Header Ads

  • Breaking News

    Josep Borrell* - Châu Âu giữa hai cuộc chiến

    Nguồn: “L’Europe entre deux guerres”, Le Grand Continent, 3.01.2024.

    Phạm Như Hồ dịch

    23/02/2024

    [*] Josep Borrell là Đại diện cấp cao của Liên Minh Châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Ông là Chủ tịch Nghị viện Châu Âu từ năm 2004 đến năm 2007.

    LE GRAND CONTINENT


    © Nhóm nghiên cứu địa chính trị

    Từ Ukraine tới Gaza, bom rơi xuống một thế giới đang rạn nứt. Năm 2023 là năm xảy ra hai cuộc chiến tranh; Năm 2024 sẽ là năm của các cuộc bầu cử. Một chẩn đoán về Châu Âu ở bước ngoặt được Josep Borrell[*] đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của tạp chí Le Grand Continent.

    Josep Borrell - Hai cuộc chiến tranh chết chóc đang phát triển ở biên giới của chúng ta và thống trị lịch trình của Châu Âu: cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga và cuộc chiến lại bùng lên ở Trung Đông. Ở đây tôi sẽ tập trung vào hậu quả của những cuộc chiến này đối với Châu Âu và do đó sẽ không đề cập đến các chủ đề chính khác trong chính sách đối ngoại của chúng ta như quan hệ của chúng ta với Trung Quốc, tác động của biến đổi khí hậu hoặc căng thẳng ở Sahel. 

    Khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình (Phó Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu – Đại diện Cao Cấp của Ủy Ban Châu Âu về các vấn đề ngoại giao và an ninh - ND) vào năm 2019, tôi đã có trực giác rằng các vấn đề an ninh sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Đây là lý do tại sao chúng tôi bắt tay vào phát triển La bàn chiến lược/Strategic Compass, một chiến lược mới cho chính sách an ninh và quốc phòng chung của chúng ta. Khi trình bày chiến lược này, vào tháng 11 năm 2021, tôi đã nói rằng “Châu Âu đang lâm nguy”.

    Châu Âu đang lâm nguy

    Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng tôi đã phóng đại, rằng đó chỉ là một chiêu tiếp thị để “bán” chính sách La bàn Chiến lược. Vào thời đó, hầu hết các nhà quan sát vẫn tin rằng nếu Nga tập trung quân ở biên giới Ukraine thì đó là nhằm mục đích gây áp lực lên Phương Tây để đạt được những nhượng bộ bổ sung. Đối với Trung Đông, “hiếm khi Trung Đông lại bình yên đến thế”, như Jake Sullivan, cố vấn an ninh của Tổng thống Biden, phát biểu vào tháng 9 năm ngoái. Thật vậy có nhiều người cũng thường xuyên khuyên tôi không nên quan tâm đến vấn đề Israel-Palestine. Dù sao đi nữa, cũng không thể tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột này và với Hiệp định Abraham, tình hình đang phát triển tích cực giữa các nước Ả Rập và Israel. Người Palestine chắc chắn đang phải hứng chịu bạo lực ngày càng gia tăng ở Bờ Tây và các khu định cư bất hợp pháp tiếp tục lấn chiếm dần dần lãnh thổ của một Nhà nước Palestine tiềm năng, nhưng không còn ai thực sự quan tâm nữa. Người ta sẵn lòng cho rằng vấn đề Palestine sẽ tự giải quyết.

    Tuy nhiên, một vài tuần sau khi tôi trình bày chính sách La bàn chiến lược, chiến tranh đột nhiên quay trở lại biên giới của Liên Minh, và kể từ ngày 7 tháng 10, tình hình thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn ở khu vực lân cận của chúng tôi. Tình hình bi thảm ở Gaza đã trở thành vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, nhưng cuộc chiến chống Ukraine vẫn là một chủ đề thiết yếu vì nó tạo thành mối đe dọa đối với sự tồn tại của Liên Minh Châu Âu. Mặc dù các tác nhân và nguồn gốc của chúng rất khác nhau nhưng hai cuộc xung đột này có mối liên hệ với nhau. Cách mà cái được gọi là “Phương Nam Toàn Cầu” ngày nay nhận thức về cuộc xung đột ở Gaza, có thể sẽ làm suy yếu sự ủng hộ mà nhiều quốc gia thuộc Phương Nam Toàn Cầu dành cho Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga.


