Quê Hương tổng hợp
Thêm tỉnh được cấp gạo cứu đói nhân dịp Tết và giáp hạt
02/02/2024
Một nông dân đang cấy lúa trên cánh đồng ở Hà Nội hôm 6/3/2023
AFP
Hà Giang, Bắc Kạn và Kon Tum là ba tỉnh mới được Chính phủ Hà Nội cấp gạo cứu đói cho người dân trong tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 1 tháng 2 dẫn Quyết định do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký cấp gần 432 tấn gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia cho ba tỉnh vừa nêu. Trong số này, Hà Giang được gần 254 tấn, Bắc Kạn gần 32 tấn và Kon Tum gần 77 tấn để cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán; riêng Kon Tum còn được cấp thêm gần 70 tấn để cứu đói cho dân nhân dịp giáp hạt.
Trước đó, hôm 4/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký Quyết định cấp cho tỉnh Sóc Trăng 3.545 tấn gạo để cứu đói cho người dân tại tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long này dịp Tết Giáp Thìn.
Như tin đã loan, tính đến ngày 18/1, có 17 địa phương để nghị Chính phủ trung ương hỗ trợ gần 15.500 tấn gạo; trong số này gần 13.000 tấn hỗ trợ cho 17 tỉnh nhân dịp Tết âm lịch Giáp Thìn; và hơn 2.600 tấn cho năm tỉnh vào mùa giáp hạt 2024.
Trước đó, vào ngày 16/1, Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐTB-XH) thông báo có mười lăm tỉnh trên cả nước đã làm văn bản yêu cầu chính phủ Trung ương cấp gạo cứu đói cho người dân trong tỉnh vào dịp Tết âm lịch sắp đến và mùa giáp hạt.
Danh sách cụ thể các tỉnh gồm Sóc Trăng, Cà Mau, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Quảng Bình, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Phước. Hai tỉnh mới nhất đề nghị gạo cứu đói, chưa được truyền thông Nhà nước nêu rõ.
Vào dịp Tết âm lịch năm ngoái (Quý Mão), Chính phủ Hà Nội hỗ trợ gạo cứu đói cho tám tỉnh gồm Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum. Bốn tỉnh được Bộ LĐ-TB-XH đề nghị hỗ trợ gạo dịp giáp hạt gồm Lạng Sơn, Lai Châu, Đắk Nông và Kon Tum.
Liên minh tham nhũng: Bí thư – Chủ tịch
Lê Thiếu Nhơn
02/02/2024
Những ngày cận tết Giáp Thìn, dư luận xôn xao về hai vụ bắt giữ liên tiếp. Thứ nhất, liên quan đến sai phạm dự án Đại Ninh, hai quan chức đương nhiệm của tỉnh Lâm Đồng là Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đều bị khởi tố.
Thứ hai, mở rộng vụ án công ty AIC, hai cựu quan chức của tỉnh Bắc Ninh là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh đều bị khởi tố. Nghĩa là người đứng đầu tổ chức Đảng và người đứng đầu chính quyền địa phương đã cùng phạm tội theo giới hạn uy lực bản thân, trong cùng một sự việc càn quấy.
Câu chuyện ở Lâm Đồng và Bắc Ninh, thêm một lần báo động về thực trạng đồng liêu tham nhũng. Trường hợp cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh sánh bước ra tòa trong một vụ án, dường như không còn mang tính cá biệt. Như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, hoặc cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái.
Về mặt chức năng, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh có vai trò phụ trách hai cơ quan có nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương thì hai nhân vật chủ chốt này đều được trọng vọng ở mức độ tương đương, khi doanh nghiệp hoặc cấp dưới muốn tìm kiếm sự thỏa hiệp nào đó. Thế nhưng, trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh nằm ở sự hỗ trợ và giám sát lẫn nhau trong quá trình phục vụ cộng đồng.
Nhìn vào cơ chế vận hành, người dân luôn mong rằng, nếu Bí thư Tỉnh ủy có biểu hiện chưa chuẩn mực trong công tác chỉ đạo thì có Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, để cùng nhau liêm khiết. Ngược lại, nếu Chủ tịch UBND tỉnh sơ ý lầm lạc trong công tác điều hành, thì có Bí thư Tỉnh ủy uốn nắn, để cùng nhau tiến bộ. Vậy mà, oái oăm thay, cả Bí thư Tỉnh ủy lẫn Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình lao vào ham muốn vật chất thấp hèn, thì không còn mang yếu tố cá nhân tham nhũng nữa.
