 21,5 tỷ chứ mấy!
Một chàng vừa trạc trung niên
Thông minh vầng trán đắt tiền áo khăn
Nghĩ rằng cũng mặt quan nhân
Ra tòa mới biết là thằng vô tri
Bộ to nắm chức nhất nhì
Ăn hối lộ chứ làm gì sai đâu!
Cựu Phó cục trưởng Cục quản lý Xuất nhập cảnh Trần Văn Dự nhận 7,6 tỷ đồng, tự bào chữa “Không ai nói với tôi đó là tiền hối lộ” “nhận hối lộ nhưng vô tình, không phải biết mà vẫn nhận. Cũng là số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước, không sao cả”. Quả là Sở Khanh tái thế:
Tiền trao, Dự gật gật đầu
Ta đây nào phải ai đâu mà rằng!
Tòa đà biết đến ta chăng
Thanh liêm chính trực ai bằng xưa nay!
Rằng hay thì thực là hay
(Không hay thì lại đổ ngay cho người!)
Cũng có chút ít hả dạ khi bọn tham quan dắt nhau vào lò:
Kiều bào từ lúc mở tòa
Ngồi xem chăm chú thật là vui thay
Bao nhiêu uất ức xưa rày
Hôm nay trả hận cũng đầy no gan
Khinh thay một lũ làm quan
Hút máu dân để làm tàn che thân!
Một hôm nào đó kiều bào được gọi là khúc ruột ngàn dặm ở xa tổ quốc. Nghe thật da diết yêu thương. Được đảng, chính phủ ca ngợi và đi thăm mỗi mùa xuân về. Nhưng chẳng khác gì với nàng Kiều, tình thâm nghĩa trọng đấy nhưng phu thê chỉ là tiếng hão. Những hạnh phúc thật sự của một cuộc đời phụ nữ bình thường, Kiều chỉ có thể đứng bên nhìn. Còn chính bản thân Kiều, thâm tình với Kim Trọng chỉ còn:
Khi chén rượu, lúc cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Hóa ra Kiều nào cũng thế, cuộc tình với người cũ bề ngoài rực rỡ đầy hoan hỉ nhưng bên trong trống rỗng.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
Không có nhận xét nào