Jana K. Lipman - “Hãy để chúng tôi về”: Chuyện người Việt hồi hương từ đảo Guam, năm 1975
Nguyên tác “‘Give Us A Ship‘: The Vietnamese Repatriate Movement on Guam, 1975“, by Giáo sư Jana K. Lipman – Tạp Chí American Quarterly, Volume 64, Issue 1 (số ra tháng 3 năm 2012)
Dịch giả: Châu Lê
12/02/2024
(Ảnh: Một số cựu quân nhân VNCH biểu tình ở đảo Guam, Hoa Kỳ, vào cuối năm 1975 để yêu cầu được hồi hương. Ảnh trong bài của GS Jana Lipman)
" Câu chuyện phức tạp, đầy sống động và nhuốm màu bi kịch của người hồi hương Việt đã nhấn mạnh một điều cấp thiết rằng chúng ta chớ có dễ dãi nghe theo những bản tường trình cứng nhắc về giải cứu và về cách mạng. Ở trên Guam, xa biệt gia đình, cũng chẳng biết rồi sẽ về đâu, lúc đó người hồi hương đành phải lấy một lựa chọn, hoặc khá hơn hoặc tệ hơn… bằng vào vốn hiểu biết chủ quan. Những lựa chọn ấy trở nên đầy bất trắc, hy vọng cũng có mà thất vọng cũng có, cả may lẫn rủi, do đó có thể nói, chẳng biết đâu mà lường với những tường trình của người Mỹ về giải cứu hoặc những tường thuật của người Việt về “chống đế quốc”, câu chuyện người hồi hương Việt bộc lộ một mớ bòng bong rối rắm của những tình huống ngẫu nhiên khó lường và tình thế chính trị bấp bênh ngặt nghèo đã cuốn bao nạn nhân của nó vào trong".
Vào tháng 9 năm 1975 một nhóm người Việt với đầy quyết tâm đã tham gia một cuộc biểu tình mang tính chính trị được chuẩn bị và dàn dựng công phu trong một trại tị nạn của Mỹ tại Guam.
Bốn người đàn ông xung phong cạo trọc đầu trước đám đông nhằm công khai bày tỏ phản kháng. Một bục sân khấu nhỏ dựng tạm với đám đông người Việt bu quanh chứng kiến nghi thức cạo đầu.
Một nhân viên quần chúng sự vụ của quân đội Mỹ trên đảo ghi nhận kháng nghị. Ông đứng từ xa quan sát các sự kiện, và hình ảnh cuối cùng được ghi nhận là khung dây kẽm gai được khép lại quanh người biểu tình Việt để cách ly họ.
Phía sau người biểu tình là một biểu ngữ, nội dung tuyên thị được viết bằng chữ tiếng Anh tô đậm: “Ba mươi sáu giờ, Bất bạo động, Tọa kháng và Tuyệt thực, để thỉnh cầu được sớm hồi hương”(1)
Những người này đã được xếp đặt một cách có chủ ý để biểu thị hành động biểu tình, thông qua hình ảnh nổi bật nói trên, họ muốn đạo đạt thông điệp của họ đến người Mỹ, người đảo Guam, người Việt, và Văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), nơi quyết định tương lai của họ.
Trái ngược hẳn với hơn 100.000 người Việt lúc ấy mong tìm cơ hội sao cho nhanh chóng được tái định cư tại Hoa Kỳ, lúc này hơn 1.500 người cả đàn ông đàn bà đã rời Việt Nam trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến, lại nằng nặc đòi được về nước bất chấp tương lai sẽ ra sao. Họ không muốn tái định cư tại Hoa Kỳ. Họ muốn trở về Việt Nam.
Chuyện người Việt hồi hương như thế này đưa ra một diễn biến trái ngược hẳn với quan điểm chính thống lúc bấy giờ về chuyện người Việt đến Hoa Kỳ. Theo luận điểm của Yên Lê Espiritu, chính phủ Hoa Kỳ và các phương tiện truyền thông chính thức đã cố ý xếp đặt người tỵ nạn Việt Nam là một khối dân được nước Mỹ và người Mỹ “cứu vớt”, và thông qua việc giải cứu họ, Hoa Kỳ có thể chuộc lỗi và xóa vết tích tham chiến ở Việt Nam. (2)
Những người hồi hương nhất quyết đòi trở về Việt Nam, từ chối viễn cảnh mà người Mỹ đang định xếp đặt cho họ như vừa nói trên. Hơn thế nữa, khác với hầu hết các thông tin thu thập được về quá trình lịch sử của người Mỹ gốc Việt vốn từ lâu đã đặt ra một vấn nạn về sự tiếp nhận và biến đổi văn hóa, vấn đề đồng hóa, căn tánh, rồi hình thành cộng đồng…ở thời điểm này, những người hồi hương còn khiến chúng ta chú ý tới những bất trắc trong tương quan hiện thời giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cả về không gian lẫn thời gian.
Trong thời điểm hỗn mang này ở cuối cuộc chiến, một tính toán dự phòng có khả năng đạt được một tác động kép đặc biệt. Nó gồm cả một tính toán nước đôi có lợi cho người hồi hương Việt. Một mặt, nó bác bỏ một đặt để gán ép nào đó cho tương lai đồng thời nhấn mạnh khả năng của cả hai điều, tương tác và cơ hội; Trong khi mặt khác, nó khơi gợi sự tin tưởng và các mối tương liên: một sự kiện hay việc làm này diễn biến ra sao tất nhiên còn tùy thuộc vào việc tiếp theo.
Duyệt lại câu chuyện đã thành chuyện lịch sử về đoàn người Việt hồi hương hồi 1975 khiến ta giật mình kinh ngạc vì nó hoàn toàn đối nghịch với những tường trình đã được công nhận về những cuộc di dân thời chiến tranh lạnh, về chuyện tái định cư người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ(3)
Những ông bà muốn quay về Việt Nam nhận ra tính linh động của vấn đề và họ hiểu rằng nếu không muốn được chở sang Hoa Kỳ cùng với đại đa số đồng bào họ thì cần phải có một lập trường cứng rắn. Chiến thuật gay gắt của họ bên trong các trại tị nạn (và vào những thời điểm khác, bên ngoài) đã đi ngược lại các quy phạm chiến tranh lạnh vốn đã chi phối tương quan Việt-Mỹ dù đôi bên đã nhất quán hết hay chưa hoàn toàn, ít nhất là từ những năm 1950. Nói cách khác, hành động của họ chẳng khớp với một nền chính trị thiên cộng hay chống cộng, trong khi đó, nhiều hướng đã mở ra cho họ qua – lại giữa Việt Nam, Guam và Hoa Kỳ càng cho thấy khả năng họ coi thường tất cả những kỳ vọng ngay cả trong lúc diễn ra cuộc di tản quy mô do quân đội Mỹ đảm nhiệm.
Trên một bình diện khác, câu chuyện của những người Việt muốn quay về bộc lộ mối liên quan hỗ tương giữa các tổ chức địa phương, quốc gia và quốc tế, gồm Guam, chính phủ Mỹ, UNHCR, và hai chính phủ Việt Nam (Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Bắc Việt) (4) Hành động quá khích, các cuộc biểu tình và những lời khẩn cầu của những người Việt đòi trở về này được hướng tới tất cả các đối tượng khác biệt chính kiến kể trên … nhưng cuối cùng tương lai của tất cả họ lại tùy thuộc vào quyết định của chính phủ Mỹ và chính phủ Việt cộng mới thắng trận.
Cuối cùng, tình huống bất ngờ này cũng đã ghi một dấu mốc trong lịch sử đế quốc của Mỹ với việc thu chiếm các vùng lãnh thổ cho dù không được nguyên khối, không tóm thâu hết được ngay một lúc mà là từng cái một theo từng lúc một. Như Amy Kaplan lập luận, cần phải “nhìn được ý nghĩa của tình huống này khi quan niệm về đế quốc, để thấy rằng chủ nghĩa đế quốc là một mắc lưới đan xen của các mối tương quan quyền lực” (5) Nếu thế thì ở đây có vẻ
như ý đó đã biểu lộ qua những cuộc phản đối ồn ào của người Việt đòi trở về diễn ra nơi đảo Guam, hòn đảo được xác định bởi di sản thuộc địa của nó với Hoa Kỳ. Trong mạch này, câu chuyện của họ gom cùng những chuyện tương truyền về di cư, về đế quốc, cùng tụ về đảo Guam năm 1975.
Tọa lạc ở một nơi cách Hawaii gần bốn ngàn dặm dài (và gần sáu nghìn dặm cách California), Guam cho ta thấy rõ những khó khăn và nhẫn nại của cường quốc Hoa Kỳ.
Năm 1975, Guam trở thành đầu cầu của người tỵ nạn, tiếp nối dự án mở rộng cường quốc vào thế kỷ XIX, với những mục tiêu không thành thời chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ trong vùng Đông Nam Á.
Trong thế hệ trước, nhiều học giả đã vạch ra tầm tối trọng của việc nghiên cứu sâu rộng về đề tài đế quốc Hoa Kỳ vốn đã bị “lãng quên”; mặc dù dự án mở rộng đế quốc Hoa Kỳ vẫn tiến triển ngay trong thời cận đại.
Các học giả như Kaplan, Kristin Hoganson, Paul Kramer, Julian Go, Eileen Findley, và Christina Duffy Burnett đã soát xét lại cuộc chiến tranh năm 1898 và các cuộc chiếm đóng của Mỹ ở Cuba, Phi Luật Tân, và Puerto Rico, thế nhưng Guam vẫn chỉ có phần như một ghi chú nhỏ của lịch sử(6) Về nhiều phương diện thì Guam là một đơn cử cho quan niệm của Ann Laura Stoler về một nơi “bị ám ảnh bởi đế quốc”, mà cô định nghĩa như là một thứ di sản kế thừa thời thực dân tuy vô hình, quen thuộc, nhưng lắm lúc vẫn đe dọa. Đặc biệt, công trình của Stoler đã buộc các sử gia Hoa Kỳ phải nghiêm túc vượt qua não trạng đế quốc, đặt ra một thách thức cho các học giả trong việc phân tích cách thế nuôi dạy con cái, giáo dục, trải nghiệm tình dục… như là các đầu mối then chốt trong việc kiểm soát thuộc địa và quyền lực. Như Stoler đã thừa nhận, công việc của cô cốt ám chỉ chứ nhưng không đào sâu các thuộc tính “hung hăng, bạo hành trong các nhà tù, trại lính, và các trung tâm giam giữ” mà cô đã từng ghi chú “nhấn mạnh để ý nhiều hơn nữa” (7) Câu chuyện hồi hương chỉ bộc lộ một chút chính trị vi mô thoáng qua như thế đã diễn ra trong một trại tị nạn nằm bên rìa cường quốc Mỹ to lớn (8) Những nan giải về người hồi hương đã thu hút sự chú ý đến hệ thống các trại tị nạn của Mỹ lâp trên đảo Guam, vốn đã hoàn toàn bị làm ngơ, cả về mặt tin tức thông thường lẫn xem xét mang tính học thuật. Đến nay, trải nghiệm của người hồi hương chỉ còn là một khắc họa mờ nhạt bềnh bồng trong lãng quên của đảo Guam, nhưng qua việc dựng lại câu chuyện của họ, cả di sản thuộc địa của Hoa Kỳ trên đảo Guam lẫn cuộc chiến không có hậu của Mỹ ở Việt Nam mới khả dĩ nổi bật lên.
Câu chuyện hồi hương cũng làm nẩy ra một đề tài lớn cho các học giả về di trú và tị nạn. Ngày càng nhiều các học giả chuyên lĩnh vực nhập cư Mỹ đã phân tích cách thế nước này mở ra lối vào ra sao cho giới lao công, người tị nạn, các trường hợp kết hôn (có thể là giả), và thậm chí mượn đường thông qua trẻ em được nhận làm con nuôi nữa (9)
Ngược lại, người hồi hương Việt tìm cách thay đổi đà lưu chuyển dòng người đi từ Hoa Kỳ. Các văn kiện và hình ảnh lưu trữ gồm cả tài liệu trước đây chưa được khai thác của quân đội Mỹ, tờ báo Pacific Daily News Guam, và một cuốn hồi ký Việt ngữ độc đáo, gợi ra viễn cảnh đa chiều cho người Việt tị nạn, những mâu thuẫn giữa các giới chức trách đảo Guam và Mỹ, cùng cảm giác gấp rút và tuyệt vọng về mọi mặt.
Có lẽ những trường hợp tương đồng nhất với trải nghiệm của người hồi hương Việt là những mẩu chuyện thời Chiến tranh Lạnh: những kẻ đào ngũ, hồi chánh, và tù nhân chiến tranh, mà Susan Carruthers đã rất khéo léo phân tích trong cuốn Tù nhân Chiến tranh Lạnh: Tù đày, Vượt ngục, và Tẩy não. Với những trường hợp trốn thoát và bắt giữ riêng lẻ vào thập niên 1940 và 1950, Carruthers lập luận rằng “chiến tranh lạnh đã bị thổi phồng ảo khi kê ra 2 mặt của 1 sự thể, nếu không bỏ chạy thì sẽ bị bắt giam”(10)
Kiểu cầm giữ trong trại tị nạn cũng góp phần phụ hoạ vào câu chuyện của người hồi hương; Tuy nhiên, ở đây người tị nạn không phải mạnh ai nấy đi thoát khỏi chỗ này mà là cả đoàn cùng đòi đi, đấy mới là yếu tố cốt thiết trong chiến dịch tranh đấu của họ và rồi tất cả đã bị giới truyền thông Mỹ làm ngơ hồi năm 1975. Câu chuyện của họ đã góp thêm vào cho các nghiên cứu ngày càng nhiều về đề tài di trú thời Chiến tranh Lạnh được hoàn bị hơn trong khi nhấn mạnh đến tình huống ngẫu nhiên và bản chất đa chiều của cuộc di dân trong thời điểm bất định ấy.
Sau hết, nếu thiên bi Sử của đoàn người Việt hồi hương mà có phủ định chuyện người Mỹ cứu vớt người Việt tỵ nạn đi nữa thì cũng không thể lấy đó mà diễn giải cho chuyện rút lui trong danh dự của đế quốc Mỹ hoặc có lãng mạng cách mấy để xem như là một thắng lợi tổng thể cũng không.
Kỳ thực, sự gan lì của người hồi hương và các cuộc biểu tình thành công đã gây nên một trong những kết cục bi thảm ít ai biết đến của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Vào tháng 10 năm 1975, 1.546 người hồi hương đã lên con tàu Thương Tín I, một thương thuyền Việt, và mạo hiểm quay trở lại Việt Nam mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam (PRG) hay Dân chủ Cộng hòa ở Bắc Việt (DRV).
