Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 01 tháng 02 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Sản lượng đất hiếm của Việt Nam giảm vào khi của phía Trung Quốc tăng

    01/02/2024

    Sản lượng đất hiếm của Việt Nam giảm vào khi của phía Trung Quốc tăng

    Một công nhân làm việc tại mỏ đất hiếm ở Trung Quốc năm 2011 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) điều chỉnh mạnh ước tính về sản lượng đất hiếm của Việt Nam và dự báo sẽ giảm thêm nữa dù có trữ lượng dồi dào.

    Reuters loan tin ngày 1 tháng 2 dẫn nguồn từ báo cáo thường niên của USGS về thực tế vừa nêu đối với đất hiếm Việt Nam. Trong khi đó sản lượng đất hiếm của Trung Quốc gia tăng.

    Báo cáo của USGS công bố vào cuối tháng 1 vừa qua, chỉ ít tháng sau khi cơ quan chức năng Việt Nam hồi tháng 10 bắt giữ những lãnh đạo công ty đối tác với những hãng Phương Tây phát triển những dự án khai thác đất hiếm tại Việt Nam.

    Reuters nói không rõ có mối liên hệ nào giữa điều chỉnh của USGS và biện pháp bắt giữ như thế hay không.

    Dữ liệu của USGS cho thấy trữ lượng đất hiếm của Việt Nam đứng thứ nhì thế giới chỉ sau Trung Quốc. Việt Nam ước tính có chừng 22 triệu tấn đất hiếm; tuy nhiên chỉ mới chiết xuất được 1.200 tấn trong năm 2022. Con số này giảm so với ước tính mà USGS đưa ra trước đó là 4.300 tấn chiết xuất trong năm 2022.

    Vào năm 2023, sản lượng giảm xuống còn 600 tấn; trong khi mục tiêu của Việt Nam đề ra là cho đến cuối thập niên này, mỗi năm sản lượng từ 20.000 đến 60.000 tấn.

    Trong khi đó theo số liệu của USGS thì sản lượng đất hiếm toàn cầu vào năm ngoái tăng lên 350.000 tấn từ mức 300.000 tấn của năm 2022. Mức tăng này chủ yếu do Trung Quốc tăng sản lượng đất hiếm lên 240.000 tấn từ mức hạn ngạch 210.000 tấn.

    Sản lượng đất hiếm của Myanmar trong năm qua cũng tăng gấp ba lần lên 38.000 tấn từ mức 12.000 tấn trong năm 2022.

    Sản phẩm chiết xuất từ đất hiếm được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, gồm ngành sản xuất xe hơi điện, bình điện xe hơi, ngành năng lượng tái tạo, cũng như có một số ứng dụng trong các sản phẩm điện tử và thiết bị quân sự…

    Philippines vượt mặt Việt Nam về tăng trưởng

    Thành phố Manila

    Nguồn hình ảnh, TED ALJIBE/AFP qua Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Khung cảnh thủ đô Manila, Philippines.

    Philippines đã vượt qua cả Việt Nam và Indonesia về tăng trưởng GDP, vươn lên xếp đầu ASEAN. 

    Mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra của chính phủ ở mức 6% - 7%, tăng trưởng GDP của Philippines trong năm 2023 đạt 5,6%, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á đã báo cáo.

    Trong khi đó, GDP của Việt Nam tăng 5,05% trong năm 2023. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, ước đạt mức tăng trưởng 5% trong cùng kỳ. Tỷ lệ này của Malaysia, Thái Lan và Singapore lần lượt là 3,8%, 1,8% và 1,2%.

    Các khu vực tiêu dùng, dịch vụ và đầu tư là những động lực tăng trưởng chính của Philippines trong năm 2023. 

    Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Arsenio Balisacan hôm thứ Tư cho biết chính phủ nước này tự tin vào kịch bản tăng trưởng từ 6,5% - 7,5% trong năm 2024.

    Năm ngoái, nền kinh tế Philippines đối mặt với nhiều khó khăn như giá thực phẩm tăng và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Để đáp lại, chính phủ và ngân hàng trung ương nước này đã thực hiện hàng loạt chính sách thắt chặt, bao gồm áp giá trần đối với gạo và tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong nhiều năm.

    Theo ông Balisacan, trong thời gian tới, Philippines sẽ cần đầu tư mạnh hơn vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, vốn chiếm 10% GDP. 

