Header Ads

  • Breaking News

    Chiến tranh Việt Nam : Thảm sát Mậu Thân, 1968: Một cuộc diệt chủng

    Việt Cộng giết dân lành...ai còn nhớ hay ai đã quên.

    Đại Nghĩa

    https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre19.jpg

    Bài đọc suy gẫm: “Một Cuộc Diệt Chủng” hay “Thảm Sát Mậu Thân” do tác giả Đại Nghĩa sưu tầm, đúc kết từ các nhân chứng, báo chí trong ngoài nước. Blog 16 xin chia buồn với gia đình các nạn nhân và đăng tải bài viết, hình ảnh (minh họa) nhân tưởng niệm 50 năm biến cố Mậu Thân.

    https://hon-viet.co.uk/BanDoThamSatMauThanHue1968.JPG

     Bản đồ địa điểm các mộ chôn người tập thể tại Huế

    Thực chất đây là một cuộc diệt chủng, bọn cộng sản đã thẳng tay tàn sát đồng bào mình trong những ngày Tết thiêng liêng của dân tộc một cách dã man. Cuộc thảm sát kinh hoàng ở Huế Tết Mậu Thân nói lên được sự bội tín và lật lọng đê hèn của đảng cộng sản Việt Nam đã thừa dịp Hưu chiến trong ba ngày Tết để mở cuộc tổng tấn công. Lợi dụng những ngày này lực lượng Việt Nam Cộng hòa cho binh sĩ nghĩ phép 50%, cộng thêm sự lơ là của số quân nhân còn ở tại đơn vị trong những ngày Tết, quân cộng sản Việt Nam đã bất thần tung chiêu đánh lén. Lúc ban đầu vì bất ngờ nên quân VNCH có phần yếu thế, tuy nhiên không bao lâu sau thì lấy lại tinh thần và đã cố thủ được vị trí chiến đấu một cách oanh liệt, duy chỉ có thành phố Huế bị áp lực địch nặng nề nên phải mất 26 ngày sau quân VNCH mới tái chiếm hoàn toàn. Bán Nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 43 (15-1-2008) của linh mục Chân Tín nói đến cuộc Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế như sau:

    “Trước tiên, đó là vi phạm thỏa ước hưu chiến mà cộng sản đã cam kết một cách long trọng, khiến phía VNCH tin lời mà cho một nữa số quân nhân về ăn Tết với gia đình nên bước đầu đã phần nào bị động…Thứ hai, đó là chà đạp những ngày Tết thiêng liêng của dân tộc. Giữa cảnh sum họp êm ấm, CS đã gây cảnh tan nát chia lìa. Giữa bầu không khí yêu thương hòa giải, CS đã đem tới hận thù bạo lực. “Ai đã cướp con tôi? Ai đã giết con tôi giữa cơn mộng đêm thái bình?” Là câu hát còn vang vọng mãi trong lòng dân miền Nam. Máu đỏ pha vào với rượu Tết. Thịt người đã trộn lẫn với bánh tét bánh chưng. Vỏ đạn đã nằm vương vãi lăn lóc cạnh những đồ thờ tự. Thứ ba, đó là giết chết cả thường dân, bất kể tu sĩ, linh mục, y tá bác sĩ, viên chức cán bộ, văn nhân nghệ sĩ, thầy giáo học trò, thậm chí cả những kẻ buôn thúng bán bưng, lao động độ nhật”.(Đối Thoại online ngày 14-2-2008)

    Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike, lúc bấy giờ là nhân viên hành chính ngoại giao của cơ quan Thông tin Hoa Kỳ năm 1970 thì có 3 giai đoạn đưa đến những vụ tàn sát:

    “Giai đoạn đầu là một loạt các cuộc xử án bất hợp pháp công cộng kéo dài khoảng 5-10 phút do giới chức trong quân Bắc Việt hay Việt cộng dựng lên. Bị cáo luôn bị kết án “có tội với nhân dân”.

