Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 15 tháng 01 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thống đắc cử Đài Loan Lại Thanh Đức: hướng tới dân chủ và tránh xa Trung Quốc

    Tác giả: Adam Schreck – Seung Min Kim/AP

    Nguồn: AP – Taiwan president-elect Lai Ching-te has steered the island toward democracy and away from China

    Ngân Bình dịch

    15/01/2024

    VNTB – Tổng thống đắc cử Đài Loan Lại Thanh Đức: hướng tới dân chủ và tránh xa Trung Quốc

    (VNTB) – Ông Lại Thanh Đức, tổng thống đắc cử, tuyên bố sẽ bảo vệ nền độc lập trên thực tế của Đài Loan  trước Trung Quốc và tiếp tục gắn kết với các quốc gia dân chủ khác.

    Ông Lại Thanh Đức, 64 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm thứ Bảy trên hòn đảo 23 triệu dân mà Trung Quốc tuyên bố là của họ. Ông Lại Thanh Đức hiện là phó chủ tịch của Đảng Dân chủ Tiến bộ, đảng đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.

    Khi gặp mặt những người ủng hộ vào tối thứ Bảy, ông Lại Thanh Đức thề rằng Đài Loan sẽ “tiếp tục sát cánh cùng các nền dân chủ trên khắp thế giới”.

    Ông nói: “Chúng tôi đang nói với cộng đồng quốc tế rằng giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài, chúng tôi sẽ đứng về phía dân chủ”.

    Ông Lại Thanh Đức cam kết tăng cường quốc phòng và kinh tế cho Đài Loan vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc. Ông cũng đã nỗ lực làm dịu đi quan điểm trước đây của mình là một “người thực dụng vì nền độc lập của Đài Loan”.

    Đồng thời, tân tổng thống bày tỏ mong muốn bắt đầu lại đối thoại với Trung Quốc, sau nhiều năm Trung Quốc từ chối liên lạc với các nhà lãnh đạo Đài Loan.

    “Chúng tôi sẵn sàng và cho người dân ở cả hai bên eo biển Đài Loan thấy chúng tôi sẵn lòng tham gia. Hòa bình là vô giá và chiến tranh không có người chiến thắng”, ông nói hồi đầu tuần.

    Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cơ hội thành công trong việc đàm phán với Trung Quốc của ông gần như không có.

    Wen-Ti Sung, một thành viên của Hội đồng Atlantic của Hoa Kỳ, cho biết: “Bắc Kinh đã nhiều lần mạnh mẽ chỉ trích không chỉ Đảng Dân chủ Tiến bộ mà còn chỉ trích đích danh Lại Thanh Đức. Bắc Kinh thường chỉ làm điều đó  khi họ cho rằng không có cơ hội hàn gắn mối quan hệ hai bên”.

    Thay vào đó, ông Sung nói thêm, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng “chiến dịch gây áp lực tối đa” như ép buộc quân sự và kinh tế.

    Khi còn là phó tổng thống, ông Lại Thanh Đức đã giúp thúc đẩy lợi ích của Đài Loan trên phạm vi quốc tế.

    Ông đã đến New York và San Francisco trên đường tới Mỹ Latinh vào tháng 8, một động thái bị Bắc Kinh chỉ trích.

    Chuyến thăm đó là một phần của chuyến công du tới Paraguay, một trong hàng chục quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Nhiều quốc gia, gồm cả Hoa Kỳ, chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhưng vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan.

    Ông Lại Thanh Đức cho biết vào thời điểm đó rằng điều quan trọng là phải gặp gỡ những người đồng cấp nước ngoài để truyền tải thông điệp rằng Đài Loan “kiên trì dân chủ, nhân quyền và tự do và tích cực tham gia vào các vấn đề quốc tế”.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã được hỏi về cuộc bầu cử ở Đài Loan khi ông rời Nhà Trắng vào thứ Bảy để nghỉ cuối tuần ở Maryland.

    Ông Biden nói: “Chúng tôi không ủng hộ độc lập.”

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chúc mừng ông Lại Thanh Đức  và “người dân Đài Loan một lần nữa thể hiện sức mạnh của hệ thống dân chủ vững mạnh và quy trình bầu cử của họ”.

    Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson cho biết ông sẽ yêu cầu chủ tịch các ủy ban liên quan của Hạ viện dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Bắc sau lễ nhậm chức của ông Lai vào tháng 5.

    Ông Lai đã nêu lên việc Trung Quốc bắn tên lửa và các cuộc tập trận quân sự khác ở eo biển Đài Loan năm 1996 như một “thời điểm quyết định” lôi kéo ông vào chính trường.

    Trong một bài quan điểm trên tờ The Wall Street Journal vào tháng 7, ông tuyên bố sẽ duy trì hiện trạng, nói rằng đó là lợi ích tốt nhất của Đài Loan và cộng đồng quốc tế. Ông cũng vạch ra ranh giới giữa Đài Loan và Ukraine và sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trên toàn cầu “đã đánh thức cộng đồng quốc tế về sự mong manh của nền dân chủ”.

    Trong bài viết đó, ông Lai kêu gọi Đài Loan tăng cường khả năng quân sự, tăng cường an ninh kinh tế, xây dựng quan hệ đối tác với các nền dân chủ trên toàn thế giới và “sự lãnh đạo xuyên eo biển ổn định và có nguyên tắc”.

    Ông Lai đã nắm giữ một số chức vụ nổi bật ngoài chức phó tổng thống như thủ tướng, nhà lập pháp và thị trưởng Đài Nam. Ông vốn là một bác sĩ và có bằng thạc sĩ về y tế công cộng tại Harvard.

    Trong nhiệm kỳ của ông và Tổng thống Thái Anh Văn, Đài Loan đã tăng cường mua vũ khí của Hoa Kỳ.

    Người đồng tranh cử của ông ông là cựu đặc phái viên tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm.

    Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ vào năm 2022 khi ông Lai trở thành quan chức cấp cao nhất của Đài Loan trong nhiều thập niên tới Nhật Bản để dự tang lễ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

    Một phái đoàn không chính thức của Mỹ đến thăm Đài Loan

    Minh Anh /RFI

    15/01/2024

    Hai ngày sau cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan, một phái đoàn không chính thức do tổng thống Mỹ gởi đến, có cuộc gặp ngày hôm nay, 15/01/2024, với tổng thống mãn nhiệm Đài Loan Thái Anh Văn, tại Đài Bắc. 

    Tổng thống tân cử của Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) tiếp cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Stephen Hadley (T) tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 15/01/2024.

    Tổng thống tân cử của Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) tiếp cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Stephen Hadley (T) tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 15/01/2024. AFP - - 

    Theo AFP, phái đoàn Mỹ bao gồm cựu cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley, cựu thứ trưởng Ngoại Giao James Steinberg và chủ tịch Viện Mỹ ở Đài Loan, bà Laura Rosenberger.

    Tiếp phái đoàn, tổng thống Thái Anh Văn hoan nghênh một chuyến thăm « có nhiều ý nghĩa », sự việc khẳng định « sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Washington cho nền dân chủ Đài Loan », đồng thời, bà nhấn mạnh đến « mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và bền chặt giữa Đài Loan và Hoa Kỳ ».

    Đáp lại, ông Stephen Hadley đã có lời chúc mừng gởi đến người dân Đài Loan về kết quả cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp, đồng thời, ca ngợi nền dân chủ Đài Loan như là « một tấm gương cho toàn thế giới ».

    Vào cuối ngày, phái đoàn Mỹ gặp tổng thống tân cử Lại Thanh Đức, cũng xuất thân từ đảng Dân Tiến như bà Thái Anh Văn.

    Phái đoàn Mỹ rời đảo vào ngày mai, 16/01.

    Hãng tin Pháp lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ gởi một phái đoàn không chính thức đến Đài Loan sau cuộc bầu cử. Năm 2016, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Bill Burns đã đến thăm Đài Bắc 2 ngày sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử.

    Bắc Kinh hôm nay đã có phản ứng. Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mao Ninh tuyên bố « Trung Quốc phản đối mạnh mẽ mọi hình thức trao đổi chính thức giữa Mỹ và Đài Loan và kiên quyết bác bỏ mọi hình thức can thiệp của Mỹ trong hồ sơ Đài Loan, dưới bất kỳ hình thức nào và bất kỳ cớ nào ».

    Chủ Nhật, 14/01, ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh báo mọi ý đồ hướng đến độc lập, chia cắt lãnh thổ Trung Quốc sẽ « bị Lịch Sử và Luật Pháp trừng phạt nghiêm khắc », bởi theo ông, Đài Loan « chưa bao giờ là một nước. Điều này chưa từng có trong quá khứ và tất nhiên cũng sẽ không có trong tương lai ».

    Quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan

    Thùy Dương /RFI

    15/01/2024

    Chỉ 2 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, chính quyền Nauru, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hôm nay 15/01/2024 thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh hoan nghênh quyết định của Nauru. 

    An empty flag pole where Nauru's flag used to fly is pictured next to flags of other countries at the Diplomatic Quarter which houses embassies in Taipei, Taiwan January 15, 2024

    Phía trước khu nhà có văn phòng đại diện các nước có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, cột cờ ở giữa không còn quốc kỳ Nauru. Ảnh chụp ngày 15/01/2024. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS 

    Theo AFP, trong một thông báo báo chí, chính phủ Nauru tuyên bố không công nhận Đài Loan như « một nước riêng biệt », mà chỉ như « một phần không thể tách rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc ». Nauru đồng thời tuyên bố « cắt đứt ngay lập tức các quan hệ ngoại giao » với Đài Loan và « sẽ không phát triển các quan hệ hay các trao đổi chính thức với Đài Loan ». Tuy nhiên, cũng trong thông cáo, chính phủ Nauru khẳng định « sự thay đổi này không nhằm làm ảnh hưởng tới quan hệ nồng nhiệt khác của chúng tôi với những nước khác » và nhấn mạnh « Nauru vẫn là một quốc gia có chủ quyền, độc lập và mong muốn duy trì quan hệ hữu nghị với các nước khác ».

    Đáp lại, Đài Bắc tuyên bố sẽ chấm dứt các quan hệ ngoại giao với Nauru để bảo vệ « phẩm giá quốc gia ». Bên cạnh đó, chính quyền Đài Loan cũng tố cáo Trung Quốc đã dùng « tài trợ kinh tế » như một phương tiện kích động đảo quốc Nauru chuyển hướng quan hệ ngoại giao.

    AFP trích dẫn Mihai Sora, chuyên gia về Thái Bình Dương tại Viện Lowy, xem quyết định của Nauru là « sự thay đổi bất ngờ về chính sách đối ngoại » bởi trong những năm qua, Nauru, một trong những nước nhỏ nhất thế giới, chỉ với 12.500 dân, vẫn thường có thái độ chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc. Còn chuyên gia Anna Powles, chuyên gia về an ninh Thái Bình Dương tại Đại học Massey, nhận định quyết định của Nauru « chắc chắn sẽ gây hậu quả ở Thái Bình Dương ». 

    Như vậy là hiện nay trên thế giới, chỉ còn 12 nước công nhận chính thức Đài Loan, trong đó có 7 nước châu Mỹ Latinh và vùng Caribê.

    Phản ứng quốc tế về kết quả cuộc tuyển cử tại Đài Loan, Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập

    Minh Phương /RFI

    15/01/2024

    Hôm nay 14/1/2024, một ngày sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan được đưa ra, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đã gửi lời chúc mừng tới tân tổng thống. Về phần mình, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết không ủng hộ Đài Loan độc lập. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời báo chí về kết quả bầu cử tổng thống Đài Loan ngày 13/01/2024.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời báo chí về kết quả bầu cử tổng thống Đài Loan ngày 13/01/2024. AP - Mark Schiefelbein 

    Sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan được công bố, ngoại trưởng Nhật Bản, bà Kamikawa đã chúc mừng chiến thắng của ông Lại Thanh Đức, đồng thời gọi Đài Loan là “một đối tác và một người bạn quan trọng”. Ngay sau đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, vốn không thừa nhận chiến thắng của ông Lại, đã gọi bình luận của bà Kamikawa là "sự can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc" đồng thời gửi công hàm phản đối chính thức tới phía Nhật Bản.

