Từ những năm 1960, người Thượng đã sớm nhận ra rằng người Kinh không thực sự muốn đối thoại.
An Nam /Tạp chí Luật Khoa
24/01/202
" Tây Nguyên là vùng đất khác biệt, nơi người Thượng là một sắc tộc bản địa. Vì vậy, không thể áp dụng ở Tây Nguyên một chính sách chung như phần còn lại của đất nước. Cũng không thể áp dụng một chính sách về sắc tộc thiểu số nói chung đối với người Thượng. Người Thượng phải có những quyền của người bản địa như quyền tự trị, tự quyết, tự chủ về việc tổ chức chính trị, văn hóa, tài nguyên, kinh tế, v.v. sao cho phù hợp với bản sắc, tập quán đặc thù của họ.
Tuy nhiên, đó là một kịch bản xa vời khi Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên quyết khẳng định Việt Nam không có người bản địa, không có cái gọi là quyền của người bản địa. Ai cũng biết đây là một sự khẳng định trái với thực tế lịch sử".
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.
Lúc 1 giờ sáng ngày 20/9/1964, một tia đạn vụt lên bầu trời Buôn Mê Thuột để ra hiệu cho một cuộc nổi dậy trên toàn khu vực Tây Nguyên. Đó không phải là phát đạn của Việt Cộng hay Việt Nam Cộng hòa. Đó là phát súng của một lực lượng của người Thượng có tên là FULRO.
Chỉ một vài giờ sau, FULRO đã kiểm soát Trại lính Sarpa, bắt giữ sáu lính Mỹ và nhiều lính Việt Nam Cộng hòa. Cùng lúc, FULRO đồng loạt tấn công các trại lính Bu Prang, Bản Đôn, Buôn Mi Ga, Buôn Brieng tại tỉnh Đắk Lắk. Khoảng 7 giờ sáng, quân đoàn FULRO tiến về thành phố Buôn Mê Thuột, chiếm đài phát thanh để đọc các yêu cầu của mình.
Gần 60 năm sau, vào lúc 1 giờ sáng ngày 11/6/2023, một nhóm người Thượng chia thành hai tốp tấn công cùng lúc vào hai đồn công an xã tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Nhóm người Thượng không tấn công nhằm chiếm đồn hay bắt giữ con tin, họ tấn công để giết chết các công an viên và cán bộ xã.
Tất cả những người tham gia vụ tấn công được cho là đã bị bắt. Hơn sáu tháng sau, một phiên tòa do hầu hết người Kinh chủ trì đã tuyên 10 bản án chung thân và các bản án tù giam khác cho khoảng 100 bị cáo với tội khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và tội khủng bố.
Trong sáu thập niên qua, cách người Thượng giải quyết mâu thuẫn với chính quyền vẫn bằng con đường bạo lực. Điều này sẽ không thể thay đổi nếu chính quyền vẫn không cho phép người Thượng làm chủ quê hương của mình.
Việt Nam Cộng hòa, thời Đệ Nhất Cộng hòa: Tạo ra FULRO
Trong vụ tấn công tại Đắk Lắk, công an Việt Nam cho biết họ đã tìm thấy 10 lá cờ FULRO. FULRO không phải là một tổ chức bỗng dưng ra đời, và cũng không ngẫu nhiên mà sức ảnh hưởng của nó vẫn dai dẳng đến hôm nay.
Sau khi nắm quyền tại miền Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bãi bỏ chế độ tự trị Hoàng Triều Cương Thổ, sáp nhập Tây Nguyên vào Việt Nam Cộng hòa.
Chính quyền Sài Gòn đã bố trí hàng loạt người Bắc di cư lên vùng đất này. Đất đai của người Thượng phải chia cho người Kinh. Tòa án phong tục bị bãi bỏ. Chính quyền cũng xóa bỏ quyền sở hữu đất đai của người sắc tộc thiểu số và cấm dạy thổ ngữ. Đến trang phục truyền thống của họ còn bị cho là không đủ lịch sự, văn minh.
Quá nhiều thay đổi diễn ra cùng một lúc, quê hương đang yên bình của người Thượng bỗng bị xâm lược một cách hợp pháp.
Năm 1958, BAJARAKA, một phong trào đấu tranh ôn hòa với chính quyền Sài Gòn, đã tuyên bố một số nhận định còn đúng đến tận bây giờ.
Người Kinh nắm kinh tế tại Tây Nguyên làm cho người Thượng thấy bị phụ thuộc và trở nên thấp kém.
Kinh là dân tộc thắng trận, trịch thượng với người Thượng.
Người Thượng cúi đầu tuân theo pháp luật Việt Nam - một tập quán pháp lý không tương thích. Người Thượng có phong tục riêng, không liên quan đến người Kinh.