    © Nhóm nghiên cứu địa chính trị

    Khoảnh khắc Démosthène của Châu Âu

    Trong đại dịch COVID 19, khi chúng ta thành lập EU Thế Hệ Tiếp Sau/Next Generation EU thông qua việc phát hành một khoản nợ chung, một số người đã nói về khoảnh khắc Hamilton, liên quan đến quyết định được Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đưa ra vào năm 1790. Hoa Kỳ tiếp quản khoản nợ của các bang thuộc Liên Bang Miền Bắc (Union), từ đó tạo ra một khoản nợ liên bang chung. Tuy nhiên, sự tương tự này có thể bị nghi ngờ khi mà EU Thế Hệ Tiếp Sau không liên quan đến số nợ của các quốc gia thành viên và chỉ là hành động nhất thời không có khuynh hướng được lặp lại. Ngày nay, có những người khác gợi lên khoảnh khắc Démosthène, liên quan đến hành động của nhà hùng biện và chính khách vĩ đại người Athène vốn, từ năm 351 trước Công nguyên, đã huy động đồng bào của mình trong một loạt bài diễn văn nổi tiếng, mang tên Philippiques, để bảo vệ nền độc lập của Athènes và nền dân chủ của nó chống lại chủ nghĩa đế quốc của Philippe xứ Macedoine, cha của Alexandre Đại đế. Một so sánh thích đáng hơn: thật vậy, chúng ta phải đối mặt với chủ nghĩa đế quốc của một cường quốc đang đe dọa không chỉ Ukraine mà cả nền dân chủ của chúng ta và toàn bộ Liên Minh.

    Tôi lo ngại rằng, nếu chúng ta không thay đổi nhanh chóng, nếu chúng ta không huy động hết khả năng của mình, nếu chúng ta để Putin thắng cuộc ở Ukraine, nếu chúng ta để cho thảm kịch mà người dân Gaza phải gánh chịu tiếp diễn, thì dự án Châu Âu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

    Vì vậy, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về hai cuộc chiến này và cách chúng ta có thể tác động đến diễn biến của chúng. Chúng ta thường được bảo rằng địa lý không còn quan trọng nữa, rằng nó đã biến mất khỏi các cuộc xung đột. Nhưng trong hai cuộc xung đột này, sự tranh giành lãnh thổ chính là vấn đề. Trong trường hợp Ukraine, cuộc xung đột là giữa một quốc gia có chủ quyền, Ukraine, chống lại một cường quốc đế quốc là Nga. Nga chưa bao giờ có khả năng trở thành một quốc gia-dân tộc thực sự. Nga luôn là một đế chế dù dưới thời các Sa hoàng, với các xô viết hay bây giờ với Putin. Và chừng nào bản sắc đế quốc này không bị thách thức, Nga sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với các nước láng giềng, đặc biệt là đối với người Châu Âu chúng ta, và chế độ chính trị của nước này sẽ vẫn độc tài, mang dấu ấn của chủ nghĩa dân tộc và bạo lực. Có nhiều nhà tư tưởng Nga đã chỉ ra tình trạng này: chừng nào Nga không từ bỏ dự án đế quốc của mình thì nước này sẽ không thể dân chủ hóa hay cải cách chính mình.

    Hai dân tộc và một vùng đất

    Xung đột giữa Israel và Palestine có tính chất khác, nhưng nó cũng liên quan đến vấn đề lãnh thổ. Đây là cuộc xung đột giữa hai dân tộc đấu tranh cho cùng một vùng đất mà cả hai đều có quyền chính đáng, và cuộc xung đột này đã diễn ra từ hàng trăm năm nay. Chúng ta đã có Chiến tranh Trăm Năm ở Châu Âu nhưng trong trường hợp này đây là Chiến tranh Trăm Năm ở Trung Đông. Làm thế nào để thoát ra khỏi nó? Có hai cách: hoặc hai dân tộc này cùng chia sẻ mảnh đất này, hoặc một trong hai dân tộc sẽ phải rời bỏ, chết hoặc trở thành công dân hạng hai dưới sự thống trị của dân tộc kia.

    Tương lai được vạch ra bởi lựa chọn thứ hai là không thể chấp nhận được. Chúng ta phải ủng hộ cách đầu tiên. Và đây chính là toàn bộ vấn đề của giải pháp hai Nhà nước đã được thảo luận hơn ba mươi năm qua với Hiệp định Oslo. Nhưng kể từ đó, rất ít việc được thực hiện để thực sự triển khai nó. Tuy nhiên, toàn bộ cộng đồng quốc tế đều ủng hộ giải pháp này và đây cũng là lập trường của tất cả các quốc gia thành viên của Liên Minh.

    Những người cực đoan ở cả hai phe, một bên là Hamas và một bên là những người theo trào lưu chính thống của cánh hữu Israel, chống đối điều đó và đã làm mọi cách để khiến giải pháp hai Nhà nước trở thành bất khả thi cho đến tận ngày nay. Đặc biệt là Hiệp định Oslo đã không ngăn chặn được việc thuộc địa hóa Bờ Tây/Cisjordanie, tức là, như ở Ukraine, việc chiếm đóng đất đai của dân tộc khác trái với mọi nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Ngày nay có 700.000 người định cư Israel ở Bờ Tây, gấp bốn lần so với thời điểm của Hiệp định Oslo, mục tiêu rõ ràng là làm cho việc thành lập một Nhà nước Palestine không thể được thực hiện.

    Chính phủ Israel bác bỏ giải pháp hai Nhà nước

    Hamas chống đối chính sự tồn tại của Nhà nước Israel. Nhưng chính phủ Israel hiện tại cũng từ lâu đã chống đối lại giải pháp hai Nhà nước. Benyamin Netanyahu, Thủ tướng hiện tại, đã xuất hiện trước những người dân của mình và hứa rằng với ông, một Nhà nước Palestine sẽ không bao giờ được thành lập mặc dù toàn bộ cộng đồng quốc tế ủng hộ điều đó. Cộng đồng này vì thế cũng gặp vấn đề với chính sách của Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, có những tiếng nói khác nổi lên trong xã hội Israel như tiếng nói của cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert[1] hay của một thanh nữ sống sót sau vụ tấn công vào Kibbutz Be'éri[2], mà lời khai khiến tôi vô cùng cảm động, để nhấn mạnh sự cần thiết thành lập một Nhà nước Palestine như vậy. Tôi tin chắc rằng đây là điều cần thiết cho an ninh lâu dài của Nhà nước Israel.


    © Nhóm nghiên cứu địa chính trị


    Dù sao đi nữa, thảm kịch ngày 7 tháng 10 đã đánh dấu sự phá sản của một hiện trạng không thể đứng vững được, ngay cả khi chúng ta không muốn nhìn thấy nó. Theo tôi, có hai bài học được rút ra từ thảm kịch này. Thứ nhất, giải pháp không thể chỉ do các bên trong cuộc xung đột tìm ra mà phải được cộng đồng quốc tế, các nước láng giềng Ả Rập, Mỹ và Châu Âu áp đặt. Và thứ hai là chúng ta phải thay đổi phương pháp. Ở Oslo, điểm kết thúc của cuộc đàm phán không được xác định. Quá trình này phải được đảo ngược. Cộng đồng quốc tế trước tiên phải xác định điểm đến này và sau đó tìm kiếm, thông qua đàm phán giữa các bên, con đường để đạt được điểm đó. Ngày nay, các quốc gia Ả Rập tuyên bố rõ ràng, kể cả những quốc gia đã công nhận Israel và có quan hệ với nước này, rằng họ sẽ không chi thêm một lần nữa để xây dựng lại Gaza nếu không có sự đảm bảo rằng giải pháp hai Nhà nước sẽ thực sự được thực hiện. Hòa bình sẽ không bao giờ trở lại bền vững nếu không phải là như vậy.

    Không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Israel-Palestine

    Không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Hamas trên hết đại diện cho một ý tưởng và bạn không thể giết chết một ý tưởng bằng bom. Cách duy nhất để loại bỏ một ý tưởng xấu là đề xuất một ý tưởng khác tốt hơn, mang lại hy vọng, niềm tin vào một tương lai nơi có thể có hòa bình. Đây có thể và nên là việc thực hiện giải pháp hai Nhà nước.

    Nhưng chúng ta hãy quay trở lại Châu Âu bằng cách đưa ra một câu hỏi cơ bản: khả năng hành động tập thể của chúng ta khi đối mặt với những xung đột này là gì? Chúng ta không phải là một Nhà nước và chúng ta thậm chí không phải là một liên bang của các (tiểu) bang. Chính sách đối ngoại và an ninh của chúng ta được xác định trên cơ sở của sự nhất trí, nghĩa là chỉ cần một quốc gia phản đối là chúng ta không thể hành động được nữa.

    Và tất nhiên là chúng ta gặp khó khăn trong việc đạt được sự nhất trí như vậy khi đối mặt với những vấn đề phức tạp. Nếu chúng ta có một hệ thống bỏ phiếu theo đa số được xác định hoặc theo một quy tắc ra quyết định không đòi hỏi sự nhất trí hoàn toàn, chúng ta có thể thúc đẩy mọi người tìm ra điểm hội tụ. Lúc đó sẽ có động cơ để đàm phán vì không ai thích bị cô lập. Nhưng nếu có thể, trong khi vẫn bị cô lập, phong tỏa toàn bộ Liên Minh, thì việc sử dụng đòn bẩy đó để đạt được sự nhượng bộ từ các quốc gia khác là rất lớn. Đây là điều đã xảy ra tại Hội đồng Châu Âu gần đây nhất khi quyết định mở các cuộc đàm phán về sự gia nhập của Ukraine. Nếu một quốc gia có thể phủ quyết, các quốc gia khác buộc phải thương lượng để quốc gia này quay lại sự đồng thuận. Và thường thì việc mặc cả này rất tốn kém và trên hết là lãng phí rất nhiều thời gian. Chúng ta phản ứng quá chậm trước các sự kiện và thường phải trả giá đắt cho điều đó. Trên thực tế, Liên Minh không phải lúc nào cũng tạo ra sức mạnh và ở những thời điểm quyết định, các quy định của chúng ta thường ngăn cản chúng ta hành động. Việc mở rộng được cam kết của Châu Âu sang Ukraine, Moldova và các nước vùng Balkan đặt ra câu hỏi về sự cải cách Liên Minh. Tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục hoạt động với 37 thành viên nếu chúng ta duy trì nguyên tắc nhất trí. Chúng ta cần phải hành động một cách khác để có thể hành động đủ nhanh và đủ mạnh trong môi trường nguy hiểm này.

    Đối mặt với cuộc chiến chống Ukraine, phản ứng tuyệt vời của Châu Âu

    Tuy nhiên, trong trường hợp Ukraine, may mắn là sự nhất trí đã đạt được rất nhanh chóng. Trước khi chiến tranh bắt đầu, tôi đã đến thăm Donbass vào tháng 1 năm 2022. Tôi đã gặp Denys Shmyhal, Thủ tướng Ukraine. Ông ấy đã nói với tôi rằng trong vài ngày nữa Nga sẽ xâm lược Ukraine và hỏi tôi liệu chúng tôi có định giúp họ không, không phải bằng cách gửi quân mà bằng cách cung cấp vũ khí để người Ukraine có thể tự vệ. Lúc đó tôi không biết phải trả lời như thế nào vì không chắc chúng tôi có thể nhất trí để làm việc này. Nhưng may mắn thay khi ngày đó đến, chúng tôi đã làm được.

    Thật vậy phản ứng của Châu Âu đối với cuộc chiến chống Ukraine thực sự rất tuyệt vời. Trước hết, chúng ta đã giảm được đáng kể sự phụ thuộc năng lượng vào Moscou, điều hầu như không thể thực hiện được với tỷ lệ phụ thuộc 40% vào khí đốt của Nga. Moscou cũng cho rằng sự phụ thuộc này sẽ khiến chúng ta không thể phản ứng. Nhưng chúng ta đã làm được. Tuy nhiên, cái giá phải trả là rất cao. Lạm phát đã tái phát và nền kinh tế bị chậm lại. Chúng ta cũng đã phải trả một cái giá địa chính trị đáng kể vì chúng ta đã mua khí đốt sẵn có với mức giá mà nhiều quốc gia không đủ khả năng chi trả, khiến cho những quốc gia này bị tước đi nguồn tài nguyên này. Nhưng chúng ta đã thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, vốn là một sự ràng buộc mạnh mẽ đối với chính sách đối ngoại của chúng ta.

