Khi gió chướng thổi…
Lê Đại Trí – Gió Tết
Theo KTNN
08/08/2018
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam Việt Nam , vùng đất này còn được gọi là vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây Nam bộ hoặc nói ngắn gọn là miền Tây thì người bình dân cũng có thể hiểu được.
Về hành chính, miền Tây Nam bộ gồm có 12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, và một thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ. Về địa hình, miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với nhiều kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc.
Nguồn nước dẫn chủ yếu cho các sông ngòi ở đây là từ sông Cửu Long, tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam. Một số ngọn núi thấp xuất hiện ở vùng Thất Sơn (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang) tạo nên một số hang động,…
Vùng duyên hải nhiều bãi bồi đang tiến dần ra biển, rừng ngập mặn chủ yếu là bần, đước, sú, vẹt, mắm, tràm mọc hoang tạo thành những thảm thực vật xanh thẳm. Xa khơi là một số đảo trải dài từ Tiền Giang bọc qua Cà Mau vòng lên Kiên Giang,…
Sự biến đổi của đất trời
Đây là vùng đất mưa thuận gió hòa, hiếm khi xảy ra tình trạng thiên tai lớn như giông bão, hạn hán. Một năm thường có hai mùa. Theo Âm lịch mùa mưa bắt đầu vào đầu tháng 5, kéo dài cho đến nửa đầu tháng 10. Kinh nghiệm về thời tiết, dân gian còn để lại qua câu ca:
Ông tha bà không tha
Đánh cho một trận mùng Ba tháng Mười
Qua ngày ấy, coi như mùa nắng đã bắt đầu.
Thời khắc giao giữa hai mùa mưa – nắng xuất hiện những cơn gió chướng nhè nhẹ thổi. Theo thuật ngữ chuyên ngành địa lý học thì đây là gió đông bắc hay gió tín phong nhưng trong dân gian đã bao đời nay người ta quen gọi là gió chướng.
Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích rằng: Gió chướng là gió từ phía tây thổi lại, trái với quy luật thông thường của gió biển ở phía nam vịnh Bắc bộ.
Trong dân gian miền Tây Nam bộ, việc giải thích hiện tượng gió chướng không tương đồng với tài liệu mà chúng tôi vừa dẫn.
Nhiều bậc cao niên giải thích rằng tên gọi gió chướng là bắt nguồn từ hướng thổi đã thay đổi của nó. Bởi trước đó, ở vùng này gió thổi theo hướng tây nam và mang lại nhiều cơn mưa mùa tầm tả. Bây giờ, gió chướng thổi báo hiệu mùa mưa dần chấm dứt. Chướng là trái với lẽ thông thường, gây ra sự khác biệt. Gió thổi chướng đời là vậy!
Gắn liền với những cơn gió hiu hiu thổi vào sáng sớm là cái lành lạnh đặc trưng khi trời đất giao mùa. Hơn thế, gió chướng còn gắn liền với những nét sinh hoạt thú vị khác của người miền quê miền Tây Nam bộ.
Nghe gió chướng hiu hiu đi làm hầm bắt cá
Khi gió chướng thổi mạnh, mưa dần ngớt hẳn, miền Tây Nam bộ bắt đầu chuyển sang mùa nắng. Lúa cũng đã bắt đầu ngậm sữa, oằn bông, trĩu hạt. Nước trên ruộng bắt đầu cạn nhanh do nắng và gió, do chảy theo các lỗ mội xuống sông, rạch, ao đìa. Theo đó, cá cũng bắt đầu quay trở lại sông rạch để sinh sống qua mùa khô.
Thường thường, cá di chuyển theo một con đường mòn trũng thấp, có chút nước lấp xấp, hoặc có khi chúng lóc đi ngay trên cạn. “Lóc” nghĩa là con cá uốn công thân mình qua phải, qua trái thật nhanh, rồi dùng đầu và đuôi đập xuống đất để lấy trớn và trườn tới. Có lẽ cá lóc là loài cá “lóc” mau lẹ và giỏi nhứt nên mới có tên như vậy. Cá lóc chẳng những lóc trên mặt đất mà còn có thể nhảy qua một chướng ngại vật như là một bờ đất, một bờ mẫu. Kế cá lóc là cá rô, cá trê. Hai loại cá này cũng là bậc thầy về chuyện di chuyển như vậy.
