Quê Hương tổng hợp
Báo tre
Nguyễn Thông
15/02/2024
Ảnh chụp màn hình. Chú thích ảnh của tác giả: Gần như tất cả báo lớn quốc doanh đều “kết tội” Đài Loan, chỉ duy một báo bé tí là sòng phẳng rõ ràng, chua thêm Trung Quốc.
Vụ gần 300 du khách Đài Loan bị bỏ rơi ở Phú Quốc trong mấy ngày tết sẽ còn nhiều điều cần mổ xẻ chứ không hẳn chỉ do tiền bạc giữa hai công ty du lịch Đài và Việt. Không xử lý cho ra nhẽ, có khi ảnh hưởng rất xấu tới kinh tế du lịch ở xứ này, chứ không phải chỉ giúp họ trở về là xong.
Nhưng tôi lại muốn nói cái khác. Hầu như tất cả những báo quốc doanh đều xăm xắn đưa tin, nhưng khác mọi lần nói về những gì liên quan tới Đài Loan đều chua thêm “Trung Quốc” trong cái ngoặc đơn thành Đài Loan (Trung Quốc) để phủ nhận sự tồn tại độc lập của Đài Loan, để làm vừa lòng Trung Quốc. Lần này chỉ mỗn “Đài Loan”, không dính tí Trung Quốc nào.
Xưa nay có nguyên tắc do “trên” bổ xuống, cứ nhắc tới Đài Loan, dù chỉ trong lĩnh vực thể thao, công nghệ, du lịch… chả liên quan gì tới chính chị chính em, và nhất là nói về những thành tựu, cái hay cái tốt, thì phải chua thêm Trung Quốc. Không chua, bị nhắc nhở, bị phạt. Tuyên giáo làm điều này rất mẫn cán, được Bắc Kinh hài lòng.
Nhưng cả cấp trên lẫn báo chí đều hiểu ngầm với nhau: Với những cái xấu của Đài Loan thì cứ lờ Trung Quốc đi, không chua, không ngoặc đơn ngoặc kép chi hết. Ví dụ vụ Đài Loan xây cất trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn bộ ngoại giao (tức nhà nước) lẫn báo chí chỉ trần sì nêu Đài Loan thôi, mặc nhiên coi Trung Quốc không liên quan. Những cái xấu khác, như ma túy, buôn người, phạm tội, lừa đảo… nếu là người Đài Loan cũng chỉ gọn lỏn Đài Loan, không ngoặc đơn ngoặc điếc, cứ làm như Trung Quốc vô can. Tốt thì của Trung Quốc, xấu là do Đài Loan.
Lại nhớ câu thơ Việt của cụ đổng lý Việt Phương (tác giả “Cửa mở”): “Ta có thể nói với kẻ thù những lời bình tĩnh/ Tất cả những gì tốt đẹp của mày thì thuộc về tao/T ất cả những gì xấu xa của tao thì thuộc về mày“. Thứ tư duy, thái độ cư xử tiểu nhân này bị cụ Việt Phương phê phán kịch liệt, ai dè hơn nửa thế kỷ vẫn y chang, lên tới cấp nhà nước, được báo chí mậu dịch quán triệt.
Vụ này, nó cũng na ná như báo quốc doanh khi đưa tin những gì tốt thì của TP.HCM, xảy ra ở TP.HCM, nhưng xấu xa đồi bại cứ đổ tất cho Sài Gòn.
Báo chí xứ này luôn tự nhận, tự phong là quyền lực thứ tư (cùng với lập pháp, hành pháp, tư pháp) nhưng thực tế chỉ là ảo. Nó là chim trong lồng, người ta bắt hót thế nào phải hót vậy, bảo không hót là không hót, nín là nín, có đè ra mổ thịt cũng cấm kêu choét choét. Vẫn biết “cơm áo không đùa với khách… báo”, “nợ áo cơm nên phải trả hình hài”, nhưng làm báo đặc sệt quốc doanh kiểu thế, thà dẹp đi, kẻo hổ thẹn với tiền nhân. Còn có “tự do báo chí” như các ông bà này nọ xoen xoét cái mồm hay không, còn khuya nhá.
Xứ này chỉ có báo tre thôi. Tre uốn éo thành đạo rồi. Ai không uốn theo nó, nó vót thành chông đâm chết đứ đự.
Báo Mỹ viết về Việt Nam siết kiểm tra nồng độ cồn, xe máy vi phạm chất đống
15/02/2024
Xe vi phạm chất đống trong các bãi giữ xe của công an Tp.HCM, tháng 1/2024.
Rất nhiều xe máy - phương tiện đi lại được ưa chuộng ở Việt Nam - đang chất đống tại các bãi tạm giữ ở thành phố Hồ Chí Minh vì một số chủ xe thấy rằng thà bỏ luôn chiếc xe sẽ tốn ít tiền hơn là nộp phạt để lấy lại, báo Mỹ New York Times cho hay trong một phóng sự đăng hôm 14/2.
Tp.HCM, cũng là trung tâm tài chính của Việt Nam, đã trở nên quyết liệt hơn trong việc tập trung chống nạn lái xe khi say rượu bia trong những năm gần đây bằng cách tăng mức phạt và tịch thu phương tiện. Các quan chức nói rằng những khoản tiền phạt đó hiện nay thường cao hơn giá trị của xe và nhiều tài xế không đến nhận lại, bài báo của New York Times tường thuật.
Giờ đây, cảnh sát đang loay hoay không biết phải làm gì với những chiếc xe đó, trong khi một số người dân bức xúc vì điều này đến mức họ đã công khai lên tiếng phàn nàn, cho dù việc chỉ trích Đảng Cộng sản cầm quyền có thể mang lại rủi ro ở Việt Nam, nhà báo của New York Times viết.
Tờ báo Mỹ trích dẫn một người có tên là Nguyen Khang, 30 tuổi, làm việc tại một ngân hàng ở thành phố, nói rằng hệ thống trừng phạt kém hiệu quả và không cần thiết đang bắt những chiếc xe máy làm “con tin”.
Ông này nói thêm: “Các cơ quan hữu quan cũng hiểu điều này. Nhưng về cơ bản, họ vẫn chưa tìm ra cách nào toàn diện hơn”.
Chiến dịch không khoan nhượng đối với nạn lái xe khi say rượu bia có những điểm giống như những nỗ lực trước đây ở Việt Nam nhằm tăng cường trật tự công cộng - chẳng hạn như việc dẹp các hàng quán trên đường phố Hà Nội và Tp.HCM - vốn bị nhiều người coi là nặng tay, New York Times đưa ra quan sát.
Chương trình 4 năm chống tác hại của rượu bia là nguyên nhân chính dẫn đến việc tịch thu phương tiện giao thông trên khắp Việt Nam trong những năm gần đây, báo Mỹ viết.
Các quy định được sửa đổi, trong đó, mức phạt tối đa đối với hành vi lái xe khi say rượu bia đã tăng gần gấp đôi vào năm 2020, lên mức từ 6 đến 8 triệu đồng, cao hơn mức lương tháng trung bình của người lao động Việt Nam. Luật cấm mọi người lái xe với bất cứ một chút nồng độ cồn nào trong người.
Chiến dịch này đã có những tác động rõ rệt ở một quốc gia nơi bia được bán tràn lan tại các quán vỉa hè và việc nhậu lai rai là chuyện thường tình. Doanh số bán bia trên toàn quốc gần như ngay lập tức giảm ít nhất một phần tư; hàng chục nghìn người bị tước bằng lái xe; và công an Tp.HCM nói rằng năm ngoái các vụ tai nạn, số người bị thương và tử vong liên quan đến giao thông đều giảm, New York Times đưa ra bức tranh khái quát.
Theo tìm hiểu của VOA, trong năm 2023, công an Tp.HCM đã xử lý hơn 650.000 người vi phạm, 20% số đó phạm lỗi về nồng độ cồn, và tổng số xe máy, ô tô bị thu giữ là gần 155.000 chiếc.
Trên bình diện cả nước, trong cùng năm, có 770.000 người bị xử lý vì vi phạm nồng độ cồn, là con số kỷ lục, tăng gấp rưỡi so với năm 2022, theo báo Thanh Niên. Báo này trích dẫn Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) của Bộ Công an nhận xét rằng việc quyết liệt xử lý vi phạm đã giúp giảm 9% vụ tai nạn giao thông, giảm 26% người chết và bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh kết quả tích cực, một hệ quả khác là sự mạnh tay đối với vi phạm nồng độ cồn dẫn tới lượng xe cộ bị bắt giữ tăng cao, làm các kho chứa tang vật của công an bị quá tải và đối mặt với các nguy cơ cháy nổ.
Cục CSGT nói với Thanh Niên hồi tháng 1 rằng tình trạng quá tải ở các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm không chỉ diễn ra tại các thành phố lớn như Tp.HCM, mà ở 100% các tỉnh, thành cũng như các quận, huyện, thị xã.
