Tác giả, Huyền Trân
BBC News Tiếng Việt
02/02/2024
" Với thông tin hiện tại, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong đang phối hợp với Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia Mekong của Campuchia (CNMC) để có thêm chi tiết về dự án.
Theo MRC, thông báo của Campuchia đã mở ra một kênh đối thoại giữa các quốc gia thành viên và những bên liên quan về cơ hội thảo luận, đồng giám sát, và giám sát các chi tiết hướng dẫn từ Ủy hội sông Mekong.
MRC cho biết quy trình này tuân thủ với các ý định được đề ra trong Hiệp định sông Mekong 1995 do Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam khi thành lập ủy hội này.
Về phía chính quyền Việt Nam, hiện chưa có phản ứng chính thức về dự án kênh đào Phù Nam Techo".
Nguồn hình ảnh, TANG CHHIN SOTHY/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
'Sức khỏe' sông Mekong ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục triệu người trong khu vực. Trong ảnh: Học sinh đi học tại tỉnh Battambang ở Campuchia vào năm 2020.
Siêu dự án kênh đào Funan Techo sẽ có tác động về mặt kinh tế và môi trường như thế nào đến Việt Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long?
Kênh đào Funan Techo sẽ được Campuchia khởi công trong quý tư năm nay sau khi nghiên cứu khả thi đã hoàn tất.
Tên của kênh đào, Funan Techo, gợi nhớ đến tên vương quốc Phù Nam cổ xưa từng nằm vắt ngang từ bán đảo Mã Lai tới tận vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.
Kênh đào dự kiến sẽ chạy từ Prek Takeo của sông Mekong ra biển ở tỉnh Kep, đi qua Prek Ta Ek của sông Bassac, sau đó vào Prek Ta Hing của sông Bassac.
Kênh đào đi qua bốn tỉnh của Campuchia gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Hun Manet hồi tháng 12/2023 nói rằng không có “bí mật” gì trong việc xây dựng kênh đào này.
Theo ông Hun Manet, việc mở rộng cảng Sihanoukville và xây dựng kênh đào Funan Techo sẽ tăng sức mạnh của kinh tế quốc gia.
Getty Images
Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia
180 km và 1,7 tỷ USDĐộ dài và chi phí ước tính
Rộng100 m ở thượng nguồn
Rộng80 m ở hạ nguồn
Độ sâu5,4 m
Thời gian xây dựng4 năm
Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)
Tác động môi trường nào tới Việt Nam?
Có hai quan ngại về dự án này hiện nay cho phía Việt Nam, bao gồm môi trường và kinh tế.
Theo Khmer Times, Thủ tướng Hun Manet đã “giải thích rõ ràng về chi tiết dự án” với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức tới Hà Nội trong hai ngày 11 và 12/12/2023 vừa qua.
Ông Hun Manet lặp lại lời đảm bảo với các lãnh đạo Việt Nam là dự án kênh đào “sẽ không tác động đến nước của sông Mekong”, theo tường thuật của Khmer Times.
Trả lời phỏng vấn độc quyền ngày 31/1của Khmer Times, ông So Naro, Đại diện Thủ tướng phụ trách vấn đề ASEAN của Campuchia, khẳng định “dự án trên lãnh thổ của Campuchia sẽ không tác động tới Việt Nam, […] ngoại trừ việc mất nguồn lợi thu phí đánh trên việc vận chuyển hàng hóa của Campuchia thông qua tuyến đường thủy của [Việt Nam].”
Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết theo thông báo mà họ nhận được từ Campuchia thì mục đích của dự án là vận tải đường thủy nội địa và kết nối đường thủy.
“Dự án sẽ không có tác động đáng kể nào đối với dòng chảy mỗi ngày và lưu lượng dòng chảy hàng năm của hệ thống sông Mekong. Việc xây dựng và vận hành ba âu tàu [waterway lock] này sẽ cho phép việc quản lý hiệu quả và kiểm soát dòng chảy trong kênh đào. Và những tác động xã hội và môi trường ở mức rất thấp trong suốt quá trình xây dựng và vận hành và sẽ được kiểm soát”, MRC chia sẻ nội dung mà phía Campuchia gửi.
Nhà nghiên cứu Brian Eyeler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, đánh giá dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ có thể tạo ra những tác động môi trường và xã hội cho Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng “không theo cách đang được thảo luận rộng rãi tại Việt Nam”.
"Đa số giả định kênh đào này sẽ rút dòng chảy chính của sông Tiền và sông Hậu, nhưng một hệ thống cổng và âu tàu phức tạp sẽ ngăn chặn điều này xảy ra nếu được quản lý đúng cách."
"Tuy nhiên, các tác động thật sự sẽ làm giảm dòng chảy từ Campuchia về Việt Nam qua vùng đồng bằng bồi đắp và có thể làm sụt giảm lượng nước hiện có một cách nghiêm trọng ở Campuchia, phía nam kênh đào và đồng thời tại các tỉnh An Giang và Kiên Giang."
