Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 26 tháng 02 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Việt Nam hiện có gần 5.000 container vô chủ tại cảng biển

    RFA

    26/02/2024

    Việt Nam hiện có gần 5.000 container vô chủ tại cảng biển

    MInh họa: Hình ảnh hoạt động tại cảng Hải Phòng. 

    AFP 

    Lượng hàng hóa tồn ở cảng biển gần 5.000 container và cả trăm tấn tại các kho hàng sân bay.

    Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) công bố số liệu vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan ngày 26/2.

    Cụ thể tại Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, tính đến tháng 1/2024 số lượng hàn tồn quá 30 ngày và 60 ngày là hơn 1.200 container; tại Chị Cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, số lượng hàng hóa tồn đọng được báo cáo gần 68 tấn thuộc 134 dòng hàng, tăng gấp hơn hai lần so với tháng 1/2023.

    Số lượng hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển tính đến tháng 1/2024 là hơn 4.800 container, hàng tồn tại cửa khẩu đường hàng không gần 470.000 tấn thuộc hơn 2.000 dòng hàng; riêng tại Chi Cục Hải quan Cửa Khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất là trên 467 tấn thuộc 1.700 dòng hàng…

    Tổng Công ty Tân Cảng sài Gòn cho biết có hàng nghìn container chứa phế liệu. Số này chiếm dụng diện tích rất lớn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của cảng.

    Tình trạng tồn đọng các container còn dẫn đến thiếu container rỗng, buộc các hãng tàu tăng giá cước vận chuyển…

    Gần 200 học viên cai nghiện trốn khỏi trung tâm ở Sóc Trăng

    RFA
    26/02/2024

    Gần 200 học viên cai nghiện trốn khỏi trung tâm ở Sóc Trăng

    Một số học viên cai nghiện bỏ trốn được đưa trở lại cơ sở ngày 25/2. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Công an Nhân dân 

    Gần 200 học viên cai nghiện ma túy tại cơ sở ở Sóc Trăng vào ngày 24/2 phá khóa, phá cổng chính để trốn khỏi nơi này.

    Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 25/2 dẫn xác minh của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Sóc Trăng, ông Võ Thanh Quang về vụ trốn trại tập thể mới nhất như vừa nêu.

    Theo lời ông Võ Thanh Quang, cơ sở cai nghiện báo cáo rằng vào trưa ngày 24/2, một số học viên lợi dụng mâu thuẫn giữa những học viên khác đã kích động việc gây náo loạn, đập phá và đến 18 giờ chiều ùa ra cổng, khống chế bảo vệ và phá khóa cổng tràn ra ngoài. Nguyên nhân cụ thể được cho biết là một số học viên nghi ngờ học viên khác báo cho cán bộ quản lý về việc dùng ma túy trong phòng.

    Công an được điều động đến nhưng bị những học viên chống trả khiến ba công an bị thương.

    Tin nói đến sáng ngày 26/2, 94 học viên trốn được ra ngoài bị đưa lại cơ sở. Công an và gia đình của chừng 100 người đang tìm kiếm số còn lại.

    Đây là vụ học viên tai cơ sở tỉnh Sóc Trăng bỏ trốn mới nhất; vài năm trước đây hằng trăm học viên tại cơ sở này cũng đã phá trại trốn ra ngoài. Tại cơ sở này có hơn 460 học viên đang được cai nghiện.

    Tại một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự; đơn cử ở Tiền Giang vào năm 2018, chừng 200 học viên cai nghiện cũng trốn ra ngoài. Trước đó một năm, 100 học biên tại cơ sở ở Long An bỏ trốn do không được cho về nhà ăn Tết năm đó.

    Bộ LĐ-TB &XH Việt Nam thừa nhận cơ sơ vật chất của hơn phân nửa những trung tâm cai nghiện tại Việt Nam thiếu thốn trang thiết bị và không đáp ứng được yêu cầu.

    Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện có hơn 30.000 người nghiện ma túy đang tham gia cai nghiện bắt buộc tại những trung tâm của Nhà nước.

    Người H'mong đòi tự do tôn giáo chứ không "thành lập nhà nước riêng" như Nhà nước vu cáo

    RFA
    26/02/2024

    Người H'mong đòi tự do tôn giáo chứ không "thành lập nhà nước riêng" như Nhà nước vu cáo

    Phụ nữ H'mong chơi với trẻ nhỏ ở chợ phiên ở Lào Cai hôm 5/4/2015 (minh họa) 

    AFP 

    Công an tỉnh Điện Biên nói rằng các nhóm tôn giáo của người H’mong muốn ly khai và thành lập vương quốc riêng ở khu vực miền núi phía Bắc, tuy nhiên một số người hoạt động nhân quyền phản bác luận điệu này.

