Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn-Xuân Nghĩa - Trường Sa! Trường Sa! Đảo Chuếnh Choáng!*

    Tháng 1/ 2008

    " Ngay từ đầu, Hà Nội đã thủ vai phiên thuộc, từ lá thư của Phạm Văn Đồng năm 1958 khi Bắc Kinh đòi chủ quyền ngay tại ngoài Đông Hải của Việt Nam, cho tới sự chống đỡ năm 1988 khi Trường Sa bị thôn tính. Từ việc tương nhượng Trung Quốc sau năm 1990 cho đến khi kiểm soát phản ứng của dân chúng ngày nay trước quyết định hành chánh của Bắc Kinh về việc "quản lý" hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

    Cái mà đảng Cộng sản được là cái mà quốc gia bị mất. 

    Nói cho rõ hơn, đảng còn thì nước mất mà đảng mất thì nước vẫn còn. Quy luật ấy sẽ sáng tỏ trong năm Tý".

    Một bản đồ của Hoà Lan về Hoàng Sa và Trường Sa làm ta rơi nước mắt…

    Nhớ đến Hoàng Sa rồi Trường Sa… xin cùng ngó về lịch sử của dân ta trong tiếng thở dài… 

    Việt Báo Xuân Mậu Tý 2008: Sau này, lịch sử Việt Nam sẽ ghi lại, rằng lần đầu tiên đất nước bị mất lãnh thổ - rồi cả lãnh hải - cho Trung Quốc là dưới chế độ Cộng sản. Còn lịch sử Trung Hoa thì ghi rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã dâng Bắc Kinh ngôi sao thứ năm trên lá Ngũ tinh Hồng kỳ của họ…. Việt Báo Xuân Mậu Tý ghi lại sự kiện đau buồn ấy trong tiết mục rất dài sau đây (* Thơ Tô Thùy Yên)

    MỘT TẤM DƯ ĐỒ BỊ LÃNG QUÊN

    Một bản đồ của Hoà Lan về Hoàng Sa và Trường Sa làm ta rơi nước mắt…

    Cuối năm Đinh Hợi 2007, khi người Việt khắp nơi sôi sục với vụ Bắc Kinh đòi lập ra cơ chế hành chánh quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thế giới mới chú ý đến vụ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các quần đảo này. 

    Một số dư luận nói theo sự mù lòa của cơ quan CIA Hoa Kỳ, rằng sau khi đô hộ Việt Nam, Chính quyền Thực dân Pháp mới chiếm các quần đảo ấy vào năm 1932: đến giờ này, tài liệu do CIA công bố trên trang nhà vẫn còn ghi như vậy!

    Cứ theo lý luận đó thì nhờ Tây mà Việt Nam mới đòi chủ quyền trên các quần đảo trong một vùng biển cứ bị dư luận quen gọi là biển Nam của Trung Hoa, Trung Nam Hải. Rõ là cướp đất của Tầu!

    Người ta đã nhìn chậm nhiều thế kỷ. 

    Người ta cũng làm ngơ trước cuốn Bạch thư của Việt Nam Cộng Hòa về Hoàng Sa và Trường Sa, được phổ biến sau vụ hải chiến tại Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Khi ấy, cả miền Nam đang hấp hối, còn ai chú ý đến bãi cát vàng ở ngoài khơi? 

    Cũng vậy, người ta không chú ý đến một nỗ lực đáng quý trọng của xã hội dân sự tại miền Nam, qua sự xuất hiện của Tập san Sử Địa và số 29, đặc biệt dành cho chủ đề "Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa" (xuất bản tháng Ba năm 1975) và đã được nhà Khai Trí cho tái bản ở hải ngoại.

    Người mình phải trình bày cho các thế hệ nối tiếp biết thấu đáo hơn về những công trình ấy. 

    Và cho thế giới biết rõ Lê Quý Đôn là ai, tập "Phủ biên Tạp lục” của ông, soạn thảo từ năm 1776, đã viết thế nào về các quần đảo ấy… (… "Trước, họ Nguyễn đặt đội Hoàng sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào. Cắt phiên, mỗi năm cứ tháng Hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng. Đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy…").