"Hệ thống đê của kênh đào sẽ cắt ngang qua vùng đất ngập nước tại tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia, căn bản tạo ra một bức tường cực kỳ dài, ngăn chặn nước chảy xuống hạ lưu thông qua vùng đồng bằng bồi đắp chung rộng 1.500 km2," ông Brian nhận định.
Ông Brian nói rằng để đánh giá lượng nước bị sụt giảm bao nhiêu thì phải có nghiên cứu đầy đủ, nhưng “tôi có thể đoan chắc là con số này sẽ không nhỏ”.
“Các con đê của kênh đào này cũng sẽ khiến nước chảy về hướng đông và ngược vào các nơi tại Campuchia vốn trước đây chưa từng ngập lũ. Tôi lo ngại về khả năng dẫn tới lũ lụt tại thành phố Takeo và tại các vùng ở phía nam, ngoại ô của Phom Penh”, ông nói.
Giáo sư Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông chỉ biết những thông tin ban đầu như Campuchia công bố về dự án này.
Do đó ông cho biết không thể đánh giá dự án này có “bi quan” hay không vào thời điểm hiện tại.
“Tôi không nghe thêm thông tin khác, hiện tôi đang chờ thêm thông tin từ Ủy hội sông Mekong và các tổ chức viễn thám khác chụp hình xem có gì thay đổi hay không.”
“Tôi nghĩ việc sử dụng nước lớn như vậy thì sẽ có tác động. Mặc dù bề ngang của kênh đào Phù Nam Techo chỉ khoảng 100 mét, nhưng bề sâu từ 4 – 5 mét, phía trên có những âu tàu. Khi làm xong công trình, thời gian họ chặn nước lại để con kênh đầy lên thì tôi lo ngại không biết thời gian này bao lâu, vì phụ thuộc thời tiết, lượng mưa, rồi lấy nước của sông Basaac để làm đầy kênh.”
“Trong lúc thời gian làm đầy nước cho kênh thì lượng nước chảy xuống hạ nguồn sông Mekong sẽ ra sao, bao nhiêu nước sẽ bị chặn lại, nước chảy qua vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ bị ảnh hưởng ra sao và trong bao lâu. Đây là quan ngại của tôi,” ông nói.
Một ý kiến khác, tiến sĩ Sam Seun, nhà nghiên cứu chính sách từ Viện Hoàng gia Campuchia, cho rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long.
“Campuchia rất cẩn trọng trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo. Campuchia cũng không làm điều gì gây tổn hại cho dòng sông Mekong và đã chính thức ngừng xây dựng đập thủy điện dọc con sông này. Campuchia và Việt Nam đều kết nối với nhau qua sông Mekong. Tôi nghĩ Việt Nam nên ủng hộ Campuchia tiến hành dự án này thay vì lo lắng,” ông nói với BBC.
Trong khi đó, Ủy hội sông Mekong cho BBC biết vì thông tin nhận được chỉ bao gồm các chi tiết kỹ thuật chính và một mô tả ngắn về đánh giá tác động nên MRC không thể bình luận chi tiết được về dự án vào thời điểm này.
“Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong đã yêu cầu và chờ thêm thông tin chi tiết từ Campuchia. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với quốc gia thông báo dự án (Campuchia) để có thêm thông tin chi tiết. Cho đến khi đó, chúng tôi mới có thể tiến hành xem xét kỹ thuật và cung cấp bình luận về dự án này,” MRC thông tin với BBC.
Nên dừng dự án đến khi nghiên cứu đầy đủ?
Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Theo Khmer Times, Thủ tướng Hun Manet đã “giải thích rõ ràng về chi tiết dự án” với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm tới Hà Nội trong hai ngày 11 và 12/12/2023 vừa qua
Ông So Naro khẳng định với Khmer Times rằng “dự án sẽ được xây dựng, bất chấp điều gì xảy ra”, sau khi đã được nghiên cứu khả thi 26 tháng.
Về Việt Nam, ông nói: “Chúng ta không có ý tiêu cực gì về Việt Nam, tuy nhiên, khi chúng ta phụ thuộc vào ai đó về sự tồn tại, điều này có nghĩa chúng ta đang đánh mất một phần độc lập của mình. Đó là lý do kênh đào Phù Nam Techo không chỉ là một phần lịch sử trong cơ sở hạ tầng quốc gia mà còn là một thành tựu nổi bật trong nền chính trị quốc tế của Campuchia.”
Nhà nghiên cứu Brian Eyeler cho rằng cần phải nghiên cứu đầy đủ và bình luận về tính cần thiết của dự án này. Và cho đến khi dự án được nghiên cứu đầy đủ thì theo ông, “nên dừng dự án này” vì có nhiều lựa chọn khác.
Theo ông Brian, Campuchia hoàn toàn có thể vận chuyển container dễ dàng thông qua tuyến đường cao tốc mới từ Phnom Penh về các cảng nước sâu ở Sihanoukville và Ream.