    Trong bài viết “Không để tái diễn âm mưu thành lập ‘Nhà nước riêng’ ở Điện Biên” ngày 26/2, báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) viết rằng Công an tỉnh Điện Biên đã làm tan rã ba tổ chức phản động tuyên truyền thành lập “Nhà nước riêng” của người H’mong, bắt giữ 107 người đứng đầu; tuyên truyền vận động, cảm hóa 683 đối tượng...

    Dẫn thông tin từ công an, VOV viết rằng trong những năm qua, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch, tổ chức người H’mong lưu vong đã kích động tư tưởng ly khai tự trị dựa vào tuyên truyền dối trá, những lời hứa hão huyền về “Vua Mông.”

    Báo còn viết “…các đối tượng dàn dựng kịch bản ‘đón Vua’ một cách rất huyễn hoặc. Chúng tuyên truyền người Mông cứ đến quả núi ở bản Huổi Khon, nếu thấy đám mây từ trên trời sà vào ai thì người đó được chọn làm ‘Vua’. Người Mông đi theo ‘Vua’ thì không cần làm mà vẫn có rượu thịt ăn.”

    Tuy nhiên, một người H'mong ở xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết thông tin trên của chính quyền đưa ra là hoàn toàn bịa đặt.

    Ông Giàng A Chín mới phải chạy sang Thái Lan khoảng hai tháng nay để tìm kiếm quy chế tị nạn. Sở dĩ ông và một số thành viên trong gia đình phải bỏ nước ra đi vì có nguy cơ bị công an bắt giữ sau khi ông thu thập thông tin và viết báo cáo về đàn áp tự do tôn giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 26/2:

    Vấn đề chính của người H’mong thứ nhất là quyền tự do tôn giáo, thứ hai là đất đai của người H’mong bị thu hồi. Dân tộc H’mong đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi, người H’mong đoàn kết đứng lên đòi đất. Về sau Nhà nước kết tội cho người H’mong là có ý định thành lập vương quốc H’mong và cộng sản Việt Nam bắt đầu đàn áp người H’mong.”

    Tuy VOV không nêu tên ba tổ chức bị coi là “phản động” nhưng trong nhiều năm qua, truyền thông nhà nước thường đưa tin về các hoạt động của các cơ quan chức năng ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc triệt phá các nhóm tôn giáo như Hội Thánh Giê Sùa và Hội Thánh Chúa Thương Chúng Ta (chính quyền thường gọi là tà đạo Bà Cô Dợ).

    Ông Chín thường thu thập thông tin về các vụ đàn áp tự do tôn giáo rồi gửi cho tổ chức Liên minh Nhân quyền người H’mong (Hmong Human Rights Coalition), do một số cá nhân người H'mong đang xin tị nạn ở Thái Lan lập ra. Ông cho biết "Bà Cô Dợ" là nhóm tôn giáo bị đàn áp khốc liệt nhất ở khu vực.

    Trong một bài viết hồi năm 2022, RFA đưa tin về việc Công an huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và Công an huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đàn áp và sách nhiễu tín đồ của nhóm đạo "Bà Cô Dợ." Chính quyền địa phương buộc tín đồ phải bỏ đạo, nếu không sẽ hứng chịu nhiều hậu quả như bị cấm không được đi trên đường thôn, cấm sử dụng nguồn nước...

    Hàng trăm tín đồ theo đạo này ở nhiều tỉnh bị buộc phải bỏ đạo, theo báo cáo của một số nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo.

    Bà Cô Dợ là một nhóm tôn giáo theo Kito giáo, được sáng lập bởi bà Vừ Thị Dợ (tiếng Hmong: Nkauj Ntxawm), người H’mong gốc Lào và hiện đang sinh sống ở Wisconsin (Hoa Kỳ). Chính quyền Việt Nam gọi là tà giáo và quyết tâm triệt phá.

    Trong email gửi RFA một năm trước, bà Dợ (tên tiếng anh: Klao Jer Vue) cho biết báo chí nhà nước Việt Nam đưa thông tin sai sự thật về nhóm đạo này, khẳng định họ hoàn toàn hoạt động về tôn giáo và không có ý định hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam.

    Ông Giàng A Chín, sinh năm 1994, cho biết mặc dù gia đình ông theo Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc, một tổ chức tôn giáo được Chính phủ Việt Nam cho phép hoạt động nhưng vẫn bị truy bức trong những năm đầu của thập niên 1990.

    Bản thân ông, để được đi học trường cấp 3, cũng như Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Tây Bắc ở tỉnh Hoà Bình, ông Chín cũng phải làm theo yêu cầu của công an phải khai “không tôn giáo” khi làm giấy Chứng minh Nhân dân.

