Header Ads

  • Breaking News

    Bản chất sống còn trong cuộc tranh luận về viện trợ cho Ukraine

    Nguồn: Ross Douthat, “What the Ukraine Aid Debate Is Really About,” New York Times, 21/02/2024

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    26/02/2024

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2024/02/58.-What-the-Ukraine-Aid-Debate-Is-Really-About.jpg

    Cuối tuần qua, Thượng nghị sĩ J.D. Vance đại diện bang Ohio đã đến Hội nghị An ninh Munich để đảm nhiệm một vai trò không mấy dễ dàng: phát ngôn viên cho quan điểm dân túy chỉ trích việc Mỹ hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine, trước cử tọa là những nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực chính sách đối ngoại phương Tây.

    Cụm từ chính trong phát biểu của Vance là “thế giới khan hiếm,” mà ông đã sử dụng năm lần để mô tả tình hình chiến lược của Mỹ: bị quá sức do các cam kết toàn cầu nên không thể vừa hỗ trợ Ukraine, đồng thời duy trì vị thế trong khu vực Trung Đông, cũng như chuẩn bị cho một cuộc chiến ở Đông Á, và do đó buộc phải tiết kiệm tài nguyên và mong đợi các đồng minh châu Âu sẽ tự chống đỡ vũ khí và tham vọng của Nga.

    Trong một bài viết trước, tôi đã viết về những căng thẳng trong quan điểm của phe diều hâu về chi tiêu của Mỹ cho Ukraine, trong đó xu hướng đã chuyển từ lạc quan thái quá (“Chúng ta đã trói chân Putin!”) sang bi quan thái quá (“Putin đang mạnh hơn từng ngày”) khi mô tả cùng một bối cảnh chiến lược.

    Quan điểm mà Vance đưa ra ở Munich nhất quán hơn, và các tiền đề của nó – không dựa trên chủ nghĩa biệt lập, mà là “châu Á trên hết,” quan tâm đến Eo biển Đài Loan hơn là Donbas – đã trở thành nền tảng chung cho những nhà phê bình phía đảng Cộng hòa về chính sách Ukraine của Mỹ kể từ đầu cuộc chiến. Nhưng tính nhất quán không đồng nghĩa với tính đúng đắn, và cũng đáng để tìm hiểu xem tại sao kiểu lập luận này lại khiến phe diều hâu Ukraine thất vọng đến vậy.

    Một phần, vẫn có sự nghi ngờ rằng một số người đưa ra lập luận “châu Á trên hết” không thực sự tin vào nó, rằng đó chỉ là một cách ôn hòa hơn để rũ bỏ nghĩa vụ của Mỹ, và rằng nếu phe bảo thủ hoặc Donald Trump quyết định không đáng để chiến đấu vì Đài Loan, thì nhiều đảng viên Cộng hòa có quan điểm diều hâu với Trung Quốc vẫn sẽ viện ra một số lý do khác để biện minh cho việc không hành động ở Ukraine.

    Nhưng giả sử có thiện chí – và bất kể tính toán của các chính trị gia Cộng hòa có là gì, thì nhiều người vẫn ủng hộ quan điểm diều hâu với Trung Quốc – thì vấn đề là lập luận này đang ưu tiên xâm lược giả định hơn là xâm lược thực tế, ưu tiên một cuộc chiến tiềm tàng hơn một cuộc chiến đang diễn ra, ưu tiên “các tình huống bất ngờ ở Đông Á” (như lời Vance) hơn một thực tế ở Đông Âu. Về cơ bản, họ tuyên bố chúng ta không thể làm tất cả để ngăn chặn Vladimir Putin hôm nay bởi vì điều mà Bắc Kinh có thể làm ngày mai, và bạn có thể hiểu tại sao mọi người lại khó chịu với tuyên bố này.

    Quả thật, dù đồng ý với đánh giá chung rằng “châu Á trên hết,” bản thân tôi cũng cảm thấy khó chịu – đủ để nghĩ rằng chính quyền Biden đã đưa ra quyết định đúng đắn khi ủng hộ Ukraine và việc cắt giảm viện trợ đột ngột sẽ là một sai lầm ngay cả khi chúng ta nên tìm kiếm một lệnh ngừng bắn.

    Tuy nhiên, việc cân nhắc giữa tình huống bất ngờ với thực tế luôn là một phần công việc mà các chính trị gia phải làm. Và ưu tiên Đài Loan hơn Ukraine, mối nguy hiểm ở Đông Á hơn là cuộc chiến thực sự ở châu Âu, phụ thuộc vào hai giả định cần được nêu rõ và thảo luận.

    Đầu tiên, Trung Quốc thực sự nghiêm túc không chỉ về việc chiếm Đài Loan, mà còn về việc sớm thực hiện điều đó. Nếu bạn cho rằng việc tăng cường quân đội và tính hiếu chiến của Trung Quốc báo hiệu khả năng sáp nhập trong một tương lai xa, thì sẽ không có sự đánh đổi ngay lập tức giữa châu Âu và Thái Bình Dương. Thay vào đó, sẽ hợp lý hơn khi nghĩ rằng việc đánh bại Putin trong những năm 2020 sẽ khiến Bắc Kinh phải nghĩ lại trong những năm 2030, và rằng cam kết lâu dài về sản xuất vũ khí cần thiết để trang bị cho Ukraine giành chiến thắng cũng sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc trong 10 năm tới.