Thuyền trưởng tàu hồi hương, Trần Đình Trụ, đã nói rành rẽ trước khi rời đảo Guam rằng: “Tôi cảm thấy nỗi buồn tràn ngập trong lòng, và không sao cầm được nước mắt, bởi tôi chẳng biết chắc là mình đang trở lại với gia đình và quê hương hay đang làm một chuyến hành trình vào địa ngục.” (11) [ nguyên văn: “I felt utter sorrow flooding over me, and tears welled up in my eyes, unsure if I was coming back to my family and my homeland or journeying into the nether world” ]
Và tôi biết rõ, khi đến Việt Nam, PRG đã tống giam hết thảy người hồi hương vào trại tù cải tạo. (12)
Thế là, đoàn người hồi hương đã đi từ một “trại tạm cư” của Mỹ tại Guam để đến với hệ thống nhà tù có tên gọi mỹ miều là “trại cải tạo” (reeducation camps) ở Việt Nam, ở đó họ được hưởng những điều kiện tốt hơn nhiều như lao động khổ sai, bị bỏ đói, tra tấn… chứ chẳng có gì dính dáng đến “giáo dục” (“education”) cả(13)
Những yếu tố chính trị mà người Việt hồi hương phải đối mặt được trình bày qua bài tham cứu này đã lộ ra một thế giới chính trị xa biệt vời vợi đầy bất trắc giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, xa biệt hơn cả những yếu tố quốc gia-nhà nước có thể hiểu được.
Thứ nhất, bài này lý giải ngắn gọn quá trình thuộc địa của đảo Guam và đặt Guam làm trung tâm cho các trại tị nạn Mỹ dành cho người Việt chạy loạn vào năm 1975.
Thứ nhì là tìm hiểu xem đủ mọi hướng giải thích lý do mà người Việt, nam có nữ có, trưng ra khi từ chối đi tái định cư tại Hoa Kỳ và chọn đường quay về. Câu chuyện của họ là bằng chứng cho thấy tình trạng rối ren xáo trộn khi cuộc chiến tàn, tâm trạng con người đầy hoang mang và hoàn toàn không có cơ hội chọn lựa của nhiều người đã lên được tàu đi “tị nạn”.
Thứ ba, câu chuyện này cũng chú ý đến việc đoàn người đòi hồi hương huy động và xử dụng có hiệu quả phương cách bất tuân dân sự, hùng biện, và thậm chí cả bạo lực và phá hoại nữa để gây xúc tác cho chiến dịch. Từ đó, bài tiểu khảo này phân tích sự chấp thuận cuối cùng của chính phủ Mỹ cho phép người hồi hương được quay về theo nguyện vọng bất chấp sự ngần ngại của UNHCR, điều đã dẫn đến việc Thương Tín I quay về Việt Nam do chính họ cầm lái.
Cuộc đấu tranh của đoàn người hồi hương Việt đã gây được tiếng vang thời đó, biểu lộ những áp lực họ phải chịu khi bị vây hãm trong một tình thế đầy biến động, như thể nhắm chú mục thiên hạ chú ý tới một kiểu mô thức của một thể chế quyền thế… Đồng thời, câu chuyện của họ cũng chẳng thuộc vào một phép toán nhị phân rạch ròi nào. Câu chuyện chẳng đem lại chút cứu chuộc nào cho cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam mà cũng chẳng đưa đến vinh quang nào cho chính quyền Cách mạng ở Việt Nam lúc ấy. Thay vào đó, thiên bi Sử của cuộc hồi hương người Việt chỉ tô đậm tính bấp bênh của tình huống lúc ấy và sự lựa chọn ám ảnh suốt đời khi ma đưa lối quỷ dẫn đường người tị nạn lại trở về với chính thân phận họ giữa lòng thù địch của 2 thế quyền sau một chiến cuộc hai mươi năm.
Trại tị nạn trên đảo Guam
Tháng 4 năm 1975, chẳng phải người tị nạn Việt Nam đi du lịch thẳng bằng đường biển hay đường hàng không từ Sài Gòn hoặc Thái Bình Dương đến lục địa Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ đã giữ 111.919 người Việt-Nam tại Guam trước khi cho phép họ hội nhập vào lục địa Hoa Kỳ hoặc Hạ Uy Di. (14) điều vốn thường bị che đậy trong các sử liệu phổ thông.
Độ một vài tuần, lượng người tị nạn tăng hơn gấp đôi dân số địa phương Guam, nơi vốn chỉ chưa tới 100.000 cư dân vào năm 1975 (15) Đối với Guam thì cuộc di cư của người Việt chỉ có thể được mô tả là khổng lồ. Thống đốc đảo Guam ông Ricardo (Ricky) Bordallo công khai hỗ trợ các chiến dịch người tị nạn Việt, và bất chấp sự phản đối của một số cư dân địa phương, máy bay quân sự và tàu chiến Mỹ bắt đầu hạ cánh xuống Guam mang theo người tị nạn vào cuối tháng Tư năm 1975.
Bình luận về quyền tự trị tối thiểu của Guam, Thượng nghị sĩ Carl Gutierrez ghi nhận, “Tại sao chúng ta còn phải tranh cãi về điều này? Tất cả đã được chính phủ dàn xếp và chúng ta phải thực thi thật tốt trong khả năng” (16)
Quân đội xây dựng một vòng đai tự nhiên đánh dấu bằng dây thép gai, hàng rào và canh gác cẩn mật. Người tị nạn Việt không được phép rời khỏi trại, cũng như người bản xứ nếu không có phận sự cũng không được phép vào trại.
Dù gì thì cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam cũng đã mãn, còn thực tại Mỹ mới là phơi bày rõ ràng trước mắt qua thiên sử ký và địa lý của đảo Guam giờ đây. Vị thế đảo và thuộc địa của đảo Guam được vận dụng làm khu vực đệm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nơi người hồi hương bỗng chiếm chỗ với tình trạng pháp lý không rõ ràng và quân đội Mỹ bỗng hùng hậu có mặt.
Bị Tây Ban Nha chiếm hữu từ năm 1565, rồi thành lãnh thổ của Mỹ theo Hiệp Ước Paris 1898, và khá giống trường hợp Puerto Rico, Guam chưa từng trải qua nền chính trị độc lập đương đại. Trong vòng kiểm soát tuyệt đối của quân đội Mỹ từ năm 1898 cho tới năm 1950 (tránh được hàng chục năm chiếm đóng của Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế Chiến), rồi Hải quân Mỹ đã làm chủ và kiểm soát ngót nửa thế kỷ, nền móng tổ chức và cấu trúc thể chế của Guam dần được chuyển hóa và quân sự hóa từ bối cảnh xã hội đến văn hóa của các cộng đồng bản địa Chamorro tại đây. Với đạo luật Organic năm 1950, chính phủ Hoa Kỳ đã chuyển giao quyền lực lại cho Bộ Nội Vụ. Nhưng ngay cả khi quyền hành đã chuyển về dân sự, quân đội Mỹ vẫn còn tiếp tục kiểm soát hơn 36 % lãnh thổ của Guam. (17) Đạo luật Organic công nhận người đảo Guam là công dân Hoa Kỳ, dù Guam không có đại diện của Quốc Hội hay thủ tục biểu quyết của Tổng Thống, hay Hiến Pháp bảo hộ đầy đủ. Trên thực tế, dân Guamanians không đi bầu trực tiếp để chọn Thống đốc cho tới năm 1970 (18)
Bởi tỉ lệ công dân được tuyển mộ nhập ngũ là cao nên Guam cũng chẳng vui gì với cái vinh dự có tỉ lệ thương vong cao hơn các tiểu bang khác, vùng khác trong chiến tranh Việt Nam. Cơ cấu chính quyền của Guam được cân đối giữa cộng đồng bản địa tượng trưng kém năng lực và cộng đồng địa phương, và phụ thuộc phần lớn vào chính phủ và quân đội Hoa Kỳ.
Năm 1975, quân đội Mỹ kết hợp các căn cứ quân sự với các phương tiện sẵn có của liên hợp công ty cho thuê để thành lập một quần thể 12 trại tị nạn trên đảo Guam. Mấy trại lớn nhất tọa lạc trong phần đất của quân đội Mỹ. Trên căn cứ không quân Andersen, mười tòa cao ốc đã được lên lịch phá hủy mau lẹ, được thu dọn sạch và tân trang lại, và Orote Point, vốn là một phi trường thời Đệ Nhị Thế Chiến, đã trở thành bàn đạp cho trung tâm “Tent City.” Thêm vào nữa là một số cơ sở quân sự nhỏ hơn, các công ty tư nhân như Công ty xây dựng Black, J & G, Công ty Nạo vét Hawaii, và Tokyu Hotel cũng trở thành trại tạm cư cho người tị nạn (19)
Trớ trêu hơn cả là việc Seabees đã biến 14 tòa cao ốc tại Camp Asan thành một trại tạm cư cho người tị nạn Việt trên cùng chính cái nơi đã được sử dụng để bỏ tù những kháng chiến quân Phi Luật Tân thời chiến tranh Mỹ-Phi Luật Tân (20)
Ngôn từ dùng để mô tả sự gia tăng mau lẹ các trại tị nạn trên đảo Guam cũng thiếu xác định, cả chữ tị nạn và trại tạm cư đều là những ý niệm vừa mới ùa tới đây cùng với một hành trang lịch sử nặng nề. Trong nhiều văn kiện chính thức đề cập đến các trại này cũng dùng cách nói khéo khi gọi đó là những “trung tâm tiếp nhận,” có lẽ là để tránh cái tình trạng “cầm giữ người” ngoài ý muốn (21)
Thượng nghị sĩ Edward Kennedy thậm chí ghi nhận rằng một chiến dịch do quân đội đảm đương lại mang những cái tên không hay như “Operation New Life,” trong đó có “một tập ngữ khó chịu vì gợi lên cái tên cũ ‘New Life Hamlets’ tức là ‘Ấp Chiến Lược’ của những năm ông Diệm nắm quyền” (22)
Việc bố trí nhân viên quân sự và giăng dây kẽm gai sang một bên, có lẽ vì chính phủ Mỹ muốn phân biệt các trại tạm cư ấy với quần thể các trại tị nạn khác được thả lỏng. Như một trong các phát ngôn nhân của quân đội giải thích, dây thép gai không phải là “giam người mà để ngăn người nào muốn bỏ ra khỏi đó”. Thoạt tiên, quân đội dùng chữ của người Việt tản cư rồi chữ tị nạn cũng được dùng dần sau đó. Có lần một nam quân nhân binh nhì nói nhát gừng: “Tôi biết họ là người tản cư mà. . . . Tôi biết thế vì vị Tướng đã nói thế.” (23)
Dùng chữ tản cư không những thiếu xúc cảm và lòng trắc ẩn vì chữ tị nạn vốn đã mang ý nghĩa bao hàm, mà còn tước mất của họ quyền được hưởng những quyền lợi từ trách vụ quốc gia và quốc tế bởi chẳng có Công ước Quốc tế nào về người tản cư cả. Trong khi báo chí, viên chức quân sự, thậm chí nơi các báo cáo chính thức người ta đã sớm vô tình dùng chữ tản cư thay cho chữ tị nạn vì thế chữ tị nạn dường như chẳng còn được dùng trong cách nói chung, sự thể ấy như nhắc nhở rằng những người Việt hiện không phải là người tị nạn hợp lệ theo luật lệ Hoa Kỳ. Thay vào đó, các ngành của hành pháp lại đã thừa nhận người Việt nhập cảnh vào Hoa Kỳ có quy chế “tạm dung”, một phát kiến về cách dùng chữ trong Đạo luật 1952 McCarran-Walter, trong đó cho phép “tạm nhập” người nước ngoài không thuộc phạm vi luật di trú Hoa Kỳ(23)
Mặc dù có vài vặn vẹo về mặt chữ nghĩa và pháp lý, hầu hết các công văn chính phủ lẫn phi chính phủ hầu như nhắc đến người Việt Nam là “người tị nạn” và các căn cứ quân sự là “trại tị nạn”
Một điểm son mà quân đội đã ghi được trong suốt chiến dịch này là đã chớp thời cơ tranh thắng được cảm tình của công luận và giúp hóa giải hình ảnh thất bại quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Một viên chức quân sự đã phân giải rằng chủ đích của chiến dịch là để “bảo tồn hình ảnh đẹp cho quân đội”, và trong một chừng mực nhất định quân đội đã làm tròn trọng trách một cách “chuyên nghiệp, tận tâm, và nhân đạo” (25)
Do vậy, dù bỗng nhiên bị đứng ngoài cuộc chiến tranh Việt Nam – vốn là nguyên nhân tiên khởi tạo ra cuộc khủng hoảng người tị nạn – quân đội đã tái xác định giá trị của chính mình khi chứng tỏ một cách đẹp mắt vài trò không thể thiếu như là một cánh tay đắc lực của chính phủ vào những giờ phút cấp bách.
Tuy vậy những viên chức Hoa Kỳ ở Guam hầu như không thể theo kịp với các dịch vụ hậu cần; họ phải đối mặt với những khó khăn về máy tính còn bỡ ngỡ lúc ấy, thủ tục lấy chi tiết nhân thân để cấp số căn cước, và thậm chí làm sao liệt kê hồ sơ với tên của người Việt. Qua hơn chục năm tham chiến ở
Việt Nam mà chính phủ Mỹ vẫn còn lúng túng trước một thực tế về cách ghi tên Việt: họ thì viết trước còn tên lại viết sau (26)
Đa số người tị nạn Việt trải qua chưa tới hai tuần trên Guam, cũng có một số khác phải chờ như thế tới ba tháng. Trong thời gian lưu trú họ cũng phải qua các thủ tục hành chánh, kiểm tra y tế rồi sau đó được chuyển vào đất liền, hoặc được một người đỡ đầu đón nhận hoặc nhập vào trại tị nạn liên bang như Fort Chaffee, Camp Pendleton, Fort Indiantown Gap, hoặc Air Force Eglin. Chuyến bay cuối cùng chở người tị nạn rời Guam đến Hiệp Chủng Quốc là vào ngày 26 tháng Tám, 1975 (27)
Tuy nhiên, trong khi hiện trạng cứu tế người tị nạn đang suông sẻ và lạc quan thì vào lúc cao điểm nhất bỗng xảy ra một việc gây rối ren đó là áng chừng 2000 người tị nạn lại cương quyết đòi trở về lại Việt Nam. Họ nói dù đang ở trong lãnh thổ Hoa Kỳ nhưng họ cho rằng, ở Guam chưa hẳn là đã ở
Hoa Kỳ. Họ sớm nhận ra tình trạng thuộc địa cũng như hiện trạng đang còn trong thời kỳ chuyển tiếp của Guam có thể có ích cho họ. Viện cớ đảo Guam chỉ là một di sản thuộc địa của đế quốc Mỹ, không hẳn thuộc Mỹ cũng không hẳn ngoài lãnh địa Hoa Kỳ, người hồi hương Việt cố thủ trên phần đất của họ trên đảo.
