Sử Việt
13/02/2024
Mồng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn
Mùng 5 Tết Âm lịch, kỷ niệm 231 năm (1789-2024) ngày vua Quang Trung đại phá quân Thanh xâm lược.
Ảnh: Internet. Tranh vẽ miêu tả quân thanh ồ ạt tiến vào nước ta
Tại Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị cho quân lính cướp bóc, đốt nhà, giết người rất tàn bạo. Lê Chiêu Thống được nhà Thanh phong là "An Nam quốc vương" , thực ra chỉ là vua bù nhìn. Hàng ngày, y tìm cách trả thù, báo oán rất tàn ngược. Người dân Thăng Long nói vói nhau: "Nước Nam từ khi có đế có vương đến nay, chưa bao giờ thấy ông vua nào luồn cúi đê hèn như vậy".
(Hoàng Lê nhất thống chí).
Đêm trừ tịch (30 tết), quân Tây Sơn xuất phát. Đạo quân do Quang Trung chỉ huy vượt sông Giao Thuỷ đánh đồn Gián Khẩu của quân cần vương nhà Lê. Quân Lê tan vỡ, Hoàng Phùng Tứ bỏ chạy.
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, quân Quang Trung thần tốc tiến lên bắt gọn đám quân Thanh do thám và tiêu diệt các đồn bắc sông Nguyệt Quyết và đồn Nhật Tảo (Duy Tiên). Do đạo quân Tây Sơn hành quân nhanh và các đám quân do thám bị bắt, quân Thanh từ Hà Hồi tới Thăng Long không biết gì về cử động của quân Tây Sơn.
Dụ hàng đồn Hà Hồi, áp sát Ngọc Hồi
Ngày 3 tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến đến Hà Hồi cách Thăng Long khoảng 20 km. Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước sự áp sát quá nhanh của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, đều ra hàng.
Ngày 4 tháng Giêng, Quang Trung tiến đến đồn Ngọc Hồi. Hứa Thế Hanh ở đây nghe tin đồn Hà Hồi bị diệt vội báo về Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị vội điều Thang Hùng Nghiệp mang quân ra tăng viện, lại đặc sai 20 kỵ binh phải thay nhau chạy đi chạy lại báo cáo tình hình.
Nhưng khi tiến quân tới Ngọc Hồi, Quang Trung không đánh ngay. Quân Thanh bị động cũng không dám giao tranh trước nhưng cũng không biết bị đánh khi nào. Cả ngày mùng 4, Quang Trung chỉ cho quân hư trương thanh thế để uy hiếp tinh thần quân Thanh và gây sự chú ý của quân Thanh tới đạo quân do ông chỉ huy vào mặt trận Ngọc Hồi để tạo điều kiện cho yếu tố bất ngờ của các đạo quân đô đốc Long và đô đốc Bảo. Chính Tôn Sĩ Nghị nghe báo cáo của kỵ binh cũng bị hút vào đồn Ngọc Hồi mà không nhận ra nguy cơ từ cánh quân của đô đốc Long.
Diệt đồn Đống Đa
Khi Quang Trung diễu võ ngoài đồn Ngọc Hồi, đô đốc Long đang trên đường bắc tiến hướng đến Sơn Tây – nơi có đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh – thì bất thần rẽ sang làng Nhân Mục nay thuộc xã Nhân Chính và Khương Đình và nửa đêm bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống.
Theo Thánh vũ ký của Nguỵ Nguyên, các đội voi của Tây Sơn đều có đại bác trên lưng nã vào đồn. Quân Thanh bị đánh bất ngờ trong đêm tối, chết rất nhiều, tan vỡ bỏ chạy. Sầm Nghi Đống thấy không thể giữ được đồn bèn tự sát trên đài chỉ huy ở Loa Sơn (Khu vực phố chùa Bộc – Hà Nội hiện nay)[24].
Một số tài liệu mới mà giới nghiên cứu đưa ra gần đây lại cho thông tin khác về diễn biến trận diệt đồn Khương Thượng. Theo đó, khi quân Thanh bị diệt đáng kể, Sầm Nghi Đống bỏ chạy lên cố thủ tại đài chỉ huy ở Loa Sơn. Đô đốc Long chia quân làm 2: một cánh đánh sang Nam Đồng để tiến vào Thăng Long, một ít quân tiếp tục vây hãm Loa Sơn. Sầm Nghi Đống không tựvẫn ngay mà cố thủ trên đài chờ cứu viện của Tôn Sĩ Nghị, nhưng tới ngày hôm sau không có quân cứu, Sầm mới tuyệt vọng và thắt cổ tự sát[25].
Nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du đã làm bài thơ Loa Sơn điếu cổ có câu:
Thánh Nam thập nhị kình nghê quán
Chiến điệu anh hùng đại võ công
Dịch:
Thánh nam xác giặc mười hai đống
Ngời sáng anh hùng đại võ công
Khu vực Khương Thượng và xung quanh, do xác quân Thanh chết quá nhiều, sau chất thành 12 gò cao, có đa mọc um tùm gọi là Gò Đống Đa. Trận diệt đồn Khương Thượng cũng còn gọi là trận Đống Đa.
Tiến vào Thăng Long
Hạ xong đồn Khương Thượng, ngay trong đêm mùng 4, đô đốc Long tiến vào bắn phá đồn Nam Đồng ở phía tây thành Thăng Long. Khi Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo việc đồn Khương Thượng thất thủ thì đô đốc Long đã diệt xong đồn Nam Đồng và tiến vào đánh bản doanh của Nghị ở Thăng Long.
Tôn Sĩ Nghị vội vàng tháo chạy. Các tài liệu cũ đều mô tả cảnh hỗn loạn của quân Thanh. Hoàng Lê nhất thống chí viết:
"Nghị lên ngựa không kịp đóng yên, quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hốt tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô nhau rơi xuống nước mà chết... Lát sau cầu lại đứt, quân lính bị rơi xuống nước, sông Nhị Hà bị tắc không chảy được..."
Đại Nam chính biên liệt truyện viết:
"Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được."
Theo Thánh vũ ký của Nguỵ Nguyên nhà Thanh:
"Sĩ Nghị chạy trốn qua được bờ bắc sông Phú Lương (Tức sông Hồng) liền cắt đứt cầu phao khiến các đạo quân của Hứa Thế Hanh và Trương Triều Long bị bỏ lại ở bờ nam. Do đó hơn 1 vạn người vừa tướng vừa quân xô nhau nhảy xuống sông để bơi sang bờ bắc và đều bị chết đuối cả"[26],[27].
Lê Duy Kỳ được tin Sĩ Nghị đã bỏ chạy, vội dắt gia quyến chạy theo, ra đến bờ sông thì cầu đã gãy, phải men theo bờ sông phía Nghi Tàm, lấy được chiếc thuyền đánh cá chèo sang được bên kia sông Hồng. Em Duy Kỳ là Duy Chi được sai giữ cửa ô Yên Hoa (Tức Yên Phụ ngày nay) thấy Duy Kỳ đã chạy, cũng bỏ chạy lên Tuyên Quang.
Trận Ngọc Hồi
Sáng mồng 5 Tết, khi đô đốc Long tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, Quang Trung hạ lệnh đánh đồn Ngọc Hồi. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, đồn này được Sĩ Nghị quan tâm phòng thủ nhất, có phó tướng Hứa Thế Hanh đích thân ra chỉ huy. Đồn có hỏa lực mạnh, xung quanh có địa lôi và chông sắt. Để phá hỏa lực địch, Quang Trung làm sẵn 20 tấm mộc đỡ đạn có tẩm rơm ướt dàn đi trước.
Theo Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi lui lại, giẫm lên nhau, lùi về đồn. Quân Thanh không dám ra nữa, cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên bị chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
Quân Thanh từ đồn Ngọc Hồi chạy tới đê Yên Duyên, trông thấy phục binh Tây Sơn chặn đánh, phải chạy theo đường Vịnh Kiều[28] trốn về Thăng Long. Nhưng chạy tới nửa đường thì gặp cánh quân đô đốc Bảo đánh tới từ làng Đại Áng. Quân Thanh phải chạy lên làng Quỳnh Đô[29] định trốn vào đầm Mực. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, quân đô đốc Bảo tiến vào đầm Mực tiêu diệt toàn bộ quân Thanh còn lại chạy từ Ngọc Hồi về đây.
