- TRẬN CHIẾN ĐỒN NGỌC HỒI
- TRẬN CHIẾN ĐỒN HÀ HỒI
- CHIẾN THẮNG TRẬN ĐỐNG ĐA
Tượng vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn, Bình Định
Thưa anh chị em thân mến,
Khoảng thời gian trước đây, tôi đã viết loạt bài về Vua Quang Trung nhà Tây Sơn, đó là toàn bộ cuộc đại chiến đánh bại quân Mãn Thanh năm Kỷ Dậu 1789.
Nay, Hoài Hương trân trọng mời anh chị em đọc tiếp tác phẩm
"Kế Hoạch Điều Phối Của Vua Quang Trung Đánh Quân Thanh".
Chúc anh chị em hưởng xuân Giáp Thìn năm 2024 với trăm điều vui tươi an lành hạnh phúc.
Chúng ta cùng nhau hướng về quê hương, thắp nén nhang dâng Ông Bà đêm Giao Thừa, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, cầu khấn anh linh Vua Quang Trung và chư liệt vị tướng sĩ Nhà Tây Sơn, xin phù hộ cho đất nước đau khổ của chúng ta sớm thoát khỏi hiểm họa Tàu phương bắc một lần nữa.
Tình Hoài Hương
Tình Hoài Hương biên soạn bài viết được cô đọng về tiêu đề chính, dựa theo lịch sử Việt Nam, từ:
* Sách trong Bộ Giáo Dục VNCH.
* Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim).
* Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính).
* Đại Cương Lịch Sử Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần)
* Sử quán triều Nguyễn,
* Đại Nam thực lục.
* Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Đào Duy Anh)
* Sách “Tây Sơn thực lục”.
* Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ...
* Đại Nam chính biên liệt truyện.
* Notion d'Histoire d’ Annam, par Maybon et Russier.
* Abrégé de l’ Histoire d’ Annam, par Shreiner.
* L'Empire d' Annam, par Gosselin.
* L'insurrection de Gia Dinh, par J. Silvestre.
* * *
KẾ HOẠCH ĐIỀU PHỐI CỦA VUA QUANG TRUNG ĐÁNH QUÂN THANH
(Tất cả ngày tháng dưới đây tôi ghi theo Dương LịcLịch)
Tình Hoài Hương
*
Triều đại xưa một thời ôi hưng phế.
Tỉnh giấc nồng dụi mắt nhớ thương nhau.
Thềm lục địa bên trời em khản cổ.
Gởi lời ru ta con sóng bạc đầu.
Có những lúc muốn vá trời lấp biển.
Vác kiếm qua sông dựng lại ngọn cờ.
Ngày tháng qua rồi, cả một đời ta.
Nợ áo cơm vướng vai từng thân phận.
Một đời người qua vội, có gì đâu?
Dẫu ngàn năm không vơi được nỗi sầu… (1)
Quân Tây Sơn với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh", làm một chuyến ra Bắc chỉ trong chớp mắt.
Khi biết tin Nguyễn Nhạc ra Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên vua Chiêu Thống sắp sẵn ngọc tỉ để ra hàng. Chỉnh lại giục quan văn trong triều thảo gấp tờ biểu xin hàng. Triều thần bàn bạc mấy ngày chẳng xong, mọi người ngơ ngẩn nhìn nhau không ai dám hạ bút trước.
Khi vua Chiêu Thống của Nhà Lê thân hành đi đón Thái Đức ở cửa Nam, vua Lê đứng sẵn bên trong cửa ô, vua Chiêu Thống sai hoàng thân là Thanh Nguyên Hầu (sử không ghi rõ tên vị này) quỳ ở bên trái ngoài đường chào Thái Đức, và Nguyên Hầu sẽ nói thay mình.
Vua Thái Đức cứ thế đi qua cửa ô không đáp lễ, vua giục ngựa đi thẳng, Thái Đức cho một người quay lại nói rằng:
- Quả nhân thấy nhà vua lễ độ quá, sợ rằng nếu xa giá ở lại chậm trễ, hoặc giả quả nhân làm phiền quý thể phải quỳ lạy mệt nhọc, thì quả nhân mang tiếng suốt đời là thất lễ. Bởi thế, quả nhân vội vã đi ngay. Xin ngự giá hãy cứ về cung nghỉ ngơi, ngày khác thong thả ta sẽ cùng gặp nhau.
Vua Lê nghe vậy, biết là vua Tây Sơn còn ưu đãi mình, mới không bàn đến việc đầu hàng nữa.
Ngày hôm sau, mùng Sáu Tháng Tám Âm Lịch, vua Thái Đức sai bày ở phủ đường của Nguyễn Huệ ba chỗ ngồi. Chính giữa phủ kê sập của vua Thái Đức, bên trái là ghế của vua Chiêu Thống, bên phải là ghế của Nguyễn Huệ. Như thế, đủ chứng tỏ vua Lê cũng biết điều, nhún nhường, rất có nhân cách cầu hòa của một người giữ tiết độ khoan đãi có khả trung tín trực.
Dẫu sao thì từ cương vị một ông vua, vua Lê đã giấu nỗi buồn riêng khi quá yếu thế, bất lợi mọi mặt mà bảo vệ ngai vàng của mình, nên vua Lê Chiêu Thống tất nhiên phải đi cầu viện quân Thanh, (mà có người cho hành động đó là “cõng rắn cắn gà nhà”):
Dẫu mưa sa tôi vuốt mặt âm thầm.
Cơn mưa dầm xanh thêm đám mạ.
Luống cày vỡ đất mềm, tôi đau xót.
Con trâu già đứng ngậm nỗi buồn riêng. (1)
Vua Càn Long (nhà Thanh) liền lợi dụng cơ hội ấy, muốn lạm dụng “kẻ đàn anh” có uy thế quyền hành, nhân đó hắn muốn cử quân xâm lược nước ta. Càn Long cử Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân Thanh tới nước Nam, ngoài miệng leo lẻo thơn thớt mượn cớ giúp nhà Lê, nhưng thực tâm tà ý là chúng chỉ muốn xâm lăng chiếm đoạt, và cai trị dân nước ta mà thôi.
Ngày 21-12-1788, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết của Tây Sơn ngày đêm phi ngựa vô Phú Xuân. Ông cấp báo về việc “rước voi về giày mả tổ của vua Lê Chiêu Thống”.
Được tin ấy, mượn cớ phò Lê, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ chính thức đăng quang lên ngôi hoàng đế tại núi Bân. Ông đặt đế hiệu là Quang Trung, rồi lập tức hạ lệnh xuất quân, tự thống lãnh 10 vạn quân thủy, bộ, ngày đêm xuất quân tiến ra Bắc, đánh Bắc Hà.
Ngày 15-l-1789, trên đường hành quân từ Phú Xuân ra Tam Điệp, vua Quang Trung tuyển dụng quân sĩ, thành một đoàn quân hùng hậu. Quân Tây Sơn có ưu thế hơn quân Thanh, khi đất nước lâm nguy, quân dân Việt ta từ xưa vốn đã có truyền thống bất khuất yêu nước mãnh liệt. Tình cảm ấy đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần dân tộc. Quân dân đã quạt bùng ngọn lửa tranh đấu bất khuất dâng tràn. Sức mạnh của họ là chung lòng đoàn kết, quật cường chiến đấu. Dù gian nan khổ cực trăm bề, nằm sương gối đất, đói khát nhọc nhằn, họ vẫn dũng cảm chiến đấu chống giặc, tiến công mãnh liệt như vũ bão.
Đại quân Bộ binh Tây Sơn tập hợp tại phòng tuyến Tam Điệp, vùng huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thủy binh tập hợp tại Biện Sơn, Gò Bia, đồi Ông Đùng. Pháo binh Tây Sơn tập bắn. Tại Thung Voi nhốt voi chiến. Làng Gạo chứa lương thực. Đồng Cán Cờ, đồng Con Chuối là nơi tập trận, tập chém chuối, v.v...
