Header Ads

  • Breaking News

    Căng Thẳng Ở Bãi Cỏ Mây Theo Dòng Thời Gian

    Tracking Tensions at Second Thomas Shoal


    Sáng Kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á | Ngày 30 tháng Giêng năm 2024

    Biên dịch: Ngô A Minh | Hiệu đính: Vân Phạm

    27/02/2024

    Song ngữ Việt Anh

    Góc nhìn toàn cảnh từ trên cao cuộc đối đầu giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc trong một nhiệm vụ tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây vào ngày 10 tháng 11 năm 2023. Ảnh: CSIS/AMTI/Planet

    Trong hai năm qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi Cỏ Mây đã nổi lên như tâm điểm của những xung đột ở Biển Đông. 

    Philippines duy trì một đội thủy quân lục chiến tại Bãi Cỏ Mây đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre, một tàu hải quân Philippines được neo đậu ở đó một cách cố ý vào năm 1999. Kể từ đó, Philippines đã duy trì các nhiệm vụ “luân phiên và tiếp tế” thường xuyên để cung cấp vật tư và luân chuyển quân đến và từ tiền đồn có tính chất tạm thời này. 

    Trung Quốc đã duy trì hoạt động tuần tra thường xuyên của lực lượng hải cảnh xung quanh Bãi Cỏ Mây kể từ năm 2013 và thỉnh thoảng quấy rối các phái đoàn tiếp tế của Philippines. Nổi tiếng nhất là vào năm 2014, Trung Quốc đã phong tỏa tàu Sierra Madre trong ba tuần, buộc Philippines phải thả hàng tiếp tế bằng đường hàng không. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, các tàu hải cảnh và dân quân Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên hơn, tập trung xung quanh bãi cạn với số lượng lớn hơn và sử dụng các chiến thuật ngày càng hung hãn để ngăn chặn các tàu Philippines tiếp cận tàu Sierra Madre. Trung Quốc biện minh cho hành vi này bằng cách cáo buộc Philippines vận chuyển vật tư xây dựng nhằm mục đích biến tàu Sierra Madre thành một công trình kiến trúc lâu dài hơn hoặc xây dựng một tiền đồn hoàn toàn mới trên Bãi Cỏ Mây. 

    Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines đã gây chú ý khi các vụ va chạm và việc sử dụng vòi rồng đã tạo ra lo ngại rằng một sự cố tại Bãi Cỏ Mây có thể gây ra một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn. Nhưng giữa những báo cáo liên tục về cuộc đối đầu giữa tàu Philippines và Trung Quốc, khó có thể nhận ra liệu đợt căng thẳng mới nhất có gì khác so với những gì xảy ra ba năm trước hay không.

    Nhìn vào dữ liệu 

    Để hiểu rõ hơn về diễn biến của những căng thẳng gần đây tại Bãi Cỏ Mây, AMTI đã kết hợp các báo cáo công khai với dữ liệu lịch sử của Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) để phân tích tốt hơn các nhiệm vụ tiếp tế kể từ năm 2021. Khoảng thời gian này được chọn vì có sẵn dữ liệu AIS và không bao gồm các sự cố được báo cáo quanh bãi cạn từ năm 2013 đến năm 2020, trong đó có một số sự cố. Trong khoảng thời gian ba năm, AMTI có thể xác định 30 nhiệm vụ tiếp tế của Philippine: 18 nhiệm vụ được báo cáo công khai và hiển thị trên AIS, 9 nhiệm vụ hiển thị trên AIS nhưng không được báo cáo, và 3 nhiệm vụ được báo cáo nhưng không hiển thị trên AIS.

    Dữ liệu này vốn không đầy đủ. Các tàu sử dụng bộ phát tín hiệu AIS tầm gần hoặc những tàu tắt bộ phát tín hiệu sẽ không hiển thị trên nền tảng AIS vệ tinh thương mại để có thể theo dõi. Điều này có nghĩa là có khả năng có những nhiệm vụ tiếp tế đã xảy ra nhưng không tồn tại trong bộ dữ liệu này, đặc biệt là vào năm 2021 và 2022 trước khi Philippines bắt đầu công khai thường xuyên từng nhiệm vụ. Tuy nhiên, phân tích so sánh dữ liệu này theo thời gian cho thấy một số xu hướng chính về căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây.