    “…

    “Giai đoạn sau cùng, khi thấy rõ họ đang bị đánh bật ra khỏi Huế, quân Bắc Việt/Việt cộng thi hành những vụ thủ tiêu nhân chứng- bất cứ ai biết mặt họ, nhìn thấy những tội ác trong lúc Huế bị chiếm đều bị giết và chôn mất xác”…

     https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre3.jpg

      https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre4.jpg

    https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre1.jpg  

     

    https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre2.jpg

    https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre5.jpg   

     

    https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre15.jpg

    “Marilyn B. Young trong sách tựa đề The Vietnam Wars, 1945-1990 ghi lại:

    “Trong những ngày đầu của cuộc chiếm đóng quả thực có những vụ xử tử công khai tại chỗ…khi trận chiến gần kết thúc bởi cuộc công pháo, lính miền Bắc trên đường rút lui xử tử những người họ đang giam giữ thay vì thả họ ra hay bắt theo làm tù binh- với con số người chết không nhiều như chính phủ Sài Gòn và Washington công bố, nhưng nhiều đủ để tạo những câu hỏi tang thương cho những người sống sót ở Huế”. (Wikipedia tiếng Việt online ngày 4-2-2008) Phóng viên Thiện Giao của đài RFA qua bài “Huế, 25 ngày kinh hoàng của 40 năm trước” thì theo ông Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên Huế kể lại:

    “Tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, 22 địa điểm tìm được là các mồ chôn tập thể. Trong 22 địa điểm này, người ta đếm được 2.326 sọ người. Sau tết, chúng tôi lập Hội Gia đình Nạn nhân Cộng sản trong Tết Mậu Thân. Các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4.000 gia đình. Người ta ước tính vào khoảng 6.000 người. Có nhà báo ước tính 5.000 người. Chúng tôi cho con số 5 đến 6 ngàn là không sai lệch lắm đâu…

    “Đỉnh điểm là Khe Đá Mài, thuộc núi Đình Môn Kim Ngọc, tại đây khoảng 400 bộ hài cốt đã được tìm thấy. Những hài cốt tìm thấy tại Khe Đá Mài chính là của những người trú ẩn tại xứ đạo Phủ Cam, xã Thủy Phước, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

    “Cộng sản bắt đi trên 500 người, thanh niên từ 15- 16 tuổi đến ông già 60-70 bị đưa đi giam ở chùa Từ Đàm. Đến đêm, họ bị dẫn đi lên đường núi và qua sông. Sau đó tàn sát hết mọi người trong tư thế bị trói”. (RFA online ngày 31-1-2008)

    Theo hai vị linh mục khả kính Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi hiện đang sống tại Huế kể lại Cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài:

    “…tại núi Ba Tầng (núi Bân), phía Nam thành phố Huế. Ngôi mộ này lưu giữ hơn 400 bộ hài cốt chủ yếu bốc từ Khe Đá Mài nhưng đã bị chính quyền cộng sản phá đổ trụ bia và để cho hoang phế suốt 32 năm trời…

    “Trong toàn bộ biến cố Tết Mậu Thân, có lẽ những gì xảy ra tại Huế là đau thương và đánh động hơn cả, có lẽ cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài là rùng rợn, dã man và thê thảm nhất. Tiếc thay, theo sự am hiểu của chúng tôi, hình như người ta chỉ biết đến kết cục của nó là hàng trăm bộ hài cốt dồn lại một đống dưới khe sau khi thịt thối rữa bị nước cuốn đi lâu ngày, từ đó suy diễn ra sự việc hơn là biết rõ diễn tiến của toàn bộ sự việc kể từ lúc nạn nhân bắt đầu bị dẫn đi đến chỗ hành quyết”. (Đối Thoại online ngày 17-1-2008)

    Qua lời thuật lại của hai linh mục nói trên khi họ gặp một nhân chứng sống lúc bấy giờ ông ta mới 17 tuổi cũng bị bắt theo đoàn người bị đưa đi giết ở Khe Đá Mài nhưng may mắn lợi dụng lúc đêm tối nên ông đã trốn thoát và hiện còn sống ở trong nước và kể rằng:

    “Rồi chúng bắt đầu dùng dây diện thoại trói thúc ké từng người một chúng tôi, trói xong chúng xâu lại từng chùm bằng một sợi dây kẽm gai, 20 chục người làm một chùm. Tôi nhớ là đếm được trên 25 chùm, tức hơn 500 người…Về sau tôi được biết đa phần những thanh niên bị bắt đêm mồng 6 Tết tại nhà thờ Phủ Cam và sau đó bị giết chết đều là học sinh, sinh viên, thanh niên nhút nhát hiền lành”. (Thời Luận ngày 24/27 tháng 1-2008)