    Bài viết của VOV cho rằng, bên cạnh việc xử lý nhóm đối tượng cầm đầu, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cũng có những biện pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân tộc để họ ổn định cuộc sống, tập trung làm ăn phát triển kinh tế như hỗ trợ cây giống, con giống, hỗ trợ làm nhà cho các trường hợp bị lầm lỡ trở về địa phương để trở thành công dân tốt...

    Tuy nhiên, ông Chín cho biết chính quyền địa phương chỉ trợ giúp các gia đình ký vào cam kết bỏ đạo. Gia đình ông không nhận được trợ giúp gì vì không ký giấy bỏ đạo. Tuy nhiên, việc trợ giúp kinh tế không hoàn toàn đúng như ông Minh nói.

    Những gia đình viết cam kết không theo bất cứ tôn giáo nào thì Nhà nước cũng cung cấp một ít tiền để mua trâu bò ngựa. Họ cho vay chứ họ không cho không, khi nào mình làm có tiền thì phải trả lại Nhà nước.”

    Hủy hoại rừng – Báo chí đừng chỉ đưa tin

    Châu Nam Việt

    26/02/2024

    VNTB – Hủy hoại rừng – Báo chí đừng chỉ đưa tin

    (VNTB) – Báo chí phải đóng vai trò hàng đầu trong việc vạch rõ nguyên nhân của tình trạng chặt phá rừng và phân tích một cách thẳng thắn và minh bạch.

    Đầu năm nay, tại vùng biên giới xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai, hơn 30 người dân trong đêm 30 Tết đã đưa nhiều xe công nông vào rừng và đốn hạ 181 cây loại lớn, chiếm gần 26 m3 gỗ. Nếu tìm kiếm trên mặt báo, sẽ thấy rất nhiều những tin tức tương tự ở Lâm Đồng, Bảo Lộc, Tây Nguyên, Lạc Dương…

    Cùng với những thông tin phá rừng trên mặt báo, đó là những bình luận như “Vì sao tình trạng phá rừng không chặn được? Rừng còn chảy máu đến bao giờ? Trách nhiệm nêu gương, người đứng đầu ở đây là gì?”, “Có gì mới đâu, phá hàng chục năm nay rồi?”. Những bình luận này cho thấy sự bức xúc và chán nản của người dân trước tình trạng phá rừng vẫn diễn ra một cách không kiểm soát. Cùng với đó là sự bất lực trước sự quản lý yếu kém của Nhà nước.

    Người dân bày tỏ sự lo ngại về việc tình trạng này không chỉ gây tổn thất lớn về tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái và cuộc sống của cộng đồng.

    Sự bức xúc của người dân cũng phần nào là do việc tình trạng phá rừng đã tồn tại hàng chục năm mà chưa được giải quyết một cách triệt để. Việc đó cho thấy rằng các biện pháp và chính sách hiện tại vẫn chưa đủ mạnh mẽ và có hiệu quả để ngăn chặn và trừng phạt những người vi phạm.

    Trong những phân tích về nguyên nhân không thể bảo vệ rừng, báo chí trong nước thường tập trung vào hai điểm lực lượng bảo vệ và ý thức người dân.

    Thiếu lực lượng bảo vệ

    Đây là một vấn đề quen thuộc và được nhắc đến nhiều trong các bài viết về bảo vệ rừng. Thiếu hụt nhân lực và tài nguyên vật chất khiến cho việc giám sát, tuần tra và xử lý các vi phạm về phá rừng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tại sao lại thiếu nhân lực, tại sao nhân viên kiểm lâm không đủ kinh phí hoạt động khi ngân sách dành cho lực lượng công an cao hơn hẳn so với ngân sách dành cho giáo dục? 

    Ý thức người dân kém

    Việc đổ tội cho ý thức người dân kém được dùng để biện minh và làm cho việc bảo vệ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi đề cập đến các dự án lấy đất của dân xây thủy điện cho các công ty sân sau, hay những dự án khiến đẩy người dân địa phương vào cảnh nghèo đói khiến họ buộc phải đi phá rừng, lấn đất thì lại không thấy nhắc tới. Báo chí bị kiểm duyệt thường không dám nhìn sâu hơn và đưa ra các giải pháp thực sự hiệu quả, không phải bởi họ không nhìn thấy cái lỗi của thể chế, mà vì sự kiểm duyệt mà “ai cũng biết là tại sao”. 

    Việc đưa ra giải pháp chống nạn chặt phá rừng và xây dựng lại rừng quốc gia là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự can đảm và quyết đoán từ các bên liên quan trong việc lắng nghe ý kiến các chuyên gia và nhìn thẳng vào giải pháp, bao gồm cả Nhà nước và các cơ quan quản lý môi trường. Trong quá trình này, vai trò của báo chí không thể phủ nhận, bởi báo chí có khả năng nêu bật những vấn đề quan trọng và đưa ra những phân tích sâu sắc và tới cùng về nguyên nhân và giải pháp. 