Ở mỗi địa phương, mà Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham nhũng thì giá trị của tập thể trong sạch đã bị tê liệt. Chắc chắn, cá nhân tham nhũng không thể lôi kéo đại dịch tập thể tham nhũng. Chỉ đáng buồn là khi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều suy đồi, thì tập thể trong sạch không biết trông cậy vào ai để đấu tranh cho công bằng và lẽ phải.
Nếu không sớm chấn chỉnh biểu hiện cá nhân tham nhũng liên minh cá nhân tham nhũng để thành lợi ích trên quan trường, thì tinh thần cống hiến của cán bộ sẽ nhạt phai. Và tình trạng “lãn công” trong cán bộ sẽ tái diễn như lời ca Trần Tiến cảnh tỉnh thời bao cấp, “có một người không quên không say, không buồn vui chẳng thương nhớ ai bao giờ/ sớm lại chiều đi lên cơ quan, chiếc xe cà tàng, một lon cơm khô/ họ chẳng chết bao giờ, vì có sống bao giờ đâu”.
Phát ngôn viên Bộ Công an chỉ ra phần nào tác nhân làm giá điện tăng, hại người tiêu dùng
02/02/2024
Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an VN, trong một cuộc họp báo.
Trong một cuộc họp báo của chính phủ Việt Nam hôm 1/2, trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên của Bộ Công an đầy quyền lực, chỉ ra một phần nguyên nhân làm giá điện tăng cao, một vấn đề thường gây bức xúc trong người dân Việt Nam những năm gần đây.
Khi báo chí hỏi tướng Xô về tiến độ điều tra một số vụ án lớn trong lĩnh vực điện, xăng dầu, được dư luận quan tâm, trong câu trả lời dài của mình, người phát ngôn của Bộ Công an nêu ra vụ án gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Thuận, theo tường thuật trên trang web chính thức của Bộ Công an và một số báo như VietnamNet, Thanh Tra.
Ông Xô gọi vụ này là ví dụ điển hình trong nỗ lực của Bộ Công an được ông ví von là “thăm khám điều trị một số bệnh nan y trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực”. Ông nhấn mạnh đến phương châm của bộ là “xử lý một vụ, cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực”.
Trong vụ án nêu trên, theo tướng Xô, chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt tay nhau để nâng giá nhiều loại vật tư, thiết bị điện, nâng giá từ vài chục đến vài trăm phần trăm.
Có những vật tư, thiết bị bị nâng giá tới 300%, ông nói, được trang web Bộ Công an và báo chí trích dẫn lại.
Điều này là một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện, gây thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng, phát ngôn viên của Bộ Công an nêu rõ và bình luận thêm “Giá điện tăng lên, người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi”, trang web của Bộ Công an, VietnamNet, và Thanh Tra tường thuật lại.
Thông tin của ông Xô được đưa ra trong bối cảnh mới cách đây gần 2 tuần, nữ Thứ trưởng Phan Thị Thắng của Bộ Công Thương kiến nghị cần tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 sau khi đã có 2 lần tăng giá hồi năm ngoái.
Việc tăng giá điện lại được đặt ra sau khi tập đoàn nhà nước EVN nắm hầu hết hệ thống truyền tải bị lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, bên cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên gần 2.093 đồng/kWh trong năm ngoái.
Bà Thắng được báo chí trích dẫn lời nói rằng cần xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Theo quan sát của VOA, sau khi báo chí trong nước đưa tin hồi cuối tháng 1 về đề xuất tăng giá điện của quan chức Bộ Công Thương, nhiều người bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ trên mạng xã hội. Họ nói rằng cần phải thanh tra, kiểm tra xem bộ và EVN vận hành, kinh doanh thế nào mà nhiều năm nay liên tục lỗ nặng nề, bắt người dân vốn đã rất khó khăn phải gánh chịu.
Đó cũng là phản ứng từng xảy ra trong những lần các bộ, ngành đề nghị hoặc thực sự tăng giá điện trong những năm trước đây.
Sao lại cổ xuý cho “bác thằng bần”?
Thúy Ngọc
02/02/2024
(VNTB) – Biết bao nhiêu con bạc lâm vào cảnh nợ nần, bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người mất Tết… cũng chỉ vì cờ bạc.