    Tổng thống Philippines và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

    Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP qua Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr (trái) thăm Việt Nam trong hai ngày 29, 30/1. Thương mại gạo là một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai nước.

    Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tuần này của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr, thương mại gạo được cho là một trong những trọng tâm. Hiện gạo Việt Nam đang chiếm đến 85% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

    Về phía Việt Nam, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6% - 6,5%, nhỉnh hơn các kịch bản của ADB, IMF và WB (lần lượt là 6%, 5,8% và 5,5%).

    Cả Việt Nam và Philippines đều được dự báo trở thành những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á trong khoảng 2 thập kỷ tới. Theo bảng xếp hạng World Economic League Table do CEBR công bố tháng 12/2023, tới năm 2038, kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 21 thế giới, còn Philippines xếp thứ 3 khu vực và thứ 23 thế giới.

    Tuy vậy, trước mắt chính quyền Tổng thống Marcos sẽ phải đối mặt với những thách thức từ kinh tế toàn cầu ảm đạm, leo thang căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông, hay mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa ông Marcos với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.

    Giá xăng tăng hơn 700 đồng/lít, vượt mốc 24.000 đồng

    RFA
    01/02/204

    Giá xăng tăng hơn 700 đồng/lít, vượt mốc 24.000 đồng

    Một cây xăng ở Hà Nội. Ảnh minh họa. 

    AP 

    Giá bán lẻ xăng tăng hơn 700 đồng/lít đưa giá bán xăng RON95 lên 24.160 đồng/lít. Đây là lần thứ Tư liên tiếp giá xăng tăng kể từ đầu năm 2024.

    Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu trong ngày một tháng Hai và được truyền thông loan trong cùng ngày.

    Theo đó giá bán lẻ xăng E5 RON 92 thêm 740 đồng/lít lên 22.910 đồng/lít, đồng thời tăng giá bán lẻ xăng RON 95 thêm 760 đồng/lít, lên 24.160 đồng/lít.

    Giá dầu diesel bán lẻ cũng tăng 620 đồng/lít, lên 20.990 đồng/lít. Tại kỳ điều hành này, liên bộ cho biết chỉ trích lập Quỹ bình ổn với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, trong khi không trích lập và không chi quỹ bình ổn đối với các loại xăng dầu còn lại.

    Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 25/1), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá xăng E5 tăng 760 đồng/lít, lên 22.170 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít, giá bán là 23.400 đồng/lít.

    Liên quan đến thị trường xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 24/1/2024 ký Công điện về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thời gian tới.

    Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường; chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống; tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. 

    Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

    Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời có giải pháp kịp thời không để ảnh hưởng, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

    Vào giáp Tết 2023, “điệp khúc” thiếu xăng dầu đã khiến không chỉ người dân mà các doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn. Lúc bấy giờ Bộ trưởng Công thương đăng đàn giải trình rằng việc thiếu xăng dầu cục bộ là “điều rất đáng tiếc và bất thường”.

    Việt Nam giảm điểm, tụt hạng về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2023 

    01/02/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam 2023

    Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam 2023 

    Hôm 30/1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) năm 2023. Trong đó, Việt Nam đạt 41/100 điểm và xếp hạng 83/180 toàn cầu, như vậy, đã bị giảm điểm, tụt hạng so với một năm trước.

    Chỉ số CPI của Việt Nam năm 2022 là 42/100 điểm và đứng thứ 77/180 nước được xếp hạng, nằm trong số các nước vẫn có nhiều tham nhũng.

    Nhưng nhìn chung, TI nhận thấy rằng từ 2015 đến nay chỉ số CPI của Việt Nam tăng lên 10 điểm, vượt cả Trung Quốc (42/100) chỉ tăng 6 điểm từ năm 2014.

    Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) là bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Theo các chuyên gia và doanh nhân, chỉ số này đo lường mức độ tham nhũng trong khu vực công của mỗi quốc gia.

    Tuy về mặt thống kê, việc giảm điểm này của Việt Nam được xem là không đáng kể, nhưng, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn bị xem là “rất nghiêm trọng”, theo TI.

    Ngoài ra, tổ chức TI - một phong trào toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia nhằm chấm dứt sự bất công của tham nhũng - nhận xét rằng quyền tự do ngôn luận bị cản trở ở Việt Nam có thể làm hỏng chiến dịch bài trừ tham nhũng của nước này.

