Andrew Moran
Nhật Thăng biên dịch
Thứ ba, 20/02/2024
Tăng trưởng toàn cầu giảm bao nhiêu thì có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ?
Hình minh họa này cho thấy Euro, HKD, USD, yên Nhật, bảng Anh, và tiền giấy 100 nhân dân tệ của Trung Quốc ngày 21/01/2016. (Ảnh: Jason Lee/Reuters)
Nhật Bản và Vương quốc Anh đã gia nhập danh sách ngày càng nhiều các nền kinh tế rơi vào suy thoái, và hiện các nhà kinh tế đang tranh luận rằng liệu Hoa Kỳ có thể sắp sớm trở thành nạn nhân tiếp theo của các lực lượng kinh tế hay không.
Tokyo đã ghi nhận sự sụt giảm trong GDP trong hai quý liên tiếp. Trong quý 3/2023, nền kinh tế Nhật Bản giảm 0.8% và sau đó giảm 0.1% trong quý 4. Diễn biến này cũng đánh bật Nhật Bản khỏi vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, và Đức hiện đang chiếm giữ vị trí đó.
Vương quốc Anh cũng đang chịu bủa vây trong một cuộc suy thoái kỹ thuật. Tổng sản phẩm quốc nội giảm 0.1% trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng Chín và giảm 0.3% trong ba tháng cuối năm 2023.
Một số quốc gia khác cũng đang chính thức trong một cuộc suy thoái là Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Ireland, và Luxembourg.
Hiện tại, nhiều nhà kinh tế và nhà quan sát thị trường không tin rằng những khó khăn ở châu Á hay châu Âu sẽ ảnh hưởng đến Hoa Kỳ.
Trong khi xuất cảng của Hoa Kỳ sang cả hai châu lục này đã tăng lên trong những năm gần đây, nhu cầu của ngoại quốc giảm có thể không đủ để đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ xuất cảng từ 70 tỷ đến 80 tỷ USD hàng hóa sang Nhật Bản mỗi năm. Trong hai năm qua, Hoa Kỳ đã tăng cường vận chuyển hàng hóa sang Vương quốc Anh, lần đầu tiên đạt trên 70 tỷ USD.
Ngay cả khi đồng bạc xanh mạnh hơn thì điều đó vẫn chưa gây ảnh hưởng đến chút nào đến hoạt động ngoại thương. Chỉ số USD (DXY), thước đo đồng USD so với rổ tiền tệ, đã tăng khoảng 3% kể từ đầu năm cho đến nay và vẫn ở mức cao nhất trong vòng khoảng 20 năm. Trong khi đồng USD mạnh hơn khiến việc nhập cảng trở nên rẻ hơn, thì điều này lại cản trở triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt khi các quốc gia Á Châu tiến hành phá giá tiền tệ.
Liệu Hoa Kỳ có tránh được một cuộc suy thoái hay không, hay liệu những suy đoán về một vụ sụp đổ vì suy thoái có bị phóng đại quá mức?
Tranh luận về suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã tránh được tình trạng suy thoái mặc dù hơn một năm vừa qua các nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường vẫn luôn dự báo sẽ có suy thoái.
Trong quý 3 và quý 4 năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ lần lượt là 4.9% và 3.3%. Hướng về quý đầu tiên của năm nay, các ước tính cho thấy một mức tăng trưởng tương đương.
Nhưng giờ đây khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chìm trong suy thoái, thì liệu Hoa Kỳ có phải là quốc gia tiếp theo?
Rủi ro suy thoái đã trở nên phổ biến kể từ khi Hệ thống Dự trữ Liên bang khởi xướng chiến dịch thắt chặt định lượng vào tháng 03/2022, một chính sách kết hợp giữa tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Fed và các nhà kinh tế đã giảm kỳ vọng về suy thoái kinh tế và ủng hộ khả năng hạ cánh mềm.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang hồi tháng Mười Hai: “Có rất ít cơ sở để cho rằng nền kinh tế hiện đang suy thoái. Tôi nghĩ luôn có khả năng suy thoái xảy ra trong năm tới.”
Cuộc khảo sát của Wall Street Journal đối với các nhà kinh tế trong giới kinh doanh và học thuật đã hạ thấp xác suất xảy ra suy thoái trong năm tới từ 48% xuống 39%, viết rằng “đó sẽ không phải là một cuộc suy thoái, mà người ta sẽ chỉ cảm giác giống như một cuộc suy thoái thôi.”
Ông Carsten Brezski, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ING, đã gọi nền kinh tế Hoa Kỳ là “một phép lạ kinh tế nhỏ — hay một ẩn đố khó giải” khiến các nhà kinh tế không ngừng ngạc nhiên.
Ông viết trong một ghi chú: “Chúng tôi đang buông bỏ trường hợp xảy ra suy thoái và tin rằng người tiêu dùng Hoa Kỳ thà sử dụng tiền tiết kiệm của mình hơn là giảm chi tiêu.”
“Đôi khi chính những điều nhỏ nhặt lại mang đến hy vọng và niềm vui. Vẫn còn quá nhiều rủi ro ngoài kia, cả về kinh tế lẫn địa chính trị, khiến chúng ta không thể trở nên quá lơi lỏng, nhưng sau nhiều tháng điều chỉnh đi xuống, chúng ta hãy trân trọng khoảnh khắc này: một chút lạc quan thận trọng đã quay trở lại.”
