Võ Thái Hà tổng hợp
Đài Loan : Chiến dịch tranh cử bước vào ngày cuối
Anh Vũ /RFI
12/01/2024
Hôm nay, 12/01/2024, hàng chục ngàn người ủng hộ ba đảng chính trị của Đài Loan tham gia các cuộc tập hợp lớn vận động tranh cử cuối cùng. Ngày mai, 13/01, cử tri Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu, bầu tổng thống và Quốc Hội mới, trong bối cảnh áp lực và đe dọa sáp nhập của Trung Quốc ngày càng lớn.
Người ủng hộ Đảng Dân Tiến tập hợp tại thủ đô Đài Bắc, Đài Loan, ngày 11/01/2024. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS
Cuộc bầu cử ngày mai 13/01 không chỉ là sự kiện quan trọng đối với nền dân chủ Đài Loan mà còn được cả thế giới theo dõi rất sát. Ứng viên Đảng Dân Tiến (DPP) Lại Thanh Đức, phó tổng thống mãn nhiệm, theo các cuộc thăm dò dư luận, đang dẫn đầu các ý định bỏ phiếu. Ông đánh giá cuộc bầu cử lần này là sự « lựa chọn giữa dân chủ và chuyên chế » đồng thời tiếp tục chỉ trích đối thủ Hầu Hữu Nghi, ứng viên của Quốc Dân Đảng, là quá « thân Trung Quốc ». Ứng cử viên thứ ba trong cuộc đua ít có hy vọng được bầu là ông Kha Văn Triết, thuộc Đảng Nhân Đài Loan.
Các ứng cử viên đã tiến hành chiến dịch tranh cử sôi động trong tuần này. Họ đi khắp Đài Loan, qua các ngôi chùa, thăm chợ và tổ chức mít tinh để đưa ra những hứa hẹn và khẳng định rằng họ là lựa chọn tốt nhất cho cử tri trên đảo.
Một điểm chung duy nhất của cuộc bầu cử là cả ba ứng cử viên tổng thống đều cho biết họ sẽ duy trì nguyên trạng của hòn đảo và bác bỏ hệ thống chính trị “một quốc gia, hai chế độ”, một công thức mà Bắc Kinh đã sử dụng để quản lý Hồng Kông và Ma Cao.
Bắc Kinh trong những năm gần đây đã duy trì sự hiện diện quân sự gần như hàng ngày xung quanh Đài Loan, điều động máy bay chiến đấu và tàu đến khu vực xung quanh hòn đảo này để thực hiện cái gọi là các hành động quấy rối ở “vùng xám” nhưng chưa đến mức khiêu khích hoàn toàn.
Trước cuộc bầu cử, Trung Quốc và Mỹ đã liên tục chỉ trích, cảnh cáo nhau về chuyện can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của cả Washington và Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến có cuộc gặp với lãnh đạo Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu xung quanh các vấn đề liên quan đến đảo Đài Loan.
Cuộc bầu cử Đài Loan được nhìn nhận thế nào từ Trung Quốc ? Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :
« Tôi không có ý kiến về chuyện này, rất ít người sẽ theo dõi những gì đang diễn ra ở Đài Loan », người phụ nữ ở Bắc Kinh này cho biết khi đang đạp xe đi làm. Cũng giống như nhiều người trong một đất nước mà người dân không được bầu lãnh đạo, bà tỏ ra ngại không muốn nói. Thái độ ngại ngùng đó có thể thấy trên mạng xã hội, vốn được kiểm soát rất gắt gao ở Trung Quốc. Cuộc bầu cử tại Đài Loan được đưa tin rất ít, phần lớn các bình luận trên các nền tảng mạng xã hội đều lấy lại ngôn từ chính thức được các quan chức cấp cao Nhà nước lặp lại những ngày qua.
Ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố cách đây 2 ngày : « Với Trung Quốc, vấn đề Đài Loan thậm chí là trọng tâm của các lợi ích căn bản, đó là làn ranh đỏ không được vượt qua ».
Thường xuyên bị tố cáo can thiệp vào bầu cử Đài Loan, Trung Quốc đá quả bóng sang sân Washington. Chính quyền Mỹ ngỏ ý định cử một đoàn quan chức tới thăm hòn đảo vào Chủ nhật này.
« Hoa Kỳ không được can dự dưới bất kỳ hình thức nào vào cuộc bầu cử (Đài Loan), phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định như vậy. Một phát biểu quen thuộc cùng với thông điệp gửi đến giới trẻ Đài Loan đang đối mặt với những khó khăn tìm việc làm và nhà ở. Những cử tri này có thể sẽ không bỏ phiếu cho Đảng Dân Tiến, bị Bắc Kinh coi là thành phần ly khai.
Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc quả quyết rằng Đảng Dân Tiến đang buộc những giới trẻ làm bia đỡ đạn cho nền độc lập của Đài Loan. Sự lựa chọn mà Bắc Kinh đề xuất với cử tri Đài Loan rõ ràng là : Thống nhất hòa bình hoặc đe dọa chiến tranh.
Pháp công bố thành phần tân chính phủ
Minh Anh /RFI
12/01/2024
Hai ngày sau quyết định từ nhiệm của bà Elisabeth Borne, tân thủ tướng Pháp Gabriel Attal, hôm qua, 11/01/2024, đã lập xong chính phủ.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne (T) và bộ trưởng Văn Hóa Rachida Dati tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 12/01/2024. AFP - LUDOVIC MARIN
Chiều tối qua, 10/01/2024, tổng thư ký phủ tổng thống Pháp đã thông báo thành phần tân chính phủ. Nhiều nhân vật quan trọng chủ chốt vẫn giữ nguyên vị trí như Bruno Le Maire tiếp tục điều hành bộ Kinh tế, Gerald Darmanin phụ trách bộ Nội Vụ, Sébastien Lecornu lãnh đạo bộ Quân Lực và Eric Dupond-Moretti nắm giữ bộ Tư Pháp.
Theo AFP, nếu như nhiều gương mặt cánh tả đã bị gạt ra khỏi tân chính phủ lần này, thì tân thủ tướng Pháp đã gây bất ngờ khi bổ nhiệm nhân vật cánh hữu là bà Catherine Vautrin, người từng nắm giữ nhiều chức vụ dưới thời tổng thống Jacques Chirac, làm bộ trưởng Lao Động, Y Tế và Đoàn Kết và cựu bộ trưởng Tư Pháp thời tổng thống Sarkozy là bà Rachida Dati làm bộ trưởng Văn hóa.
Đặc biệt, việc bà Rachida Dati quyết định tham gia chính phủ Macron đã dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ từ chính đảng của bà là đảng Những Người Cộng Hòa (LR). Ngay khi có thông báo bổ nhiệm, chủ tịch đảng LR Eric Ciotti tuyên bố khai trừ bà Dati khỏi đảng.
Stéphane Séjourné : Một nhân vật thân cận của Macron
Một bất ngờ khác là quyết định bổ nhiệm Stéphane Séjourné, chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa Tiến Bước, đảng của tổng thống Macron thay bà Catherine Colonna lãnh đạo bộ Ngoại Giao. Ông từng là bạn đời của tân thủ tướng Gabriel Attal,
Ông Séjourné là người ủng hộ Emmanuel Macron ngay từ những ngày đầu tiên, từ năm 2014, khi ông Macron còn là bộ trưởng Kinh tế dưới thời tổng thống cánh tả François Hollande.
Là một người kín đáo, ông là một trong số những cố vấn thân cận nhất của chủ nhân điện Elysée. Ông tham gia vận động bầu cử Liên Hiệp Châu Âu năm 2019 và hiện là chủ tịch nhóm Renew Europe ở Nghị Viện Châu Âu.
Năm nay 38 tuổi, Stéphane Séjourné trở thành vị ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử ngành ngoại giao Pháp. Theo giới quan sát, việc bổ nhiệm nhân vật thân tín ở Nghị Viện Châu Âu làm chủ nhân Quai D’Orsay cho thấy tổng thống Macron đang có trong tay một lá chủ bài cho cuộc bầu cử Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, hãng tin Pháp cũng dự báo, tân ngoại trưởng Pháp sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn vào lúc các căng thẳng ở Trung Đông cũng như ở châu Á cho đến cuộc xung đột ở Ukraina đang diễn gay gắt.
Kết quả bầu cử Đài Loan có thể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung
Liên Thành
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: VCCI).
Các nhà phân tích dự đoán rằng, nếu ông Lại Thanh Đức thắng cử, Bắc Kinh sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự trong vài tuần hoặc vài tháng sau cuộc bầu cử, có thể tương tự như cuộc tập trận quân sự trước đó của họ vào tháng 8 năm 2022, khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ có chuyến thăm Đài Loan và sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh tại Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2023.
Tại một cuộc họp báo về cuộc bầu cử ở Đài Loan, nhà nghiên cứu Lily McElwee thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ cho biết: “Tôi nghĩ về cơ bản chúng tôi đang chú ý đến những lo ngại do chiến thắng của ông Lại Thanh Đức gây ra, và chúng tôi cần chuẩn bị cho việc Bắc Kinh tăng áp lực quân sự và kinh tế lên Đài Loan…Tôi nghĩ điều mọi người lo lắng là khả năng phòng thủ và đầu tư quốc phòng trong tương lai của Đài Loan, bởi vì việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh sẽ được đưa vào chương trình nghị sự”.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 10/1, tại Cuộc đàm phán phối hợp chính sách quốc phòng Mỹ – Trung lần thứ 17 được tổ chức tại Hoa Kỳ từ ngày 8 đến ngày 9/1, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không bao giờ thỏa hiệp trong vấn đề Đài Loan, đồng thời yêu cầu Washington ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan, cũng như ngừng hỗ trợ các hành vi vi phạm và khiêu khích của từng quốc gia trên Biển Đông.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào ngày 9/1, ông Michael Chase, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ chuyên trách Trung Quốc, đã nhắc lại trong cuộc họp rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay và đi biển ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, với các hoạt động an toàn và có trách nhiệm.
Ông Chase cũng nhấn mạnh rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các đồng minh toàn cầu vẫn là “cam kết thép”.
Tiến sĩ Chase cũng nhắc lại rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết thực hiện chính sách một Trung Quốc lâu dài, được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan (台湾关系法), ba Thông cáo chung Mỹ-Trung và Sáu bảo đảm. Ông Chase cũng nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Cùng lúc đó, ngày 9/1, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Mike Johnson, đã gặp Đại diện Đài Loan mới được bổ nhiệm tại Hoa Kỳ, ông Du Đại Lôi (俞大㵢). Ông Johnson nói với ông Du rằng, Hoa Kỳ và nhân dân Đài Loan sát cánh cùng nhau, Washington phải giúp bảo vệ Đài Loan, ngăn chặn các hành động khiêu khích quân sự của ĐCSTQ.
Chỉ huy hàng đầu của Nga được xác định đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraina ở Crimea
Liên Thành
Đại tá Nga Vadim Nailyovich Ismagilov. (Ảnh: Twitter).
Một chỉ huy hàng đầu của Nga đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào Crimea do lực lượng Ukraina thực hiện hồi tuần trước.
Tin tức về cái chết của Đại tá Nga Vadim Nailyovich Ismagilov, chỉ huy Trung đoàn Tình báo Tín hiệu số 3, thuộc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga chính thức xác nhận.
Trường Kỹ thuật và Chỉ huy Ô tô Quân sự Cấp cao Chelyabinsk, nơi Đại tá Ismagilov tốt nghiệp đăng tải thông tin trên mạng xã hội rằng, lễ chia tay vị chỉ huy này được diễn ra tại Chelyabinsk vào lúc 11 giờ sáng ngày hôm qua theo giờ địa phương.
Trung tâm Quân sự Ukraina cho biết, đại tá Nga này “đã bị tiêu diệt ở Crimea”. Và họ cho biết rằng, trung đoàn của Đại tá Ismagilov vẫn được gọi là “con mắt” của sư đoàn phòng không Crimea.
Tiến sĩ Fauci quay ngoắt 180 độ tán thành lý thuyết COVID rò rỉ từ phòng thí nghiệm
(Official White House Photo by D. Myles Cullen)
Theo báo cáo của “Daily Mail”, Tiến sĩ Anthony Fauci thừa nhận giả thuyết về nguồn gốc của COVID-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là đáng tin cậy. Đồng thời ông cũng tiết lộ thêm chi tiết về quá trình ra quyết sách hỗn loạn đằng sau phản ứng chống dịch của Mỹ.
Vào ngày thứ hai bị Quốc hội tra hỏi kéo dài, ông Fauci, cựu cố vấn Nhà Trắng đã thừa nhận, vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm – ý tưởng cho rằng virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) được tạo ra trong một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và vô tình bị phát tán – không phải là một “thuyết âm mưu”.
Việc thay đổi thái độ 180 độ của Tiến sĩ Fauci rất có ý nghĩa, vì ông là kiến trúc sư chính của một bài báo xuất bản năm 2020 chê bai lý thuyết này. Bạn bè và đồng nghiệp cũ của ông Fauci cũng đăng một bài báo trên tờ The Lancet, gán cho những người tin vào lý thuyết này là những người theo thuyết âm mưu và phân biệt chủng tộc.
Ông Fauci, 81 tuổi, phải đối mặt với vòng thẩm vấn thứ 2 kéo dài 7 giờ vào thứ Ba (9/11) trước tiểu ban COVID-19 của Hạ viện, về phản ứng với đại dịch mà ông đã giám sát và vô số sai sót của nó.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, dữ liệu không ủng hộ khuyến nghị tránh xa người khác 6 feet anh (khoảng 1,8m). Hơn nữa, cá nhân ông đề xuất rằng các quy định về vắc-xin có thể làm tăng sự do dự về vắc-xin.
Ông Fauci cũng đã đảo ngược thái độ với lệnh của Tổng thống Donald Trump năm 2020 về việc hạn chế du khách từ Trung Quốc.
Hôm qua (10/1), Fauci nói với Quốc hội rằng ông ủng hộ lệnh cấm, mặc dù đã công khai chỉ trích động thái này vào năm 2020.
Các chính trị gia hàng đầu của phe cánh tả, gồm cả Tổng thống Joe Biden, gọi các hạn chế đi lại của Tổng thống Trump khi đó là sự cuồng loạn, bài ngoại và gieo rắc nỗi sợ hãi.
Tiến sĩ Fauci từng bị coi là người có ảnh hưởng trong phản ứng hỗn loạn và khó hiểu của chính phủ trước đợt bùng phát COVID năm 2020. Nhưng hình ảnh tỏa sáng của ông trước công chúng đã bị ảnh hưởng trong những năm gần đây.
Ông đã đưa ra những thông điệp quan trọng về an toàn với COVID một cách thất thường, như yêu cầu đeo khẩu trang, và cố gắng bịt miệng các nhà khoa học có quan điểm khác với truyền thông dòng chính.
Toàn bộ nội dung lời khai trong 2 ngày của Tiến sĩ Fauci sẽ được công bố sau khi các luật sư xem xét nội dung của họ, để đảm bảo rằng không có thông tin hạn chế nào được tiết lộ, nhưng không rõ khi nào thông tin này mới được công bố.
Hôm thứ Ba (9/11), Chủ tịch Tiểu ban Ứng phó Đại dịch, ông Brad Wenstrup, một đảng viên Cộng hòa bang Ohio, nói rằng bản ghi cuộc phỏng vấn của Tiến sĩ Fauci cho thấy những thất bại mang tính hệ thống của hệ thống y tế công, đồng thời tiết lộ những thất bại nghiêm trọng của các cơ quan y tế cộng đồng của Hoa Kỳ.
Những điểm nổi bật mới được công bố từ ngày điều trần thứ 2 cho thấy, ủy ban tập trung vào các vấn đề như giãn cách xã hội, tiêm chủng bắt buộc, cấm đi lại thời kỳ đầu và bài viết gọi thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là một âm mưu.
Tiến sĩ Fauci nói với ủy ban rằng quy định về vắc-xin năm 2021 nhằm chia rẽ nước Mỹ có khả năng làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin rộng rãi đối với chính phủ Mỹ, khi ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về động cơ của chính phủ.
Lộ Khắc / Vision Times
Google thông báo sa thải hàng trăm nhân viên
(Nguồn: Sundry Photography/Shutterstock)
Google, công ty con của Alphabet, vừa thông báo sa thải hàng trăm nhân viên làm việc trong nhóm trợ lý ảo, phần cứng và kỹ thuật, trong bối cảnh ông lớn công nghệ này tiếp tục cắt giảm chi phí.
Cụ thể, những người bị sa thải đang làm việc trong bộ phận trợ lý ảo dựa trên giọng nói và nhóm phát triển phần cứng dành cho thực tế ảo tăng cường. Nhân sự trong mảng kỹ thuật trung tâm của công ty cũng nằm trong diện sa thải.
Các nhân sự phần cứng mất việc làm phụ trách Pixel, Nest và Fitbit của công ty. Phần lớn nhóm thực tế ảo tăng cường cũng sẽ mất việc. Tuy nhiên, đại diện Google không nêu rõ số người bị sa thải.
Đồng sáng lập Fitbit là ông James Park và ông Eric Friendman cũng rời công ty. Năm 2021, Google mua công ty sản xuất thiết bị đeo thông minh theo dõi sức khỏe Fitbit với giá 2,1 tỷ USD, nhưng vẫn liên tục tung ra các phiên bản mới của Pixel Watch, một sản phẩm cạnh tranh với các sản phẩm của Fitbit và Apple Watch.
Tháng 1/2023, công ty mẹ Alphabet công bố kế hoạch giảm 12.000 nhân sự, tương đương 6% tổng số nhân lực của doanh nghiệp trên toàn cầu. Tính đến tháng 9/2023, tập đoàn Alphabet có hơn 182.000 nhân sự.
Phan Anh
Phần Lan quyết định tiếp tục đóng cửa biên giới với Nga
(Ảnh minh họa: Andriy Kuzakov/Shutterstock)
Hôm 11/1 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen thông báo chính phủ nước này đã quyết định tiếp tục đóng cửa biên giới với Nga cho đến ngày 11/2.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Rantanen cho hay rằng dựa trên thông tin mà giới chức Phần Lan ghi nhận, vẫn còn người di cư đang tìm cách vượt biên. Bà nhấn mạnh chính phủ có thể thay đổi quyết định nếu nhận thấy không còn mối đe dọa với an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Sari Essayah cũng xác nhận Phần Lan sẽ đóng cửa biên giới với Nga thêm một tháng, thay vì mở lại vào ngày 15/1 như kế hoạch.
Với lý do ngăn chặn dòng người tị nạn và di cư bất hợp pháp, Chính phủ Phần Lan đã đóng cửa toàn bộ các cửa khẩu biên giới phía Đông với Nga từ giữa tháng 12/2023. Theo kế hoạch, quyết định này có hiệu lực đến ngày 14/1 tới.
Chính phủ Nga đã phản đối quyết định của Phần Lan, cho rằng Helsinki đã vi phạm quyền và lợi ích của người Phần Lan, cũng như người Nga.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga. Sau khi được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 4/2023, biên giới quốc gia này đã trở thành biên giới chung của NATO.
Theo số liệu do Chính phủ Phần Lan công bố ngày 11/1, kể từ đầu tháng 11/2023, trên 900 người xin tị nạn đã đến Phần Lan qua khu vực biên giới phía Đông của quốc gia này.
Phan Anh
Vương quốc Anh cấm quảng cáo của Calvin Klein vì ‘vật thể hoá phụ nữ’
Người dân đi ngang qua Calvin Klein trong mùa mua sắm nghỉ lễ vào ngày 13 tháng 12 năm 2023 tại Turin, Ý. (Ảnh minh hoạ: Stefano Guidi/Getty Images)
Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo của Vương quốc Anh (ASA) đã cấm quảng cáo của Calvin Klein có hình ảnh bán khỏa thân của ca sĩ FKA Twigs. Quảng cáo này bị xem là “khiêu dâm quá mức” và “có khả năng gây xúc phạm nghiêm trọng”.
Theo báo cáo của BBC News, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo của Vương quốc Anh (ASA) đã ra phán quyết rằng hình ảnh trong quảng cáo của Calvin Klein “đặt sự tập trung của người xem vào cơ thể của người mẫu hơn là vào trang phục được quảng cáo”.
Hình ảnh có FKA Twigs khỏa thân một phần, mặc một chiếc áo sơ mi denim được kéo nửa người, để lộ một bên mông và nửa một bên ngực. Chú thích kèm theo bức ảnh có nội dung “Calvins hoặc không gì cả”, là một phần trong chiến dịch mới nhất của thương hiệu.
Cơ quan ASA đánh giá: bằng cách tập trung vào “đặc điểm hình thể” của ca sĩ, công ty đã “trình bày cô ấy như một đối tượng tình dục khuôn mẫu”.
Cơ quan cho biết: “Do đó, chúng tôi kết luận quảng cáo này là vô trách nhiệm và có khả năng gây ra xúc phạm nghiêm trọng”.
Calvin Klein bênh vực quảng cáo của mình, nói rằng nó giống với các quảng cáo khác mà thương hiệu này đã phát hành ở Anh trong nhiều năm.
Công ty cho biết cô FKA Twigs là một “người phụ nữ tự tin và mạnh mẽ”, đồng thời nói thêm rằng ca sĩ đã hợp tác với họ để tạo ra hình ảnh này và cô đã phê duyệt trước khi nó được phát hành.
Calvin Klein nói thêm rằng tất cả các vùng cơ thể “nhạy cảm thông thường” đều được che phủ hoàn toàn, và lưu ý rằng nữ ca sĩ ở tư thế tự nhiên, trung tính trong ảnh quảng cáo.
Hai người được cho là đã phàn nàn rằng bức ảnh này “quá gợi dục”. Những lời phàn nàn còn bao gồm hình ảnh từ một quảng cáo khác của Calvin Klein có sự tham gia của người mẫu Kendall Jenner.
Nhưng khi nói đến quảng cáo của Jenner, cơ quan ASA xác định rằng hình ảnh không tập trung vào cơ thể của người mẫu “theo cách miêu tả cô ấy như một đối tượng tình dục”, và rằng bức ảnh không vượt quá tiêu chuẩn một quảng cáo đồ lót điển hình.
Anh Nguyễn
Tác giả “Rich Dad Poor Dad” nợ hơn 1 tỷ USD nhưng không nghĩ đây là điều xấu
Ông Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách bán chạy “Rich Dad Poor Dad” (Cha giàu cha nghèo). (Ảnh miễn phí của Emma Lopez qua Flickr)
Là một tác giả và doanh nhân nổi tiếng về tài chính cá nhân, ông Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách bán chạy “Rich Dad Poor Dad” (Cha giàu cha nghèo), thừa nhận ông nợ hơn 1 tỷ USD, nhưng ông không hề nghĩ đây là điều xấu.
Ông Kiyosaki người Mỹ gốc Nhật cho biết, nếu ông phá sản, ngân hàng cũng sẽ phá sản theo và điều này không phải là vấn đề của ông.
Ngày 30/11/2023, trong một video đăng trên Instagram, ông Kiyosaki cho biết, thay vì giữ tiền trong ngân hàng, khoản nợ của ông đã được dùng để mua tài sản, như vàng, có thể bảo vệ khỏi sự sụp đổ của thị trường và lạm phát tăng vọt.
Ông cũng so sánh điều này với việc sử dụng nợ để mua các khoản nợ, như chiếc Ferrari hay Rolls-Royce mà ông đã trả đầy đủ.
Trong một cuộc phỏng vấn với podcast “Disruptors”, ông Kiyosaki nhắc lại rằng nợ chính là tiền. Điều này liên quan đến chiến lược sử dụng tiền mặt để mua các kim loại quý như vàng hoặc bạc. Bởi vì kim loại quý duy trì giá trị khi đồng đô la Mỹ biến động. Ông coi đồng đô la Mỹ là “tiền giả” và khuyến khích những người ủng hộ đồng USD tìm kiếm tài sản thay thế.
Ông cũng đưa ra nhiều cảnh báo về khủng hoảng ngành tài chính, lạm phát cao và thị trường chứng khoán sụp đổ, đồng thời giải thích lý do vì sao ông mua giếng dầu, chứ không phải cổ phiếu dầu mỏ và cất giữ tiền xu vàng và bạc trong các ngân hàng bên ngoài Hoa Kỳ.
Ông nói, bởi vì các ngân hàng đang sụp đổ, khiến nền kinh tế sụp đổ. Người chiến thắng cuối cùng là những người nắm giữ vàng bạc trong tay.
Bộ sách “Rich Dad Poor Dad” được ông Kiyosaki xuất bản toàn cầu vào năm 1997 bằng tiền túi của mình, đến nay đã bán được hơn 40 triệu bản. Ông từng dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự sụp đổ của Lehman Brothers.
Hiện giờ, ông lại cảnh báo, kêu gọi các nhà đầu tư mua vàng, bạc hoặc Bitcoin càng sớm càng tốt, để có thể sống sót an toàn trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Ông tin rằng Bitcoin dự kiến sẽ tăng lên 135.000 USD trong tương lai.
Nợ tốt, nợ xấu
Ông Kiyosaki đã rao giảng về giá trị của “nợ tốt” hơn là “nợ xấu” trong sách và những lần xuất hiện trước công chúng của mình.
Ông chỉ ra rằng “nợ tốt” [là khoản tiền cho vay] được sử dụng để đầu tư vào các tài sản như bất động sản hoặc doanh nghiệp thương mại, tương đương với việc chi tiêu đút tiền vào túi của mình. “Nợ xấu” [là khoản tiền cho vay] được dùng để tài trợ cho các khoản nợ, những thứ phải chi tiêu hàng tháng, như ô tô hay tivi.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 năm ngoái, ông Kiyosaki nói ông được dạy cách sử dụng nợ để làm giàu, nhưng hầu hết mọi người đều trở nên nghèo vì nợ nần.
Trong “Rich Dad Poor Dad”, ông Kiyosaki đã bác bỏ quan điểm “thu nhập cao là cách duy nhất để làm giàu”. Ông ủng hộ tinh thần kinh doanh, tính toán chấp nhận rủi ro, và thúc đẩy lợi ích của việc tạo thu nhập thụ động từ đầu tư.
Ông sẽ tiếp tục tán thành những quan điểm tài chính này, đồng thời khám phá những quan điểm chính trị, như việc áp dụng các quan điểm truyền thông cánh hữu khi ông kêu gọi luận tội Tổng thống Biden.
Dù ông Kiyosaki nói với những người ủng hộ mình rằng tiền mặt là rác rưởi, và lưu ý rằng Hoa Kỳ đang trải qua sự kết thúc của đế chế, điều này có thể đe dọa toàn bộ hệ thống tài chính. Tuy nhiên, đế chế của riêng ông từng gây tranh cãi.
Rich Global LLC, công ty của ông Kiyosaki, đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2012 do tranh chấp pháp lý. Ông bị cáo buộc đã không thực hiện lời hứa giúp những người tham gia xây dựng sự giàu có. Có người đã kêu gọi tẩy chay cuốn sách của ông ấy sau khi ông tweet về phong trào “Black Lives Matter” vào năm 2020.
Trình Phàm / Vision Times
Trung Quốc sắp công bố dữ liệu kinh tế
Trung Quốc sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế vào thứ Sáu, mang đến cái nhìn sâu hơn về giai đoạn trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2023. Dữ liệu lạm phát — hay đúng hơn là giảm phát — là một trong số đó. Trong khi phần còn lại của thế giới đang nỗ lực giảm lạm phát thì giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm 0,5% so với cùng kỳ trong tháng 11. Giá nhà dự kiến sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu dùng yếu, gây ra bởi sự suy thoái của thị trường bất động sản trong nước.
Bên cạnh đó còn có dữ liệu thương mại tháng 12. Khi nền kinh tế trong nước suy yếu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thúc đẩy lĩnh vực sản xuất bằng tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh. Xuất khẩu sụt giảm trong năm 2023 do hàng điện tử tồn kho sau đại dịch. Giới kinh tế đang kỳ vọng Trung Quốc tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 8 tháng.
Kinh tế Mỹ nhìn từ dữ liệu của các ngân hàng hàng đầu
Những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ — Bank of America, JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo — sẽ báo cáo thu nhập quý vào thứ Sáu. Thu nhập lãi ròng dự kiến sẽ đạt đỉnh. Sau khi tăng hàng quý từ 45 tỷ USD vào đầu năm 2021 lên 64 tỷ USD vào quý trước, các nhà phân tích hiện dự báo thu nhập lãi ròng sẽ bắt đầu giảm.
Báo cáo thu nhập cũng sẽ đại diện cho nền kinh tế nói chung – nó có thể vẫn còn quá nóng. Hiện số dư thẻ tín dụng đã tăng khi người tiêu dùng đi mua sắm mùa nghỉ lễ. Nếu tiền phạt (đối với các khoản vay không trả được) tăng, một cuộc suy thoái sẽ có khả năng xảy ra. Lý tưởng nhất là nền kinh tế không mạnh đến mức Fed có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất hoặc tiếp tục tăng lãi suất, vốn từng khiến một số ngân hàng phá sản và làm tăng đột biến chi phí vốn hồi đầu năm 2023; nhưng không yếu đến mức người đi vay bắt đầu vỡ nợ hàng loạt. Giới ngân hàng cần những thứ “vừa phải.”
NASA trình làng máy bay chở khách siêu thanh
Vào thứ Sáu, NASA sẽ ra mắt máy bay X-59 Quest, bản thử nghiệm cho một chiếc máy bay chở khách siêu thanh. Du lịch siêu thanh đã trở thành quá khứ kể từ khi Concorde, một máy bay phản lực do Anh-Pháp đồng sản xuất, ngừng bay vào năm 2003. Concorde tỏ ra tốn kém khi vận hành, một phần vì “tiếng nổ siêu thanh” của nó được cho là quá lớn đối với các khu vực đông dân cư, khiến nó bị hạn chế bay đáng kể. X-59 chậm hơn Concorde, với tốc độ bay khoảng Mach 1,4 (xấp xỉ 1.500 km/h) so với Mach 2 của Concorde. Nhưng “công nghệ siêu âm yên tĩnh” của X-59 giúp nó tạo ra một “tiếng đập” nhẹ nhàng hơn cho những người ở trên mặt đất.
Các chuyến bay thử nghiệm sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Và NASA không phải là cơ quan duy nhất muốn khôi phục du lịch hàng không siêu thanh. Boom Supersonic, một công ty của Mỹ, cũng hy vọng sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên bằng máy bay do chính họ sản xuất trong những tháng tới.
Trung Quốc đã thâu tóm cảng biển khắp toàn cầu nhanh đến mức nào?
Quang Nhật
Những chiếc thuyền nhỏ đi ngang qua tàu container “Xin Lian Yun Gang” của Tập đoàn vận tải biển COSCO Trung Quốc khi nó đang được dỡ hàng tại Cầu cảng container Tollerort thuộc sở hữu của HHLA, ở cảng Hamburg, miền bắc nước Đức, vào ngày 26/10/2022. (Ảnh: Axel Heimken/AFP qua Getty Images)
Trong khi Mỹ mãi miết tăng cường Hải quân với danh nghĩa duy trì trị an và tự do hàng hải quốc tế trên khắp các châu đại dương thì Trung Quốc lựa chọn một chiến lược cạnh tranh khác: Thâu tóm cảng biển chiến lược, hiện diện thương mại và quân sự trên khắp các châu đại dương.
Trung Quốc thâu tóm cảng biển chiến lược trên khắp các châu đại dương bằng con đường đầu tư và hợp tác kinh tế. Trong số các cảng biển Trung Quốc thâu tóm, nổi tiếng nhất có lẽ là cảng Hambantota của Sri Lanka, một tài sản mà quốc gia này phải gán nợ 99 năm cho Bắc Kinh.
Sri Lanka là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai – Con đường (còn gọi là BRI) của Bắc Kinh, một kế hoạch dài hạn nhằm tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Nhưng các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã coi chương trình này là một “cái bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn.
Vào tháng 12/2017, chính phủ Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê toàn bộ Cảng Hambantota trong 99 năm để chuyển các khoản nợ 1,4 tỷ USD thành vốn chủ sở hữu; biến Trung Quốc từ chủ nợ thành chủ sở hữu cảng biển. Hàng chục nghìn người Sri Lanka đã biểu tình phản đối thoả thuận được xem như “bán nước” này.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã cảnh báo Sri Lanka về việc thân thiết với Bắc Kinh, gọi ĐCSTQ là “kẻ săn mồi” tiếp tục vi phạm chủ quyền trên đất liền và trên biển.
Ông Pompeo nói trong cuộc họp báo chung năm 2018 ở Sri Lanka: “Từ những giao dịch tồi tệ, vi phạm chủ quyền và sự vô luật pháp trên đất liền và trên biển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chúng tôi thấy rằng ĐCSTQ là kẻ săn mồi. Hoa Kỳ không giống như thế. Chúng tôi đến với tư cách một người bạn và một đối tác”.
Như vậy, bằng cách cho vay đầu tư vào cảng biển, Trung Quốc có thể trở thành chủ sở hữu khi quốc gia đó mất khả năng trả nợ. Cách thức tương tự cũng giúp Trung Quốc lấy được cảng biển ở Kenya.
Đổ tiền vào 101 dự án cảng biển khắp thế giới
Ngoài cách thức này, Trung Quốc cũng đa dạng hoá hình thức cho vay, đầu tư để sở hữu trên 50% hoặc một phần các cảng biển có vị trí chiến lược trên khắp các châu đại dương (trừ Nam cực).
Kế hoạch cho vay nợ và đầu tư, thậm chí là ngoại giao chính trị để sở hữu và kiểm soát các cảng biển chiến lược không chỉ giúp Trung Quốc có nguồn thu bền vững từ thương mại hàng hải quốc tế, mà còn hỗ trợ Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự của họ tại cửa ngõ các châu lục với chi phí thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ. Trong khi đó, lực lượng của Hoa Kỳ trên mặt biển có thể không cách nào can thiệp (về pháp lý) tại các cảng biển nơi có sự hiện diện của Trung Quốc.
Hội đồng Quan hệ đối ngoại, còn gọi là Counsil on Foreign Relations (CFR), một trong các tổ chức tư vấn uy tín nhất của Hoa Kỳ, đã theo dõi dữ liệu về các cảng biển hải ngoại của Trung Quốc về phân bố không gian, mật độ, mức độ sở hữu, hình thức sở hữu, khả năng kiểm soát cũng như tiềm năng lưỡng dụng (sử dụng cho hai mục đích dân sự và quân sự) của các cảng biển này.
Bản đồ đánh dấu sự hiện diện của Trung Quốc tại các cảng biển nước ngoài trên hầu khắp các châu đại dương, số liệu cập nhật vào tháng 9/2023. (Ảnh chụp màn hình trang www.cfr.org)
Dữ liệu của tổ chức tư vấn này cho thấy, cho tới ngày 30/9/2023, Trung Quốc đã nắm trong tay 101 dự án cảng biển khắp các châu đại dương thông qua mua được cổ phần sở hữu, cổ phần hoạt động ở đây. Châu đại dương nào cũng có sự hiện diện của Trung Quốc ở các vị trí chiến lược, ngoại trừ Nam Cực. Trong số 101 dự án cảng biển, có tới 92 dự án đang hoạt động; chỉ có 9 dự án bị huỷ hoặc bị ngừng hoạt động tính tới tháng 9/2023.
Theo CFR, lý do 9 cảng biển bị đình chỉ này do chính quyền các nước sở tại lo ngại vấn đề môi trường, quan hệ chính trị xấu đi, vấn đề tài chính (như bẫy nợ trong trường hợp Sri Lanka) hoặc đơn giản là e ngại an ninh quốc gia, quốc tế không được bảo toàn khi có sự hiện diện của Trung Quốc.
Chiến lược hiện diện ở các cảng biển của ông Tập
Trung Quốc đã trở thành quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Thương mại qua Trung Quốc chiếm 95% tổng lưu lượng thương mại quốc tế; chủ yếu thông qua các tuyến đường biển.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động BRI vào năm 2013 cũng như việc giới thiệu Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, kết nối Trung Quốc với châu Âu và Bắc Băng Dương thông qua Biển Đông và Ấn Độ Dương, đã thúc đẩy Trung Quốc mở rộng kiểm soát cảng nước ngoài thông qua hoạt động đầu tư, xây dựng… Ông Tập Cận Bình đã từng đích thân nhấn mạnh tầm quan trọng của cảng đối với phát triển kinh tế. Khi đến thăm Cảng Thiết Sơn ở tỉnh Quảng Tây vào tháng 04/2017, ông Tập nói: “Chúng ta thường nói muốn làm giàu trước tiên phải xây đường; nhưng ở vùng ven biển, muốn làm giàu trước hết phải xây dựng cảng biển”.
Theo CFR, tính đến tháng 9/2023, Trung Quốc đã ký 70 thỏa thuận vận chuyển song phương và khu vực với 66 quốc gia và khu vực. Ngày nay, các tuyến vận chuyển và mạng lưới dịch vụ vận tải biển của Trung Quốc bao phủ các quốc gia và khu vực lớn trên toàn thế giới. Dù Trung Quốc chưa phải là một cường quốc hải quân toàn cầu như Hoa Kỳ và hiện có số lượng căn cứ hải quân ở nước ngoài còn hạn chế, nhưng nước này đã trở thành một cường quốc thương mại hàng đầu, có ảnh hưởng địa kinh tế đáng kể đối với các tuyến đường biển quốc tế và các cảng thương mại; đóng vai trò nền tảng trong dòng chảy hàng hoá thương mại toàn cầu.
Bao nhiêu trong số các cảng biển này có thể phục vụ mục đích quân sự?
Khi đánh giá tiềm năng sử dụng quân sự của một cảng, cần đánh giá các giới hạn vật lý và thông số kỹ thuật của cảng, ví dụ: chiều dài và số lượng bến, mớn nước, mực nước sâu và tính sẵn có của mạng lưới giao thông và nhiên liệu. Ngoài ra, mối quan hệ kinh tế – chính trị – ngoại giao và mức độ kiểm soát cảng biển đó của Trung Quốc với quốc gia sở tại cũng được CFR tính đến.
Theo hướng dẫn chung, các cảng có mớn nước từ 12 đến 15 mét sẽ có thể tiếp nhận nhiều tàu hải quân Trung Quốc, bao gồm các tàu khu trục (có mớn nước 6,5 mét), tàu khu trục nhỏ (6 mét), tàu sân bay (11 mét) và tàu tuần dương (6,6 mét). Tàu chở dầu có mớn nước trung bình 16 mét; như vậy, có thể giả định rằng các cảng có khả năng tiếp nhận tàu chở dầu cũng có thể tiếp nhận các tàu hải quân về mặt vật lý.
Theo sơ đồ trên của CFR, các cảng biển được đánh dấu hình tam giác là các cảng biển có khả năng sử dụng cho mục đích kép: quân sự và dân sự. Số liệu cho thấy, hầu hết các cảng biển trong số 101 cảng có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, đánh giá của tổ chức tư vấn này cho thấy lợi ích của Trung Quốc nghiêng nhiều hơn về thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển mà Trung Quốc đã và đang đầu tư này có thể trở thành nền tảng vững chắc cho sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự trên khắp các châu lục trong tương lai.
Quang Nhật
Không có nhận xét nào