Cá độ là hành vi dùng tiền hay tài sản khác để đánh cuộc về việc phỏng đoán kết quả của một sự kiện sắp diễn ra hoặc đang diễn ra nhưng chưa kết thúc, hay còn hiểu là cuộc ăn thua bằng tiền về tỉ số thắng, thua của trận đấu thể thao. Đây là một hành vi bị cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được tại Việt Nam cũng đã hợp thức hóa việc cá độ bóng đá cũng như một số loại hình đánh bạc khác mà không vi phạm pháp luật.
Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, có hiệu lực, đã quy định hợp thức hóa việc kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế từ tổ chức nào được tổ chức cá độ bóng đá, điều kiện đối với người cá độ bóng đá, quyền và nghĩa vụ của người cá độ bóng đá.
Nói về tai hại, những hậu quả do cờ bạc đem lại, dân gian cũng lan truyền: “cờ bạc là bác thằng bần”. Từ những bài báo ghi nhận cho đến những thực tế “mắt thấy tai nghe”, biết bao nhiêu con bạc phải lâm vào cảnh nợ nần, bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người mất Tết… cũng chỉ vì hai chữ cờ bạc.
Theo Công an thành phố Hà Nội, việc người dân tham gia cá độ bóng đá trên không gian mạng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Thua “độ” không có tiền thanh toán có thể bị các đối tượng cầm đầu cưỡng ép trả tiền, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc thuê các đối tượng hình sự đòi nợ…
Biết, hiểu rõ những cảnh báo từ vấn nạn cờ bạc đem lại. Vậy tại sao còn cổ xúy cho cờ bạc?
Giải thích lý do, ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, hoạt động kinh doanh đặt cược trong nước Việt Nam và quốc tế đã, đang và sẽ không ngừng phát triển dù có được chính thức hóa hay không.
“Dù cấm, hoạt động cá cược trên thị trường phi chính thức luôn có, thậm chí với quy mô lớn”, ông Thành nói.
Không đồng tính với quan điểm này, theo quan sát của bạn trẻ Trường, cho dù có hợp thức hoá đi chăng nữa, ngoài kia, vẫn còn đầy thị trường phi chính thức:
“Không tin cứ lên Google mà tra, không cần phải gõ nhiều, chỉ cần gõ nhà cái uy tín, ra bao nhiêu là trang web để cá cược? Thủ tục đơn giản, không phức tạp, có cả soi kèo. Bao nhiêu người biết đến cái gọi là chính thức? Và được bao nhiêu người chơi? Một vấn đề có thể được nhìn theo nhiều khía cạnh. Hợp thức hóa, có thể tốt đấy nhưng mấy ông còn lường trước được cái mặt tiêu cực, mặt rủi ro có thể xảy ra hay không?
Thay vì hợp thức hóa như vậy, sao không phối hợp cùng các đồng chí công an hạn chế tối đa những cá cược. Khuyến khích, tuyên truyền các gia đình cần quan tâm quản lý, giáo dục, vận động người thân và những người xung quanh nâng cao cảnh giác, tránh xa cá độ bóng đá… Trường hợp phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ bóng đá, người dân cần kịp thời báo tin tố giác với cơ quan công an gần nhất để có biện pháp điều tra xử lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”.
Cũng có ý kiến cho rằng, Hoa Kỳ cũng có thành phố về cờ bạc, vậy Việt Nam làm thì có gì là sai?
“Cá nhân tôi nghĩ, không có câu trả lời. Mà không có câu trả lời không phải là vì bí mà là vì thấy sự so sánh nó khập khiễng, Mỹ là Mỹ, Việt Nam là Việt Nam, dù hòa nhập văn hóa nhưng cũng có những nét văn hóa riêng. Và cũng chính nhờ cái văn hóa Á Đông đó, mới là con người Việt Nam…”
Cúng ông Táo về Trời: đừng để phóng sinh thành sát sinh
Dân Trần/VNTB
02/02/2024
(VNTB) – Thả cá phóng sinh rồi thả luôn bọc nilon xuống sông, hồ hoặc vút túi tại chỗ…
Tập tục phóng sinh cá chép dựa vào truyền thuyết Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo những việc trong năm của gia đình trong một năm với Thiên đình. Việc chọn thả cá chép chứ không phải các loài khác xuất phát từ sự tích “cá chép vượt vũ môn và hoá rồng”. Câu chuyện này cũng cho thấy quan điểm của người xưa về việc cá chép là loài có sức sống mãnh liệt, thích nghi tốt với môi trường tự nhiên hơn các loài động vật khác.