Trong buổi nói chuyện bàn về mưu kế đánh giặc giữa vua Quang Trung với Nguyễn Thiếp, (La Sơn Phu Tử, một danh sĩ nổi tiếng của đất Nghệ An). Ông Nguyễn Thiếp nói với vua Quang Trung:
- Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, chúng sẽ không thể hiểu rõ nên đánh ta, hoặc nên giữ yên giống hiện tại ra sao. Tôi nghĩ Chúa Công đi ra đó chuyến này, không quá mười ngày thì giặc Thanh bị dẹp tan.
Khi tiến quân ra đến Nghệ An, Thanh Hóa, vua Quang Trung sai người đưa thư đến Tôn Sĩ Nghị xin đầu hàng. Lời lẽ vua viết trong thư nhún nhường, khiêm tốn, khiến Tôn Sĩ Nghị cứ tưởng Nguyễn Huệ hèn kém, nhút nhát. Tôn Sĩ Nghị càng tỏ ra ngạo mạn, vênh váo, khinh khi vua Quang Trung ra mặt. Hắn ra lệnh cho Vua Quang Trung:
- Hãy rút quân về Thuận Hóa, chờ ta phân xử.
Biết rõ ý đồ của Tôn Sĩ Nghị, Vua Quang Trung quyết định mở chiến lược tập kích chớp nhoáng, bất ngờ trước ngày 6 tháng Giêng, Tết Kỷ Dậu. Khi làm lễ “thệ sư” tại Thọ Hạc (Thanh Hóa), Nhà Vua biểu lộ ý chí quyết tâm tiêu diệt địch, Ngài dõng dạc nói những lời tuyên bố đanh thép trước ba quân, mong đất nước mau chóng được tự do, độc lập, tự chủ, tự cường:
- Trẫm đứng trước ba quân khích lệ tinh thần thượng võ của mọi người, ta nâng cao ý chí quyết chiến quyết thắng, gieo cho toàn quân binh có ý thức nhận thấy mình có trọng trách, bổn phận của người công dân khi đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách. Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, lại trông mong vào Trẫm.
Tại trấn doanh Nghệ An (thành phố Vinh), vua Quang Trung tổ chức một cuộc duyệt binh lớn. Vua đọc bài hịch kêu gọi quân sĩ, khẳng định sự tồn tại bền vững của đất nước:
- Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đã phân biệt rõ ràng, thì phương nam, phương bắc chia nhau mà cai trị cho thuận lòng người. Ta dấy nghĩa quân, chỉ đánh một trận là thắng, mà đuổi chúng về phương bắc. Nay người Thanh lại quá mưu đồ, độc ý chiếm lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết noi gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng…”
Hoặc:
- Bớ chư quân! Phàm ai bằng lòng chiến đấu, hãy vì ta giết sạch quân giặc Thanh. Nếu ai không muốn, hãy xem ta giết vài vạn người trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm lắm đâu.
* * *
Đại quân Tây Sơn đi theo hai đường: thủy, bộ, tiến ra Bắc. Vua Quang Trung có sáng kiến thông minh, tuyệt chiêu rất độc đáo: toán quân bộ binh thì ba người một nhóm đi theo thế liên hoàn, cho hai người khiêng võng, để một người nằm nghỉ ngơi trên võng dưỡng sức cho khỏe, cứ vậy họ thay phiên nhau vận công. Theo cách đó bộ binh đông đảo từ Qui Nhơn rầm rộ ra Bắc chớp nhoáng chỉ mất ít ngày:
Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống,
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay.
Hà Lương chia rẽ đường này,
Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi.
… Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh. (2)
Vua Quang Trung chuẩn bị những phương tiện chống lại hỏa lực của địch, đó là những tấm mộc từ tấm ván gỗ phản, cửa nhà, cửa đình, cửa chùa… ghép chặt lại, phía ngoài quấn rơm ướt dày, cứ mười người bộ binh khiêng một tấm ván dày làm mộc. Toán quân đi phía sau tấm ván sẽ ào ạt xung phong chạy tiến lên. Những tấm ván gỗ đó do dân địa phương tự nguyện đóng góp giúp quân Tây Sơn đi đánh thắng giặc ngoại xâm.
Thủy binh Tây Sơn giữ vai trò quan trọng khi vận chuyển tốc độ mau, hành quân nhanh, được trang bị nhiều hỏa hổ (súng phun lửa) đại bác các cỡ đặt trên chiến thuyền. Thủy binh trang bị nhiều loại thuyền chiến, thuyền vận tải lớn chở 100 voi chiến, các thuyền mang được 60 khẩu đại bác, chở 700 người.
Theo thư Barizy gởi Letondal trong Archives des Missions étrangères de Pari, Cochinchine, một sĩ quan người Pháp Jean Baptiste Chaigneau, khi chạm trán với Thủy quân Tây Sơn, ông đã thán phục và thừa nhận:
- “Trước khi tận mặt thấy Thủy quân của địch (quân Tây Sơn), tôi có ý khinh thường, nhưng bây giờ xin thú thực là tôi đã lầm, địch có những tàu mang 50, 60 khẩu đại bác. Trên đất liền thì họ đặt đại bác lên lưng voi chiến, như một thứ “pháo tượng hành binh”.
Cuối Tháng Chạp Năm Mậu Thân, vua Quang Trung mở tiệc khao cho quân binh ăn Tết Nguyên Đán trước thời gian. Trong bữa tiệc khao quân trước giờ xuất trận, vua Quang Trung khẳng định lại một lần nữa quyết tâm đánh tan quân giặc, chiếm thành Thăng Long, để ngày mùng 5 tháng Giêng một lần nữa sẽ mở tiệc ăn mừng chiến thắng vẻ vang giữa kinh thành tráng lệ:
- Người Thanh nghe quân ta ra Bắc, tất nhiên hắn sẽ tập trung hết quân tinh nhuệ xuống phía nam mà giữ Thượng Phúc, Phú Xuyên. Vậy thì ta sẽ xuất kỳ bất ý chia quân chẹn ở Thái Nguyên, Lạng Sơn… Lần này ta thân hành cầm quân tiến đánh quân Thanh, thì ta đã tính sẵn, chẳng quá mười ngày là đuổi được người Thanh.
Trong buổi lễ bừng bừng khí thế chống xâm lăng đó, vị thống soái trẻ trung lừng danh gang thép ấy mới 36 tuổi đã tuyên bố trước ba quân về ý chí sắt đá, quyết tâm phải san bằng mọi khó khăn, gian khổ, không tiếc hy sinh, để quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước. Một lần nữa vua Quang Trung kêu gọi quân sĩ:
- Nhà Thanh, từ khi vua Càn Long lên ngôi đến nay, luôn mưu toan khuếch trương bờ cõi, đã chiếm phía tây, lại toan lấn áp phía nam. Sự mất còn của nước ta là do quyết định ở trận nầy. Nay chúng ta hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang xuân ngày mùng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn ăn mừng. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng thế không?”
***
Tình Hoài Hương.
TRẬN CHIẾN ĐỒN NGỌC HỒI
Tình Hoài Hương .
Kế hoạch công phá đồn Ngọc Hồi:
Trong ngày mùng Bốn, vua Quang Trung sử dụng vài đội quân lẻ tẻ đi mở những trận đánh khiêu khích, nho nhỏ vu vơ vào vùng ngoại ô Ngọc Hồi. Vua cho quân đánh một hồi, giả thua rồi rút lẹ. Mục đích quân Tây Sơn cốt để lôi cuốn sự chăm chú của Tôn Sĩ Nghị ở các hướng nầy mà không tập trung quan sát vô mặt trận phía nam.
Vua Quang Trung cố ý "chọc" cho quân địch hoang mang để bất ngờ tung ra đòn tấn công quyết định. Quân địch bị đánh mặt trước bị bao vây mặt sau, chúng vô cùng khiếp sợ, chứng tỏ đây là một sự thành công quan trọng về mặt tâm lý chiến của vua Quang Trung.
Quân Thanh nhận thấy quân lưu động Tây Sơn đang tiến công vô các đồn ngoại ô gần gần ở cứ điểm Ngọc Hồi, nhưng hễ họ đánh trận nào thì quân Tây Sơn “bị thua rút lui luôn” trận ấy. Chúng hể hả ngửa mặt vênh lên trời, vỗ ngực cười vang hét to, lấy làm đắc chí, không hề biết vua Quang Trung cố ý “nhử mồi” quân địch.
Mục đích quan trọng của vua Quang Trung là muốn để cho quân địch ít bị thiệt hại, thì chúng sẽ tự kiêu tự mãn. Nhứt là không hiểu được ý đồ của phe ta, chúng sẽ ỷ y xem thường, không dè dặt mà dồn lực lượng về mặt trận phía nam. Tuy thế, phần lớn quân Thanh ở các doanh trại chỉ cầm cự, hồi hộp bất an, bởi đồn Hà Hồi ̣đã bị đại bại thảm khốc, khiến chúng hoang mang nao núng, mệt mỏi, lo lắng chờ đợi trong sự căng thẳng.
Đạo quân chủ lực của vua Quang Trung đã tập họp đầy đủ tại cánh đồng Cung ở phía nam. Theo nghiên cứu kỹ càng cẩn trọng, có kế hoạch chu đáo đã vạch ra ở Tam Điệp, thì khoảng thời gian đó đạo quân của đại đô đốc Bảo đi theo con đường núi ra Vân Đình (Hà Tây), quân binh tập hợp tại Đại Áng ở phía tây nam Ngọc Hồi. Họ đi ra ngã tư Vác (Hà Tây), từ đó họ đi theo con đường qua các làng: Canh Hoạch, Tri Lễ, Úc Lý, Dư Dụ, qua cầu Sấu trên sông Nhuệ, đến Đại Áng.
Đoàn quân Tây Sơn âm thầm di chuyển một cách khéo léo tinh vi, lẳng lặng tránh không đến gần một đồn lũy nào của quân Thanh, hoặc quân Lê Chiêu Thống. Tại Đại Áng, Tây Sơn đóng quân trên một khu đất cao ráo ở phía nam của cánh đồng Rền. Sự phối hợp hai đạo quân chủ lực và đạo quân tiếp ứng cho phép vua Quang Trung tạo nên một ưu thế binh lực tuy không bằng về quân số so với quân địch, nhưng vô cùng tinh minh và dũng mãnh. Hơn nữa, dưới sự thống lãnh và chỉ huy của chính hoàng đế Quang Trung uy vũ, khí thế về tinh thần và niềm tin tuyệt đối vào chiến thắng của quân Tây Sơn lúc này lên cao chưa từng có.
Quân Tây Sơn ở Tam Điệp chia ra làm năm doanh trại. Đạo quân chủ lực của vua Quang Trung gồm ba doanh trại tiền, trung, hậu, chiếm hơn nửa tổng quân số. Đạo quân của Đại đô đốc Bảo và đạo quân của Đô đốc Đông gồm khoảng vài vạn quân. Như vậy quân số cả hai đạo quân Tây Sơn có khoảng 10 vạn người.
Trong khi quân Thanh chỉ tính ở Ngọc Hồi thì ước tính có khoảng hơn 3 vạn, chưa kể số quân địch ở các đồn bảo vệ xung quanh như Bình Vọng, Lưu Phái, Văn Điển, mà quân Thanh kéo qua nước ta do tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị thống lãnh.
Quân Tây Sơn giáng một đòn khốc liệt bất ngờ ở Hà Hồi, khiến đội quân Lê Chiêu Thống và Tôn Sĩ Nghị trong chớp nhoáng đã tê liệt, hoàn toàn co rúm bị động và cô lập, chúng lo sợ không kịp chống cự, hốt hoảng bấn loạn kinh hoàng, rồi tán loạn tất tả chạy đi xin cầu viện.
Vua Quang Trung không cần thiết phải tiến công đánh đạo quân Thanh của Ô Đại Kinh ở Sơn Tây, vì đạo quân này mới chân ướt chân ráo tới đóng quân nơi đây, nhứt là vì đồn trú ở Sơn Tây tách biệt xa xa phía tây bắc. Cứ để đó. Vua Quang Trung muốn tập trung binh lực vô một hướng quan trọng khác, để chận đường rút chạy của tàn quân Thanh. Vua muốn tiêu diệt đồn Ngọc Hồi mau lẹ gọn gàng, rồi kịp thời quay sang phối hợp chặt chẽ theo kế hoạch đã định với quân ta ở các hướng tiến công khác, để thọc sâu vô trong lòng địch.
Vua muốn áp dụng theo binh pháp Tôn Tử: “vây thành, thì phải chuẩn bị rất lâu. Nếu vây đánh nhiều ngày sẽ hao binh tổn sức, có khi không lấy được thành, là một sự tai hại to". Do đó “vây thành mà đánh là kém nhứt”. Trong trường hợp phải đánh thành, đánh đồn, vượt lũy, tạo thời cơ cho đạo quân của đô đốc Đông bất ngờ tiêu diệt đồn, thì hướng tiến công chủ yếu mới phát huy nầy có tác dụng làm tê liệt hành động ứng cứu của quân chủ lực Tôn Sĩ Nghị.
Lực lượng đạo quân chủ lực Tây Sơn gồm có đại bộ phận Bộ binh, Tượng binh, Kỵ binh, Hỏa pháo… do vua Quang Trung đích thân chỉ huy, mở cuộc tiến công đột nhập chớp nhoáng, quân binh ào ạt đột phá mãnh liệt vô chính diện ở mặt phòng thủ phía nam của đồn Ngọc Hồi. Nếu quân địch từ Ngọc Hồi đào tẩu chạy về hướng Thăng Long, thì phải đi theo đường thiên lý qua ngả đồn Lưu Phái, Văn Điển, hoặc đường đê sông Nhị, đường cái cao dọc theo bờ sông Tô Lịch mà chạy qua Quỳnh Đô, lên Văn Điển.
Vua Quang Trung quá tinh anh cơ trí khi ông nhìn thấu hướng suy tính của quân địch, nên Ngài đã quyết định chọn Đầm Mực to lớn lầy lội ở làng Quỳnh Đô, làm nơi tử địa cho giặc vô cùng lợi thế. Một khi quân địch bị bao vây tháo chạy như điên, chúng buộc phải chạy vào đầm lầy bao la nầy. Sa chân ở đầm lầy chúng càng vùng vẫy, muốn ngoi đầu lên thì càng bị dìm sâu xuống, chỉ có chết mà thôi.
Một đội quân Tây Sơn đã ôm cây đợi thỏ tại chỗ ấy. Họ chờ sẵn ở một vị trí phía đông bắc đồn Ngọc Hồi, ngõ hầu ngăn địch cả hai hướng: đê sông Nhị và đường thiên lý. Tất nhiên, quân địch phải lúng túng tháo chạy về phía Đầm Mực. Đạo quân của Đô đốc Bảo từ Đại Áng sẵn sàng tiến lên bao vây tiêu diệt toàn bộ tàn quân địch ở Đầm Mực làng Quỳnh Đô. Ba cánh quân Tây Sơn phối hợp chặt chẽ trong thế trận liên hoàn, mỗi cánh quân đảm nhận một hướng tiến công hùng dũng và nhịp nhàng, ăn khớp với nhau như gọng kềm siết lại. Thật quá tuyệt vời.
* * *
Đánh đồn Ngọc Hồi.
Muốn ngồi trầm lặng bên dòng nước.
Để nhớ Hai Bà tại Hát Giang.
Giặc đến đàn bà còn phải đánh,
Mày râu sao để thẹn hồng nhan.
Muốn đến Ngọc Hồi mùng Năm Tết
Để nhìn chiến thắng của quân Nam.
Xem nơi thắt cổ Sầm Nghi Đống.
Nguyễn Huệ trên voi áo nhuộm vàng (*)
Đồn Ngọc Hồi xây chung quanh ven ranh xóm làng trên cánh đồng phía nam, rộng trên 400 mẫu ta. Phía nam xóm làng Ngọc Hồi có thêm một cánh đồng to rộng mênh mông. Phía tây giáp thôn Yên Kiện (xã Ngọc Hồi). Phía bắc giáp thôn Xuân Nê (xã Ái Quốc), Nhị Châu, Yên Phú (xã Liên Minh). Phía đông giáp thôn Thọ Am xã Liên Minh đều thuộc Thường Tín, Hà Tây (ngày nay là khu lò gạch Đồng Người, Đồng Xào, Đồng Đồn phía đông quốc lộ 1. Đồng Bứng phía tây quốc lộ).
