Header Ads

  • Breaking News

    Nông dân Đồng Tâm đã đấu tranh pháp lý như thế nào

    Đồng Tâm, đầu tiên và trên hết, không phải là một phong trào bạo lực

    Trương Quỳnh Như  - Trần Hà Linh / Tạp chí Luật Khoa

    09/01/2024

    " Niềm tin vào cá nhân Chủ tịch Chung bị phản bội. Niềm tin của người dân Đồng Tâm vào pháp luật cũng bị phản bội hết lần này tới lần khác, thông qua các quyết định thanh tra.

    Cả hai bên đều viện đến pháp luật, theo những cách khác nhau, và cuối cùng không gặp được nhau trong các cuộc đối thoại hòa bình. 

    Ngày 9/1/2020, cảnh sát đột kích Đồng Tâm giữa đêm tối, đặt dấu chấm hết cho một phong trào nông dân phản kháng với các quyết định thu hồi đất của chính quyền".

    Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa. 

    Khi nhắc tới vụ Đồng Tâm, người ta sẽ nghĩ ngay tới bạo lực. 

    Đó là vụ dân làng bắt giữ con tin làm rúng động dư luận vào năm 2017, là vụ đột kích của công an dẫn đến cái chết của bốn người vào năm 2020, là những bản án tử hình nghiệt ngã dành cho những nông dân phản kháng.

    Nhưng Đồng Tâm, đầu tiên và trên hết, không phải là một phong trào bạo lực, mà là một phong trào đấu tranh pháp lý có lớp lang chiến lược.  

    Nói cho cùng, ai đi khiếu nại, khiếu kiện về đất đai ở Việt Nam cũng đều đấu tranh pháp lý. Lý do đơn giản vì mức độ vi phạm pháp luật về đất đai của chính quyền các cấp là lớn và phổ biến. Người dân Đồng Tâm đã tận dụng các công cụ pháp lý sẵn có, mà cụ thể là Luật Đất đai 2013, để bảo vệ ruộng đất của mình trước tham vọng thu hồi của chính quyền. 

    Đối lại, chính quyền cũng tận dụng pháp luật và diễn giải nó theo cách của mình để đối phó với nông dân khiếu kiện bằng cả các phương pháp bạo lực lẫn phi bạo lực. Phương pháp đó của họ, sau cùng, không những không giải quyết được xung đột mà còn đẩy xung đột leo thang. 

    Đó cũng là kết luận của hai nhà nghiên cứu chính trị học Như Trương, Phó Giáo sư tại Đại học Denison và Duy Trinh, nghiên cứu viên tại Đại học Princeton trong một bài báo khoa học có tên “Agrarian agitations: transcripts of resistance and authoritarian feedback under Vietnam’s repressive-responsive regime”. [1] Bài báo được đăng trên tạp chí học thuật Democratization vào tháng 12/2023.

    Ngọn nguồn của vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm

    Nghiên cứu của Như Trương và Duy Trinh trình bày chi tiết lịch sử hình thành cũng như các diễn biến của vụ Đồng Tâm từ năm 1980 cho tới năm 2021.

    Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 14/4/1980, khi Thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định giao 208 hecta đất ở tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) để xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn. Khu đất này bao gồm cả 46,3 hecta đất nông nghiệp nằm trong địa phận xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. 

    Chính quyền Hà Sơn Bình khi đó đã tiến hành thu hồi đất và bồi thường cho người dân, nhưng dự án sân bay bị đình trệ và không đi tới đâu. Người dân Đồng Tâm từ đó vẫn tiếp tục thuê lại khu đất này để canh tác. 

    Năm 2008, huyện Mỹ Đức (khi đó thuộc tỉnh Hà Tây cũ), bị sáp nhập vào Hà Nội.

    Ngày 20/10/2014, Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất quốc phòng 208 hecta kể trên để giao cho quân đội nhưng lại cộng thêm hơn 28 hecta đất nông nghiệp ở xã Đồng Tâm - vốn không nằm trong diện tích đất quốc phòng được nói đến trong Quyết định năm 1980.

