Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 05 tháng 02 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Việt Nam vượt Trung Quốc, xuất khẩu hàng hoá sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur vào Mỹ

    05/02/2024

    Việt Nam vượt Trung Quốc, xuất khẩu hàng hoá sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur vào Mỹ

    Nông dân Trung Quốc đang thu hoạch bông ở Tân Cương năm 2015 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Việt Nam trong năm 2023 đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng dệt may sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) vào Mỹ, theo số liệu của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ.

    Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt Trung Quốc trong lĩnh vực này kể từ năm 2021 khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật bảo vệ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA). Đạo luật được bắt đầu áp dụng vào tháng 6/2022.

    Trong năm 2023, các mặt hàng giày dép, dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 19,14 triệu đô la, trong số này 10,22 triệu đô la trị giá hàng hoá đã bị phía Mỹ từ chối, theo số liệu của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ.

    Trung Quốc đứng thứ hai sau Việt Nam với trị giá hàng dệt may và giày dép xuất khẩu vào Mỹ năm 2023 là 17,70 triệu đô la, trong số này 1,29 triệu đô la trị giá hàng bị từ chối.

    Việt Nam xuất khẩu tổng số 398 lô hàng dệt may và giày dép vào Mỹ năm 2023, trong số này có 242 lô hàng bị từ chối, 45 lô hàng vẫn đang chờ xem xét.

    Ngoài các mặt hàng dệt may và giày dép, các mặt hàng điện tử và vật liệu chế tạo công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng bị từ chối do sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

    Theo số liệu mới công bố của chính phủ Mỹ, trong tổng số 1.773 lô hàng xuất vào Mỹ của Việt Nam có 1.095 lô hàng bị từ chối, 171 lô hàng vẫn đang chờ xem xét.

    Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương để sản xuất vật liệu sợi bông cho ngành dệt may và polysilicon được sử dụng trong các tấm quang điện. 

    Hồi tháng 11 năm ngoái, Reuters loan tin cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của Mỹ về lao động cưỡng bức Trung Quốc, nước này đứng thứ hai sau Malaysia về các lô hàng bị Mỹ kiểm soát và từ chối.

    Chính phủ Việt Nam hiện chưa đưa ra bình luận gì về những thông tin mới này.

    Việt Nam - Trung Quốc họp bàn xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” đầu năm 2024

    05/02/2024

    Việt Nam - Trung Quốc họp bàn xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” đầu năm 2024

    Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ tiếp, hội đàm với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung hôm 4/2/2024 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVietNamNet 

    Tại cuộc họp của Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc diễn ra vào ngày 4/2/2024, phía Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc giải quyết một loạt các vấn đề khó khăn trong quan hệ kinh tế hai nước.

    Báo Nhà nước đưa tin hai nước họp bàn xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai hay còn gọi là Cộng đồng chung vận mệnh, một khuôn khổ do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất nhằm gây ảnh hưởng lên các nước. Việt Nam là quốc gia thứ tám trong ASEAN tham gia sáng kiến này của Trung Quốc nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái.

    Theo truyền thông trong nước, tại cuộc gặp giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung, phía Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, Thành Đô và Nam Kinh, sớm đàm phán ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo.

    Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng đề nghị Trung Quốc sớm giải quyết những khó khăn tồn đọng liên quan đến một loạt các dự án có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc đã bị kéo dài nhiều năm bao gồm dự án công nghiệp như Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc… Đây là các dự án vay vốn Trung Quốc và có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc nhưng đã không thể hoàn thành trong nhiều năm. Thậm chí, phía Việt Nam đã cân nhắc việc kiện tổng thầu Trung Quốc ra toà hoặc Trung tâm Trọng tài quốc tế.

