Quê Hương tổng hợp
Hộ chiếu Việt Nam gần cuối bảng Đông Nam Á; nhiều người 'tậu' quốc tịch thứ hai
Chụp lại hình ảnh,
Hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 92/199 trong bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu năm 2024
28 tháng 2 2024
Hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 92/199 trong bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu năm 2024, theo công ty chuyên đầu tư về di cư Henley & Partners.
So với năm 2023, Việt Nam tụt năm hạng, hiện công dân Việt Nam không cần xin visa để tới 55 nước và vùng lãnh thổ.
Xét trong khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu của Việt Nam chỉ ‘quyền lực’ hơn mỗi Lào và Myanmar.
Ngược lại, Singapore chia sẻ vị trí số 1 thế giới với Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Tây Ban Nha.
Bộ phận truyền thông của Công ty Henley & Partners cho BBC News Tiếng Việt biết vào ngày 28/2 rằng xếp hạng chỉ số quyền lực hộ chiếu mà công ty hợp tác với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) công bố không liên quan đến chương trình đầu tư quốc tịch.
Tuy nhiên, về lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch, công ty ghi nhận số lượng khách hàng là công dân Việt Nam "tăng đột biến".
"Chỉ số Hộ chiếu Henley dựa trên nguyên tắc rất đơn giản là xếp hạng 199 hộ chiếu trên thế giới theo số lượng điểm đến (tổng cộng 227 điểm đến trên toàn thế giới) mà công dân của nước đó (hoặc vùng lãnh thổ đó) có thể nhập cảnh mà không cần xin thị thực," đại diện công ty giải thích.
Đầu tư để nhập tịch, xu hướng của người giàu?
Với xếp hạng khá thấp, người cầm hộ chiếu Việt Nam thường gặp khó khăn trong vấn đề xin visa vào các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh hoặc khối Schengen.
Henley & Partners là một công ty chuyên về đầu tư di cư. Ông Dominic Volek, Giám đốc Kinh doanh của Henley & Partners, chia sẻ với BBC rằng Việt Nam đứng thứ 4 toàn cầu về số người đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch thông qua công ty ông.
Tính tới thời điểm hiện tại, trong khu vực Đông Nam Á, khách hàng Việt Nam chiếm 25% khách hàng của công ty.
Chụp lại hình ảnh,
Vị trí hộ chiếu Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á
Tiết lộ từ phía công ty Henley & Partners cho thấy hầu hết khách hàng Việt Nam đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch là những người sinh sống ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ông Volek cho biết thêm, khách hàng truyền thống là những người sáng lập và chủ sở hữu doanh nghiệp trong các ngành như dệt, may mặc, ô tô, bất động sản... Những năm gần đây, có sự xuất hiện thêm của các ngành mới nổi như Fintech (tài chính công nghệ), những người kinh doanh tiền điện tử.
Công ty Henley & Partners không thực hiện chương trình di cư theo diện tay nghề, xuất khẩu lao động nên công ty ông chỉ làm việc với những người giàu có, thuộc nhóm sở hữu tài sản ròng cao và cực cao vì nhóm này mới có đủ khả năng tài chính tham gia những chương trình đầu tư nhập tịch.
Hồi tháng 8/2018, tài liệu từ bài điều tra của Đài Al-Jazeera (Qatar) đã phản ánh việc hàng chục quan chức cấp cao và gia đình họ đã mua cái gọi là "hộ chiếu vàng" của Cyprus (Síp) từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019.
Việt Nam có 26 cá nhân xuất hiện trong hồ sơ này, trong đó có vợ chồng đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và vợ chồng ông Phạm Nhật Vũ, người tại thời điểm đó đang thụ án tù ba năm vì tội đưa hối lộ trong vụ án MobiFone mua AVG.
Việt Nam có bao nhiêu triệu phú, tỷ phú?
Việt Nam được dự đoán tăng trưởng tài sản cao (phần trăm tăng số lượng triệu phú) là
125% trong một thập niên tới.