    Về phần mình, hôm nay một quan chức bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cho biết nước này hy vọng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan sẽ được duy trì, đồng thời nhấn mạnh đây là “yếu tố thiết yếu” cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực. Ông cho biết Hàn Quốc hy vọng tiếp tục tăng cường hợp tác với Đài Loan trong nhiều lĩnh vực và “lập trường cơ bản” của Seoul về các vấn đề Đài Loan không thay đổi.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã gửi lời chúc mừng tới tân tổng thống Lại Thanh Đức cũng như tới người dân Đài Loan đã xây dựng được một “hệ thống dân chủ vững chắc”. Bắc Kinh tức thì phản ứng, cho rằng thông điệp này "gửi một tín hiệu hết sức sai lầm đến các lực lượng ly khai ủng hộ Đài Loan độc lập".

    Cùng ngày, trả lời phỏng vấn trước báo chí, tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định rằng nước này không ủng hộ Đài Loan độc lập. Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết cụ thể :

    “Chúng tôi không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.” Tuyên bố trên được ông Joe Biden đưa ra chớp nhoáng trên bãi cỏ của Nhà Trắng trước khi bay đi nghỉ cuối tuần tại Trại David. Tuyên bố này vẫn thể hiện sự tiếp nối chính sách chính thức của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Washington không có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và công nhận Trung Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất.

    Nhưng điều này không ngăn cản Mỹ hỗ trợ Đài Loan, đặc biệt trên bình diện quân sự. Ví dụ như mùa hè năm 2023, Mỹ đã gửi một khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 300 triệu đô la. Điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh tức giận, dù không nói ra, nhưng vẫn thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan độc lập.

    Hồ sơ này là nguồn cơn của những căng thẳng thường trực giữa Mỹ và Trung Quốc, ngay cả trong những tháng gần đây khi ông Joe Biden đang cố gắng trấn an đồng nhiệm Trung Quốc nhằm xoa dịu tình hình và cải thiện các mối quan hệ giữa hai nước.

    Ngày hôm nay, phái đoàn không chính thức của Hoa Kỳ đến Đài Loan nhằm góp phần “xây dựng hoà bình và ổn định” tại hòn đảo này. Theo hãng tin AFP, phái đoàn bao gồm cựu Cố vấn An ninh quốc gia Stephen Hadley, cựu thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg và chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan Laura Rosenberger.

    Lịch trình bầu cử sơ bộ tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng Hòa 

    Lịch trình bầu cử sơ bộ tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng Hòa

    (Illustration by The Epoch Times, Public Domain, Freepik, Shutterstock) 

    Savannah Hulsey Pointer 

    Thứ hai, 15/01/2024 

    Mùa bầu cử sơ bộ năm 2024 sẽ bắt đầu vào giữa tháng Một và kéo dài đến tận tháng Sáu. Các ứng cử viên phải giành chiến thắng hoặc có kết quả tốt trong cuộc bầu cử sơ bộ hoặc họp bầu ở mỗi tiểu bang để giành được các đại diện của đảng và giành được đề cử. Bất kỳ ứng cử viên nào chiếm đa số đại diện sẽ cầm chắc là người được đề cử tại Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng Hòa ở Milwaukee dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 18/07. 

    Các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra trong sáu tháng, tuy nhiên hơn 70% số đại diện sẽ được chọn ra vào cuối tháng Ba. Ngày bầu cử và các thể lệ bầu cử vẫn có thể bị các tiểu bang thay đổi. Ngày bầu cử khác nhau và các thể lệ do mỗi tiểu bang đặt ra sẽ tạo thêm yếu tố khó đoán cho cuộc đua, khiến các ứng cử viên luôn thận trọng. 


    Lịch trình bầu cử sơ bộ tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng Hòa

    Thanh Nhã biên dịch

    Vòng bỏ phiếu kín ở Iowa mở màn bầu cử Mỹ

    Donald Trump đang tiến rất gần tới đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa. Thứ Hai này ông sẽ đối mặt với thử thách bầu cử thực sự đầu tiên: vòng bỏ phiếu kín ở Iowa.