Như vậy toàn bộ hệ thống đồn do Tôn Sĩ Nghị thiết lập để phòng thủ ở nam Thăng Long đều bị quân Tây Sơn tiêu diệt. Theo Thánh vũ ký của Nguỵ Nguyên, các tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng đều tử trận.
Khải hoàn
Cũng theo Thánh vũ ký, đạo quân Vân Nam – Quý châu đóng ở Sơn Tây được tin các đồn thất thủ, tướng Ô Đại Kinh không giao chiến trận nào đã bỏ chạy, nhờ tướng người Việt là Hoàng Văn Đồng dẫn đường chạy về Trung Quốc.
Chiều mồng 5 tết (tức 30 tháng 1 năm 1789[30]), Quang Trung và đô đốc Bảo tiến vào Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân, đô đốc Long ra đón rước vào thành. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, áo bào của Quang Trung sạm màu khói súng.
Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh ở Hải Dương và Phượng Nhãn, tơi tả chạy về, bỏ lại cả quân ấn, kỳ bài, sắc thư. Trần Nguyên Nhiếp là bí thư dưới quyền Nghị sau này mô tả: Sĩ Nghị cùng Nguyên Nhiếp đi lạc lối, quanh co nhiều chỗ, bị đói khát 7 ngày đêm mới tới ải Nam Quan. Theo giáo sĩ De la Bissachere ở Việt Nam khi đó, số quân Thanh kịp theo Nghị qua bên kia biên giới chỉ có khoảng 50 người.
Lê Duy Kỳ vội chạy theo Nghị thoát sang bên kia biên giới. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, quân Tây Sơn đuổi theo và rao lên rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Nghị và Duy Kỳ mới thôi. Bởi thế dân Trung Quốc ở biên giới dắt nhau chạy làm cho suốt vài chục dặm không có người.
Như vậy sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Cánh quân Điền châu gần như bị diệt hoàn toàn, cánh quân Lưỡng Quảng chủ lực bị thương vong nặng và tan rã gần hết, riêng quân Vân Nam – Quý châu không giao chiến mà rút êm về nước. Quang Trung đã hẹn với ba quân mồng 7 vào ăn tết ở Thăng Long nhưng chỉ đến mồng 5, quân Tây Sơn đã khải hoàn ở kinh thành.
Ngô Ngọc Du là một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt đó của Tây Sơn trong một bài thơ:
Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng
Quân vua một giận oai bốn phương
Thần tốc ruỗi dài xông thẳng tới,
Như trên trời xuống dám ai đương
Một trận rồng lửa giặc tan tành,
Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
"Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta"
Các đồn bị hạ
Gián Khẩu
Yên Quyết
Nhật Tảo
Hà Hồi
Ngọc Hồi
Đống Đa
Nam Đồng
Tế quân Thanh
Sau cuộc chiến, Quang Trung ra lệnh thu nạp và nuôi dưỡng hàng vạn tù binh Mãn Thanh[31]. Ông sai thu nhặt xương cốt quân Thanh tử trận, chôn thành những gò đống, lập đàn cúng tế và sai Vũ Huy Tấn soạn văn tế, biểu thị sự thương xót với những quân, dân Trung Quốc chết xa nhà. Bài văn có đoạn:
Nay ta
Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi
Bảo lập đàn bên sông cúng tế
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô
Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí
Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành
Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống[32].
Một bài viết của Phan Khôi về chiến thắng Ngọc Hội - Đống Đa
TẾT VỚI CHIẾN TRANH: ĂN TẾT VÀO NGÀY KHAI HẠ
[bị kiểm duyệt bỏ một đoạn]
…mở lịch sử ra xem, trước đây bờ một trăm sáu chục năm, chúng ta cũng có một lần đánh nhau với quân Tàu giữa ngày nguyên đán, làm cho cái tết phải hoãn lại đến ngày mồng bảy tháng giêng là ngày khai hạ mới ăn được.
Ấy là chuyện ở đời vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn.
Năm đinh vị (1787), Nguyễn Huệ sai Võ Văn Sĩ cầm quân ra Bắc Hà hỏi tội Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Sĩ ra chưa tới Thăng Long thì Hữu Chỉnh đã bỏ Thăng Long chạy sang Kinh Bắc, và vua Chiêu Thống cũng sợ mà đi trốn đâu mất rồi. Lúc Sĩ đến Thăng Long, bắt được Hữu Chỉnh đem hành hình ở đó thì không có mặt vua Chiêu Thống cho nên Sĩ mới lập Lê Duy Cẩn làm giám quốc.