Theo ông Ben Kirby, đồng giám đốc đầu tư và đồng quản lý danh mục đầu tư tại Thornburg, mặc dù vẫn có khả năng Hoa Kỳ rơi vào suy thoái trong năm nay, nhưng “trường hợp hạ cánh mềm của Fed dường như đang ngày càng trở thành kết quả có khả năng xảy ra.”
“Fed xứng đáng nhận được giải thưởng Nobel cho công việc của họ,” ông Kirby cho biết trong một ghi chú gần đây. “Chủ tịch Powell đã quản lý các hành động lãi suất và cố gắng giảm lạm phát xuống gần mức mục tiêu của họ. Những người phản đối Fed đã hết lần này đến lần khác mắc sai lầm, đặc biệt là những người tin rằng Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái vào năm ngoái.”
Với hiệu ứng trễ của chính sách tiền tệ và những số liệu yếu kém gần đây, một nhóm chuyên gia lập luận rằng Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với một năm tăng trưởng chậm.
Conference Board đã từ bỏ lời kêu gọi suy thoái lâu nay của mình và hiện đang dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại xuống dưới 1% trong quý 2 và quý 3.
Các nhà kinh tế của Conference Board viết: “Sau đó, lạm phát và lãi suất sẽ bình thường hóa, và tăng trưởng GDP hàng quý sẽ đạt mức tiềm năng gần 2% vào năm 2025.”
Ông Daniel Bachman, giám đốc cao cấp của Deloitte Services, cho biết kịch bản cơ bản là tăng trưởng giảm xuống khoảng 1.5% trong năm nay và lạm phát giảm xuống dưới 3% vào năm 2025.
Ông viết: “Việc ‘hạ cánh mềm’ được mong muốn từ lâu này đi kèm với một thị trường lao động ổn định, mặc dù tốc độ tăng trưởng việc làm đang chậm lại.”
Tòa Bạch Ốc không tin rằng Hoa Kỳ là quân domino tiếp theo sụp đổ trong nền kinh tế toàn cầu.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard nói trong cuộc họp báo hàng ngày tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 27/06/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Nói chuyện với các phóng viên tại một hội nghị chính sách kinh tế hôm 16/02, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard đã khẳng định rằng lạm phát chậm lại và chi tiêu tiêu dùng bền bỉ có thể dẫn đến một bầu không khí “khá lành tính.”
“Có bằng chứng ngày càng rõ ràng rằng chúng ta đã đạt được sự phục hồi mạnh mẽ trên diện rộng, trong khi lạm phát đã giảm nhanh chóng về mức mục tiêu 2%,” bà Brainard cho biết trong bài nói đã được chuẩn bị trước, đồng thời cho biết thêm rằng những cải thiện gần đây về lực lượng lao động và đầu tư của doanh nghiệp đã tạo thuận lợi cho tăng trưởng trong dài hạn.
Bà nói: “Theo lời của tổng thống, đây là kiểu tăng trưởng từ dưới lên, từ trong ra giúp mang lại cho các gia đình lao động nhiều không gian nhẹ nhõm và nhiều cơ hội hơn.”
Những số liệu gần đây nói lên điều gì
Cuộc chiến chống lạm phát của Hệ thống Dự trữ Liên bang đã tiến triển, mặc dù các chỉ số gần đây nhấn mạnh mối lo ngại rằng lạm phát còn dai dẳng và cứng nhắc.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm xuống 3.1% trong tháng 01/2024, nhưng cao hơn mức kỳ vọng 2.9% của các nhà kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, loại trừ lĩnh vực năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã không thay đổi ở mức cao hơn dự kiến là 3.9%. Ngoài ra, giá sản xuất đã tăng trong tháng trước, tăng 0.3%, cao hơn mức ước tính đồng thuận là 0.1%. Chỉ số giá sản xuất cốt lõi (PPI) đã tăng 0.5%.
Bên cạnh áp lực giá tăng cao, các nhà kinh tế cảnh báo rằng một loạt điểm yếu có thể đang hình thành.
Tháng trước (01/2024), doanh số bán lẻ đã giảm 0.8%, tệ hơn mức dự báo 0.1% của thị trường. Sự chậm lại trong thương mại bán lẻ được thể hiện trên mọi lĩnh vực, bao gồm vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn, trạm xăng, cửa hàng điện tử và thiết bị, cũng như quần áo. Đây là kết quả tệ nhất kể từ tháng Ba, do cảm giác trầm buồn sau kỳ nghỉ lễ và nhiệt độ lạnh giá.
Nợ thẻ tín dụng đạt mức cao kỷ lục mới trong quý 4/2023. Dữ liệu mới từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy chi phí vay tiêu dùng đã tăng 24 điểm cơ bản trong quý trước lên 9.38%, mức cao nhất kể từ ba tháng cuối năm 2000. Các khoản nợ quá hạn đã tăng vọt.
Các chuyên gia lưu ý, với mức tiêu dùng chiếm ⅔ nền kinh tế quốc gia, chi tiêu gia đình sụt giảm có thể là yếu tố hàng đầu khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm tới.
Hơn nữa, các ngành sản xuất và sản xuất công nghiệp đã giảm lần lượt 0.1% và 0.5%.
Hướng về tương lai, những dự báo ban đầu cho thấy Hoa Kỳ sẽ có thêm một quý tăng trưởng mạnh mẽ nữa.
Theo mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, tăng trưởng dự kiến sẽ vào khoảng 3% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba. Mô hình Nowcast của nhân viên Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đề ra mức chỉ số 3.3%.
Không có nhận xét nào