    1. Số lượng tàu Trung Quốc tham gia đã tăng lên theo thời gian và tăng đáng kể vào năm 2023

    Số lượng tàu Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây trong các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines đã tăng lên đáng kể. Trung bình vào năm 2021, một tàu Trung Quốc được quan sát thấy tại Bãi Cỏ Mây trong các nhiệm vụ tiếp tế. Đến năm 2023, con số này tăng lên khoảng 14 tàu. 

    Số lượng tàu trung bình tại bãi Cỏ Mây trong các nhiệm vụ tiếp tế. Nguồn: CSIS/AMTI & Starboard Maritime Intelligence

    Ngược lại, Philippines chỉ có trung bình 2-3 tàu có mặt trong các nhiệm vụ tiếp tế từ năm 2021 đến cuối năm 2023. Sự gia tăng số lượng tàu Trung Quốc này đặc biệt ấn tượng trong những tháng gần đây: 46 tàu Trung Quốc có mặt trong nhiệm vụ tiếp tế gần đây nhất vào ngày 10 tháng 12 năm 2023, so với chỉ 4 tàu của Philippines.

    2. Có sự phát triển mới về loại tàu tham gia, với tàu quân sự và bán quân sự nhiều hơn 

    Các loại tàu được cả Trung Quốc và Philippines triển khai tới Bãi Cỏ Mây đã thay đổi trong ba năm qua. 

    Số lượng tàu tại Bãi Cỏ Mây trong các nhiệm vụ tiếp tế. Số lượng tàu dân quân và hải cảnh Trung Quốc tăng vào năm 2022 trước khi tăng mạnh vào năm 2023, trong khi số lượng tàu của Philippines phần lớn không thay đổi. Ảnh: AMTI/CSIS & Starboard Maritime Intelligence


    Năm 2021, lực lượng dân quân biển Trung Quốc không được triển khai thường xuyên tới Bãi Cỏ Mây. Thay vào đó, chỉ có một tàu hải cảnh Trung Quốc (CCG) có mặt trong hầu hết các nhiệm vụ tiếp tế. Dữ liệu AIS từ tháng 4 và tháng 5 năm 2021 cho thấy các tàu của chính phủ Philippines từ Cục Thủy sản và nguồn lợi Thủy sản (BFAR) tiến sâu vào bãi cạn để cung cấp vật tư, dường như không bị phản đối.

    Nhưng vào mùa xuân năm 2022, các nhóm từ 4 đến 5 tàu dân quân bắt đầu duy trì sự hiện diện liên tục tại Bãi Cỏ Mây và hỗ trợ các nỗ lực của CCG nhằm ngăn chặn tàu của chính phủ Philippines đi vào bãi cạn này. Đồng thời, Philippines chuyển sang sử dụng tàu Cảnh sát biển Philippines (PCG) để hộ tống các nhiệm vụ tiếp tế, thay vì sử dụng các tàu thuộc BFAR kém năng lực hơn. 

    Cuối mùa thu năm 2022, Philippines đã thực hiện ít nhất ba nhiệm vụ tiếp tế mà không có bất kỳ tàu hộ tống nào cho các tàu vận tải dân sự nhỏ. Người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (WESCOM), Phó Đô đốc Alberto Carlos, cho biết đây là một lựa chọn có chủ ý và là một phần trong “nỗ lực xây dựng lòng tin” để tận dụng “tất cả các phương tiện sẵn có để cùng tồn tại hòa bình”. 

