Header Ads

  • Breaking News

    Liệu Hoa Kỳ có thể chống lại ‘sát thủ tàu sân bay’ Dongfeng-26 của Trung Quốc?

    Theo Shishi Junshi

    Hạ Lạc Sơn

    Lý Ngọc biên dịch

    23/01/2024

    " Tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa đến mức nào đối với Hải quân Mỹ? Chỉ cần nhìn vào tỷ lệ thành công của lực lượng vũ trang Houthi là có thể hình dung được. Mặc dù công nghệ hiện tại của Mỹ không thể đảm bảo 100%, nhưng cũng có khả năng đối phó với mối đe dọa này một cách đáng kể, và Mỹ đang nhanh chóng phát triển các công nghệ liên quan. Nếu Trung Quốc hy vọng rằng tên lửa đạn đạo chống hạm của họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ trong tương lai, thì có thể họ sẽ đối mặt với những bất ngờ khiến họ thất vọng".

    Liệu Hoa Kỳ có thể chống lại ‘sát thủ tàu sân bay’ Dongfeng-26 của Trung Quốc?

    Liệu tàu sân bay Mỹ có thể chống lại “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc? (Ảnh: The Epoch Times) 

    Gần đây, căng thẳng vẫn đang gia tăng ở Biển Đỏ của Trung Đông và Biển Đông của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Phiến quân Houthi của Yemen đã không ngừng tấn công các tàu thương mại và quân sự ở Biển Đỏ, mặc dù đã có các cuộc tấn công phòng thủ do Mỹ dẫn đầu. Tàu hải quân Trung Quốc cũng liên tục phá kỷ lục trong các cuộc đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ. Vũ khí chính để chống lại các cuộc đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh chính là các loại tên lửa chống hạm khác nhau của Trung Quốc.

    Tại Biển Đỏ, sau vài giờ kể từ khi tàu hàng nguyên vật liệu của Mỹ bị tấn công, vào ngày 16/1, tàu hàng Hy Lạp mang cờ Malta “Zografia” bị tên lửa của lực lượng Houthi tấn công.

    Ngày 17/1, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết, quân đội Mỹ đã tiến hành một đợt tấn công tên lửa khác vào các địa điểm do lực lượng vũ trang Houthi kiểm soát, đây là cuộc tấn công trực tiếp thứ tư của Mỹ vào lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen trong vài ngày qua. Cuộc tấn công được thực hiện từ một tàu Mỹ ở Biển Đỏ và đánh trúng 14 tên lửa đã được nạp đạn và sẵn sàng phóng. Đây là cuộc tấn công đầu tiên kể từ khi Mỹ đưa lực lượng Houthi trở lại danh sách những kẻ khủng bố toàn cầu.

    Bất chấp các lệnh trừng phạt và tấn công quân sự, người Houthis vẫn tiếp tục tấn công các tàu buôn và tàu chiến. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, ông Patrick S. Ryder cho biết: “Họ đang tấn công tàu từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong khu vực để ngăn chặn hoặc ngăn chặn những cuộc tấn công này xảy ra lần nữa”.

    Ở Biển Đông, cuộc đối đầu của chính quyền Trung Quốc với Hoa Kỳ và Philippines đã thúc đẩy củng cố quan hệ đối tác giữa Mỹ và Philippines. Ngày 3/1, tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, một tàu khu trục và một tàu hộ vệ của Trung Quốc đã bám theo nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ – Philippines đang tiến hành tập trận ở cuối biển phía tây Philippines.

    Ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Manila, rằng liên minh giữa Philippines và Mỹ rất bền chặt và cả hai bên đã đầu tư rất nhiều tiền để đảm bảo an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và an ninh của các tuyến đường thương mại quan trọng. Quyền ưu tiên không chỉ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ và các đồng minh mà còn cho toàn bộ khu vực. “Chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao năng lực của mình và đóng góp nhiều hơn cho sự ổn định trong khu vực”.