Kế đó Võ Văn Sĩ bị cáo là mưu phản, Nguyễn Huệ đương ở Thuận Hóa vội vàng dẫn binh ra Bắc bắt Sĩ giết đi; người cũng còn để Lê Duy Cẩn làm giám quốc, và sắp đặt xong mọi việc rồi thì kéo binh trở về Thuận Hóa.
Không ngờ, vua Chiêu Thống không phải chạy trốn mà chỉ là đi tránh chỗ kinh đô ra các tỉnh cùng bầy tôi vận động qua Tàu cầu cứu.
Bấy giờ bên Tàu, Tôn Sĩ Nghị đương làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, Tôn được thơ xin viện binh của vua Lê thì tâu cùng hoàng đế Càn Long nhà Thanh mà xin nhận lời. Hoàng đế nhà Thanh phê y lời xin của Tôn.
Mùa đông năm mậu thân (1788), hai mươi vạn binh của bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, chia làm hai đạo kéo sang nước An Nam. Đạo thứ nhứt đi do đường Lạng Sơn, Sĩ Nghị cầm đầu; đạo thứ nhì đi do đường Tuyên Quang, một viên Tổng binh cầm đầu nhưng vẫn ở dưới quyền Sĩ Nghị.
Quân Tàu vừa đến Lạng Sơn đã rải ra một tờ hịch, rao có ai bắt sống được hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thì sẽ được thưởng đầu công. Các tướng giữ thành Lạng Sơn của Tây Sơn bấy giờ là Nguyễn Văn Diệm và Phan Khải Đức nghe lời rao, đều sợ hoảng, kẻ thì xin hàng, người thì bỏ đi trốn. Quân Tàu trẩy tới Kinh Bắc (tức Bắc Ninh bây giờ), vua Chiêu Thống đích thân đến rước và chào mừng họ Tôn. Ngày 21 tháng 11 năm mậu thân (1788) Tôn Sĩ Nghị đứng làm lễ tuyên phong cho vua làm An Nam quốc vương, vì từ hồi Tuyên
Thống lên ngôi đến giờ bên Tàu chưa kịp làm cái lễ long trọng ấy.
Sau khi Nguyễn Huệ giết Võ Văn Sĩ, cất Ngô Văn Sở lên làm đại tướng, giao binh quyền cho ở giữ Bắc Hà rồi mới đi về miền Nam. Nhưng khi quân Tàu tràn sang đây, Sở liệu bề chống không nổi, đã truyền lịnh cho các đạo binh rút về giữ mặt Ninh Bình, Thanh Hóa, và cho người vào Thuận Hóa cáo cấp cùng chúa mình.
Bấy giờ 20 vạn quân Tàu, trừ ra một số ít chia đi tuần tiễu các nơi, còn thì đóng cả ở trên bãi cát bờ phía nam sông Nhị Hà. Sĩ Nghị sai bắt nhiều chiếc thuyền kết lại làm cái cầu nổi để cho quân lính đi thông sang bờ phía bắc.
Vua Chiêu Thống đã trở về, các quan trước kia chạy tản lạc, bây giờ cũng dần dần họp lại. Họ rủ nhau đến yết kiến Tôn Sĩ Nghị và xin lập tức ra binh kéo về miền Nam đánh anh em nhà Nguyễn Tây Sơn. Sĩ Nghị trả lời: “Ngày hết tết tới rồi, việc gì mà vội vàng dữ vậy? Đây ta không đánh gấp. Giặc nó còn gầy, để ta nuôi nó cho béo rồi khiến nó đem thịt tới dâng ta!” Nói thế rồi Tôn hạ lịnh cho lui quân an nghỉ, đợi đến ngày mồng sáu ra giêng hãy xuất quân.
Ở Thuận Hóa, Nguyễn Huệ được tin cấp báo, nổi giận thét mắng ầm ầm, và hạ lịnh cho cử binh lập tức.