    Tuy nhiên, vào đầu năm 2023, PCG lại bắt đầu hộ tống các nhiệm vụ tiếp tế. Và vào nửa cuối năm 2023, cả tàu hải quân Trung Quốc và Philippines bắt đầu thường xuyên được nhìn thấy ở khu vực lân cận Bãi Cỏ Mây trong các nhiệm vụ tiếp tế. Các tàu của Hải quân - Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) đã được quan sát thấy ở gần đó trong 5 trong số 8 nhiệm vụ tiếp tế được quan sát kể từ tháng 6 năm 2023, với các tàu Hải quân Philippines có mặt trong khu vực trong 3 nhiệm vụ. (Lưu ý: Vì người ta hiếm khi quan sát thấy các tàu của PLAN phát sóng AIS nên sự hiện diện thực tế của chúng vào năm 2021 và 2022 có thể thường xuyên hơn dữ liệu cho thấy.) Và mặc dù không gửi tàu mặt nước, Hải quân Hoa Kỳ đã cung cấp cho Philippines “con mắt của bầu trời” bằng cách triển khai máy bay trinh sát hàng hải P-8 Poseidon tới Bãi Cỏ Mây trong ít nhất ba trong số sáu nhiệm vụ tiếp tế gần đây nhất.

    3. Philippines đã báo cáo các chuyến tiếp tế và các sự cố liên quan tới Trung Quốc một cách nhất quán hơn theo thời gian, với sự thay đổi đáng kể từ tháng 2 năm 2023

    Chưa đến một nửa số nhiệm vụ tiếp tế được quan sát vào năm 2021 (ba trong số bảy) được chính phủ hoặc phương tiện truyền thông Philippines đưa tin công khai. Ngược lại, 80% (12 trong số 15) nhiệm vụ tiếp tế được quan sát vào năm 2023 đã được báo cáo công khai, thường vào cùng ngày nhiệm vụ được tiến hành và/hoặc xảy ra cuộc đối đầu với tàu Trung Quốc.

    Tỷ lệ báo cáo công khai về các nhiệm vụ tiếp tế tại Bãi Cỏ Mây. Ảnh: CSIS/AMTI & Starboard Maritime Intelligence

    Sự phát triển này hướng tới mức độ minh bạch hiện tại của Philippines, và việc tích cực báo cáo về các sự kiện tại Bãi Cỏ Mây đã phát triển trong suốt năm 2022 và đến đầu năm 2023. Trong khi trước đây chỉ truyền thông những nhiệm vụ tiếp tế có sự cố lớn xảy ra, kể từ tháng 6 năm 2022 (trước khi chính quyền Marcos hiện tại nhậm chức), Philippines đã bắt đầu thử nghiệm một cách tiếp cận cởi mở hơn khi mời các nhà báo tham gia sứ mệnh luân chuyển và tiếp tế. Sau đó, Philippines báo cáo công khai về tất cả các nhiệm vụ tiếp tế được quan sát trong nửa cuối năm 2022. 

    Nhưng những chi tiết quan trọng trong những lần nhiệm vụ tiếp tế đó dường như đã không được công bố rộng rãi ngay ở thời điểm đó. Ví dụ, WESCOM đã báo cáo vào tháng 8 năm 2022 rằng nhiệm vụ tiếp tế đã được tiến hành suôn sẻ, “không có bất kỳ sự cố đáng tiếc nào”. Mãi cho đến tháng 2 năm 2023, PCG, trong bối cảnh phản đối việc CCG bắn tia laser vào một trong những con tàu của mình, đã tiết lộ rằng trong nhiệm vụ tháng 8 đó, một tàu CCG đã tháo vỏ bọc một khẩu pháo hải quân 70mm được trang bị trên tàu trong khi tạo thành một vòng phong tỏa bằng các tàu CCG và dân quân khác, ngăn chặn PCG tiếp cận bãi cạn. 

    Tháng 2 năm 2023 đã đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên “minh bạch triệt để” hiện nay, đặc trưng của thông điệp từ Philippines xung quanh Bãi Cỏ Mây, với việc PCG đưa ra các tuyên bố và hình ảnh ngay sau khi các nhiệm vụ tiếp tế được thực hiện, dù có hay không có sự cố lớn. 