Thế nhưng thời nay mọi chuyện đã khác. Bình an đâu không thấy, chỉ thấy cá chết và ô nhiễm môi trường tràn lan. Dễ thấy nhất là việc thả cá và thả luôn bọc nilon xuống sông, hồ hoặc vút túi tại chỗ. Điều này diễn ra nhiều tới nỗi hiện nay giới trẻ phải kêu gọi phong trào “thả cá đừng thả túi nilon”.
Theo các nghiên cứu, túi nilon mất tới khoảng 100 năm, thậm chí một số loại nguyên liệu làm túi có thể lên tới hàng ngàn năm mới có thể phân huỷ trong tự nhiên. Những loại hoá chất độc hại trong túi nilon có thể tác động nguy hiểm tới môi trường, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ các loài động vật ăn phải chúng và tác động gián tiếp tới sức khoẻ con người. Việt Nam là một trong năm nước có lượng rác thải nhựa ra đại dương với khoảng 2 triệu tấn mỗi năm.
“Thả cá kèm theo bọc nilon cũng là một trong những hình thức gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người thậm chí vứt cá còn trong bọc nhựa thì thử hỏi làm sao cá sống nổi. Ngoài ra, bọc nilon cũng có thể trở thành cái bẫy khi cá và các loài động vật khác có thể bơi lạc vào, vướng phải hoặc ăn phải bọc nhựa”. Cô B.N., một người vận động bảo vệ môi trường nói với phóng viên VNTB.
Không chỉ gây hại cho môi trường về lâu dài, mà việc thả không đúng cách còn khiến cá chết ngay sau khi thả. Tết năm ngoái, chỉ trong 2 ngày 14-15.1, nhà chức trách đã vớt hơn nửa tấn cá chép vàng do người dân phóng sinh xuống hồ Yết Kiêu (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Hồ này vốn là hồ nước lợ, thông với vịnh Hạ Long. Vì vậy thả cá nước ngọt xuống thì cho dù cá chép có khoẻ mạnh cũng chỉ sống được khoảng mấy tiếng là ngửa bụng chết hàng loạt.
“Thả cá là phóng sinh là một truyền thống tốt đẹp, nhân đạo của người Việt, nhưng nếu thả không đúng cách, đúng nơi thì chỉ có hại chứ không có lợi. Phóng sinh là để tạo ra sự sống, chứ không phải thả cho cá chết. Chưa cần nói về môi trường, về mặt tâm linh thì nếu cá chết ngay sau khi thả thì làm sao có thể đưa ông Táo về trời, như vậy làm sao an lành, may mắn, tài lộc, thành công được”. Cô B.N. nói.
Ngoài việc nguồn nước ô nhiễm khiến cho cá chết hàng loạt thì những nơi thường xuyên có người tụ tập thả cá cũng là những nơi có nhiều người câu cá, giăng lưới, chích điện. Không chỉ vậy, khi thả các loại cá nhỏ xuống sông, thì có thể trở thành mồi cho các loại cá lớn khác.
“Tôi thấy nếu thật sự muốn phóng sinh thì chúng ta cần phải thay đổi từ tư duy bảo vệ môi trường tới lối sống. Chúng ta không thể dạy con trẻ các truyền thống tốt đẹp bằng những hành vi gây hại được. Rất cần phải có các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đưa ra các chương trình dục ngay tại trường học để nâng kiến thức cho học sinh. Ngoài ra phải tăng các hình thức chế tài, xử lý hành chính nghiêm minh”. Cô B.N. nêu quan điểm với phóng viên VNTB.
Blogger Đường Văn Thái được gặp mẹ lần đầu sau gần chín tháng mất tích ở gần Bangkok
RFA
02/02/2024
Blogger Đường Văn Thái trước khi bị mất tích ở Thái Lan
Fb Đường Văn Thái
Người nhà nói ông Đường Văn Thái trông vẫn khoẻ mạnh sau thời gian dài bị mất tích ở Thái Lan và sau đó xuất hiện ở nhà tù của Việt Nam.
Ông Đường Văn Thái (hay còn gọi là Thái Văn Đường), một người chuyên đưa tin về tham nhũng của quan chức và đấu đá nội bộ trong bộ máy chính quyền từ trung ương tới địa phương, bị mất tích ngày 13/4/2023 ở gần thủ đô Bangkok của Thái Lan, sau khi ông được phỏng vấn để đi định cư ở một nước thứ ba.