    Báo chí phải đóng vai trò hàng đầu trong việc vạch rõ nguyên nhân của tình trạng chặt phá rừng và phân tích một cách thẳng thắn và minh bạch. Báo chí không chỉ đặt câu hỏi tại sao vấn đề này không được chặn đứng mà còn phải đi sâu vào các nguyên nhân cụ thể, bao gồm cả yếu kém trong quản lý, tham nhũng, và thiếu ý thức bảo vệ môi trường.

    Câu hỏi về sự quyết tâm và mong muốn thực sự của chính phủ trong việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia là hoàn toàn chính đáng. Chỉ khi nhìn thẳng vào sự thật, hành động một cách dứt khoát và minh bạch, chính phủ mới có thể thực sự bảo vệ được rừng cũng như môi trường sống của cộng đồng.

    Việt Nam vẫn nợ Quyền tự do hiệp hội của người lao động theo Công ước 87

    Hoài Nguyễn

    26/02/2024

    VNTB – Việt Nam vẫn nợ Quyền tự do hiệp hội của người lao động theo Công ước 87

    (VNTB) –  Tính đến hiện tại thì quyền tự do hiệp hội theo Công nước 87 vẫn chưa được Việt Nam phê duyệt.

    Việt Nam chần chờ phê duyệt Công ước 87 

    Công ước 87 được xem là Công ước nổi bật và mang tính nền tảng nhất trong số hơn 50 Điều ước, Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có liên quan đến quyền tự do hiệp hội. Tuy nhiên, khi đề cập đến quyền tự do hiệp hội theo các tiêu chuẩn của ILO, người ta còn đề cập đến Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Mặc dù có sự độc lập về nội dung, hai Công ước cơ bản này của ILO được xem là “cặp đôi” quan trọng trong việc thực thi quyền tự do hiệp hội.

    Quyền tự do hiệp hội theo Công ước 87 gồm các nội dung chính sau: Công ước 87 ghi nhận quyền tự do thành lập và tham gia hiệp hội của người lao động. Cụ thể, người lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, có quyền được thành lập và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình mà không phải xin phép trước, với “điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó. Sự tự do lập hội còn được thể hiện ở việc các tổ chức của người lao động phải được hưởng.

    Sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia hoặc của những phái viên hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình. Có nghĩa, theo Công ước, người lao động và người sử dụng lao động đều được thành lập tổ chức của mình, và không được can thiệp vào hoạt động của nhau. Tuy nhiên, người lao động là chủ thể có vị thế yếu hơn so với người sử dụng lao động, do đó, Điều 1 Công ước số 98 có quy định nhằm bảo vệ cho chủ thể này. Theo đó, người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử người lao động vì lý do họ tham gia thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn hợp pháp.

    Đồng thời, người sử dụng lao động cũng không được chi phối hoặc hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính hay những biện pháp khác, với ý đồ đặt các tổ chức đó dưới sự kiểm soát của người sừ dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động.

    Luật hóa quyền tự do hiệp hội phù hợp Công ước 87

    Quyền tự do thành lập và tham gia hiệp hội được thể hiện qua một số nguyên tắc như: Không phân biệt đối xử, không phải xin phép, được tự do lựa chọn tổ chức theo mong muốn của người lao động.

    Như vậy theo ý nghĩa nội luật hóa cho thấy rất cần thiết việc Quốc hội phê chuẩn Luật về quyền lập hội mà mấy nhiệm kỳ trước đó của Chính phủ đã từng khởi động để thay thế Luật số 102/L.0 của Quốc hội, về quyền lập hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 01-01-1957.

    Một dự án Luật Về hội đã được dự kiến thông qua vào cuối năm 2016, song phút chót đa số ý kiến đại biểu đồng ý chưa thông qua. Đa số đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý Nhà nước. Và kể từ đó dự luật này vẫn chưa biết bao giờ sẽ tái khởi động.

    Những nhiệm kỳ chờ đợi

    “Chúng ta đã bắt tay chuẩn bị Luật về Hội từ 1986 khi cả nước bắt đầu tiến hành công cuộc “đổi mới” – Phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội” do Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức tại thành phố Vũng Tàu.