19.400 triệu phú có tài sản trên 1 triệu USD
58 người có tài sản trên 100 triệu USD
6 tỷ phú có tài sản trên 1 tỷ USD
Đứng thứ 4 toàn cầu về số người đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch của Henleys & Partners
Nguồn: Henley & Partners, New World Wealth, tính đến tháng 12/2023
Hộ chiếu Việt Nam và vấn đề nhập cư trái phép
Dù không một cơ quan ngoại giao nước ngoài nào công khai nói họ e ngại hộ chiếu Việt Nam, các thông tin trên mạng xã hội mà BBC ghi nhận được mô tả bức tranh thường xảy ra ở các cửa khẩu EU, Anh, Mỹ là người mang hộ chiếu Việt Nam kể cả khi có visa thường bị rà soát kỹ hơn.
Hộ chiếu P (phổ thông) hồi đầu tháng 7/2022 mà Bộ Công an Việt Nam cấp bỏ mục "Nơi sinh". Tới ngày 27/7/2022, Đức và một số nước thông báo dừng cấp cấp thị thực đối với những người mang hộ chiếu mới này.
Sau Đức, đầu tháng 8/2022, Tây Ban Nha và Cộng hòa Czech cũng thông báo mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam nói trên không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, một số vụ nhập cư lậu gây chấn động như vụ 39 người Việt chết trong container tại Essex (Anh) vào tháng 10/2019 làm cho vấn đề đi lại của người Việt Nam vào các quốc gia phát triển này càng bị chú ý.
Năm 2019, dư luận xôn xao vụ chín người bỏ trốn khi đi theo đoàn công tác của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, lúc bấy giờ là Chủ tịch Quốc hội, tới thăm Hàn Quốc từ 4 đến 7/12/2018.
Vấn đề thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn ở Nhật cũng dấy lên những lo ngại.
Nguồn hình ảnh, Henley Global Index
Chụp lại hình ảnh,
Bảng xếp hạng hộ chiếu của Việt Nam trong vòng 10 năm, theo Henley Global Index
Xếp hạng hộ chiếu quyền lực
Theo bảng xếp hạng toàn cầu năm 2024 vừa được công bố trong tháng 2, sáu cuốn hộ chiếu mạnh nhất, cùng chia sẻ vị trí số 1, là Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Singapore và Tây Ban Nha, với 194 điểm đến được miễn visa hoặc chỉ cần xin visa ở cửa khẩu.
Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi Henley Passport Index bắt đầu công bố bảng xếp hạng 19 năm trước.
Nga liên tục tụt hạng kể từ khi nước này xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. Cụ thể, Nga ở vị trí thứ 46 vào năm 2022, xuống còn 49 vào năm 2023 và năm nay Nga đứng vị trí 53.
Các nước "chót bảng" là những quốc gia đang có xung đột chính trị như Pakistan, Somalia, Iraq, Afghanistan và Syria.
Chỉ số hộ chiếu toàn cầu năm 2024 của Henley & Partners bao gồm 199 hộ chiếu và 227 điểm đến.
Theo Henley, việc đánh giá, xếp hạng hộ chiếu dựa trên dữ liệu độc quyền của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Cứ mỗi điểm đến được miễn visa, hộ chiếu quốc gia đó sẽ được cộng 1 điểm.
Ngân hàng SCB Thái Lan mua đứt Home Credit Việt Nam
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
SCB là ngân hàng lớn nhất Thái Lan theo giá trị thị trường
Ngân hàng hàng đầu Thái Lan mua lại Home Credit Việt Nam, tiếp tục làn sóng thâu tóm của người Thái tại Việt Nam.
Thứ Tư (28/2), Ngân hàng Thương mại Siam (SCB), ngân hàng lớn nhất Thái Lan theo giá trị thị trường, xác nhận đã đạt được thỏa thuận mua lại 100% cổ phần của công ty tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam.
Thương vụ này trị giá 31 tỷ baht (khoảng 870 triệu USD).
Theo SCB X, công ty mẹ của ngân hàng SCB, giao dịch dự kiến hoàn thành vào nửa đầu năm 2025, tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Thành lập từ năm 2008, Home Credit Việt Nam cung cấp các khoản vay mua hàng tiêu dùng bền vững, vay trả góp, vay tiền mặt và vay mua xe hai bánh cho phân khúc khách hàng đại chúng và trung thượng lưu. Đây là công ty lớn thứ hai trong thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam với 14% thị phần, theo SCB X.
Home Credit Việt Nam đạt lợi nhuận ròng 1.300 tỷ đồng năm 2022, tổng tài sản có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 18,7% trong thập kỷ qua.