Di cư, gia đình tan vỡ, và bắt cóc
Ngay từ 03 tháng 5 – 1975, một số viên chức Không quân Việt Nam tiên phong yêu cầu hồi hương, và trong vòng vài tuần, lượng người cùng đòi về tăng lên hơn hai ngàn (28)
Những ông bà muốn quay trở lại Việt Nam là ai? Có phải họ đã có ý rời khỏi Việt Nam hay không? Có phải thực tình là họ thay đổi quyết định nửa chừng hay không? Hay họ là gián điệp của Mặt Trận Giải Phóng (NLF) hay người của cơ quan tình báo Mỹ CIA cài vào? Tóm lại, tại sao người ta lại làm thế? Sự hiện diện của người hồi hương trên Guam nói lên sự hỗn loạn và tràn ngập mau lẹ các sự kiện khi quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn.
Người hồi hương biểu tỏ sự tức giận và hoang mang khi đã thiếu tự chế [để phải ra đi] và các mối vòng vo rốt cuộc dẫn họ tới Guam. Đằng sau các tuyên bố chính thức thì lý do trở về thật đa dạng, trong đó có lý do đoàn tụ gia đình, cống hiến cho đất nước, cũng có một ít lý do bày tỏ cả sự tuân thủ chính trị với chính quyền mới nữa. Ở phạm vi trình bày cá nhân riêng lẻ thì họ nhấn mạnh đến cái chuyển biến bất ngờ khiến họ phải ra đi, cả nam lẫn nữ đều bộc lộ vẻ sợ hãi khi bỗng đoạn tuyệt với quá khứ, và rồi, không biết tương lai sẽ ra sao.
Tập sách Việt Nam Thương Tín, Con Tàu Định Mệnh là một trong số ít hồi ký về chuyện hồi hương này bằng Việt ngữ mà tôi đã dẫn, trong đó Trần Đình Trụ [tác giả] giải thích quyết định của mình qua lập trường đoàn tụ gia đình. Ông Trụ sinh trưởng ở Bắc Việt trong một gia đình Công giáo truyền thống, bỏ chạy vào miền Nam sau năm 1954. Là một giáo dân sùng đạo và kiên cường chống Cộng, vào năm 1975, ông Trụ bốn mươi tuổi và là Trung tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Khi quân Bắc Việt vào Sài Gòn, để chuẩn bị cho vợ và gia đình trốn thoát, ông đã sắp xếp cho một con tàu đón vợ con ở Năm Căn phía Nam Sài Gòn. Ông đã đích thân ra lệnh một tàu chiến lo giúp cuộc di tản này. Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của ông Trụ, viên thuyền trưởng con tàu ấy vốn đã cố nài nỉ để gia đình mình cũng được giải cứu, đã nói dối ông Trụ và rồi anh ta đã không hề đặt chân lên bờ để tìm cho ra vợ con ông Trụ. Ông Trụ đến Guam trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng (29)
Dù ông Trụ tin rằng ông dễ dàng hòa nhập ở Hoa Kỳ nhờ vào trình độ Anh ngữ khá và kinh nghiệm làm việc với quân đội Mỹ, nhưng ông vẫn không thể cam lòng bỏ gia đình lại dưới sự cai trị của cộng sản. Thay vào đó, ông quyết định trở về: “Tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi thứ thậm chí bị tù hoặc chết. Rồi nếu tôi không chết mà chỉ bị tù vài năm, đến ngày ra tù, tôi vẫn có thể tìm cách đưa gia đình tôi thoát khỏi đất nước. . . . Bằng mọi giá tôi sẽ đưa gia đình tôi ra khỏi Việt Nam”. Bạn bè cũng như thân nhân đã cố thuyết phục ông đi Mỹ, nhưng “không gì lay chuyển được quyết tâm của tôi” (30)
Là một sỹ quan cao cấp nhiều kinh nghiệm, Trần Đình Tru trở thành nhân vật dẫn đầu cộng đồng người hồi hương. Trong cuốn hồi ký dửng dưng ấy, những dòng kể của nam quân nhân này hầu như chỉ đau đáu một nỗi niềm đoàn tụ và giải cứu gia đình, vợ con chạy thoát chế độ cộng sản. Được viết lại sau khi sự kiện xảy ra đã hàng thập niên, ông Trụ giải thích quyết định lạc lối của mình để trở về với Việt Nam cộng sản như là một hành vi chống Cộng.
Giống như Trần Đình Trụ, khoảng 80% người hồi hương là quân nhân Việt Nam, nhưng hầu hết là binh sĩ cấp thấp nhất. (31)
Đoàn người hồi hương đông đảo ấy đã là một đa số áp đảo người đàn ông đơn độc này. Trẻ hơn một thế hệ và có nhiều khả năng vừa mới được tuyển mộ nhập ngũ trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, hầu hết những binh sĩ này không đồng tình lập trường chính trị chống cộng của Trụ, họ cũng chống lại một áp đặt hay quy chụp một quan niệm gì khác lên việc lựa chọn hồi hương. Như một đại diện UNHCR ở Guam giải thích, “[Họ] không quan tâm đến những thay đổi chính trị trong nước. Tất cả những gì họ muốn là quay về với gia đình đang còn ở Nam Việt Nam. Hầu hết còn không tin rằng họ đang thực sự ở trên đảo Guam” (32)
Julia Taft, Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm liên ngành, biểu đồng tình: “Gần như tất cả trường hợp là đòi đoàn tụ gia đình”, cô giải thích. Taft cũng thừa nhận rằng binh sĩ cấp thấp hơn chẳng có là bao quyền lựa chọn “tản cư” hay không. Cô nói tiếp: “Một số chuyên viên không quân và kỹ sư hàng hải, đã bị cấp trên buộc phải ra đi” (33)
Nhiều người trong số họ không hề có ý định rời khỏi Việt Nam vĩnh viễn, và họ thuật lại cuộc hành trình của họ đến Guam như là một sự biến ngoài ý muốn, hoặc vì thông tin sai lạc, và thậm chí bị “bắt cóc” phải ra đi nữa!
Cần nhắc lại rằng, người hồi hương là phi công và thủy thủ VNCH nói rõ rằng họ đã rời Nam Việt Nam trong những giờ khắc sôi bỏng của cuộc chiến mà không nhận ra rằng hễ đã đi là không còn quay lại được. Ví dụ, khi Bắc Việt bắt đầu pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất, một phi công theo thượng lệnh đã bay sang các căn cứ không quân U-Tapao của Thái Lan. Ông giải thích việc đó “phần nhiều là để cứu phi cơ khỏi bị tiêu hủy cũng như để cứu những người đã lên phi cơ“. Chính ông ta cũng không có ý định đi tản cư: “Sống mãi nơi một xứ sở ngoại quốc và chấp nhận một quốc tịch khác đâu có phải là lựa chọn của tôi” (34)
Tương tự, một thủy thủ trẻ kể lại, “Tôi không có ý định đi Mỹ, nhưng sau khi đã lên tàu, tôi mới hay là chúng tôi đang hướng đến Vịnh Subic ở Phi Luật Tân và không sao còn có thể quay lại Việt Nam”. Anh nói thêm anh còn cha mẹ, anh em, chị em đang ở Việt Nam, và anh muốn quay về(35)
Cái cảm giác bị nhổ bỏ, thiếu đáng kể quyền lựa chọn… là một thứ kiểu mẫu chung lặp đi lặp lại nhan nhản nơi các tài liệu và báo chí của Guam. Tập trung tới gia đình nhiều hơn là chính trị, những người trẻ tuổi tự bày tỏ là cảm thấy lạ lẫm với cả cuộc hành trình đưa họ đến Guam lẫn hoàn cảnh sống hiện tại của họ trong trại tị nạn.
Trong một tường trình đáng sợ nhất, có 13 người đàn ông Việt cáo buộc lính Mỹ dùng thuốc mê và rồi bắt cóc họ. Như lặp lại câu chuyện của người phi công bên trên, những người này kể đi kể lại chuyện mười mấy viên chức VNCH trú đóng tại phi trường Tân Sơn Nhất “đã rất sợ bị chuyển đi U-Tapao (Thái Lan) ngay” như thế nào. Khi đến nơi, câu chuyện lại diễn biến xấu hơn. Ít nhất có 65 người yêu cầu được trở về Việt Nam. Đáp lại, Mỹ và quân đội Thái Lan dọa sẽ tống họ vào nhà tù ở Thái Lan. Đến lúc ấy, 52 kẻ ra yêu sách mới đồng ý đến Guam, trong khi 13 người còn lại kiên quyết “một lần và cho tất cả không đi [đến Guam], hoặc bị giết hoặc còn có cơ hội về nước” (36)
Một cấp chỉ huy quân đội Mỹ đã phản ứng lại thách thức đó bằng cách gây mê những người này bằng Natri Pentathol và THORAZINE [*1 ], và sau đó đưa họ lên phi cơ bay đi trong tình trạng hôn mê. Khi thức dậy ở Tent City trên Guam, không những họ rơi vào trạng thái mất phương hướng mà còn chóng mặt và đau đớn. Trong mấy ngày chờ đợi trước khi được đưa đi để chăm sóc y tế, họ tỏ vẻ không tin các bác sĩ Mỹ, và lần lượt các bác sĩ ở đây hết vị này đến vị khác đều không tin họ nói thực cho đến khi khám mới thấy chân của các quân nhân này bị thương tích với đầy những vết kim đâm lỗ chỗ. (37) Điều tra vụ này, Hoa Kỳ đã thừa nhận trách nhiệm của một sĩ quan Hoa Kỳ đã có hành vi lạm dụng biện pháp an thần cưỡng bức. (38)
Các quân nhân cũng đã trình bày với văn phòng đặc trách thỉnh nguyện hồi hương của Mỹ: “Đây là một câu chuyện có thật. . . . Những hành vi này khiến cho chúng tôi lo sợ và hơn thế nữa, chúng tôi không còn tin tưởng và tôn trọng chính sách hòa bình và dân chủ mà Mỹ thường đem đi mở mang cho toàn thế giới” (39)
Không như ông Trụ nhấn mạnh lập trường chống Cộng, thì trong một bản văn bằng Anh ngữ nói về nền dân chủ, những quân nhân kia nói rõ họ phản bác và chẳng còn tin mấy điều đó. Nếu với quân đội Mỹ trước tháng Tư năm 1975 không đủ cho họ tỉnh ngộ thì ở lần trải nghiệm tiếp theo này, qua lối hành xử
điên rồ của viên chức Mỹ ở Thái Lan, không còn nghi ngờ gì nữa đó là một sự trí trá. Tuy vậy, điều này không hẳn cốt thể hiện lập trường cộng sản hay ngả về vị thế của phe mới chiến thắng ở Việt Nam, và họ cũng khá tự chế không phô bày ra cái vẻ tự đồng hóa mình với chính quyền mới.
Cùng với các báo cáo về chuyện bắt cóc và hoàn cảnh bị ép buộc, những tường thuật của từng người còn bày ra vẻ lảng tránh, không thật của việc ra quyết định dựa trên những kinh nghiệm gia đình đơn lẻ và lập trường chính trị không nhất quán. Có một trường hợp tại Fort Chaffee, một phụ nữ chính thức xin hồi hương cho mình cùng với đứa con một tuổi, trong khi chồng cô chọn ở lại Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến một vụ tranh cãi về bảo lãnh về sau được phân định ở Arkansas (40) Trong chừng mực nào đó, yêu cầu ly hôn hoặc hồi hương vốn hòa quyện vào nhau đành để ngỏ cho sự suy đoán; Tuy nhiên, thông điệp ngầm này đã gợi nên cho thấy sự phức tạp về một tình trạng chính trị “giới tính” của việc “đoàn tụ gia đình”. Có khi nam và nữ cùng dứt khoát rời bỏ Việt Nam đấy, nhưng một khi tới Mỹ, họ lại xét lại quyết định của mình vì … nhớ
nhà. (41). Trong một đơn cử hiện rõ nhất tính chính trị – trong nguồn văn khố lưu trữ – có ít nhất một đàn ông dường như đã quay trở lại vì những lý do ý thức hệ. Trong một chuyện nhỏ gợi cho người đọc nhiều liên tưởng từ hồi ký của Trần Đình Trụ, thì Châu Văn Hòa thổ lộ cho Trụ hay rằng Hòa đã đi theo những người tị nạn đến Hoa Kỳ theo lệnh của NLF. Hình như cốt để minh chứng cho việc người Mỹ sợ bị cộng sản xâm nhập là có thật, chứ Hòa rốt cuộc chỉ là một gián điệp tội nghiệp thôi. Qúa mệt vì chờ đợi ở Fort Chaffee không nhận được lệnh hoặc nhiệm vụ gì, Hòa quyết định nộp đơn theo cùng hàng trăm người Việt khác xin về với gia đình (42)
Nam Việt Nam sụp đổ nhanh chóng, những loạn lệnh quân sự sau cùng, và cảnh gia đình ly loạn đã khắc họa nên những câu chuyện tản cư – di tản. Trừ trường hợp Trần Đình Trụ, còn lại thật khó diễn giải hết những nhạy cảm cá nhân hay cả một quá trình xung động chính trị trong lòng đất Việt, lúc này người hồi hương nhất quyết cự tuyệt với thái độ chống cộng hay coi thường về cách mạng. Thay vào đó họ tỏ rõ ý muốn về Việt Nam qua cách nhắc tới mái ấm gia đình. Quyết định cố thủ ở Guam và thỉnh nguyện được hồi hương của đoàn người đã chứng tỏ tính bất ngờ nằm ngoài kho ngữ vựng Chiến tranh Lạnh, điều mà cả 2 chính phủ Việt, Mỹ đã không sao lường nổi trước đây. Hoàn toàn biệt lệ với tính gắn bó và thống nhất thường thấy của một cộng đồng chính trị, điểm chung nơi những gì người hồi hương đã làm là nhầm lẫn, lo sợ, và giận dữ sốc nổi khi bị giữ lại ở đảo Guam.