    Nhân dịp ấy, cũng nên tham khảo một tài liệu khác. Một tấm dư đồ bị lãng quên. 

    Đây là tấm bản đồ tô màu, in năm 1613 trong cuốn Địa đồ Atlas Mercator Hondius. 

    Gerardus Mercator và Jodocus Hondius là hai nhà địa dư học nổi tiếng của Hoà Lan (Netherland) vào các năm 1600 trở về sau. Thời ấy, Công ty Đông Ấn của Hoà Lan lập ra năm 1602 để cạnh tranh với Công ty Đông Ấn của Anh và phát triển cơ sở khắp nơi nên tập trung lại các tài liệu tham khảo về địa hình địa thế Á Đông. Tấm bản đồ trình bày ở đây là do Jodocus Hondius (1563-1612) vẽ lại trước năm 1606, từ dữ kiện của nhà địa dư học Bồ Đào Nha (Portugal) Bartolomeu Lasso vào đầu thế kỷ 16 - tức là trước đó khoảng trăm năm. 

    Tấm bản đồ trình bày bằng tiếng Latinh, có tên là Insulae Indiae Orientalis, ghi rõ vùng biển Đông Nam Á, từ đảo Sumatra phía Tây tới New Guinea và cả đảo… Guam phía cực Đông (trong một chuỗi đảo họ mệnh danh là "quần đảo thổ phỉ" - Islas de Las Vellas), và từ đảo Timor gần Úc Đại Lợi phía Nam lên tới… đảo Hải Nam phía Bắc. 

    Thời ấy, thế giới vẫn mơ hồ về đảo Java, với hướng Nam còn ghi bằng hàng dấu chấm trên bản đồ. Nhưng các sử gia tìm thấy ở bản đồ chứng cớ cập bến của nhà thám hiểm và Phó Đề đốc nổi tiếng Francis Drake (sinh khoảng 1540, mất năm 1596) của Nữ hoàng Anh Elizabeth I. Tại một hải cảng ở miền Nam Java, qua hàng chữ "Huc Franciscus Dra. Appulit".

    Người Việt ta lại tìm thấy nhiều dữ kiện khác. 

    Góc Tây-Bắc tấm dư đồ là đất "Cauchin, tên khác là Cauchinchina", là Cochinchine theo lối gọi thời Tây sau này. Đấy là địa đồ của Đàng Trong khi mở ra cục diện Trịnh-Nguyễn phân tranh (Chúa Nguyễn Hoàng mất năm Nhâm Tý 1613, là năm xuất bản tấm địa đồ). 

    Nhân đây, xin ghi một chi tiết để tồn nghi về tên gọi. Từ thế kỷ 13, các nước đã theo Marco Polo gọi tên nước ta là Caugigu (phiên âm từ Giao chỉ quốc), sau đọc trại thành Kiaoche rồi Coci (cách gọi của Bồ Đào Nha). Thế rồi, để khỏi lầm với Koci của Ấn Độ, người ta thêm chữ China hay Cina, nên Cauchinchina trở thành tên gọi chung của nước Đại Việt. Đến thời phân tranh, người ta mới gọi Đằng Ngoài là Tunking, hay Tonkin, từ chữ Đông Kinh là Hà Nội, và Đằng Trong vẫn giữ tên Cauchinchina, hay Cochinchine như dân Pháp đã gọi.

    Nếu cứ theo mặt tên mà nói thì các nhà báo Tây phương ngày nay có thể kết luận rằng toàn cõi Việt Nam là… của Trung Quốc. Đất Cochin của nước China mà!

    Trên địa đồ, ta nhận ra Thuận Hoá (dưới tên viết Latinh là Sinoa), sau này mình gọi là Phú Xuân rồi Huế. Nhiều địa danh khác thì còn phải nghiên cứu thêm mới rõ được. Như tại phía Bắc có thành phố ghi tên Biciputri, dịch từ Latinh ra là trụ đá, hay Thạch trụ, Thạch bi (chẳng lẽ là núi Thạch Bi?)… và tại phía Nam, quãng Phú Yên Khánh Hoà thì có địa danh Lantam. Thực tế là gì thì mình chưa rõ mà chỉ nhớ rằng bản đồ được vẽ từ những tài liệu của Bồ Đào Nha cách đó cả trăm năm.

    Đáng chú ý hơn cả, tấm bản đồ ghi rất rõ ngoài khơi Việt Nam một vùng quần đảo có nhiều bãi cát nông chạy dài xuống hướng Tây Nam, được ghi là Pracel. 

    Đối diện với quần đảo, và trên lãnh thổ Việt Nam được viền màu vàng, là tên Costa de Pracel, "Bờ Pracel". Không chút liên hệ gì tới đảo Hải Nam được tô hồng với tên là Ainan! Nghĩa là trước khi Lê Quý Đôn soạn Phủ biên Tạp lục thì người ngoại quốc đã tới nước ta và ghi trên tài liệu của họ sự căn thuộc Việt Nam của quần đảo Paracels. 

    Sự kiện này phải xuất phát từ thực tế ở tại chỗ, vào thời đó. 

    Ta nhớ rằng người Bồ Đào Nha và Hoà Lan đã tiếp xúc và thực tế buôn bán với các chúa Trịnh và Nguyễn. Khi thương thuyền Grootenbrook bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa, người cầm đầu thương điếm của Công ty Đông Ấn Hoà Lan tại Faifo lại không lên đảo Hải Nam mà vào Thuận Hoá để cám ơn chúa Thượng việc thủy thủ đoàn của họ được người Việt cứu vớt! Chúng ta cũng biết rằng dưới thời Trịnh Nguyễn, nhà Đại Thanh còn phải củng cố quyền lực, tới khi có tham vọng tấn công nước Nam thì lại tan tành vì Quang Trung Nguyễn Huệ năm 1789. 

    Người Hoa duy nhất mà dân ta gặp là dân tỵ nạn của triều Minh, hoặc… thuyền nhân và hải tặc tìm đất dung thân ở Đằng Trong. Họ được đón nhận, đối xử lịch sự và bình đẳng - theo truyền thống Việt Nam mà các nhà hàng hải Hoà Lan đã sớm ghi nhận. Họ góp phần khai phá miền Nam, nhiều người trở thành kiện tướng hay công thần của các Chúa rồi các Hoàng đế nhà Nguyễn. 

    Không hề có chuyện người Trung Hoa cai quản hay làm chủ Hoàng Sa hoặc Trường Sa như Bắc Kinh ngày nay đang muốn diễn giải! 

    Nhân đây, xin ghi lại một chuyện nhỏ. 

    Xưa nay, ta vẫn gọi nước láng giềng phương Bắc là Trung Hoa và dân của họ là người Hoa, của nền văn minh Hoa Hạ. Đó là cách của người Việt. Chỉ có Trung Quốc - hay Trung Cộng thời nay - mới nhấn mạnh đến yếu tố "trung ương" của họ, như cái rốn của vũ trụ và trung tâm của thiên hạ. Trong quan hệ giữa hai nước, khi dùng chữ "Việt-Trung" hay "Trung-Việt" theo sự mù lòa của truyền thông Tây phương bằng tiếng Việt, ta mắc bệnh phiên thuộc của đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, xin đề nghị là người Việt nên dùng lại chữ cho đúng với truyền thống Việt Nam, là "Việt-Hoa" hay "Hoa-Việt". Hoa tộc và Việt tộc là láng giềng và bình đẳng. Hình như ông Khổng là người nói ra chuyện ấy - phải chính danh mới định phận. Chẳng phải Khổng Phu tử thì kiến thức tối thiểu về quảng cáo, tiếp thị, marketing hay tuyên truyền cũng nói như vậy!

    LỊCH SỬ NGÀN NĂM

    Mối bất hoà của dân ta là một sự cám dỗ lớn… 

    Hơn 10 thế kỷ trước (1070 năm), năm 939 Việt Nam giành lại nền tự chủ từ Trung Hoa sau ngàn năm Bắc thuộc là khi nước Tầu có loạn, bị phân hoá trong thời Ngũ đại Thập quốc (907-960). Từ đấy bài học nằm lòng của dân Việt là tinh thần thống nhất dân tộc - các sắc tộc và địa phương - là điều kiện cần thiết để tiến tới sự hình thành của quốc gia. Hoặc biến báo hơn, khi Trung Hoa có loạn là dân ta dễ thở. Khi Trung Hoa thống nhất thì ta nên biết… cư an tư nguy. Khi dân ta chia rẽ, mối nguy tất sẽ hiển hiện.

    Bài học ấy, tiền nhân đã thuộc. 

    Vì vậy mà mục tiêu của các hội nghị Bình Than (1282) và Diên Hồng (1284) thời kháng chiến chống Nguyên Mông chính là để vận động sự thống nhất quan điểm và ý chí của các tầng lớp lãnh đạo (Bình Than) và các địa phương (Diên Hồng) hầu chuẩn bị từng bước tiến thoái, và nhất là qua chiến lược du kích, cho cuộc tổng phản công sau này. Thiếu sự thống nhất ấy, vua quan triều Trần mà rút tới đâu thì bị phục kích tới đó. Và thiếu sự đồng lòng của dân ta thì cuộc xâm lăng lần thứ hai của nhà Nguyên đã… vẽ lại bản đồ Việt Nam.

    Trong thế kỷ 20, Việt Nam lại quên bài học cũ mà mở ra cuộc tương tàn khi thế giới đã quốc tế hoá, với sự can thiệp của đủ màu ngoại bang vì rất nhiều động lực gần xa. Đảng Cộng sản Việt Nam có tội lớn trong tai họa ấy khi đoàn kết với các đồng chí ở xa mà chém ngược vào ruột gan đồng bào ở nhà. 

    Các nhà thơ thường hay nói thật mà mình tưởng họ ngủ mơ. Khi Chế Lan Viên làm thơ về nỗ lực đấu tranh của "ta" để làm đẹp lòng Bắc Kinh, những người ít biết về thơ lại không hiểu gì về bản tuyên ngôn của đảng hàm chứa bên dưới lời thơ. Biến cố Mậu Thân 1968 là một đỉnh quang vinh của đảng, nằm trên núi xương sông máu người Việt trong Nam, và báo hiệu trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. 

    Năm đó, Hoa Kỳ hết cần "tiền đồn thế giới tự do" và khoanh tay nhìn Trung Quốc đi xuống các quần đảo mà Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Elmo Zumwalt, cho là "không có giá trị chiến lược". Thời ấy, có thể là ông chưa nhìn ra trữ lượng 25 tỷ thước khối khí đốt và cả trăm tỷ tấn dầu thô ở bên dưới, hay vì cả tin vào Đệ thất Hạm đội để bảo vệ tự do vận chuyển qua eo biển Malacca! 

    Nhưng ở vào cảnh thất thế, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà vẫn chiến đấu anh dũng để bảo vệ Hoàng Sa trước sự thụ động - và còn cung cấp thông tin sai lạc - của Hoa Kỳ. Và sự lặng thinh không một chút ngượng ngập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà! 

    Việt Nam mất Hoàng Sa từ đó.

    Sau khi được thống nhất về chính trị dưới chế độ Cộng sản, Việt Nam tiếp tục mất nhiều lãnh thổ và lãnh hải khác. Cho tới ngày nay. 

    Thực ra, ngay từ đầu, đảng Cộng sản đã chọn con đường ấy khi nương tựa vào - và đổi chác quyền lợi với - Bắc Kinh: từ khi Tướng Trần Canh đội mũ chiến tướng cho Võ Nguyên Giáp tại trận Điện Biên Phủ cho tới khi hai vạn cán bộ binh lính Trung Quốc bảo vệ hậu cứ Bắc Việt để Hà Nội mở cuộc chiến vào Nam. Ai còn trông mong Võ đại tướng lên tiếng đòi lại Hoàng Sa Trường Sa là mắc bệnh mộng du. Hoặc quên trí nhớ. 

    Ngay từ đầu, Hà Nội đã thủ vai phiên thuộc, từ lá thư của Phạm Văn Đồng năm 1958 khi Bắc Kinh đòi chủ quyền ngay tại ngoài Đông Hải của Việt Nam, cho tới sự chống đỡ năm 1988 khi Trường Sa bị thôn tính. Từ việc tương nhượng Trung Quốc sau năm 1990 cho đến khi kiểm soát phản ứng của dân chúng ngày nay trước quyết định hành chánh của Bắc Kinh về việc "quản lý" hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

    Cái mà đảng Cộng sản được là cái mà quốc gia bị mất. 

    Nói cho rõ hơn, đảng còn thì nước mất mà đảng mất thì nước vẫn còn. Quy luật ấy sẽ sáng tỏ trong năm Tý.

    "NGŨ PHỤNG TỀ PHI" TRÊN LÁ HỒNG KỲ

    Sao vàng của đảng sẽ nhập vào Ngũ tinh Hồng kỳ của Trung Quốc 

    Năm 1949, Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị thống nhất Hoa lục dưới sự lãnh đạo của đảng, và chọn quốc kỳ là lá cờ năm sao gọi là "Ngũ tinh Hồng kỳ", lần đầu tiên được Mao kéo lên vào tháng 10 năm đó. Ngôi sao chính, như vầng Bắc đẩu, là biểu tượng của đảng. Bốn ngôi chầu quanh là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc! Đó là lý luận chính thức của họ khi tiến hành chiến tranh và cách mạng vô sản. 

    Lý luận đấu tranh giai cấp ấy nay đã lỗi thời và bị xoá mờ trong Hiến pháp. 

    Ngày nay, họ trở lại chủ thuyết truyền thống của nền văn hóa duy chủng: Hán tộc tất nhiên giữ ngôi Bắc đẩu, bốn phương đều chầu về đó. Bốn phương ấy là các tộc Mông, Mãn, Hồi, Tạng.

    Có điều, nhìn vào lịch sử Trung Hoa thì đấy là một tất yếu lịch sử... hơi yếu!

    Trong lịch sử Trung Hoa, nhiều sắc dân thiểu số đã vào Trung Nguyên làm chủ Trung Quốc. Con cháu Thành cát Tư hãn tiêu diệt nhà Tống mà lập ra nhà Nguyên. Trước đó, nhà Kim đã khống chế phân nửa miền Bắc của Trung Quốc. Sau đó, hậu duệ của người Kim, thuộc tộc Nữ Chân, là người Mãn Châu, đã tiêu diệt nhà Minh để lập ra nhà Mãn Thanh, và tồn tại từ 1644 đến 1911. Trong lịch sử Trung Hoa, không thiếu gì công chúa đã được gả cho Thuyền vu hay Thổ tù và cả Quốc vương Tây Tạng, để mua lấy hoà bình cho Thiên tử! Văn minh Trung Hoa xuất phát từ nét văn hoá sợ sệt, lại ưa khoác lác, khinh người.

    Trong lịch sử Việt Nam, Thái úy Lý Thường Kiệt đã dẫn binh đội nhà Lý tấn công thẳng vào lãnh thổ Trung Quốc, làm "Nội các" Vương An Thạch bị đổ, và nhà Tống phải nghiên cứu về tổ chức binh bị của nước Nam. Cũng trong thời đại ấy, viên thổ tù Nùng Trí Cao được triều Lý của ta dung tha lại gây "chấn động kinh sư" khiến Đại tướng Địch Thanh nhà Tống phải nhọc lòng đối phó. 

    Cho nên, bảo rằng Hán tộc đương nhiên lãnh đạo "thiên hạ" gồm có các sắc tộc khác chỉ là phản ứng tự mê. 

    Ngược lại, chính là vì kinh nghiệm lịch sử mà lãnh đạo Trung Quốc thường có phản ứng phòng thủ. Họ khuynh đảo hay mua chuộc các sắc tộc khác ở vòng phiên trấn nhằm lập ra vùng trái độn nhằm bảo vệ Trung Nguyên. 

    Suốt mấy ngàn năm lịch sử, các sắc tộc bị biến thành chư hầu đều chỉ là phên giậu của Trung Hoa trong lục địa. Nhưng thế giới ngày nay đã đổi khác vì các đại dương bị thu hẹp trong thế toàn cầu hoá. Quay đầu vào núi và núp dưới Vạn lý Trường thành thì không có đủ nguyên nhiên vật liệu nuôi sống hơn một tỷ ba trăm triệu dân.

    Vì vậy, qua thế kỷ 21, Trung Quốc chuẩn bị bước ra với tư thế đại cường hải dương thay vì chỉ là cường quốc lục địa như trong lịch sử. Từ cả chục năm nay, đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị việc đó và cải cách kinh tế cũng trong mục tiêu đó, để có hải đội tiến ra biển xanh. Đây là nhu cầu sinh tử của họ khi chuyển theo kinh tế thị trường và cần nhiều nguồn tiếp vận từ bên ngoài lục địa. 

    Khi bước xuống biển nóng tìm dầu và khống chế luồng vận chuyển ngoài biển Thái bình, lần này họ có một bậc thềm là… Hà Nội. Và họ có đám chư hầu canh cửa là lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. 

    Chẳng vậy mà ngần ấy bước tiến xuống Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Quan, Bản Giốc đều có sự mặc nhiên tiếp sức hoặc e dè lên tiếng làm vì của Hà Nội.

    Nếu dân Việt không làm gì thì trong một tương lai không xa, ngôi sao vàng trên lá cờ đỏ của Việt Nam ngày nay cũng sẽ biến. Vì bay vào quốc kỳ Trung Quốc thành ngôi sao của chư hầu thứ năm. Mông, Mãn, Hồi, Tạng, Việt sẽ là "ngũ phụng tề phi" theo phong tục anh hùng của miền Nam – nhưng than ôi, với màu sắc Trung Hoa. 

    Đảng Cộng sản Việt Nam có tham vọng làm thay đổi bộ mặt của đất nước. Ít ai ngờ là lại thay đổi theo hướng đó. Một sự ô nhục có kích thước lịch sử, và có ý nghĩa sinh tử cho Việt tộc. Vì từ đó về sau, mọi quyết định của Việt Nam đều phải có sự thẩm xét tiên khởi của Bắc Kinh. Cho nên, thế kỷ 21 khởi đầu cho sự hình thành của chế độ phụ dung tại Việt Nam. 

    Nghĩa là đi ngược quy luật tiến hoá của nhân loại - và của lịch sử dân tộc. Chỉ vì hội chứng phiên thuộc của những người lãnh đạo Hà Nội. Những đảng viên Cộng sản đã mê đắm và hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc, và cả quân đội giải phóng nữa, phải nghĩ sao về não trạng chư hầu này?

    NHỮNG BÀI HỌC KHÓ QUÊN

    Thắng thì quên, thua phải nhớ

    Có một quy luật ít ai để ý tới là kẻ bại trận mới rút tỉa kinh nghiệm của chiến tranh.

    Phe chiến thắng ca khúc khải hoàn xong là lập tức viết lại lịch sử để mạ vàng chiến công của mình - mà quên hẳn những sai lầm đã có trong cuộc chiến. Mọi sai lầm đều được phép quên, vì người người lo việc tranh giành chiến lợi phẩm. 

    Ngược lại, phe thua trận mới thấy đau buồn và nghĩ ngợi mãi về lý do thất trận. Trong hoàn cảnh bị biến làm nô lệ - hay bị tập trung cải tạo - họ càng nghiền ngẫm mọi khía cạnh của cuộc chiến để tìm ra lý do hay quy luật giải thích lẽ thắng bại ấy. Cho nên, quy luật "thắng thì quên - thua phải nhớ" chi phối sự suy tư chúng ta nhiều hơn là mình nghĩ.

    Hà Nội còn giữ vết đạn quân Pháp bắn vào cửa Bắc Thăng Long năm xưa, một dấu tích đầu tiên của thất trận và "Hoà ước" Giáp Thân 1844. Nhưng sau chiến thắng tại miền Nam, thì khu cửa Bắc của thủ đô đã thành đặc khu kinh tế của các tướng lãnh - chiến lợi phẩm của kẻ chiến thắng. 

    Chiến lợi phẩm ở trong Nam thì… Hằng hà sa số, điểm không kể xiết.