    Mức độ minh bạch ngày càng tăng này có thể cũng góp phần làm cho số lượng nhiệm vụ tiếp tế quan sát được cao hơn: 15 nhiệm vụ tiếp tế được quan sát vào năm 2023, so với 8 nhiệm vụ vào năm 2022 và chỉ 7 vào năm 2021. Nhưng nếu không có báo cáo đầy đủ hơn từ những năm trước, thì vẫn không thể nói được liệu sự gia tăng này hoàn toàn là kết quả của việc báo cáo tốt hơn hay liệu Philippines đã tăng số lần các nhiệm vụ tiếp tế.

    4. Sự cố lớn rất hiếm xảy ra - cho đến nửa cuối năm 2023

    Từ năm 2021 đến tháng 7 năm 2023, trong khi căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây xảy ra gắn liền với các động thái di chuyển một cách hung hăng, thách thức qua vô tuyến, thì việc va chạm vật lý giữa các tàu Philippines và Trung Quốc dường như rất hiếm. Sau khi CCG sử dụng vòi rồng để chống lại một tàu tiếp tế của Philippines vào tháng 11 năm 2021, sự cố tiếp theo được báo cáo công khai có va chạm vật lý là vào tháng 8 năm 2023, khi vòi rồng lại được sử dụng, lần này là để chống lại cả PCG và một tàu tiếp tế.

    Những sự cố lớn tại Bãi Cỏ Mây kể từ năm 2021. Nguồn: AMTI/CSIS & Starboard Maritime Intelligence

    Kể từ đó, các cuộc chạm trán giữa tàu Philippine và Trung Quốc đã gia tăng ở mức đáng báo động. Các vụ va chạm và/hoặc việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines xảy ra trong cả ba nhiệm vụ tiếp tế kể từ tháng 10. Ngày 10 tháng 12 đặc biệt căng thẳng khi vòi rồng làm hỏng động cơ của một tàu tiếp tế của Philippines trong khi một tàu CCG va chạm với một tàu tiếp tế khác có Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines trên tàu.

    Con đường phía trước

    Nếu các vụ va chạm và phun vòi rồng vẫn diễn ra thường xuyên tại Bãi Cỏ Mây, thì việc chúng vô tình dẫn tới leo thang gây ra bởi mức độ thiệt hại hoặc tử vong ngoài ý muốn chỉ là vấn đề thời gian. Có lẽ nhận thức được nguy cơ này, các quan chức Philippines và Trung Quốc vào ngày 17 tháng Giêng đã cam kết cải thiện liên lạc và giải quyết các sự cố thông qua ngoại giao sau cuộc gặp song phương về vấn đề Biển Đông. Nhưng với việc Philippines quyết tâm tiếp tế và nâng cấp cho tàu Sierra Madre, những cam kết này có thể sẽ có ít tác động trừ khi đi kèm với sự thay đổi trong chiến thuật của CCG và dân quân xung quanh bãi cạn.

    Bài viết gốc được đăng trên trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại https://amti.csis.org/tracking-tensions-at-second-thomas-shoal/. Một đoạn trong bài gốc nói về việc "Philippines vẫn chưa thực hiện sứ mệnh tiếp tế bằng đường biển vào năm 2024" đã được lược bỏ trong bản dịch vì vào ngày 3 tháng 2, Philippines đã tiếp tục thực hiện tiếp tế bằng đường biển.

    Ngô A Minh đang ứng tuyển cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. TS. Vân Phạm là thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

    Tracking Tensions at Second Thomas Shoal

    Published: January 30, 2024 

    Philippine and Chinese ships maneuver during a resupply mission to Second Thomas Shoal on November 10, 2023

    Over the last two years, tensions between China and the Philippines at Second Thomas Shoal have emerged as the focal point of frictions in the South China Sea.