[ *1 ]: Pentathol còn có tên Natri thiopental là 1 loại dược phẩm thường dùng để gây mê (qua đường tĩnh mạch) những bệnh nhân tâm thần phân liệt (schizophrenia) hoặc kích động thần kinh (psychosis)
“Chúng tôi không phải là tù binh chiến tranh”
Cố thủ trên Guam trong tình trạng lấp lửng về cư ngụ và chính trị, người hồi hương đã tập hợp đoàn ngũ nhằm tiến tới tăng cường đấu tranh bằng biện pháp mạnh (43)
Dù thân thể và pháp lý bị hạn định ở trong trại, những nam nữ người tị nạn Việt đã chứng tỏ họ sành thủ thuật chính trị cộng với quyết tâm mãnh liệt và động cơ độc lập chớ không phải báo chí Mỹ tự ý khoác lên cho cho họ. Trên thực tế, những gì xuất hiện trên các phương tiện truyền thông phổ biến tràn ngập lúc bấy giờ trình bày cảnh người Việt tị nạn qua hình ảnh trẻ em, nhắc nhiều tới các bà mẹ… đã khắc họa nên một vẻ gì thơ trẻ, phụ nữ, và “nụ mầm” nơi đoàn người (44) trong lòng độc giả.
Ngược lại với những gì truyền thông diễn bày đó, phần lớn người hồi hương lại là nam giới, quyết định và hành động phản kháng của họ đã tạo ra một vấn đề tư tưởng cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Các cuộc biểu tình với hình ảnh biểu tượng dương cao cùng các hành vi phá hoại đã lộ ra một tác động chính trị tế nhị, đa chiều và ranh mãnh. Một mặt, người hồi hương có vẻ như cố dàn dựng sao cho hành vi của họ vừa làm lợi cho tiếng tăm của phe thắng trận ở Việt Nam [ “cách mạng” ] vừa để đánh bóng, lấy điểm cho thành tích “cách mạng” của mình. Mặt khác, những bất tuân, kháng nghị ngày thêm liều lĩnh có vẻ như là một cơn tuyệt vọng tập thể tỏ với giới chức trách Mỹ, với đảo Guam và với quân đội Mỹ. Người dẫn đầu đoàn hồi hương nhận ra rằng họ cần thuyết phục cả các chức trách Mỹ lẫn chính quyền ở Việt Nam về nguyên do và động cơ phi chính trị của họ; Tuy vậy, đây là một hành vi cân nhắc có vẻ mong manh và không thể lường trước …khá nhất vào lúc đó.
Đáp lại với những người Việt thỉnh nguyện đầu tiên, UNHCR nhanh chóng hợp tác thiết lập các thủ tục cho các cá nhân có nguyện vọng hồi hương.
Cao Ủy Tị Nạn thực hiện các cuộc tiếp xúc, phỏng vấn và nhấn mạnh quyền tự do lựa chọn cá nhân mà không bị một cưỡng bách nào. Đại diện UNHCR ở Guam, George Gordon Lennox nói, “Quyết định này là do họ đơn phương chọn. . . . không ai sẽ bị buộc phải làm bất cứ điều gì không muốn. Điều này nên được thực hiện rõ ràng” (45)
UNHCR cũng đã bắt đầu một chiến dịch phối hợp để quảng bá về khả năng hồi hương của người tị nạn nào đã nhập vào căn cứ quân sự Mỹ ở Pennsylvania, Florida, Arkansas, và California. Cả thảy có hơn 1.500 người Việt trên Guam dò hỏi về việc hồi hương, cùng với hàng trăm người Việt đã vào ở bên trong lục địa Hoa Kỳ. Suốt trong tiến trình này, người Mỹ nhiều lần khẳng định khả năng được phép hồi hương và niềm xác tín việc “tự do đi lại cho tất cả mọi người.” (46)
Với cách giải quyết tận nơi, lần lượt cả nam lẫn nữ đứng ra làm thủ tục theo nhóm hoặc đơn lẻ, và dù đầy thiện chí, các viên chức Mỹ dường như cũng không sẵn sàng cho các vấn đề, các thắc mắc phức tạp mà những đòi hỏi cấp bách mang tính chính trị của người hồi hương đặt ra.
Một trong những cuộc biểu tình tổ chức đầu tiên là tại Fort Chaffee thuộc Arkansas, nơi khoảng 180 người đã nộp đơn xin hồi hương. Từ nhóm này, một tốp chỉ dưới 80 người công khai phản đối điều mà họ cho là làm họ bị trễ chuyến. Họ phản đối bất bạo động, nhưng các viên chức Mỹ e rằng diễn biến có thể biến thành chống đối (47)
Lê Minh Tân, một cựu tùy viên quân sự 44 tuổi từng làm việc cho quân đội Hoa Kỳ tại Sài Gòn, trở thành người dẫn đầu dễ thấy nhất của tốp này và to tiếng hơn cả. Ông ta đề cao sức mạnh của Mỹ, khăng khăng rằng nếu Hoa Kỳ ưu tiên vận chuyển người hồi hương thì chuyến đi có thể xảy ra rất nhanh. “Chúng tôi rất thất vọng và muốn điên lên. Chính phủ Mỹ thiếu gì tiền và có rất, rất nhiều máy bay” (48)
Không như nhiều người hồi hương khác, ông [Tân] dàn dựng sự phản đối không chỉ nhằm mong muốn về với gia đình mà còn là một sự thống trách Hoa Kỳ. Bằng một thứ tiếng Anh đơn giản và ngắn gọn, ông lập luận: “Nó [Fort Chaffee] trông giống như một nhà tù. Chúng tôi rất buồn. Chúng tôi muốn trở
lại [Việt Nam] ngay lập tức. Chúng tôi không muốn ở lại đây. Tôi nói thẳng rằng chúng tôi đã bị đưa vào tù hai tháng và hai tháng ấy lại là ở Hoa Kỳ“. (49) Những phát biểu của ông ta không chỉ cảnh báo nhân viên Mỹ ở căn cứ mà còn nhắm tới nhiều người tị nạn Việt Nam khác tại Fort Chaffee, những người sợ rằng vụ đòi hồi hương sẽ làm xấu đi hình ảnh của họ và gây bất bình trong công chúng Mỹ.
Để đáp trả, một cuộc biểu tình thứ hai được tổ chức nhằm phản đối những ai đòi hồi hương, và cùng ký tên trong Tuyên Bố: “Chúng tôi rất biết ơn người Mỹ” và “Tự chúng tôi tìm tới tự do” (50)
Dùng thuật phản pháo chính trị quen thuộc, người phản biểu tình gán cho người đòi hồi hương là “tay sai” Việt Cộng. Trong diễn biến lịch sử ấy, vào năm 1977, ông Phạm Kim Vinh [ *2 ], một học giả Việt Nam cũng từng vào vai người tị nạn mới đây, nói rõ Tân là một trong những người cộng sản trà trộn vào, đã diễn tấn tuồng người tị nạn nhớ nhà và xách động người Việt đòi hồi hương cho công tác tuyên giáo của cộng sản (51)
Tân trả lời rành mạch về nhiệm vụ đó: “Nếu chúng tôi là cộng sản, thì chúng tôi đã chẳng tới Hoa Kỳ, hoặc nếu chúng tôi là cộng sản, thì chúng tôi sẽ ở lại Hoa Kỳ và chuyển tin tức về Việt Nam. . . . Chúng tôi không phải là Cộng Sản. Chúng tôi chỉ là người yêu nước và muốn trở về.” (52)
Những lập luận của Tân cũng như việc người phản biểu tình chụp mũ “cộng sản” vô tội vạ có thể đã khiến các quan chức Mỹ cau mày. Về căn bản thì khả năng Anh ngữ của người Việt tị nạn đã khẳng định rằng cái kết cục của họ ràng buộc chặt vào quân đội Mỹ. Số lớn người tị nạn Việt Nam, gồm cả người hồi hương và những người chọn cách tái định cư tại Hoa Kỳ, đều có thể giao tiếp bằng Anh ngữ, trong khi quân đội Mỹ tìm không ra một thông dịch viên thạo Việt ngữ ở Guam và Arkansas. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi người phản biểu tình đã vận dụng lối gọi “Việt Cộng” cho đoàn người đòi hồi hương. Trong khi một số ít những người đòi hồi hương đã tự đồng hóa mình với chính quyền mới thắng trận, hoặc có khi có người đã là thành viên của NLF, cho nên sự tách bạch cộng sản với chống cộng không thể mang tính chính trị cứng nhắc và triệt để được, đây là điều vốn đã làm đau đầu cả người Mỹ và nhiều người Nam Việt Nam trong hơn hai thập niên. Sự từ chối [ở lại] của Tân cũng có thể
đã gây một chút nghi ngờ. Đối với người Mỹ, nhiều người vốn thường không tin đồng minh Nam Việt Nam của họ, trường hợp Tân có thể có vẻ như là một trong số quá quen thuộc đó, một kẻ múa rối (hoặc đáng ngại hơn là VC) giả vờ làm bạn. Tạm gạt qua một bên việc đó, quân đội Mỹ đang lo ngại bạo lực có thể leo thang trên các chuyến bay hồi hương đến Camp Pendleton, nên họ cho phép quân cảnh không quân Mỹ lên tàu được trang bị vũ khí. Được vũ trang và cảnh giác cao độ, họ [quân cảnh] được dặn dò “duy trì trật tự” nếu người hồi hương có bất kỳ dấu hiệu biểu tình chính trị nào trong chuyến bay. (53)
[ *2: ông Phạm Kim Vinh (1931 – 2000) là một Luật sư, là sĩ quan cao cấp của QLVNCH. Là một trong những giảng viên ưu tú về lý luận chiến lược quân sự tại trường Đại học Quân sự (tiền thân của trường Chỉ huy & Tham mưu). Giải ngũ ở cấp bậc Trung tá, ông tiếp tục viết báo và hành nghề luật sư, đồng thời là Giảng sư tại trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị VNCH. Ông là nhà bỉnh bút của nhật báo Chính Luận ở Saigon. Những bài Phân tích hay Bình luận trực ngôn của ông trên báo phê bình thẳng thắn, không ngại đụng chạm không ít người trong thời miền Nam tự do. Ngoài tên thật có khi ông còn ký tên Trương Tử Phòng.
Một nhiếp ảnh gia quân ñội Mỹ ñã ghi nhận một cuộc biểu tình hồi hương mà nổi bật là hình vẽ chân dung Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ.
Người Mỹ lo ngại về tình trạng bất ổn là hoàn toàn có căn cứ, trong mùa hè, cuộc biểu tình trên Guam bắt đầu leo thang. Nhiều chiến thuật của người biểu tình có vẻ như cốt để biểu thị lập trường chắc nịch của họ cho chính quyền “cách mạng” mới chiến thắng ở Việt Nam thấy. Trong bản Thỉnh nguyện đầu tiên của họ với UNHCR, họ cố ý dùng ngôn phong quốc gia, dân tộc đặt ưu tiên lên trên việc đoàn tụ gia đình của cá nhân. Thỉnh nguyện thư bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng họ đã “không bị mất nước, chẳng qua chỉ là một chế độ mới đã tiếp quản chính quyền”. Thứ đến, họ muốn “góp phần xây dựng lại đất nước,” và chỉ đến điều thứ ba họ mới ghi “mong muốn được đoàn tụ gia đình”. (54) Lối nói trình diễn này được kết hợp với các hình ảnh trực quan, cụ thể là, dương cao nổi bật khuôn mặt biểu tượng của Hồ Chí Minh tại cuộc biểu tình hồi hương và các sự kiện có tính quốc gia khác. Trong một sự kiện, nhiều người hồi hương đứng nghiêm dưới bức hoạ lớn đó và một biểu ngữ ghi: (nguyên văn): “Tinh Than Cu Ho Chi Minh Bat Diet” – “The Spirit of Ho Chi Minh lasts forever” (55)
Một tiền lệ chưa từng có đã hiện diện trên một căn cứ quân sự của Mỹ vào năm 1975, những hình ảnh của Hồ Chí Minh có thể được xem như là một lời khiển trách trực tiếp đến Hoa Kỳ và cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều khả năng là bức họa Hồ Chí Minh đã như là một tín hiệu rõ ràng dễ hiểu nhắm tới PRG ở Nam Việt Nam và DRV ở miền Bắc. Đúng ra là, mục đích là để thuyết phục PRG rằng người hồi hương sẽ là thành viên trung thành của Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong cuốn hồi ký của Trần Đình Trụ, ông có kể rõ vụ treo bức họa Hồ Chí Minh và lấy làm xấu hổ vì sự phô bày trơ trẽn đó… Lớn tuổi hơn đến một thế hệ so với đa số người hồi hương, ông Trụ cách biệt họ cả về tuổi tác lẫn cấp bậc, bản thân ông thì gắn bó mật thiết với truyền thống đạo Công giáo dòng của gia đình và lập trường chống cộng. Bằng một giọng văn thiện chí và khiêm hạ, ông Trụ chỉ trích mưu đồ dùng hình ảnh Hồ Chí Minh: “Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy kẻ cơ hội như Bình [họa sĩ], bởi thực tế đó là chỉ là một lối diễn trò. Những kẻ cơ hội đó không có dụng ý tuyên truyền cho cộng sản, trong khi chính bản thân họ không biết gì về cộng sản cả” (56)
Dù hơi nặng lời, ông Trụ phân tích về cái hình ảnh biểu tượng mà ai cũng biết kia lọt vào dòng người hồi hương là cốt để làm nặng ký hơn cho minh chứng lòng trung thành của họ với chính quyền “cách mạng” mới trong nước.
Người hồi hương có thể đã hy vọng rằng một lập trường đối lập đối đầu với quân đội Mỹ như thế có khi sẽ giúp họ được hưởng ân huệ gì đấy ở Việt Nam, ngoài ra họ cũng nhắm nhiều tới công luận Mỹ và người ở Guam nữa. Họ tin rằng Hoa Kỳ dư khả năng trả họ về Việt Nam mà chẳng qua cố ý trì hoãn thế thôi. Khi đến Guam, Lê Minh Tân lập tức tổ chức một cuộc tuyệt thực hai ngày (57) với 250 người tham gia, quả là lúc ấy quân đội có báo cáo rằng chỉ phục vụ các bữa ăn cho chừng 20 phụ nữ và trẻ em trong trại. (58) Trong một bức ảnh đáng nhớ, một cặp vợ chồng già trong tư thế cầm một khẩu hiệu viết tay đơn giản: “Chúng tôi đang Nhịn Đói Biểu Tình”. (59) Họ sát cánh bên nhau trong cùng một vẻ mặt ngang ngạnh thách thức càng làm tăng thêm hình ảnh thương tâm về khát vọng hồi hương. Người Việt đã tận dụng tốt khả năng Anh ngữ, từ viết khẩu hiệu, biểu ngữ trong trại cho tới viết thư cho báo chí địa phương. Có lẽ lối dùng Anh ngữ mạnh nhất là trong cách viết của riêng họ độc chiếm chữ “tù binh” cho mục đích tối hậu. Ví dụ một khẩu hiệu trần trụi như vầy: “We Are Not TÙ BINH” (60)
Mà quả đó là sự thật, người tị nạn Việt không hề là tù binh, cuộc sống của họ trong trại dù có bị giam hãm đấy nhưng nó gây một ấn tượng như nhau nơi nhân viện người Việt và người Mỹ. Quân đội đã cố phối hợp để phi quân sự hóa tình trạng sinh hoạt nơi trại tị nạn, nhưng vẫn còn dây kẽm gai, và các biện pháp an ninh quân sự, thêm vào đó người tị nạn đang trong tình trạng chờ đợi còn chưa ngã ngũ… tất cả đã làm cho sự phân biệt giữa một trại tị nạn với một trại tù binh là không nhiều mà quân đội Mỹ đã phải miễn cưỡng chấp nhận. Hơn nữa, người hồi hương Việt tự gán cho họ chữ “tù binh” là lối phóng đại thái quá. (61) Thật là quá khác biệt với các tù binh Mỹ được mừng đón về nhà hồi năm 1973, nay, người Việt đã đảo ngược những gì người Mỹ từng biết chữ “giải cứu”, họ tự đặt mình vào vị trí là kẻ bị giam cầm còn quân đội Mỹ như là kẻ bắt giữ.
