Bảo Nguyên tổng hợp
29/01/2024
" Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một cựu học giả về lịch sử Trung Quốc hiện đang cư trú tại Úc, tin rằng các cuộc biểu tình lan rộng trong người lao động chủ yếu xuất phát từ “ý chí sinh tồn” của họ.
“Tầng lớp đặc quyền trong ĐCSTQ đã cướp bóc tài sản xã hội, trong khi những người lao động Trung Quốc ở tầng đáy xã hội đã bị đẩy đến giới hạn của họ. Không thể đảm bảo các nhu cầu cơ bản và sự sống còn của mình, họ buộc phải đứng lên”, ông Lý nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Ông nói, hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ và không thể cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho tầng lớp lao động nghèo. Ông đồng thời nói thêm rằng “họ phải chiến đấu để sinh tồn”.
Một người lao động di cư vác đồ đạc của mình trên vai gần ga xe lửa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 2/3/2010. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN/AFP qua Getty Images)
Bắc Kinh vẫn đang cố gắng tô vẽ cho bức tranh màu hồng về kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, người lao động Trung Quốc chính là những đối tượng hiểu rõ nhất tình cảnh ảm đạm của nền kinh tế nước này.
Khi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đang đến gần, nhiều người dân thường tại Trung Quốc không có tâm trạng ăn mừng vì họ đang mất niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc. Các cuộc biểu tình, làn sóng công nhân đòi nợ lương và phong trào “nằm thẳng” (nằm ngửa) trong giới trẻ nhấn mạnh sự suy thoái kinh tế của đất nước khi người dân phải vật lộn để kiếm sống.
Đình công và biểu tình
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung vào ngày 19/1, cô Zhou Hua (hóa danh), một cựu nhân viên của Công ty May mặc Donglong ở Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, nói rằng các đồng nghiệp của cô đã đình công kể từ ngày 16/1 để đòi tăng lương. Cô cũng cho biết, các cuộc đình công xảy ra thường xuyên tại công ty.
Các công nhân đình công phàn nàn trên mạng xã hội: “Chúng tôi chỉ nhận được 1.100 CNY (nhân dân tệ) [khoảng 155 USD] tiền công cho 27 ngày làm việc. Đây là nhà máy ma cà rồng [hút máu nhân viên]! Chúng tôi lại tiếp tục đình công. Đã có ba cuộc đình công trong một năm qua”.
Cô Zhou đã mang thai và có các dấu hiệu sảy thai vào mùa xuân năm ngoái. Theo đề nghị của bác sĩ về việc xin nghỉ phép, cô xuất trình giấy xác nhận của bệnh viện đến công ty xin nghỉ phép nhưng bị từ chối. Cô tiếp tục làm việc thêm một tháng nữa và hậu quả là cô bị sảy thai. Sau đó cô ấy đã nghỉ việc.
“Ngoài lương cơ bản không có phúc lợi nào khác. Ban lãnh đạo công ty thường hứa hẹn nhiều lợi ích khác nhau, nói rằng nếu chúng tôi sản xuất một số lượng quần áo nhất định trong một ngày, mỗi người chúng tôi sẽ nhận được phần thưởng 100 CNY [khoảng 14 USD]. Chúng tôi làm việc chăm chỉ nhất để đạt được mục tiêu, nhưng một khi chúng tôi đạt được nó, họ sẽ tìm mọi lý do để không trao thưởng”, cô Zhou nói.
Mức lương hàng tháng của cô vào thời điểm đó là khoảng 2.000 CNY (khoảng 282 USD). Cô hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng lương của đồng nghiệp tiếp tục giảm trong những tháng tiếp theo sau khi cô nghỉ việc.
Theo thông tin công khai, dây chuyền sản xuất của công ty may mặc này hiện là dây chuyền tiên tiến nhất Trung Quốc, với sản lượng hàng năm là 7 triệu chiếc quần áo lông nhung, đứng thứ ba trong số hơn 4.000 công ty tương tự trên toàn quốc về năng lực sản xuất. Những thăng trầm của công ty được coi là phong vũ biểu của ngành.
Các cuộc biểu tình và đình công tương tự cũng đang diễn ra ở các thành phố khác, đặc biệt là các cơ sở sản xuất định hướng xuất khẩu.