    The Philippines maintains a detachment of marines at Second Thomas Shoal stationed aboard the BRP Sierra Madre, a Philippine navy ship intentionally grounded there in 1999. Ever since, the Philippines has maintained regular “rotation and resupply” missions to deliver supplies and rotate troops to and from the makeshift outpost.

    China has maintained a regular coast guard patrol around Second Thomas since 2013 and has harassed Philippine resupply missions from time to time ever since. Most famously, in 2014, China blockaded the Sierra Madre for three weeks, forcing the Philippines to airdrop supplies. Since 2022, however, Chinese coast guard and militia ships have sought to block resupply missions more regularly, amassing around the shoal in greater numbers and employing increasingly aggressive tactics to prevent Philippine vessels from reaching the Sierra Madre. China justifies this behavior by accusing the Philippines of ferrying in construction supplies with the aim of either turning the Sierra Madre into a more permanent structure or building an entirely new outpost on Second Thomas.

    Efforts by China to block Philippine resupply missions have made headlines as collisions and the use of water cannons have created fear that an incident at Second Thomas could spark a more serious conflict. But amid constant reports of confrontation between Philippine and Chinese ships, it can be difficult to discern whether the latest round of tensions is any different from those that occurred three years ago.

    A Look at the Data

    To better understand the evolution of recent tensions at Second Thomas Shoal, AMTI combined public reporting with a review of historical Automated Identification System (AIS) data to better analyze resupply missions since 2021. This time-period was chosen because of the availability of AIS data and does not include reported incidents around the shoal from 2013 to 2020, of which there were several. Over the three-year period, AMTI can identify 30 Philippine resupply missions: 18 that were both reported publicly and visible on AIS, 9 visible on AIS but not reported, and 3 reported but not visible on AIS.

    This data is inherently incomplete. Ships using short range AIS transponders or those that turn their transponders off cannot be tracked on commercial satellite AIS platforms. This means that there are likely resupply missions that occurred but do not exist in this dataset, especially in 2021 and 2022 before the Philippines began regularly publicizing each mission. Nevertheless, a comparative analysis of this data over time reveals several major trends about tensions at Second Thomas Shoal.

    1. The number of Chinese vessels involved has increased over time, and did so dramatically in 2023.

    The number of Chinese vessels at Second Thomas Shoal during Philippine resupply missions has increased substantially. In 2021, on average, a single Chinese ship was observed at Second Thomas during resupply missions. By 2023, this increased to approximately 14 ships.

    In contrast, the Philippines has averaged just 2-3 vessels present during resupply missions from 2021 through the end of 2023. This increase in Chinese vessels has been particularly dramatic in recent months: 46 Chinese ships were present at the most recent resupply mission on December 10, 2023, compared with just 4 for the Philippines.

    2. The ships involved have shifted to include more military and paramilitary vessels

    The types of vessels deployed to Second Thomas by both China and the Philippines have evolved over the past three years.

    In 2021, Chinese maritime militia were not regularly deployed to Second Thomas. Instead, only a single China Coast Guard (CCG) vessel was present during most resupply missions. AIS data from April and May 2021 show Philippine government vessels from the Bureau of Fisheries and Aquatic Resources (BFAR) entering deep within the shoal to deliver supplies, apparently uncontested.

    But in the spring of 2022, groups of four to five militia vessels began to consistently maintain a presence at Second Thomas and assist with CCG efforts to stop Philippine government ships from entering the shoal. At the same time, the Philippines shifted to using Philippine Coast Guard (PCG) ships to escort resupply missions, rather than the less capable BFAR vessels.

    Later in the fall of 2022, the Philippines ran at least three resupply missions without any escorts for the small civilian transport boats. The head of the Philippines’ Western Command (WESCOM), Vice Admiral Alberto Carlos, said this was a deliberate choice and part of “trust-building efforts” being taken to exhaust “all available means of peacefully coexisting.”