Suốt mùa hè năm 1975, giới chức UNHCR đã nhiều lần đến Hà Nội và Sài Gòn, tìm hiểu về các khả năng và thủ tục hồi hương. Lúc đầu PRG tỏ vẻ rộng mở cho ít nhất một số lượng nhỏ người hồi hương, và UNHCR đã chủ động nộp hồ sơ hồi hương cho chính quyền mới với hy vọng sẽ nhanh chóng có giải pháp. Tuy nhiên, sau một vài tuần, rõ ràng là PRG đã không còn bận tâm tới các yêu cầu hồi hương, mọi việc đã bàn mấy tuần trước, nay không nhúc nhích. Thực tế là PRG có trưng ra các hồ sơ cá nhân, nhưng họ vẫn không đáp ứng yêu cầu xin được hồi hương, và nếu bất cứ điều gì đã xảy ra thì đó là diễn tiến hồi hương đã chẳng được tiến triển là bao trong mùa hè. (62) Thay vào đó, PRG yêu cầu trực tiếp điều đình với Mỹ và từ chối giải quyết các yêu cầu hồi hương thông qua UNHCR hoặc một đệ tam quốc gia. Họ cũng lảng tránh những yêu cầu hoàn bị về hồi hương đồng thời mong vụ người hồi hương sẽ tạo điều kiện cho PRG đạt thêm sức hậu thuẫn và làm áp lực khiến chính phủ Hoa Kỳ phải công nhận chính phủ mới [của họ] về mặt ngoại giao. Các cuộc xung đột nội bộ do tranh giành quyền lực giữa quân đội và phe dân sự tại miền Nam Việt Nam, nạn đói, tàn phá môi sinh, biến động kinh tế, cùng số thương vong rất lớn sau chiến tranh…khiến đề tài cho phép hồi hương hay không vẫn còn nằm ở vị trí rất thấp trong danh sách ưu tiên của PRG. Đó là chưa kể PRG còn sợ Hoa Kỳ cài gián điệp thâm nhập trong số người hồi hương nữa (63) Dù phản ứng tiêu cực của PRG, vào khoảng tháng Bảy, những ra mặt phản kháng của người hồi hương đã bắt đầu có tác dụng trên đảo Guam. Các đại diện của UNHCR cùng Thống đốc Bordallo và các viên chức cao cấp Hoa Kỳ mời những người đứng đầu đoàn người hồi hương đến họp. Tại cuộc bàn thảo này, người hồi hương có thể trực tiếp đặt câu hỏi cũng như gây áp lực lên các viên chức. Với cách trọng thị người hồi hương bằng một cuộc đối thoại, Hoa Kỳ và UNHCR đã ngụ ý một thực tế khác xa giữa người hồi hương và tù binh, vốn là một điều khó nói lâu nay. Trước tiên, Thống đốc đề xuất giải pháp của mình, cụ thể là, cấp cho người hồi hương một con tàu để quay về Việt Nam, hải trình do họ tự đảm nhiệm. Người hồi hương hưởng ứng nhiệt tình và nói thêm họ có nhiều thủy thủ giỏi. Tại thời điểm đó, các đại diện UNHCR đã không bảo đảm chắc chắn, chỉ hứa sẽ thông qua ý tưởng này đến Ủy ban cấp cao. (64) Ngoài ra, các cuộc đàm phán mà UNHCR xúc tiến rơi vào bế tắc, vì Hoa Kỳ không công nhận PRG hay DRV và cũng không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán.
Những người hồi hương Việt đáp lại bế tắc bằng cách phản đối mạnh chính quyền Mỹ và không chấp nhận việc họ bị ép phải ở trong phạm vi trại. Dẫu đã dùng cách tiếp cận mới cũng như các cuộc gặp tương đối thiện chí với Mỹ và các viên chức UNHCR, Lê Minh Tân vẫn dẫn 251 người tị nạn ra khỏi Trạm Truyền thông Hải quân là nơi họ đã tập họp đoàn ngũ và cùng đi bộ ra khỏi căn cứ hơn nửa dặm. Người hồi hương mang đồ đạc của họ trong những túi và hộp dường như để chuẩn cho việc rời bỏ căn cứ dài ngày. Một người mặc một chiếc T-shirt với khẩu hiệu chẳng lành tô đậm kẻ ngang qua mặt trước của chiếc áo: “Hãy giết chúng tôi hoặc trả chúng tôi về” (65)
Vi phạm vòng đai quân sự của Mỹ, người hồi hương đã vụt tăng tính liều lĩnh bất chấp. Các chỉ huy cảnh sát và nhân viên đã dùng gậy và ma trắc lùa được đoàn người vào xe buýt và đưa họ trở lại Orote Point, cô lập Tân ra khỏi đoàn. Qua hôm sau, một nhóm thứ hai lại rời bỏ trại tọa lạc trong Công ty Nạo vét Hawaii. Hai trăm người diễn hành với hai bàn tay bị trói sau lưng họ để tượng trưng cho hình ảnh tù tội. Họ cố ý trình diện mình ra trước đám đông, đứng trước hãng Shakey Pizza, hãng pizza lớn nhất trên đảo Guam, ngay vào giờ giao thông cao điểm, cũng với áo T-shirt bày ra các khẩu hiệu chính trị. Cùng với họ là 500 người hồi hương khác diễn hành ra khỏi trại Công ty Xây dựng Black cũng với các dải ruy băng và hàng chữ đỏ: “Chúng tôi không phải là tù binh chiến tranh”. Với cách phối trí và tập trung đội hình, người hồi hương đã gây được sự chú ý. Việc cố tình lặp đi lặp lại sánh mình với tù binh chiến tranh trong suốt hành trình chậm rãi rời khỏi các trại tị nạn nhấn mạnh không chỉ khát vọng về nước mà còn thể hiện sự tức giận khi họ bị cầm giữ trong các trại tị nạn của Mỹ. Các cuộc biểu tình đã đạt được đà chuyển động cho sự việc khi họ đã khôn khéo gây được ấn tượng đến các viên chức Mỹ chủ chốt và gây được áp lực đến Mỹ quốc, UNHCR, cũng như giới chức địa phương đảo Guam bất chấp những hiện trạng hạn chế của họ trong một môi trường quân sự lẫn hiện trạng pháp lý của họ. Có điều đáng chú ý là Lam Duoi, một người dẫn đầu trại, người cho đến thời điểm đó đã nói với báo chí bằng cả hai thứ tiếng Pháp và Anh, giờ lại khẳng định chỉ bằng tiếng Việt. Một người đứng đầu đoàn hồi hương khác là cựu Thiếu Tá Không Quân, Lê Văn Hải, cho biết “ông và đồng bào của mình bị đối xử như tù nhân”. (66)
Hoa Kỳ phản ứng với các cuộc biểu tình đồng loạt ấy bằng cách hợp nhất tất cả người hồi hương lại tại Trại Asan, nơi họ có thể được theo dõi chung và giám sát dưới thẩm quyền của quân đội. (67) Bây giờ thì rõ ràng là bị giam giữ đúng nghĩa vì đã phạm lỗi và bị dè chừng, người hồi hương thảo luận một chiến thuật hiệu quả khác và cố đạt được sự đồng cảm của công luận. Lại một lần nữa, như một chuyển biến chính trị bất ngờ, người hồi hương đã do dự và cân nhắc vạch ra những chiến lược hiệu quả khác. Quá trình phản kháng đã tạo ra sự chia rẽ trong nhóm, với một nhóm chủ trương “trung dung” thì đôn đốc biện pháp ngoại giao và nhẫn nại, trong khi một phe khác ủng hộ chủ trương cứng rắn. Người ta chứng kiến những chia rẽ này qua việc người hồi hương tranh nhau dựng những khẩu hiệu lên trong trại. Một khẩu hiệu kêu gọi một cách lịch sự: “Các bạn đảo Guam và nhân dân Mỹ thân mến, mong muốn của chúng tôi chỉ là được về nhà. Chúng tôi không muốn làm phiền các bạn và đánh mất thiện cảm mà các bạn dành cho. Hãy hiểu cho hiện chúng tôi đau đớn như thế nào và xin cố gắng hỗ trợ ý nguyện hồi hương của chúng tôi”. Một yết thị khác kém ôn hòa hơn: “quyết nhịn đói cho đến chết”. (68) Người hồi hương cũng tiếp tục một loạt các cuộc tuyệt thực, có một người đàn ông dọa sẽ chặt ngón tay để phản đối và sẽ viết thư cho Tổng thống Gerald Ford bằng máu. (69) Người hồi hương khác đang còn ở Trại Pendleton ở California, cũng đã bắt đầu một chiến dịch cứng rắn hơn để cùng tham gia với đoàn người ở Guam. (70) Một người khác dọa tự sát để tận hiến cho việc chung, một hình ảnh gây ấn tượng mạnh chống Diệm thuở nào khi một ông tăng Phật giáo tự thiêu hồi 1963. Trong suốt các cuộc phản kháng này, người hồi hương luôn quay trở lại giải pháp “Cấp Một Con Tàu”. (71)
Khi thất vọng dâng cao, vào tuần cuối của tháng Tám, khoảng 200 đến 300 trong đoàn 1600 người hồi hương đã tổ chức một cuộc phản kháng mà về sau biến thành quá khích đúng nghĩa với ném đá, bom xăng và gậy gộc. Cực điểm của nó là hai trại lính trong trại bị đốt cháy và tài sản quân sự bị phá hủy.
Trong cơn giận dữ và thất vọng họ quay lại chống chính cái trại đang cho mình tá túc. Để đối phó với cơn loạn đả này, các cấp chỉ huy Mỹ đã phải dùng đến hơi cay, và quân đội Mỹ đã đặt một đơn vị hành động của lính thủy trong tình trạng báo động. Kết thúc cơn loạn đả, người hồi hương đã làm bị thương 4 cấp chỉ huy Mỹ. (72)
Các viên chức Mỹ, UNHCR, cũng như Guam hầu như đã bế tắc không tìm ra một giải pháp nào.
“Guam: Hòn Đảo Dữ”
Cùng với những phản kháng leo thang của người hồi hương, thì tình trạng lãnh thổ của Guam bỗng như bị phô bày một cách khó chịu cho chính quyền Guam, thậm chí làm rối cho cả quân đội Mỹ(73). Guam, với một lịch sử thuộc địa và một vị trí địa dư cách biệt, như đã định hình cho cả Mỹ quốc lẫn giới chức chính quyền Guam về tính bó buộc cũng như những triển vọng chính trị cho nơi này, và cũng vì nói chung hệ thống chính trị Hoa Kỳ không thừa nhận sự hiện hữu của Guam, phần nhiều lại cứ để cho tùy nghi. Trong hoàn cảnh tức thì lúc ấy, các viên chức Guam ngày càng trở nên nản lòng bởi quyền hạn hạn chế của mình. Họ không muốn gì hơn là được thoát khỏi vấn đề hồi hương một lần và cho tất cả, và Thống đốc Bordallo đã cảnh báo trước sẽ giải quyết vấn đề bằng chính thẩm quyền của mình:
Cuộc sống của cư dân đảo Guam đang lâm nguy. Phải có ngay một giải pháp là rất cấp bách… Những người hồi hương đã khuyến cáo tôi rằng họ sẽ bắt đầu một loạt các hành vi bạo lực liều mạng nếu họ không được về Việt Nam ngay lập tức… Trong vòng 48 giờ nếu không nhận được chỉ thị của quý vị về vấn đề này, tôi sẽ tiến hành đơn phương một lựa chọn bắt buộc tối hậu. (74)
Có thể nói chính quyền Mỹ phản hồi lại thông điệp của vị Thống Đốc một cách cụt ngủn. Ngoại trưởng Henry Kissinger chỉ giục Bordallo hạn chế, đừng họp nhiều với người hồi hương vì ông không có thẩm quyền đáp ứng thỉnh cầu của họ(75) Trong diễn biến liên quan, phát ngôn nhân Joseph Ada của Guam dường như bị người hồi hương xúc phạm cá nhân, và ông nhận định các cuộc biểu tình phản kháng là “lấy sự sỉ nhục đáp lại lòng hiếu khách mà họ được ưu đãi”. Trong Nghị định số 133, Ada chính thức đề nghị tái di dời người hồi hương sang Wake Island, một vùng lãnh thổ nhỏ hơn, xa hơn Guam, một vùng đất chưa có tính pháp lý với nước Mỹ nói chung, và bị quên lãng trong quần thể các đảo nhỏ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ada cho rằng người hồi hương đã gây ra chướng ngại nguy hiểm cho cư dân địa phương đồng thời đe dọa cho uy tín quốc tế của Guam. Các Thượng Nghị sĩ Guam nhất loạt biểu quyết thuận với số phiếu áp đảo 12/1 ủng hộ đề xuất này. (76) Tuy nhiên, kết quả biểu quyết gần như đạt đồng thuận tuyệt đối việc cưỡng bức trục xuất người hồi hương trong thực tế đã cho thấy rõ sự thiếu quyền hạn của chính quyền Guam. Lực lượng đặc nhiệm liên bang “Interagency Task Force” về người tị nạn, vừa được lập tuy chưa chính thức đã phải hủy ngang vì không còn cần thiết nữa. (77)
Một thành viên của ban lãnh ñạo người Việt hồi hương trình bày một mô hình của tàu Thương Tín I với Thiếu Tướng Kent J. Carroll. Photo by Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ
Trong bối cảnh rối bời đầy biến động ấy, một cấp chỉ huy quân đội Mỹ là Thiếu Tướng Hải Quân Kent J. Carroll, cũng phải lao đao khó xử với tình trạng chính trị của Guam và cân nhắc khả năng có nên điều quân đội liên bang đến để dập tắt tình trạng bất ổn thuần tính dân sự … hay không, theo Chiến dịch “Garden Plot” (78) Cái tên Garden Plot là một mật mã quân sự – được gợi nên từ những trước tác của nhà văn Geogre Orwell – dùng đặt tên cho một kế hoạch cho phép quân đội có toàn quyền giải quyết những xáo trộn dân sự. Một nghị định về quốc phòng đã nêu rõ Chiến dịch “Garden Plot” chỉ có thể được tiến hành với sự phê chuẩn chính thức của Tổng Thống. Bởi “Garden Plot” nhất thiết phải được Tổng Thống phê duyệt, Carroll còn chỉ rõ rằng “những luật dùng cho trường hợp bất ổn dân sự thông thường không thể dễ đem áp dụng cho Guam.” Ông nói tiếp, “thủ tục tiến hành Garden Plot không thích hợp cho tình trạng khẩn cấp trong vùng lãnh thổ Hoa Kỳ“. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã không hề định một kế hoạch phiêu lưu nào cho tình trạng bất ổn dân sự trên đảo Guam, bởi vì Guam là vùng lãnh thổ chẳng hề được tính đến. Ví dụ, Guam chẳng nằm trong tầm hoạt động của FBI, cả CIA cũng không luôn, và do đó, thực tế là không có khả năng thu thập thông tin tình báo nào về Guam cả. (79)
Di sản đế quốc của Guam đã loại nó hoàn toàn khỏi tầm chi phối của pháp luật và các lệnh lạc quân sự Mỹ, và Thiếu Tướng Hải Quân Carroll cũng như các sĩ quan chỉ huy bộ binh đều muốn dễ bề ra tay vụ này. Ông liên tục thúc giục đồng liêu ở Washington DC vận động để ông được quyền điều quân đội vào các trại hồi hương nếu những hành vi quá khích còn bùng lên nữa. Cuối cùng, cấp trên của Carroll ở Washington không đồng ý và từ chối yêu cầu được can thiệp của ông mà chưa được sự chấp thuận của Tổng Thống. Tạm gác qua những xung đột cục bộ, giới chức ở Guam nhận ra nguy cơ còn bùng phát các phản ứng thái quá và e rằng các hiệu ứng dây chuyền không hay có thể lan tới từ truyền thông đến dư luận quốc tế nếu lính Mỹ tay khai hỏa vào người tị nạn Việt ở Guam. Trong khi các cấp vẫn duy trì những tính toán bình tĩnh thận trọng, thì tâm trạng nản lòng thất vọng của Carroll càng tỏ rõ tình trạng mơ hồ của Guam và các mối đe dọa thường trực đến sức mạnh quân đội, cho dù với một chiến dịch nhân đạo đi nữa.