Lợi dụng thói quen đó, người dân quê cũng bắt đầu vào vụ đào hầm bắt cá.
Dựa theo kinh nghiệm dân gian, người ta dựa theo các bờ mẫu ruộng, chọn vị trí mà cá có thể lóc, lội xuống ao đìa để đào hầm.
Có được chỗ thuận lợi, xế chiều người ta vác dá đi đào hầm. Hầm có thể đào theo hình chữ nhật rộng chừng 5-7 tấc, ngang chừng 3-4 tấc, hoặc khoét một lỗ tròn đường kính cỡ 4-5 tấc, có khi người ta chôn xuống đó cả khạp, hũ sành nhỏ. Xung quanh miệng hầm phải ngụy trang sình, bùn hay các dề cỏ giống như môi trường xung quanh để cá không phát hiện ra “bẫy” đang chờ chúng.
Làm hầm bắt cá
Khuya, sương xuống, cá cũng bắt đầu tìm đường đi, nghe mùi sình và hơi nước chúng sẽ hướng đến… và lọt vô hầm. Thành hầm cao nên chúng khó lòng phóng thoát khỏi. Con này lọt vô hầm quậy động, con khác nghe tiếng “rọt rẹt” lại tìm đến và cũng… lọt hầm. Chừng nửa đêm ngủ giật mình thức dậy, người ta đốt đèn đi thăm hầm. Nhiều khi quên thì để tới sáng cũng được. Có điều cá vô nhiều, có những con lớn chúng có thể nhảy thoát và tìm đường ra mương vũng gần đó.
Bắt cá xong, vét lại miệng hầm, nếu có nước vô thì tát cạn rồi chờ cho cá nhảy tiếp,… Một hầm có thể bất cá tới năm ba ngày như chơi!
Một nét đẹp văn hóa thời tự túc tự cấp còn lưu lại là người ta chỉ đi thăm hầm của mình, ít ai đến hầm người khác bắt trộm làm gì. Nhiều khi thấy hầm của người hàng xóm đào do non kinh nghiệm nên cá không nhảy, người được nhiều còn đem cho mấy con ăn lấy thảo nữa!
Làm hầm bắt cá
Có lẽ những con cá lóc, cá rô vừa ăn no nhụy lúa nên chúng vừa mập, vừa béo. Bắt con cá lóc nhảy đem nướng trui rồi ngắt miếng lá chuối để lên, tách đôi con cá ra, thịt trắng phau như bông bưởi, khói nóng bốc lên thơm phức, kèm với ít đọt rau rừng hái cạnh mé vườn, bờ ruộng, chấm muối ớt hoặc nước mắm chanh ớt, ăn không có gì ngon, mà lại tinh khiết cho bằng. Mùi bùn của ruộng cạn dường như đã thấm vào da thịt chúng, nên cá nhảy hầm nướng trui vừa ngọt vừa đậm đà hương vị đặc trưng miền quê, ai đã từng thưởng thức thì thật khó lòng quên được.
Tiếc là ngày nay, vì thâm canh tăng vụ, quanh năm nước ngập đồng, hết vụ hè-thu, người ta làm ngay vụ đông-xuân, không còn cảnh làm mỗi năm một vụ lúa mùa như ngày trước, nên nét sinh hoạt văn hóa đào hầm chờ cá nhảy cũng đã dần lùi vào dĩ vãng.
Gió chướng về… bông so đũa nở
So đũa là loại cây mọc hoang khắp các vườn tạp, mé sông, bờ ruộng ở Đồng bằng Tây Nam bộ.
So đũa thân cao và thẳng, trái dài thon thả, đều đặn giống như những chiếc đũa xếp song song, từng cặp treo lủng lẳng trên cành. Có lẽ từ hình ảnh này mà dân gian gọi tên loài cây này như thế.