    Nhưng giả như mối nguy ở châu Á đã cận kề, rằng nhận thức của Bắc Kinh về những thách thức dài hạn của họ khiến nước này chấp nhận đánh cược trong khi Mỹ bị trói buộc bởi các cuộc khủng hoảng khác, bởi sự chia rẽ nội bộ, và bởi bốn năm năng lực tổng thống hạn chế bất kể ứng viên nào của hai đảng chính đắc cử. Trong trường hợp đó, tiềm năng sức mạnh của Mỹ trong 10 năm tới là điều không còn phù hợp. Và thực tế là chúng ta hiện đang chế tạo tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không chỉ để đốt cháy chúng, thêm hơn 7 đô la chi tiêu mới cho Ukraine cho mỗi 1 đô la chi tiêu liên quan đến các đồng minh châu Á và Australia, và ràng buộc quân sự và sự chú ý ngoại giao vào chiến tranh chiến hào ở Đông Âu, có nghĩa là chúng ta đang mời gọi Trung Quốc hành động, và hành động sớm.

    Điều này đưa chúng ta đến với giả định thứ hai: rằng việc Đài Loan rơi vào tay nước láng giềng sẽ thay đổi thế giới theo chiều hướng tồi tệ hơn nhiều so với việc Ukraine nhượng bộ lãnh thổ hoặc thậm chí phải đối mặt với thất bại hoàn toàn.

    Nếu bạn xem Đài Loan và Ukraine là hai nước tương đương nhau, nghĩa là đều phụ thuộc Mỹ nhưng không phải là đồng minh chính thức theo kiểu NATO, và cả hai đều là những nền dân chủ dễ bị tổn thương trước các nước láng giềng độc tài hùng mạnh, thì sẽ có lý do mạnh mẽ hơn để làm mọi thứ cho Ukraine vì họ bị đe dọa ngay lập tức, bất kể hậu quả đối với Đài Loan.

    Vấn đề là hai nước này không tương đương. Cam kết của Mỹ đối với Đài Loan đã tồn tại gần 70 năm, và dù chúng ta đã cố tình mơ hồ kể từ thời Nixon, hòn đảo này vẫn được hiểu là nằm dưới “chiếc ô an ninh” của Mỹ theo cách chưa bao giờ đúng với Ukraine. Đài Loan cũng là một nền dân chủ trưởng thành theo cách khác với Ukraine, điều đó có nghĩa là việc Trung Quốc chinh phục Đài Loan sẽ là một bằng chứng rõ ràng hơn nhiều cho sự thoái trào của thế giới dân chủ tự do. Và ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan khiến nước này sở hữu một lợi thế kinh tế lớn hơn nhiều so với Ukraine, có khả năng đẩy thế giới vào suy thoái nếu ngành này bị phá hủy trong chiến tranh, hoặc trao cho Bắc Kinh quyền lực lớn hơn nếu nó bị hấp thụ vào cơ sở hạ tầng công nghiệp của Trung Quốc.

    Điều quan trọng không kém là Trung Quốc không tương đương với Nga. Nga đúng là một mối đe dọa – như Vance lập luận – nhưng về lý thuyết có thể kiềm chế và ngăn chặn được, ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ, bởi một châu Âu có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt xa Nga.

    Ngược lại, sự giàu có và sức mạnh cứng tiềm tàng của Trung Quốc vượt xa tất cả các nước láng giềng châu Á, và việc chinh phục Đài Loan sẽ tạo ra bước đột phá cho sức mạnh hải quân của nước này, giúp họ mở rộng ảnh hưởng của chế độ độc tài và sắp xếp lại các quan hệ kinh tế ở châu Á và trên toàn thế giới.

    Để hiểu sâu hơn về những hậu quả này, bạn có thể đọc bài “The Taiwan Catastrophe” của Andrew S. Erickson, Gabriel B. Collins, và Matt Pottinger trên tờ Foreign Affairs. Bạn không cần phải tin vào mọi phân tích của họ để nắm được những rủi ro tiềm ẩn. Về cơ bản, nếu chiến thắng của Nga ở Ukraine có thể nuôi dưỡng tham vọng độc tài, thì chiến thắng của Trung Quốc sẽ tiếp thêm sức mạnh cho tham vọng đó. Nếu thất bại của Ukraine làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ, thì sự sụp đổ của Đài Loan sẽ huỷ hoại nước Mỹ.

    Lập luận này khiến cho giả định đầu tiên trở thành giả định mang tính quyết định. Nếu bạn tìm kiếm chiến thắng hoàn toàn ở Ukraine, chấp nhận nhiều năm đấu tranh trong đó Đài Loan sẽ là ưu tiên thứ yếu, thì lựa chọn của bạn đòi hỏi rằng ý định xâm lược của Trung Quốc phải chắc chắn là một vấn đề của tương lai xa – mối đe dọa của ngày mai, không phải hôm nay.

    Khác với phe diều hâu Ukraine, tôi sẽ không đặt cược vào điều đó. Và khác với phe bồ câu, tôi cũng sẽ không đơn giản cắt đứt viện trợ cho Ukraine. Có một con đường khả thi giữa những lựa chọn đó, nơi viện trợ vẫn được tiếp tục trong lúc nước Mỹ tìm kiếm một giải pháp và sự xoay trục. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là liệu con đường hẹp đó có thể đi qua được hay không: không chỉ đối với Ukraine hay Đài Loan, mà còn đối với cường quốc Mỹ, một cường quốc thống trị thế giới mà chúng ta đã xem nhẹ từ lâu.

    Ross Douthat đã phụ trách chuyên mục Ý kiến trên tờ New York Times từ năm 2009. Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn sách “The Deep Places: A Memoir of Illness and Discovery.”

    https://nghiencuuquocte.org/2024/02/26/ban-chat-song-con-trong-cuoc-tranh-luan-ve-vien-tro-cho-ukraine/#more-55010


    Không có nhận xét nào