    “Tại Việt Nam (41 điểm), một chiến dịch chống tham nhũng nổi tiếng đầy hứa hẹn đang bị phá hoại do tiếp tục hạn chế những tiếng nói phản biện, có thể cản trở tính bền vững của những nỗ lực đó”.

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về chỉ số CPI 2023 và nhận định trên của TI, nhưng chưa được phản hồi.

    Hàng năm TI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công.

    Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia châu Á khác có điểm CPI thấp bao gồm Triều Tiên (17), Myanmar (20), Tajikistan (20), Campuchia (22) và Uzbekistan (33).

    Ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh xin thôi chức, nghỉ hưu, Trung ương Đảng duyệt 

    01/02/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Ông Trần Tuấn Anh khi còn là Bộ trưởng Công Thương, 4/6/2020.

    Ông Trần Tuấn Anh khi còn là Bộ trưởng Công Thương, 4/6/2020. 

    Ông Trần Tuấn Anh, cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam, mới đây xin nghỉ hưu và đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 duyệt hôm 31/1 trong cuộc họp tại Trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, Cổng thông tin điện tử của chính phủ và Thông tấn xã Việt Nam tường thuật.

    Cho đến ngày ông nêu nguyện vọng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu, ông Trần Tuấn Anh, 60 tuổi, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

    Trước đó, ông nắm cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021, được Đảng Cộng sản đánh giá là “đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành công tác của ngành Công Thương đạt kết quả quan trọng”.

    Tuy nhiên, hồi đầu tháng 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng xác định ông Trần Tuấn Anh và một số quan chức cao cấp khác đã mắc các sai phạm nghiêm trọng tại Bộ Công Thương và đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật những người này.

    Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ rằng Ban cán sự đảng Bộ Công thương các nhiệm kỳ từ 2016-2026 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để bộ và nhiều tổ chức, cá nhân có những vi phạm nghiêm trọng trong việc ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện 7 điều chỉnh; trong ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; trong tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.

    Bộ Chính trị sau đó đã họp, quyết định kỷ luật khiển trách hai ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó thủ tướng, và Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Nhưng cơ quan quyền lực này của đảng không đề cập hình thức kỷ luật đối với ông Trần Tuấn Anh.

    Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng Cộng sản và nhân dân, mới đây, ông Trần Tuấn Anh đã nộp đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý duyệt đơn của ông.

    Hàng ngàn người đăng ký thi đi Hàn Quốc lao động

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/hang-ngan-nguoi-dang-ky-thi-tuyen-lao-dong-sang-han-quoc.jpg

    Kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc đợt đầu tiên năm 2024 dự kiến lấy 15.400 người trúng tuyển, làm việc trong 5 ngành nghề. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn) 

    Những ngày qua, hàng ngàn người tại Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh xếp hàng ở Trung tâm Dịch vụ việc làm để đăng ký tham gia kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc.

    Tại Hà Nội, Theo thông báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm, người lao động có hộ khẩu thường trú tại TP. Hà Nội đăng ký dự thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ ngày 26/1/2024 đến hết ngày 30/1/2024 (bao gồm cả thứ Bảy và Chủ nhật).

    Theo bà Vũ Thị Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận được gần 1.500 hồ sơ của người lao động nộp, đông hơn rất nhiều năm trước.

    Dự kiến năm 2024, Hà Nội sẽ đưa 4.000 lao động đi xuất khẩu lao động, chủ yếu tập trung tại một số thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc.

    Tại Nghệ An, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tiếp nhận hồ sơ từ 26/1. Những ngày qua có khoảng 4.500 – 5.000 người tới trung tâm làm thủ tục đăng ký dự thi tiếng Hàn. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ chia theo các huyện, thị xã trong 5 ngày, nhưng do lượng người tới đông nên cán bộ đơn vị phải làm thêm cả ngoài giờ để giải quyết cho người dân.

    Những lao động đến đăng ký dự thi tiếng Hàn đợt này chủ yếu độ tuổi từ 18 đến 39.

    Tại Hà Tĩnh cũng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi đến 30/1. Mỗi ngày, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đón hàng trăm người tới làm thủ tục.

    Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) đã có thông báo kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 cho người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS).

    Kỳ thi này tuyển khoảng 15.300 người, trong đó có 11.200 chỉ tiêu ngành sản xuất chế tạo, gần 900 người ngành nông nghiệp, 200 chỉ tiêu ngành xây dựng và hơn 3.000 vị trí ngành ngư nghiệp.