Cây so đũa
Khi những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, những cơn gió chướng se lạnh ùa về cũng là lúc so đũa đua nhau nở rộ khắp nơi. Những chùm bông trắng, xanh xanh,… rung rinh trong gió, e ấp, dịu dàng. Lúc nước rong, mặt sông mênh mông, nhẹ buông mái chèo lặng lẽ cập sát mé, vói tay hái từng chùm so đũa mỏng manh thơm ngát, cảm giác mới an lành làm sao.
So đũa bông trắng nhụy vàng,
Thò tay anh hái cho nàng nấu canh.
So đũa ngon nhất nên hái vào buổi sớm mai, khi từng chùm bông còn đọng hơi sương, nở òa trong ánh nắng mới lên, tinh khiết và trong trẻo. So đũa hái về nhặt bỏ cuống và chót nhụy đắng, rửa nhẹ trong nước để tránh bầm dập mất ngon.
Bông so đũa nấu canh chua cá rô đồng thì dân dã mà đậm đà biết bao. Cá rô có màu xanh từ xám đến nhạt, nắp mang cá có hình răng cưa, rất khỏe, chúng sống khắp sông rạch, ao đìa, lung bàu, thửa ruộng… ở miệt đất này.
Không biết có phải do mối lương duyên hay không mà thời điểm bông so đũa nở trắng cũng là lúc cá rô đồng béo nhất, ngon nhất, bởi chúng ăn nhụy lúa trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh nơi này.
Bông so đũa
Để nấu nồi canh chua, trước hết người ta bắt cá rô đồng đem về làm sạch để ráo. Nấu nước sôi, cho cơm mẻ vào, lược lấy nước chua (có người không nấu cơm mẻ mà nấu bằng me, bần,…, nhưng tất cả đều được lược bỏ cái chỉ lấy nước). Nước sôi lại thì thả cá vào. Nấu nhỏ lửa để cá không bị nát, khi nước sôi lần nữa thì cho bông so đũa vào, nêm rau tần dày lá, hoặc ngò gai, ít lát ớt, nêm nếm rồi nhắc xuống ngay, để lâu bông so đũa rục sẽ mất ngon. Người miền Tây Nam bộ nổi tiếng với chuyện ăn “ngọt” hơn các vùng miền khác. Món canh chua cũng vậy, người ta chỉ nêm đường, muối, ít người xài đến bột ngọt.
Ăn canh chua cá rô bông so đũa thường là nước mắm nguyên chất thả vô mấy trái ớt hiểm chứ không pha chế gì thêm. Không biết món ăn này có giá trị dinh dưỡng cho phụ nữ đến đâu, mà dân gian cứ truyền tai câu hát:
Canh chua nấu cá rô đồng,
Nửa đêm thức giấc nhớ chồng đi xa.
Cũng có khi người ta nấu canh chua bông so đũa với cá lóc, cá trê, tép bạc hay cua biển,… đều ngon lành như vậy!
Bông so đũa còn được ăn kèm với các loại rau dại khác như điên điển, kèo nèo, rau nhút, cọng bông súng,… để chấm mắm kho, cá kho thì cũng hết ý. Vị đăng đắng của bông so đũa góp phần không nhỏ để quyến rũ người thưởng thức:
So đũa bông trắng đài xanh,
Hái về chấm mắm ngon lành bữa cơm.
Với trí tuệ tuyệt vời, người bình dân đã tận dụng loài cây mọc hoang như so đũa để phục vụ cho đời sống của mình. Hơn thế nó đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người miệt đồng mỗi khi gió chướng thổi về, quê mùa mà đằm thắm biết bao.
Bao mùa so đũa trổ bông
Hỏi ai so được nỗi mong nhớ này?
Gió chướng thổi vào lời ru, điệu ngâm
Cơn gió chướng thổi dường như đã gắn liền với cảnh ngộ của người nông dân chân lấm tay bùn ngày trước. Nó đã đi vào lời ru một cách tự nhiên như hiện tượng tự nhiên mà trời đất đã tạo ra vậy:
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ
Cảm thương nàng có mẹ không cha.