    Còn theo ông Đặng Đình Luyến – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa 13, thì, “Một số nghị quyết, văn kiện của Đảng có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các hội được ban hành từ lâu nhưng chưa được các cơ quan chức năng của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, đầy đủ thành văn bản pháp luật để thực hiện, như Kết luận số 102-KL/TW ngày 22-9-2014 của Bộ Chính Trị về hội quần chúng; Nghị quyết số 39 – NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính Trị về tinh giản biên chế… Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Các cơ quan chức năng cần sớm thể chế hóa, ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các hội kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

    Việc xây dựng, ban hành Luật về hội quá chậm, từ những năm 2004 – 2005 Chính phủ đã tổ chức soạn thảo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, do còn một số vấn đề ý kiến còn khác nhau nên Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội và đến năm 2016 Chính phủ đã trình lại Quốc hội cho ý kiến một lần nữa, nhưng có một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã giao lại cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa trình lại Quốc hội. Đề nghị Bộ nội vụ và các bộ ngành có liên qua khẩn trương nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật về hội để sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua để làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các hội”.

    Xem chừng ở năm cuối cùng nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, món nợ về “quyền lập hội” vẫn chưa thấy “điểm sáng” nào cho hứa hẹn trình ở Quốc hội trong năm Giáp Thìn 2024.

    Nhà máy lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể

    RFA
    26/02/2024

    Nhà máy lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể

    Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong lễ khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 22 tháng 2 năm 2009. 

    AFP 

    Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ bắt đầu dừng hoạt động từ ngày 15/3 đến 1/5 để bảo dưỡng tổng thể theo định kỳ.

    Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được truyền thông Nhà nước dẫn thông báo như vừa nêu vào ngày 25/2.

    Đây là lần bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần thứ năm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

    Tổng Giám đốc BSR, ông Bùi Ngọc Dương, cho biết khối lượng công việc BDTT lần này lớn hơn nhiều so với bốn đợt trước đây. Cụ thể số lượng công việc cần thực hiện với hơn 546 thiết bị cơ khí tĩnh, 977 thiết bị đường ống, 67 thiết bị cơ khí, 275 thiết bị điện, 3.195 thiết bị tự động hóa và 67 dự án cải tiến (MOC) và 7 dự án Tie-in.

    BRS phân chia khối lượng công việc như vừa nêu thành 10 gói; trong đó BSR tự thực hiện bốn gói được cho quan trọng, có tình chuyên môn sâu liên quan thiết bị điện, thiết bị quay, tự động hóa, tháo lắp van; sáu gói còn lại thuê nhà thầu thực hiện liên quan đến thiết bị cơ khí tĩnh và đường ống.

    BRS huy động hơn 135 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia công tác BDTT gồm nhà sản xuất, nhà bản quyền & tư vấn thiết kế, kiểm tra & tư vấn độc lập, giám sát bảo dưỡng.

    Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng vào năm 2005 tại Quảng Ngãi, bắt đầu sản xuất vào năm 2009, khánh thành vào năm 2011, do nhà nước Việt Nam làm chủ. Phần công nghệ của nhà máy này do các công ty Pháp, Nhật Bản, Malaysia, và Tây Ban Nha xây dựng.

    Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, có qui mô lớn hơn Dung Quất, và nhà nước Việt Nam chỉ sở hữu một phần, phần còn lại là của một công ty Kuwait và hai công ty Nhật Bản.

    Việt Nam chừng mực - Philippines cứng rắn: Hai cách bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc ở Biển Đông

    26/02/2024

    RFI

    Việt Nam và Philippines muốn khôi phục niềm tin và giảm thiểu các sự cố có thể xảy ra giữa hai nước khi thông qua hai bản ghi nhớ an ninh ký ngày 30/01/2024 về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông”“hợp tác trên biển”. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, không nên coi sự kiện đó thể hiện lập trường thống nhất giữa Manila và Hà Nội trong việc đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. 

    Ảnh tư liệu : Người Việt ở Philippines và người Philippines biểu tình trước lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Makati, Philippines, ngày 16/05/2014 để phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào gần quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông.

    Ảnh tư liệu : Người Việt ở Philippines và người Philippines biểu tình trước lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Makati, Philippines, ngày 16/05/2014 để phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào gần quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. AP - Bullit Marquez 

    Philippines có lập trường cứng rắn hơn, trông cậy vào liên minh với Mỹ nhiều hơn kể từ khi ông Marcos Jr. làm tổng thống. Sự xoay trục này có thể có lợi cho Việt Nam, nhưng Hà Nội không có chung cách tiếp cận với Manila. Việt Nam thận trọng, khẳng định chủ quyền nhưng không rầm rộ phản đối theo cách của Philippines. Đây là một trong những nhận định với RFI Tiếng Việt của giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ.

    Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ.

    Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ. © RFI / Tiếng Việt 

    RFI : Việt Nam và Philippines ký hai bản ghi nhớ về an ninh về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển” giữa lực lượng tuần duyên hai nước. Hai văn bản này có lợi ích như nào cho hai nước cũng có tranh chấp chủ quyền đối với một số thực thể ở Biển Đông ? 