    Phóng viên Don Oberdorfer, năm 1969 sang Việt Nam phỏng vấn nhiều nhân chứng trong thời gian Huế bị cộng sản chiếm đóng đã xác minh cho nhận định của người kể chuyện Khe Đá Mài:

    “Oberdorfer báo cáo rằng hầu hết những người nam trên 15 tuổi trốn tránh trong một nhà thờ ở Phủ Cam đều bị đem đi và bắn chết. Khi Oberdorfer phỏng vấn Hồ Tý, một viên chỉ huy Việt cộng trong cuộc tấn công 1968, ông này cho biết đảng cộng sản có lưu ý đặc biệt về khu Công giáo Phủ Cam vì “người Công giáo lè kẻ thù của chúng tôi”. (Wikipedia tiếng Việt online ngày 4-2-2008)

    Và dã man nhất là:

    “Một trong các cuộc thảm sát gây phẫn nộ dư luận quốc tế là vụ giết 4 bác sĩ người Đức sang giảng dạy và làm việc tại trường Đại học Y Khoa Huế. Trong bài viết “The Vietcong Massacre at Hue”, xuất bản năm 1976, một bác sĩ có tên Elje Vannema, kể rằng ông bà bác sĩ Horst Gunther Krainick và hai bác sĩ Raymund Disher cùng Alterkoter đã bị giết trong tháng Hai năm 1968 tại chùa Tường Vân”. (RFA online ngày 31-1-2008)

    Theo Phóng viên Thiện Giao thì ông Võ Văn Bằng, Trưởng Ban Cải táng Nạn nhân Cộng sản Tết Mậu Thân hồi tưởng:

    “Các hố cách khoảng nhau. Một hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạc trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng…

    “Theo Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt lực lượng Cảnh sát Quốc gia tại Thừa Thiên thì: “Những báo cáo của các cuộc Cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5.300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên”. (RFA online ngày 31-1-2008)

    Nhà báo Vũ Ánh, nguyên phóng viên mặt trận hệ thống Truyền thanh quốc gia VNCH, đã có mặt tại Huế từ ngày 5 đến 29 Mậu Thân và đi theo nhiều nhóm tìm hầm chôn tập thể kể lại cảm giác của ông khi nhìn thấy những cảnh tượng ấy:

    “Vùng nhiều nhất là quận Phú Thứ và Dạ Lê Thượng có nhiều hầm chôn xác tập thể. Cảm giác của tôi lúc ấy rất lạ, như là bị tê liệt khi nhìn các hình ảnh đó…

    “ Ngay ở hầm Phú Thứ, chắc khoảng gần 1.000 người. Khui lên, đầu của họ phía sau sọ bị bể hết. Những thi hài bị nối nhau bằng dây điện thoại. Có những người không có vết thương, chứng tỏ bị chôn sống”. (RFA online ngày 1-2-2008)

     

    https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre9.jpg   

     https://hon-viet.co.uk/ThamSatTaiHue.jpg

    https://hon-viet.co.uk/HUE_massacre17.jpg  https://hon-viet.co.uk/ThamSatMauThan_NhanChungSong.jpg 

     

    https://hon-viet.co.uk/HueThamSatMauThan.JPG

    Trong bài nói chuyện tại buổi 40 năm Tưởng niệm Tết Mậu Thân, Việt Báo Gallery, thứ Bảy 29-3-2008, nhà báo Nhã Ca tác giả “Giải khăn sô cho Huế” phát biểu:

    “Bốn mươi năm trước đây, đúng vào giờ trưa mùng Hai Tết, tại Cửa Đông Ba Huế, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi đột nhập, cộng sản khai diễn cuộc tàn sát. Toán nạn nhân đầu tiên gồm 5 thường dân-không hề có người lính Cộng Hòa nào. Tất cả bị trói, bắt đứng quay lưng vào tường thành. Dân chúng đứng coi. Súng AK nổ. Từng người gục chết. Sau cuộc hành hình, thân nhân những người bị bắn nhào ra muốn ôm xác. Họ bị đánh, bị đá, bị đuổi. Xác người bị phơi ngày phơi đêm. Nắng. Máu. Ròi bọ…