    TPHCM: Gần 700 chuyến bay bị hủy, chậm chuyến trong ba ngày qua

    RFA
    05/02/2024

    TPHCM: Gần 700 chuyến bay bị hủy, chậm chuyến trong ba ngày qua

    Hành khách tại sảnh chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất trước khi lên máy bay 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTPO 

    Ba ngày đầu tháng 2/2024 (gần một tuần nữa đến Tết Giáp Thìn), tại sân bay Tân Sơn Nhất, có khoảng 660 chuyến bay trên tổng số 1.100 chuyến bay bị chậm và 40 chuyến bay bị hủy.

    Số liệu trên do Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất thống kê và được truyền thông loan trong ngày 4/2.

    Sự cố chậm và huỷ chuyến bay vào những ngày cận Tết Nguyên đán được đại diện Trung tâm cho biết do thời tiết sương mù ở phía Bắc, máy bay không thể cất, hạ cánh. Từ đó, các chuyến bay xuất phát từ Tân Sơn Nhất delay (hoãn) kéo dài, khiến nhiều chuyến chậm giờ khởi hành từ sáng tới đêm.

    Phó tổng giám đốc một hãng bay cho biết trên tờ Tuổi Trẻ rằng thời tiết là yếu tố bất khả kháng. Hãng bay cũng chịu ảnh hưởng nặng vì hễ một chuyến bay chậm vài chục phút là dây chuyền chuyến bay trong ngày bị ảnh hưởng nặng nề.

    Ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xác nhận trong hai ngày ba và 4/2/ 2024, các cảng hàng không phía Bắc có hiện tượng sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế gây ảnh hưởng trực tiếp đến khai thác tàu bay, khiến hàng loạt chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh tại các sân bay dự bị hoặc bị hủy, hoãn, chậm giờ. Ông Thắng nói thêm, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng này còn dự báo kéo dài đến 8/2, tức 29 Tết Giáp Thìn.

    Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp hàng không sẵn sàng phương án trong trường hợp thay đổi kế hoạch khai thác.

    Đến sáng 5/2 (tức 26 Tết Giáp Thìn), tại sân bay Tân Sơn Nhất cảnh dồn ứ khách tại sảnh chờ đã không còn nữa. Theo ghi nhận của tờ Tiền Phong, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón hơn 132 ngàn hành khách đi và đến, tăng khoảng bốn ngàn khách so với ngày 4/2.

    Đại diện Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết, tình hình tại khu vực sảnh chờ ra máy bay đã ổn định trở lại sau thời gian chịu ảnh hưởng thời tiết xấu (sương mù) trong hai ngày qua.

    Cũng trong ngày 5/2, trên tuyến quốc lộ 1 hướng từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành miền Tây đông đúc các phương tiện di chuyển nhưng không có cảnh ùn ứ, kẹt xe kéo dài. 

    Việt Nam giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc dù trao đổi bị giảm sút

    Anh Vũ /RFI

    05/02/2024

    Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, hôm nay, 05/02/2024, dẫn nguồn của Hiệp hội Thương mại quốc tế của Hàn Quốc (KITA) cho biết, năm 2023, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc trong năm thứ 2 liên tiếp, cho dù xuất nhập khẩu của Việt Nam có giảm. 

    Ảnh minh họa : Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng (P) tiếp tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại phủ chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/06/2023.

    Ảnh minh họa : Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng (P) tiếp tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại phủ chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/06/2023. AFP - NHAC NGUYEN 

    Theo các dữ liệu của hiệp hội KITA, trao đổi thương mại trong năm ngoái của Hàn Quốc với Việt Nam đã đạt mức 79,43 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu giảm 12,3% xuống còn 53,49 tỷ đô la và nhập khẩu cũng giảm 2,9%. Thặng dư thương mại của Hàn Quốc cũng giảm 19,5% xuống còn 27,55 tỷ.

    Mặc dù vậy, Việt Nam trong năm thứ 2 liên tiếp đứng trên Nhật Bản, giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Năm ngoai, trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đạt 76,68 tỷ đô la. Trung Quốc, xếp trên Hoa Kỳ, vẫn là hai đối tác lớn nhất của Hàn Quốc với giá trị buôn bán lần lượt là 267,66 tỷ và 186,96 tỷ đô la.