    Theo thăm dò của NBC News và Des Moines Register, ông Trump là lựa chọn số một của 48% số người có khả năng tham gia cuộc họp kín của đảng Cộng hòa. Nikki Haley, cựu thống đốc Nam Carolina, và Ron DeSantis, thống đốc Florida, kém khoảng 30 điểm khi họ tranh giành vị trí thứ hai. Cả hai đều không phải là ứng viên hàng đầu. Nhưng một màn thể hiện mạnh mẽ ở Iowa có thể tạo động lực cho các cuộc bỏ phiếu trong tương lai.

    Một nỗi lo cho ông Trump có thể là thời tiết. Nhiệt độ dưới 0 có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và kết quả của các cuộc họp kín, vốn đòi hỏi người dân Iowa phải tham dự các sự kiện trực tiếp kéo dài thay vì chỉ bỏ phiếu rồi về nhà. Trong khi đó phía Dân chủ sẽ thoải mái hơn khi lần đầu tiên áp dụng bỏ phiếu qua thư.

    100 ngày chiến sự ở Gaza

    Hàng ngàn người Israel đã tập trung tại Tel Aviv vào cuối tuần để đánh dấu 100 ngày chiến tranh ở Gaza – và yêu cầu một thỏa thuận giải phóng khoảng 130 con tin vẫn bị giam giữ. Trong khi đó, trên khắp thế giới, hàng nghìn người xuống đường ủng hộ Palestine nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột đã khiến ít nhất 23.000 người Gaza thiệt mạng.

    Song không có thỏa thuận nào sắp xảy ra. Quân đội Israel vẫn đang rà soát phía bắc Gaza để tìm các đường hầm và lùng sục thành phố Khan Younis ở miền nam để tìm Yahya Sinwar, thủ lĩnh của Hamas ở Gaza. Người đứng đầu quân đội kêu gọi “kiên nhẫn.”

    Ai Cập, quốc gia đã thay thế Qatar làm trung gian hòa giải chính giữa Israel và Hamas, đang cố gắng môi giới một thỏa thuận thả các con tin còn lại. Một ngày nào đó, thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu có thể sẽ phải lựa chọn giữa việc đảm bảo tự do của các con tin hoặc tiếp tục chiến tranh với Hamas – hai mục tiêu không thể cùng xảy ra. Cho đến giờ phút này, cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

    Sắp khai mạc Diễn đàn Davos

    Trong tuần này, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh từ khắp nơi trên thế giới sẽ tề tựu về khu nghỉ mát Davos của Thụy Sĩ để tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Hơn 60 nguyên thủ quốc gia và chính phủ dự kiến sẽ tham dự, bao gồm Lý Cường, thủ tướng Trung Quốc, và Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, người sẽ phát biểu tại hội nghị và đang thúc đẩy kế hoạch chấm dứt chiến tranh ở nước mình. Tham dự cùng họ là 1.000 chủ công ty và nhà tài chính.

    Các chủ đề tranh luận sẽ trải dài từ nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông và hậu quả của sự gián đoạn ở Biển Đỏ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu cho đến tiềm năng kinh tế của trí tuệ nhân tạo. Nhưng năm nay là 2024, một trong những năm bầu cử lớn nhất lịch sử, và giới kinh doanh sẽ muốn biết những thay đổi chính trị sẽ tác động gì tới hoạt động làm ăn của họ. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và khả năng trở lại của Donald Trump sẽ là một chủ đề thảo luận lớn.

    Triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế Đức

    Vào thứ Hai, cơ quan thống kê của Đức sẽ công bố số liệu GDP 2023. Chính phủ dự đoán nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm khoảng 0,4% trong năm 2023, khiến Đức trở thành nền kinh tế lớn duy nhất suy thoái. Ngoài ra năm ngoái còn khép lại với sự sụt giảm đầy bất ngờ của các chỉ số niềm tin kinh doanh. Trong bối cảnh đó, triển vọng cho năm 2024 khó có thể tươi sáng hơn.

