Hoang Cofi
Cali, Xuân 2024
Ngày xưa ở miền Bắc, trong khi các bà, các cô tíu tit chuẩn bị cho ngày Tết, thì các ông lại nhẩn nha với những thú vui của mình. Một trong những thú chơi tao nhã đó là “gọt thủy tiên”.
Ông nội tôi, một người học hết bằng Sơ học và cũng đã từng lăn lộn khắp nơi ngoài miền Bắc để kiếm sống và thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Trên bước đường phiêu lưu đó, ông đã có mặt ở miền Nam vào những năm 1930 và cũng từng đi thăm thú hết các tỉnh miền Tây Nam phần. Cuối cùng ông dừng chân ở khu Tân Định, quận Nhứt, Sài Gòn.
Tuy vậy, từ khi tôi khoảng 6-7 tuổi, cái tuổi biết quan sát chút đỉnh thì tôi thấy mỗi lần Tết đến, ông đứng ở cửa, thẫn thờ nhìn về phương Bắc xa xăm, mắt ngấn lệ ươn ướt vì ông không nghĩ rằng là sẽ không có ngày về để gặp lại hai vợ và các con.
Tôi xà vào lòng ông và thỏ thẻ: “ông ơi, Tết miền Bắc có khác miền Nam không ông?” Ông vuốt tóc tôi và trả lời: “Ông nhớ mùa Đông, nhớ hoa đào thắm, nhớ nồi cá giếc kho tương, nhớ nồi cá trắm hầm rục sau khi nấu bánh chưng xong, nhớ những ly rượu tăm tự tay cất lấy, nhớ nhiều thứ lắm cháu ơi, cả những người thân nữa, trong đó còn các chú và cô cùng gia đình con cái của họ kẹt lại miền Bác sau 1954.
Dông dài như vậy là đủ, tôi xin kể về sự cầu kỳ, tỉ mỉ khi ông tôi tỉa tót các củ hoa thủy tiên để chưng vào ngày Tết, để nhớ lại cái hương vị Hà thành với những thú chơi thanh lịch ngày xưa. Trông ông tôi tỉ mẫn chọn lựa các củ hoa rồi ngồi hàng giờ để tia các củ hoa theo như ý muốn, rồi chăm sóc củ hoa sau khi gọt tỉa hàng tuần thì mới thấy các cụ gọi là thú chơi cũng xứng đáng thôi.
Củ thủy tiên, tiếng Anh là Narcisuss là một loại hoa họ Hành, có các lá xanh và hoa mọc thẳng đứng. Chính là vì hoa mọc đứng và lá cũng thẳng đơ nên các cụ nghĩ ra cách uốn nắn thế lá mọc và hướng hoa nở theo ý thích.
Để hoa thủy tiên gọt tỉa được nở đúng vào đêm 30 Tết là cả một nghệ thuật cùng kinh nghiệm lâu dài. Thủy tiên còn có đặc điểm là hương thơm của nó thoang thoảng mà mát dịu, không loài hoa nào có được. Các cụ ngày xưa tin nếu hoa thủy tiên nở đúng chiều 30 Tết trước lễ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn bữa cơm tất niên thì được cho là mọi sự tốt lành, trường thọ, tài lộc sung túc và may mắn sẽ đến với gia đình người đó trong năm mới.
Thời khắc để gọt củ thủy tiên tùy thuộc vào thời tiết rất nhiều. Ở trong Nam nắng ấm nên gọt củ vào khoảng 15 tháng Chạp.
Một bình hoa đẹp thì phải chọn được những củ già, đẹp, có nhiều mầm nhỏ mọc chung quanh. Củ phải chắc không xọp, vỏ củ phải có màu cánh gián xẫm.
Củ hoa được rửa sạch và ngâm nước trong khoảng hai ngày để cho củ thật mọng nước, căng lên cho dễ tỉa tót. Gọt củ thật ra là ngồi tỉ mà, tỉ mẩn dùng dao sắc lột hết từng lớp vỏ cho đến khi trông thấy lá và hoa bên trong. Sau đó phải cẩn thận khía các đường rạch sắc vào các mầm hoa, lá để sau này khi nở thì hoa và lá sẽ nở theo hình dáng được tạo sẵn.