    KITA cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam sụt giảm nhiều là các sản phẩm bán dẫn, giảm 21,6% xuống còn 12,73 tỷ trong năm 2023. Ngoài ra, nhiều sản phẩm như màn hình phẳng, sản phẩm dầu mỏ, thiết bị thông tin không dây và các loại nhựa tổng hợp cũng sụt giảm số lượng xuất khẩu sang Việt Nam.

    Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập ngoại giao vào năm 1992. Khi đó, trao đổi buôn bán giữa 2 nước chỉ đạt 500 triệu đo la. Từ đó đến nay, thương mại song phương Việt-Hàn liên tục tăng, đặc biệt từ khi hai nước ký thỏa thuận tự do mậu dịch năm 2014. Thời điểm đó, Việt Nam là đối tác đứng hàng thứ 8 của Hàn Quốc. Đến năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên vượt lên trên Nhật Bản trở thành đối tác lớn thứ 3 của Hàn Quốc.

    Đặng Đình Mạnh: Bạn đã thấy gì từ vụ án Ngọc Trinh?

    DC, ngày 02/02/3024

    Luật sư Đặng Đình Mạnh

    Người mẫu Ngọc Trinh bị dẫn giải đến tòa ngày 2/2

    Rời tay khỏi đôi còng sắt sắc lạnh để trở về căn hộ sang trọng, rộng rãi, từ nội thất cho tới vật dụng, trang phục…rất thời thượng, có lẽ cô người mẫu xinh đẹp vẫn chưa hết bàng hoàng. Những gì đã xảy ra trong ba tháng giam cầm sau song sắt nhà tù sẽ còn ám ảnh cô ấy đến hết cuộc đời, cho dù cô ấy có là người vô tư đến thế nào đi nữa.

    Những phục sức thời thượng cũng sẽ sớm được xếp lại như là kỷ niệm của một thời vàng son trong sự nghiệp người mẫu, vì có lẽ cô ấy không còn mấy cơ hội để trở lại với nghề nghiệp làm bỏng mắt mọi người nữa. Dĩ nhiên, sau bản án, với tư cách tội phạm, một biểu tượng xấu về văn hóa có giá trị không khác gì một bản án tử hình đối với thanh danh, nghề nghiệp của cô ấy cả. Chẳng cần đến một quyết định thành văn, mặc nhiên, các cơ quan truyền thông trong nước sẽ phải tránh né nhắc đến hình ảnh, danh tính cô ấy trên mặt báo. Trừ phi phát sinh một vụ tai tiếng khác về tình, tiền, tù, tội… Khi ấy, cô ấy sẽ trở lại sáng lòa như một mỏ quặng vàng để mặc sức giới truyền thông khai thác đến tận chân tơ kẽ tóc!

    Không chỉ cô ấy, mà cả ê kíp viết kịch bản, trau chuốt cho vành môi đỏ, cho đôi má hồng hoặc nâng niu từng khuôn ảnh của cô ấy để đưa tiếp thị lên trang mạng xã hội cũng đang hoang mang, bối rối. Vì sau những gì cô ấy chịu đựng, thì họ không còn hiểu rõ đâu là ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp nữa. Vì lẽ, hành vi của họ không khác gì hành vi của nhiều người khác, nhưng với họ là tiếp tay cho bất hợp pháp, với người khác như ê kíp của các diễn viên xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp thì lại là hợp pháp?!

    Kể ra, họ hoang mang cũng phải, vì chính giới luật sư còn chưa phân biệt nổi đâu là “cọng xá lợi” phân ranh giữa quyền tự do ngôn luận hợp pháp và tuyên truyền chống nhà nước bất hợp pháp nữa là họ. Và cũng thế, giới làm luật xứ này cũng vẫn đang ngơ ngác hỏi nhau rằng tội danh “gây rối trật tự công cộng” đã mở rộng sự áp dụng lên cả trên không gian mạng từ khi nào? Hay từ thời Phạm Tuân bay lên đấy với cọng bèo hoa dâu chăng?