    Tháng 11/2016, chính quyền huyện Mỹ Đức tiến hành rào đất và cưỡng chế di dời các hộ dân. Người dân phản ứng quyết liệt. 

    Tháng 4/2017, chính quyền huy động cảnh sát về địa phương và bắt giữ năm người dân mà không có lệnh bắt. Ông Lê Đình Kình, lãnh đạo của phong trào đấu tranh, bị cảnh sát đánh tới gãy chân. Đáp lại, dân làng bắt giữ 38 cảnh sát viên làm con tin. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải thân chinh về tận nơi đàm phán với người dân, ký giấy hứa không truy tố người dân để đổi lại 38 con tin.

    Ngày 9/1/2020, hơn 3.000 cảnh sát viên đột kích và nổ súng vào khu dân cư ở Đồng Tâm vào lúc sáng sớm, dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình và ba cảnh sát viên. Công an sau đó bắt và truy tố 29 người dân Đồng Tâm có liên quan tới vụ việc.

    Ngày 14/9/2020, 29 người dân Đồng Tâm đã bị tòa tuyên án về tội giết người hoặc chống người thi hành công vụ, trong đó có hai án tử hình, một án chung thân, và những người còn lại chịu án tù. [2] 

    https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/01/du-thi-thanh-1024x576.jpg

    Bà Dư Thị Thành - vợ ông Lê Đình Kình - và vết đạn bắn trên cửa kính. Ảnh: Luật Khoa.

    Đàn áp và đáp ứng

    Theo nghiên cứu của Như Trương và Duy Trinh, để dập tắt tình trạng bất ổn xã hội, những chế độ chuyên chế độc tài áp dụng cùng lúc hai phương pháp: đàn áp và đáp ứng. Đàn áp biểu thị qua việc dùng vũ lực để chối bỏ các yêu cầu xã hội vốn gây bất lợi cho chính quyền. Ngược lại, đáp ứng là một phản ứng nhanh, giải quyết tích cực các đòi hỏi của xã hội. 

    Như thế, nếu chế độ càng phản ứng nhanh thì bất ổn xã hội sẽ càng thấp, và ngược lại. Tuy nhiên, trong vụ Đồng Tâm, phản ứng của chính quyền chỉ khiến xung đột leo thang. Đồng Tâm là ví dụ điển hình nhất để thấy cả hai phản ứng của chế độc tài - đàn áp và đáp ứng - đều dẫn về một kết quả: châm ngòi cho tình trạng bất ổn và giải quyết tình trạng bất ổn này bằng một tình trạng bất ổn khác.

    Nói rộng ra một chút. Một trong những lý do chính quyền Việt Nam sửa Luật Đất đai năm 2013 là để đáp ứng các đòi hỏi của xã hội trong tình trạng khiếu kiện đất đai khắp nơi, hệ quả của các quyết định thu hồi đất bất hợp lý.

    Thứ nhất, Luật Đất đai 2013 liệt kê và làm rõ các trường hợp cho phép nhà nước thu hồi đất. 

    Thứ hai, luật sửa đổi và làm rõ quy trình thu hồi đất để đảm bảo quyền lợi của người dân.

    Cuối cùng, Luật Đất đai sửa đổi bắt buộc phải kết hợp sự tham vấn và tham gia của công dân trong suốt quá trình thu hồi đất. 

    Chiến lược của Đồng Tâm

    Chiến lược đấu tranh pháp lý của dân làng Đồng Tâm tập trung vào hai điểm.

    Một, khu 28 hecta đất mà chính quyền Hà Nội quyết định thu hồi thêm vào năm 2014 không phải là đất quốc phòng mà là đất nông nghiệp.

    Hai, các thủ tục đối thoại giữa chính quyền với người dân không tuân thủ đúng quy định của Luật Đất đai 2013.