Việt Nam bị chậm chỗ nào để đón luồng đầu tư ra khỏi Trung Quốc?1 tháng 11 năm 2023
Kinh tế Việt Nam sẽ 'bùng nổ' thế nào sau nâng cấp quan hệ với Mỹ?12 tháng 9 năm 2023
Philippines vượt mặt Việt Nam về tăng trưởng1 tháng 2 năm 2024
Theo báo Tiền Phong, trong 10 năm qua, làn sóng đầu tư từ Thái Lan liên tục đổ vào Việt Nam với nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập lớn.
Hồi đầu tháng 2, Central Pattana – thành viên của Central Group, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan – đã thành lập Công ty TNHH CPN Global tại Việt Nam, đặt trụ sở tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
CenTral Pattana chuyên về tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản và quyền sử dụng đất.
Central Group từng vào thị trường Việt Nam năm 2012 với thương hiệu bán lẻ Central Retail.
Ngày 17/2, ông Yol Phokasub, Giám đốc điều hành của Central Retail, nói rằng công ty “coi Việt Nam là thị trường trọng điểm đầy tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục”, theo tờ Bangkok Post.
Công ty cho biết sẽ đặt mục tiêu đầu tư 50 tỷ baht (gần 1,4 tỷ USD) vào thị trường Việt Nam trong vòng năm năm tới và tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 tại 57 trên 63 tỉnh thành ở Việt Nam.
Central Retail Việt Nam đặt tham vọng trở thành doanh nghiệp bán lẻ đa kênh thực phẩm số một và nhà kinh doanh bất động sản xếp vị trí thứ hai tại Việt Nam vào năm 2027.
Theo bảng xếp hạng của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Central Retail Việt Nam là công ty bán lẻ uy tín nhất năm 2023.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) chính thức vào Việt Nam năm 2015
Cuối tháng 9/2023, quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore và một số công ty Thái Lan đang quan tâm tới thương vụ mua khoảng 20% cổ phần của chuỗi Bách Hóa Xanh từ Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, Reuters dẫn nguồn tin cho biết.
Cũng theo Reuters, CHD Investments của Trung Quốc mới đây đang chốt lại quá trình đàm phán mua lại cổ phần của Bách Hóa Xanh.
Hồi năm 2017, ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 5 tỷ USD để sở hữu khoảng 54% cổ phần Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và biến thương hiệu bia số 1 Việt Nam thành công ty nước ngoài.
Người Thái Lan cũng nắm giữ khoảng 20% trong Vinamilk, một thương hiệu nổi tiếng trong ngành sữa của Việt Nam.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào các ngày 25 và 26/10/2023, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan, ông Parnpree Bahiddha-Nukara, chia sẻ rằng các doanh nghiệp nước này tin tưởng vào tiềm năng, môi trường đầu tư và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam đề nghị Mỹ giúp phát triển công nghiệp bán dẫn
28/02/2024
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn VN dự các cuộc họp tỏng khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE
Bộ Công Thương
Bộ trưởng Công thương Việt Nam – ông Nguyễn Hồng Diên- mới đây đề nghị với Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) giúp Việt Nam đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn.
Truyền thông Nhà nước cho biết ông Nguyễn Hồng Diên có cuộc gặp với Chủ tịch SIA – ông John Neufer – bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 đang diễn ra tại Các tiểu Vương quốc Ả rập (UAE).
Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu trong lĩnh vực này, thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài.
Tại cuộc gặp với đại diện SIA, ông Diên cho biết Việt Nam dành sự quan tâm lớn và mong muốn làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực này, mục tiêu là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
"Để đạt được kỳ vọng đó, Việt Nam mong muốn được SIA hỗ trợ, kết nối thị trường, công nghệ, nguồn lực tài chính và sớm có các dự án hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp Hoa Kỳ để thông qua đó có cơ sở xem xét cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển" – truyền thông Nhà nước dẫn lời ông Diên cho biết tại cuộc gặp.
Theo số liệu của truyền thông Nhà nước, Việt Nam hiện đang có khoảng 6.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, và mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay đến năm 2030.
Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và ba khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez cho biết Việt Nam là một mục tiêu hàng đầu cho các trợ giúp trong Đạo luật US CHIPS của Mỹ và số tiền sẽ phụ thuộc vào các đánh giá được đưa ra trong tháng này.
Theo Đạo luật CHIPS của Mỹ, Hoa Kỳ sẽ cung cấp 500 triệu đô la để cải thiện việc đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn, an ninh mạng toàn cầu, Thứ trưởng Jose Fernandez cho biết thêm.
Bí thư bốn tỉnh biên giới phía Bắc VN gặp bí thư Khu tự trị dân tộc Choang, Trung Quốc
28/02/2024
Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) Lưu Ninh và Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa hai bên.
Báo Cao Bằng
Bí thư bốn tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam gồm Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn vào sáng ngày 28/2 gặp người đồng nhiệm Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin cho biết cuộc gặp nằm trong Chương trình Gặp gỡ Đầu xuân 2024 giữa hai phía.
Tại cuộc gặp hai phía ký Biên bản Hội nghị về xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam- Trung Quốc mang ý nghĩa chiến lược.
Thông tin được đưa ra tại cuộc gặp cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên (các tỉnh/khu) năm 2023 đạt hơn chín tỷ 300 triệu USD. Số liệu này được nhận định đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Thống kê cho thấy từ năm 2016, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong Khối Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Trung Quốc. Từ năm 2020, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ sáu trên thế giới của Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2023 đạt trên 171 tỷ USD.
Nguồn tin Reuters: Hãng Trung Quốc nhắm mua 10% cổ phần của Bách Hóa Xanh
29/02/2024
Một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Việt Nam.
Qũy đầu tư CDH Investments của Trung Quốc đang đàm phán sâu để mua lượng cổ phần thiểu số của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) trong một thỏa thuận có thể định giá chuỗi cửa hàng tạp hóa này lên tới 1,7 tỷ USD, Reuters dẫn hai nguồn tin am tường thương vụ này cho biết hôm 28/2.
Các nguồn tin cho hay CDH, một trong những công ty đầu tư tài sản thay thế (alternative investment) lớn nhất của Trung Quốc và cũng từng đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), công ty mẹ của chuỗi BHX, đã nổi lên như người đi đầu trong việc mua lượng cổ phần lên tới 10% sau khi vượt qua các đối thủ.
“CDH đang muốn mua từ 5% đến 10% cổ phần”, một trong những nguồn tin cho Reuters biết, đồng thời nói thêm rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra và không có gì chắc chắn rằng một thỏa thuận sẽ được ký kết.
Nguồn tin thứ hai tiết lộ rằng thỏa thuận “có thể đạt được sớm nhất là vào tháng tới nếu đàm phán thành công”.
Cả hai nguồn đều từ chối nêu tên vì vấn đề này chưa được công khai.
CDH và Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) từ chối bình luận khi được Reuters liên hệ.
Một thỏa thuận của CDH có trụ sở tại Bắc Kinh sẽ nhấn mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu đối với các lĩnh vực kinh doanh đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực tiêu dùng, bất chấp những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản của nước này do cuộc trấn áp tham nhũng gây ra.
Thế Giới Di Động là một tập đoàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam tính theo giá trị thị trường. Lần đầu tiên tập đoàn này công bố kế hoạch bán cổ phần thiểu số của chuỗi cửa hàng tạp hóa là vào năm 2022 nhưng sau đó tạm dừng do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Theo Reuters, quá trình bán đã được khởi động lại vào năm ngoái và đã thu hút sự quan tâm từ quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore và các công ty từ Thái Lan.
CDH do Chủ tịch Ngô Thượng Chí (Wu Shangzhi) đồng sáng lập vào năm 2002 với tư cách là một trong những công ty cổ phần tư nhân sớm nhất của Trung Quốc. Công này nổi tiếng với việc thực hiện các giao dịch trong các ngành truyền thống như tiêu dùng và sản xuất trong những năm đầu.
Theo trang web của CDH, công ty hiện quản lý tài sản trị giá hơn 27 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn vào hãng cung cấp thịt lợn lớn nhất thế giới, WH Group, và nhà sản xuất thiết bị hàng đầu, Midea Group.
Một trong những nguồn tin cho biết CDH đã thoái vốn đầu tư khỏi Thế Giới Di Động gần 10 năm trước để chốt lời.
BHX, được đưa vào thử nghiệm cuối năm 2015, là chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm với hơn 1.700 siêu thị tại các tỉnh thành miền Nam và Nam Trung Bộ, theo trang web của WMG.