    Gác lại những sự vận dụng tùy tiện của luật pháp, sau vài ngày về với tự do, bình tâm, nếu mở trang mạng xã hội, cô ấy sẽ thấy tràn ngập ở đấy là sự cảm thông của cả một xã hội dành cho cô ấy, kể cả những vị phụ huynh đã từng chê trách cô ấy có những tuyên bố thực dụng về tình yêu đến như thế nào? Đáng nói nhất, không một ai xem cô ấy là tội phạm như lời tuyên án của phiên tòa do đảng đạo diễn cả. Cho thấy, “lòng dân” vẫn chưa một ngày trùng với “ý đảng”, kể cả trong câu chuyện người mẫu nội y.

    Có bạn nhắn tin hỏi tôi: “Chú thấy gì qua vụ án cô người mẫu vậy chú?”. Tôi thấy nhiều lắm:

    – Tôi thấy nguyên tắc pháp luật “Không xử lý hai lần đối với một hành vi vi phạm pháp luật” đã bị phớt lờ. Vì lẽ, cô ấy đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước khi bị khởi tố, bắt giữ và xét xử hình sự;

    – Tôi thấy nguyên tắc pháp luật “Vô luật bất hình”, tức “Không có tội danh thì không có hình phạt” đã bị vô hiệu khi cô ấy bị cáo buộc với tội danh không có trong Bộ luật Hình sự “Gây rối trật tự trong không gian mạng”;

    – Tôi thấy nguyên tắc pháp luật “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” chỉ còn là khẩu hiệu đẹp nhưng vô tích sự khi hình ảnh cô ấy với đôi tay trong còng sắt bị phơi bày rõ nét trên hàng nghìn tờ báo và đài truyền thông, trong khi đó, cũng với vụ án hình sự tương tự, thì họ lại làm mờ đi khuôn mặt khi kẻ ra tòa là quan chức cao cấp; 

    – Tôi thấy cô ấy nhận tội trước tòa và được đến ba luật sư bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt trong khi cô ấy vô tội?!

    – Tôi thấy cô ấy bị cáo buộc tội danh liên quan đến nơi cộng cộng trên không gian mạng, thế nhưng, công an đã khám xét nhà cô ấy là để làm gì? Để rồi “nhiều chuyện” tiết lộ trên mặt báo rằng cô ấy sở hữu số tài sản đồ sộ quá?!

    – Tôi thấy trong một hành vi tương tự mà cô ấy gọi là vi phạm pháp luật, thì những diễn viên xiếc như Quốc Cơ – Quốc Nghiệp lại được miễn tố vì bla, bla, bla…

    – Tôi thấy cả một hệ thống công quyền lẫn truyền thông hùng hổ trước cô gái chân yếu tay mềm nhưng lại câm nín, lờ tịt kẻ gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng vừa được hạ cánh an toàn vì xuất thân là thái tử đảng;

    Nghe bản án 12 tháng tù treo, nhiều người đã vội ngỏ lời cảm ơn tòa án. Nhưng vấn đề là cô ấy có phạm tội hình sự đâu? Nhưng với chế độ, thế là quá đủ, chế độ cũng chỉ cần có vậy vì họ đã đạt được nhiều mục tiêu qua vụ án: 

    – Có cớ để lục soát nhà cô ấy để tìm “cái” mà ai cũng biết là gì?

    – Để gởi một thông điệp mạnh mẽ đến những người đang sở hữu số follow, số đăng ký đông đảo từ công chúng trên mạng xã hội rằng: Hãy liệu chừng!?

    – Được xét xử, còn được công chúng biết ơn vì đã xét xử khoan hồng cho một cô gái vô tội;

    Như nhiều quan chức cao cấp muốn lưu danh với xứ sở, nếu được giao viết sử, chắc chắn tôi sẽ viết rằng: Ở thời khắc ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí Thư, thì cả hệ thống chính trị gồm cả bộ máy truyền thông khổng lồ, đã dạy cho một cô gái chân yếu tay mềm một bài học nhớ đời.

