Nguồn: Edward White, “Chinese companies revive Mao Zedong-era militias”, Financial Times, 25/02/2024
Biên Dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
26/02/2024
Các đơn vị động viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân phản ánh trọng tâm an ninh của ông Tập Cận Bình khi nền kinh tế đang chậm lại.
Theo phân tích của Financial Times dựa trên thông cáo của các công ty và báo cáo từ các phương tiện truyền thông nhà nước năm 2023, nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thành lập các phòng ban phụ trách Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFD) mới trong những tháng gần đây.
Trước đây, dưới thời Mao Trạch Đông những phòng ban này là những nhóm trực thuộc hoạt động tuyển quân của PLA ở cấp huyện và xã. Ngày nay, họ thường thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự và đóng góp vào việc tuyển quân, thăng chức và huấn luyện quân sự.
Các chuyên gia cảnh báo không nên coi sự gia tăng của các đơn vị PAFD thuộc doanh nghiệp là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc động viên quân đội để chống lại kẻ thù bên ngoài. Thay vào đó, họ cho rằng điều này có thể phản ánh việc bám sát định hướng tập trung nhiều hơn vào an ninh của Chủ tịch Tập Cận Bình và những lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ.
“Việc khởi động các đơn vị PAFD này là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại của giới lãnh đạo về tình hình ổn định xã hội trong nước”, Timothy Heath, nghiên cứu viên cấp cao về quốc phòng quốc tế tại Rand Corporation, cho biết. “Vì các cục này được thành lập ở rất nhiều nơi cùng một lúc, do đó việc này gần như chắc chắn được chỉ đạo từ trên xuống.”
Ông Health nói thêm rằng PAFD có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh trong nước, hoạt động như một cầu nối giữa các công ty, xã hội và lực lượng an ninh, đồng thời thúc đẩy lòng yêu nước và giám sát việc tuân thủ các chỉ thị của ĐCSTQ.
Dù các biện pháp kiểm soát đại dịch đã được dỡ bỏ vào đầu năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc vẫn thất bại trong việc quay trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này là do Trung Quốc đang phải đối mặt với sự trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, chi tiêu tiêu dùng giảm sút và doanh thu xuất khẩu lao dốc. Sau nhiều năm bùng nổ đầu tư bất động sản dựa trên nợ, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với những thách thức địa chính trị lớn hơn do mối quan hệ rạn nứt với Mỹ, sự ủng hộ của Tập Cận Bình đối với Vladimir Putin và việc Nga xâm lược Ukraine cũng như động thái quân sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và Biển Đông.
Tập đoàn kinh doanh sữa khổng lồ Yili của Trung Quốc, một công ty tư nhân, đã thành lập PAFD vào cuối năm ngoái, khiến đây là đơn vị PAFD đầu tiên thuộc một công ty không phải là doanh nghiệp nhà nước ở Nội Mông, nơi tập đoàn này đặt trụ sở. Vào tháng 1, các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết Yili, sở hữu một số công ty sữa ở New Zealand, đang xây dựng một lực lượng phòng vệ “phục vụ trong thời bình, ứng phó với các tình huống khẩn cấp và chiến đấu trong thời chiến”.
James Char, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho rằng việc quan tâm trở lại đến PAFD là do “đảng-nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề an ninh hơn phát triển”, sớm nhất là từ nhiệm kỳ thứ hai của Tập Cận Bình, bắt đầu vào năm 2017.
Ông Char cho biết tuyên bố của Tập đoàn Yili có thể được coi là phù hợp với xu hướng trên.
Tập đoàn Đầu tư Thành phố Thượng Hải, một tập đoàn đầu tư của chính quyền địa phương, cũng đã thành lập một đơn vị PAFD vào tháng 9, trong khi tập đoàn quốc doanh Mengniu, đối thủ cạnh tranh chính của Yili ở Nội Mông, đã thành lập một PAFD vào tháng 5 năm ngoái.
Theo thông báo của chính quyền huyện Horinger thuộc Nội Mông, một quan chức quân đội địa phương lưu ý rằng PAFD của Mengniu phải tuân thủ sự lãnh đạo của đảng đối với lực lượng vũ trang, nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp, cải thiện các lợi ích kinh tế và xã hội của doanh nghiệp đồng thời “trau dồi khả năng thắng trận”.
Trong năm ngoái, một số tập đoàn khác cũng thông báo thành lập các đơn vị PAFD qua truyền thông chính quyền địa phương và nhà nước, bao gồm Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Xây dựng Đô thị Vũ Hán, Tập đoàn Thiết bị PowerChina và Wuhan Metro, Công ty Nước Huệ Châu và Tập đoàn Đầu tư Giao thông Vận tải Huệ Châu ở tỉnh Quảng Đông, Tập đoàn Đầu tư Phát triển Xây dựng Đô thị Hải An ở tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc.
Việc thành lập các đơn vị PAFD mới trong các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc diễn ra cùng lúc với giai đoạn mới của chương trình cải cách quốc phòng hướng nội.
Kể từ cuối năm 2022, các cơ quan động viên quốc phòng dần thay thế các cơ quan dân phòng trên toàn quốc, báo hiệu mục tiêu nhằm tăng cường năng lực an ninh đất nước.
Một thành viên PAFD giấu tên ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc cho biết đơn vị của ông chủ yếu tập trung vào các hoạt động tuyển dụng và huấn luyện quân sự, đồng thời đôi lúc tổ chức các buổi chuyên đề giáo dục quốc phòng ở trường học.
Theo tuyên bố của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Kiến vào tháng 10 nói rằng việc thành lập PAFD trong các doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để “hoàn thành nghĩa vụ quốc phòng và tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng”.
Ông Heath cho biết sự trỗi dậy của các PAFD “chắc chắn gây ngạc nhiên” khi xét đến việc lãnh đạo ĐCSTQ hiểu rằng phần lớn người dân Trung Quốc không mấy quan tâm đến học thuyết Mao và chủ nghĩa cộng sản thời kỳ tiền cải cách của Trung Quốc.
“Đây là một thực thể chủ yếu gắn liền với hoạt động huy động quần chúng trong những năm dưới thời Mao Trạch Đông, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia tích cực hơn nhiều vào việc định hướng các hoạt động chính trị của người dân”, ông Heath nói. “Kể từ khi Đặng Tiểu Bình đưa đảng đi theo hướng cải cách thực dụng, thân thiện với thị trường, loại hình hoạt động này đã giảm đi đáng kể.”
https://nghiencuuquocte.org/2024/02/26/cac-cong-ty-trung-quoc-dang-hoi-sinh-luc-luong-dan-quan-thoi-mao-trach-dong/
Không có nhận xét nào