Nguyễn-Xuân Nghĩa (Giờ Giải Ảo):
18/02/2024
"(Ngay sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tháng 11, 2018, trào lưu đòi truất phế Donald Trump lại được hâm nóng! Vì vậy, tôi đã phải soạn bài giải ảo này cho truyền hình, bây giờ nếu yết lại cũng không thừa, nhất là khi dân Mỹ đang kỷ niệm ‘Ngày Tổng thống’, vào ngày Thứ Hai thứ ba của Tháng Hai hàng năm! Cũng do cái ‘thứ tự’ đó, khi viết về ngày trong tuần hay tháng trong năm thì ta nên dùng chữ hoa cho khỏi lầm!)".
[Hý họa năm xưa: Tổng trưởng Chiến tranh là Edwin Stanton dùng Quốc Hội làm đại bác để.. truất phế Tổng thống Andrew Johnson năm 1868.]
NxN Giới thiệu: Ông Donald Trump vừa đắc cử Tổng thống năm 2016 thì một Giáo sư Harvard chuyên về Luật Hiến Pháp là Laurence Tribe đã phát biểu rằng phải truất phế Tổng thống ngay từ ngày nhậm chức! Dân biểu Maxine Waters bên đảng Dân Chủ cũng đòi truất phế ông Trump và Tháng Chín năm ngoái 2017 tuyên bố “Truất phế là những gì Quốc Hội nói ra. Chẳng có luật gì khác”. Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, với đảng Dân Chủ chiếm lại đa số tại Hạ viện, thì liệu Tổng thống Hoa Kỳ có bị đối lập truất phế không?...
Thái: Kính chào quý khán thính giả của Người Việt TV Online trong chương trình Giờ Giải Ảo với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa....
Thái 1: Ông Nghĩa thường tránh bình luận về thời sự của Hoa Kỳ và muốn giải ảo chúng ta về những chuyện bất ngờ khác. Nhưng chuyện bất ngờ kỳ này vẫn liên quan đến nền dân chủ Hoa Kỳ, “về việc làm sao thuất phế một Tổng thống?” Nhắc đến Laurence Tribe và Maxine Waters, ông nghĩ sao về câu hỏi đó?
NXN 1: - Khởi đầu là ngôn từ - hay định nghĩa - về chữ “impeachment”. Nó gồm hai phần, thứ nhất là đàn hặc hay buộc tội, thứ hai mới là cách chức hay truất phế. Chữ “đàn hặc” có thể là mới lạ cho nhiều người nhưng đã có từ lâu, đó là hạch tội. Rồi khi xác định tội danh rồi thì mới có quyết định trừng phạt là truất phế. Nhưng, những ai có quyền hạch tội và những ai quyết định truất phế? Ta nên trở về nền tảng luật pháp trong một xứ dân chủ pháp trị là Hoa Kỳ.
- Thứ nhất, động lực truất phế có thể là chính trị như ông Thái vừa nhắc. Thí dụ khác từ sử gia nổi tiếng Hoa Kỳ là Allan Lichtman của American University, rằng ông Trump có thể bị truất phế vì tội “khai chiến với phụ nữ” và vì thay đổi chính sách chống nạn nhiệt hóa địa cầu - là những việc học giả này coi như “tội ác chống nhân loại”. Căn cứ trên cái gì mà ông viết sách “The Case of Impeachment” như vậy, nếu không là động lực chính trị khá hàm hồ và thiếu cơ sở pháp lý?
Thái 2: Nói về động lực chính trị thì trong lịch sử Hoa Kỳ có trường hợp truất phế nào như vậy chưa, thí dụ như Tổng thống Richard Nixon hay Bill Clinton...