Vào 30 tháng 9 – 1975, UNHCR công bố các cuộc điều đình với PRG thất bại. Không chút hy vọng PRG hoặc DRV sẽ sẵn sàng chào đón hoặc tạo điều kiện tái định cư người hồi hương tại Việt Nam. Quân đội Mỹ đã sẵn sàng cho việc khởi động chiến dịch “Garden Plot” để ứng phó các cuộc bạo động, bạo loạn, và tình trạng bất ổn chung. Để ngăn chặn những bất ổn có khả năng leo thang, Tổng Thống Ford đã tiên phong chấp thuận việc lấy con tàu Thương Tín I – một con tàu thương mại Việt Nam vốn ban đầu đã đưa người tị nạn tới Guam – để cấp cho người hồi hương trở về. (80)
Người Việt tại Trại Asan tán dương ngay giải pháp này. Những hình ảnh trên trang đầu của tờ Pacific Daily News cho thấy những nam thanh niên cởi trần, mặc quần đùi đổ xô nhau ra vào ban đêm, hân hoan vui mừng nhảy cẫng lên. (81)
Trên tất cả, người hồi hương đã cho thấy họ đã hoàn thành ý nguyện của mình; họ đã thắng thế khi gây áp lực được chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cho họ một con tàu theo đúng nguyện vọng. Có lẽ vì quá chú trọng tới nguyện vọng của người hồi hương cũng như đoán định những nguy cơ dây chuyền có thể lan đến dư luận từ những bạo loạn liều lĩnh của người tị nạn Việt ở Guam, một trại cầm giữ không xác định được thời hạn trên Guam hay Wake Island, hoặc buộc phải tái chuyển đến lục địa Hoa Kỳ… cuối cùng chính phủ Mỹ đã thừa nhận rằng “Ship Option” là giải pháp tốt nhất. Trong 3 tuần tiếp theo, các thủy thủ và thuyền trưởng người Việt làm việc nhiệt tình trên tàu, tiến hành chạy thử nghiệm trên biển, đóng gói thực phẩm, tích trữ nước uống cần thiết cho 30 ngày và cho 1.600 người.(82) Thất vọng bởi sự từ chối của PRG, UNHCR cũng thôi, không hậu thuẫn cho Ship Option. Đơn giản là vì họ không bảo đảm người hồi hương khi đến nơi sẽ được an toàn.
Để bảo vệ tốt nhất chuyến về của người hồi hương, Hoa Kỳ lệnh cho các viên chức Mỹ “đóng một vai phụ” cho nước Mỹ trong việc này và vẫn giữ thế đứng ngoài cuộc. Họ muốn tránh đừng để cho sự điều khiển của người Mỹ lộ diện ra chút nào và cứ để tiến trình hiện rõ chất thuần Việt. Các viên chức Mỹ thừa nhận có đầy vẻ nghi ngờ trong cái nhìn của PRG với đoàn người hồi hương, PRG cũng coi họ như là những kẻ đã bị đế quốc Mỹ làm hư hỏng. Không có nghi lễ “chính thức, tiễn đưa” gì ráo và cũng chẳng phô trương bất cứ thứ gì từ Mỹ hoặc người đại diện đảo Guam. Bất kỳ sự kiện chung cục nào cũng phải “diễn đúng chương trình hồi hương” (83)
Những lo ngại của UNHCR và Chính phủ Mỹ đã chứng tỏ là có căn cứ, PRG cứ cố chấp rằng chuyến về của người hồi hương và chương trình Option Ship là vi phạm chủ quyền và quyền lực mới thu được của họ. Nhiều tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, PRG đang mong muốn được Hoa Kỳ công nhận ngoại giao để đạt được tính hợp pháp cũng như các quyền lợi khác nhưng Hoa Kỳ lại không công nhận chính quyền của họ cũng như từ chối các cuộc bàn bạc trực tiếp, nên PRG giận dữ trút đòn thù vào tàu Thương Tín I và đoàn hồi hương. Với đôi tai dường như hoàn toàn điếc về chính trị, PRG tố cáo chuyến tàu hồi hương là một “kế hoạch nham hiểm”
Đây là một tội ác mới chống lại nhân dân Việt Nam. . . . PRG kêu gọi những người yêu nước hiện nay buộc phải sống ở nước ngoài phải nhận rõ ý đồ xấu của Hoa Kỳ, đoàn kết với nhau để bảo vệ bản thân và chủ quyền đất nước, chống lại tất cả những âm mưu xấu xa của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. PRG chính thức yêu cầu chính phủ Mỹ chấm dứt lối đơn phương giải quyết vấn đề “người tị nạn” (84)
Chính quyền Bắc Việt thì mô tả sự kiện như là một “hành động mạo hiểm và vô trách nhiệm. . . . Chính phủ Mỹ đã phạm một sai lầm lớn bởi đã đơn phương và tùy tiện hành động trong vụ này” (85)
Trong những cuộc đối thoại với UNHCR trước đây, PRG và Bắc Việt đã nhiều lần sợ chính phủ Hoa Kỳ lấy chuyện hồi hương làm một mưu đồ để tuồn gián điệp CIA vào lãnh thổ của họ(86)
Với vẻ huênh hoang và gạt bỏ ngoài tai những tuyên bố của chính người hồi hương, PRG còn trong tình trạng đa nghi hết thảy, họ không tin bất kỳ hành động đơn phương nào của Mỹ. Tóm lại, PRG cho rằng Hoa Kỳ đang cố thực hiện ngầm một âm mưu từ bên ngoài nhằm khả năng lật đổ, ép đưa một lượng người Việt vào trong biên giới nước họ và vi phạm cái quyền riêng mà chỉ
chính họ mới xác định được những ai có thể và không thể nhập cảnh. Người hồi hương đã thành công trong chiến dịch của họ vừa mới đây, nhưng ngay tại thời điểm này, họ phải đối mặt một chính quyền Việt Nam thù địch và một bầu khí chính trị thô cứng.
Trong khi người hồi hương chuẩn bị cho chuyến về thì giới chức Mỹ công bố các báo cáo lập trường hung hăng của PRG và Bắc Việt đến các trại tị nạn. Các vị ấy muốn mọi người nhận ra sự thù địch không hề dấu diếm của PRG trước thiện chí hồi hương. (87)
Người hồi hương cũng công nhận khả năng rủi ro đấy, nhưng hầu hết cứ kỳ vọng vào một triển vọng tốt đẹp. Một người đàn ông giải thích: “Khi quay lại, chúng tôi phải tuân theo lệnh của chính quyền. . . . Chúng tôi nghĩ rằng khi quay lại, chúng tôi phải tuân thủ các chương trình cải tạo vì tất cả chúng tôi đều là cựu viên chức của chế độ cũ” (88)
Trước khi lên tàu, Hoa Kỳ còn đề ra một cơ hội cuối cùng cho người hồi hương nào muốn đổi ý và thuận tình với hành trình đến Hoa Kỳ chứ không phải là Việt Nam. (89)
Các viên chức Mỹ còn lo ngại những bó buộc của Trại Asan đã gây ra một tình trạng “nhất quán không bình thường” giữa những người hồi hương với nhau, và do đó họ muốn cung cấp một phương thức “lối thoát” tuỳ nghi vào giờ chót cho người hồi hương nào “muốn bí mật ở lại”. (90)
Khoảng 24 giờ trước lúc khởi hành, các gia đình, cá nhân đều phải qua một cuộc sát hạch cuối cùng, kỹ lưỡng, tinh vi và dấu mặt, một “phiên tư vấn” hoàn toàn bí mật với những căn phòng kín cửa. (91)
Có 28 người đã đổi ý và quyết định không lên tàu Thương Tín I, thay vào đó họ đã đi đến Hoa Kỳ. (92)
Có điều hấp dẫn là, Lê Minh Tân, kẻ dẫn đầu đoàn hồi hương từ trại Fort Chaffee, lại là một trong những kẻ quyết định quay sang Hoa Kỳ, dù ông ta đã dẫn dắt bao cuộc tuyệt thực và biểu tình liên tiếp. (93)
Trần Đình Trụ nhận xét rằng quyết định của Tân chứng tỏ rằng ông ta đã từng là một điệp viên CIA thứ thiệt. (94)
Trong khi không thể sưu lục tài liệu lưu trữ để tìm hiểu những động cơ thực sự của Tân, có điều không thể không nói là, ông ta đã bị cáo buộc vừa là một cộng sản nằm vùng vừa là một nhân viên CIA! Những cáo buộc đầy mâu thuẫn như thế đã chứng minh thế nào là đa nghi hoang tưởng cũng như thế nào là những đòi hỏi phân định rành rẽ rằng có những người Việt các cấp từ phe PRG nằm vùng trong đoàn người hồi hương hay không?!
Tổng cộng có 1.546 người Việt lên tàu Thương Tín I, trong đó có 250 phụ nữ và trẻ em. Trong một đoạn kết thật quá đỗi khôi hài, các thủ lĩnh đoàn người hồi hương đã quên bẵng bức họa hình Hồ Chí Minh, nó bị bỏ lại trong trại, và khi họ sực nhớ ra và muốn trưng bày nó trên tàu, thì lính thủy Mỹ lại mau mắn quay về lấy bức họa đem đến, tạo ra một hình ảnh trái khoáy và khá khó coi là thủy quân lục chiến Mỹ cùng sánh đôi với Hồ Chí Minh. Một nhân viên quần chúng sự vụ nhận ra ngay một nguy cơ bị chụp ảnh có thể tiềm ẩn nhiều khả năng khó xử về sau bèn ra lệnh lính thủy cứ để thả trôi bức vẽ và bảo người hồi hương tự đưa nó lên tàu. (95)
Ngày 17-10-1975, con tàu rời bến cảng mà không hề được đặt tên cho chuyến hải hành cũng chẳng được một bảo đảm nào từ PRG rằng nó có được phép cập bờ đất Việt hay không. Khi con tàu về đến Nam Việt Nam trong tháng Mười Một, PRG đã tống giam hết thảy đoàn người vào trung tâm huấn luyện Đồng Đế [Trường Hạ Sĩ Quan của QLVNCH] gần Nha Trang. Không hề được nhắc tới trong giới báo chí quốc tế, đoàn người hồi hương như thể bỗng dưng bị nuốt chửng vào hệ thống các trại tù cải tạo xuyên suốt miền Nam nước Việt. (96)
Trần Đình Trụ nhớ lại được đưa lên bờ và nghe diễn thuyết về chuyện ông đã bị “đế quốc Mỹ tẩy não” ra sao. Rồi các cán bộ Việt [cộng] tiến hành hỏi cung ông và buộc tội Trụ với tư cách thuyền trưởng, đã dẫn đầu tiếp tay cho một âm mưu của Mỹ với Việt Nam. (97)
Thật là mỉa mai hay bi kịch thay! Giờ đây, thực tế người hồi hương đã trở thành tù nhân của chiến tranh, (98) cuộc biểu tình lúc trước và khẩu hiệu của họ nhằm vào người Mỹ bảo rằng họ không phải là tù binh chiến tranh đã biến thành sự thực đáng buồn và rằng PRG [1975], và sau đó là chính quyền thống nhất của Việt Nam [1976], đã xếp loại đoàn người trở về như là kẻ cựu thù và là những công dân không tin cậy được.
Trong cuốn hồi ký của Trụ, ông kể lại đã bị giam hơn 12 năm trong một trại lao động cưỡng bức Việt Nam, nơi đã tàn phá cả tâm hồn lẫn thể xác của tù nhân.
Căn cứ vào nguồn tài liệu mà tôi có được, thật không thể biết được thực tế những người hồi hương khác đã phải bị giam trong các “trại cải tạo” bao lâu. Cùng việc Trụ có lẽ đã bị trừng phạt nặng nề vì chức vụ cao của ông trong Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, lại là thuyền trưởng Thương Tín I…nói chung các trại cải tạo khác đều cho tù nhân khẩu phần ăn chết đói và đối xử tàn bạo một cách tùy tiện.