Một hoàn cảnh, một sự cảm thông, một lời ngỏ lời mà chàng trai nào đó dành cho cô gái nghe mà thắm thiết biết dường bao.
Chúng ta còn gặp một câu ngâm nga khác:
Gió chướng lao xao khúc sông nào, sóng nấy
Xuồng em bơi giữa dòng, anh thấy anh thương.
Nội dung là lời tỏ tình. Điều đáng nói ở đây là dường như có một ngẫu nhiên nào đó khi đi kèm với cụm từ gió chướng, tác giả dân gian thường kết hợp với một tù láy để diễn cảm xúc. Vì thế, giá trị biểu cảm của nó đã được mặc nhiên khẳng định. Người đọc, người ngâm dường như đã đồng cảm với nhân vật trữ tình của những câu ca có sự hiện diện của hiện tượng gió chướng!
Cũng ở cảm xúc bày tỏ trong tình yêu lứa đôi, dân gian mượn hình ảnh cơn gió chướng để nói đến tâm cảnh của người trong cuộc:
Đèn treo cột phướn, gió chướng thổi hao dầu
Anh có thương em thì chầm chậm, đừng buồn rầu ốm đau.
Có thương yêu nhau da diết mới đau rầu đến mức ốm tương tư. Căn bệnh mà bao đôi trai gái yêu đương đã vương mang tự bao đời nay dường như vẫn chưa có thuốc nào trị được.
Gió chướng hiu hiu, chín chiều ruột thắt
Nhìn sao bên Bắc, nước mắt chảy bên Đông
Ai xui chi cho vợ vợ chồng chồng
Không biết đây với đó duyên hồng có xe?
Hôm nay và mãi ngàn đời sau, gió chướng vẫn thổi. Song có lẽ không gian văn hóa ở vùng đất mới đã dần thay đổi. Khi kinh tế thị trường đã dần thay cho kinh tế tự túc tự cấp, cùng sự tiến bộ của khoa học – công nghệ… đã khiến cho nhiều nét sinh hoạt văn hóa gắn liền với những cơn gió chướng thổi dịu nhẹ cũng đã bay đi ít nhiều.
https://doanhnhanplus.vn/khi-gio-chuong-thoi-349161.html
Lê Đại Trí – Gió Tết
01/02/2024
" Nhiều sách bây giờ nói gió chướng là gió từ hướng Đông Bắc, tôi thấy hơi lạ nhưng không dám bàn. Chuyện gió chướng ở Nam Bộ thì chắc là từ hướng Đông Nam nơi tôi lớn lên theo từng mùa gió chướng trong năm. Gió chướng là mùa bông ô môi trỗ, là mùa quếch bánh phồng như Hà Triều – Hoa Phượng viết trong tuồng Tuyệt Tình Ca. Gió chướng là gió tết. Đi cùng với gió chướng là hàng bao nhiêu thứ khác làm xao động đời sống người dân. Người ta lớn lên, cảm nhận được gió qua mùi hương của cốm dẹp, bánh phồng, của rơm cỏ mục dọc bờ đi, của khỏi đốt đồng bảng lảng. Cho nên, khó mà trọn vui nếu như có mai vàng, vạn thọ, cúc…mà lại không nghe được hơi gió tết cùng về".
Những món ăn trong ngày Tết miền Nam thường khá đơn sơ, giản dị (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Ở miền Nam gió Tết là gió chướng. Cái tên gió gợi lên những rắc rối mà gió này gây ra, nhưng hể thấy gió chướng là cảm nhận được thời tiết cuối năm nên thiếu nó thì nhớ. Cho đến khi lên ở thành, những ngày gần Tết không nghe được cái hơi gió chướng tôi mới biết mình đang thiếu. Cái thiếu làm con người ta bồi hồi, nhớ đến không biết bao nhiêu là thứ khác nữa đi cùng với tết.