Ngày 16/1, hơn một trăm công nhân đã tập trung trước Công ty Công nghệ Jiehong ở phía nam thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông.
Chỉ một ngày trước đó, công ty đã đưa ra thông báo cho biết bắt đầu từ ngày 16/1, tất cả nhân viên sẽ được nghỉ phép trong 6 tháng và từ tháng thứ 2 trở đi, lương sẽ được trả bằng 80% mức lương tối thiểu theo tiêu chuẩn địa phương của nhân viên.
Anh Zhao Qiang (hóa danh), một nhân viên của công ty, nói với The Epoch Times rằng đã có hơn 130 người trong nhóm đầu tiên phải “nghỉ phép bắt buộc”.
Anh nói: “Việc nghỉ phép dài hạn là một cách để lợi dụng kẽ hở của pháp luật và trả lương ít hơn”. “Năm ngoái, công ty đã cắt giảm một số nhóm lao động, mỗi nhóm khoảng 30 đến 40 người. Việc nghỉ phép bắt buộc trong năm nay trên thực tế là một công cụ cắt giảm nhân sự. Ít nhất công ty không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp”.
Công ty được thành lập vào tháng 9/2007 và niêm yết chứng khoán thành công vào ngày 21/3/2017. Nó kinh doanh trong lĩnh vực phát triển khuôn mẫu và các sản phẩm kết cấu chính xác cho điện thoại di động, máy tính bảng, sản phẩm đeo được và các bộ phận thiết bị y tế.
Lương của anh Zhao đã bị giảm từ hơn 6.000 CNY xuống còn 4.000 CNY (khoảng 845 USD xuống còn 563 USD). Anh cho biết nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do các công ty nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam và Ấn Độ, dẫn đến đơn đặt hàng ốp lưng điện thoại giảm mạnh, với đơn hàng năm ngoái giảm một nửa so với năm 2022.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong 11 tháng đầu năm 2023, vốn nước ngoài đã rút tới 78,1 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc.
Anh Zhao, người đã làm việc tại Quảng Đông được 10 năm, cho biết ông bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc trên quy mô lớn.
“Tôi không lạc quan về tình hình kinh tế hiện tại. Tất cả các ngành công nghiệp đều đang suy thoái”, anh nói.
Anh cho biết nếu mất công việc hiện tại, anh sẽ trở về quê hương ở tỉnh Quảng Tây, nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều và tìm những cơ hội khác ở đó.
Một công nhân di cư làm việc vất vả trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 25/4/2006. (Ảnh: PETER PARKS/AFP qua Getty Images)
Đóng cửa không trả lương
Vào ngày 18/1, với việc Tập đoàn Đầu tư Quảng Đông Yong’ao, một trong 100 đại lý ô tô hàng đầu Trung Quốc, đóng cửa, khu trưng bày và bán xe Liao Bu Auto City ở Đông Quản vắng tanh, một số người mua xe mất tiền vì việc đóng cửa bất ngờ đang lang thang bên ngoài tòa nhà.
Theo báo chí Trung Quốc, tập đoàn này đã công khai thừa nhận rằng họ đang gặp khó khăn trong hoạt động và lý do đóng cửa hàng là do chuỗi vốn bị đứt gãy.
Yong’ao có hơn 80 cửa hàng bán hàng, bán các thương hiệu cao cấp như Mercedes-Benz và Audi, các thương hiệu tầm trung và bình dân như Link Geely và các loại xe thương mại khác.
Theo các nguồn tin, các phương tiện trong nhà kho và phòng trưng bày gần đây đã bị kéo đi trong đêm, nhân viên chưa được trả lương và các khoản thanh toán cho nhà cung cấp chưa được xử lý.
Hơn nữa, các bài báo cho rằng một số người mua đã đặt cọc nhưng chưa nhận được xe, một số khác đã nhận xe nhưng chưa nhận được giấy chứng nhận chất lượng cần thiết để đăng ký xe.
Trong một vụ việc khác, Trung tâm thu mua đồ dùng khách sạn quốc tế Hongtian ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã nợ tiền công của người lao động di cư. Người lao động tụ tập bên ngoài công ty vào ngày 17/1 để yêu cầu được trả tiền công.
Tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, các công nhân tại dự án xây dựng Shengjin Huating giai đoạn II bị nợ tiền công trong 3 năm. Họ giăng biểu ngữ bên ngoài bộ phận bán hàng vào ngày 16/1 để đòi tiền công.
Người lao động di cư tìm kiếm cơ hội việc làm dọc lề đường ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, vào ngày 30/9/2015. (Ảnh: China Photos/Getty Images)
Từ vô vọng tới ‘nằm thẳng’
“Nằm thẳng” đã trở thành cụm từ phổ biến kể từ năm 2021, khi những người trẻ tuổi không nhìn thấy hy vọng và tương lai ngay cả khi họ làm việc chăm chỉ. Thuật ngữ này ám chỉ tâm lý từ chối những công việc áp lực cao và lựa chọn lối sống đơn giản.
Có nhiều thanh niên thành thị tham gia phong trào hơn khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu hơn nữa vào năm 2023. Họ thường chia sẻ những mẹo về cách “nằm thẳng” trên mạng xã hội.
Xu hướng này khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lo ngại sâu sắc. Các cơ quan tuyên truyền của Bắc Kinh đã đăng nhiều bài viết chỉ trích tâm lý như vậy, nói rằng thanh niên nên “nuôi dưỡng khát vọng, thể hiện lòng dũng cảm, sẵn sàng chịu đựng gian khổ và sẵn sàng cống hiến một cách quên mình”.
Anh Wu Yong (hóa danh), 24 tuổi, nói với The Epoch Times rằng anh cảm thấy vô vọng về tình hình hiện tại của mình.
Khi còn là thiếu niên, anh đến tỉnh Giang Tây cùng một người họ hàng vào năm 2017 để làm việc trong một nhà máy sản xuất túi dệt. Anh cho biết mình phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày, kể cả ca đêm và môi trường làm việc thật tồi tệ.
“Ngay cả khi tất cả công nhân ngừng làm việc trong vài ngày, khi vào xưởng, bạn có thể thấy bằng mắt thường mật độ bụi nhựa lơ lửng trong không khí rất dày đặc. Căn xưởng được xây dựng bằng những tấm tôn, đặc biệt ngột ngạt và nóng bức dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp. Chúng tôi khó có thể thở khi làm việc bên trong. Mỗi năm đều có vài người đàn ông lớn tuổi làm công việc lặt vặt chết vì nắng nóng”.
Anh Wu kiếm được khoảng 6.000 CNY (khoảng 845 USD) mỗi tháng cho đến khi nghỉ việc vào năm 2021 và trở về quê hương.
Hiện anh đang sống bằng tiền tiết kiệm của mình và trở thành một trong số rất nhiều thanh niên “nằm thẳng”.
Một công nhân di cư ở lối vào khu nhà ở của ông ở cạnh một khu phố trung lưu của Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 1/7/2022. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)
Tương lai khó khăn hơn
Trung Quốc đã đình chỉ công bố tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong 5 tháng vào năm ngoái sau khi con số này đạt 21,3% vào tháng 6. Sau đó, vào tháng 12, cục thống kê công bố tỷ lệ thất nghiệp là 14,9% đối với những người từ 16 đến 24 tuổi, sử dụng một phương pháp mới loại trừ các sinh viên.
Tuy nhiên, bà Zhang Dandan, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc lên tới 46,5% vào tháng 3/2023, cao hơn nhiều so với mức báo cáo chính thức là 19,7% trong tháng đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế học làm việc tại Mỹ, nói rằng số liệu thống kê tỷ lệ thất nghiệp đã trở thành một công cụ để lừa dối, đánh lừa công chúng ở Trung Quốc.
Ông nói, ĐCSTQ có thể đã đạt được cái gọi là ổn định ngay lập tức và ngắn hạn bằng cách làm giả dữ liệu, nhưng về lâu dài, đó tạo ra mối nguy hiểm còn lớn hơn đối với ĐCSTQ.
Theo ông Lý, ba động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc – xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư, những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào GDP của đất nước – đã trì trệ vào năm 2023. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn luôn vẽ ra một bức tranh màu hồng cho tương lai của kinh tế Trung Quốc, thứ vốn chỉ là hành động đánh lừa người dân Trung Quốc.
Ông tin rằng suy thoái kinh tế Trung Quốc sẽ sâu sắc hơn vào năm 2024. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản sẽ còn sụp đổ nhanh hơn, khi nhiều khoản nợ trong lĩnh vực bất động sản sẽ phải trả trong năm nay, đặc biệt là số nợ lớn ở nước ngoài.
“Việc vỡ nợ chắc chắn sẽ xảy ra với tốc độ nhanh hơn và trên quy mô lớn hơn. Kết quả là, cuộc sống của người dân nói chung sẽ ngày càng khắc nghiệt vào năm 2024”, ông Lý nói.
Người dân ngạc nhiên khi nhân viên điện lực biểu tình đòi tiền lương
Gần đây, một đoạn video quay cảnh các nhân viên đơn vị cung cấp điện biểu tình đòi tiền lương đã được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc đại lục. Trong video, hàng chục người, bao gồm cả nam và nữ, đang diễu hành trên đường phố, một số người được cho là mặc đồng phục thợ điện.
Phía trước đoàn diễu hành là hai biểu ngữ lớn có in chữ trên giấy trắng. Biểu ngữ đầu tiên có nội dung “Nhân viên Đơn vị Cung cấp Điện yêu cầu trả lương” và biểu ngữ thứ hai có nội dung “Hãy hoàn trả số tiền mà tôi vất vả kiếm được!” Hầu hết đám đông phía sau đều cầm tờ giấy trắng có in dòng chữ “Yêu cầu trả tiền lương”.
Các công nhân đang dọn băng khỏi đường dây truyền tải điện và cột điện giữa lúc tuyết rơi ở Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 21/2/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Đoạn video đã gây ra các cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông mạng xã hội. Một số cư dân mạng cho rằng đơn vị cung cấp điện là “đơn vị giàu có nhất” trong hệ thống của chính quyền Trung Quốc. “Tôi không thể tin nổi rằng Đơn vị Cung cấp Điện không thể trả lương”. Tuy nhiên, một số người cho rằng với tình hình giá nhiên liệu tăng như hiện nay và suy thoái kinh tế, nguồn cung điện dự kiến sẽ bị hạn chế cho đến cuối năm nay. Vì vậy, việc đơn vị cung cấp điện nợ lương “có thể là sự thật” (do hoạt động cung cấp điện bị hạn chế). Những người khác cho rằng, đủ thứ chuyện kỳ lạ đều có thể xảy ra dưới hệ thống nhà nước của Trung Quốc. “Giá dầu của Trung Quốc cao nhất thế giới nhưng PetroChina vẫn thua lỗ hàng năm”.
Một số cư dân mạng chế giễu: “Những kẻ cướp bóc ở đây để đòi tiền công”. “Thật buồn cười. Từng giây phút hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, đồng hồ điện của mỗi hộ gia đình ở Trung Quốc đều quay với tốc độ vượt quá 35% tốc độ bình thường. Lượng điện tiêu thụ vượt quá lượng điện tạo ra, và bạn không có tiền để trả lương?”
Người lao động Trung Quốc biểu tình nhiều gấp đôi năm trước
Kinh tế lao dốc, các công ty tại Trung Quốc phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự hoặc nợ lương. Tình cảnh tại các đơn vị nhà nước cũng không khá hơn. Người lao động Trung Quốc rơi vào cảnh khốn cùng, và họ buộc phải đứng lên.
Theo một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Hong Kong, người lao động Trung Quốc đã tổ chức số cuộc biểu tình để bảo vệ quyền lợi của mình vào năm 2023 nhiều gấp đôi so với năm trước. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng các cuộc biểu tình lan rộng như vậy có thể dẫn tới sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bản tin Lao động Trung Quốc (CLB), một tổ chức phi lợi nhuận ở Hong Kong “ủng hộ và tích cực tham gia vào phong trào mới nổi của người lao động ở Trung Quốc”, đã báo cáo có 1.794 cuộc biểu tình trong năm 2023 tính đến ngày 31/12/2023 trong bối cảnh xuất hiện các vụ cắt giảm nhân sự hàng loạt, những đợt cắt giảm lương và đóng cửa doanh nghiệp tại Trung Quốc.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư người Trung Quốc và là một nhà bình luận thời sự ở Canada, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng sự xuất hiện các cuộc biểu tình quy mô lớn của người lao động Trung Quốc là “kết quả tất yếu” của cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc. Ông Lại tin rằng các cuộc biểu tình có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Trung Quốc.
Một người lao động di cư mang vác đồ đạc của mình ở ga xe lửa vào ngày 18/2/2005 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn trì trệ vào năm 2023 bất chấp việc nới lỏng đột ngột các biện pháp khắc nghiệt zero-COVID kể từ tháng 12/2022. Theo CLB, số lượng đơn đặt hàng giảm từ khách hàng quốc tế và điều kiện kinh tế yếu kém trong nước đã khiến các nhà máy phải cắt giảm nhân lực, di dời để giảm thiểu chi phí hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Báo cáo của CLB tiết lộ rằng các cuộc biểu tình chủ yếu liên quan đến các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu – như điện tử, may mặc, đồ chơi và ô tô – và người lao động đã biểu tình về vấn đề tiền lương, cắt giảm nhân sự, di dời và yêu cầu bồi thường.
Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc trung ương của ĐCSTQ.
Theo báo cáo của CLB, tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất lớn, đã ghi nhận 517 cuộc biểu tình với quy mô khác nhau vào năm ngoái, mức cao nhất cả nước.
Số lượng cuộc biểu tình cao thứ hai (110) được cho là ở tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc, tiếp theo là tỉnh Thiểm Tây (103) và tỉnh Hà Nam (101).
Trong số 4 thành phố trực thuộc trung ương, Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, được báo cáo đã ghi nhận 34 cuộc biểu tình vào năm ngoái, trong khi Thượng Hải ghi nhận 47 cuộc biểu tình, Trùng Khánh ghi nhận 35 và Thiên Tân ghi nhận 32.
Vào ngày 7/1 năm ngoái, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Trùng Khánh sau khi hàng nghìn công nhân bị Zybio, Inc., nhà sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, cho nghỉ việc đột ngột, một trong những cuộc biểu tình sớm nhất trong tháng đầu tiên của năm được ghi nhận trong báo cáo của CLB. Chính quyền địa phương đã cử cảnh sát chống bạo động đến đàn áp cuộc biểu tình.
Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự, nói với The Epoch Times vào ngày 7/12/23 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ, với các công ty nước ngoài rời sang các nước khác và các công ty của chính Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, luật chống gián điệp của ĐCSTQ đe dọa bắt giữ người nước ngoài dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý không rõ ràng, điều này khiến nhiều công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Ông Lý tin rằng nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề này là do những hành vi thối nát của ĐCSTQ. Ông nói: “Việc cắt giảm hàng loạt dẫn đến số lượng các cuộc biểu tình ngày càng tăng, nhưng ĐCSTQ cố gắng che đậy chúng. Chế độ càng làm điều này thì càng trở nên kém minh bạch và điều này chỉ tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rời khỏi thị trường Trung Quốc. Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn”.
Khoảng 2.000 người lao động đụng độ với cảnh sát khi họ tổ chức đình công bên ngoài nhà máy cao su KOK Machinery do Đài Loan đầu tư ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, vào ngày 7/6/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Chiến đấu để sinh tồn
Ông Lại cho biết các chiến dịch bảo vệ quyền lợi gần đây ở Trung Quốc thu hút “nhiều hơn” người tham gia và các sự kiện này “dữ dội hơn bao giờ hết”.
Ông nói thêm rằng nhiều người hiện đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực, thiếu nguồn tài chính để hỗ trợ gia đình, trả tiền học cho con cái, trang trải chi phí y tế và trả các khoản thế chấp.
Ông Lại nói: “Những cá nhân này chỉ có thể đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đòi nợ lương và yêu cầu cơ hội việc làm”.
Hơn nữa, bằng cách quay trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình “đã ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hợp tác với Trung Quốc”.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một cựu học giả về lịch sử Trung Quốc hiện đang cư trú tại Úc, tin rằng các cuộc biểu tình lan rộng trong người lao động chủ yếu xuất phát từ “ý chí sinh tồn” của họ.
“Tầng lớp đặc quyền trong ĐCSTQ đã cướp bóc tài sản xã hội, trong khi những người lao động Trung Quốc ở tầng đáy xã hội đã bị đẩy đến giới hạn của họ. Không thể đảm bảo các nhu cầu cơ bản và sự sống còn của mình, họ buộc phải đứng lên”, ông Lý nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Ông nói, hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ và không thể cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho tầng lớp lao động nghèo. Ông đồng thời nói thêm rằng “họ phải chiến đấu để sinh tồn”.
Không có nhận xét nào