    Chúng ta cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga. Chắc chắn chúng không ngăn được cỗ máy chiến tranh của Putin nhưng chúng đã khiến nền kinh tế Nga suy yếu bằng cách làm giá trị đồng rúp giảm và lạm phát tăng cao. Cuối cùng, lần đầu tiên chúng ta hỗ trợ quân sự cho một quốc gia đang có chiến tranh. Chúng ta đã cung cấp cho Ukraine thiết bị quân sự trị giá gần 30 tỷ euro, đặc biệt bằng cách huy động Chính sách Hòa bình cho Châu Âu/European Peace Facility. Ban đầu chính sách này không được thiết kế cho mục đích này, nhưng tôi rất tự hào vì đã đưa nó vào phục vụ Ukraine. Và chính nhờ sự giúp đỡ của chúng ta mà Ukraine đã chống chọi được. Viện trợ quân sự của Mỹ chắc chắn quan trọng hơn viện trợ của chúng ta. Nhưng nếu cộng cả viện trợ quân sự, tài chính, kinh tế và nhân đạo thì Châu Âu đã hỗ trợ Ukraine nhiều hơn Mỹ.

    Liệu sự thống nhất này có thể tiếp diễn? Chúng ta sẽ làm gì nếu người Mỹ giảm sự ủng hộ dành cho Ukraine nếu họ bầu một tổng thống mới và thậm chí có thể là trước đó? Đây thực sự là những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải trả lời. Trong Hội nghị thượng đỉnh Grand Continent, có người hỏi tôi liệu chúng ta có tin rằng Putin có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine hay không. Đây thực sự không phải là một câu hỏi thích đáng: những gì chúng ta nghĩ về chủ đề này không quan trọng cho lắm. Câu hỏi chúng ta cần trả lời đúng hơn là chúng ta phải chuẩn bị làm gì để đảm bảo rằng Putin sẽ thua trong cuộc chiến này. Chúng ta có sẵn sàng làm những gì cần thiết để đạt được kết quả này không? Chúng ta có thực sự muốn ngăn chặn chiến thắng của Vladimir Putin, tức là việc thành lập một chính phủ bù nhìn ở Kiev như ở Belarus? Về phần mình, tôi cho rằng chúng ta phải làm nhiều hơn và nhanh hơn để hỗ trợ Ukraine vì Nga là mối đe dọa chiến lược lớn đối với Liên Minh Châu Âu, ngay cả khi tôi phải thừa nhận rằng không phải tất cả các quốc gia thành viên đều đồng ý về bản chất của mối đe dọa này.

    Chúng ta không được đánh giá thấp đối thủ của mình. Nga vẫn có khả năng huy động quân số với số lượng lớn bất chấp tổn thất cao cho đến nay. Vào tháng 2 năm 2022, có 150.000 binh sĩ Nga tập trung ở biên giới Ukraine. Hiện có 450.000 binh sĩ Nga ở Ukraine. Cuộc phản công của Ukraine đã thất bại trong việc chọc thủng phòng tuyến của Nga nhưng điều này rất khó đạt được nếu không có sự hỗ trợ trên không mà chúng ta đã hứa với Ukraine nhưng vẫn chưa cung cấp được. Putin đã sai về khả năng của quân đội mình. Ông ấy đã sai về quân đội của Ukraine. Ông đã sai về ý chí thống nhất của người Châu Âu. Ông đã sai về sức mạnh của mối liên kết xuyên Đại Tây Dương. Nhưng Putin vẫn còn ở đó. Putin vẫn sẵn sàng để hàng nghìn người Nga chết để chinh phục Kiev. Quân và dân của Putin đang đau khổ nhưng Putin không biết thoái lui.


    © Nhóm nghiên cứu địa chính trị

    Vladimir Putin không thực sự muốn đàm phán

    Trước chiến tranh, mọi người đều tới Moscou, Emmanuel Macron, Olaf Scholz... để cố gắng can ngăn Vladimir Putin xâm lược Ukraine. Điều này đã không có tác dụng. Và bây giờ cũng vậy. Vladimir Putin quyết tâm tiếp tục cho đến khi đạt được chiến thắng theo quan điểm của mình. Chỉ cần cuộc họp báo cuối cùng của Putin cũng đủ để thuyết phục chúng ta về điều này. Rõ ràng Putin không có ý định chỉ lấy một phần Ukraine và để phần còn lại gia nhập Liên Minh Châu Âu. Ngược lại, Putin đã bắt đầu đe dọa các nước khác, đặc biệt là Phần Lan. Dù sao đi nữa, Putin sẽ không tìm kiếm bất kỳ sự xoa dịu nào trước cuộc bầu cử ở Mỹ, mà ông ta hy vọng một kết quả thuận lợi cho các dự án đế quốc của mình. Do đó, cuộc chiến tranh cường độ cao sẽ tiếp tục và chúng ta phải chuẩn bị cho điều này. Và để bắt đầu, chúng ta cần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình, ngành này hoàn toàn không phù hợp với những thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Bảo vệ Ukraine có nghĩa là bảo vệ an ninh của chính chúng ta. Nếu Ukraine thua cuộc, điều đó sẽ khuyến khích Nga phát triển hơn nữa tham vọng đế quốc của mình.

    Tuy nhiên, như tôi đã nói, đây không phải là quan điểm của tất cả các quốc gia thành viên. Trên thực tế, một số nước không coi nước Nga của Vladimir Putin là một mối đe dọa chiến lược. Liệu sự mất đoàn kết trong vấn đề mang tính sống còn này có đe dọa đến tương lai của Liên Minh không? Không thể nói được gì ở giai đoạn này. Về phần mình, tôi tin rằng trong mọi trường hợp, Châu Âu phải cam kết bằng tất cả sức mạnh của mình để ngăn chặn một chiến thắng của Vladimir Putin ở Ukraine, điều này sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Và tôi sẽ làm việc không mệt mỏi trong những tháng tới cho việc này. Tôi tin rằng, ngược lại, mối đe dọa này có thể giúp củng cố liên minh của chúng ta và làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn.

    Châu Âu chia rẽ về cuộc xung đột Israel-Palestine

    Liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine, tình hình lại rất khác. Nhận thức về cuộc xung đột này rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là do hậu quả của trang đen tối nhất trong lịch sử Châu Âu, Shoah (chính sách diệt chủng dân Do Thái của Hitler – ND). Tuy nhiên, Hội Đồng Châu Âu đã đạt được thỏa thuận tối thiểu giữa những người Châu Âu bằng cách chỉ ra rằng Israel có quyền tự vệ theo luật pháp quốc tế và chúng ta sẽ không yêu cầu ngừng bắn mà chỉ yêu cầu những cuộc tạm ngừng vì lý do nhân đạo. Nhưng khi, hai lần, một nghị quyết được đưa ra biểu quyết tại Liên Hợp Quốc để yêu cầu một lệnh ngừng bắn như vậy, chúng ta đã chia rẽ, điều khiến chúng ta suy yếu. Tuy nhiên, số lượng các quốc gia thuộc Liên Minh ủng hộ yêu cầu này đã tăng từ 8 lên 14 giữa hai cuộc bỏ phiếu trong khi số quốc gia phản đối giảm từ 4 xuống 2, những quốc gia còn lại bỏ phiếu trắng.

    Khả năng ảnh hưởng của chúng ta đến các bên trong thảm kịch này là gì? Chúng ta là nhà cung cấp viện trợ hàng đầu cho người Palestine và đặc biệt là nhà tài trợ hàng đầu cho Chính quyền Palestine. Ủy Ban Châu Âu vừa nghiên cứu khoản viện trợ này dưới kính hiển vi để kiểm tra xem số tiền này có thể đến tay Hamas bằng cách này hay cách khác hay không. Trường hợp đó đã không xảy ra và tôi hy vọng rằng viện trợ của Châu Âu cho người Palestine sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu vì nếu không có Chính quyền Palestine, tình hình trên thực địa sẽ khó khăn hơn nhiều. Điều chủ yếu là Chính quyền Palestine này phải có khả năng đảm nhiệm vai trò trung tâm trong việc quản lý Gaza sau cuộc khủng hoảng hiện nay. Chúng ta cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Israel và chúng ta có thỏa thuận liên kết chặt chẽ nhất trên thế giới với Israel. Vì vậy, đúng là chúng ta có các phương tiện để tác động đến các bên trong cuộc xung đột nếu chúng ta muốn, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa muốn sử dụng chúng, đặc biệt là đối với Israel. Về phần mình, tôi cho rằng Châu Âu phải tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine và cho đến nay chúng ta đã ủy thác quá nhiều cho Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm giải pháp cho một cuộc xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.

    Vấn đề về tính nhất quán và độ tin cậy

    Sự đồng thời của hai cuộc xung đột này đặt ra những vấn đề về tính nhất quán và độ tin cậy đối với phần còn lại của thế giới. Trong trường hợp Ukraine, chúng ta bảo vệ sự tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Và cộng đồng quốc tế đã đi theo chúng ta: 145 quốc gia lên án hành động xâm lược của Nga và ủng hộ Ukraine tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng nhiều quốc gia trong số này không có chung cảm giác phẫn nộ như chúng ta đối với hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine. Họ chắc chắn đồng ý lên án cuộc xâm lược này tại Liên Hợp Quốc nhưng họ chỉ dừng lại ở đó. Đặc biệt, đối với họ không có vấn đề theo chúng ta về các biện pháp trừng phạt. Và họ yêu cầu chúng ta chấm dứt cuộc chiến này càng nhanh càng tốt vì họ đang phải gánh chịu những hậu quả của nó, đặc biệt là về giá năng lượng và lương thực. Hơn nữa, họ có xu hướng không tin tưởng vào chính sách của chúng ta, vốn được cho là dựa trên những nguyên tắc bất di bất dịch, mà đối với nhiều nước trong số họ trên thực tế chỉ là một chính sách hay biến đổi thất thường tùy thuộc vào lợi ích của chúng ta.

    Trong trường hợp cuộc xung đột Israel-Palestine, sự thiếu thống nhất của chúng ta đã làm suy yếu uy tín của chúng ta trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế. Khi 144 quốc gia ủng hộ Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chúng ta tin rằng họ đang đứng về phía chính nghia của lịch sử và chính cộng đồng quốc tế đang lên tiếng. Nhưng khi 153 quốc gia kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Gaza, chúng ta khó có thể chấp nhận rằng đây cũng là tiếng nói của cộng đồng quốc tế. Thật khó để kêu gọi sự phán xét của cộng đồng quốc tế và cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc trong trường hợp này mà không phải trong trường hợp kia. Sự va chạm này đặt ra những thế đôi ngã về chính trị và đạo đức thiết yếu cho Châu Âu mà Châu Âu phải đối mặt với sự sáng suốt và can đảm. 

    Đây thực sự là một trong những lý do chính khiến cuộc xung đột giữa Israel và Palestine và cuộc chiến ở Ukraine có mối liên hệ chặt chẽ với nhau mặc dù bản chất rất khác nhau. Nếu chúng ta không muốn mất chỗ đứng ở một khu vực rộng lớn trên thế giới, nếu chúng ta muốn những gì đang xảy ra ở Gaza không làm suy yếu sự hỗ trợ dành cho Ukraine của nhiều quốc gia, không chỉ các nước Hồi giáo hay Ả Rập mà còn cả các nước Mỹ Latinh chẳng hạn, thì chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc và lợi ích của mình theo cách phù hợp hơn nhiều với nhận thức mà phần còn lại của thế giới có về những gì đang xảy ra ở nơi này và nơi khác.

    Tất nhiên, nhiều chủ đề khác có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh của chúng ta, nhưng trong bối cảnh hiện tại, tôi đã chọn tập trung vào hai cuộc xung đột chính mà chúng ta hiện đang phải đối mặt, vào những rủi ro liên quan đến sự tồn tại mà hai cuộc xung đột này áp đặt lên Châu Âu và vào sự cần thiết tuyệt đối mà các xã hội Châu Âu phải hiểu chúng, mà các nhà lãnh đạo chính trị của Châu Âu phải hành động một cách phù hợp. Cám ơn sự quan tâm của các bạn. 

    Nguồn:L’Europe entre deux guerres”, Le Grand Continent, 3.01.2024.

    Tài liệu gốc:

    [1] Eric Cortellessa, “Former Israeli Prime Minister: Israel’s Endgame in Gaza Should be a Palestinian State”, TIME Magazine, 6 novembre 2023.

    [2] Xem lời chứng trong video.


    http://www.phantichkinhte123.com/2024/02/chau-au-giua-hai-cuoc-chien.html#more


    Không có nhận xét nào