Lúc này, người Thượng chỉ phản đối một cách hoàn toàn ôn hòa đối với những chính sách xâm chiếm, đồng hóa của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, chính quyền đã đáp lại hành động ôn hòa bằng bạo lực, nhiều lãnh đạo của người Thượng đã bị bắt giam, tra tấn. Những công chức bị cho là có cảm tình với phong trào BAJARAKA bị đưa đi các tỉnh khác.
Từ đây, người Thượng sớm nhận ra rằng, người Kinh không xứng đáng với con đường thương thuyết ôn hòa. Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, tổ chức vũ trang FULRO với một số lãnh đạo từng là thành viên của BAJARAKA ra đời.
Việt Nam Cộng hòa, thời Đệ nhị Cộng hòa: Lùi bước trên Tây Nguyên
Trở lại với cuộc tấn công của FULRO nêu ở đầu bài viết, sau khi được người Mỹ thuyết phục và cam kết sẽ làm mọi cách khiến chính quyền Sài Gòn thay đổi chính sách tại miền Thượng, FULRO đã thả các tù binh và rút quân.
Một hội nghị hòa giải đã được tổ chức vào tháng 10/1964, trong đó, chính quyền Sài Gòn cam kết sẽ thực hiện sáu trong tám yêu cầu của FULRO, ngoại trừ quyền lập quân đội riêng và nhận viện trợ nước ngoài.
Trong năm 1965, chính quyền Sài Gòn đã thay đổi nhiều chính sách trên Tây Nguyên, bao gồm thành lập trường quân sự của người thiểu số, bãi bỏ nghị định tịch thu đất đai của chế độ Ngô Đình Diệm, tái lập tòa án phong tục, xây dựng một trường sư phạm mới và một trường trung học kỹ thuật, ưu tiên người thiểu số theo học các trường đặc biệt, thành lập trường trung học cho người dân tộc thiểu số tại Phan Rang và Phan Rí.
Năm 1966, chế độ Sài Gòn dành cho FULRO hai ghế trong Quốc hội. Năm 1967, Việt Nam Cộng hòa đã ban hành “quy chế đặc biệt” tại Tây Nguyên và công nhận quyền sở hữu đất đai của người sắc tộc thiểu số. Cuối năm 1967, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thành lập Bộ Phát triển Sắc tộc.
Năm 1968, chính quyền Sài Gòn đã thống nhất với FULRO một số điều khoản để đưa nhà lãnh đạo Y Bham Enuol trở về hợp tác với chính quyền. Thỏa thuận này cho phép FULRO có lá cờ và có quân đội riêng ở cấp đại đội, thành lập một văn phòng sắc tộc tại Tây Nguyên có quyền hạn tương đương với cơ quan cao nhất trong một bộ.
Về mặt lý thuyết, việc lãnh đạo FULRO đồng ý trở về hợp tác với chính quyền Sài Gòn là dấu hiệu kết thúc của phong trào đấu tranh vũ trang. Tuy nhiên, do sự can thiệp của các tướng lĩnh Campuchia gốc Cham, Y Bham Enuol không thể trở về Việt Nam và bị Khmer đỏ giết chết sau đó. [10]
Chế độ Việt Nam Cộng hòa thời Đệ Nhị Cộng hòa đã cho thấy việc tái lập quyền của người bản địa dành của người Thượng về đất đai, tư pháp, phong tục, văn hóa, v.v. là một việc có thể thực hiện được dù từng bị chế độ trước xóa bỏ. Đây là con đường duy nhất để người Thượng thấy mình được tôn trọng và làm chủ xứ sở vốn thuộc về họ.
Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa: Cai trị bằng nỗi sợ hãi
Năm 1992, những thành viên cuối cùng của FULRO di cư sang Mỹ sau một thời gian cầm cự tại Campuchia. Tuy nhiên, cuộc chiến của họ vẫn tiếp tục theo nhiều cách khác nhau.
Theo chính quyền Việt Nam, một trong những con đường được FULRO lợi dụng là tôn giáo. Trong đó, các nhóm người Thượng đã lợi dụng phong trào Tin Lành phát triển mạnh mẽ trên Tây Nguyên để tạo vỏ bọc cho các hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, phong trào Tin Lành cũng là thứ do chính quyền Việt Nam gián tiếp tạo ra.
Sau năm 1975, tín ngưỡng bản địa bị chính quyền cộng sản quyết liệt bài trừ. Mặt khác, việc người Thượng bị tước đoạt quyền sở hữu đất đai sau năm 1975 không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn là vấn đề tâm linh. Đối với người Thượng, từng hòn đá, gốc cây, con suối đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tín ngưỡng bản địa.