    “Và cuộc tàn sát tiếp tục. Không bằng súng đạn mà bằng cách chôn sống. Những nạn nhân bị cột trói bằng dây điện dính chùm xếp hàng bên hố. Một vài người bị đập đầu. Cả dây người đang sống bị đạp xuống hố đè lên nhau. Cái đầu nào ngóc lên bị đập bằng cuốc. Cứ thế mà chôn hàng ngàn người. Bạn tôi, chị Tâm Túy cũng đã bị chôn sống. Khi xác đào lên, thấy hai tay chị vói lên như đang cố cào bới đất. Móng tay, móng chân mọc dài hơn. Tóc mọc dài hơn…Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống.

    “Huế Tết Mậu Thân. Hàng ngàn người đã bị chôn sống như thế”. (Việt Báo ngày 31-3-2008)

    Theo thông tín viên Tường An của đài RFA thì cư sĩ Trí Lực, người đã chôn cất những xác chết nằm lại sau biến cố Mậu Thân kể lại nỗi kinh hoàng lúc đó như sau:

    “Hai mươi sáu ngày sau, sau khi Cố đô Huế bình định trở lại thì tôi tận mắt chứng kiến những hầm chôn tập thể được khai quật lên từ vùng Bãi Dâu Gia Hội, những người xấu số đã bị trói quật lại sau lưng và có những mảnh xương sọ bị vỡ nát. Cảnh kinh hoàng là cộng sản đã chon sống bao nhiêu người dân vô tội.

    “Nhà văn Đinh Lâm Thanh, hiện sống ở Pháp, cũng là chứng nhân của biến cố Mậu Thân kể:

    “Gia đình của tôi vùng Phủ Cam là một, vùng An Vân Thượng là hai, Gia Hội là ba. Bà con xa bà con gần của bên họ ngoại của tôi gồm cả thảy 12 người. Trong 12 người đó, có người bị chôn sống, có người bị bắn tại chỗ, có người bị chặt đầu, có người bị mổ bụng”. (RFA online ngày 7-2-2012)

    Nhân chứng của cuộc thảm sát dã man của CSVN trong những ngày tang thương của Huế trong bài này là bà Nguyễn Thị Thái Hòa kể:

    “Tôi xin tường thuật lại chi tiết những cái chết đau thương của ông nội tôi, ba người anh, cùng một người bạn của họ, như là một nhân chứng còn sống sót sau Tết Mậu Thân…

    “Vừa vô tới giảng đường thì anh Hải bị Hoàng Phủ Ngọc Phan bắn gục ngay.. Văn òa khóc, tôi khóc theo, kéo ông nội ra sân. Nhìn thấy xác Hải ông nội tôi khuyụ xuống, miệng thì kêu trời ơi, trời ơi, răng mà nông nổi ni…

     “Tôi đứng sau lưng ông nội, Hoàng Phủ Ngọc Phan hung hăng bước tới, xô ông nội qua một bên, nó nắm lấy tóc tôi kéo tôi ra về phía hắn. Ngó lên trần nhà la lớn: Lộc, Kính, Hiệp, tụi mày không xuống tao bắn con Ti!…

     “Ông nội tôi chạy lại giữ cái ghế cho anh bước xuống, hai chân ông run, ông té sấp, đang lúc anh Lộc tìm cách tuột xuống, thò hai chân xuống trước, hai tay còn vịn trần nhà, khi đôi chân vừa chạm chiếc ghế đẩu thì HPNP nổ súng, đạn trúng ngay chính giữa cổ, máu phọt ra, Lộc lăn xuống sàn nhà toàn thân anh dảy dụa mấy cái rồi nằm im.

    “Mặc ông nội tôi la hét thất thanh, Phan chỉa súng bắn lên trần nhà, nghe tiếng anh Kính lăn tới đâu, nó bắn tới đó, bắn nát trần nhà, hết đạn nó giành lấy cây súng của một thằng khác bắn tiếp, cho tới khi anh Kính tôi rớt xuống theo mấy miếng ván. Anh Văn ngồi bệt xuống đất, nhắm mắt, bịt tai, run lẩy bẩy, ngồi kế bên cạnh anh người tôi tê cóng, đái ỉa ra cả quần, ông nội tôi nhào tới ôm anh Kính, hai mắt trợn trừng, anh đang thều thào những lời sau cùng, ông khóc, ông chửi rủa thằng Phan, nó say máu, bắn luôn ông nội tôi. Ông tôi đổ xuống bên cạnh anh Kính”. (Đàn Chim Việt online này 16-1-2012)

    https://hon-viet.co.uk/QLVNCHTaiChiemHueMauThan1.jpg.JPG

    https://hon-viet.co.uk/QLVNCHtaichiemHue.jpg

    QL – VNCH tái chiếm Huế.

    Cuộc tổng tấn công gây tang thương cho người dân Huế trong Tết Mậu Thân đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết thành bài ca bất hủ: “Hát trên những xác người”

    “Chiều đi lên Bãi Dâu

    Hát trên những xác người

    Tôi đã thấy, tôi đã thấy

    Trên con đường

    Người ta bồng bế nhau chạy trốn

    Chiều đi lên Bãi Dâu

    Hát trên những xác người

    Tôi đã thấy, tôi đã thấy

    Những hố hầm

    Đã chôn vùi thân xác anh em…


    Xác người nằm trôi song

    Trôi trên ruộng đồng

    Trên nóc nhà thành phố

    Trên những con đường quanh co

    Xác người nằm bơ vơ

    Dưới mái hiên chùa

    Trong giáo đường thành phố

    Trên thềm nhà hoang vu


    Xác người nằm quanh đây

    Trong mưa lạnh này

    Bên xác người già yếu

    Có xác còn thơ ngây

    Xác nào là em tôi

    ưới hố hầm này

    Trong những vùng lửa cháy

    Bên những vồng ngô khoai”.

    (RFA online ngày 7-2-2008)

    Một nhà khoa bảng miền Nam là tiến sĩ Dân tộc học Lê Văn Hảo, giáo sư Đại học Văn khoa Huế, Đà Lạt và Sài Gòn vào dịp Tết Mậu Thân ông là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừ Thiên-Huế sau này trả lời phỏng vấn của phóng viên Nguyễn Văn An về vai trò của ông trong trận tấn công Tết Mậu Thân, ông nói như sau:

    “Trong tất cả khi nổ ra Mậu Thân tức là trong 26 ngày đêm cộng sản chiếm thành phố Huế thì tôi ngồi trên núi để nghe đài phát thanh suốt ngày, tất cả những gì xảy ra dưới Huế tôi chỉ biết qua đài phát thanh của Hà Nội và đài phát thanh giải phóng.

    “Than ôi! Đó không phải sự thật lịch sử mà tôi chỉ là một con tin ở trong thế kẹt phải nhận lấy chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mà mong có ngày về với vợ con thôi! Chớ tôi nói thật với anh vai trò của tôi trong tết Mậu Thân là vai trò hoàn toàn thụ động, tôi chỉ ngồi trên núi nghe đài, nghe tin tức…

    “Nói thật anh, việc ấy thì tôi biết ngay khi tôi lên núi thì tôi biết Mặt trận Giải phóng là trò bịp bợm, tức là tổ chức hữu danh vô thực, nó là tổ chức của cộng sản thôi, gọi là MTDTGPMN nhưng mà tất cả do Hà Nội chỉ đạo thôi. Việc đó tôi biết ngay và họ cũng không dấu anh ạ! Lúc đó mình ở trong tay họ rồi nên họ cũng không dấu”. (RFA online ngày 2-2-2008)

    Ngày nay khi nói đến Tết Mậu Thân thì người ta đều nghĩ ngay đến cuộc thảm sát tại Huế vì nơi đó đã cho mọi người thấy hết sự tàn sát dã man của những người tự mang danh giải phóng. Tội ác ấy ngày nay chính những người trong cuộc đã chối bỏ trách nhiệm và sự hiện hữu của mình nơi đó, họ không dám nhận cái chiến công hiển hách của họ, vì họ biết đó là chiến công mà loài người nguyền rủa. Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời Thụy Khuê:

    “…với tư cách là đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng”. (RFI online ngày 12-7-1997)

    https://hon-viet.co.uk/HoangPhuNgocTuong_Buthcher.jpg

    Tên đồ tể Hoàng Phủ Ngọc Tường rước việt cộng về giết chính đồng bào Huế của y. 

    Sở dĩ áp lực của địch quân tại Huế lâu dài và bị tàn phá nặng nề là do những tên cỏng rắn cắn gà nhà như tiến sĩ Lê Văn Hảo, anh em giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn thị Đoan Trinh… và những thanh niên, sinh viên, học trò của họ đã năng nổ làm những tên xung kích chỉ điểm cho cộng quân tìm bắt và tàn sát người dân Huế cho nên sau này nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi sáng tác bản nhạc “Cơn mê chiều” để nói lên cái ô nhục này:

    “Chiều nay không có em

    Mưa non cao về dưới ngàn

    Đàn con nay lớn khôn

    ang gươm đao vào xóm làng


    Đường nội thành xưa ai tàn phá?

    Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu…”

    (Nguyễn Minh Khôi)

    Trả lời phóng viên Thiện Giao đài RFA, một thanh niên trí thức nhận định:

    “Trong vụ thảm sát Mậu Thân, ngoài nỗi đau đớn cho dân tộc trong cuộc nồi da xáo thịt tàn độc, còn có một nỗi đau lớn hơn, là vai trò một số trí thức Việt Nam trong cuộc thảm sát này. Bài hát có câu: “Đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng”. Đàn con nớ, có phải chăng là một số trí thức Huế đã đưa Việt cộng vào làng, rồi sau đó theo ra bưng khi quân đội VNCH tái chiếm Huế? Chẳng hạn trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Phan, phát biểu trước đây rằng những người bị thủ tiêu chôn sống là thành phần ác ôn có nợ máu với nhân dân”. (RFA online ngày 7-2-2008)

    Trên diễn đàn Talawas, nhà thơ Ngô Minh có viết bài “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường” thanh minh rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường trong suốt trận tấn công tại Huế thì ông ta đang “luyện chưởng” ở trên núi, nhưng có điều thú vị là Ngô Minh đã nhìn nhận một thực tế mà trước đây CSVN cứ chối leo lẻo:

    “Quân Giải phóng mà đa phần là bộ đội trẻ từ miền Bắc vào chết rất nhiều”.

    (Talawas online ngày 4-3-2008)

    Lời thú nhận cay đắng của thượng tướng QĐND Trần Văn Trà được giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nhắc lại trong bài “Trận chiến Mậu Thân Huế (II)”

    “Có những đơn vị tham chiến mà không ai sống sót trở về”. (Đàn Chim Việt online ngày 26-3-2008)

    Và sự thừa nhận trong niềm hối hận của thi sĩ “cách mạng” Chế Lan Viên trong bài thơ Ai? Tôi!

    “Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

    Chỉ một đêm, còn sống có 30…”

    (RFA online ngày 14-1-2012)

    Đọc qua những tài liệu trên, “ta đã thấy” rõ được bộ mặt của đảng CSVN sát nhân diệt chủng dã man không thua gì bọn diệt chủng Khmer đỏ. Nếu CSVN “giải phóng” được miền Nam năm 1968 thì chắc chắn cảnh đầu rơi máu chảy sẽ thê thảm hơn nhiều, những cảnh giết người man rợ sẽ diễn ra một cách tàn độc hơn cả bọn Ponpot. Ngày nay cộng sản đang ngự trị trên quê hương Việt Nam khốn khổ, do đó mà tội ác diệt chủng của chúng chưa được phơi bày ra ánh sáng công lý cho đến một ngày mà đảng cộng sản mất quyền cai trị, thì ngày đó chắc chắn rằng bọn chúng cũng sẽ bị lôi ra tòa án Quốc tế để đền tội với Tổ quốc, với Nhân dân dù chúng đã chết.

    Đại Nghĩa – Sưu tầm

    https://hon-viet.co.uk


    Không có nhận xét nào