Sau đó vài ngày, truyền thông nhà nước loan tin công an Hà Tĩnh bắt giữ một người đàn ông cùng tên vì “xâm nhập bất hợp pháp” từ Lào trong thời điểm Ngoại trưởng Hoa Kỳ thăm Hà Nội.
Giữa tháng 7 cùng năm, Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an công bố lệnh tạm giam Đường Văn Thái để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Chiều 30/1/2024, bà Dương Thị Lư bất ngờ nhận được cuộc gọi của công an thông báo bà sẽ được gặp con trai- blogger Đường Văn Thái, vào ngày hôm sau ở Trại tạm giam B14 của Bộ Công an ở huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 02/2, bà Lư cho biết sáng sớm ngày 31/1, bà đi taxi đến trại tạm giam và được nói chuyện với con trai bằng điện thoại qua lớp kính dày.
Bà kể lại cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai mẹ con sau gần chín tháng như sau:
“Được nửa tiếng nói chuyện sức khoẻ, chuyện gia đình chuyện trong làng thế thôi chứ tuyệt đối không được nói chuyện công việc. Nó (phía công an- PV) đe từ cửa kia mà.”
Người mẹ già hơn 70 tuổi xúc động khi được gặp lại con trai sau nhiều đồn thổi về tính mạng của ông kể từ khi đột nhiên mất tích ở Thái Lan.
Một năm trước bà Lư có sang Bangkok gặp ông Thái trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, sau thời gian dài không gặp lại bà nhận xét:
“Bà không nhận ra tại vì nó trắng hơn, ngày ở bên Thái Lan nó đen. Vẫn mạnh khoẻ lắm. Trông trắng trẻo vạm vỡ lắm, không có gì là hao hụt cả.”
Người mẹ đang sống một mình ở Hà Nội được con trai cho biết tình trạng trong trại tạm giam “ổn, được ăn uống đầy đủ, và được đối xử tốt.”
Khi hỏi về tiến trình điều tra, bà cho biết phía công an không nói cụ thể mà chỉ động viên bà một cách chung chung:
“Đến lúc ra cửa thì nó (cán bộ trại giam- PV) chỉ bảo là ‘Bà ơi bà cứ yên tâm, ở trong này anh ấy không vấn đề gì. Anh ấy sẽ sớm về với bà. Từ nay đến 20/4, nếu có gì thay đổi thì chúng cháu sẽ đánh giấy về cho bà’.”
Phóng viên gọi điện cho Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an để hỏi về tiến trình điều tra trong vụ án của blogger Đường Văn Thái, tuy nhiên người trực máy từ chối trả lời.
Bà cho biết do không được phép tự do trao đổi thông tin trong cuộc gặp vừa qua nên bà không rõ ý định của con trai về việc thuê luật sư bào chữa, trong khi bà đã lớn tuổi nên không biết cách tìm luật sư để trợ giúp pháp lý cho ông.
Theo quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, bị can trong các vụ án thuộc chương An ninh Quốc gia chỉ được gặp thân nhân và luật sư khi quá trình điều tra kết thúc.
Việc ông Đường Văn Thái được gặp thân nhân khi điều tra còn đang diễn ra nằm trong số trường hợp hiếm hoi. Trong phần lớn các vụ án chính trị, bị can không được gặp thân nhân trong thời gian này, thậm chí có trường hợp chỉ được gặp gia đình sau khi đi thi hành án.
Ông Đường Văn Thái, 42 tuổi, sang Thái Lan xin quy chế tị nạn chính trị từ cuối năm 2018.
Ở gần Bangkok, ông tiếp tục đưa tin về tranh giành quyền lực giữa các quan chức lãnh đạo ở cấp trung ương và địa phương, với hàng trăm video clip phát trực tuyến trên kênh Youtube Thái Văn Đường, hiện đã bị xoá.
Ngay trước khi bị mất tích ở khu vực gần nhà trọ ở Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, ông đã được phỏng vấn để đi định cư ở nước thứ ba.
Nhiều tổ chức dân sự quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho rằng Đường Văn Thái bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh Việt Nam và đưa về Việt Nam, giống như trường hợp blogger Trương Duy Nhất của RFA ở Bangkok trong năm 2019 hay cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin năm 2017.
Giữa tháng 7/2023, bà Lư nhận được giấy thông báo về việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) ký ngày 05/7.
Kể từ khi hết hạn tạm giam vào ngày 12/8/2023 đến nay, bà chưa nhận được thông báo gia hạn tạm giam con trai mình.
Không có nhận xét nào