    GS. Alexander Vuving : Tôi nghĩ là bất kỳ sự hợp tác nào giữa Việt Nam và Philippines trên biển đều tốt cho cả hai nước bởi vì hai nước có đòi hỏi chủ quyền chồng lấn lên nhau, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa, một phần lớn khu vực đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Khi Việt Nam đòi hỏi chủ quyền trên một số đảo-đá ở đó thì có sự chồng lấn, rất dễ gây ra những sự cố, những tranh chấp. Bất kể một thỏa thuận nào về hợp tác trên biển giữa lực lượng tuần duyên hai nước, ngăn ngừa sự cố đều hết sức có lợi cho hai quốc gia.

    Đặc biệt hơn, Việt Nam và Philippines là hai nước mà không nước nào lớn hơn hẳn nước kia để có thể “bắt nạt” nước kia. Có nghĩa là khi Việt Nam và Philippines ngồi lại đàm phán với nhau thì đó là một cuộc đàm phán tương đối bình đẳng. Cho nên kết quả cuộc đàm phán nói chung là tương đối công bằng cho cả hai bên. Tôi nghĩ là những bản ghi nhớ vừa ký giữa lực lượng tuần duyên của hai nước, dù không rõ nội dung cụ thể là gì vì họ không công bố, nhưng có thể hiểu rằng thỏa thuận sẽ có lợi cho cả hai nước. Đồng thời có thể nói rằng họ có những thỏa thuận về cách thức để cho hai bên hành xử như thế nào đó để giữ được hợp tác, ngăn ngừa những sự cố thì đó cũng có thể coi là bước đầu tiên tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

    Quảng cáo

    Như chúng ta biết là từ hàng chục năm nay, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thương thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông và không đi đến được thỏa thuận nào cụ thể. Tôi nghĩ là bởi vì trong trường hợp này, Trung Quốc đòi hỏi quá xa và gần như vi phạm nguyên tắc cơ bản của Luật Biển Quốc Tế, trong khi một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines muốn rằng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông phải đi đúng tinh thần của luật quốc tế, nhất là Luật Biển Quốc Tế. Ở đây, chúng ta có Việt Nam và Philippines cùng đồng ý dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

    Tôi hy vọng những thỏa thuận của hai nước là những bước tiến thực chất và tiến bộ trong việc hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, trước hết là song phương giữa Việt Nam và Philippines, sau này có thể mở đa phương với một số nước khác ở Đông Nam Á.

    RFI : Trung Quốc đòi hầu hết chủ quyền đối với Biển Đông, chồng lấn với Việt Nam và Philippines. Nhưng hai nước Đông Nam Á này lại có cách cư xử khác nhau đối với Trung Quốc !

    Alexander Vuving : Mỗi một nước có cách cư xử khác nhau, kể cả ngay bản thân mỗi nước lại có cách cư xử khác nhau trong từng thời kỳ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự cư xử này. Thứ nhất là hoàn cảnh khác nhau khiến người ta cư xử khác nhau. Thứ hai, ngay trong bản thân nội bộ mỗi nước lại có cách hiểu hoàn cảnh khác nhau khi lãnh đạo thay đổi một chút.

    Một điểm quan trọng nữa là mỗi nước có kinh nghiệm lịch sử khác nhau. Việt Nam có kinh nghiệm lịch sử với Trung Quốc rất khác với Philippines. Cho nên cách ứng xử trên cơ sở kinh nghiệm lịch sử cũng rất khác nhau. Thêm nữa, ngay bản thân mỗi nước, tuy họ chung một kinh nghiệm lịch sử nhưng mỗi một cá nhân, một nhóm lãnh đạo lại rút ra những bài học khác nhau từ cùng một kinh nghiệm lịch sử cho nên họ có cách cư xử khác nhau.

    RFI : Philippines thể hiện cứng rắn hơn trong hành động và lời nói, lên án những hành động hăm dọa của tầu thuyền Trung Quốc trong những vùng biển Manila đòi chủ quyền, đặc biệt trong thời gian gần đây. Tuần duyên Philippines hiện giờ cố tỏ ra minh bạch hơn, cập nhận thông tin thường xuyên hơn với báo chí về hoạt động của tầu Trung Quốc. Nhưng dường như Việt Nam không theo chủ trương này ?

    Alexander Vuving : Hành xử của Philippines đối với Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là ở trong khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), phải nói thẳng là khác hẳn với chính cách cư xử của Philippines trong thời kỳ tổng thống Duterte bởi những lý do tôi nói ở trên về cách hiểu của lãnh đạo, cách lãnh đạo rút ra bài học từ cùng một kinh nghiệm lịch sử.