Mùa gió chướng ở miền Nam có năm đến sớm, tháng 9 âm lịch đã cảm thấy, sang tháng 10 thì bông so đũa bắt đầu trỗ, cá rô "mề" trên ruộng đã bằng ba ngón tay. Được ăn món cá rô chiên dầm nước mắm ăn với bông so đũa luộc, cơm nấu khô một chút, trở bữa thì nấu canh chua cá rô với bông so đũa. Lúc này cá linh từ thượng nguồn sông Tiền đã xuống sâu hơn vùng dưới, lại gợi nhớ món cá linh còn nhảy xoi xói từ hàng đáy ở chợ Thăm Nhiên, chợ Kỳ Son, người gánh vừa chạy vừa rao. Nước sông cũng dâng cao, mỗi con nước rong ngập líp dừa, ngập đến sân trong vài ba ngày, đâu khoảng đầu tháng 11 thì hết. Một vài cơn mưa dầm kéo dài cộng với cái khí lạnh buổi sáng thích hợp để giăng lưới bén, thường là để bắt cá rô, cá cửng.
Gió chướng thổi từ hướng Đông Nam, cản trở dòng nước ngọt từ thượng nguồn đang xuôi ra biển. Dòng nước chảy xuôi lúc này đã yếu vì hết mùa mưa, gió chướng lại từ hướng biển nên nước mặn có dịp tràn vào. Nước mặn thì không còn trồng trặt được, chăn nuôi heo, gà cũng khó. Rau cải cuối mùa héo úa lần hồi, đành chuyển sang ăn những loại rau dại ven sông, gần gủi thì có rau rán, nhãn lồng, khi kẹt quá thì ăn cả mái dầm, lục bình cũng xong.
Cho đến đầu những năm 1960, cánh đồng quê tôi vẫn còn giữ giống lúa cổ truyền nhưng đã bắt đầu chuyển qua hai vụ. Khi những cơn mưa đầu mùa làm ruộng “nổi nước” thì phải tất bật gieo mạ, cày cấy để cướp thời vụ. Lúa vụ này có tên chung là lúa “ba trăng”, tức ba mùa trăng, có khi kêu là lúa ba tháng. Giống thì có Đun Sa, Tung Sa, Sa Thung, lúa tiêu... Tên gọi nghe chừng có âm hưởng tiếng Khơ me, gạo dẽo nên nấu dễ bị nhão, để nguội thì cứng cơm. Nói là ba tháng chứ thực sự dài hơn, thường là 3 tháng rưởi. Vì vậy vừa gặt đập xong đã phải trục cho mềm gốc ra, chuẩn bị cấy lúa mùa cho kịp lấy nước ngọt từ sông lên trước khi nước mặn. Thời gian của lúa mùa dài hơn, từ 5 – 6 tháng, hạt gạo cũng ngon cơm hơn, nào là Vé Vàng, Nanh Chồn, Tàu Hương, Nàng Thơm, toàn là những giống danh tiếng.
Khi gió chướng bắt đầu thổi mạnh, khoảng giữa tháng 11 âm lịch trở đi bà con bắt đầu tháo nước trên ruộng ra sông cho đất khô, dễ gặt. Đó là mùa của đặt thời theo đường nước xuống để bắt tép bò, cá trắng. Cá đủ nhiều ăn không hết nên khi lúa đã ngậm sữa xong thì cũng là mùa của món mắm chua làm bằng tép bò, cá trắng ăn với trái đậu rồng cuối vụ . Gió chướng lúc này mang theo theo những cơn lạnh, từ buổi chiều cho tới sáng sớm, nhắc mọi người mùa cắm câu và vét hầm. Lại thêm thú vui cuốc đất bắt trùng hổ làm mồi, xách đèn đi dọc theo bờ ruộng thăm câu và sáng sớm đi bắt những chú cá đang năm gọn trong hầm khi lá lúa còn ướt đẩm mù sương. Loài cá cũng ngộ, khi ruộng lúa khô cạn biết tìm lối đi về chỗ có nước nhiều hơn nên mới vướng “hầm” của con người. Hầm chỉ to bằng cái thúng, có khi dùng cái khạp nhỏ để nhận xuống bùn, thoa láng bùn non trên miệng, vậy mà cá lóc, cá trê cũng không nhảy ra được. Nước trên ruộng đã cạn thì cá bắt buộc phải “rọt” xuống những vũng còn chút ít nước. Đi học về, ra ruộng vạch lúa tìm cá mắc cạn rồi đốt cỏ khô nướng trui, í ố rùm trời như là nhà giàu ăn tiệc.