    Quang vinh, đâu chỉ bốn lần!

    Đừng quá tàn nhẫn với người nông dân

    Thanh Xuân/VNTB

    05/02/2024

    VNTB – Đừng quá tàn nhẫn với người nông dân

     (VNTB) – Đã không thương cũng xin đừng quá tàn nhẫn với người nông dân.

    Giờ là thời điểm những ngày giáp Tết. Như thường lệ hằng năm, cứ đến khoảng thời gian này là đường phố Sài Gòn tràn ngập sắc hoa.

    Nói về hoa Tết, trong một lần vô tình lướt mạng xã hội Facebook, có ý kiến cho rằng: “Đây đó người ta quay cảnh người bán hoa đập nát chậu hoa, chậu quất, mai, đào… vào trưa 30 tết. Họ bán không được bèn đổ thừa người mua hoa ép giá, họ trút giận lên những chậu hoa tội nghiệp. Năm nào cũng vậy, năm nay có vẻ nhiều hơn”.

    Có thể nói, hình ảnh đập chậu, bẻ hoa những ngày 30 Tết, trước khi lên đường trở về quê hương ăn Tết, trong những năm gần đây, là điều tương đối phổ biến. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với họ đang trút giận lên những chậu hoa.

    Vì sao? Đơn giản, vì họ là nông dân. Ở đây, xin được nói nông dân nói chung. Điều đó cũng có nghĩa sản phẩm của họ có thể là đồ hàng bông (ví dụ như khổ qua, rau, bí đỏ…), cũng có thể là trái cây, và cả hoa. Để có được một sản phẩm (dù ít hay nhiều), họ cũng đã tính toán ngày tháng xuống giống, rồi bỏ công ra chăm sóc, đêm hôm dậy hái để còn kịp cho giấc chợ sáng. Có những người nông dân, dù đang mang trong mình bệnh, chân đau, vẫn cố gắng kéo đường ống, tưới cây. Đó là chưa kể còn diêm, còn giống rồi lưới và đủ loại chi phí khác. Với sự chăm chút đó, liệu rằng, họ có đủ tàn nhẫn để đập chậu, xé hoa hay không?’

    “Cưng thấy bà, ở đó mà bỏ. Nhìn nó từ lúc còn nhỏ cho đến khi lớn dần, nói gì nói, cũng thấy thích lắm. Nhiều người họ không biết, họ lựa hoa, lựa trái cây mà mạnh tay rồi ném xuống này nọ. Nhìn mà xót luôn”, bà Nguyễn Thị Út, cả đời là một nông dân, làm lụng nuôi con ăn học đại học, chia sẻ.

    Là nhà kinh doanh, bán không được hàng thì cái sai đầu tiên thuộc về họ. Khi bán hàng, cần phải dự trù, phải tính trước tình huống không bán được, sẽ bị lỗ lã chứ không phải chắc mẫm hay chờ đợi bán được, lời khẳm.

    Kế đó, theo tác giả bài viết thì:

    “Là nhà kinh doanh, bán không được hàng thì cái sai đầu tiên thuộc về họ. Khi bán hàng, cần phải dự trù, phải tính trước tình huống không bán được, sẽ bị lỗ lã chứ không phải chắc mẫm hay chờ  đợi bán được, lời khẳm.

    Đổ lỗi cho người mua là sai. Người mua có nhiều phân khúc, nhà giàu tiền bạc không thành vấn đề thì mua trước, hoa đẹp, giá cao, chơi được lâu. Người tính toán thì bỏ ra số tiền phù hợp, thuận mua vừa bán, không bán thì thôi. Bông hoa là mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, mua tùy thích và tùy túi tiền. Người bán hoa đập cây và nói “thà đập bỏ chứ không bán lỗ”, rằng “phải dạy cho người mua một bài học”. Dạy ai? Ai học? Ai cần học? Người cần học chính là người bán hoa chứ không phải người mua hoa trễ. Anh cần học để lần sau anh không bị lỗ vốn”.

    Câu hỏi đặt ra, liệu có phải chăng tác giả ý kiến này đang lập lờ đánh tráo khái niệm. Theo ghi nhận từ nhiều nông dân, với họ, chỉ đơn thuần là những nông dân chân chất, thật thà (trừ những nông dân theo diện được ưu ái từ chính quyền địa phương thì không biết), “tui trồng bán kiếm tiền sống thôi, kinh doanh gì chú ơi, vườn nhà tui có bao nhiêu đâu, cũng đâu có hệ thống tưới tiêu như người ta”. Không bán được hàng, không phải do họ. Vậy thì do cái gì?

    Do một nền kinh tế buồn. Một năm với sự trồi sụt kinh tế, cuộc sống quá bấp bênh, từ một tuần tăng ca mấy ngày cho đến bây giờ một tuần đi làm chỉ có 3 ngày, một số người bị cho nghỉ việc, người nông dân bán không được, đổ lỗi cho họ! Những người chưa qua trường lớp về marketing cũng như không có sự chuyên nghiệp trong phân tích kinh tế. Liệu có hợp lý?

    “Tui nói thiệt, tui không biết cái cha hay cái bà tác giả nào đưa cái ý kiến đó, có bao giờ đi quan sát không? Ai nói là mấy ngày đầu người giàu đi mua nhiều? Ra đường coi đi, chịu khó coi được bao nhiêu chiếc xe hơi sang, xịn, mịn đi mua? Hay đó là những chiếc xe máy bình thường, đó là một bà bán khoai bên đường. Sẵn sàng mua chậu hoa giá 500.000 VND vì đồng cảm với người nông dân về kiếm sống khó khăn!

    Còn chạy xe hơi đi mua hoa cuối năm, đọc báo đi, có đó. Ngồi trên ô tô, đi chầm chậm để mặc cả, đỗ ô tô ngay giữa đường để mua hoa khiến các tuyến đường quanh chợ hoa bị ùn tắc cục bộ”, là người mua hoa, chị Khánh, quan sát tình hình chia sẻ. 

    Lời cuối, kính thưa ông (bà) tác giả có ý kiến: “Nhà nước nên phạt nặng những người bán hoa tạo rác như vầy. Họ không thể biến hoa thành rác để tạo thêm gánh năng cho công nhân vệ sinh”. Nếu ông (bà) tác giả có thời gian quan sát, cụ thể hơn là ở Bến Bình Đông với chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền”, số lượng ghe đang dần giảm theo từng năm và số lượng cũng như mức độ đa dạng của bông cũng như thế. Là vì sao? Là vì bị ép giá, bán rẻ, vốn cũng không lấy lại được.

    Đã không thương cũng xin đừng quá tàn nhẫn với người nông dân.

    ___________

    Chú thích:

    (*) (https://vietnamnet.vn/ngoi-xe-hop-mua-dao-gay-un-tac-ngay-30-tet-430460.html)