    Đáng chú ý, trong kỳ thi lần này, phía Hàn Quốc tạm gỡ quy định dừng tuyển lao động ở 8 địa phương có nhiều người cư trú bất hợp pháp theo thông báo từ năm 2023.

    Theo đó, các địa phương bị tạm dừng đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS bao gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), TP. Chí Linh (tỉn Hải Dương), thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

    Như vậy, việc tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc đợt này diễn ra trên phạm vi cả nước, không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương như những năm trước đây, trừ một số ngành thiểu số đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp.

    Tuy nhiên, những người lao động có thân nhân gồm bố mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn sẽ không được tham gia Chương trình EPS.

    Theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, năm 2024, hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài của Hàn Quốc tăng lên so với năm trước khoảng hơn 45.000 người. Tổng số lượng dự kiến tiếp nhận lao động nước ngoài năm nay của nước này là 165.000 người. Vì thế, cơ hội cho lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam được sang làm việc tại thị trường này sẽ tăng lên rất nhiều.

    Về chi phí dự thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024, cho đợt tiếp nhận đăng ký từ ngày 26/1/2024 – 30/1/2024 là 700.000 đồng/đơn đăng ký. Ngoài ra, người lao động không phải nộp thêm bất kỳ chi phí nào khác.

    Minh Long

    Tết nghèo của người lao động!

    Diễm Thi
    30/01/2024

    Tết nghèo của người lao động!

    Một công nhân lau chùi đầu rồng bằng gỗ tại tỉnh Bắc Ninh 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Đối với mọi người Việt, theo truyền thống tự bao đời, Tết đến, dù nghèo khó mấy cũng phải cố gắng dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ với ít bông hoa; cũng mua sắm thức ăn, bánh mứt cho ba ngày xuân…

    Thế nhưng năm nay, dù chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết nguyên đán nhưng sức mua yếu, dù hàng hóa được bày bán không thiếu, cả về chủng loại lẫn kiểu dáng.

    Theo truyền thông Nhà nước, sức mua Tết năm nay giảm là do người dân cắt giảm chi tiêu; do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao.

    Chị Tha ở Trà Vinh nói với RFA chuyện mua sắm Tết năm nay của gia đình chị:

    “Nói thiệt tình với em là Tết năm nay nhà chị chưa mua sắm gì hết. Bữa nay ông xã chị bán vé số bị người ta thiếu lại 200 ngàn (đồng) nữa. Thiếu hụt quá trời. Không có dư dả gì hết. Bữa nào hết bữa đó thôi. Bán một ngày 168 tờ vé số lời được 168 ngàn đồng. Bên phường họ cho phiếu đi lãnh quà Tết trị giá 200 ngàn đồng. Họ cho bốn trứng vịt; ba trái khổ qua; năm ký gạo; 10 gói mì tôm; nửa ký đường; hai bịch muối; ba đôi dép. Ăn Tết vậy đó.”

    Cô Tuyết quê Tây Ninh lên Sài Gòn làm công nhân thì cho hay:

    Chưa mua sắm Tết gì hết. Năm nay khó khăn quá không chuẩn bị gì hết. Tiền không có nhưng cũng phải mua ít bánh mứt ngoài chợ về để có khách tới thì lấy ra mời khách thôi. Anh em trong nhà hùn vô người một miếng thôi chứ không sắm sửa đầy đủ trong nhà ăn Tết đâu.

    Chỉ những người giàu, có của ăn của để mới sắm sửa đầy đủ trong nhà thôi. Nhiều người còn bị mất việc về quê hết luôn. Năm nay ai cũng khó khăn chứ không chỉ gia đình em đâu. Nhiều người nói năm nay không ăn Tết luôn. Xóm em chẳng thấy ai chưng bày gì hết vì tình hình chung là nghèo. Không ai mua bán gì được. Ngoài tháng lương 13, năm nay không có thưởng, bổng gì hết”.

    Chưa mua sắm Tết gì hết. Năm nay khó khăn quá không chuẩn bị gì hết. Tiền không có nhưng cũng phải mua ít bánh mứt ngoài chợ về để có khách tới thì lấy ra mời khách thôi. Anh em trong nhà hùn vô người một miếng thôi chứ không sắm sửa đầy đủ trong nhà ăn Tết đâu. - Cô Tuyết

    Một số người dân chia sẻ với RFA rằng, chuyện mua hoa trang trí nhà cửa là chuyện xa xỉ, thôi thì chờ đến chiều tối 30 ra “lượm” vài chậu về cho có không khí Tết.

    Anh Thiệu ở Sài Gòn nói với RFA rằng, đến hôm nay nhà anh chưa sắm gì cho Tết:

    “Tình hình Tết năm nay thì buồn nhiều hơn vui rồi đó. Tôi có người bạn thân trồng mai ở làng mai Thủ Đức để bán. Năm nay chỉ dám thuê xe chở 1/10 số mai đi bán so với mọi năm vì biết sức mua rất kém. Những ngành khác cũng đìu hiu lắm. Các mặt hàng đều ế, tình hình kinh tế khó khăn chung. Tôi cũng bình thường như mọi ngày, không sắm sửa Tết gì hết. Tình hình chung ảm đạm lắm. Mà tôi nghĩ, nếu theo cái đà này thì năm 2024 này còn ảm đạm hơn nữa.”

    AP21039153235444.jpg

    Buôn bán hoa Tết. Reuters. 

    Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, trong tháng 1 năm 2024, số doanh nghiệp khó khăn, rời bỏ khỏi thị trường là 54.000 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 43.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 8.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; hơn 2.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

    Cũng theo số liệu Tổng Cục Thống kê công bố cuối tháng 12 năm 2023, trong năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân, một tháng có gần 14.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

    Tại Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM chiều 2 tháng 12 năm 2023, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Văn Thinh đưa ra con số người lao động nghỉ việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 11 tháng năm 2023 ở TP.HCM là 156.300 người, thuộc 3.671 doanh nghiệp.

    Con số cả trăm ngàn doanh nghiệp ngưng hoạt động chỉ trong hai năm qua kéo theo con số công nhân mất việc không nhỏ, ảnh hưởng chung đến tình hình mua sắm, kinh doanh trong nước.

    Cậu Ba, chủ hai nhà hàng ở Sài Gòn và có nhà cho công nhân trọ, chia sẻ nhận định của mình với RFA sáng 30 tháng 1 về tình hình mua sắm Tết ở Sài Gòn:

    “So với năm ngoái thì không bằng. Năm ngoái là vẫn còn bình thường. Tháng 3, tháng 5 năm ngoái khách tiệm em còn đông, sau đó giảm dần. Bây giờ ế “banh càng” luôn. Ai cũng than hết. Từ những người bán những món ăn bình dân như cơm tấm, bún gạo. Quán cơm tấm đông nổi tiếng hồi trước 8 giờ hết, bây giờ phải 10 giờ mới hết; bún gạo xào cũng than ế. Quán em giờ đang có ba bàn khách. Như vậy là đông, nhưng chỉ bằng 1/10 so với hồi trước. Hồi trước thời điểm này là khách đầy 30 bàn, có khi hơn. Bây giờ là ế. Có nghĩa là tình hình tệ lắm.

    Công nhân trả nhà hàng loạt vì họ không biết sau Tết quay lại có việc làm hay không. Còn 10 ngày nữa Tết nhưng không có không khí Tết; không có một chút sắc xuân. Không có cái gì hết!”

    Một nhà quan sát tình hình kinh tế, chính trị ở Sài Gòn (giấu tên vì lý do an toàn) nhận định với RFA:

    “Nhìn chung các doanh nghiệp làm ăn cũng bết bát. Người đi xem chợ hoa, chợ Tết thì nhiều nhưng người mua chẳng bao nhiêu. Hàng hóa dồi dào nhưng ế ẩm. Theo tôi, qua đại dịch, tâm lý người Việt thay đổi. Họ không đổ tiền vào cái Tết để rồi ra Giêng thiếu hụt.

    Nhìn vào sức mua năm nay cho thấy, về phía nhà nước thì rất phấn khởi trên tivi; thấy tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam nhất nhì thế giới. Nhưng nhìn con số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 chỉ có 430 tỷ đô la mà thôi. Không bằng ai hết.

    Đừng ru ngủ người dân bằng những con số. Khi tư bản đầu tư vào Việt Nam, họ đem tiền lãi về chính quốc, để chỉ số lại cho lãnh đạo phát biểu trên tivi. Đó là thực chất nền kinh tế Việt Nam hiện nay”.

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước đạt 10.221 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Trước đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận đạt mốc 400 tỷ USD là vào cuối năm 2022, tăng hơn 10 lần so với năm 2000.


    Không có nhận xét nào