Ngọc Hồi có sáu xóm: Ba, Đình, Giếng, Đò, Vậy, Thông - thuộc xã Vĩnh Trung, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín. Đồn Ngọc Hồi nằm về phía bắc bên quốc lộ số 1, sát phía nam sông Tô Lịch, đó là một thôn làng có từ lâu đời, bao quanh thôn xóm có lũy làng.
Lũy đắp bằng đất nện cứng dày cui và chắc chắn, phía trên lũy trồng rất nhiều tre san sát chằng chịt, việc đắp lũy cốt ý dùng để bảo vệ thôn xóm bớt bị những cơn phong ba bão táp lùa về, cũng vừa để ngăn nước sông Tô Lịch tràn vô làng vào mùa nước lũ.
Đồn Hà Hồi chỉ cách đồn Ngọc Hồi 6 kí lô mét. Đồn Ngọc Hồi cách xa Thăng Long độ 14 kí lô mét. Sau khi đồn Hà Hồi bị tiêu diệt sáng ngày mùng 4 Tết rồi (nhằm ngày 29 - l -1789 Dương Lịch), thì Tôn Sĩ Nghị mới nhận được tin, do bại quân chạy về cấp báo:
- Quan quân ở đồn Hà Hồi đều bị quân Tây Sơn đánh úp, bắt hết cả. Ở đấy cách đồn Ngọc Hồi không xa, thì sớm chiều gì thế nào ta cũng bị đánh tới nơi.
Tin sét đánh ngang tai đó làm cho quân Thanh vô cùng choáng váng, sợ hãi, hoảng hốt. Chúng nói với nhau:
- Thật là tướng ở trên trời đột ngột rơi xuống, quân ở dưới đất bất ngờ chui lên.
Quân Thanh ở Ngọc Hồi và Thăng Long đã vội vàng chấm dứt yến tiệc vui say, mà lật đật ráo riết phòng ngự. Chúng quính quáng bấn loạn chạy ngược chạy xuôi, lo hò hét quân binh chuẩn bị cách đối phó với quân Tây Sơn từ Hà Hồi đang rầm rộ ào ạt tiến lên.
Bản thân Tôn Sĩ Nghị tuy có phòng bị từ trước, mà hắn cũng hết sức kinh ngạc lúng túng, ngỡ ngàng kinh dị lẫn băn khoăn trước lối đánh quá bất ngờ, thần tốc kinh hoàng của quân Tây Sơn. Lúc được tin cấp báo, Sĩ Nghị đứng bật dậy tức giận rút kiếm chém xuống đất, nói rằng:
- Không thể tin. Sao mà thần kỳ đến thế?
Hắn lập tức tăng viện cho đồn Ngọc Hồi. Lãnh binh Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp, một tên phản tướng của Tây Sơn lúc xưa đã đâm đầu chạy qua đầu phục giặc Thanh, y cùng Phan Khải Đức được lệnh Tôn Sĩ Nghị đem một đội quân “cần vương” của vua Lê Chiêu Thống xuống tăng cường lực lượng cho đồn Ngọc Hồi. Tôn Sĩ Nghị ra lịnh ở tại đó:
- “Phải liên tục báo tin về ngay cho ta rõ, nghe không."
Mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30-1-1789). Đồn Ngọc Hồi xây dựng rất kiên cố, chung quanh nơi nơi đều cắm chông sắt và địa lôi. Trời chưa sáng, bất thình lình quân Tây Sơn tiến công mãnh liệt. Trận chiến lớn đúng theo dự tính nầy tung vào mặt nam của đồn Ngọc Hồi. Vua Quang Trung cưỡi voi ra trận, trực tiếp đốc chiến chỉ huy. Ngài cột khăn vàng vào cổ. Đội ngũ quân Tây Sơn đều chít khăn đỏ trên đầu. Họ tiến theo vua giương cao lá cờ đỏ, biểu thị khí thế quyết chiến quyết thắng bừng bừng.
Từ phía nam Hà Hồi, khoảng nửa đêm đạo quân chủ lực Tây Sơn bí mật nhẹ nhàng xuất phát. Vua Quang Trung hạ lịnh cho binh lính ăn no rồi bỏ lại hết quân trang, lương thực, không mang theo một thứ gì dù nhỏ nhặt. Ý vua muốn quân binh không bị lúng túng cồng kềnh vì những thứ “vụn vặt”, để thân thể gọn nhẹ đi cho mau lẹ mà chiến đấu, phải thần tốc toàn thắng đến cùng. Quân Tây Sơn tràn qua một tiền đồn nhỏ của địch là đồn Bình Vọng.
Sau đó một binh chủng tai to thân bự gan lì, điếc không sợ súng đầu tiên xung phong tiến tới trước, ấy là đội Tượng-binh (đội tượng binh nầy đã được vợ của ông Trần quang Diệu là bà Bùi Thị Xuân lao khó tận tâm huấn luyện đàn voi rất tuyệt vời). Có đàn voi chiến mỗi con chở khoảng mười người cùng với cung nỏ, dáo, mác, lao, súng tay, hỏa hổ; đặc biệt có những con quân tượng to lớn hiên ngang chở đại bác trên mình, cùng binh sĩ xông tới trước làm mũi đột phá rất uy dũng và vô cùng lợi hại.
Sáng mồng 5 tháng Giêng quân Tây Sơn đánh đồn Ngọc Hồi, Thanh Trì (Hà Nội). Vua Quang Trung cho quân lính ghép ba tấm ván lại với nhau tạo thành một mộc thuẫn to. Mặt ngoài mộc thuẫn họ lấy rơm tẩm nước, đắp kín bằng những sợi dây dừa bện chặt. Mỗi người lưng giắt dao ngắn, khiêng mộc thuẫn để làm hộ khí che chắn thân. Quân lính đi theo sau những tấm ván to lớn che kín đó mà dàn quân ra thành chữ Nhứt.
Quân Thanh ở trong thành nổ súng bắn ra như mưa, gần hết đạn mà chẳng trúng một ai. Thấy quân Tây Sơn tới gần kề chúng quay ra bắn cung tên, thì tên của chúng đều ghim vô những tấm ván quấn rơm dày cui. Tên địch ghim vô rơm nhiều vô số, quân binh ta được mộc thuẫn bảo vệ an toàn, họ chỉ việc thò tay ra nhổ tên của địch làm tên của mình để bắn lại chúng.
Trời đang có gió bấc. Quân Thanh đốt thuốc súng làm màn khói mù. Chúng dùng ống phun lửa khói tỏa ngợp trời. Quân ta đang ở thế bất lợi, vua Quang Trung và binh tướng đều cảm thấy lo ngại. Nhưng may thay có Trời giúp cho, khiến cho gió xoay đổi chiều, đang là gió bấc tự dưng thành gió nồm! Oái oăm cho kẻ địch tự hại mình gậy ông đập lưng ông, những luồng lửa khói mù mịt kia đã bị gió thổi ngược lại, phừng phực đốt chết chính bọn chúng. Thế là tiêu toi.
Nhìn thấy quân địch đã thất thế, vua Quang Trung mừng rỡ, liền áp dụng chiến thuật tiến công bao vây đánh chớp nhoáng. Ngài cho dùng các cuộn rơm, ván, tre, lá chắn, gỗ bọc rơm có bốn bánh xe lăn, loại chiến xa tự chế độc đáo sáng tạo lúc bấy giờ, mà công thành. Xe gỗ lăn bon bon tới gần đồn quân giặc.
Rồi họ dùng những lá chắn ván đó làm thành chiếc cầu ván để vượt qua những hào chông rộng và sâu mà tràn tới địch. Quân Tây Sơn khi đã qua cầu xong liền rút ván lại, tiếp tục dùng chúng làm mộc thuẫn bảo vệ, nhứt loạt ồ ạt tiến lên. Đến nơi, quân Tây Sơn liền quăng những tấm ván đó, họ lao tới quân Thanh đánh xáp lá cà.