Các nhà chức trách đã cân nhắc đến việc bán thanh lý những chiếc xe bị bỏ mặc nhưng các quy định hiện hành không dễ thực hiện. Thanh Niên được một cán bộ CSGT Tp.HCM cho biết đầu tiên là phải tuân thủ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính mất 12 tháng, sau đó, phải xác minh, thông báo, tịch thu, thẩm định giá, bán đấu giá, tổng cộng mất thêm khoảng 2 năm.
Phía công an đã kiến nghị với các cơ quan nhà nước liên quan để tìm cách tháo gỡ. Bộ Tài chính Việt Nam cho hay trong tháng 1 rằng họ đã dự thảo một nghị định bao gồm cả việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, với thời hạn xử lý tối đa không quá 6 tháng, Thanh Niên cho biết.
Dự thảo nghị định đang trình cấp có thẩm quyền để xem xét, ban hành, theo Thanh Niên. Khi nó được thông qua, người ta kỳ vọng rằng nó sẽ giúp đẩy nhanh quy trình, thủ tục xử lý và “góp phần hạn chế tình trạng để lãng phí các tài sản như xe vi phạm hành chính cũ, hư hỏng”, Thanh Niên viết hồi tháng 1.
Hơn 500 người phải cấp cứu vì pháo trong dịp Tết ở Việt Nam
14/02/2024
Embed share
Bộ Y tế Việt Nam hôm 13/2 cho biết rằng số ca tai nạn do pháo nổ tăng cao trong dịp Tết năm nay, và tính đến mùng 4 Tết, có 583 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa.
Theo Tuổi Trẻ, so với Tết năm trước, số ca tai nạn do pháo nổ tăng 52%, và trong số này có tới 302 trường hợp phải nhập viện điều trị.
Ngoài ra, tờ báo này cũng dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết rằng cũng có 82 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn vì vũ khí, vật liệu nổ tự chế, tăng 60 ca so với cùng kỳ Tết năm ngoái, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Tin cho hay, từ ngày 8 đến 13/2, các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận hơn 320.000 lượt người bệnh khám và cấp cứu, tăng 30,2% so với cùng kỳ Tết năm ngoái.
Theo Tuổi Trẻ, các số liệu này được tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở y tế các tỉnh, thành phố.
Theo đó, tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là hơn 117.000 người (tăng 2,1%) và các cơ sở y tế thực hiện 13.095 ca phẫu thuật, trong đó có gần 2.900 ca phẫu thuật cấp cứu.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết từ 8 tới 13/2, cả nước xảy ra 466 vụ tai nạn giao thông, làm 187 người chết và 435 người bị thương.
Tin cho hay, trong khoảng thời gian này, cơ quan chức năng cũng xử lý 24.480 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng khách kỷ lục dịp Tết
14/02/2024
Quang cảnh tại một sân bay của Việt Nam. [Ảnh minh họa]
Gần 148.000 khách qua sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày mùng 5 Tết (14/2), ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, và đây là lượng khách cao nhất dịp cao điểm Tết năm nay.
Theo Dân trí, thông tin này được đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, đồng thời nói thêm rằng sân bay “đã chuẩn bị kịch bản phục vụ khách tăng cao khi kết thúc kỳ nghỉ Tết”.
Báo này đưa tin, sân bay dự kiến phục vụ gần 148.000 khách với 934 chuyến bay trong ngày 14/2 với gần 90.000 khách hạ cánh và hơn 58.000 khách đi, chủ yếu là các chuyến trong nước.
Theo VnExpress, đây là ngày thứ hai liên tiếp sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng khách ở mức cao. Mùng 4 Tết, khách qua nơi này hơn 136.000 người với 843 chuyến bay được khai thác.
Báo điện tử này đưa tin thêm rằng số chuyến bay cùng lượng khách qua Tân Sơn Nhất những ngày tới được dự báo vẫn duy trì mức cao, chủ yếu chiều đến TP HCM.
Trước đó, tin cho hay, trong kế hoạch phục vụ đi lại giai đoạn cao điểm dịp Tết (từ 26/1 đến 24/2), Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo mỗi ngày có khoảng 860-900 chuyến bay đi và đến sân bay với lượng khách bình quân 135.000-140.000 người.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trong ba ngày đầu tháng Hai, sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận gần 700/1.100 chuyến bay bị hủy, chậm chuyến, theo báo chí trong nước.
Tuổi Trẻ dẫn số liệu từ Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất cho biết rằng chỉ trong ba ngày đầu tháng 2/2024 có 1.100 chuyến bay nhưng có gần 60% chuyến bay bị chậm và 40 chuyến bị hủy.
Không có nhận xét nào