“Thương mại trên cao tốc sẽ đến các cảng nhanh hơn nhiều so với các xà lan vận chuyển hàng hóa chậm, qua các mạng lưới cổng và âu tàu phức tạp. Cũng có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao để bổ sung các tuyến đường sắt hiện có từ Phnom Penh đến Kep và Sihanoukville và vận chuyển đường sắt có thể rẻ bằng đường thủy nếu được thiết kế hợp lý,” ông đánh giá.
Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam–Campuchia có hiệu lực từ tháng 1/2011. Từ đó, khoảng 20 triệu tấn hàng hóa và chừng 1,3 triệu lượt hành khách đã lưu thông qua đường thủy nội địa giữa hai nước, theo thống kê vào tháng 5/2023.
Hai cảng Phnom Penh và Sihanoukville của Campuchia là điểm tập kết. Hàng hóa sau đó sẽ quá cảnh đến các cảng biển khu vực TP HCM và Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa–Vũng Tàu).
Giới quan sát cho rằng kênh đào Phù Nam khi xây dựng xong sẽ thiết lập tuyến kết nối giữa cảng Phnom Penh và Sihanoukville, giúp nhiều hàng hóa di chuyển qua các cảng ở Campuchia hơn là thông qua Việt Nam như hiện nay, và Việt Nam có thể mất nguồn lợi từ việc này.
Có yếu tố Trung Quốc?
Nguồn hình ảnh, Matt Hunt/SOPA Images/LightRocket thông qua Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Hun Manet khẳng định dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp cải thiện đời sống của 1,6 triệu người dân địa phương sống xung quanh kênh đào
Kinh phí đầu tư dự án này là 1,7 tỷ USD, theo hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao).
Theo Thông tấn xã Campuchia (AKP) ngày 27/12, Thủ tướng Hun Manet tuyên bố “Campuchia không vay tiền từ Trung Quốc để xây kênh đào này, nhưng việc xây dựng sẽ được tiến hành với sự hợp tác của lĩnh vực tư nhân theo hình thức BOT”.
“Bộ Kinh tế và Tài chính cũng nêu rõ rằng dự án kênh đào sẽ được thực hiện theo cơ chế đối tác công tư (Public-Private Partnerships – PPP), mà không theo khuôn khổ của bất kỳ khoản nợ từ các đối tác phát triển nào,” theo AKP.
Hiện chưa rõ đối tác tư nhân trong đầu tư dự án này là từ quốc gia nào.
Hiện Trung Quốc vẫn thúc đẩy mối quan hệ song phương ‘sắt son’ với Campuchia, quốc gia gần 17 triệu dân.
Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Thủ tướng Hun Manet được giới quan sát nhìn nhận vẫn đang tiếp nối di sản của cha mình, cựu Thủ tướng Hun Sen, trong việc gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, cùng với đó là quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền tiếp tục được củng cố.
Không lâu sau khi nhậm chức, ông Hun Manet cũng đã công du đến Bắc Kinh vào tháng 9/2023 và có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Campuchia cũng là một trong những quốc gia Đông Nam Á rất ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI).
Campuchia cũng đã tham gia Sáng kiến ‘Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai’ của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm của ông Hun Sen đến Bắc Kinh hồi tháng 2/2023, hai nước cũng đã nâng tầm hợp tác lên “Hợp tác Lục giác kim cương” trong sáu lĩnh vực ưu tiên, gồm hợp tác chính trị, năng lực và chất lượng sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh và trao đổi nhân lực.
Trong bài viết trên Diplomat ngày 2/1/2024, Sothearak Sok, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và giảng viên Đại học Hoàng gia Phnom Penh, Campuchia, nêu một bình luận cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng kênh đào này để thúc đẩy tham vọng quân sự trong khu vực.
Trước đó, năm 2022, một số quan chức phương Tây giấu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề, nói với Washington Post về việc Trung Quốc đã “bí mật” động thổ xây dựng căn cứ hải quân Ream ở Vịnh Thái Lan, tiền đồn ở nước ngoài thứ hai của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương. Quan chức các nước liên quan sau đó đã cố làm nhẹ vụ việc này.
Quy trình sắp tới sẽ là gì?
Nguồn hình ảnh, TANG CHHIN SOTHY/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ngư dân đánh cá trên sông Mekong tại Phnom Penh vào năm 2021
Campuchia đã thông báo các quốc gia thành viên trong Ủy hội sông Mekong về ý định xây dựng kênh đào này.
Với thông tin hiện tại, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong đang phối hợp với Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia Mekong của Campuchia (CNMC) để có thêm chi tiết về dự án.
Theo MRC, thông báo của Campuchia đã mở ra một kênh đối thoại giữa các quốc gia thành viên và những bên liên quan về cơ hội thảo luận, đồng giám sát, và giám sát các chi tiết hướng dẫn từ Ủy hội sông Mekong.
MRC cho biết quy trình này tuân thủ với các ý định được đề ra trong Hiệp định sông Mekong 1995 do Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam khi thành lập ủy hội này.
Về phía chính quyền Việt Nam, hiện chưa có phản ứng chính thức về dự án kênh đào Phù Nam Techo.
Không có nhận xét nào