Quân lính đi phía sau đội khiêng mộc thuẫn phối hợp nhịp nhàng với những người khiêng ván xông vô đánh quân Thanh tơi bời. Chiến thuật và phương pháp công thành của vua Quang Trung quá kỳ lạ, thần tốc và có hiệu quả vẻ vang, khiến quân Thanh rùng mình sửng sốt, chúng kinh sợ tháo chạy tan tác. Số bị giết thây nằm la liệt, chết vô số máu chảy thành sông.
* * *
Tại Kẻ Vôi, vua Quang Trung đã chung sức cùng đội ngũ tự mình đốc chiến. Vua tập trung toàn bộ chiến tượng, xua cho đàn voi đi ở hàng đầu. Các cánh quân khác từ nhiều nơi ùn ùn đổ xuống nơi ấy khi trời chưa sáng. Đoàn chiến tượng 100 con voi hùng dũng đi tiên phong, quân tinh nhuệ tiến theo sau, hai bên đánh nhau một hồi lâu. Những con ngựa của quân kỵ và tướng soái nhà Thanh không bao giờ ngờ được chúng phải đối đầu với một cuộc “tượng chiến”. Khi trông thấy đàn voi chiến tràn tới, tất cả ngựa của giặc đều sợ hãi hí vang, chúng dựng đứng thân, chồm hai chân trước quơ quơ thẳng lên trời, rồi quay đầu chạy lui.
Chính sự hoảng sợ của lũ ngựa đã làm rối loạn đội hình quân Thanh. Một số lớn lính bộ quân Thanh bị voi giày ngựa xéo mà chết. Số quân binh Thanh còn lại liền chạy vô trong hàng rào, chúng liều chết bắn súng ra ngoài để cố thủ. Vua Quang Trung cùng các tướng sĩ thúc voi xông lên, voi quấn vòi nhổ rào lũy ào ạt mà tiến vô thành.
Quân Thanh ở trong thành có ưu thế an toàn hơn ngoài rào, chúng chống trả kịch liệt, khiến đàn voi và binh lính Tây Sơn cũng chết ít nhiều. Vua thấy lực chiến đấu của quân ta đã giảm, Ngài cho voi lui ra sau, vua cưỡi ngựa xông lên phía trước chỉ huy quân sĩ, ráo riết hô xung phong. Quân binh thấy vua gan dạ oai dũng như vậy, thì hào khí lại bừng lên, họ vững tin lên tinh thần chiến đấu. Vua sai các binh sĩ thiện chiến phi ngựa đeo hai đoản đao chạy ngang chạy dọc chém đầu binh lính Thanh, khiến chúng khiếp sợ và chết rất nhiều.
Ở Ngọc Hồi quân địch bị đánh tan bằng một trận ác liệt không sao chống cự nổi, bị tiêu diệt gọn bằng lối truy kích phía sau và mũi phục binh chẹn đường phía đông bắc.
Đề-đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Thượng Duy Thăng bị chết tại trận nầy. Tàn quân Thanh theo tổng binh Trương Triều Long vượt qua sông Tô Lịch, hay bờ đê sông Nhị uốn vòng về phía tây rất gần đường thiên lý. Chúng tháo chạy về đại bản doanh của chủ tướng Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long. Một đội quân khác theo đường thiên lý chạy về cung Tây Long, chạy chưa xa trận địa bao nhiêu, đột nhiên chúng thấy xuất hiện một đạo quân Tây Sơn thình lình gióng chiêng trống mở cờ, hò reo inh ỏi vang dậy cả một góc trời.
Họ sừng sững dàn quân chắn nghẹt mất cả hai con đường rút chạy của quân Thanh, khiến chúng đã mất tiệt đường về. Tàn quân Thanh vô cùng kinh hoảng, vội vàng chạy bán mạng theo lối đường tắt qua cánh đồng Lưu Phái, Quỳnh Đô (ở khoảng giữa đường thiên lý và sông Tô Lịch, về phía Tây) mong trốn thoát về Thăng Long.
Nhưng vừa qua khỏi cầu Ích Vĩnh, thì một đạo quân Tây Sơn có nhiều voi chiến yểm trợ xuất hiện, chận kín mọi ngả đường tháo chạy của chúng. Đây là đạo quân do Đô đốc Bảo chỉ huy đã chờ sẵn bên làng Ích Vịnh, làng Quỳnh Đô đều nằm dọc theo hữu ngạn sông Tô Lịch. Bờ sông Tô Lịch ở phía nam xuống Ngọc Hồi, phía bắc lên Thăng Long, hay qua cầu Quỳnh Đô, ra Văn Điển rồi theo đường thiên lý lên Thăng Long.
Một trận địa kinh hoàng bùng vỡ bất ngờ ở Đầm Mực vào ngày mùng 5 tháng Giêng (ngày 30-1-1789), nơi quân Tây Sơn đã bao vây tứ phía chờ đợi quân Thanh rơi vào tử lộ (cùng lúc với cuộc tiến công của đạo quân Đô đốc Đông vào đồn Đống Đa). Phía Tây làng Quỳnh Đô là Đầm Mực rộng lớn, quanh năm sền sệt bùn đặc rất lầy lội, um tùm cỏ lau cỏ lác mọc chằng chịt. Vua Quang Trung cho quân lính đi men theo bờ đê Yên Duyên, phất cờ gióng trống đánh phèng la inh ỏi. Họ hò hét tưng bừng vang dội ở vùng trời phía đông. Quân Thanh thấy đàn voi từ Đại Áng tới, chúng vô cùng khiếp sợ, liền quăng hết võ khí chạy trốn trối chết xuống Đầm Mực làng Quỳnh Đô. Quân Tây Sơn cho voi rượt theo chà đạp quân Thanh chết vô số.
Ba cánh quân phía bắc, phía nam, quân chủ lực Quang Trung, và cánh quân vu hồi (đội quân đặc biệt đánh đường vòng cung vào sườn và sau lưng địch) đang ráo riết đuổi theo sau lưng địch về phía đông. Tất cả bốn mặt quân doanh Mãn Thanh ngoại thành Thăng Long đều bị quân Tây Sơn bao vây siết chặt như gọng kềm, dồn ép chúng vô bước đường cùng không lối thoát, khiến chúng vô cùng điêu đứng và tuyệt vọng. Tàn quân Thanh bị giết, bị voi giày ngựa đạp, bị lún vào đầm lầy, chết đến hơn một vạn người. Trong số tử vong của giặc trận này có cả tổng binh Trương Triều Long.
Ngày mùng 5 tháng Giêng tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đã phá tan đồn lũy Ngọc Hồi, tiêu diệt toàn bộ quân địch khoảng ba vạn tên ở Ngọc Hồi, và Đầm Mực là cứ điểm then chốt nhứt của quân địch. Quân Tây Sơn tiến vô kinh thành Thăng Long. Đạo quân chủ lực của vua Quang Trung, đạo quân của Đô đốc Bảo đã thành công hiển hách.
Khí thế dũng mãnh của quân Tây Sơn đã chiếm ưu thế, hoàn toàn áp đảo quân giặc. Tây Sơn chiến thắng vẻ vang, rạng rỡ. Trong đó, trận quyết chiến lịch sử Ngọc Hồi – Đầm Mực đã giữ vai trò rất quan trọng và thiết yếu trong toàn bộ kế hoạch đại phá quân Thanh của vua Quang Trung và các mưu thần tướng sĩ Tây Sơn ở các trận chiến tiếp theo.
* * *
Tình Hoài Hương.
(*) thơ Phạm Hồng Thước .
TRẬN CHIẾN ĐỒN HÀ HỒI
Tình Hoài Hương.
*
Ít dẫn nhập rất ngắn về nguyên nhân đã khiến Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ xuất quân đi ra Bắc chinh chiến chống quân Thanh.