    Đức đang đứng trước những khó khăn như khủng hoảng ngân sách, lãi suất cao và giá năng lượng cao. Một số nhà kinh tế học nổi tiếng dự đoán sẽ có một năm suy thoái nữa. Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Chỉ mới tuần trước, chuỗi cửa hàng bách hóa Galeria Karstadt Kaufhof đã trở thành vụ sụp đổ nổi bật đầu tiên trong năm.

    Ở một đất nước được ngưỡng mộ vì sự ổn định, quan hệ lao động cũng trở nên căng thẳng một cách bất thường. Giới lái tàu đã đình công trong khi các bác sĩ đang đe dọa làm theo. Một cuộc biểu tình ở Berlin vào thứ Hai sẽ khép lại tuần đình công của nông dân, những người đã tổ chức chặn đường bằng máy kéo xanh của họ. Dù chính phủ đã đồng ý với yêu cầu của họ về trợ cấp nhiên liệu, giới nông dân vẫn cam kết tiếp tục biểu tình.

    Bắc Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa bội siêu thanh nhiên liệu rắn

    Trần Công /RFI

    15/01/2024

    Bắc Triều Tiên hôm nay, 15/01/2024, thông báo bắn thử thành công một loại tên lửa mới. Theo Quân đội Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng trắc nghiệm tên lửa đạn đạo bội siêu thanh - gấp 10 tốc độ âm thanh - tầm trung, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này có thể ‘‘thay đổi toàn bộ tương quan lực lượng’’ trên bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc cảnh báo sẽ ‘‘giáng trả quyết liệt’’, nếu Bắc Triều Tiên ‘‘khiêu khích trực tiếp’’

    Ballistic missile, said to be solid-fuel and hypersonic, launches during a test at an unspecified location in North Korea in this picture released by the Korean Central News Agency on January 14, 2024

    Tên lửa đạn đạo được cho có sử dụng nhiên liệu rắn và siêu thanh, phóng tại một địa điểm không xác định ở Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 14/01/2024. via REUTERS - KCNA 

    Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul :

    Theo thông tấn xã Nhà nước Bắc Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa đạn đạo được Bình Nhưỡng phóng hôm 14/01/2024 đã đạt tới tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh, cho thấy Bình Nhưỡng đang phát triển các loại vũ khí có thể thay đổi toàn bộ tương quan lực lượng trên bán đảo Triều Tiên. Việc sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp Bắc Triều Tiên chủ động hơn trong việc phóng tên lửa ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.

    Phía Hàn Quốc cho rằng tên lửa đã bay khoảng 1000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đánh giá tên lửa bay được trên 500 km và đạt độ cao tối đa khoảng 50 km. Từ tháng 12/2023, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã chia sẻ “thông tin cảnh báo tên lửa của Bắc Triều Tiên” theo thời gian thực, nhưng do mỗi quốc gia tự tiến hành “phân tích” độc lập nên có thể có những khác biệt trong nhận định ban đầu.

    Tên lửa gắn đầu đạn bội siêu thanh được coi là kẻ "thay đổi cuộc chơi" vì chúng có thể bay được tới tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên, vì vậy rất khó theo dõi và đánh chặn. Hiện tại, tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE của Mỹ chỉ có thể đánh chặn được tên lửa ở tốc độ Mach 4 đến 5, cho nên rất khó để đánh chặn tên lửa ở tốc độ Mach 10. Ngoài ra, tầm bắn của IRBM là từ 3000 - 5500 km, cho phép tấn công đảo Guam, nơi triển khai các khí tài quân sự quan trọng của Mỹ.

    Người phát ngôn của hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Lee Sung-joon lên án mạnh mẽ vụ phóng của Bắc Triều Tiên là hành vi khiêu khích trắng trợn, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của Hàn Quốc. Shin Jong-woo, chuyên gia nghiên cứu tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết : “Bình Nhưỡng dường như đã chứng tỏ được khả năng tấn công bằng cách sử dụng các đặc tính của tên lửa bội siêu thanh để xuyên thủng mạng lưới đánh chặn THAAD và Patriot”.


    Không có nhận xét nào