Tác giả, Huyền Trân
BBC News Tiếng Việt
24/01/2024
" Đại tá Raymond cho biết ông đã giúp Việt Nam tham gia vào Chương trình Huấn luyện Lãnh đạo Hàng không (Aviation Leadership Program) cũng như việc Việt Nam mua máy bay huấn luyện T-6 Texan từ Mỹ.
“Có một ít phi công Việt Nam gần đây được huấn luyện tại Mỹ theo Chương trình Huấn luyện Lãnh đạo Hàng không (Aviation Leadership Program) và Việt Nam được cho sẽ bắt đầu nhận những máy bay huấn luyện T-6 Texan trong những tháng tới đây.”
“Họ hầu như chỉ bay trong đất liền và chỉ trong điều kiện thời tiết tốt. Do đó, tôi nghi ngờ về khả năng xử lý của họ nếu xảy ra sự cố bất ngờ trong quá trình bay,” Đại tá Raymond đánh giá.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chuyển 12 chiếc máy bay huấn luyện T-6 Texan mới trong giai đoạn từ năm nay đến 2027.
“Việc thay thế các máy bay Yak-52 từ thời Liên Xô của Việt Nam và tăng cường công tác huấn luyện từ Mỹ có thể giúp Việt Nam tăng cường năng lực cho phi công,” Đại tá Raymond nhận định".
Chụp lại hình ảnh,
Chiến đấu cơ Su-30 tại sân bay quân sự Biên Hòa, Đồng Nai
Vụ rơi máy bay huấn luyện Su-22 của Việt Nam đầu tháng này một lần nữa gợi nhắc bài toán lớn hơn về kho máy bay chiến đấu lẫn huấn luyện trước những kịch bản xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Theo một chuyên gia về an ninh quốc tế từ Hoa Kỳ, Việt Nam cho đến nay không cho thấy đối sách rõ ràng trong đại chiến lược, ngoài Sách trắng Quốc phòng năm 2019.
Nhìn lại kho máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam, hiện chủ yếu bao gồm tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30 dòng MK2 và Su-27, đều do Nga sản xuất.
Đây là những chiến đấu cơ thuộc thế hệ thứ tư, được nhóm chung với F-16 do Mỹ sản xuất.
“Su-30 dòng MK2 có khả năng đánh biển, tốt hơn dòng Su-30MKK mà Nga bán cho Trung Quốc”, Giáo sư Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) đánh giá.
‘Không đủ để quản lý vùng trời’
Dựa theo nghiên cứu và theo dõi số lượng máy bay, Giáo sư Vuving nói rằng hiện nay Việt Nam có 40 chiến đấu cơ thuộc loại chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ tư gồm Su-30 và Su-27.
Giáo sư Vuving đồng thời cho biết dựa theo quan sát thì trong những năm gần đây, Việt Nam không mua mới thêm chiến đấu cơ nào.
Gần nhất là Việt Nam mua dàn máy bay huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ Yak-130 của Nga, theo hợp đồng năm 2019 và mới được biên chế trong lực lượng Không quân Việt Nam.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho biết Việt Nam đang có 40 máy bay chiến đấu đều do Nga sản xuất.
Giáo sư Vuving đánh giá rằng kho máy bay chiến đấu hiện nay của Việt Nam là “không đủ để quản lý vùng trời trên đất liền cũng như trên biển”.
“Theo tính toán của một số chuyên gia thì với lãnh thổ của Việt Nam, cộng với vùng đặc quyền kinh tế, khu vực Biển Đông rồi ra tới quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần ít nhất khoảng 150 máy bay thế hệ thứ tư, cỡ như Su-30. Như vậy, Việt Nam hiện chỉ mới có thể quản lý được khoảng một phần ba lãnh thổ, một phần ba bầu trời. Tỷ lệ này là thấp,” ông đánh giá.
Cũng theo chuyên gia về an ninh từ Hoa Kỳ, bài toán mua bao nhiêu chiến đấu cơ rất phức tạp, ở chỗ Việt Nam cần phải tính toán trường hợp đối đầu với quốc gia nào và hình thức xung đột có thể ra sao.
“Kịch bản chiến tranh tổng lực như Nga xâm lược Ukraine, hoặc một kịch bản Trung Quốc phóng tên lửa vào một số vị trí của Việt Nam, hoặc ‘dạy Việt Nam một bài học’ như Chiến tranh Biên giới 1979, thì khi đó số lượng chiến đấu cơ sẽ khác nhau,” ông phân tích.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã luôn lặp lại mục tiêu “xây dựng lực lượng quân đội tinh, gọn, mạnh” và “hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao”.