Ngày 21-12-1788, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết tự mình ngày đêm phi ngựa từ Bắc Hà vô Phú Xuân để báo tin khẩn cấp về việc sắp mất nước tới nơi.
Được tin ấy, mượn cớ phò Lê (vua Lê Chiêu Thống), Nguyễn Huệ tự động đứng ra làm lễ chính thức đăng quang tại núi Bân, lên ngôi hoàng đế, ông đặt đế hiệu là Quang Trung. Vua lập tức hạ lệnh xuất quân, thống lãnh mười vạn quân thủy, bộ, ngày đêm xuất quân tiến ra Bắc.
Vua Càn Long nhà Thanh ỷ thế "thiên triều" để xâm lược nước ta. Càn Long cử Tổng đốc Lưỡng Quản Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân Thanh tới nước Nam. Ngoài miệng bọn chúng thơn thớt mượn cớ giúp nhà Lê, nhưng thực tâm là âm mưu xâm lăng chiếm đất nước cai trị dân ta.
Đánh đồn Hà Hồi.
Quân Thanh đóng chốt trên một khu đất cao ở phía nam bản địa, đó là đồn Hà Hồi nằm bên một làng ở Đường Thiên Lý, giao thông huyết mạch, chủ yếu tiện lợi nhứt từ trong Nam ra Thăng Long, (con đường chạy song song với quốc lộ số 1 ngày nay).
Đồn Hà Hồi chiếm một vùng đất tương đối cao, phía bắc dựa lưng vô xóm làng, phía nam có thể nhìn thấy Đường Thiên Lý từ Đàng Trong ra.
Tại địa điểm tập họp ở phía nam Hà Hồi, vua Quang Trung tổ chức một đội quân xung kích làm nhiệm vụ đột phá vào trận địa phòng thủ của địch, (quân Tây Sơn đã tuyển lựa những nghĩa binh khỏe mạnh dũng cảm từ trước). Dưới sự tổ chức chiến lược và lãnh đạo trực tiếp của vua Quang Trung, quân Tây Sơn ở hướng tiến công chủ đạo, đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng bước vào trận địa quyết chiến với giặc Tàu.
Vua, tướng, và toàn quân binh quyết tâm san đạp lũ xâm lăng đất nước ta bằng mọi thử thách hiểm nguy, họ hy sinh tuyệt đối không từ nan.
Nửa đêm ngày mùng Ba Tết năm Kỷ Dậu (ngày 28-l-1789), vua Quang Trung và quân lính âm thầm lặng lẽ, kín đáo nhưng mau chóng ráo riết sát cánh nhau, chuyển quân ngày đêm tới làng Hà Hồi.
Quân Tây Sơn đột ngột xuất hiện vây chặt đồn. Họ bắc loa gọi địch ra hàng, huyên náo khắp bốn mặt đồn. Họ đánh gươm giáo vào nhau loảng xoảng, khua chiêng gióng trống nghe rân trời, giống như có hơn vài ba vạn người đông đúc rổn rảng ầm vang hò la kêu réo, nghe thiệt đinh tai nhức óc.
Khiến quân Thanh không thể nào ngờ việc gì đang xảy ra. Chúng không biết ất giáp chi, cứ tưởng bên quân ta có vô số binh lính đông nghìn nghịt vây kín! Quân địch hoảng hốt, ai nấy choáng váng rụng rời sợ hãi, đến nỗi chưa kịp cầm chặt khí giới trong tay đã lập tức buông vũ khí, đồng loạt theo nhau dong hai tay giơ lên đầu, xin ra hàng.
Quân Tây Sơn không tốn một mũi tên hòn đạn, không tốn mảy may công sức nào, đã diệt gọn quân binh bọn Thanh tại đây. Hà Hồi là một tiền đồn quan trọng của giặc, nhưng thất thủ chỉ trong nháy mắt. Mọi binh khí của chúng đều bị quân Tây Sơn tịch thu hết, tất cả lương thực dồi dào cũng bị lấy sạch.
Quân binh Tây Sơn liền đóng một chốt trên cánh đồng Cung rộng khoảng hơn 20 mẫu ta (một mẫu ta miền Bắc bằng 3,600 mét vuông), là một khu đất bao la cao ráo ở phía nam Hà Hồi.
Chiến thắng phá đồn Hà Hồi thật dễ dàng, tiếp đến quân Tây Sơn thừa thắng bao vây một đồn quan trọng khác của địch tại làng Phú Xuyên, cách Thăng Long gần 30 dặm. Với khí thế hùng mạnh hăng say, nhưng bí mật tốc chiến, quân Tây Sơn đã bao vây và tiến lên tiêu diệt quân Thanh thật gọn lẹ, mà các đồn lân cận trong đêm không hề hay biết gì.
* * *
Tình Hoài Hương.
CHIẾN THẮNG TRẬN ĐỐNG ĐA
(Gò Đống Đa, Hà Nội)
Tình Hoài Hương
*
Ngày 17-12-1788, biết tin quân Thanh tiến chiếm Thăng Long xong, quân Tây Sơn ở Bắc Hà rút về Tam Điệp. Nơi ấy gọi là “Kẽm Đó” – Biện Sơn, có những chướng ngại thiên nhiên khá tốt, như tuyến đường thiên lý qua đèo Tam Điệp, đường thủy qua cửa biển Thần Phù, đường giao thông thủy bộ từ Thăng Long vào Nam, đường thượng đạo qua Phố Cát. Cộng với Tam Điệp là một dãy núi đá vôi nằm giữa Thanh Hóa – Ninh Bình.
Phía dưới ăn ra sát biển, phía trên nối liền với núi rừng Hòa Bình, các khu vực trên đều phải đi qua những dãy núi hùng vĩ. Lợi dụng địa hình thuận tiện ấy, quân Tây Sơn liền xây dựng chiến tuyến, thành, lũy, lập địa bàn chắc chắn kiên cố vững chãi mà phòng ngự, chuẩn bị cho đại quân sẽ làm một cuộc phản công.
1. Thống soái Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị kéo đại quân vượt qua sông Nhị, tiến vào đánh phá và chiếm đóng kinh thành Thăng Long, xâm chiếm đất Bắc Hà tương đối dễ dàng. Vì vậy Tôn Sĩ Nghị dương dương tự mãn và tỏ ra chủ quan, khinh địch. Nghị ngạo nghễ vỗ ngực tuyên bố:
- “Sắp hết năm, đại quân ta xa xôi tới đây cần nghỉ ngơi, không đánh vội. Giặc gầy mà ta đang béo, hãy để chúng tự ý đến đây nộp thịt. Ta cho quân sĩ nghỉ ngơi chuẩn bị ăn Tết Nguyên Đán xong, ta sẽ tiến quân vô sào huyệt giặc, bắt sống Nguyễn Huệ chẳng mấy hồi.”
(sách “Hoàng Lê nhất thống chí” ghi).
Nói xong Tôn Sĩ Nghị cho quân lính mặc sức kéo nhau đi nghênh ngang làm điều phi pháp như một lũ thảo khấu rừng rú. Binh lính Thanh công khai áp bức, cướp giật của cải dân, giết người Việt, hãm hiếp phụ nữ, không kiêng kỵ bất cứ điều gì. Cùng lúc đó, Lê Chiêu Thống và đồng bọn quan viên thì luồn cúi, đê hèn bám theo gót chân bọn xâm lược Thanh trở về kinh thành. Dựa hơi bọn xâm lược Mãn Thanh, bọn vua quan bán nước ti tiện này đã lộ diện nguyên hình một lũ mãi quốc cầu vinh, chúng dã man trả thù những người chống đối chúng, và tìm cách vơ vét lương thực của dân lành khốn khổ.
Vì vậy dân chúng càng căm ghét bè lũ cướp nước và bán nước. Dân chúng Bắc Hà đã có sự suy nghĩ phân minh và quyết tâm đoàn kết hướng về quân Tây Sơn cùng chống ngoại xâm để bảo vệ chính mình và bảo vệ nền độc lập của đất nước. Dân Thăng Long phẫn uất than thở với nhau:
- “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay, chưa thấy có ông vua nào luồn cúi và bè lũ đê hèn như thế”
(sách “Hoàng Lê nhất thống chí” ghi, trang 348).
2. Lúc trời còn mờ mờ tối vào sáng ngày mùng 5 tháng Giêng, khi đạo quân chủ lực của vua Quang Trung tiến đánh đồn Ngọc Hồi, đồng thời vào giao điểm ấy, thì đạo quân của Đô đốc Đặng Văn Long cũng mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ vô đồn Đống Đa trực thuộc trại Khương Thượng ở phía Bắc sông Tô Lịch. Trại đồn nầy tuy không kiên cố như đồn Ngọc Hồi, nhưng trại giữ một vai trò rất quan trọng không kém Ngọc Hồi là mấy, vì nó nằm sát kinh thành Thăng Long.
Nơi đây giặc Thanh cần làm trại phòng thủ để yểm trợ cho thành Thăng Long, nếu kinh thành có bất trắc hoặc gặp lâm nguy. Trận tiến công đồn Khương Thượng bắt đầu tại phía Bắc, ở khoảng giữa cầu Nhân Mục và sông Tô Lịch.
Trại giặc nằm trên con đường cái có tầm quan trọng từ Thanh Hóa ra Tam Điệp, đi qua Nho Quan (Ninh Bình), Chương Đức (Hà Tây), đi qua cầu Nhân Mục (Từ Liêm, Hà Nội), rồi đi vô cửa Ô Tây Nam của thành Thăng Long, khu Đống Đa, Hà Nội. Vua Quang Trung lập tức đưa quân tiến đánh Khương Thượng (Ðống Ða), do tướng nhà Thanh Sầm Nghi Ðống chỉ huy và trấn giữ, cùng toán quân Miêu 1.000 người của bọn Thanh.
3. Quân Thanh dựa vào ưu thế địa hình tự nhiên làng mạc xung quanh doanh trại khá kiên cố, nên chúng không xây công sự đắp chiến lũy. Tuy thế, quân Thanh muốn khống chế con đường cái Tam Điệp đi ra phía tây nam Thăng Long, nên chúng đã cấp tốc thành lập đồn Đống Đa, tập hợp một lực lượng nòng cốt, đề phòng cuộc tiến công của quân Tây Sơn.
Phía bắc trại Khương Thượng là một cánh đồng rộng, vốn là một gò đất lớn, cao, có lợi khi ta đứng trên cao có thể nhìn bao quát chung quanh, nhứt là có thể kiểm soát các đường vô Thăng Long. Quân Thanh còn lập đồn binh phụ ở Yên Quyết bên bờ sông Tô Lịch, nơi có vị trí án ngữ phía trước đồn Đống Đa.
Phía sau là đồn Nam Đồng. Ở giữa đồn Đống Đa và cửa ô thành Thăng Long, có đạo quân Điền Châu, Triều Châu rất đông của Sầm Nghi Đống, gồm khoảng vài vạn quân mà chúng gọi là “nghĩa dũng quân” (nhưng thực chất là thổ binh ô hợp, và dân phu phen bát nháo lộn xộn ở các công trường khai mỏ).
Đó là những quân lính mới mà Sầm Nghi Đống vừa vội tuyển mộ trên đường qua xâm lược nước Nam. Số quân Thanh đóng ở bờ phía Nam sông Phú Lương gồm ba ngàn người, do tổng binh Thượng Duy Thăng, phó tướng Hình Ðôn Hành, tham tướng Vương Tuyên và Thổ quan Ðiền Châu Sầm Nghi Ðống được lệnh bố trí để tiếp ứng đề đốc Hứa Thế Hanh khi cần thiết.
* * *
4/ Kế hoạch điều phối của vua Quang Trung:
Theo kế hoạch tiến quân của vua Quang Trung khi đạo quân chủ lực công phá đồn Ngọc Hồi, thì đạo quân của đô đốc Long liền bất ngờ tập kích, tiêu diệt đồn Đống Đa rồi mau chóng thọc sâu vô thành Thăng Long, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.
Do đó, mờ sáng ngày mùng 5, lúc đồn Đống Đa sắp bị tiêu diệt, đô đốc Đặng Văn Long mau lẹ đem đội kỵ binh Tây Sơn đi tiên phong, bất ngờ táo bạo lao thẳng về phía cung Tây Long thần tốc đánh thọc vô thành Thăng Long, một đòn trời giáng sấm sét lên đầu Tôn Sĩ Nghị.
Ngày mùng 5 Tết (30-1-1789) vua Quang Trung đã ra lệnh sẵn cho đạo Thủy quân, Hải-quân trong vịnh Bắc Việt của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đi theo đường sông, giờ X đánh vô các lực lượng quân Thanh canh giữ các đài trạm chứa lương thực, dọc từ Thăng Long lên đến Lạng Sơn.
Vua Quang Trung giao cho Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy đạo quân vu hồi, đánh thọc sâu vô đồn Đống Đa (vua Quang Trung sử dụng rất đúng tài năng và vị trí của Đô đốc Đặng Tiến Đông. (Ông Đông xuất thân trong một gia đình quý tộc. Cha, chú, bác, mấy đời đều đỗ đạt, làm quan to trong chính quyền Lê – Trịnh. Riêng ông Đông đã từng là một võ tướng trong quân đội chúa Trịnh).
Đạo quân của Đô đốc Long gồm Kỵ-binh và Tượng-binh tuy không nhiều, nhưng có sức cơ động thần kỳ mau lẹ đột phá mạnh, trang bị nhiều hỏa hổ, đại bác đặt trên mình voi chiến, đạo quân này tiến về phía làng Nhân Mục đúng theo kế hoạch vua đã vạch ra. Quân Tây Sơn bí mật lập thế trận tiến công, họ mau chóng vượt qua mọi chướng ngại núi rừng, rồi vượt qua sông Tô Lịch sâu dài có chỗ nước chảy xiết. Họ là những đội quân dũng cảm phi thường khi họ áp sát vô đồn Đống Đa.
Cuộc tiến công bắt đầu khoảng cuối canh tư bằng khí thế áp đảo quân thù. Quân Tây Sơn với đội hình đã dàn trận sẵn, liền xông thẳng vô đồn trại của địch, đốt phá các doanh trại phía ngoài, đánh thọc vô sở chỉ huy địch. Họ chờ đợi sự chống cự của quân Thanh, nhưng chúng không sao đương đầu nổi sức tiến công chớp nhoáng mà ồ ạt mãnh liệt tuyệt luân của quân Tây Sơn. Các Kỵ binh, Tượng binh, Thủy binh của vua Quang Trung đồng loạt từ ba mặt kéo đến bao vây thành Thăng Long.
Chỉ trong chốc lát, số quân Thanh bị chết, bị thương đã lên đến nửa vạn người. Cùng lúc đó, xung quanh đồn trại của địch đột nhiên xuất hiện một hàng rào lửa dày đặc. Đó là “trận rồng lửa” (hỏa long trận) của cư dân các địa phương. Dân chúng đã từng chứng kiến sự tàn ác dã man của kẻ thù, nên họ quyết chí góp sức cùng đội quân Tây Sơn, nguyện một lòng đoàn kết nổi lên diệt giặc. Quân Tây Sơn và dân các làng xã quanh các vùng nầy, họ đã kín đáo bí mật phối hợp chặt chẽ, lấy rơm, các loại cây, loại nhựa dễ cháy bện thành hình những “con rồng” vừa đủ lớn, tẩm dầu, chờ giờ hành động.
Dân kín đáo cất giấu sẵn những con rồng lửa (hỏa long) trong mỗi nhà. Chờ đến ngày diệt đồn sẽ đem ra đốt cháy, tạo thành một màn lưới lửa bao vây khổng lồ mà thiêu hủy đồn giặc. Võ công oanh liệt của cư dân địa phương và quân Tây Sơn đã gắn liền với những chiến tích lẫy lừng vang dội đó. Quân địch choáng váng vì ngón đòn tiến công bất ngờ, vô cùng ngoạn mục của quân Tây Sơn.