    Trong khi ấy, người chiến binh Cộng Hoà của miền Nam lại trăn trở không ít với lẽ thắng bại và có thể… dạy lại Hà Nội về cách ứng xử với Hoa Kỳ và về mối nguy Trung Quốc. Và dạy lại Hà Nội về đạo lý dân tộc bằng cách nhắc lại trận Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974, khi Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đơn độc bảo vệ tuyến đầu của vành đai Hoàng Sa Trường Sa. 

    Những người Việt thời nay cần nhớ lại là khi đã thế cùng lực kiệt, chỉ 15 tháng trước khi bị bức tử, Quân lực miền Nam đã có những quyết định không làm hổ danh Hoàng Diệu hay Nguyễn Tri Phương: bị nạn trong trận đánh, chiến hạm Nhật Tảo được lệnh là phải đâm vào bờ Hoàng Sa. Dù có chết thì cũng để lại chứng tích của người Việt trên đảo. Dù có ngã, vẫn phải ngã về phía trước! 

    Tinh thần ấy không làm chúng ta bật khóc hay sao?

    Nhiều kẻ vẫn chê người lính chiến miền Nam là cứ gậm nhấm mãi nỗi buồn thất trận năm 1975. Họ không hiểu quy luật tâm lý của con người, một phần quan trọng của nhiều quy luật lịch sử. 

    Cho nên cũng không hiểu vì sao một người như ông Nguyễn Nhã tại miền Nam lại dày công nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa sau khi góp phần gây dựng Tập san Sử Địa tại Sàigòn, một nguồn tài liệu phong phú làm miền Nam hãnh diện ngay trong thời chiến và tới thời nay.

    Ngoài "Hội chứng Bắc thuộc" của lãnh đạo Hà Nội, việc Nguyễn Nhã trình luận án Tiến sĩ ở trong Nam về Hoàng Sa cho thấy chiều sâu của người dân miền Nam, ở trong và ngoài đảng Cộng sản, khi nằm ở phe thất trận hay thất thế. Cũng nhờ đấy mà dân ta thu thập được nhiều tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của người Việt trên các quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc.

    Ở bên ngoài, học giả Vũ Hữu San cũng là trường hợp đáng chú ý. 

    Ông là một trong bốn hạm trưởng của trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và nay là học giả có uy tín về nền văn minh hải dương và chủ quyền ngoài biển của Việt Nam. Trong cộng đồng những người thất trận và bị khinh miệt, ông đã giành mấy thập niên nghiên cứu và phổ biến các dữ kiện liên hệ đến chủ quyền của Việt Nam cho công luận cùng biết. 

    Những người ấy - và còn biết bao người khác - đã rút tỉa bài học đích thực của chiến tranh Việt Nam. Họ không ngoái nhìn về quá khứ hay nghĩ chuyện đỉnh chung mà nhìn vào quyền lợi của dân tộc từ ngàn xưa tới ngàn sau. Họ không là thần dân phục vụ bất cứ chính quyền nào mà miệt mài nghiên cứu và quảng bá những điều có lợi cho dân tộc Việt Nam. 

    Trước đấy hơn nửa thế kỷ, cách đây đúng 70 năm, Hoàng Đạo của Tự lực Văn đoàn cũng đã tiên báo về cái thế thắng bại trong chuyện phân tranh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc. Ông thuộc phe "thua trận" trong mặt trận đoàn kết quốc cộng, và mất cách đây đúng 60 năm. Nhưng lời nhắn nhủ của ông còn vang vọng. Hà Nội không biết ngẫm lời cảnh báo của ông, có khi còn can dự vào cái chết bất ngờ của tay lý luận cự phách nhất của Tự lực Văn đoàn và Việt Nam Quốc dân đảng! 

    Vốn tự khoe là nắm vững quy luật lịch sử, lãnh đạo Hà Nội nghĩ sao về quy luật "đảng thắng thì nước thua"? 


    https://www.facebook.com/1773354689/posts/pfbid0qrrkrMFhzVCeFF7S453nUxsSkPaHXHUvCwxEaixVahDzLuqETcctg3rpRBC81E4Jl/


    Không có nhận xét nào