Vì vậy, một bước ngoặt lớn đã xảy ra tại Tây Nguyên: đạo Tin Lành được đông đảo người Thượng chấp nhận, do tính chất dễ phổ biến của tôn giáo này, điều kiện sinh hoạt tôn giáo khiêm tốn, có thể sinh hoạt ở bất cứ nơi nào, và đặc biệt là việc sinh hoạt đạo cho họ cơ hội gắn kết với đồng bào của mình.
Tuy nhiên, sự đoàn kết tại Việt Nam chỉ được phép khi thông qua các tổ chức của chính quyền, nhất là vào thời điểm xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa một cách cực đoan sau năm 1975. Các nhóm dân sự không nằm dưới bàn tay chính quyền đều là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Chính quyền đã thi hành một cuộc đàn áp tôn giáo từ lúc này và kéo dài cho đến ngày nay.
Đời sống kinh tế khó khăn, đời sống tâm linh bị chèn ép. Sự xúc phạm này tích tụ và lớn dần theo thời gian. Vào cuối thập niên 1990, các nhà dân tộc học đã dự báo về sự vùng dậy của người Thượng.
Đầu những năm 2000, người Thượng đã tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhỏ khác nhau, đòi chính quyền trả lại quyền sở hữu đất đai và quyền tự do tôn giáo của người bản địa. Chính quyền Việt Nam đã đáp trả lại bằng những án tù và những đòn tra tấn.
Tuy nhiên, các hoạt động của người Thượng lúc này đều dừng ở mức độ ôn hoà. Có thể vì không dễ dàng tiếp cận vũ khí, lo ngại gia đình bị sách nhiễu và khả năng dễ bị công an phát hiện ngay từ lúc lên ý tưởng.
Vì vậy, vụ tấn công dã man vừa qua tại Đắk Lắk cho thấy cuộc đấu tranh của những người Thượng bất đồng chính kiến đã lên một tầm cao mới. Nhiều hoạt động như tuyển mộ, tập luyện võ thuật, lấy cắp súng đạn từ một lữ đoàn quân đội, tập trung một lực lượng đông đảo để tập luyện và chuẩn bị tấn công nhưng không bị hệ thống an ninh phát hiện kịp thời.
Đồng thời, phương châm của nhóm tấn công cũng táo bạo hơn như chính quyền mô tả là “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”.
Thông tin của chính quyền về những người Thượng tổ chức cuộc tấn công này cho rằng họ có hoàn cảnh sống khó khăn và bị các đối tượng người Thượng ở nước ngoài kích động. Tuy nhiên, những thông tin này chưa đủ để giúp công chúng hiểu rõ hơn về động cơ của nhóm khủng bố.
Việc xảy ra cuộc khủng bố với quy mô tổ chức lớn như chính quyền mô tả phần nào cho thấy việc cải thiện các điều kiện về kinh tế, xã hội tại Tây Nguyên chưa đáp ứng được nhu cầu của người Thượng. Hoặc vả chăng có những khúc mắc sâu xa hơn.
Không ai vung nắm đấm vào một người biết lắng nghe, tôn trọng họ thực sự. Bạo lực chỉ là con đường sau cùng khi người ta không còn chút tin tưởng, tôn trọng nào dành cho đối phương.
Người Thượng vẫn sống trong tâm lý bị trị ngay chính trên quê hương mà ông cha của họ từng làm chủ về đất đai, tín ngưỡng, kinh tế.
Hiện nay, không khó để tìm thấy những gia đình người Thượng có cha và con đi tù vì những tội danh chính trị. Việc bị đàn áp, bỏ tù đã ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình người Thượng khi người thân phải ly tán, ảnh hưởng đến tương lai của con cái, kinh tế sụp đổ, mạo hiểm vượt biên ra nước ngoài. Điều này đã góp phần vào ý thức về sự bất công của một bộ phận người Thượng.
Tây Nguyên là vùng đất khác biệt, nơi người Thượng là một sắc tộc bản địa. Vì vậy, không thể áp dụng ở Tây Nguyên một chính sách chung như phần còn lại của đất nước. Cũng không thể áp dụng một chính sách về sắc tộc thiểu số nói chung đối với người Thượng. Người Thượng phải có những quyền của người bản địa như quyền tự trị, tự quyết, tự chủ về việc tổ chức chính trị, văn hóa, tài nguyên, kinh tế, v.v. sao cho phù hợp với bản sắc, tập quán đặc thù của họ.
Tuy nhiên, đó là một kịch bản xa vời khi Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên quyết khẳng định Việt Nam không có người bản địa, không có cái gọi là quyền của người bản địa. Ai cũng biết đây là một sự khẳng định trái với thực tế lịch sử.
Việc không công nhận quyền của người bản địa này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất công đối với người Thượng. Và khi nào người Thượng không thể chịu đựng sự bất công thêm được nữa, họ sẽ lại vùng dậy.
Không có nhận xét nào