NXN 2: Thật ra, có ba trường hợp... rưỡi! Xin được kể vắn tắt:
1/ Andrew Johnson (1808-1875), Phó TT của Abraham Lincoln, lên thay sau khi Lincoln bị ám sát và làm TT 1865-1869. Sau cuộc Nội chiến 1861-65, ông gây mâu thuẫn với đảng Cộng Hòa của mình vì chủ trương hòa giải và hội nhập phe Nam quân thất trận cho nên bị Dân biểu Cộng Hòa tại Hạ viện lập thủ tục đàn hặc năm 1868. Nhưng lên tới Thượng viện, ông lại thoát vì thiếu một phiếu thì mới đủ 2/3 Nghị sĩ.
2/ Richard Nixon bị Hạ viện đàn hặc vì tội bao che cho thuộc cấp và thủ tiêu tang vật trong vụ Watergate. Khi các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa cho ông biết là chỉ còn 15 Nghị sĩ ủng hộ ông thôi, không đủ số tối thiểu là 1/3, 34 Nghị sĩ. Nixon bèn từ chức vào ngày 09 Tháng Tám năm 1974.
3/ Năm 1998, Bill Clinton bị Hạ viện Cộng Hòa đàn hặc vì tội khai gian trong vụ Monica Lewinsky, nhưng qua Thượng Viện thì ông thoát vì chỉ có 50/50 theo đúng lằn ranh giữa hai đảng. Hồi ấy tôi đã thấy Hạ viện Cộng Hòa là quá đáng vì một vụ liếm mép khi ăn vụng rồi xoay thành tội khai gian khi hữu thệ!
Thái 3: Ông nói là có ba trường hợp rưỡi, thế cái “rưỡi” đó là cái gì?
NXN 3: - Alexander Hamilton (1755-1804) là danh nhân thuộc vào bậc quốc phụ của Hoa Kỳ. Khi làm Tổng trưởng Ngân khố (1789-1895) và đã có vợ, ông gian díu với một phụ nữ có chồng vào năm 1791 và bị hai vợ chồng này lập mưu tống tiền. Hamilton công nhận sự vụng trộm đó nhưng ông lấy tiền túi của mình cho việc này chứ không hề sử dụng công quỹ. Vì vậy, ông ta không bị đàn hặc!
Thái 4: Khi mở đầu, ông nói rằng động lực truất phế có thể là chính trị, nhưng qua các trường hợp ông vừa trình bày thì ta thấy Hạ viện là cơ chế biểu quyết việc hài tội, mà Thượng viện mới quyết định về việc truất phế với đa số là hai phần ba của 100 Nghị sĩ. Câu chuyện ấy là như thế nào?
NXN 4: - Chúng ta bắt đầu đi vào phần rắc rối đây. Động lực có thể là chính trị, nhưng thủ tục tiến hành và tiêu chuẩn luận tội lại thuộc về pháp lý, trên nguyên tắc là phi chính trị, và trên cơ sở của Hiến pháp. Thành thử, ta có chính trị, rồi thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn định tội và căn bản Hiến pháp. Hiến pháp Mỹ quy định là nếu 2/3 Nghị sĩ đồng ý là có tội thì mới bị truất phế. Nhưng tội gì?
Thái 5: Câu chuyện ngày càng ly kỳ nên ông Nghĩa mới cần giải ảo về việc làm sao truất phế Tổng thống Hoa Kỳ. Thế Hiến pháp Mỹ quy định những gì là có tội?
NXN 5: - Hiến pháp quy định rằng Tổng thống, Phó Tổng thống và mọi viên chức dân sự của Hoa Kỳ phải bị cách chức qua thủ tục truất phế nếu phạm tội 1/ Mưu phản; 2/ Hối lộ; hay 3/ các tội đại hình lẫn tội vi phạm nhẹ. Ta nên chú ý tới tiêu chuẩn là “crimes”, từ trọng tội là mưu phản, hối lộ tới các tội đại hình là high crimes đến khinh tội là misdemeanors... Hiến pháp đòi phải có một phiên xử tại Thượng viện và phải có phán quyết kết án một trong các tội danh ở trên. Xét như vậy thì việc truất phế một Tổng thống không là chuyện dễ, thí dụ như Thượng viện có thể nào tìm ra ba bốn loại tội kể trên của ông Trump không? Nếu không phân minh rõ rệt về thủ tục thì việc truất phế là VI HIẾN.
- Vì vậy, Quốc hội gồm có Hạ viện và Thượng viện phải cân nhắc tiêu chuẩn này và lượng định hậu quả chính trị của quyết định truất phế trước khi tiến hành. Đây là ta chưa nói đến thực tế chính trị hiện nay là đảng Cộng Hòa lại vừa chiếm đa số dày hơn tại Thượng viện. Nhưng câu chuyện không chỉ có vậy mà phức tạp rắc rối hơn nữa vì ngoài quyền Lập pháp là Quốc hội, ta còn có Tư pháp với Tối cao Pháp viện là cơ chế cao nhất.
Thái 6: Chúng ta bắt đầu đi vào cái rừng luật lệ của nền dân chủ Hoa Kỳ. Ông nói rằng nó phức tạp rắc rối ra sao?
NXN 6: - Nói cho đơn giản theo đúng luật thì Hiến pháp KHÔNG cho Quốc hội quyền truất phế một tổng thống đương nhiệm nếu ông ta hay bà ta không phạm các tội trên, mà cũng KHÔNG BẮT Quốc hội làm việc đó nếu tổng thống có tội.
- Những ai cho là thủ tục này thuộc thẩm quyền của Lập pháp hơn là của Tư pháp thì quên mất nguyên tắc “tam quyền phân lập” và quên rằng Hành pháp cũng có quyền biện hộ theo đúng thủ tục xét xử chứ không thể nào mà Lập pháp hay Quốc hội lấy quyết định vì động lực chính trị theo từng cuộc bầu cử. Và quan trọng nhất, cả ba quyền đó đều bị Hiến pháp chi phối, mà cách diễn giải Hiến pháp ở bậc trên cùng là thuộc về Tối cao Pháp viện.
Thái 7: Nếu vậy thì ta phải khởi đi từ bản Hiến pháp với khá nhiều Tu chính án. Ông có cách nào giải trình một cách đơn giản cho mọi người cùng hiểu không?
NXN 7: - Hiến pháp Hoa Kỳ có ít ra 15 điều khoản và 26 Tu chính án liên quan đến việc truất phế một tổng thống hay mọi viên chức dân cử liên bang. Thí dụ, Điều Hai khoản 4 quy định tiêu chuẩn cách chức TT, Phó TT và mọi viên chức dân sự của Hoa Kỳ. Nhưng trong ngần ấy tội thì chỉ có tội mưu phản là được Hiến pháp nói kỹ qua hành vi 1/ phát động chiến tranh chống lại Hoa Kỳ, 2/ hoặc qua việc hợp tác, giúp đỡ và khích lệ kẻ thù. Đến phần thủ tục thì có các tiêu chuẩn cụ thể hơn: 1/ có hai người làm chứng và điều trần hữu thệ về việc đó, 2/ đương sự hay nghi can tự thú nhận trước một tòa án công khai.
- Hãy tưởng tượng xem các thủ tục đó rắc rối thế nào. Chưa kể đến vai trò của Chủ tịch Tối cao Pháp viện, theo Điều Hai Khoản 3 thì đấy là người phải chủ tọa phiên tòa xét xử Tổng thống, và chỉ riêng tổng thống thôi. Khi ấy, ta kết luận thế nào? Hạ viện là Công tố viên, Thượng viện là Đại bồi thẩm đoàn và Chủ tịch Tối cao Pháp viện là Chánh án, còn nghi can là Tổng thống đương nhiệm phải có quyền bào chữa với dàn luật sư và các chính trị gia thuộc cùng phe của mình. Khi ấy, nước Mỹ lâm vào khủng hoảng!
Thái 8: Thế còn tội hối lộ thì sao? Liệu doanh gia Donald Trump có tung tiền hối lộ ai đó, thí dụ như Tổng thống Vladimir Putin, để thắng cử. Khi làm tổng thống rồi thì nhận hối lộ của ai đó để ban phát lợi ích cho ai khác?
NXN 8: - Thí dụ cụ thể mà rất hay, như hối lộ cho tài phiệt của Putin để dùng mật vụ Nga đánh bại bà Hillary Clinton hoặc sau khi đắc cử thì nhận hối lộ của Putin để xóa tội xâm lăng Ukraine! Đấy là truyện trinh thám chính trị khôi hài mà gần hai năm điều tra, Công tố viên Robert Mueller chưa nghĩ ra....
- Về tội hối lộ, Hiến pháp Mỹ không nói rõ như tội phản quốc, nhưng Điều Một Khoản 9 nói rằng nếu không được Quốc hội đồng ý thì không viên chức liên bang nào được nhận thù lao, là tiền, hay nhận chức phận, danh tước của các Vua, Chúa hay quốc gia nước ngoài. Điều Hai Khoản 1 cấm Tổng thống nhận thù lao từ ngoài nước Mỹ. Đánh tỷ phú Donald Trump hay kết tội Tổng thống là ăn hối lộ để truất phế ông ta là điều hơi khó... ngửi!
Thái 9: Còn những tội kia thì sao, có cách nào suy diễn Hiến pháp để truy tố và truất phế Tổng thống được không?
NXN 9: - Hiến pháp Hoa Kỳ không có định nghĩa gì về các tội đó, từ đại hình tới khinh tội, nhưng Đạo luật về Nhân quyền hay Bill of Rights gồm 10 Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp thì có quy định rõ rệt về thủ tục truy tố là phải theo lệnh của Tòa án, tức là trao quyền cho Tư pháp, chứ không cho Quốc hội và các chính trị gia.
- Nói vắn tắt lại thì Hạ viện tiến hành việc buộc tội, có thể là với đa số tương đối, Thượng viện là Tòa án, các Nghị sĩ là Đại bồi thẩm đoàn, ngồi nghe việc xét xử dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Tối cao Pháp viện và bồi thẩm đoàn biểu quyết theo đa số 2/3. Sau cùng, Điều Một Khoản 2 của Hiến pháp còn ghi rằng việc xét xử đó không được đi quá quyết định là cách chức và cấm nhận một chức vụ liên bang nào khác, chứ không nói gì đến hình phạt như tù tội, bồi thường tiền bạc. v.v...
Thái 10: Nếu như vậy thì việc đàn hặc và truất phế một tổng thống không là chuyện đùa và dễ làm. Ông kết luận thế nào?
NXN 10: - Nền dân chủ không là chế độ toàn hảo, Hiến pháp Hoa Kỳ cũng vậy. Nếu muốn thực sự truất phế một Tổng thống thì phải tu chỉnh lại Hiến pháp! Nếu cứ nói cho sướng thì vẫn chỉ là chuyện chính trị, cho tới mùa bầu cử sau!
__
(Ngay sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tháng 11, 2018, trào lưu đòi truất phế Donald Trump lại được hâm nóng! Vì vậy, tôi đã phải soạn bài giải ảo này cho truyền hình, bây giờ nếu yết lại cũng không thừa, nhất là khi dân Mỹ đang kỷ niệm ‘Ngày Tổng thống’, vào ngày Thứ Hai thứ ba của Tháng Hai hàng năm! Cũng do cái ‘thứ tự’ đó, khi viết về ngày trong tuần hay tháng trong năm thì ta nên dùng chữ hoa cho khỏi lầm!)
https://www.facebook.com/1773354689/posts/pfbid0TkkJPVhDA2mfoJVuRPm6vMSevjMP7ViCgF1PvoCCdjqN67579KuroSswYYJf5r7Ml/
Không có nhận xét nào