Bảo Nguyên
11/01/2024
Khoảng 2.000 người lao động đụng độ với cảnh sát khi họ tổ chức đình công bên ngoài nhà máy cao su KOK Machinery do Đài Loan đầu tư ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, vào ngày 7/6/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Kinh tế lao dốc, các công ty tại Trung Quốc phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự. Người lao động Trung Quốc rơi vào cảnh khốn cùng, và họ buộc phải đứng lên.
Theo một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Hong Kong, người lao động Trung Quốc đã tổ chức số cuộc biểu tình để bảo vệ quyền lợi của mình vào năm 2023 nhiều gấp đôi so với năm trước. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng các cuộc biểu tình lan rộng như vậy có thể dẫn tới sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bản tin Lao động Trung Quốc (CLB), một tổ chức phi lợi nhuận ở Hong Kong “ủng hộ và tích cực tham gia vào phong trào mới nổi của người lao động ở Trung Quốc”, đã báo cáo có 1.794 cuộc biểu tình trong năm 2023 tính đến ngày 31/12/2023 trong bối cảnh xuất hiện các vụ cắt giảm nhân sự hàng loạt, những đợt cắt giảm lương và đóng cửa doanh nghiệp tại Trung Quốc.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư người Trung Quốc và là một nhà bình luận thời sự ở Canada, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng sự xuất hiện các cuộc biểu tình quy mô lớn của người lao động Trung Quốc là “kết quả tất yếu” của cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc.
Ông Lại tin rằng các cuộc biểu tình có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Trung Quốc.
Tình hình biểu tình của người lao động trên toàn Trung Quốc năm 2023
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn trì trệ vào năm 2023 bất chấp việc nới lỏng đột ngột các biện pháp khắc nghiệt zero-COVID kể từ tháng 12/2022.
Theo CLB, số lượng đơn đặt hàng giảm từ khách hàng quốc tế và điều kiện kinh tế yếu kém trong nước đã khiến các nhà máy phải cắt giảm nhân lực, di dời để giảm thiểu chi phí hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Báo cáo của CLB tiết lộ rằng các cuộc biểu tình chủ yếu liên quan đến các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu – như điện tử, may mặc, đồ chơi và ô tô – và người lao động đã biểu tình về vấn đề tiền lương, cắt giảm nhân sự, di dời và yêu cầu bồi thường.
Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc trung ương của ĐCSTQ.
Theo báo cáo của CLB, tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất lớn, đã ghi nhận 517 cuộc biểu tình với quy mô khác nhau vào năm ngoái, mức cao nhất cả nước.
Số lượng cuộc biểu tình cao thứ hai (110) được cho là ở tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc, tiếp theo là tỉnh Thiểm Tây (103) và tỉnh Hà Nam (101).
Trong số 4 thành phố trực thuộc trung ương, Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, được báo cáo đã ghi nhận 34 cuộc biểu tình vào năm ngoái, trong khi Thượng Hải ghi nhận 47 cuộc biểu tình, Trùng Khánh ghi nhận 35 và Thiên Tân ghi nhận 32.
Vào ngày 7/1 năm ngoái, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Trùng Khánh sau khi hàng nghìn công nhân bị Zybio, Inc., nhà sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, cho nghỉ việc đột ngột, một trong những cuộc biểu tình sớm nhất trong tháng đầu tiên của năm được ghi nhận trong báo cáo của CLB. Chính quyền địa phương đã cử cảnh sát chống bạo động đến đàn áp cuộc biểu tình.
Khoảng 2.000 người lao động đụng độ với cảnh sát khi họ tổ chức đình công bên ngoài nhà máy cao su KOK Machinery do Đài Loan đầu tư ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 7/6/2010. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự, nói với The Epoch Times vào ngày 7/12/23 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ, với các công ty nước ngoài rời sang các nước khác và các công ty của chính Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, luật chống gián điệp của ĐCSTQ đe dọa bắt giữ người nước ngoài dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý không rõ ràng, điều này khiến nhiều công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Ông Lý tin rằng nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề này là do những hành vi thối nát của ĐCSTQ. Ông nói: “Việc cắt giảm hàng loạt dẫn đến số lượng các cuộc biểu tình ngày càng tăng, nhưng ĐCSTQ cố gắng che đậy chúng. Chế độ càng làm điều này thì càng trở nên kém minh bạch và điều này chỉ tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rời khỏi thị trường Trung Quốc. Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn”.