Sau 6 tháng tù đầu tiên, Trụ, được chính quyền “cách mạng” cho phép ông viết thư về gia đình, và thế là vợ ông bắt đầu gửi quà định kỳ để giúp ông chống chọi trong tù. 6 năm sau, chính quyền cho phép vợ đến thăm ông tại một trại tù ở miền Bắc. Trụ thấy những khó khăn và tốn kém của mỗi chuyến đi thăm tù quá khủng khiếp, bởi một khi vợ đã tận dụng các nguồn lực để gửi vào tù cho ông tức có nghĩa con cái ông ở nhà sẽ bị thiếu đói. Ông đã viết kể lại nhiều chuyện về cưỡng bức lao động, chế độ ăn chết đói, bị theo dõi thường trực, và “cải tạo” của cộng sản là thế nào.
Năm tháng trôi qua và chúng tôi vẫn cứ sống trong một thế giới rất kì lạ, giống như côn trùng, như động vật hoang dã, trong điều kiện khắc nghiệt, áo quần rách rưới tả tơi, làm việc lao khổ dưới họng súng AK-47. Nhiều khi tôi gặp ác mộng khi ngủ và tỉnh dậy toát mồ hôi lạnh, nhưng nhìn lại xung quanh, tôi thấy thực tế ấy thậm chí còn đáng sợ hơn, và ý thức rõ rằng chúng tôi đang sống ở một nơi khủng khiếp nhất trên trần gian này. (99)
Ông kết luận, “Tôi thấy giận sôi lên trong lòng. Nếu chọn đi Mỹ, tôi đã có thể để giúp đỡ được cho gia đình mình. Bây giờ thì đã quá muộn. Tôi chỉ còn biết oán trách số phận”. (100) Rồi ông cũng được thả vào ngày 13-2-1988, thế là sau cùng ông cũng được đoàn tụ với vợ. Ba năm sau, ông được đưa vào chương trình H. O. (Humanitarian Operation) và cùng vợ con rời Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Phần Kết
Từ trong căn để, trang Sử người hồi hương Việt nhấn mạnh tính năng động của những kế hoạch bất ngờ cùng với sự kiên trì của nước Mỹ. Mặt khác, nó là một phản bác rõ ràng và đầy thách đố những bản tường trình chung chung được nhiều người tưởng là đúng về di dân người Việt. Không những không thụ động, vô vọng, hay từ chối không nhận viện trợ và thiện chí giúp đỡ, người hồi hương còn cho thấy nơi họ chứa một mảng thật là ấn tượng của thủ thuật chính trị và khả năng vạch chiến lược một cách có tổ chức.
Các bức ảnh của người tị nạn Việt, đáng kể là ngay trong căn cứ quân sự Mỹ, tận dụng hình ảnh Hồ Chí Minh và cạo trọc đầu tranh đấu …vẫn làm người ta kinh ngạc. Những hình ảnh này được đăng tải rộng rãi trên các tờ báo ở Guam, nhưng trên các báo trong lục địa Hoa Kỳ thì không sao chép lại, và ngành ảnh của quân đội vẫn còn lưu trữ chỉ trong các Báo Cáo After Action nơi danh mục của Cục Lưu trữ.
Hơn nữa, cách tổ chức chính trị của họ và sự công nhận đầy thuyết phục từ nhiều người Mỹ từng nghe họ diễn thuyết…đã nói lên kiến thức hiểu biết và sự tháo vát của người hồi hương. Câu chuyện của họ nổi rõ hành động biết cân bằng giữa hai thái cực cộng sản và chống cộng, nhưng cuối cùng tiếc thay họ đã tránh né không xong tình trạng 2 mặt đối lập ấy khi giáp mặt với một Việt Nam vừa mới đổi chủ đầy bất trắc và thù hận.
Đồng thời, những câu chuyện của người hồi hương cũng thách thức các học giả nhận ra tính bao hàm của những vùng đất ở “bên rìa” ngoại vi của Mỹ quốc. Câu chuyện hồi hương Việt Nam cũng hút sự chú ý đến đảo Guam và việc dùng Guam như một trại tị nạn hay một nơi cầm giữ. Trang sử của Guam cũng thêm phần phát huy vai trò tương liên giữa Mỹ quốc với căn cứ quân sự Mỹ, với các việc trục xuất, và cầm giữ. Những dòng gạch nối liền giữa Mỹ quốc với đoàn di dân lại đi đến kết cục trong những diễn biến không sao đoán trước nổi, nhưng rốt cuộc đoàn người cũng đã thông tri được cho nhau và đã gây được tiếng vang được một lúc thời bấy giờ.
Người hồi hương Việt nào phải chỉ là đoàn di dân duy nhất đi tìm chính mình “ở giữa lòng” những di sản của đế quốc và chiến tranh. Nhà nhân chủng học David Vine đã viết một cuốn sách mới, hấp dẫn về cách mà chính phủ Anh trục xuất khối dân cư bản địa Chagossians ra khỏi Diego Garcia để lấy đất làm đường cho một căn cứ hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương. Dân Chagossian bị cấm sinh sống, thăm viếng, hoặc làm việc trên đảo, trong khi căn cứ ấy nay là vùng trọng điểm của chiến lược quân sự của Mỹ ở Afghanistan và vùng Trung Đông. (101)
Có lẽ dễ thấy hơn cả là việc chính phủ Hoa Kỳ cải đổi các căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo (GTMO) – vùng đất đặc biệt dự phần với nguồn cội lịch sử của Guam từ 1898 – thành một trung tâm được cho là nơi giam giữ “binh sĩ địch” vào năm 2002. Tuy nhiên, ngay cả trước sự kiện 11 tháng 9 [2001], GTMO đã là một trại tị nạn gây nhiều tranh cãi, tại nơi này Hoa Kỳ đã giam giữ những người Cuba và Haiti. Sau khi trận động đất Haiti năm 2010, chính phủ Mỹ lại sửa soạn cho GTMO thành một trại tị nạn vốn đã được biết tiếng nhiều từ thập niên 1990’s. (102) Sau hết, Guam cũng đã từng được dùng như một trạm trung chuyển người tị nạn thời Chiến tranh Lạnh. Vào cuối Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, chính phủ Mỹ với việc tìm chốn dung thân cho người Kurd (ở Iraq) tị nạn [tạm trên đảo Guam], qua đó tung ra một thông điệp cho “quá trình hình thành” căn cứ không quân Andersen biệt lập ở Guam, rồi mới cho tái định cư họ ở Hoa Kỳ. (103) Lộ trình qua lại này giữa Iraq, Guam, và Hoa Kỳ hiện vẫn còn hoạt động với các phiên dịch cảm tử người Iraq và các đồng minh của Mỹ. (104)
Là kết quả hẳn hoi chứ chẳng phải mang chút gì dị thường hoặc nhằm minh hoạ cho một câu chuyện khả tín, những dòng Sử còn ghi những người Việt hồi hương trên đảo Guam báo hiệu nhiều hướng hội tụ giữa các hoạt động di cư và quân sự trong thế kỷ XX và XXI. Quá trình lịch sử xưa chưa được biết đến của Mỹ nay như dội ngược về trong hiện tại, với bóng dáng những đoàn di dân trong đó, hoặc từ xa chuyển đến, hay bị cầm giữ… cho thấy sự sa lầy của Mỹ quốc và các chính sách ứng biến cuốn theo con người vào trong. Với tính khác biệt rõ ràng từng trường hợp, người ta có thể hình dung ra nào là người Chagossians, những người bị cầm giữ ở GTMO, người Kurd ở Iraq, nạn nhân động đất Haiti, và người hồi hương Việt… để khả dĩ phác họa một nhân dáng cường quốc quân sự Hoa Kỳ.
Câu chuyện phức tạp, đầy sống động và nhuốm màu bi kịch của người hồi hương Việt đã nhấn mạnh một điều cấp thiết rằng chúng ta chớ có dễ dãi nghe theo những bản tường trình cứng nhắc về giải cứu và về cách mạng. Ở trên Guam, xa biệt gia đình, cũng chẳng biết rồi sẽ về đâu, lúc đó người hồi hương đành phải lấy một lựa chọn, hoặc khá hơn hoặc tệ hơn… bằng vào vốn hiểu biết chủ quan. Những lựa chọn ấy trở nên đầy bất trắc, hy vọng cũng có mà thất vọng cũng có, cả may lẫn rủi, do đó có thể nói, chẳng biết đâu mà lường với những tường trình của người Mỹ về giải cứu hoặc những tường thuật của người Việt về “chống đế quốc”, câu chuyện người hồi hương Việt bộc lộ một mớ bòng bong rối rắm của những tình huống ngẫu nhiên khó lường và tình thế chính trị bấp bênh ngặt nghèo đã cuốn bao nạn nhân của nó vào trong.
Tài liệu tham khảo do tác giả liệt kê
I would like to thank the U.S. Army Military History Institute’s General and Mrs. Matthew B. Ridg-way Research Grant and Tulane’s School of Liberal Arts Lurcy Grants for their generous support for this research. In addition, I would like to thank Marguerite Nguyen, Bac Hoai Tran, Marline Otte, Michael Wood, Elisabeth McMahon, Wendy Pearlman, Joe McCary, Crystal Parikh, and the NYU Symposium on the Politics and Poetics of Refugees for their insights and commentary on this work.
Bob Cobble, untitled image, September 13, 1975, NARA, RG 319 Records of the Army Staff, Deputy Chief of Staff for Operations and Plans, Records Re: Operations New Life and New Arrivals, 1975–76. Hereafter cited as RG 319, box 19. (All photographic images included in this article can be found in NARA, RG 319, Box 19.)
Yen Le Espiritu, “Toward a Critical Refugee Study: The Vietnamese Refugee Subject in US Scholarship,” Journal of Vietnamese Studies 1.1–2 (2006): 410–33; Espiritu, “The ‘We-Win-Even-When-We-Lose’ Syndrome: U.S. Press Coverage of the Twenty-Fifth Anniversary of the ‘Fall of Saigon,’” American Quarterly 58.2 (2006): 329–52; and Ayako Sahara, “Operation New Life/Arrivals: U.S. National Project to Forget the Vietnam War” (University of California, San Diego, MA thesis, 2009).
For recent key works in Vietnamese American studies, see Sucheng Chan, The Vietnamese American 1.5 Generation: Stories of War, Revolution, Flight, and New Beginnings (Philadelphia: Temple University Press, 2006); Karin Aguilar San Juan, Little Saigons: Staying Vietnamese in America (Minneapolis: University of Minnesota Press, 2009); and Thuy Vo Dang, “The Cultural Work of Anticommunism in the San Diego Vietnamese American Community,” Amerasia Journal 31.2 (2005): 65–86.
The southern PRG and the northern DRV coexisted in concert, but as separate governments until reunification in 1976.
Amy Kaplan, “Violent Belongings and the Question of Empire Today Presidential Address to the American Studies Association, October 17, 2003,” American Quarterly 56.1 (2004): 1–18.
Amy Kaplan, “‘Left Alone with America: The Absence of Empire in the Study of American Culture,” in Cultures of United States Imperialism, ed. Amy Kaplan and Donald Pease (Durham, N.C.: Duke University Press, 1993); Louis Perez Jr., The War of 1898: The United States and Cuba in History and Historiography (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1998); Kristin Hoganson, Fighting for American Manhood: How Gender Politics Provoked the Spanish-American and Philippine American Wars (New Haven, Conn.: Yale University Press, 2000); Paul Kramer, Blood of Government: Race, Empire, the United States, and the Philippines (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2006); Julian Go, American Empire and the Politics of Meaning: Elite Political Cultures in the Philippines and Puerto Rico during U.S. Colonialism (Durham, N.C.: Duke University Press, 2008); Eileen Findlay, Imposing Decency: The Politics of Sexuality and Race in Puerto Rico, 1870–1920 (Durham, N.C.: Duke University Press, 2000); and Christina Duffy Burnett and Burke Marshall, eds., Foreign in a Domestic Sense: Puerto Rico, American Expansion, and the Constitution (Durham, N.C.: Duke University Press, 2001). There is also a growing literature on Guam and the Pacific Islands. See Michael Lujan Bevacqua, “Chamorros, Ghosts, Non voting Delegates: GUAM! Where the Production of America’s Sovereignty Begins” (PhD diss., University of California, San Diego, 2010); Keith Camacho, Cultures of Commemoration: The Politics of War, Memory, and History in the Mariana Islands (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 2011); and The Insular Empire: America in the Marianas, dir. Vanessa Warheit (2010).
Ann Laura Stoler, “Tense and Tender Ties: The Politics of Comparison in North American History and (Post) Colonial Studies,” Journal of American History 88.3 (2001): 829–65; Stoler, ed., Haunted by Empire: Geographies of Intimacy in North American History (Durham, N.C.: Duke University Press, 2006); Stoler, “Intimidations of Empire: Predicaments of the Tactile and Unseen,” in Stoler, Haunted by Empire, 1, 4, 9–10; see also Benedict Anderson, Specters of Comparison: Nationalism, Southeast Asia, and the World (New York: Verso, 1998), 3, 21–22.
There is an extensive literature on “camps,” which has proliferated in response to Giorgio Agamben’s philosophical work and the political reality of detention camps after September 11. For a sampling, see Giorgio Agamben, Homo Sacer: Sovereign Power and the Bare Life (Palo Alto, Calif.: Stanford University Press, 1998); Agamben, State of Exception, trans. Kevin Attell (Chicago: University of Chicago Press, 2005); Peter Nyers, Rethinking Refugees: Beyond States of Emergency (New York: Routledge Taylor and Francis Group, 2006); and A. Naomi Paik, “Testifying to Rightlessness: Redressing the Camp Narra-tives of US Culture and Law” (PhD diss., Yale University, 2009).
Matthew Jacobson, Barbarian Virtues: The United States Encounters Foreign Peoples at Home and Abroad, 1876–1917 (New York: Hill and Wang, 2001); Jorge Duany, Puerto Ricans on the Move: Identities on the Island and in the United States (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2001); Catherine Cezerina Choy, Empire of Care: Nursing and Migration in Filipino American History (Durham, N.C.: Duke University Press, 2003); and Laura Briggs, “Making ‘American’ Families: Transnational Adoption and U.S. Latin American Policy,” in Stoler, Haunted by Empire, 344–65.
Susan Carruthers, Cold War Captives, Imprisonment, Escape, and Brainwashing (Berkeley: University of California Press, 2009), 21.