Chưa dứt hết sự ngơ ngác ngạc nhiên nầy, chúng lại khiếp đảm trước bốn bề lửa đỏ trùng điệp bao vây cháy rực trời. Một lối đánh táo bạo phối hợp nhịp nhàng khác lạ mới mẻ chưa từng thấy trong lịch sử, cùng tiếng chiêng, trống, phèng la, tù-và inh ỏi, hợp lực với tiếng muôn dân reo hò vang dậy khắp nơi, khiến quân Thanh bàng hoàng kinh hãi. Các mũi tiến công của quân Tây Sơn lao vô chém giết quân Thanh thế mạnh như sóng thần ập tới lúc đêm tối, làm quân địch hoảng loạn, hãi hùng, chúng tự xô đẩy dẫm đạp lên nhau cố tháo chạy thoát thân.
Sầm Nghi Đống quá kinh hoảng, hắn phải bỏ doanh trại ngoài rút về Loa Sơn, nằm im chờ quân cứu viện tiếp ứng. Sầm Nghi Đống sửng sốt thấy quân binh lộn xộn, đồn trại mình tan vỡ quá mau chóng; quân binh nhà Thanh chống đỡ không nổi, bàng hoàng không sao phá được vòng vây mỗi lúc càng siết chặt.
Số quân binh còn trụ lại lúng túng ngẩn ngơ trước cảnh thế cùng lực kiệt, lại thêm lo âu mệt mỏi chờ hoài chờ mãi, mà quân cứu viện không hề tới tiếp ứng. Bọn chúng hoàn toàn tuyệt vọng, không còn chút ý chí chiến đấu.
Sau mấy giờ quyết chiến, đồn Đống Đa do quân Thanh đóng đã hoàn toàn bị diệt phá tan tành, nhanh gọn đến không ngờ. Quân lính địch bị tiêu diệt tại trận rất mau, một số quân địch chạy ra ngoài cũng bị quân Tây Sơn rượt đuổi theo chém giết, bắt sống hơn phân nửa.
Giặc Thanh tuy đánh cũng hăng nhưng bị giết quá nhiều, số quân còn lại ngày hôm sau đã buông giáo mác ra hàng. Ở trận nầy Sầm Nghi Ðống bị chém đứt một cánh tay, ngã ngựa sau đó hắn đã thắt cổ chết ngay ở doanh trại chỉ huy. Những thân binh trung thành của hắn có một số cũng tự sát theo chủ tướng.
5. Quân Tây Sơn thừa thắng xông lên, tiến tới tiêu diệt đồn Yên Quyết, Nam Đồng. Sau đó mau chóng tràn vô cửa ô Tây Nam của thành Thăng Long. Hàng vạn xác giặc phơi thây nằm ngổn ngang khắp chiến trường Khương Thượng, Thịnh Quang, Nam Đồng. Dân và quân Tây Sơn phải đi lượm xác giặc xếp từng đống cao, đắp đất thành mười hai gò đống to lớn, gọi là: “Kình-nghê kinh quán”, có nghĩa là gò đống nầy vùi xác quân giặc hung dữ, ví như loài cá kình, cá nghê ngoài biển cả.
Xác giặc đã chôn rải rác trên cánh đồng ngày đó còn nhiều vô số, không làm sao đếm cho xuể. Vì năm 1851, khi đào đất đắp đường, mở chợ, dân địa phương đã tìm thấy rất nhiều xương cốt. Họ thu lượm lại, đem chôn chung vô một hố sâu rất to, rồi đắp đất vun lên khá cao thành một cái gò, gọi là “gò thứ 13” gần với các gò ở khu ấp Thái Hà. Từ đó đã trở thành cái gò chung mang tên: “Gò Đống Đa”.
6. Tại đại bản doanh đóng ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị và bộ chỉ huy quân Thanh còn đang lo lắng theo dõi chặt chẽ diễn biến của mặt trận phía nam, thì sáng hôm sau hắn càng sửng sốt bàng hoàng trước cuộc tiến công bất ngờ của quân Tây Sơn. Nhưng hắn vẫn chủ quan về sức mạnh của quân Thanh đã bành trướng khắp nơi, nhứt là hắn tự thị với đoàn quân binh từ đất nước của hắn đông gấp nhiều lần quân ta, dềnh dàng hùng mạnh hơn binh tướng của nước “nhược tiểu” nầy.
Cũng do quá ỷ y về tài phán đoán “đúng đắn như thần” của mình, nên Tôn Sĩ Nghị chỉ chú ý tập trung vào mặt trận phía nam hơn, sẵn sàng tung đạo quân chủ lực để chi viện cho đồn Ngọc Hồi khi cần thiết mà ra nông nỗi.
Sáng mùng 5 lúc canh tư, đột nhiên Tôn Sĩ Nghị nghe tiếng súng đùng đùng nổ chát chúa liên hồi ở phía tây nam thành Thăng Long, thì hắn vô cùng bàng hoàng kinh ngạc, không biết biến loạn xảy ra ở đâu quá gần mà nghe đinh tai nhức óc? Tôn Sĩ Nghị vội sai thám tử cấp tốc phi ngựa đi coi tình hình ra sao. Khoảng đầu canh năm, lính kỵ mã ở đồn Ngọc Hồi phi báo cho hắn biết:
- “Đồn Ngọc Hồi bị đánh dữ dội, chẳng còn”.
Tên tổng binh giặc bồn chồn bối rối, chưa kịp suy nghĩ nên điều quân đi tiếp ứng cho mặt trận phía nam ra sao, thì tên thám tử hắn vừa mới sai đi, đã tức tốc chạy trở về báo tin:
- “Đạo quân Điền Châu, Triều Châu đã tan vỡ, đồn Đống Đa vô cùng lâm nguy”.
Chưa kịp hoàn hồn sợ hãi vừa đứng bật dậy, liền đó hắn được tin:
- “Quân Tây Sơn đã ập vô cửa ô thành Thăng Long, khói lửa bốc lên đầy trời!”.
Cứ độ khoảng chốc lát mươi phút, lại có một kỵ binh tin cậy đem tin tức chẳng lành (của mặt trận phía nam), chạy về đại bản doanh báo cho Tôn Sĩ Nghị biết tin quá bất lợi, khiến hắn càng bấn loạn, nao núng âu lo. Sĩ Nghị kêu ca:
- Quân giặc ở đâu ra mà nhiều như thế !
Quân Thanh đã bị vây kín bốn mặt thành. Nghị ta đã hồn phi phách tán, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, hối hả dẫn bọn lính kỵ mã chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy trối chết.
Cũng ngày hôm đó, cánh quân Vân – Quý chỉ có hơn 3.000 người đóng ở Sơn Tây của Ô Ðại Kinh (tướng nhà Thanh) kéo đến sông Phú Lương có ý muốn để tiếp cứu đồng bọn, thì chúng thất vọng thấy cầu nổi đã đứt chìm mất rồi, phía bên kia sông lửa cháy rực trời. Tiếng súng đã dứt, chứng tỏ cho Ô Đại Kinh biết: nếu phe ta không chết thì cũng ra đầu hàng. Họ Ô biết chắc rằng đại binh của mình đã thua. Chủ tướng Ô Đại Kinh và quân binh bàn nhau và không dám tham chiến. Chúng bèn vội vàng theo đường cũ tháo lui, chạy một mạch rút về nước.
Sau thời gian ấy, theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị với vua Càn Long, thì Nghị đổ tội cho vua Lê Chiêu Thống chưa đánh đã chạy, làm loạn nhân tâm, khiến cho quân binh nhà Thanh bị đại bại. Y nói:
- “Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) nghe tin Nguyễn tặc (tức Nguyễn Huệ) đích thân đến đánh, mọi người thất kinh, hồn vía táng đởm. Tay bồng con thơ, Kỳ vội vàng dẫn mẹ vượt sông Phú Lương, chẳng kịp đem theo vợ. Dân chúng trông thấy tình cảnh đó, cũng hoảng hốt chạy tán loạn, tin đồn lan đến quân doanh bọn giặc hay biết nên chúng càng hăng tiết.”
* * *
Tình Hoài Hương.
https://www.facebook.com/groups/1079159082268892/user/100005265481394
Không có nhận xét nào