Các cuộc biểu tình khác
Theo Nikkei Asia, 1.777 cuộc biểu tình đã được ghi nhận tại Trung Quốc có liên quan đến lĩnh vực bất động sản từ tháng 6/2022 đến tháng 10/2023. 2/3 số cuộc biểu tình này là do người mua nhà và chủ sở hữu nhà biểu tình phản đối “sự chậm trễ của dự án, vi phạm hợp đồng, các cáo buộc gian lận và tay nghề xây dựng kém cỏi”, báo cáo cho biết. Hầu hết những người biểu tình còn lại là công nhân xây dựng đòi nợ lương.
Vào ngày 21/7/2023, hàng nghìn phụ huynh đã tập hợp tại nhiều cơ quan chính phủ khác nhau ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây để phản đối chính sách của chính quyền hạn chế học sinh tiếp cận các cơ hội giáo dục trung học và đại học.
Do chính quyền Trung Quốc có thành tích che đậy thông tin nên rất khó để đánh giá quy mô thực sự của những cuộc biểu tình này.
Một nhóm người cao tuổi về hưu tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Bộ Tư pháp Trung Quốc về khoản lương hưu không được trả của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 08/11/2011. (Ảnh: Goh Chai Hin/AFP qua Getty Images)
Chiến đấu để sinh tồn
Ông Lại cho biết các chiến dịch bảo vệ quyền lợi gần đây ở Trung Quốc thu hút “nhiều hơn” người tham gia và các sự kiện này “dữ dội hơn bao giờ hết”.
Ông nói thêm rằng nhiều người hiện đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực, thiếu nguồn tài chính để hỗ trợ gia đình, trả tiền học cho con cái, trang trải chi phí y tế và trả các khoản thế chấp.
Ông Lại nói: “Những cá nhân này chỉ có thể đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đòi nợ lương và yêu cầu cơ hội việc làm”.
Hơn nữa, bằng cách quay trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình “đã ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hợp tác với Trung Quốc”.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một cựu học giả về lịch sử Trung Quốc hiện đang cư trú tại Úc, tin rằng các cuộc biểu tình lan rộng trong người lao động chủ yếu xuất phát từ “ý chí sinh tồn” của họ.
“Tầng lớp đặc quyền trong ĐCSTQ đã cướp bóc tài sản xã hội, trong khi những người lao động Trung Quốc ở tầng đáy xã hội đã bị đẩy đến giới hạn của họ. Không thể đảm bảo các nhu cầu cơ bản và sự sống còn của mình, họ buộc phải đứng lên”, ông Lý nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Ông nói, hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ và không thể cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho tầng lớp lao động nghèo. Ông đồng thời nói thêm rằng “họ phải chiến đấu để sinh tồn”.
Dẫn đến sự sụp đổ của Bắc Kinh?
ĐCSTQ đã áp dụng một cách tiếp cận nặng tay để đàn áp những người bất đồng chính kiến và những người biểu tình nhằm duy trì sự cai trị độc tài của mình.
Tuy nhiên, khi người dân đấu tranh vì sự sinh tồn, họ không còn sợ hãi sự đàn áp của ĐCSTQ nữa, ông Lý nói và nói thêm rằng đây là điều mà Bắc Kinh lo sợ. Hơn 300 người gửi tiền vào một ngân hàng ở tỉnh Hà Nam đã tập trung trước Cục Giám sát Hà Nam để phản đối và yêu cầu rút tiền một cách hợp pháp, vào ngày 25/06/2022, tại Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: The Epoch Times)
“Sự phản kháng này của người dân là chân thực và họ không sợ sự đàn áp bạo lực của ĐCSTQ. Đối với họ, sự phản kháng có thể dẫn đến cái chết, nhưng nếu không có sự phản kháng thì cái chết là điều không thể tránh khỏi. Vậy tại sao họ lại không kháng cự?!”
Theo ông Lại, ĐCSTQ không thể dập tắt hiệu quả tất cả các chiến dịch biểu tình trên toàn quốc.
“ĐCSTQ đang phải đối mặt với những thách thức trên diện rộng, với các làn sóng thất nghiệp và cắt giảm nối tiếp nhau ảnh hưởng đến nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Các cuộc biểu tình và các vụ việc bảo vệ quyền lợi đang bất ngờ xuất hiện liên tục, với tình trạng hỗn loạn bùng phát khắp nơi trên cả nước. … Tôi có thể thấy trước rằng ĐCSTQ không có cách nào để xử lý chúng”.
Ông cho rằng, ở một mức độ nào đó, tình trạng này gây ra mối đe dọa đáng kể cho sự cai trị của ĐCSTQ.
“Như một câu nói cổ của người Trung Quốc đã nói, ‘Nếu người dân không sợ chết, thì việc đe dọa họ bằng cái chết cũng chẳng ích gì’”.
Chuyển văn phòng lên vùng núi để tránh phải bồi thường nghỉ việc?
Mối quan hệ giữa người lao động và chủ lao động ở Trung Quốc đang trở nên rất căng thẳng. Mới đây một vụ việc liên quan tới mối quan hệ này đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong cộng đồng cư dân mạng tại Trung Quốc.
Một công ty ở Tây An (tỉnh Thiểm Tây) bất ngờ chuyển văn phòng từ Khu thương mại trung tâm Tây An (khu CBD) đến dãy núi Tần Lĩnh. Sau khi hơn chục nhân viên buộc phải xin thôi việc, văn phòng công ty lại được chuyển về thành phố. Những nhân viên đã xin nghỉ việc cáo buộc công ty lợi dụng động thái này để từ chối bồi thường tài chính cho nhân viên khi cắt giảm nhân sự, trong khi lãnh đạo công ty khẳng định việc chuyến dời lên khu vực vùng núi chỉ là biện pháp chuyển tiếp tạm thời.
Anh Chang (hóa danh), sống ở Tây An, mới đây đã đăng một video để phàn nàn về sự việc, cho biết công ty quảng cáo nơi anh làm việc ở Tây An đã chuyển công ty đến chân dãy núi Tần Lĩnh nhằm không phải bồi thường cho nhân viên khi cắt giảm nhân sự. Do phải đi lại xa và điều kiện sinh hoạt bất tiện, hơn chục nhân viên đã buộc phải tự nguyện xin nghỉ việc. Nhưng vài ngày sau, công ty lại chuyển văn phòng về thành phố. Các nhân viên rất tức giận khi biết tin này.
Truyền thông Trung Quốc Upstream News mới đây đã phỏng vấn anh Chang, người tiết lộ thông tin trên và người phụ trách công ty có liên quan.
Khi được phỏng vấn, anh Chang tiết lộ rằng địa điểm văn phòng ban đầu của công ty nằm trên đường Jinye, Khu công nghệ cao, Khu thương mại trung tâm của Tây An. Ngày 19/10/2023 (thứ Năm), công ty bất ngờ thông báo tới toàn thể nhân viên rằng công ty sẽ chuyển văn phòng về khu vực Hàng X, XX Làng Mới, đồng thời yêu cầu nhân viên phải có mặt đúng giờ vào lúc 9 giờ sáng ngày 23/10/2023 tại địa điểm mới (thứ Hai). Địa điểm văn phòng mới này nằm ở Thung lũng Ziwu, Quận Trường An, cách lối vào thung lũng 3 km và đi vào vùng đồi thấp dưới chân núi của dãy núi Tần Lĩnh.
Anh Chang cho biết công ty đã thông báo rõ ràng cho nhân viên rằng sẽ không có trợ cấp đi lại khi chuyển văn phòng. Để đến địa điểm mới, các nhân viên chỉ có thể bắt xe buýt chạy ba tiếng một lần, và khi xuống xe sẽ phải đi bộ 3 km trên đường làng miền núi. Nếu không, đi taxi từ ga gần nhất sẽ tốn 50 hoặc 60 CNY (nhân dân tệ).
Sau khi nhân viên thắc mắc về việc này, người quản lý công ty nói rằng, nếu nhân viên không chấp nhận thì công ty sẽ trả lương cho họ cho tháng 9 và tháng 10 để nhân viên có thể nghỉ việc.
Anh Chang cho biết ban đầu công ty có hơn 20 nhân viên, trong đó có bản thân anh. Vì không chịu nổi sự sắp xếp của công ty nên ngày 27/10/2023, 14 người đã ký giấy nghỉ việc. Không ngờ, chỉ 4 ngày sau khi nghỉ việc, họ nhận được tin từ các đồng nghiệp cũ rằng công ty đã chuyển lại về thành phố.
Anh Chang cho biết: “Sếp của công ty chưa bao giờ xuất hiện [tại địa điểm mới], mục đích [của động thái chuyển văn phòng] là lợi dụng môi trường khắc nghiệt này để khiến các bạn tự nguyện xin nghỉ”. “Nếu họ không sử dụng phương pháp này, mọi người sẽ bị cho nghỉ việc hoặc gì đó, và thông thường họ [nhân viên] sẽ yêu cầu khoản bồi thường N+1 [bồi thường khi nghỉ việc]”.
Ngày 31/12/23, người phụ trách công ty có liên quan là ông Zhang thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng, công ty quả thực đã được chuyển lên “núi” vào tháng 10. Nguyên nhân chính là do công ty đang gặp khó khăn trong hoạt động và giá thuê văn phòng ở khu trung tâm rất đắt nên công ty quyết định chuyển đi. Việc tạm thời di dời địa điểm văn phòng chỉ là “sự chuyển tiếp tạm thời trong một tuần”. Công ty cũng mong mọi người có thể “chia sẻ thành công cũng như khó khăn” vào thời điểm này. “Không ngờ có nhiều người đã đề nghị nghỉ việc và đăng sự việc lên mạng”.
Anh Chang phủ nhận tuyên bố của công ty. Anh Chang nói: “Điều mà chúng tôi được biết lúc đó là giai đoạn văn phòng ở vùng núi có thể rất dài và có thể phải đến năm sau mới có sự thay đổi. Nếu chúng tôi chỉ ở trên núi một tuần rồi quay trở lại văn phòng mới, ai lại có thể không kiên trì được?”
Anh Chang cũng tiết lộ địa điểm văn phòng mới nằm trên tầng 2 của một ngôi nhà của nông dân. Tầng một là nơi một vợ chồng dân làng sinh sống. Làm việc ở đó rất bất tiện. Việc đi vệ sinh rất bất tiện. Có khi phải đi bộ một quãng đường dài mới đến nhà vệ sinh công cộng trong làng. Không có chỗ ăn, nhân viên chỉ có thể ăn mì gói và bánh mì. Anh Chang nhận thấy trời đã tối khi anh tan làm. Nếu nhân viên phải đi bộ trên đường núi không có đèn đường, nữ nhân viên sẽ gặp phải chó hoang đuổi theo, điều này “rất đáng sợ”.
Sau khi nghỉ việc, anh Chang cùng một số đồng nghiệp đã nộp đơn lên cơ quan trọng tài lao động địa phương. Giờ đây, anh đã tung ra tin tức này, “Mục đích ban đầu là giúp nhiều đồng nghiệp hơn tránh được cạm bẫy và cảnh báo cho nhiều công ty hơn”.
Sự việc này đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trong cư dân mạng tại Trung Quốc.
Một số cư dân mạng cho rằng: “Việc nghỉ việc theo kiểu này cần sự thương lượng để bồi thường. Công ty trong bài viết chỉ muốn tiết kiệm tiền bồi thường”. “Ông chủ thật giỏi tiết kiệm”. “Với tình hình hiện tại, không có chút thương xót nào cả [trong thị trường lao động]”.
Một số cư dân mạng còn cho rằng: “Không ai nên phàn nàn. Môi trường chung là như thế này. Tôi chỉ có thể nói rằng công ty thực sự rất nghèo khó và đó là giải pháp cuối cùng”. “Thị trường đã buộc mọi người phải làm những gì họ cần trong vài năm qua”.
Bảo Nguyên tổng hợp
Không có nhận xét nào