Tran Dinh Tru, Vietnam Thuong Tin Con Tau Dinh Menh, trans. Bac Hoai Tran (Houston: Liviko Printing, 1994), 299. Vietnam Thuong Tin Con Tau Dinh Menh can be found in the Library of Congress. The translation is in the author’s possession.
Larry Clinton Thompson, Refugee Workers in the Indochina Exodus, 1975– 1982 (Jefferson, N.C.: McFarland, 2010), 72–73; Chan, Vietnamese American 1.5 Generation, 64–65.
For works on “reeducation camps,” see James Freeman, Hearts of Sorrow: Vietnamese American Lives (Palo Alto, Calif.: Stanford University Press, 1991); Doan Van Toai and David Chanoff, The Vietnamese Gulag (New York: Simon and Schuster, 1986); Nghia M. Vo, The Bamboo Gulag: Political Imprisonment in Communist Vietnam (Jefferson, N.C.: McFarland, 2004); and Andrew Pham, The Eaves of Heaven: A Life in Three Wars (New York: Random House, 2008).
K. J. Carroll, Operation New Life, After Action Report, Guam, 1975. 15. U.S. Department of Health, Education, and Welfare, Vital Statistics of the United States, 1975, http:// www.cdc.gov/nchs/data/statab/mort75_2a_ta.pdf (accessed July 21, 2010).
Leanne McLaughlin, “Legislature Nixes Funds,” Pacific Daily News (PDN), April 24, 1975.
Robert F. Rogers, Destiny’s Landfall (Honolulu: University of Hawai‘i Press), 230.
In contrast, the United States permitted direct elections for governor of Puerto Rico beginning in 1948. Guam also gained a nonvoting delegate in Congress in 1972.
History of Pacific Command Support to Operation New Life, 1 April–1 November 1975, NARA RG 319, box 3; “Where They Are,” PDN, April 28, 1975. In addition, the United States established refugee camps at U.S. military bases in Thailand, the Philippines, the Marianas, and Wake Island.
Rogers, Destiny’s Island, 252; Benedict Anderson, Under Three Flags: Anarchism and the Anti-Colonial Imagination (London: Verso, 2005), 205, 224. 21. Comptroller General Report to the Congress, “US Provides Safe Haven for Indochinese Refugees,” June 16, 1975; and Interagency Task Force for Indochinese Refugees Report to the Congress, September 15, 1975, Military History Institute (MHI), Vietnamese Refugee Project Papers (VRPP), box 14.
Senator Kennedy Releases Report on President’s Program to Resettle Refugees from Cambodia and South Vietnam, June 9, 1975, p. 17, MHI, VRPP, box 14. 23. Susan Guffey, “Evacuee Flood Flows On,” PDN, April 25, 1975. 24. Gil Loescher and John A. Scanlan, Calculated Kindness: Refugees and America’s Half-Open Door, 1945 to the Present (New York: Free Press, 1986); Carl Bon Tempo, Americans at the Gate: The United States and Refugees during the Cold War (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 2008); and Stephen Porter, “Defining Public Responsibility in a Global Age: Refugees, NGOs, and the American States” (PhD diss., University of Chicago, 2009).
Message, May 5, 1975, Folder—Incoming Message Reference Files 3–4 May 1975, MHI, VRPP, box 7; Message November 7, 1975, File Guam 1975 (228-01), MHI, VRPP, box 6; and Sahara, “Opera-tion New Life/Arrivals.”
Carroll, Operation New Life, 32–35.
Ibid., iii.
Review of US policy on Repatriates, July 23, 1975, RG 220 Records of Temporary Committees, Commissions, and Boards, Inter-Agency Task Force on Indochina Refugees, 1975–1976. Hereafter cited as RG 220, box 4, folder 9/6 Repatriation.
Tran Dinh Tru, Vietnam Thuong Tin, 60–76.
Ibid., 76–91.
Carroll, Operation New Life, 17.
Ronn Ronck, “Some Are Waiting to Return,” PDN, May 14, 1975. 33. David Binder, “US Wary of Refugees on Guam Who Seek Repatriation,” New York Times, September 4, 1975.
Susan Guffey, “‘I Didn’t Plan to Come Here,’ S. Viet Who Stole Airplane,” PDN, May 2, 1975; Chips Quinn, “Refugees Eager to Leave,” PDN, July 7, 1975; Dave Hendrick, “Refugees Waiting to Return Number More Than 1000 Here,” PDN, June 2, 1975.
“Some Viets Want to Go Back Even under Threat of Death,” PDN, June 25, 1975.
Testimony of 13 Repatriates, July 28, 1975, NARA, RG 59 Central Foreign Policy Files, 1973–1976, 1975STATE177651 (all RG 59 records accessed electronically through NARA Access to Archival Databases [AAD], accessed July 16, 2010).
“‘Criminal Act’ Possible in Drugging,” PDN, August 16, 1975; Jack Anderson, “Guam Refugee Drugging,” PDN, August 27, 1975.
Washington Post Story on Repatriation, September 13, 1975, RG 59, 1975STATE21891; “Refugees on Guam Await UN Help,” Washington Post, September 11, 1975.
Testimony of 13 Repatriates.
Message, June 7, 1975, MHI, VRPP, box 4.
Message, June 25, 1975, MHI, VRPP, box 4; June 10, 1975, Interviews with Repatriates on Eglin Air Force base, RG 220, box 4, folder 9/6 Repatriation. 42. Tran Dinh Tru, Vietnam Thuong Tin, 305–9.
The subhead for this section is from Chips Quinn, “Repatriates Plan for Strike Today,” PDN, July 11, 1975.
Liisa Malkii, “Speechless Emissaries: Refugees, Humanitarianism, and Dehistoricization,” Cultural Anthropology 11.3 (1996): 377–404.
Ronn Ronck, “We Wants to ‘Go Home to Die,’” PDN, May 28, 1975. 46. Henry Kissinger, Review of US Policy on Repatriates, July 23, 1975, RG 220, box 4, folder 9/6 Repatriation.
Ibid.; Martha Alcott, “Viets Stage Demonstration,” Southwest Times Record, June 21, 1975.
“80 Refugees Want Repatriation ‘Now,’” PDN, June 22, 1975.
Chips Quinn, “‘Not Giving Up’ until They’re Home,” PDN, July 6, 1975. 50. “. . . At Ft. Chaffee, a Protest March against Repatriates’ Protest March,” PDN, June 23, 1975; “Viets Show Gratitude,” Southwest Times Record, June 23, 1975. 51. Pham Kim Vinh, The Politics of Selfishness, Vietnam: The Past Is Prologue (San Diego: Pham Kim Vinh, 1977), 128–33.
“80 Refugees Want Repatriation ‘Now.’”
Press Guidelines for Senior Civil Coordinators and Press Officers, July 4, 1975, RG 220, box 4, folder 9/6 Repatriation.
Hendrick, “Refugees Waiting to Return.”
Untitled Image, September 20, 1975, RG 319, box 19. Translation by Marguerite Nguyen.
Tran Dinh Tru, Vietnam Thuong Tin, 159–74.
“Repatriates Plan Strike for Today,” PDN, July 11, 1975.
“Refugee Hunger Strike Falls Short of Mark,” PDN, July 12, 1975.
“We Are on Hunger Strike,” PDN, July 12, 1975.
“80 Refugees Want Repatriation ‘Now’”; Quinn, “Repatriates Plan for Strike Today”; Susan Guffey, “Repatriate Shows Continue: Group Moved to Apra,” PDN, July 26, 1975.
See Edwin A. Martini, Invisible Enemies: The American War on Vietnam, 1975–2000 (Amherst: Uni-versity of Massachusetts Press, 2007); Michael J. Allen, Until the Last Man Comes Home (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2009).
Secretary of State to US Mission, Re: Vietnamese Repatriates, July 22, 1975, RG 59, 1975State171829; Secretary of State to US Embassy Bangkok, Repatriates, July 23, 1975, RG 59, 1975STATE170895.
Action Memorandum, September 4, 1975, RG 59, 1975STATE 208902. 64. “Give Repatriates a Ship: Bordallo,” PDN, July 20, 1975.
Chips Quinn, “Repatriates Walk Out, Get Less Than Mile,” PDN, July 25, 1975.
Guffey, “Repatriate Shows Continue.”
Carroll, Operation New Life, 17.
Photo, “Hunger Strike until Die,” PDN, September 6, 1975; “A Group Divided,” PDN, September 7, 1975.
Secretary of State to US Mission Geneva, July 19, 1975, RG 59, 1975STATE170890; and Secretary of State to US Mission, July 22, 1975, RG 59, 1975STATE171829.
“Viets Threaten to Burn Selves If Not Sent On,” PDN, September 14, 1975; and Secretary of State to CINCPACREP Guam, September 18, 1975, RG 59, 1975State 222847.
David Teibel, “Signs of Dissension Seen among Repatriates,” PDN, August 20, 1975.
Situation Summary, September 5, 1975, RG 319, box 1, folder—Situation Summaries, June 12—July 31, 1975.
“Intermediary Needed . . . ,” PDN, August 21, 1975. For an excellent work on the colonial history of “Devil’s Island” and its reincarnation into a French satellite station, see Peter Redfield, Space in the Tropics: From Convicts to Rockets in French Guiana (Berkeley: University of California Press, 2000).
US Secretary of State to US Mission Geneva, July 19, 1975, RG 59, 1975STATE170890.
Secretary of State to RUMTBK/AmEmbassy Bangkok, Re: Repatriates, July 23, 1975, RG 59, 1975STATE170895.
McLaughlin, “Ada Resolution Passes Senators,” PDN, September 6, 1975; Resolution No. 133, Relative to Respectfully requesting the President of the United States to Transfer the Vietnamese Repatriates from Guam to Wake Island, September 5, 1975, Thirteenth Guam Legislature, 1975–1976.
“Task Force Replies ‘No’ to Wake, Ship Ideas,” PDN, September 8, 1975. 78. Civil Disturbance Plan—Garden Plot, December 13, 1975, RG 319, box 2, folder Situation Sum-maries December 13–30, 1975; Briefing Outline for US of A, October 15, 1975, RG 319, box 16, folder Message Traffic for Repatriate Situation on Guam.
Civil Disturbance Plan—Garden Plot.
Julia Taft to Secretary Kissinger, Repatriates, September 28, 1975, RG 59, 1975STATE231099.
“Repatriates Will Get a Ship to Sail Home,” PDN, October 1, 1975. 82. David L. Teibel, “Viet Vessel Resounds with Work,” PDN, October 10, 1975. 83. Secretary of State to JCS, Repatriate Ship, October 17, 1975; Secretary of State to RUHNSAA/ CINCPACREP, Re: Plan for Public Affairs Handling of Vietnamese Repatriate on Guam, October 12, 1975. All documents in RG 319, box 16, folder Message Traffic for Repatriate Situation on Guam.
George R. Blake, “‘Sinister Scheme’ How PRG Views Ship Plan,” PDN, October 5, 1975; “Ship, Repatriates Can Enter Vietnam, Agency Reports,” PDN, October 27, 1975.
“Repatriation ‘Irresponsible,’ North Vietnam,” PDN, October 18, 1975. 86. Secretary of State to AmEmbassy Helsinki, RE: Action Memorandum: repatriation of Vietnamese Refugees, September 4, 1975, RG 59, 1975STATE208902. 87. Secretary of State to US Mission Geneva, Re: Vietnamese repatriates, October 6, 1975, RG 59, 1975STATE237422; Tran Dinh Tru, Vietnam Thuong Tin, 210. 88. Ed Kelleher, “Ship’s Port Undetermined,” PDN, October 15, 1975. 89. Secretary of State to CINCPAC, Re: Meeting with Repatriate Leadership Committee, October 9, 1975, RG 59, 1975STATE241102; Secretary of State to CG Fort Chaffee, et al., re: Guidance on Counseling Repatriates, October 2, 1975, RG 59, 1975STATE235686; Julia Taft to Admiral Carroll, Re: Guidance on Out Processing and Departure of Repatriate Ship, October 13, 1975, RG 319, box 16, folder Message Traffic for Repatriate Situation on Guam.
Secretary of State to CINCPACREP GUAM, RE: Final Out-Processing Procedures for Camp Asan Repatriates, Preliminary Scenario, October 10, 1975, RG 59, 1975STATE242815.
Ibid.
Secretary of State to CINCPCREP Guam, Re: Repatriates, October 21, 1975, RG 59, 1975STATE249847.
COMNAVMARIANAS Guam to RHMBR/CINCPACFLT Re: Return of VN Repatriates by Ship—Si-trep Seven, October 9, 1975, RG 319, box 16, folder Message Traffic for Repatriate Situation on Guam.
Tran Dinh Tru, Vietnam Thuong Tin, 292.
Jim Eggensperger, “Repatriate Ship Leaves to an Uncertain Future,” PDN, October 17, 1975.
December 13, 1975 Subj: Vietnamese repatriates in Nha Trang, RG 319, box 2, folder Situation Summaries December 13 – 30, 1975. Thompson, Refugee Workers in the Indochina Exodus, 66–73. See also Freeman, Hearts of Sorrow; Toai and Chanoff, Vietnamese Gulag; Vo, Bamboo Gulag; Pham, Eaves of Heaven.
Tran Dinh Tru, Vietnam Thuong Tin, 327–31.
I’d like to thank the participants in the 2010 NYU Symposium on the Politics and Poetics of Refugees for sharpening this insight.
Tran Dinh Tru, Vietnam Thuong Tin, 396.
Ibid., 402.
David Vine, Island of Shame: The Secret History of the U.S. Military Base on Diego Garcia (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 2009). 102. Kirk Johnson, “Urban Evacuees Find Themselves among Rural Mountains,” New York Times, September 7, 2005; Isabelle Wilkerson, “Scattered in a Storm’s Wake,” New York Times, October 9, 2005; “Haiti Earthquake: US Army Prepares Guantánamo Bay,” Daily Mail, January 21, 2010. See also Jana K. Lipman, Guantánamo: A Working-Class History between Empire and Revolution (Berkeley: University of California Press, 2009).
Eric Talmadge, “Kurds First Stop to U.S.: Guam,” Seattle Times, April 7, 1997, http://community. seattletimes.nwsource.com/archive/?date=19970407&slug=2532708 (accessed May 28, 2009).
In response to the current U.S. war in Iraq, the List Project has proposed a “Guam option,” whereby Iraqi allies who fear for their lives because of their association with Americans would be transferred to U.S. military bases in Guam as an interim location before being admitted into the United States. List Project, “What Is the Guam Option?” http://www.thelistproject.org/guam/ (accessed August 20, 2010) and http://thelistproject.org/withdrawal/ (accessed June 8, 2011).
Không có nhận xét nào