Giai đoạn này rất cần sự kiên nhẫn và sự khéo léo của các đường khía. Sau khi khoét rãnh giữa các mầm thằng hàng, ông tôi tỉ mỉ cắt và lột phần bao bọc những mầm hoa cho lộ ra. Bàn tay khéo léo thuần thục của ông đưa mũi dao vào lựa theo kẽ lá để xẻ một đường từ trên xuống dưới; kế đến là lùa mũi dao vào bao bọc mầm cây xẻ ra và bóc từ từ. Lúc này là lúc tôi thấy ông tôi chăm chú vào từng đường dao khía như người bác sĩ cẩn thận từng chút một cho bệnh nhân vậy. Chỉ cần hơi mạnh tay một chút là mũi dao sẽ phạm vào mầm hoa làm hỏng hoa hoặc xén vào lá mầm sẽ làm lá quăn không theo ý muốn.
Kế nũa là công việc tỉa lá vì nếu để tự nhiên thì lá thủy tiên sẽ mọc nhiều và thẳng, che mất hoa, làm cho bình hoa khi nở sẽ thiếu đi vẻ mềm mại. Lá được tỉa khi nở sẽ tạo cho lá có độ cong và uốn lượn bên dưới hoa, muốn lá uốn theo chiều nào chỉ cần khía nhẹ trên lá cạnh đó.
Tiếp đến, tôi thấy ông ngồi cạo và uốn cuống hoa giống như ta lấy cây bút chì mà uốn tờ giấy cho cong lại vậy, độ nghiêng và cong là tùy theo con mắt thẩm mỹ của người tạo tác.
Xong hết các việc trên thì phải dưỡng hoa cho củ hoa lành lại và nở hoa sau này. Ngâm củ hoa vào trong nước sạch, nước mưa là tốt nhất. Hai ngày đầu, củ hoa được đặt nằm sấp, phải thay nước sau từ bốn đến sáu tiếng, lau chùi sạch các vết cắt rồi lại ngâm vào nước. Sau hai ngày ngâm như vậy thì củ hoa đã sạch hết nhựa, phải lấy củ hoa ra đem bỏ vào trong bồn hay lọ thủy tinh, đặt củ nằm ngửa, lấy vải thưa thấm nước phủ lên phần bị cắt gọt cho khỏi bị khô; nếu không cẩn thận củ sẽ bị thâm đen.
Chờ khoảng sau bốn hoặc năm ngày ngâm nước, lá sẽ bắt đầu trổ. Trong những ngày này, ông tôi thay nước thường xuyên và vẫn chăm bẵm củ cẩn thận, xem củ có sáng trắng không, có bị thâm không, xem rễ ra có được trắng không, các yếu tố này rất quan trọng trong việc có một bình hoa đẹp như ý.
Chưa hết, trong thời gian chờ hoa nở và muốn để cho hoa nở đúng ngày thì phải có thêm các thủ thuật lúc nào ngâm nước nóng, lúc nào ngâm nước lạnh, ban ngày đem phơi nắng, đêm mang vô dùng đèn chiếu, v.v...
Từ giờ trở đi, chỉ cần chờ ngày củ thủy tiên trổ lá, đơm bông.
Nãy giờ tôi kể cho các bạn nghe thú chơi của các cụ ngày xưa, thật là cầu kỳ và cũng thật thanh tao. Nhưng thế hệ chúng ta sẽ không có đủ thời gian cũng như là rành rẽ về cách cắt gọt tỉ mỉ cầu kỳ như vậy đành để những thú chơi như vậy mai một mà thôi.
Phiếm bàn về thú chơi của các cụ ngày xưa, nếu có vị nào từng đam mê và chơi với hoa thủy tiên xin được chỉ dạy thêm vì tôi chỉ viết theo ký ức.
Kính chúc Quý vị một mùa Xuân mới gia đạo an khang, thịnh vượng, con cháu đề huề, phát tài, phát lộc.
Cali, Xuân 2024
Hình phụ dẫn lấy trên Internet xin miễn thứ bản quyền
https://www.facebook.com/chinh.nghia0809
https://www.facebook.com/groups/1079159082268892/user/100000716971166
Không có nhận xét nào