    Nghiên cứu kể trên cho rằng, cho tới năm 2019, người dân Đồng Tâm vẫn chỉ tập trung phản bác lập luận “đất quốc phòng” mà chính quyền đưa ra. 

    Thậm chí, họ còn cáo buộc rằng chính quyền Mỹ Đức muốn chuyển giao khu đất này cho Viettel vì mục đích thương mại chứ không phải mục đích quốc phòng.

    Tháng 7/2017, vài tháng sau cuộc khủng hoảng con tin, Thanh tra Hà Nội ra văn bản kết luận đất tranh chấp là đất quốc phòng và chính quyền có căn cứ pháp luật để thu hồi cho mục đích quốc phòng theo Luật Đất đai 2013. 

    Sau đó, vào năm 2019, bất chấp phản ứng của người dân, Thanh tra Chính phủ ra phán quyết sau cùng, khẳng định tính đúng đắn của văn bản kết luận của Thanh tra Hà Nội. Đây là thời điểm người dân Đồng Tâm thay đổi chiến lược đấu tranh pháp lý, chuyển sang tấn công các thủ tục thu hồi đất và vẫn dựa trên Luật Đất đai 2013.

    Cụ thể, họ viện dẫn các Điều 69, 70, 71 của Luật Đất đai để lập luận rằng việc thu hồi đất phải có các cuộc đối thoại giữa người dân bị ảnh hưởng, do ủy ban nhân dân huyện hoặc Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức. Do đó, việc Chủ tịch Nguyễn Đức Chung “đối thoại” với người dân Đồng Tâm vào tháng 4/2017 không được tính là đối thoại vì ông Chung tới với tư cách cá nhân chứ không đại diện cho các cơ quan chức năng kể trên. 

    Với cuộc “đối thoại” giữa Thanh tra Chính phủ với người dân Đồng Tâm vào tháng 11/2019, mặc dù truyền thông nhà nước nói rằng đây là một cuộc đối thoại, nhưng người Đồng Tâm bác bỏ, cho rằng đây chỉ là cuộc họp một chiều để thông báo kết luận thanh tra chứ không có đối thoại thực sự. Bên cạnh đó, chính quyền còn dùng vũ lực để đe dọa người dân và ngăn người dân tới tham dự cuộc họp này.

    Người dân Đồng Tâm cũng lập luận rằng, nếu hơn 28 hecta đất nông nghiệp đang tranh chấp thực sự là đất quốc phòng thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi, giải phóng mặt bằng phải là Bộ Quốc phòng chứ không phải chính quyền huyện Mỹ Đức, và nếu có tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết phải thuộc về tòa án chứ không phải cơ quan hành chính các cấp.

    Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

    Bội ước

    Không ai biết Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nghĩ gì khi ký giấy viết tay hứa không khởi tố người dân Đồng Tâm. Chỉ biết ông đã bội ước với điều ông đã ký, trực tiếp công kích ông Lê Đình Kình, trong khi Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố hàng loạt người dân liên quan đến vụ bắt giữ con tin chỉ vài tháng sau sự việc này vào năm 2017.

    Niềm tin vào cá nhân Chủ tịch Chung bị phản bội. Niềm tin của người dân Đồng Tâm vào pháp luật cũng bị phản bội hết lần này tới lần khác, thông qua các quyết định thanh tra.

    Cả hai bên đều viện đến pháp luật, theo những cách khác nhau, và cuối cùng không gặp được nhau trong các cuộc đối thoại hòa bình. 

    Ngày 9/1/2020, cảnh sát đột kích Đồng Tâm giữa đêm tối, đặt dấu chấm hết cho một phong trào nông dân phản kháng với các quyết định thu hồi đất của chính quyền.

    https://www.luatkhoa.com/2024/01/nong-dan-dong-tam-da-dau-tranh-phap-ly-nhu-the-nao/


    Không có nhận xét nào