    Vàng, ngân hàng và kinh tế thị trường có đuôi 

    Nguyễn Thông

    Tháng 01/2024

    Chờ mãi chờ mãi, chả thấy các nhà kinh tế, những đấng bậc giáo sư tiến sĩ, những chuyên gia tài chính ngân hàng lên tiếng vạch vòi bản chất của vụ giá vàng ầm ầm lên đỉnh hôm 27.12. Thực ra cũng có đôi lời phân tích này nọ nhưng chủ yếu là ve vuốt, bênh cho cách điều hành của các đương sự chịu trách nhiệm về mảng ngân hàng, tài chính, rằng thì là mà thế này, rằng thì là mà thế nọ.
    Cách nay gần nửa tháng, ngày 26.12.2023, giá vàng vọt lên hơn 79 triệu đồng/lượng. Sáng hôm sau, được đà, vàng đắc chí vượt luôn mức 80 triệu, điều chưa từng thấy trong lịch sử xứ này kể từ khi có… vàng. Kẻ mua người bán tấp nập, có người còn bảo mốc 100 triệu không xa, lại thêm người nhắc có ông lớn bảo vàng trong dân còn nhiều lắm, hơn 500 tấn cơ, lại có người thủng thẳng nhà nước thiếu gì tiền mua vàng, cả tỉ mỗi lượng cũng chấp, bằng chứng là mọi giao dịch đều tinh tiền mệnh giá 500 nghìn mới cứng, in dễ ợt, v.v..
    Coi mòi không ổn, ngày 27.12, người đứng đầu chính phủ chỉ thị Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá trong nước và quốc tế ở mức cao. Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến thế giới và trong nước, không chấp nhận kiểu giá chênh lệch vô lý…
    Ngày 3.1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú dứt khoát "giá thế giới tăng một mà trong nước tăng ba là không chấp nhận được”, nhưng lại đổ cho nguyên nhân khách quan, “nhiều tin đồn thất thiệt có tính chất đầu cơ đã xuất hiện khiến thị trường biến động mạnh những ngày qua". Tuy nhiên, ông phó cũng khẳng định Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng với thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như mấy ngày qua…
    Điểm lại chút ít như vậy để thấy rằng cả ông Chính ông Tú cũng như nhà nước hiện tại thấy sự chênh lệch giá vàng giữa VN và thế giới là điều không thể chấp nhận, thậm vô lý, hoàn toàn không theo quy luật kinh tế thị trường. Nói trắng ra, nó chính là kết quả không thể tránh khỏi của tư duy quản lý bao cấp, độc quyền, bảo thủ vẫn tồn tại tới bây giờ. Nó là biểu hiện rõ nhất của thứ kinh tế thị trường có đuôi, nửa nạc nửa mỡ, mà nhẽ ra phải dứt khoát cắt bỏ cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” ấy.
    Ngay cả việc ông Chính ra lệnh, rồi lập tức giá vàng tụt xuống, cũng chẳng hay ho gì. Quản lý kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính chứ không bằng quy luật kinh tế thì dĩ nhiên kết quả chỉ nhất thời, một sớm một chiều. Xứ này đã bị biết bao bài học xương máu, tàn hại, lụn bại, đau đớn từ kiểu kinh tế mệnh lệnh ấy, nhưng họ chưa tỉnh.
    Rất nhiều năm qua, giá vàng trong nước luôn lệch, cao hơn giá vàng thế giới. Cũng đã không ít người tử tế lên tiếng về tình trạng “một mình một chợ”, về cái gọi là “Việt Nam làm được những điều thế giới không làm được” như lời ông bộ trưởng 4T từng ca ngợi, nhưng nhà cai trị luôn bỏ ngoài tai. Thậm chí còn có những “trung thần” lên tiếng dạy dỗ rằng không biết gì về quản lý kinh tế, về tài chính ngân hàng thì đừng có ý kiến ý cò, đừng xía vào chuyện của người ta, có giỏi thì đứng ra làm, giá cao chênh lệch như thế thì mới tránh được bệnh chảy máu vàng, chảy máu ngoại tệ, cao như thế là đúng rồi, v.v.. Nay cả thủ tướng lẫn ông phó thống đốc “không chấp nhận” sự vô lý ấy, vậy nhưng chả thấy họ dạy dỗ, chê cười hai ông gì cả. Rõ cái thói đời “phù thịnh chứ ai phù suy”, phù người có chức quyền chứ ai phù kẻ dân thường.
    Chính sách “một mình một chợ” với vàng trong nước luôn cao hơn giá quốc tế đâu phải mới diễn ra gần đây, mà đã qua nhiều đời thống đốc ngân hàng, ít ra cũng từ đời ông Nguyễn Văn Giàu, rồi Nguyễn Văn Bình (Bình ruồi), Lê Minh Hưng, tới bà Nguyễn Thị Hồng đương nhiệm. Các vị ấy là chuyên gia, thủ lĩnh về ngân hàng nhưng đều nhắm mắt bịt tai, hoặc cố ý duy trì “sự không thể chấp nhận”. Nay thủ tướng chỉ ra bản chất vấn đề giá vàng, chẳng biết họ có chịu tiếp thu, nhận ra mà sửa sai, để vàng về với kinh tế thị trường, đoạn tuyệt với kinh tế tập trung, chỉ đạo.
    Suốt bao nhiêu năm, giá vàng trong nước cao hơn hẳn giá trên thị trường thế giới, cụ thể nói đâu xa, ở láng giềng Campuchia. Những vụ buôn lậu vàng từ Cam về VN, trong đó có vụ Mười Tường, chẳng qua cũng từ chính sách này mà ra. Xử gốc không xử, tinh dững xử ngọn.
    Lò chống tham nhũng, tiêu cực từng lôi cả nguyên cả cựu ra đốt, chả nhẽ nguyên cựu của mảng tài chính, ngân hàng thì được ưu tiên, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
    Nguyễn Thông