    In early 2023, however, the PCG began again escorting resupply missions. And in the second half of 2023, both Chinese and Philippine naval ships began to be seen regularly in the vicinity of Second Thomas during resupply missions. People’s Liberation Army-Navy (PLAN) vessels were observed nearby during five of the eight resupply missions observed since June 2023, with Philippine Navy ships in the area during three. (Note: Because PLAN vessels are rarely observed broadcasting AIS, their actual presence in 2021 and 2022 may have been more frequent than the data suggests.) And while not sending surface vessels, the U.S. Navy has provided the Philippines with an “eye in the sky” by deploying P-8 Poseidon maritime reconnaissance aircraft to Second Thomas during at least three of the last six resupply missions.

    3. The Philippines has more consistently reported resupply missions and associated incidents with China over time, with a significant change in February 2023.

    Fewer than half of observed resupply missions in 2021 (three of seven) were reported publicly by the Philippine government or media. In contrast, 80 percent (12 of 15) of observed resupply missions in 2023 were reported publicly, often on the same day the mission was conducted and/or a confrontation with Chinese vessels occurred.

    This evolution toward the Philippines’ current level of transparency and active reporting about events at Second Thomas developed during 2022 and into early 2023. After previously only reporting missions in which a major incident occurred, the Philippines began experimenting with a more open approach in June of 2022 (before the current Marcos administration took office), when it invited journalists to join a rotation and resupply mission. It then publicly reported on all observed resupply missions for the second half of 2022.

    But key details of those missions appear to have been left out of public releases at the time. For instance, WESCOM reported in August 2022 that a resupply mission had been conducted smoothly, “without any untoward incident.” It wasn’t until February 2023 that the PCG, then protesting the lasing of one of its ship by the CCG, revealed that during that August mission, a CCG vessel had removed the cover from one of its 70mm naval guns while forming a blockade with other CCG and militia ships, preventing the PCG from approaching the shoal.

    February 2023 marked the beginning of the current era of “radical transparency” that has characterized messaging from the Philippines around Second Thomas Shoal ever since, with the PCG issuing statements and photos immediately after resupply missions are conducted, with or without major incident.

    This increased level of transparency likely also contributed to a higher number of resupply missions being observed: 15 resupply missions were observed in 2023, as compared with 8 in 2022 and only 7 in 2021. But without more complete reporting from earlier years, it is impossible to discern whether this increase is entirely a product of better reporting, or if the Philippines has increased the tempo of resupply missions.

    4. Major incidents were rare—until the second half of 2023

    From 2021 through July 2023, while tensions at Second Thomas played out through aggressive maneuvering of ships and stern radio messaging, physical contact between Philippine and Chinese vessels appears to have been rare. After water cannons were used by the CCG against a Philippine supply ship in November 2021, the next publicly reported incident where physical contact was made was in August 2023, when water cannons were again used, this time against both the PCG and a supply ship.

    Since then, physical encounters between Philippine and Chinese ships have increased at an alarming rate, with collisions and or Chinese use of water cannons against Philippine ships occurring in all three supply missions since October. December 10 was particularly tense, as water cannons disabled the engines of one Philippine supply ship while a CCG vessel collided with the other supply ship where the chief of staff of the Armed Forces of the Philippines was on board.

    The Road Ahead

    The Philippines has yet to conduct a seaborne resupply mission in 2024, saying that a mission planned for the weekend of January 20-21 was postponed due to damage to the Unaizah Mae 1, a civilian transport used to deliver supplies to the BRP Sierra Madre. Instead, food supplies were reportedly air-dropped as a stop-gap measure until regular missions can be resumed.

    If collisions and the firing of water cannons persist as regular occurrences at Second Thomas, it may only be a matter of time before they trigger an accidental escalation by causing an unintended level of damage or loss of life. Perhaps aware of this risk, Philippine and Chinese officials on January 17 pledged to improve communications and resolve incidents through diplomacy after a bilateral meeting on South China Sea issues. But with the Philippines determined to both resupply and upgrade the Sierra Madre, these commitments are likely to have little impact unless accompanied by a change in CCG and militia tactics around the shoal.

    https://amti.csis.org/tracking-tensions-at-second-thomas-shoal/#


    Không có nhận xét nào