Các tướng xin Huệ trước khi cử binh hãy lên ngôi hoàng đế để buộc chặt lòng người. Huệ làm theo lời. Liền trong ngày 26 tháng 11 ấy lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân, xưng niên hiệu là Quang Trung. Và cũng liền trong ngày ấy, chính mình làm tướng kéo cả thủy quân lục quân ra Bắc.
Ngày 29, quân đi đến Nghệ An thì trú lại đó hơn mười ngày. Lựa thêm tráng đinh xứ Nghệ, cứ ba tên lấy một, thúc vào quân đội. Cộng cả các quân cũ và mới có được hơn mười vạn và mấy trăm con voi. Làm lễ đại duyệt xong, lại bắt đầu tấn phát.
Ngày 20 tháng chạp đến đèo Ba Dội. Ngô Văn Sở chực sẵn bên đường, sập xuống lạy và xin chịu tội. Vua Quang Trung phán: “Các ngươi, tội đã đáng tội rồi, nhưng nghĩ vì Bắc Hà mới yên, lòng dân chưa phụ, mà các ngươi biết giữ trọn binh lực mình để lánh mũi giặc đương hung hăng, cũng không hại gì lắm, thôi thì ta tha cho đái tội lập công”. Rồi nội ngày 20 ấy đãi tiệc quân sĩ, ngài phán cùng họ: “Hôm nay hãy ăn sơ sài một bữa, đợi đến ngày mồng bảy tháng giêng vào thành Thăng Long rồi sẽ bày diên yến mừng xuân cho luôn. Các ngươi hãy ghi lấy lời ta thử có sai không nhỉ?”.
Đêm ba mươi Tết, quân đi qua sông Gián, đánh bại đạo binh của Hoàng Phùng Nghĩa, quan trấn thủ Sơn Nam của nhà Lê. Bao nhiêu quân Tàu đi tuần tiễu ở đó đều bị bắt giết hết, cho nên tuyệt chẳng có tin báo về Thăng Long cho Sĩ Nghị biết.
Đêm mồng ba, quân đến làng Hà Hồi. Ở đó có đồn bảo của quân Tàu, gác súng lớn, chôn ngầm địa lôi, cách phòng thủ rất kiên cố. Quân của vua Quang Trung vây các đồn ấy, lấy ống vọi truyền hô, có tiếng dạ đến mấy vạn người. Trong đồn nghe thấy thế đều run sợ, rồi không giao chiến, quân Tàu tự vỡ tan cả. Hết thảy lương thực khí giới đều bị quân Tây Sơn bắt lấy.
Tảng sáng ngày mồng năm, quân tới sát bên đồn Ngọc Hồi. Trên đồn bắn đạn xuống như mưa. Vua Quang Trung khiến mỗi người lính mang một miếng ván xông vào, còn ngài thì cỡi voi ở đằng sau giục tới. Cửa đồn bị vỡ. Ai nấy đều ném miếng ván xuống đất, cầm dao chặt tứ tung. Quân Tàu không chống lại được, bỏ chạy. Quân Tây Sơn đuổi theo, phá luôn mấy đồn Văn Điển, An Quyết, các quan Tàu, đề đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, tri phủ Sầm Nghi Giản đều tử trận.
Bấy giờ Tôn Sĩ Nghị ở nơi đại đồn trên bãi cát, nghe tin, lật đật lên ngựa chạy về phương Bắc. Rồi quan và lính chạy theo. Họ tranh nhau qua cầu, cầu gãy, rơi xuống sông mà chết không biết bao nhiêu, đến nỗi sông Nhị Hà không chảy được. Vua Chiêu Thống cũng chạy theo Sĩ Nghị về Tàu.
Sáng ngày mồng năm, chính mình vua Quang Trung kéo binh vào thành Thăng Long, cái áo chiến bào của ngài mặc nguyên sắc vàng mà biến ra sắc đen sạm, vì ăn mùi thuốc súng.
Đợi đến ngày mồng bảy mới mở tiệc khao thưởng quân sĩ, ăn Tết nguyên đán năm kỷ dậu, cho đúng với lời vua đã phán cùng họ hôm trước.
P. K.
Dân báo, Sài Gòn, 14 Fevrier 1940
http://vanhien.vn/news/Quang-Trung-dai-pha-quan-Thanh-38616
Không có nhận xét nào