    Hà Phan - Coi chừng cửa sổ tâm hồn thành cửa sổ tâm thần 

     

    "Ngoc Chinh mới về, cảm ơn anh đã quan tâm và thân mời anh dự Tất niên tại tư gia lúc..."! Đọc dòng tin nhắn sáng nay tôi mừng cho cô ấy sau biến cố lớn nhưng cũng ngờ ngợ nên nhắn lại. 

    Thì ra Ngọc Chinh chứ hổng phải Ngọc Trinh. Tức là Ngọc Chinh tui quen trốn nợ 6 năm trước mới trả hết tiền chớ không phải Ngọc Trinh Trà Vinh nổi danh thiên hạ giờ đã thành Ngọc Trinh Sài Gòn.

    Chỉ là một hiểu lầm bơ bở giả tưởng như vậy cũng đã khó chịu sáng giờ, nhất là ở cái tuổi tiền mãn dục này; nên hổm rày nghe mấy đứa em kể cái vụ bệnh viện Mắt Sài Gòn-Đồng Tháp ở Đồng Tháp "nhái" bệnh viện Mắt Sài Gòn ở Sài Gòn ngứa mắt phải, nhức mắt trái ghê! 

    Thông tấn xã lề nào cũng tuyên bố Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Đồng Tháp tại địa chỉ số 303 Phạm Hữu Lầu, phường 6, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp do ông Nguyễn Văn Thêm, ngụ quận 7, TPHCM là người đại diện pháp luật hổng có bà con dây mơ rễ má liên quan liên kết gì với bệnh viện Mắt Sài Gòn trên quận 1 TP HCM cả. 

    Họ nói Mắt Sài Gòn-Đồng Tháp là bệnh viện fake, làm cái bộ nhận diện thương hiệu giông giống, tên na ná cho thiên hạ lầm tưởng chơi, còn mục đích là gì không nói ra ai cũng hiểu. Chỉ lạ một điều là ngang nhiên như vậy, hoạt động ầm ĩ như thế, báo chí lên tiếng suốt mà ngành y tế hổng có động thái gì! Không biết mai mốt họ chơi cái Chợ Rẫy Đồng Rơi hay Bạch Mai Lạng Giang hoặc Việt Đức Đức Long chẳng hạn thì sao ta?

    Trên đời này, thực lực yếu, hàng hổng tốt, làm ăn nhập nhằng... nhưng muốn kiếm xèng nhanh, mập mờ lẫn lộn cáo mượn oai hùm thì người ta mới đi nhái những thương hiệu lâu đời, nổi tiếng. Làm vậy tầm không có đã đành, tâm để đâu vậy các đồng chí? 

    Con mắt người ta là cửa sổ tâm hồn nên mấy ông cứ chơi kiểu đạo nhái, nhập nhèm này chữa sao thành cửa sổ tâm thần thì nhìn nhau sao đây Chinh ơi!

    HÀ PHAN 03.02.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt) 


    Không có nhận xét nào