    Tuy nhiên, cách cư xử hiện nay của Philippines ở Bãi Cỏ Mây lại tương đối giống cách hành xử của Việt Nam cách đây khoảng 10 năm vào thời kỳ giàn khoan Hải Dương 981. Theo tôi hiểu, lãnh đạo hiện nay của Philippines, đặc biệt là tổng thống Marcos Jr., đã học được những bài học lịch sử từ những cách ứng xử của Philippines, kể cả của Việt Nam với Trung Quốc trong một, hai thập niên qua. Đặc biệt tôi nghĩ rằng họ cũng đã học được bài học từ chính cách hành xử của Việt Nam đối với Trung Quốc trong thời kỳ giàn khoan Hải Dương 981.

    Chính thời đó, Việt Nam, cũng tương tự Philippines hiện nay, giữ thế của mình, không để Trung Quốc lấn lướt, tìm cách minh bạch. Thậm chí, Việt Nam còn đưa phóng viên quốc tế trên tầu cảnh sát biển Việt Nam ra tận nơi để chứng kiến, thu hình, nghi âm và viết bài, đưa thành một vấn đề quan trọng, nóng hổi trong thời sự quốc tế. Philippines hiện nay cũng tương tự như vậy, có những chuyến tầu đưa phóng viên quốc tế ra tận nơi để ghi lại những sự kiện đó, họ minh bạch thông tin.

    Thế nhưng hiện nay, Việt Nam không hành xử kiểu như vậy nữa. Cách hành xử của Việt Nam gần như đi ngược lại cách ứng xử thời kỳ giàn khoan 981. Tức là suốt từ khoảng năm 2017 trở lại đây, Trung Quốc liên tục đưa tầu tầu hải cảnh, tầu dân quân biển vào sách nhiễu hoạt động kinh tế ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong những vùng khoan dầu khí của Việt Nam, thậm chí có những lúc khiến Việt Nam hủy bỏ hợp đồng, tốn kém đến cả tỉ đô la bồi thường cho các công ty. Thiệt hại rất lớn cho Việt Nam nhưng chính phủ không hề đưa thông tin ra ngoài như thời giàn khoan 981. Công luận Việt Nam gần như không động đậy gì. Đó là sự khác biệt rất lớn. Chúng ta không biết cụ thể tại sao. Tuy nhiên, có thể có một vài giải thích như sau.

    Thứ nhất, Việt Nam học được bài học. Tức là từ cùng một sự kiện giàn khoan 981, có người rút ra bài học : Muốn giữ được chủ quyền với Trung Quốc thì phải kiên quyết đối với họ, không được lùi bước, phải giữ những gì mình có quyền chiểu theo Luật Biển quốc tế, đồng thời phải hết sức minh bạch, đưa các nhà báo quốc tế, đưa công luận quốc tế vào để cho thế giới trông thấy sự thật. Đó là một bài học mà có thể một số người ở Việt Nam và ở Philippines đã rút ra và họ áp dụng hiện nay ở Bãi Cỏ Mây.

    Ngoài ra, người ta cũng có thể rút ra một bài học khác nữa. Bởi vì trong thời kỳ giàn khoan đó, ở Việt Nam đã xảy ra những sự kiện, biểu tình dẫn đến việc sát hại một số công nhân Trung Quốc, ví dụ làm việc ở khu vực Hà Tĩnh, rồi hàng loạt vụ phá hoại những công xưởng có chữ Hoa. Hồi đó đại đa số những công xưởng bị đập phá là của Đài Loan, chứ không phải Trung Quốc. Điều đó gây ra những bất ổn rất ghê gớm, gây rất nhiều thiệt hại về tài sản cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam.

    Từ đó, có thể có một số người rút ra bài học : Nếu căng thẳng với Trung Quốc mà thông tin được đưa ra thì nhân dân sẽ bị lợi dụng và có thể dẫn đến những phản ứng quá khích, gây hậu quả xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc… Bài học rút ra : Từ giờ, nếu có chuyện gì xảy ra ở Biển Đông, trừ trường hợp Trung Quốc đi quá vạch đỏ, như đặt một giàn khoan, còn nếu họ chỉ sách nhiễu, đưa tàu bè vào quấy nhiều thì thôi, cố gắng im lặng để tránh gây ra những sự kiện như thế.

    Còn một vấn đề nữa được gọi là “những ưu tiên chiến lược của lãnh đạo”. Như đã nói ở trên, Philippines thời tổng thống Duterte có những ưu tiên chiến lược khác với tổng thống Marcos Jr. hiện nay. Ông Duterte rất là nhũn với Trung Quốc. Khi Trung Quốc gây hấn thì ông không làm mạnh vì sợ gây ra chiến tranh bởi vì ưu tiên chiến lược của ông Duterte, về mặt quốc nội là chống ma túy, về đối ngoại là hướng tới thế ngoại giao cân bằng hơn. Ông Duterte không tin tưởng vào Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ, ông nghĩ đó chỉ là tờ giấy lộn và Mỹ không thực sự cam kết với thỏa thuận đó.

    Đây cũng là một kinh nghiệm lịch sử của ông Duterte đối với những gì mà tổng thống Mỹ Obama hành xử với Philippines năm 2012 khi có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarboroug. Khi đó Mỹ, thay vì đứng ra bảo vệ Philippines, lại đề xuất làm trung gian hòa giải. Chính vì thế Philippines mất Scarborough về tay Trung Quốc. Nhưng hiện nay, tổng thống Marcos Jr. lại có suy nghĩ khác và nhận thấy Mỹ đã có những cam kết mạnh mẽ hơn đối với Hiệp ước phòng thủ song phương cho nên ông ấy đã thể hiện cứng rắn hơn ở trong khu vực Bãi Cỏ Mây.

    Phải nói là ưu tiên chiến lược của mỗi lãnh đạo khác nhau. Rất có thể lãnh đạo Việt Nam bây giờ có những ưu tiên chiến lược khác so với thời kỳ năm 2014. Tuy cùng một tổng bí thư nhưng thủ tướng khác, rồi hoàn cảnh điều kiện khác.

    RFI : Việt Nam hiểu rằng tranh chấp ở Biển Đông sẽ kéo dài và tìm cách tránh xung đột quân sự. Vậy Việt Nam có chiến lược cụ thể như nào để có thể bảo vệ đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông ?

    Alexander Vuving : Về mặt chính thức, Việt Nam có mấy “K”, tức là “kiên quyết”, “kiên trì”… Còn cụ thể, chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông, tôi tạm gọi là “mỗi thứ một chút”. Tức là Việt Nam sử dụng hầu như các công cụ từ quyền lực cứng đến quyền lực mềm để ứng xử với Trung Quốc ở Biển Đông.

    Quyền lực cứng như là tìm cách tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt trong chiến lược quân sự của Việt Nam có vấn đề hiện đại hóa quân đội, nhất là các binh chủng Hải quân và Không quân - những lực lượng sử dụng nhiều ở Biển Đông - thì đi trước một bước, tức là mua sắm nhiều trang thiết bị, tăng cường khả năng phòng thủ. Ngoài ra còn trang bị thêm cho những lực lượng bán quân sự như hải cảnh, dù không được bằng Trung Quốc nhưng dùng phương pháp “chiến tranh nhân dân” trên biển. 

    Ngoài những biện pháp quân sự như vậy, Việt Nam còn thông qua những biện pháp phi quân sự, như giữ vững chủ quyền ở khu vực đặc quyền kinh tế bằng những hoạt động kinh tế, đặc biệt là khai thác dầu khí. Việt Nam cũng rất chú trọng đến hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài, của những nước lớn đứng sau, chẳng hạn của Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản để giữ chủ quyền ở Biển Đông. Có thể nói đây là một hình thức phần nào “quốc tế hóa”, dùng lực lượng phi quân sự từ bên ngoài răn đe Trung Quốc ở Biển Đông.

    Tiếp theo, trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam rất chịu khó đưa vấn đề Biển Đông ra cho các nước bàn thảo và để lôi kéo về phía mình, đặc biệt là giương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế. Chẳng hạn Việt Nam lập ra một nhóm bạn bè ủng hộ Công ước Quốc tế về Luật Biển ở Liên Hiệp Quốc. Lúc đầu có khoảng hơn 10 nước, trong đó Việt Nam và Đức đồng chủ trì, hiện nay đã có 110-120 nước, có cả Nga và Trung Quốc.

    Ngoài ra, mỗi khi có tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam với các nước, đều có câu nói về vấn đề Biển Đông. Việt Nam tìm mọi cách, phương pháp ngoại giao để lôi kéo các nước ủng hộ lập trường của mình ở Biển Đông rằng tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác về kinh tế để đưa các nước vào nhằm tạo sự đan xen lợi ích của nước ngoài với mình, kể cả với Trung Quốc để làm cho họ bớt hung hăng, bớt chèn ép. Đó cũng là một phương pháp. Có hiệu quả hay không lại là một chuyện khác. Việt Nam cũng dùng cả tình đoàn kết anh em giữa hai đảng Cộng sản, một hình thức “quyền lực mềm” để làm Trung Quốc bớt hung hăng.

    Tóm lại, Việt Nam tìm mọi cách, mỗi thứ một chút, từ cứng cho đến mềm. Tuy nhiên, có thể hiểu là chiến lược của Việt Nam có rất nhiều mũi tên theo rất nhiều hướng. Nhưng mũi tên đó lúc dài lúc ngắn tùy theo thời kỳ. Về hiệu quả, cũng có lúc hiệu quả hơn, cũng có lúc kém hiệu quả.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á tại Hawai, Hoa Kỳ.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào