Võ Thái Hà tổng hợp
Thủ tướng Israel phản đối việc thành lập Nhà nước Palestine
Anh Vũ /RFI
19/01/2024
Trong lúc quân đội Israel tiếp tục các cuộc tấn công dữ dội tại Khan Younes, thành phố chính trong dải Gaza, cũng như tập kích vào Cisjordanie, hôm qua, 18/01/2024, thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu cho biết đã thông báo cho Hoa Kỳ lập trường của chính phủ ông phản đối việc thành lập Nhà nước Palestine thời hậu chiến.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chủ trì một cuộc họp của nội các tại căn cứ quân sự Kirya, Tel Aviv, Israel, ngày 24/12/2023. via REUTERS - POOL
Trong cuộc họp báo hôm qua tại Tel Aviv, lãnh đạo chính phủ Israel khẳng định, « trong mọi dàn xếp tương lai, Israel cần phải kiểm soát được an ninh toàn bộ bộ lãnh thổ ở tây Jordanie. Điều này mâu thuẫn với sáng kiến chủ quyền lãnh thổ (của người Palestine) ». Ông cho biết đã trực tiếp thông báo với Mỹ về lập trường này.
Trong khi đó, Washington cho rằng việc thành lập Nhà nước Palestine sau chiến tranh là đảm bảo duy nhất về an ninh lâu dài cho Israel. Được hỏi về các phát biểu của thủ tướng Israel, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jonh Kirby đã nói, « Rõ ràng chúng tôi nhìn sự việc theo cách khác nhau ».
Những bất đồng như vậy giữa Washington và Tel Aviv trên hồ sơ Trung Đông không phải là mới, nhưng lần này được phơi bày giữa lúc Hoa Kỳ đang cố gắng gây áp lực với đồng minh của mình về cuộc chiến ở Gaza hiện nay, cũng như về những chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến.
Trước đó hôm 17/01, tại diễn đàn kinh tế Davos, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã một lần nữa kêu gọi tìm « con đường dẫn tới thành lập một Nhà nước Palestine ». Ông Blinken nhấn mạnh nếu không « sẽ không thể có an ninh thực sự » cho Israel cũng như cho khu vực. Trong chuyến công du Trung Đông mới đây, lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã liên tục thuyết phục Israel cũng như các nước Ả Rập hướng tới việc thành lập một Nhà nước Palestine.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Israel từ nhiều tuần nay đã không có các trao đổi trực tiếp.
Tại thực địa, hôm nay Israel tiếp tục tập trung oanh kích cường độ cao tại dải Gaza, làm gần 80 người Palestine bị thiệt mạng , theo cơ quan Y tế của tổ chức Hamas. Cuộc giao tranh giữa quân đội Isrel và chiến binh của phong trào Hồi Giáo Palestine đang diễn ra tại thành phố Khan Younes.
Bước vào tháng thứ 4, cuộc chiến tranh Israel và Hamas đang có nguy cơ lan rộng biến thành xung đột khu vực. Các cuộc đấu súng diễn ra hàng ngày ở biên giới Israel-Liban. Trên Hồng Hải, phiến quân Houthi ở Yemen liên tục tấn công các tàu. Đáp lại, Hoa Kỳ gia tăng cường độ oanh kích vào Yemen.
NATO thông báo tập trận lớn nhất từ nhiều thập kỷ qua
Anh Vũ /RFI
19/01/2024
Trong lúc Ukraina tiếp tục hối thúc các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khi đạn dược, hỗ trợ tài chính sau khi ngân sách viện trợ của Mỹ bị bế tắc, ngày qua 18/01/2024, NATO thông báo đợt tập trận quy mô lớn trên toàn châu Âu, được đánh giá như là một thông điệp hậu thuẫn Ukraina gửi đến Matxcơva. Mục đích xa hơn là răn đe Nga khởi sự một cuộc xâm lược nhắm vào quốc gia thành viên của Liên Minh.
Tư lệnh tối cao của các lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu, tướng Christopher Cavoli họp báo tại trụ sở khối NATO, Bruxelles, ngày 18/01/2024. AP - Virginia Mayo
Kết hợp với các diễn tập định kỳ khác như Joint Warrior và Nordic Response, do Anh Quốc và Na Uy tổ chức, các cuộc tập trận của NATO lần này sẽ diễn ra theo nhiều giai đoạn và địa điểm khác nhau, kéo dài từ tháng Hai cho đến tháng Năm. Dự kiến cuộc tập trận sẽ bắt đầu tại khu vực Baltic và Scandinavia.
Thông tín viên RFI tại Bruxelles Pierre Benazet tường trình:
Theo Tư lệnh tối cao của các lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu, với 90.000 quân, cuộc tập trận “Người bảo vệ vững chắc" phá kỷ lục về số binh sĩ được triển khai. Những cuộc diễn tập lớn này sẽ kéo dài nhiều tháng và có sự tham gia của 1.100 xe chiến đấu, 80 máy bay và 50 tàu chiến.
Từ năm 1988, tức là ngay giữa Chiến tranh Lạnh, không có cuộc tập trận nào của đồng minh có quy mô như lần này.
Quảng cáo
Ngoài ra, cho dù tên của Nga không được chính thức nêu lên, cuộc tập trận “Người bảo vệ vững chắc” sẽ liên quan đến toàn bộ lục địa cùng với việc Mỹ và Canada gửi quân đến để thao dượt theo kịch bản đối mặt với “một kẻ thù có tầm cỡ tương đương”.
Các nước thành viên NATO không muốn Liên Minh đứng ở tuyến đầu trước cuộc xâm lược Ukraina của Nga để không tạo cớ cho những tuyên bố đối đầu của Điện Kremlin. Chính vì thế mà Hoa Kỳ, đứng đầu nhóm Ramstein về vũ khí và Pháp hôm qua đã thành lập liên minh về pháo binh. Tuy nhiên, NATO vẫn tìm cách chứng tỏ họ có khả năng và quyết tâm đối phó với một cuộc tấn công quy mô lớn.
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thiết bị mang vũ khí hạt nhân dưới nước
19/01/2024
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại Quốc hội, ngày 15/1/2024.
Triều Tiên vừa tiến hành thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước để phản đối cuộc tập trận chung trong tuần này của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết hôm 19/1.
Cuộc thử nghiệm hệ thống “Haeil-5-23” - tên mà Triều Tiên đặt cho các vũ khí tấn công dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - được thực hiện bởi cơ quan cố vấn của Bộ Quốc phòng ở vùng biển phía đông nước này, bản tin của KCNA cho hay, nhưng không nói rõ vào ngày nào.
Người phát ngôn không nêu tên của Bộ Quốc phòng Triều Tiên cáo buộc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang “điên cuồng” tập trận quân sự, và cảnh báo về “những hậu quả thảm khốc”.
Hải quân ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật tổ chức các cuộc tập trận thường kỳ kéo dài ba ngày cho đến hôm 17/1, cùng với tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ, như một phần trong nỗ lực cải thiện phản ứng của họ trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Triều Tiên nói trong một tuyên bố: “Thế trận đối phó dựa trên vũ khí hạt nhân dưới nước của quân đội chúng tôi đang được hoàn thiện hơn nữa và các hành động phản ứng dưới nước và hàng hải khác nhau của quân đội sẽ tiếp tục ngăn chặn các hoạt động quân sự thù địch của hải quân Mỹ và các đồng minh”, vẫn theo KCNA.
Truyền hình nhà nước Triều Tiên từng phát sóng các vụ thử nổ trong khí quyển trước đó, bị chính quyền Mỹ và Hàn Quốc theo dõi, nhưng vũ khí dưới nước được loan báo vẫn chưa được xác minh một cách độc lập.
Được mệnh danh là “Haeil” - có nghĩa là sóng thần - hệ thống vũ khí mới được cho là đã thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 3/2023 và truyền thông nhà nước cho hay nó nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công ngấm ngầm vào vùng biển của đối phương và tiêu diệt các nhóm tàu tấn công hải quân cũng như các cảng quan trọng bằng cách tạo ra sóng phóng xạ lớn thông qua một vụ nổ dưới nước.
Vụ thử nghiệm dưới nước mới nhất được loan báo diễn ra vài ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa siêu thanh tầm trung, dùng nhiên liệu rắn, mà Washington, Seoul và Tokyo lên án là vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đặc phái viên hạt nhân của ba nước đồng minh Mỹ, Hàn, Nhật gặp nhau tại Seoul hôm 18/1, cũng lên án việc Bình Nhưỡng buôn bán vũ khí với Nga và những lời lẽ ngày càng thù địch, ngay khi Ngoại trưởng Triều Tiên đến thăm Moscow và gặp Tổng thống Vladimir Putin.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngăn chính phủ đóng cửa
Viên Minh (tổng hợp)
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trở lại văn phòng của mình tại Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 18/1/2024 tại Washington, DC. (Ảnh: Kent Nishimura/Getty Images)
Lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tài trợ chính phủ liên bang đến đầu tháng 3, giúp tránh nguy cơ phải đóng cửa một phần.
Đêm ngày 18/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo 314-108, tiếp sau Thượng viện với tỷ lệ 77-18. Dự luật được trình lên Tổng thống Joe Biden chờ ký ban hành.
Dự luật này kéo dài thời hạn cho Quốc hội thông qua các dự luật chi thường niên cho đến ngày 1 và 8/3, đánh dấu lần thứ ba trong vòng bốn tháng cơ quan lập pháp phải viện tới giải pháp tài trợ tạm thời.
Thỏa thuận về dự luật ngân sách ngắn hạn, còn được gọi là “Nghị quyết tiếp tục” (CR), được Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân Chủ), Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Đảng Cộng hòa) và Nhà Trắng đạt được vào ngày 14/1. Mục đích chủ yếu là đảm bảo hoạt động liên tục của Chính phủ Mỹ, vốn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí một phần nếu không kịp giải quyết trước hạn chót ngày 19/1.
“Chúng tôi có tin tốt cho nước Mỹ. Chính phủ sẽ không đóng cửa vào ngày 19/1”, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, đảng Dân chủ, nói. “Nhờ hai bên phối hợp, chính phủ vẫn mở cửa, các dịch vụ không bị gián đoạn. Chúng ta sẽ tránh được một thảm họa không cần thiết”.
Về phía Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện Johnson cũng lên tiếng: “Biện pháp này cần thiết để hoàn thành những mục tiêu quan trọng của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, bao gồm những thắng lợi chính sách ý nghĩa và quản lý hiệu quả hơn nguồn thuế của người dân Mỹ”.
Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận về mức chi tiêu tối đa 1,59 nghìn tỷ USD cho năm tài chính tới, tương tự như thỏa thuận về giới hạn nợ quốc gia năm ngoái giữa Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ Kevin McCarthy (Đảng Cộng hòa) và Tổng thống Joe Biden.
Thỏa thuận mới này có một số điểm đáng chú ý như sau:
Cắt giảm nhân sự IRS: Thêm 10 tỷ USD sẽ được dành cho việc sa thải nhân viên Sở Thuế IRS, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu thuế và dịch vụ của cơ quan này.
Tài trợ COVID-19: 6,1 tỷ USD vẫn được phân bổ cho các nỗ lực ứng phó và giảm thiểu COVID-19 đang diễn ra.
Tăng chi tiêu quốc phòng: Ngân sách quốc phòng tăng lên 886 tỷ USD, phản ánh sự tập trung tiếp tục vào an ninh quốc gia.
Tăng lương quân đội: Các quân nhân sẽ nhận được mức tăng lương 5,2%.
Chi tiêu tự do: 704 tỷ USD được phân bổ cho các khoản chi tiêu tự do khác, dùng cho các chương trình và hoạt động khác của chính phủ.
Phân bổ bổ sung: Ngoài ra, một thỏa thuận riêng sẽ cung cấp thêm khoảng 70 tỷ USD cho các khoản chi tiêu không thuộc quốc phòng.
15 quan chức cấp cao Trung Quốc qua đời trong vòng chưa đầy 2 tuần đầu năm 2024
Shawn Jiang
Lam Giang biên dịch
19/01/2024
Người dân đợi bác sĩ khám tại Bệnh viện Trực thuộc số 1 của Đại học Trịnh Châu, bệnh viện lớn nhất Trung Quốc tính theo số giường bệnh, ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 30/01/2023. (Ảnh: VCG/VCG/Getty Images)
Trong vòng 10 ngày kể từ Tết Dương lịch 2024, ít nhất 15 quan chức cấp cao của Trung Quốc đã qua đời vì bạo bệnh.
Các quan chức này bao gồm:
1. Ông Trương Khắc Huy (Zhang Kehui), nguyên phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPPC), một cơ quan cố vấn chính trị mang tính biểu tượng của Trung Quốc.
Ông Trương Khắc Huy cũng từng giữ chức phó trưởng Văn phòng Các vấn đề Đài Loan vào đầu những năm 1990, một cơ quan tích cực hỗ trợ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong các hoạt động của Mặt trận Thống nhất nhắm vào người Đài Loan.
2. Ông Tiết Câu (Xue Ju), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang.
Ông Tiết Câu, cựu Bí thư tỉnh Chiết Giang, qua đời vì bạo bệnh tại Hàng Châu vào ngày 12/1/2024. Ông cũng từng giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 12 và 13; đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 6 và 8.
3. Ông Chu Đạo Huỳnh (Chu Daojiong), Chủ tịch thứ hai Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC).
Ông Chu Đạo Huỳnh, Chủ tịch thứ hai của CSRC, đồng thời là cựu Chủ tịch Ban Kiểm soát Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, qua đời ngày 11/01/2024 tại Bắc Kinh. Ông Chu từng giữ chức phó giám đốc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc; đồng thời là cố vấn cao cấp của Hiệp hội Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc và giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx Trung Quốc.
4. Ông Tôn Tải Phu (Sun Zaifu), nguyên phó Bí thư tỉnh Hồ Nam.
Ông Tôn Tải Phu, nguyên Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh, qua đời vào ngày 05/01/2024 tại Trường Sa vì bạo bệnh.
5. Bà Hác qua đời tại Bắc Kinh hôm 04/01/2024.
Bà Hác Trị Bình từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao, trong đó có chức Phó Giám đốc Bộ Công an, Ủy viên Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu. Bà nghỉ hưu vào năm 1988.
6. Ông La Thụy Khanh, người chồng quá cố của bà Hác Trị Bình.
Ông La là một trong hàng triệu nạn nhân của Cách mạng Văn hóa. Trong những ngày đầu của phong trào chính trị này, ông bị coi là thành viên trong một nhóm “bè phái phản Đảng”.
Không thể chịu đựng được sự sỉ nhục và bức hại, ông đã cố tự tử bằng cách nhảy từ tầng ba của một khách sạn sau một “phiên đấu tố”, nhưng sau đó ông vẫn sống sót dù bị gãy hai chân. Điều này được coi là bằng chứng cho tội lỗi của ông, và ông đã phải đối mặt với những lời chỉ trích của công chúng sau khi bình phục. Ông phải nhập viện nhiều lần trong nhiều năm và phải cắt bỏ chân trái vào năm 1969.
Ông La Thụy Khanh qua đời vào ngày 03/08/1978 khi đang được điều trị y tế ở Tây Đức.
Chín quan chức còn lại đều là lãnh đạo địa phương. Tất cả đều là đảng viên ĐCSTQ. Những quan chức này bao gồm:
Ông Tạ Cần (Xie Qin), nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị Cục Công an tỉnh Huy Châu và nguyên Cục trưởng Cục Cơ khí và Máy nông nghiệp tỉnh Huy Châu.
Ông Khương Hỷ Đồng (Jiang Xitong), cựu giám đốc Nhà máy số 3403 của PLA và là một cán bộ đã về hưu được hưởng quyền lợi ở cấp thứ trưởng.
Ông Giang Thủy Sinh (Jiang Shuisheng), cán bộ đã về hưu của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất ở Vũ Hán.
Ông Chu Đạo Cử (Zhou Daoju), nguyên Chính ủy Lữ đoàn Giảng dạy Quân khu Thiểm Tây.
Ông Trần Vĩ (Chen Wei), nguyên trưởng đoàn kiểm tra kỷ luật của Tòa án Trung cấp Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông.
Ông Vương Kỳ (Wang Qi), nguyên tổng công tố Viện kiểm sát thành phố An Khánh tỉnh An Huy, nguyên phó giám đốc Ủy ban thường vụ Quốc hội nhân dân thành phố An Khánh.
Ông Khương Vĩnh Quý (Jiang Yonggui), cựu phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang.
Ông Triệu Phụ (Zhao Fu), nguyên tổng biên tập kiêm Bí thư đảng ủy của tờ Nhật báo Liêu Ninh.
Ông Uông Chương (Wang Zhang), cựu phó thanh tra Cục Công Thương thành phố Trùng Khánh.
Người Mỹ bất bình về kinh tế dù các chỉ số đều tốt
Nếu chỉ nhìn vào dữ liệu, người Mỹ hẳn phải khá hài lòng với tình hình kinh tế của đất nước. Lạm phát đã giảm mạnh, việc làm dồi dào và thị trường chứng khoán mạnh mẽ. Tuy vậy, thăm dò ý kiến đều cho thấy hầu hết người Mỹ cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ, tạo ra một làn sóng bi quan có thể gây tổn hại cho nỗ lực tái tranh cử của tổng thống Joe Biden.
Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan tiến hành vào tháng 1, một thước đo quan trọng về tâm lý chung của nền kinh tế, sẽ được công bố vào thứ Sáu. Trước đó, chỉ số này đã tăng vọt trong tháng 12, dù vẫn thấp so với tiêu chuẩn lịch sử. Một số nhà phân tích tin rằng có một độ trễ đáng kể giữa thay đổi trong tỉ lệ lạm phát và thay đổi trong dư luận. Nếu vậy, thì đây chính là lúc mà người Mỹ có thể bắt đầu cảm thấy lạc quan hơn.
Nhật phóng tàu không người lái lên Mặt trăng
SLIM, một tàu vũ trụ không người lái của JAXA, cơ quan vũ trụ Nhật Bản, sẽ cố gắng “hạ cánh mềm” xuống Mặt trăng vào thứ Sáu. Nếu sứ mệnh thành công, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ năm đổ bộ thành công lên Mặt trăng mà không bị hỏng thiết bị, sau Chandrayaan-3 của Ấn Độ hồi tháng 8.
Mục tiêu chính của SLIM là thử nghiệm công nghệ hạ cánh mới có thể thay đổi hoạt động khám phá không gian. Trong khi các tàu đổ bộ thông thường chạm xuống Mặt trăng trong phạm vi hàng chục km, SLIM tuyên bố có độ chính xác 100 mét. Độ chính xác như vậy rất hữu ích khi các quốc gia tìm cách nghiên cứu tài nguyên của Mặt trăng, bao gồm cả băng quanh cực nam.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, hai robot nhỏ, một do một công ty đồ chơi thiết kế, sẽ nhảy ra khỏi tàu vũ trụ của JAXA. Chúng sẽ kiểm tra Shioli, một miệng núi lửa ở phía gần Trái Đất, vì đá ở khu vực đó được cho là có chứa khoáng chất từ bề mặt Mặt trăng. Nghiên cứu những tảng đá đó có thể mở khóa những bí mật về nguồn gốc của vệ tinh tự nhiên này.
Cuộc chiến phá thai nóng lên ở Mỹ
Người biểu tình chống phá thai sẽ tập hợp về Washington, DC vào thứ Sáu để tham gia cuộc “Tuần hành vì Sự sống” hàng năm. Nhiều người có thể than thở về màn thể hiện của Ron DeSantis trong cuộc họp kín ở Iowa, khi chỉ về thứ hai sau Donald Trump. Thống đốc Florida là người phản đối phá thai mạnh mẽ nhất trong số các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa: vào tháng 4 năm ngoái, ông đã ký lệnh cấm phá thai sau sáu tuần mang. Ông Trump gọi đó là một “sai lầm khủng khiếp.” Còn Nikki Haley, một ứng viên khác, đã nói với những người phản đối phá thai hãy “trung thực” về việc các hạn chế phá thai hà khắc không được ủng hộ rộng rãi. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Mỹ tin rằng phá thai nên hợp pháp trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Ngày hôm sau, những người vận động ủng hộ phá thai sẽ đến Phoenix, Arizona. Bang này cấm phá thai sau 15 tuần. Những người biểu tình muốn thu thập chữ ký để tổ chức bỏ phiếu cho phép phá thai cho đến khi thai nhi có thể sống được (khoảng 23 tuần). Đảng Dân chủ coi các chiến dịch như vậy là một cách để thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, vì các cử tri ủng hộ phá thai vẫn sôi sục sau khi phán quyết Roe kiện Wade bị lật ngược vào năm 2022.
Brazil có bộ trưởng an ninh mới trong bối cảnh gia tăng bạo lực
Tổng thống Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva (thường gọi là Lula), sẽ bổ nhiệm một bộ trưởng tư pháp và an ninh công cộng mới vào thứ Sáu. Việc ông chọn Ricardo Lewandowski, cựu thẩm phán Tòa án tối cao, cho thấy Lula đang có quan hệ tốt với ngành tư pháp. Các toà án đã quyết định số phận của một số chính trị gia trong thời gian gần đây – cũng như đưa ra phán quyết về các chủ đề đang được thảo luận tại Quốc hội.
Thử thách lớn nhất của ông Lewandowski là đối phó với làn sóng bạo lực đang càn quét đất nước. Chỉ trong tháng 9 vừa qua đã có 68 người chết vì xung đột băng đảng ở Bahia, một bang do Đảng Công nhân của Lula lãnh đạo. Trong tháng 10, các nhóm dân quân đã đốt 35 xe buýt ở Rio de Janeiro sau khi cảnh sát giết chết một trong những thủ lĩnh của họ. Những thế lực ủng hộ người tiền nhiệm cực hữu của Lula, Jair Bolsonaro, cũng là một mối đe dọa: hàng ngàn người trong số họ đã chiếm các tòa nhà chính phủ vào tháng 1 năm ngoái. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 47% người Brazil không tán thành chính sách an ninh nội địa của chính phủ. Ông Lewandowski cho biết ông sẽ ưu tiên “thách thức lớn” là duy trì an ninh trật tự.
TOP 5 quốc gia ô nhiễm nhất thế giới
New Delhi, Ấn Độ chìm trong sương khói. (Ảnh: Saurav022/Shutterstock)
Ngày 17/1, kết quả phân tích từ Dự án Dữ liệu Chất lượng Không khí Kết nối Toàn cầu của Công ty công nghệ đa quốc gia Dyson chỉ ra rằng Ấn Độ đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về ô nhiễm không khí trong nhà với mức PM2.5 trung bình hàng năm cao nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Hàn Quốc.
Trong danh sách các thành phố được nghiên cứu có mức PM2.5 trung bình hàng năm cao nhất, thủ đô New Delhi cũng đứng đầu với mức PM2.5 là 69,29, tiếp theo là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Busan.
Dự án của Dyson phân tích hơn 500 tỷ điểm dữ liệu để hiểu hành vi của người dùng và so sánh chất lượng không khí trong nhà và ngoài trời.
Nghiên cứu cho thấy không khí trong nhà có thể tồi tệ hơn đáng kể, đặc biệt là trong mùa Đông, với mức PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn y tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra. Mùa Đông nói chung là mùa ô nhiễm nhất ở khắp nơi, ngay cả ở Nam Bán cầu – nơi thời tiết lạnh hơn giữ không khí ô nhiễm ở gần mặt đất.
Ô nhiễm đạt đỉnh điểm vào mùa đông, đặc biệt là ở Delhi, trong đó tháng 11 và tháng 12 là những tháng ô nhiễm nhất. Dyson cho biết “thật đáng kinh ngạc, không khí trong nhà vào mùa Đông được phát hiện là tồi tệ hơn bên ngoài 15%, khiến khói bụi bám vào tường một cách hiệu quả. Thực tế, trên khắp Ấn Độ, không khí trong nhà ô nhiễm hơn 41% trong những tháng này, thậm chí còn hơn 48%”.
Không giống như hầu hết các nơi có không khí tồi tệ nhất vào ban đêm, ở Ấn Độ, thời gian bên trong ô nhiễm nhất là từ 7 giờ sáng đến giữa trưa.
Được biết, PM (chất dạng hạt) 2.5, là hỗn hợp của các hạt rắn và lỏng, được sử dụng để mô tả mức độ ô nhiễm. Mức PM 2.5 là các hạt mịn có đường kính dưới 2,5 micromet, mỏng hơn sợi tóc người hơn 100 lần và tồn tại lơ lửng trong không khí trong thời gian dài hơn và gây nguy hiểm cho sức khỏe khi chúng có thể xâm nhập vào đường hô hấp của con người.
Phan Anh
179 nghị sĩ Đảng Cộng Hòa kêu gọi Tối cao Pháp viện giữ tên ông Trump trên phiếu bầu
Catherine Yang
Vân Sa lược dịch
Thứ sáu, 19/01/2024
Ông Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện, và ông Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana), Lãnh đạo Đa số Hạ viện là hai trong số các thành viên đã ký vào bản góp ý từ thân hữu của tòa án (amicus brief).
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, nói chuyện với những người ủng hộ trong một cuộc vận động tranh cử tại khách sạn Sheraton Portsmouth Harborside ở Portsmouth, New Hampshire, hôm 17/01/2024. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) và Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) cùng với 177 thành viên khác của Quốc hội, trong đó có cả các thành viên Đảng Cộng Hòa cao cấp như Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), đã kêu gọi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ giữ nguyên tên cựu Tổng thống Donald Trump trên phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Bản ý kiến ngắn gọn của họ viết, “Với tư cách là các quan chức dân cử, các thân hữu chúng tôi có mối quan tâm sâu sắc đến việc bảo đảm rằng các quy tắc về tính hợp lệ của văn phòng liên bang là rõ ràng, khách quan, và trung lập, chứ không phải là dễ bị kiểm soát và được áp dụng để tiện cho việc gài bẫy các đối thủ chính trị.”
Kể từ hôm 05/01, khi Tối cao Pháp viện đồng ý thụ lý đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Trump về quyết định loại ông ra khỏi tư cách ứng cử viên tổng thống của Tòa án Tối cao Colorado, khoảng 40 bản góp ý thân hữu của tòa án đã được đệ trình. Các nhóm pháp lý, hiệp hội luật sư, các chuyên gia, và các cử tri liên quan — theo cá nhân và theo nhóm — gần như mỗi ngày đều hối thúc Tối cao Pháp chấm dứt sự nhầm lẫn về mặt pháp lý và “những hỗn loạn” về mặt chính trị mà quyết định của [Tòa án Tối cao] Colorado đã gây ra.
Các nhà lập pháp lập luận rằng tòa án Colorado đã giải thích không đúng Mục 3 của Tu chính án thứ 14, một đạo luật thời Nội chiến nhằm cấm một số người đã “tham gia nổi dậy” nắm giữ chức vụ tổng thống.
Bản đóng góp ý kiến viết, “Việc thực thi Mục 3 cần được Quốc hội thông qua, bằng cách này, các ứng cử viên sẽ được bảo vệ khỏi việc bị các quan chức tiểu bang lạm dụng.”
Họ cũng lập luận rằng vì Quốc hội có quyền hạn để loại bỏ tính không khả thi của Mục 3 với hai phần ba số phiếu bầu vào bất kỳ lúc nào cho đến thời điểm ứng cử viên này nắm giữ chức vụ, nên một tòa án tiểu bang không có quyền né tránh quá trình này. Các nhà lập pháp đang yêu cầu Tối cao Pháp viện đảo ngược quyết định của Colorado về việc loại tên cựu Tổng thống Trump khỏi phiếu bầu.
Bản góp ý viết: “Quan điểm của Tòa án Tối cao Colorado là chà đạp lên các đặc quyền của thành viên Quốc hội.”
Bản góp ý nói rằng đã không xảy ra cuộc nổi dậy nào, và nhắc đến việc các chính trị gia Đảng Dân Chủ đã cổ vũ cho các cuộc biểu tình bạo lực ở Portland, Oregon, vào năm 2020.
Bản góp ý viết: “Hành vi như vậy của các chính trị gia thật khó chấp nhận được nhưng khó mà được cho là đủ điều kiện để được xem là một cuộc nổi dậy — cho đến khi Tòa án Tối cao Colorado vào cuộc, thì đó tự nhiên lại là một cuộc nổi dậy.”
Nhưng ngay cả khi không xét đến cái cách giải thích “bao quát” như vậy về “cuộc nổi dậy” và những gì được xem là việc đã tham gia vào một cuộc nổi dậy, họ vẫn lập luận rằng cựu Tổng thống Trump không làm điều đó.
“Thật khó để tưởng tượng một người theo chủ nghĩa nổi dậy thực sự lại nhanh chóng yêu cầu hòa bình và khuyến khích giải tán,” bản góp ý viết, đề cập đến những tuyên bố của cựu Tổng thống Trump ngày hôm đó khi ông kêu gọi những người biểu tình hành động “một cách hòa bình và yêu nước.”
Không có nhận xét nào