Hồi tháng 8 năm ngoái, truyền thông trong nước dẫn lời ông Phạm Văn Trọng, Tổng giám đốc BHX, chia sẻ trong cuộc họp với nhà đầu tư rằng doanh nghiệp này sẽ có lãi từ năm nay.
Việt Nam: Nắng nóng gay gắt hàng chục ngày hành hạ Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng
29/02/2024
Một con kênh khô cạn, nứt nẻ ở tỉnh Cà Mau, Việt Nam, do nắng nóng, 26/2/2024.
Một đợt nắng nóng bất thường đang hành hoành từ ngày 9/2 đến nay ở miền Nam Việt Nam, tác động rất tai hại đến đời sống người dân và nhiều hoạt động, đặc biệt là nông nghiệp, các báo trong nước đưa tin. Có dự báo đợt nóng có thể kéo dài sang tháng 4.
Các báo trong đó có Thanh Niên, Tuổi Trẻ nói rằng tính đến ngày 28/2, đợt nắng nóng gay gắt đã được 20 ngày và nhiều nơi, kể cả thành phố Hồ Chí Minh, đã chứng kiến nhiệt độ có lúc lên đến 37-38 độ C.
Trong một bài đăng hôm 28/2 trên trang web của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nói rằng ở nơi này thông thường từ trung tuần tháng 2 hàng năm sẽ bắt đầu xuất hiện nắng nóng một vài nơi, do đó, đợt nóng xảy ra sớm trong năm nay bị xem là “bất thường”.
Chuyên gia khí tượng này đưa ra nguyên nhân là “El Nino đang diễn ra, tác động làm xu thế nhiệt tăng, ít mưa” và lưu ý rằng “đợt nắng nóng này dự báo vẫn đang kéo dài”.
El Nino là tên gọi của hiện tượng lớp nước biển bề mặt nóng lên dị thường ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
Ông Quyết thuộc Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ dự báo rằng năm 2024, nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt như những năm có hiện tượng El Nino mạnh, với những đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày liên tục, tập trung trong tháng 3 và tháng 4, xảy ra diện rộng với cả Nam Bộ.
Báo chí trong nước tường thuật rằng người dân ở Tp.HCM và các nơi khác thuộc Nam Bộ trong những ngày này cảm thấy “ngộp thở”, “rát da”, “mệt mỏi”, “khó chịu” vì trời nắng “chói chang”, “thiêu đốt” và bầu không khí “oi bức”.
Qua báo chí, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ cảnh báo người dân cần đề phòng để tránh bị “mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao”. Bên cạnh đó, đài này cũng nhắc nhở rằng do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp, nên có nguy cơ “xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng”.
Tạp chí Kinh tế Nông thôn hôm 26/2 đăng bài cho hay vào những ngày cuối tháng 2, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 ở một số nơi thuộc Đồng bằng sông Cửu Long “bắt đầu gay gắt khi ranh mặn lấn sâu vào nội đồng ở mức cao so với trung bình nhiều năm”.
Một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là tỉnh Bến Tre với tình trạng nước mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông từ 44-53 km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông từ 52-70 km, bị xem là nghiêm trọng hơn so cùng kỳ năm ngoái.
Tại các xã ven biển của tỉnh Bến Tre, có nơi cách bờ biển 20 km, nhiều hộ dân phải mua nước ngọt đã qua xử lý với giá 100.000 đồng/m3 để sử dụng, vì nước từ các giếng khoan bị nhiễm mặn.
Nhiều vùng trồng lúa và cây ăn trái thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng cũng đang bị ảnh hưởng từ đợt nắng nóng và xâm nhập mặn, vẫn theo tạp chí Kinh tế Nông thôn.
Tạp chí này dẫn nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho hay mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm.
Viện nêu trên cảnh báo về nguy cơ thiếu nước cho hơn 56.000 hectare lúa ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, cũng như có khả năng là xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 43.300 ha ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng.
Ngay trước mắt, một trong những thiệt hại là ở Cà Mau, hạn hán làm sụt lún đất, đường giao thông trong khi nhiều kênh mương bị cạn nước, giao thông đường thủy tê liệt, khiến cho những nông hộ khi thu hoạch lúa phải bán rẻ hơn 300-700 đồng/kg, do tốn phí vận chuyển bằng xe máy.
Việt Nam Cộng Sản kêu gọi ủng hộ để tái đắc cử Hội đồng Nhân quyền LHQ
28/02/2024
Ngoại trưởng Việt Nam Bủi Thanh Sơn bắt tay Cao ủy Nhân quyền LHQ Voldker Turk tại trụ sở của UNHRC ở Geneva, Thụy Sỹ, hôm 27/2.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kêu gọi sự ủng hộ quốc tế khi Việt Nam tái tranh cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) trong nhiệm kỳ tới bất chấp sự chỉ trích từ các tổ chức quốc tế về hồ sơ nhân quyền yếu kém của mình.
Việt Nam được bầu vào UNHRC cho nhiệm kỳ 3 năm bắt đầu từ tháng 1 năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á đắc cử nhiệm kỳ 2023-2025 trong Hội đồng Nhân quyền của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới dù trước đó đã tăng cường trấn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến trong nhiều năm.
Ông Sơn đưa ra lời kêu gọi ủng hộ khi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa 55 của UNHRC tại Geneva của Thụy Sỹ, theo truyền thông trong nước.
Theo báo Tin Tức của TTXVN đưa tin hôm 27/2, ngoại trưởng Việt Nam đã gặp mặt Cao ủy Nhân quyền LHQ Volder Turk và một số nhà ngoại giao quốc tế tại Geneva.
Tại cuộc gặp với người đứng đầu UNHRC, ông Sơn được Tin Tức trích lời nói rằng Việt Nam bảo đảm sự thụ hưởng quyền con người cho người dân trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước gần 40 năm qua. Theo tờ báo của TTXVN, ông Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền con người, đồng thời chia sẻ thông tin về việc hoàn thành báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
Phiên rà soát theo chu kỳ UPR nhằm xem xét tình hình nhân quyền của Việt Nam được ấn định diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 tới đây. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế HRW và các tổ chức khác hồi cuối năm ngoái đã đệ trình những điều mà họ cho là vi phạm về nhân quyền của Việt Nam lên UNHRC. Theo báo cáo của HRW lên cơ quan LHQ hồi tháng 10, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi nghiêm trọng kể từ đợt UPR lần cuối vào tháng 1/2019.
Tuy nhiên tại phiên họp của UNHRC ở Geneva hôm 26/2, ông Sơn cho biết Việt Nam đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019, theo Tin Tức. Nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, ông Sơn được tờ báo này trích lời nói rằng trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hằng năm khoảng 3% GDP cho bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng Việt Nam tái khẳng định tại phiên họp của UNHRC rằng các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm có việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.
Nhưng HRW đã gọi 2023 là một năm “u ám” về nhân quyền tại Việt Nam. Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 1 vừa qua, tổ chức này nói rằng chính phủ Việt Nam đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam trong năm 2023. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó phản bác cáo buộc của tổ chức có trụ sở ở Mỹ và cho rằng các thông tin này là “bịa đặt.”
Bất chấp bị quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền, ông Sơn, theo Tin Tức, đã tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hội Việt Nam tái ứng cử làm thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2026-2028.
Tờ báo của TTXVN cho biết Cao ủy Nhân quyền chúc mừng Việt Nam có năm đầu tiên trên cương vị thành viên UNHRC “vô cùng thành công” khi gặp ông Sơn, và ông Turk đã đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Việt Nam đối với Văn phòng Cao ủy cũng như mong muốn tiếp tục hợp tác hai bên.
Giới chuyên gia quan ngại việc máy bay Trung Quốc trình diễn ở Việt Nam
29/02/2024
Máy bay Comac C919 của Trung Quốc. (Photo by Roslan RAHMAN / AFP)
Các chuyên gia cho rằng việc 2 máy bay do Trung Quốc sản xuất đang trình diễn tại sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có thể gây phương hại đến an ninh quốc phòng của Việt Nam, dù đây chỉ là các máy bay thương mại.
Hôm 26/2, tập đoàn Máy bay Thương Mại Trung Quốc (Comac) đưa 1 chiếc C919 và 1 chiếc ARJ21 đến trưng bày và bay trình diễn tại Việt Nam và được phía Việt Nam đón tiếp trọng thị.
“Người Việt Nam nhạy cảm trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc liên quan đến an ninh, quốc phòng, hàng không. Việc đó tôi thấy rất không hay và nguy hiểm cho vấn đề an ninh của Việt Nam về mặt quốc phòng”, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, cựu Chủ nhiệm sáng lập Bộ môn Kỹ thuật Hàng không ở trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận định với VOA.
Hôm 27/2, tập đoàn Comac trình diễn 2 máy bay chở khách thân hẹp C919 và ARJ21 tại Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, mở đầu các hoạt động kéo dài trong 3 ngày bao gồm các màn trình diễn cất và hạ cánh của máy bay, trải nghiệm bay thử và buổi tiếp xúc riêng về các nội dung tăng cường phát triển đường bay Trung Quốc tới Vân Đồn.
“Chúng ta có vấn đề tranh chấp về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa... mà để cho một nước láng giềng mà chúng ta rất e ngại từng làm những việc không có lợi cho dân tộc Việt Nam mà sang trình diễn ở đó. Điều này rất bất lợi cho Việt Nam”, tiến sĩ Tống bày tỏ ý kiến cá nhân. “Gần đây người dân Việt Nam ý thức được chuyện này cho nên họ không tán thành và cũng bất bình chuyện để cho sân bay Vân Đồn làm như vậy”.
Truyền thông Việt Nam tường thuật lễ khai mạc Comac Airshow với sự hiện diện của ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải; ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đại diện các hãng hàng không đang khai thác đường bay trên lãnh thổ Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Đàm Vạn Canh, Chủ tịch Tập đoàn Comac, phát biểu tại phiên khai mạc hôm 27/2: “Việc máy bay thương mại của Trung Quốc bay đến Quảng Ninh, Việt Nam, là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy việc quốc tế hóa máy bay dân dụng của Trung Quốc, cũng là một ví dụ điển hình nữa về sự hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam”.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm đến và điểm trung chuyển của khu vực và thế giới, hơn nữa nơi đây là một trong những cửa ngõ cho thị trường Trung Quốc đến với các nước ASEAN và ngược lại”.
Trong thời gian lưu lại Việt Nam, 2 máy bay sẽ được trưng bày tĩnh tại sân bay Vân Đồn, đồng thời có lịch trình di chuyển tới Côn Đảo, Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, theo đài VTC.
Một giảng viên đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, người theo dõi các dòng máy bay thương mại tiên tiến trên thế giới nhưng yêu cầu không tiết lộ danh tính vì lý do an toàn, chia sẻ với VOA rằng hiện có khá ít dữ liệu về độ bay an toàn của máy bay C919 và ARJ21 nên khó đưa nhận định chính xác về mức độ an toàn của hai dòng máy bay này.
“Tuy nhiên khi nào 70-80 % dân Trung Quốc đi du lịch dám leo lên hai chiếc này và phải bay an toàn trong vòng ít nhất 5 năm thì mới tính!”, vị giảng viên này bình luận thêm.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng “Trung Quốc học hỏi và sao chép công nghệ khá nhanh, từ tàu cao tốc, điện thoại, và vũ khí như tàu sân bay, tên lửa..., nên thị phần máy bay hàng không trong tương lai chắc sẽ có thay đổi, nhất là ở các nước Nga-Trung và liên minh của họ!”.
Ông cho rằng sẽ có sự e dè về cặp máy bay này của Comac, giống như đã thấy khi Trung Quốc tung ra vaccine Vero Cell trước đây. “Sẽ ít người dám chọn leo lên nếu họ có khả năng lựa chọn khác, như Airbus hay Boeing”, ông dự báo.
Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống đưa ra nhận xét về khả năng liệu các hãng hàng không Việt Nam sẽ sử dụng máy bay của Comac.
“Hiện nay, các hãng hàng không dân dụng Việt Nam khai thác, mua của hai hãng máy bay lớn trên thế giới mà các nước đều mua là Airbus và Boeing. Cho nên thêm một hãng nữa cung cấp máy bay thì không có lợi trong bảo dưỡng và các thứ khác. Nếu tôi là một hãng hàng không thì tôi không dại gì mua nhiều dòng máy bay của nhiều công ty khác nhau”.
Ở một góc nhìn khác, ông Lưu Quang Huy, một kỹ sư ở Hà Nội, nhận định với VOA rằng sự có mặt hai máy bay của Trung Quốc tại Việt Nam là một điều tuyệt vời.
Phát biểu tại buổi lễ trình diễn, ông Đàm Vạn Canh nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, việc máy bay bay đến Vân Đồn đánh dấu sự hợp tác hóa toàn cầu trong lĩnh vực hàng không. “Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng và có kinh nghiệm quản lý Hàng không phong phú”, ông Canh phát biểu.
Cả đơn vị tổ chức và quản lý sân bay Vân Đồn đều kỳ vọng rằng sân bay này sẽ là nơi mở đầu cho triển vọng 2 dòng máy bay C919 và ARJ21 chở khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, trong đó chiếc ARJ21 thuộc loại máy bay phản lực hai động cơ và chiếc C919 có cấu trúc của máy bay chở khách thân hẹp.
Hôm 27/2, Comac cho biết sau triển lãm ở Việt Nam, hai máy bay của họ sẽ tiếp tục hành trình triển lãm tại Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia, theo Reuters.
“Mục đích chính của những chuyến bay này là để giới thiệu hiệu suất hoạt động tốt của máy bay và đặt nền móng cho việc mở rộng thị trường trong tương lai ở Đông Nam Á”, tập đoàn hàng không Trung Quốc nói thêm.
Trang Global Times của Trung Quốc hôm 27/2 dẫn lời các chuyên gia của nước này cho rằng các chuyến bay trình diễn của Comac “có ý nghĩa quan trọng” đối với việc máy bay Trung Quốc bay ra nước ngoài, và những chuyến bay như vậy có thể thúc đẩy khách hàng quốc tế và công chúng xem xét kỹ hơn về máy bay thương mại của Trung Quốc, giúp ích rất nhiều cho hình ảnh thương hiệu của ngành công nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả hàng không.
Hãng tin Reuters nói rằng thiết kế của C919 mới chỉ được Trung Quốc chứng nhận và cơ quan hàng không Trung Quốc cho hay họ sẽ quảng bá máy bay này trên phạm vi quốc tế trong năm nay và nộp hồ sơ xin chứng nhận của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA).
Tạp chí Forbes của Mỹ hôm 28/2 nhận định rằng việc đạt được chứng nhận máy bay C919 bên ngoài Trung Quốc của Comac có thể là một quá trình kéo dài.
Đại sứ Úc ở Việt Nam thị sát các dự án của Blackstone ở Sơn La
28/02/2024
Đoàn của Đại sứ quán Úc đến thăm mỏ nikel Bản Phúc hôm 23/2/2024
Báo Sơn La
Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski, hôm 23/2 vừa có chuyến thị sát các dự án khai thác và tinh lọc của hãng Blackstone Minerals- gọi chung là Dự án Tạ Khoa, tại tỉnh Sơn La, Việt Nam.
Mạng Investing News Network loan tin ngày 26/2 cho biết mục tiêu của chuyến thị sát nhằm nêu bật vai trò quan yếu của dự án trong chuyển đổi toàn cầu tiến đến phát thải bằng không.
Theo báo Công Thương, dự án của Blackstone Minerals tại Sơn La là một trong những khoản đầu tư tư nhân lớn nhất của Úc vào Việt Nam. Việc đầu tư này cũng góp phần hiện thực hoá các cam kết trong Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Úc đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước công bố tại hội nghị COP26, trong đó có lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
Một trong những khoáng sản đóng vai trò thiết yếu cho công nghệ phát thải thấp là nikel thường được sử dụng trong pin xe điện.
Chuyến thị sát được cho biết bắt đầu tại mỏ nickel Bản Phúc. Ở đó Đại sứ Úc ở Việt Nam được Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Sơn La, ông Đặng Ngọc Hậu, tháp tùng cùng kiểm tra kho chứa hơn 130.000 mét khối quặng, cơ sở nhà máy thử nghiệm thực hiện để tiến hành nghiên cứu khả thi. Cũng tại mỏ nickel Bản Phúc Blackstone khai trương Trung tâm Thông tin Mỏ.
Kết thúc cuộc thị sát là chuyến đi bằng thuyền từ mỏ nikel Bản Phúc tại huyện Bắc Yên đến vị trí nhà máy tinh luyện quặng nikel Tạ Khoa ở huyện Phú Yên.
Việc quản trị hậu cần qua vận chuyển trên Sông Đà được cho biết có mức chi phí thấp nhất, cũng như tạo điều kiện giảm “dấu chân carbon” và loại trừ được sự tiếp xúc với cộng đồng bị cho là một hoạt động có nguy cơ cao trong khai thác và tinh lọc quặng mỏ.
Không có nhận xét nào