Mục tiêu này đang gặp thách thức về vấn đề đa dạng hóa vũ khí, bao gồm chiến đấu cơ xuất xứ ngoài “nước bạn” Nga, khi hiện nay 80% kho vũ khí, khí tài ước tính phụ thuộc vào Moscow, theo Reuters.
Trong khi đó, kể từ sau khi gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hồi năm 2016, Mỹ chỉ mới chuyển cho Việt Nam tàu tuần duyên và hứa chuyển giao máy bay huấn luyện T-6.
Vấn đề Việt Nam phải đa dạng hóa kho vũ khí ngoài ‘nước bạn’ Nga đã được nhắc đến nhiều kể từ năm 2022 khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Cho đến nay không có thông tin nào thêm về khả năng Việt Nam mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Chụp lại hình ảnh,
Chiến đấu cơ Su-30 tại sân bay quân sự Biên Hòa, Đồng Nai
Nhìn vào các loại chiến đấu cơ nào Việt Nam có thể mua trong thời gian tới, Giáo sư Vuving cho biết về các loại chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không thì hiện Việt Nam chỉ có vài lựa chọn.
“Trên thế giới chỉ có một vài nước sản xuất máy bay chiến đấu thôi, Czech chỉ có máy bay huấn luyện, một số nước khác chỉ sản xuất máy bay nhỏ, không phải là máy bay khống chế bầu trời.”
“Máy bay khống chế bầu trời thì chỉ có vài lựa chọn thôi, một là Nga, hai là Mỹ, thứ ba là Eurofighter của châu Âu, hoặc của Thụy Điển. Sắp tới Nhật với Anh đang có dự án chế tạo máy bay chiến đấu riêng của mình. Trước hết bây giờ để lựa chọn máy bay thế hệ thứ tư thì Việt Nam chỉ có như vậy.”
“Việt Nam cũng có thể lựa chọn đàm phán với Ấn Độ để mua máy bay Sukhoi Su-30MKI, tương tự như MK2 mà Việt Nam đang dùng, mà do Ấn Độ sản xuất. Nga có cấp phép cho Ấn Độ tự sản xuất. Việt Nam cũng có thể dựa vào quan hệ thân cận với Ấn Độ để mua. Đây cũng là một khả năng,” ông nói.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) đánh giá với BBC: “Việt Nam rất cần đến ba phi đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, nhưng Việt Nam chưa bắt đầu quy trình mua, thì nói chi đến chuyện mua của ai.”
Giáo sư Vuving cũng nhấn mạnh đến yếu tố kinh nghiệm của phi công trong quá trình thực chiến.
“F-16 là một lựa chọn khả dĩ, vì vấn đề quan trọng trong thực chiến là không đơn giản là có vũ khí gì, mà là thành thạo vũ khí đó hay chưa. Vì kinh nghiệm rất quan trọng trong thực chiến.”
“Nếu Việt Nam chuyển từ Su-30 sang F-16 thì phi công phải được huấn luyện rất nhiều. Theo tôi thì sớm muộn Việt Nam phải sử dụng máy bay chiến đấu của phương Tây, như của Mỹ.”
Những quốc gia Liên Xô cũ chỉ cung cấp xe tăng, vũ khí phụ, còn các loại vũ khí chính, tiếng Anh gọi là “major platform”, thì vẫn phải mua từ các nhà sản xuất hùng mạnh nhất, Giáo sư Vuving cho biết.
‘Bốn không và một tùy’
Tháng 10/2023, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) đã thông qua Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cũng trong những năm qua, đường lối ngoại giao “cây tre” luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Dường như cho đến nay, không thấy rõ về sự thay đổi đại chiến lược của Việt Nam trong tình hình căng thẳng địa chính trị mới.
Cụ thể Việt Nam vẫn khẳng định kiên định với chính sách ‘bốn không’, mặc dù trước đó giới quan sát cho rằng Hà Nội sẽ có những tuyên bố thay đổi trong đại chiến lược.
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 nêu rõ nội dung “thực hiện chính sách bốn không” và khẳng định “đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về quân sự, quốc phòng cũng như tinh thần độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế”.
Giáo sư Vuving đánh giá: “Việt Nam giữ bằng được chính sách ‘bốn không’. Việt Nam nhìn thấy qua cuộc chiến tranh Ukraine thì Việt Nam thấy ‘bốn không’ là bửu bối để giữ hòa bình, Việt Nam nghĩ nếu Ukraine có ‘bốn không’ thì chắc không bị Nga tấn công, đó là niềm tin của Việt Nam.”
“Theo tôi, chiến lược quốc phòng của Việt Nam trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019 thì ngoài ‘bốn không’ còn có ‘một tùy’ nữa.”
“Theo tôi hiểu và nói chuyện với mọi người, ‘bốn không’ chỉ áp dụng trong thời bình, còn thời chiến thì chưa biết thế nào, tức là tùy tình hình. Việt Nam mở ra một chỗ để họ tùy biến.”
“‘Tùy biến’ như thế nào thì chúng ta chưa biết. Cái khó của Việt Nam là phải đánh giá được tình hình là sẽ tùy biến đến mức độ nào. Và với tùy biến, theo kịch bản A, B, C thì tùy biến sẽ ra làm sao. Đây là câu hỏi mà tôi không thấy bất kỳ một văn bản chính thức nào của Việt Nam giải thích, đưa ra lời giải đáp.”
Việt Nam luôn khẳng định “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”, “biến dừng, biết biến”… trong nền ngoại giao ‘cây tre’.
Bình luận về “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Giáo sư Vuving cho rằng Việt Nam dường như chỉ đang có một lời giải đáp duy nhất cho rất nhiều kịch bản có thể xảy ra xung đột.
“‘Dĩ bất biến, ứng vạn biến’ không phải như vậy. Theo nguyên tắc trong Kinh dịch, điều này tức là giữ nguyên tắc của mình và tùy biến theo hoàn cảnh. Với hoàn cảnh nào và tùy biến như thế nào thì đó là câu hỏi mà Việt Nam phải trả lời”, Giáo sư Vuving cho biết thêm.
Máy bay quá cũ, khi nào mới thay?
Nguồn hình ảnh, THANH HO
Chụp lại hình ảnh,
Máy bay Su-22 trong lúc huấn luyện
Vụ rơi Su-22 ngày 9/1 tại Quảng Nam là sự việc mới nhất liên quan đến dòng máy bay do Liên Xô phát triển sau Chiến tranh Lạnh mà Việt Nam đang sử dụng. Vụ tai nạn này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự thiếu an toàn và không đáp ứng được đòi hỏi hiện tại của một phần rất lớn trong hệ thống vũ khí, khí tài vốn đã quá cũ của việt Nam.
Giáo sư Vuving đánh giá: “Su-22 thì cũ quá rồi, người ta chỉ dùng để huấn luyện, thỉnh thoảng rơi thì cũng là chuyện bình thường. Su-22 già hơn Su-30 khoảng một phần tư thế kỷ.”
“Tiếp tục bay những máy bay huấn luyện Su-22 là nguy hiểm đối với mạng sống của cả phi công và dân thường”, Giáo sư Abuza nói.
Đại tá Raymond M. Powell từ Đại học Stanford, cựu Tùy viên Không quân của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trong thời gian từ năm 2013-2016, cho biết theo quan sát của ông, các phi công Việt Nam không được huấn luyện thường xuyên.
Thời gian Đại tá Raymond làm Tùy viên Không quân của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông cũng biết về thông tin vụ tai nạn kép Su-30MK2 và CASA-212 vào tháng 6/2016.
Đại tá Raymond cho biết ông đã giúp Việt Nam tham gia vào Chương trình Huấn luyện Lãnh đạo Hàng không (Aviation Leadership Program) cũng như việc Việt Nam mua máy bay huấn luyện T-6 Texan từ Mỹ.
“Có một ít phi công Việt Nam gần đây được huấn luyện tại Mỹ theo Chương trình Huấn luyện Lãnh đạo Hàng không (Aviation Leadership Program) và Việt Nam được cho sẽ bắt đầu nhận những máy bay huấn luyện T-6 Texan trong những tháng tới đây.”
“Họ hầu như chỉ bay trong đất liền và chỉ trong điều kiện thời tiết tốt. Do đó, tôi nghi ngờ về khả năng xử lý của họ nếu xảy ra sự cố bất ngờ trong quá trình bay,” Đại tá Raymond đánh giá.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chuyển 12 chiếc máy bay huấn luyện T-6 Texan mới trong giai đoạn từ năm nay đến 2027.
“Việc thay thế các máy bay Yak-52 từ thời Liên Xô của Việt Nam và tăng cường công tác huấn luyện từ Mỹ có thể giúp Việt Nam tăng cường năng lực cho phi công,” Đại tá Raymond nhận định.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào