Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 25 tháng 01 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thống Pháp công du Ấn Độ củng cố mối quan hệ chiến lược

    Thanh Hà /RFI

    25/01/2024

    New Delhi trải thảm đỏ tiếp tổng thống Pháp. Bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà Nước trong hai ngày 25 và 26/01/2024, tổng thống Emmanuel Macron là khách mời danh dự nhân lễ Quốc Khánh Ấn Độ. Paris chú trọng đến hợp tác quân sự và kinh tế với New Delhi, vì Ấn Độ là một trong những cột trụ trong khối các nền kinh tế đang trỗi dậy và một tiếng nói có trọng lượng của nhóm các nước « Global South ». 

    Two Indian women walk past a billboard showing French President Emmanuel Macron with Indian Prime Minister Narendra Modi erected ahead of Macron's arrival in Jaipur, Rajasthan, India, Thursday, Jan.25

    Ảnh thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên tấm panô ca ngợi tình hữu nghị Ấn - Pháp, Jaipur, bang Rajasthan, Ấn Độ, ngày 25/01/2024. AP - Deepak Sharma 

    Theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp, chuyến công du lần này nhằm « củng cố quan hệ đối tác chiến lược » với quốc gia được mệnh danh là nền dân chủ lớn nhất thế giới, Paris và New Delhi chia sẻ nhiều lợi ích trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

    Trước khi đến New Delhi, ở chặng đầu tiên chiều nay, tổng thống Macron sẽ cùng thủ tướng Modi tham quan đài thiên văn do các nhà truyền giáo Pháp xây dựng từ thế kỷ thứ 18 tại Jaipur, bang Rajasthan. Đây là biểu tượng cho hợp tác sắp tới giữa Paris với New Delhi trong lĩnh vực không gian. Đỉnh điểm chuyến thăm lần này sẽ là lễ Quốc Khánh Ấn Độ - Republic Day ngày 26/01/2024. Trên khán đài danh dự, ông Emmanuel Macron là thượng khách của Ấn Độ tại lễ duyệt binh ở New Delhi, đáp lại việc Paris đã vinh danh thủ tướng Modi nhân lễ Quốc Khánh Pháp 14/07/2023.

    Bên cạnh những nghi thức đón tiếp trọng thể nhất dành cho tổng thống Pháp, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về những hồ sơ lớn, như chiến tranh Ukraina và khủng hoảng ở Gaza. Paris đề ra mục tiêu đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng với New Delhi. Ấn Độ đã mua 36 chiến đấu cơ hiện đại Rafale của Pháp và đang chuẩn bị ký thêm hợp đồng trang bị thêm 26 chiếc khác. Về kinh tế, Pháp kỳ vọng nhiều vào hợp đồng cung cấp 6 lò phản ứng hạt nhân đời mới EPR cho Ấn Độ.

    Ấn Độ nay là nước đông dân nhất địa cầu, là một trong những nền kinh tế năng động nhất và là một cường quốc hạt nhân. New Delhi chiếm một vị trí đặc biệt trong quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Nga, là thành viên khối 5 nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS, đồng thời là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

    Tháp tùng tổng thống Macron lần này gồm có các bộ trưởng Quân Lực, Ngoại Giao, Văn Hóa và hơn 15 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Pháp trong các lĩnh vực, từ điện lực đến ngành công nghiệp quốc phòng. 

    NATO mở màn cuộc tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh lạnh tới nay 

    25/01/2024 

    Reuters 

    Tư liệu - Các quân nhân thuộc Sư đoàn Dù 101 của Hoa Kỳ chạy trong một cuộc tập trận tại Căn cứ Không quân Mihail Kogalniceanu, gần cảng Constanta, Romania, Biển Đen, Thứ Sáu, ngày 31 tháng 3 năm 2023.

    Tư liệu - Các quân nhân thuộc Sư đoàn Dù 101 của Hoa Kỳ chạy trong một cuộc tập trận tại Căn cứ Không quân Mihail Kogalniceanu, gần cảng Constanta, Romania, Biển Đen, Thứ Sáu, ngày 31 tháng 3 năm 2023. 

    Tàu đổ bộ Gunston Hall của Hải quân Mỹ rời cảng hôm 24/1, đánh dấu bước đi đầu tiên trong cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay, các quan chức cho biết.

    Chuyện gì đang xảy ra?

    Khoảng 90.000 binh sĩ từ Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh trong NATO sẽ tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 kéo dài đến tháng 5.

    Hơn 50 tàu, từ tàu sân bay đến tàu khu trục, sẽ tham gia cùng hơn 80 máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay không người lái và ít nhất 1.100 xe chiến đấu bao gồm 133 xe tăng và 533 xe chiến đấu bộ binh.

    Cuộc tập trận này sẽ thao dượt việc NATO thực hiện các kế hoạch khu vực, kế hoạch phòng thủ đầu tiên mà liên minh này đã vạch ra trong nhiều thập niên, và vạch ra chi tiết cách NATO sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.

    Tầm quan trọng

    NATO không nêu đích danh Nga trong thông báo của mình, nhưng tài liệu chiến lược hàng đầu của họ xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất đối với an ninh của các thành viên NATO.

    Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm quan trọng sau khi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine mở ra cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trên đất châu Âu trong hơn 70 năm.

    Phản ứng của Nga

    Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với hãng thông tấn nhà nước RIA rằng quy mô của cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 đánh dấu sự ‘trở lại không thể thay đổi’ của liên minh NATO đối với các kịch bản Chiến tranh Lạnh.

    Triều Tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, gây quan ngại 

    25/01/2024 

    Reuters 

    Tư liệu - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhìn vào máy tính khi ông thị sát cuộc diễn tập pháo kích của một tiểu đơn vị pháo binh tầm xa có nhiệm vụ tấn công các mục tiêu chính ở vùng biển phía Tây Nam tại địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên.

    Tư liệu - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhìn vào máy tính khi ông thị sát cuộc diễn tập pháo kích của một tiểu đơn vị pháo binh tầm xa có nhiệm vụ tấn công các mục tiêu chính ở vùng biển phía Tây Nam tại địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên. 

    Triều Tiên đang phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) cho mọi thứ, từ cách ứng phó với COVID, bảo vệ các lò phản ứng hạt nhân, cho đến mô phỏng chiến tranh và sự giám sát của chính phủ, theo một nghiên cứu mới.

    Tác giả cuộc nghiên cứu, Hyuk Kim, thuộc Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở California, cho hay các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt đối với chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên có thể đã cản trở nỗ lực của Triều Tiên trong việc có được phần cứng AI, nhưng dường như nước này đang theo đuổi công nghệ mới nhất.

    “Những nỗ lực gần đây của Triều Tiên trong phát triển AI/ML thể hiện sự đầu tư chiến lược nhằm củng cố nền kinh tế kỹ thuật số của nước này”, ông Kim viết trong báo cáo, trích dẫn thông tin nguồn mở bao gồm các phương tiện truyền thông và tạp chí nhà nước và được dự án 38 North xuất bản hôm 23/1.

    Báo cáo cho thấy một số nhà nghiên cứu AI của Triều Tiên đã hợp tác với các học giả nước ngoài, bao gồm cả ở Trung Quốc.

    Cơ quan tình báo Seoul hôm 24/1 cho biết họ đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy tin tặc Triều Tiên đã sử dụng AI tổng hợp để tìm kiếm mục tiêu và tìm kiếm các công nghệ cần thiết để tấn công tin tặc, mặc dù có vẻ như họ vẫn chưa sử dụng AI trong các cuộc tấn công mạng thực tế.

    Cơ quan Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc nói họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

    Báo cáo cho biết Triều Tiên đã thành lập Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo vào năm 2013 và trong những năm gần đây, một số công ty đã quảng bá các sản phẩm thương mại có tính năng AI.

    Công nghệ truyền thông bị hạn chế và giám sát chặt chẽ ở Triều Tiên, quốc gia cộng sản độc tài.

    Trong báo cáo, ông Kim cho biết thời đại dịch COVID, Triều Tiên đã sử dụng AI để tạo ra một mô hình đánh giá việc sử dụng khẩu trang phù hợp và để ưu tiên hóa các chỉ dấu triệu chứng lâm sàng của bệnh COVID.

    Báo cáo cho biết thêm, các nhà khoa học Triều Tiên cũng đã công bố nghiên cứu về việc sử dụng AI để duy trì sự an toàn của các lò phản ứng hạt nhân.

    Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc và các chuyên gia độc lập hồi tháng trước cho biết một lò phản ứng mới tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên dường như đang hoạt động lần đầu tiên, điều này có nghĩa là có thêm một nguồn plutonium tiềm năng cho vũ khí hạt nhân.

    Sự phát triển AI đặt ra nhiều thách thức, ông Kim nhận định.

    “Ví dụ, việc Triều Tiên theo đuổi chương trình mô phỏng chiến tranh bằng cách sử dụng (máy học) cho thấy ý định muốn hiểu rõ hơn về môi trường hoạt động chống lại các đối thủ tiềm năng”.

    Giới trùm tư bản Mỹ trước cơn lốc Donald Trump

    Nguyên Cao/SGN

    24/01/2024

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/GettyImages-1868624103.jpg

    Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tại Waterloo, Iowa ngày 19 Tháng Mười Hai 2023. Các đảng viên Cộng hòa Iowa là những người đầu tiên chọn ứng cử viên đề cử của phe Cộng hòa trong cuộc bỏ phiếu ngày 15 Tháng Giêng 2024 (ảnh: Scott Olson/Getty Images) 

    Donald Trump có một nhiệm vụ duy nhất khi cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa (GOP) chuyển sang New Hampshire: Tiêu diệt Nikki Haley. Nhóm chiến dịch tranh cử của Trump từ lâu đã coi Thống đốc bang Florida Ron DeSantis là đối thủ đáng gờm nhất. 

    Tuy nhiên, Ron DeSantis không chỉ hạ súng mà còn cùng Trump chĩa nòng về Nikki Haley. Đến Chủ nhật 21 Tháng Giêng 2024, hai ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ New Hampshire, chiến lược pháo kích hạng nặng của Trump bắn phá cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley đã phát huy tác dụng. Lợi thế của Haley ngày càng tuột khỏi tầm tay bà.

    Như dự đoán rộng rãi, Donald Trump dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của GOP ở New Hampshire, đánh bại Nikki Haley với tỷ số chênh lệch đáng kể. Sự việc khiến các nhà tài trợ chính trị và cộng đồng doanh nghiệp nhìn thấy một viễn cảnh ngày càng gần thực tế: Cựu tổng thống sẽ trở thành ứng cử viên của GOP và có nhiều khả năng giành chiến thắng vào Tháng Mười Một 2024 trong cuộc tái đấu với Joe Biden.

    Nikki Haley nói rằng bà sẽ tiếp tục chiến đấu và nhấn mạnh “cuộc đua còn lâu mới kết thúc”. Tuy nhiên, ngày càng nhiều đảng viên GOP đề nghị Nikki Haley giải giáp. Thượng nghị sĩ John Cornyn (Texas), một thành viên cấp cao của GOP, nói rằng GOP cần “đoàn kết xung quanh một ứng cử viên duy nhất.” The New York Times cho biết, một số ông trùm tư bản Mỹ cũng có thể bắt đầu xếp hàng để sẵn sàng chi tiền cho bộ máy tranh cử Donald Trump. Một người gây quỹ giấu tên của GOP nói với Brian Schwartz của CNBC rằng một trong những nhà tài trợ của Nikki Haley đã tuyên bố kết thúc chiến dịch quyên góp cho Nikki Haley.

    Ông trùm sòng bạc Steve Wynn và nhà tài chính John Paulson đã dự bữa tiệc chiến thắng ở New Hampshire của Trump vào đêm 23 Tháng Giêng 2024. Thượng nghị sĩ Tim Scott của South Carolina, người xuất hiện tại sự kiện, nói rằng ông kỳ vọng người đồng sáng lập Oracle, Larry Ellison, nguồn ủng hộ lớn nhất của ông trước khi ông rời bỏ cuộc đua sơ bộ, cũng sẽ ủng hộ Trump. Quan sát của The New York Times cho thấy giới đầu tư đang bàn tán về chiến thắng của Trump tại New Hampshire và bắt đầu tính toán việc họ sẽ “sống” với Trump như thế nào. Nhiều người dự báo sẽ có sự sụt giảm mạnh mẽ về một số quy định, đặc biệt về chống độc quyền. Người ta tin rằng sự hỗ trợ cho doanh nghiệp năng lượng sạch không còn, thay vào đó là sự trở lại của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

    Cần nhắc lại, khi Donald Trump rời Tòa Bạch Ốc năm 2021, nhiều giám đốc điều hành tại các công ty lớn của Mỹ đã thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây, khi cuộc hành quân của Trump tiến như cơn lốc, người ta đang hiểu ra thực tế rằng thời điểm này năm sau ông Trump có thể lại đứng trong Phòng Bầu dục. Theo tuần báo Anh The Economist, một số người tỏ ra vô cùng lo lắng trước viễn cảnh “Trump 2.0”.

    Những người khác lặng lẽ quan sát. Nếu Trump thực sự được bầu lại, một số chủ doanh nghiệp có thể giữ thái độ cúi đầu. Có người muốn tránh bị lôi kéo vào các “hội đồng kinh tế” do Trump lập ra. Vài người cho biết họ thậm chí tránh các buổi chụp ảnh với Trump và chỉ muốn lẳng lặng kiếm tiền. Một số người khác thì khoái Trump ra mặt. Đơn giản, họ không thích chính sách thuế đánh vào giới tư bản giàu sụ của chính quyền Joe Biden.

    Hai năm qua, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã cố giảm lạm phát. Dù gần như thành công nhưng thị trường lao động vẫn chưa thật sự phát triển. Ngân sách cũng đang trong tình trạng tồi tệ hơn. Năm 2016, thâm hụt hàng năm là 3.2% GDP và nợ là 76% GDP. Dự báo cho năm 2024 lần lượt là 5.8% và 100%. Nếu Trump một lần nữa theo đuổi việc cắt giảm thuế, Fed sẽ phải tăng lãi suất để bù đắp cho gói kích thích, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn và chính phủ phải trả chi phí cho đống nợ ngày càng tăng. Fed được cho là sẽ độc lập, nhưng Trump 2.0 có cơ hội đề cử một người theo phe mình ngồi ghế chủ tịch Fed vào Tháng Năm 2026.

    Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024 ở Davos, Thụy Sĩ, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon, đã gây chú ý khi nói:

    “Tôi mong rằng Đảng Dân chủ sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn một chút khi họ nói về MAGA… Ông ấy (Trump) nhận xét đúng về NATO, khá đúng về vấn đề nhập cư (dù Jamie Dimon không nói liệu tuyên bố của Trump rằng người nhập cư “đang đầu độc máu của đất nước chúng ta” có phải là “một phần đúng đắn” hay không)… Ông ấy (Trump) đã phát triển nền kinh tế khá tốt. Cải cách thuế có hiệu quả. Ông ấy đã đúng về một số vấn đề ở Trung Quốc… Tôi (Jamie Dimon) không thích cách Trump nói về Mexico nhưng ông ấy không sai về một số vấn đề quan trọng. Đó là lý do tại sao người ta bỏ phiếu cho ông ấy. Mọi người nên tôn trọng (sự chọn lựa) của người dân Mỹ”.

    Cần nhắc lại, JPMorgan Chase đã có nhiều “thành tích” đáng chú ý trong nhiệm kỳ của Dimon khi để “lọt sổ” nhiều vụ động trời, từ việc gian lận chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và sự sụp đổ của thị trường nhà đất sau đó, cho đến việc Bernie Madoff thực hiện vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ đôla.

    Một số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ nhận xét gần tương tự Jamie Dimon khi nói “Chúng tôi có một hệ thống tư pháp. Quốc hội có thể sẽ bị chia rẽ. Thận trọng là đúng, nhưng đó sẽ không phải là ngày tận thế”. Và một giám đốc điều hành ngân hàng khẳng định rằng Trump “chỉ sủa và không cắn”.

    Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái ngược. Anthony Scaramucci, người sáng lập SkyBridge Capital, nhận định: “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhìn chung hài lòng với nhà độc tài khét tiếng Mussolini. Nói chung họ cũng thấy ổn với Hitler. Cho đến khi mọi chuyện trở nên điên rồ. Chỉ sau năm năm, chủ nghĩa thân hữu bắt đầu xuất hiện, luật pháp không thể đoán trước được, sự bành trướng của các quyền lực chuyên quyền bắt đầu xuất hiện…”

    https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/gioi-trum-tu-ban-my-truoc-con-loc-donald-trump/

    3 nước vùng Baltic xây dựng 600 boongke ngăn chặn Nga tấn công

    Liên Thành

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2024/01/3-nuoc-vung-baltic-xay-dung-600-boongke-ngan-chan-nga-tan-cong.jpg

    3 nước vùng Baltic xây dựng 600 boongke ngăn chặn Nga tấn công. (Nguồn ảnh: ukranews). 

    Litva, Latvia và Estonia đã ký một thỏa thuận về việc tạo ra hệ thống phòng thủ đặc biệt gồm 600 boongke nhằm ngăn chặn Nga tấn công sườn phía đông của NATO.

    Trước đó, kế hoạch phòng thủ chung đã được Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, Andris Spruds, tiết lộ sau cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng của Lithuania và Estonia.

    Cả ba quốc gia trên đều đồng ý rằng việc xây dựng các cơ sở phòng thủ sẽ củng cố biên giới của họ cũng như ngăn cản Nga thực hiện các hành động quân sự nguy hiểm.

    Tuyến phòng thủ bằng 600 boongke này bắt nguồn từ các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. Một trong những yêu cầu tại hội nghị là tất cả các quốc gia thành viên NATO phải chủ động bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi bị tấn công. 

    Bộ trưởng Quốc phòng Litva cho biết, giữa bối cảnh cuộc chiến Nga với Ukraina, ba quốc gia vùng Baltic càng cần phải hợp tác mạnh hơn. Và người đồng cấp phía Estonia cũng nhấn mạnh rằng họ cần trang bị đầy đủ để bảo vệ từng mét lãnh thổ. 

    Tờ Postimees của Estonia đã đưa tin chính thức về việc một mạng lưới gồm 600 boongke đang được xây dựng ở biên giới với Nga, chi phí khoảng 60 triệu euro. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, kế hoạch xây dựng này vẫn cần phải được sự thống nhất của người dân địa phương và các chủ sở hữu đất.

    Kinh tế Mỹ có một năm 2023 thành công

    Các con số được công bố tới đây sẽ cho thấy 2023 là một năm rất tốt của nền kinh tế Mỹ. Vào thứ Năm, chính phủ dự kiến ​​sẽ báo cáo mức tăng trưởng GDP hàng năm 2% trong quý 4 năm 2023, gấp gần ba lần so với mức được thị trường dự báo hồi tháng 10. Trong cả năm, tăng trưởng dự kiến sẽ đạt khoảng 2,5%. Không quá tệ khi nhiều người cho rằng nền kinh tế sắp rơi vào suy thoái.

    Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là đà tăng trưởng được duy trì song song với giảm lạm phát. Dữ liệu vào thứ Sáu sẽ cho thấy lạm phát theo năm đang tiến gần đến mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang. Liệu tất cả những tin tức tốt lành này có thể tiếp tục hay không là một câu hỏi lớn. Với lãi suất vẫn ở mức cao, áp lực suy thoái đang gia tăng. Sự kết hợp giữa tăng trưởng mạnh và lạm phát giảm dần trong năm 2023 khó mà lặp lại trong năm 2024.

    Một năm thắt chặt của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ 

    Kể từ khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm ngoái, Hafize Gaye Erkan đã tiến hành một trong những chu kỳ thắt chặt quyết liệt nhất trong lịch sử ngân hàng. Để giải quyết tình trạng giá tiêu dùng tăng vọt, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chuẩn lên tổng cộng 34 điểm phần trăm trong bảy tháng. Các nhà phân tích thị trường đang dự đoán một lần tăng nữa, 2,5 điểm phần trăm, khi ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng họp vào thứ Năm. Mặc dù lạm phát năm tiếp tục tăng, đạt 64,8% trong tháng 12, nhưng dự kiến nó sẽ giảm vào đầu mùa hè.

    Nhưng bà Erkan cũng xuất hiện trên bản tin vì những lý do khác. Trong tuần qua, bà đã phải đối mặt với những cáo buộc rằng cha bà, người không có vai trò gì tại ngân hàng trung ương, đã sa thải một nhân viên và hành hung một nhân viên khác. Chu kỳ thắt chặt của ngân hàng dường như sắp kết thúc. Và tương lai của bà Erkan ở ghế thống đốc cũng có thể lung lay.

    Macron thăm Ấn Độ

    Pháp và Ấn Độ sẽ củng cố tình hữu nghị của họ trong tuần này. Vào thứ Năm, Emmanuel Macron sẽ đến Jaipur và cùng thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đi tham quan thành phố ở miền tây Ấn Độ. Đến thứ Sáu, tổng thống Pháp sẽ là khách mời danh dự tại Delhi trong cuộc diễu hành đánh dấu Ngày Cộng hòa lần thứ 75 của Ấn Độ. Dĩ nhiên hai bên có qua có lại. Ông Modi là khách mời đặc biệt năm ngoái tại Paris nhân Ngày Bastille của Pháp.

    Pháp không có mối liên hệ lịch sử sâu sắc với Ấn Độ như Anh. Nhưng nước này đã nỗ lực hết sức để củng cố quan hệ đối tác chiến lược với cường quốc mới nổi. Đây là một phần trong nỗ lực của Pháp nhằm xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới vốn bị AUKUS (hiệp ước an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia) làm đảo lộn. Khi ông Macron và ông Modi cùng uống trà, họ sẽ thảo luận về trao đổi sinh viên, năng lượng mặt trời, không gian, và quốc phòng. Ấn Độ đã mua rất nhiều trang thiết bị quân sự của Pháp. Hai máy bay phản lực Rafale của Pháp cũng sẽ tham gia buổi lễ diễu hành.

    Tình hình kinh tế kém khả quan của EU

    Triễn vọng kinh tế của khu vực đồng euro hiện không quá sáng sủa. Trong năm 2023, sản lượng công nghiệp trên toàn khối đã giảm xuống gần 2% so với mức trước đại dịch (không tính Ireland). Niềm tin kinh doanh tại khu vực đồng euro sụt giảm và kinh tế Đức suy giảm 0,3%. Các nhà đầu tư kỳ vọng có chuyển hướng chính sách tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm sẽ phải thất vọng: các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ để nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4%.

    Lạm phát ở khu vực đồng euro đã giảm rõ rệt trong năm 2023. Nhưng trước khi cắt giảm lãi suất, ngân hàng có thể sẽ chờ dữ liệu tiền lương, vì đàm phán công đoàn đang diễn ra có thể đẩy tiền lương lên cao. Và chi phí vận chuyển tăng vọt, hậu quả của tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông, cũng có thể tạo ra áp lực lạm phát.

    Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn sẽ tìm kiếm các dấu hiệu về thời điểm cắt giảm lãi suất. Tuần trước chủ tịch ECB Christine Lagarde gợi ý là ngân hàng sẽ bắt đầu cắt giảm “vào mùa hè.” Dù vậy, một số nhà kinh tế tin rằng ngân hàng có thể hành động sớm nhất là vào tháng 3.

    Cựu quan chức ngoại giao ĐCSTQ cảnh báo năm 2024: “Hãy thắt dây an toàn”

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/urtr3.jpg

    Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Ảnh cắt từ video của CGTN) 

    Gần đây một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc tham dự một diễn đàn học thuật đã có phát ngôn gây chú ý rằng, năm nay sẽ không có nhiều tin vui và nên “thắt dây an toàn”. Có phân tích phát ngôn “mang tính đe dọa” của đó có thể liên quan đến vậy tình hình nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

    Ngày 19/1 tại “Diễn đàn tình hình vĩ mô lần thứ 10” của Đại học Nhân dân Trung Quốc, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ là Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã có bài phát biểu với tiêu đề “Ngoại giao của Trung Quốc: Liên tục truyền năng lượng tích cực và tính chắc chắn cho thế giới”.

    Tuy nhiên giới quan sát bên ngoài phổ biến không đồng tình với nhận định ĐCSTQ đã mang lại năng lượng tích cực cho nền kinh tế thế giới. Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, COVID-19 từ Vũ Hán Trung Quốc lây lan khắp thế giới, dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, ĐCSTQ đã bị chỉ trích vì liên quan đến rò rỉ COVID-19 từ phòng thí nghiệm và che giấu dịch bệnh khi khởi phát. Ngoài ra, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” do ĐCSTQ thúc đẩy cũng gây tranh cãi về bẫy nợ và truyền bá ý thức hệ sang các nước liên quan.

    Bản thân tuyên bố của ông Lạc Ngọc Thành cũng cho thấy không có cái gọi là “năng lượng tích cực” khi cho biết “Nhìn về phía trước, vào năm 2024 sẽ không có nhiều tin tốt, ở đây tôi chỉ có thể cảnh báo mọi người: hãy thắt dây an toàn, phía trước có nguy hiểm”.

    Cựu quan chức ĐCSTQ này cũng nói về tình hình leo thang mở rộng của cuộc chiến Nga – Ukraine và chiến tranh Israel – Hamas. “Xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hai năm, gần đây hai bên vẫn đang đấu súng, dường như không có triển vọng kết thúc. Mỹ muốn chuyển chiến tranh sang châu Á – Thái Bình Dương, nhưng e rằng châu Âu cũng không thể thoát khỏi”.

    Trong bối cảnh ông Tập Cận Bình lưu ý các quan chức nỗ lực ca ngợi nền kinh tế Trung Quốc tươi sáng, ông Lạc Ngọc Thành đã im lặng trước tình hình kinh tế khắc nghiệt của Trung Quốc – điều gần đây đã được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm thảo luận, thay vào đó cho hay: “Trung Quốc luôn duy trì ổn định chính trị, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, đồng thời tiếp tục đóng góp năng lượng tích cực và sự chắc chắn cho thế giới”.

    Trên Epoch Times ngày 22/1, nhà bình luận thời sự Li Linyi nói rằng phát ngôn của cựu quan chức ngoại giao này cho thấy giống một nhà ngoại giao tại nhiệm hơn. Kết luận cuối cùng có vẻ đe dọa: “Ở đây tôi chỉ có thể cảnh báo mọi người: hãy thắt dây an toàn, phía trước có nguy hiểm”, phát biểu này có thể khiến mọi người nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề lớn vào năm 2024, ảnh hưởng đến toàn thế giới.

    Ông Lạc Ngọc Thành cũng đề cập rằng năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nga, hai bên sẽ thúc đẩy quan hệ Trung – Nga “ngày càng tốt đẹp hơn”.

    Cựu quan chức này là một chuyên gia về Nga trong hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ, ban đầu ông từng là ứng viên đầy triển vọng cho chức vụ Ngoại trưởng, nhưng việc ông này sau đó bị thất sủng nghi ngờ có liên quan đến vấn đề về Nga.

    Tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh ngày 4/2/2022, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc hội đàm với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, sau đó ông Lạc Ngọc Thành đã thay mặt nhận trả lời phỏng vấn và nói rằng “quan hệ Trung – Nga không có giới hạn”. Nga xâm lược Ukraine 20 ngày sau đó, mối quan hệ chặt chẽ của ĐCSTQ với Nga và việc họ không lên án Nga đã thu hút nhiều sự chú ý. Ngày 14/6 cùng năm, ông Lạc Ngọc Thành được điều động làm Phó Cục trưởng Tổng cục Phát thanh Truyền hình trung ương.

    Tổng cục Phát thanh Truyền hình trung ương tuy là đơn vị cấp bộ như Bộ Ngoại giao nhưng tầm quan trọng không thể so sánh với Bộ Ngoại giao, vì vậy ông Lạc coi là bị giáng chức. Sau đó chức vụ ngoại trưởng được giao cho cựu đại sứ tại Mỹ là Tần Cương, nhưng năm ngoái vào tháng 6 ông Tần Cương đã bất ngờ không thấy tung tích, đến tháng 7 bị tuyên bố cách chức. Sau khi Tần Cương bị cách chức ngoại trưởng, ông Lạc Ngọc Thành cũng bị bãi chức, nhưng do quan chức này hơn 60 tuổi nên việc ông bị bãi chức cũng được hiểu là xuống xe (nghỉ hưu) đúng điểm.

    Nhà bình luận Li Linyi phân tích rằng, ông Lạc Ngọc Thành đã bị đuổi khỏi hệ thống ngoại giao và nghỉ hưu từ bộ phận hoạt động tuyên truyền, bây giờ xuất hiện với tư cách là một quan chức đã nghỉ hưu, theo nguyên tắc của ĐCSTQ thì ông ấy không thể tùy ý phát ngôn, do đó hoạt động phát ngôn này có thể là được bố trí để nhà chức trách tiết lộ trước một số tin tức, cho thế giới bên ngoài chuẩn bị tinh thần. Cơ hội phát biểu công luận trở lại của quan chức này có thể liên quan đến cuộc xung đột nội bộ mới trong hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ sau khi ông Tần Cương bị cách chức, nhưng hiện chưa rõ tình hình.

    Ông Hồ Bình, tổng biên tập danh dự của ấn phẩm chính trị bên ngoài Trung Quốc “Mùa xuân Bắc Kinh”, cho biết mặc dù ông Lạc Ngọc Thành đã lui khỏi vị trí quan chức cấp cao của ĐCSTQ, nhưng bài phát biểu của ông vẫn thu hút sự chú ý từ mọi tầng lớp xã hội, điều này có liên quan đến văn hóa quan trường của ĐCSTQ. Đặc biệt là khi chính quyền Trung Quốc đang quảng bá cho một tương lai tươi sáng, khi nội dung bài phát biểu của ông khác với chủ đề chính, có thể coi đó là việc chính quyền gửi tín hiệu ra thế giới bên ngoài qua miệng của một cựu quan chức cấp cao.

    Ông Hồ Bình cho rằng, “Vấn đề này chỉ tồn tại trong giới quan chức của ĐCSTQ. Nếu là một quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của Mỹ hoặc một quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của Đài Loan, thì những gì họ nói chính là ý của họ. Nhưng đối với phát ngôn của cựu quan chức cấp cao của ĐCSTQ thì chắc chắn phải có mối quan hệ với chính quyền, bởi vì họ không thể tự do phát biểu. Họ (các quan chức ĐCSTQ) không mấy lạc quan về tình hình kinh tế hay tình hình ngoại giao của Trung Quốc. Phát ngôn của ông Lạc Ngọc Thành ở mức độ rất lớn thể hiện quan điểm của chính quyền ĐCSTQ, là nói cho người quan tâm nghe. Tuy nhiên bởi vì hiện tại ông ấy không còn tại nhiệm, nên chính quyền không cần phải chịu trách nhiệm với những phát ngôn của ông ấy.”

    Ông Tống Quốc Thành, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Chính trị Đài Loan, cho rằng toàn bộ nội dung bài phát biểu của Lạc Ngọc Thành là chỉ trích Mỹ mà không nêu tên, đồng thời tiết lộ Trung Quốc đang tiếp tục chính sách ngoại giao chiến lang.
    Ông cho rằng bài phát biểu của ông Lạc Ngọc Thành cũng bộc lộ những lo ngại thực sự của ĐCSTQ về kết quả bầu cử Mỹ, liên quan đến việc Trung Quốc không có khả năng chi phối sự phát triển của quan hệ Trung – Mỹ và chính sách đối ngoại đầy mâu thuẫn của nước này.

    Trước khi ông Lạc Ngọc Thành tham dự Diễn đàn Tình hình Vĩ mô ngày 19/1, Nhật báo Bắc Kinh có đưa tin quan chức này ngày 10/1 đã được tham dự vào có bài phát biểu tại Diễn đàn Cải cách Trung Quốc Khóa 20, Diễn đàn do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc chỉ đạo và do Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Cơ cấu Kinh tế Trung Quốc chủ trì.

    Mộc Vệ

    Miến Điện: Quân nổi dậy sắc tộc thiểu số chiếm thêm một thị xã

    Trọng Thành /RFI

    25/01/2024

    Theo AFP, tối hôm qua, 24/01/2024, lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (AA) tuyên bố ‘‘kiểm soát hoàn toàn’’ Pauktaw, thị xã khoảng 20.000 dân thuộc bang Rakhine. 

    Một nhà thờ Tin Lành bị quân đội Miến Điện oanh kích tại làng Kanan, thị trấn Khampat, vùng Sagaing, Miến Điện, ngày 08/01/2024.

    Một nhà thờ Tin Lành bị quân đội Miến Điện oanh kích tại làng Kanan, thị trấn Khampat, vùng Sagaing, Miến Điện, ngày 08/01/2024. AP - David Htan 

    Pauktaw cách thủ phủ tỉnh miền tây Miến Điện khoảng 25 km. Thông báo của lực lượng AA cũng cho biết chiến sự đang diễn ra "dữ dội" tại một số địa điểm kế cận Mrauk-U, Minbya, Kyauktaw và Rathedaung. Một nguồn tin gần gũi với lực lượng nổi dậy cho biết nhiều đơn vị quân đội đã rời khỏi thành phố trong đêm 19/01. Vẫn theo nguồn tin này, lực lượng AA đã có các cuộc đọ súng với một tàu chiến của quân đội Miến Điện hôm nay.

    Lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan chiến đấu từ nhiều thập niên nay để đòi quyền tự trị cho bang Arakan, tên gọi cũ của bang Rakhine, nơi sinh sống của cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi, bị chính quyền quân sự Miến Điện đàn áp dữ dội trong những năm gần đây.

    Hồi tháng 11, lực lượng này từng kiểm soát thị xã Pauktaw trong một khoảng thời gian ngắn. Lực lượng AA là một trong ba nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số mở đợt tấn công lớn chống tập đoàn quân sự từ cuối tháng 10/2023. Kể từ đó, tập đoàn quân sự Miến Điện đã mất quyền kiểm soát nhiều thành phố và trục đường chính.


    Không có nhận xét nào