Mùa gió chướng còn là mùa đi gánh nước. Nước sông đã mặn thì chỉ còn trông cậy vào nước ao giữa đồng để uống. Gần nhà tôi có tới ba cái ao, ao bà Năm, ao bà Cựu và ao Nhà Việc, tên riêng nhưng là ao của cả làng, cả xóm, ai cũng có quyền gánh miễn là giữ gìn sạch sẽ. Thú vui lúc này là chạy lăng căng theo mấy chị, mấy dì gánh nước. Lớn lên một chút thì đòi sắm đôi thùng lấy từ thùng đựng dầu lửa có hình con sò và cây đòn gánh để… tập gánh. Dân trong xóm nghèo, đâu có nhiều lu, mái để dự trữ nên chỉ gánh để uống, còn thì chịu khó tắm nước mặn rồi xối lại vài lon nước ngọt cho đỡ rít.
Có người gặt lúa ngay lúc Tết, mồng ba đã thấy vác cộ ra đồng. Phần lớn là gặt lúa sau Tết để rãnh rang việc cúng kiến ông bà trong ba bữa. Cho đến giữa tháng giêng ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, đất khô nứt nẻ, nhìn thấy rặng cây tít mù ở cuối cánh đồng. Trẻ con có dịp bắt dế, đào hang bắt chuột, Có người đi mót lúa rơi gom thành bó, đem về dùng chân đạp, gom lại suốt mùa khô có khi cũng được vài giạ. Thanh niên thì chịu khó nhổ gốc rạ, gom lại thành đống rồi đốt để chờ bán cho các ghe tro đến thu mua chở đi tới xứ có trồng mía, trồng đậu phộng. Đây là tiền riêng của các anh chị, dùng để mua sắm, trang điểm mà không sợ bị rầy.
Gió chướng sau Tết là gió mạnh. Dù nhà ở đâu thì khi đi học phải chịu một lượt đi ngược chiều gió. Nếu ngược gió vào buổi chiều thì khổ. Đi bộ mà gió còn muốn đẩy lui thân người về phía sau, đi xe đạp thì phải cúi rạp người để giảm sức cản mà cũng chẳng nhanh hơn đi bộ là mấy. Gió mạnh thúc giục thú chơi thả diều. Lại vót tre, khuấy hồ, làm diều rồi chạy ngoài đồng nhìn diều bay lượn trên không cho tới tối mịt. Giấy làm diều là giấy tập học củ của năm trước, giấy báo thì không mấy đứa có để làm. Chỉ là con diều bay phần phật, không có tiếng sáo diều nào cả, cái đó chỉ đọc được trong sách chớ chưa thấy ai làm.
Nhiều sách bây giờ nói gió chướng là gió từ hướng Đông Bắc, tôi thấy hơi lạ nhưng không dám bàn. Chuyện gió chướng ở Nam Bộ thì chắc là từ hướng Đông Nam nơi tôi lớn lên theo từng mùa gió chướng trong năm. Gió chướng là mùa bông ô môi trỗ, là mùa quếch bánh phồng như Hà Triều – Hoa Phượng viết trong tuồng Tuyệt Tình Ca. Gió chướng là gió tết. Đi cùng với gió chướng là hàng bao nhiêu thứ khác làm xao động đời sống người dân. Người ta lớn lên, cảm nhận được gió qua mùi hương của cốm dẹp, bánh phồng, của rơm cỏ mục dọc bờ đi, của khỏi đốt đồng bảng lảng. Cho nên, khó mà trọn vui nếu như có mai vàng, vạn thọ, cúc…mà lại không nghe được hơi gió tết cùng về.
Không có nhận xét nào