    Ông Teodoro nói rằng mối đe dọa từ quyền bá chủ khu vực của chính quyền Trung Quốc đối với Philippines đã khiến Philippines tìm cách tăng cường liên minh phòng thủ lâu dài với Hoa Kỳ, đặc biệt bằng cách mở rộng quyền tiếp cận của Hoa Kỳ tới các căn cứ quân sự gần các điểm nóng tiềm năng như Đài Loan và Biển Đông. Ông nói rằng việc thiết lập một liên minh mạnh mẽ với Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích quốc gia của Philippines.

    Bất kể là lực lượng Houthi ở khu vực Trung Đông hay Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, vũ khí chính để kích động xung đột khu vực trên biển là các loại tên lửa chống hạm đa dạng.

    Đầu tháng 1 năm nay, công ty Planet Labs đã chụp được hình ảnh của một mô hình đầy đủ kích thước mô phỏng tàu sân bay USS Ford và tàu hộ vệ hạm USS Arleigh Burke tại trường bắn trên sa mạc Taklamakan ở Tân Cương, Trung Quốc, có vẻ như đang kiểm tra khả năng tên lửa chống hạm của Trung Quốc.

    Bản thân tên lửa chống hạm (AShM) đã có từ rất lâu. Không chỉ Trung Quốc, mà quân đội chính quy của hầu hết các nước trên thế giới đều có tên lửa chống hạm. Tương tự như các tên lửa khác, tên lửa chống hạm cũng được chia làm 2 loại: Tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

    Tên lửa hành trình điển hình là tên lửa Tomahawk của Mỹ, có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển và mặt đất trong phạm vi hàng trăm dặm. Được trang bị động cơ phản lực trong suốt chuyến bay, những tên lửa này được dẫn đường từ thời điểm phóng cho đến khi bắn trúng mục tiêu, khiến chúng trở thành vũ khí tấn công tương đối chính xác, đặc biệt là chống lại các mục tiêu đang di chuyển. Hầu hết tên lửa hành trình di chuyển với tốc độ cận âm trong bầu khí quyển Trái đất, thường có kích thước nhỏ và có thể được phóng từ các phương tiện, tàu thủy hoặc máy bay. Do có kích thước nhỏ nên trọng lượng của nhiên liệu, thuốc nổ bị hạn chế, vì vậy, khi cân nhắc về tầm bắn và sức mạnh thì tầm bắn và trọng lượng đầu đạn của nó tương đối nhỏ, chẳng hạn đầu đạn của tên lửa Tomahawk của Mỹ chỉ nặng khoảng 450 kg. Hầu hết các tên lửa chống hạm là tên lửa hành trình, có thể có quỹ đạo bay khác nhau tùy theo đặc điểm mục tiêu. Tên lửa hành trình chống hạm chủ yếu tiếp cận tàu mục tiêu bằng đường bay lướt trên biển, vì bay sát mặt nước có thể tránh bị radar phát hiện.

    Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo có thể tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên mặt đất ở cách xa hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn km. Những tên lửa này ban đầu được cung cấp năng lượng bởi động cơ tên lửa mạnh mẽ đưa tên lửa ra khỏi bầu khí quyển Trái đất trước khi hết nhiên liệu, sau đó dựa vào động năng của chính tên lửa để bay theo quỹ đạo đạn đạo (thường là đường parabol). Sau giai đoạn bay tự do và giai đoạn bay cuối cùng khi quay trở lại bầu khí quyển của khu vực mục tiêu, cuộc tấn công vào mục tiêu đã hoàn tất. Động cơ tên lửa mạnh mẽ của tên lửa đạn đạo cho phép chúng đạt tốc độ cực cao trong giai đoạn tăng tốc, kết hợp với lực cản không khí bên ngoài khí quyển giảm đáng kể và tác động của trọng lực trong quá trình tái nhập khí quyển, có thể cho phép chúng đạt tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III của Mỹ đạt tốc độ tối đa Mach 23. Tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn lớn hơn nhiều so với tên lửa hành trình và mang nhiều hơn một đầu đạn. Ngoài sức mạnh của bản thân đầu đạn, tốc độ đáng kinh ngạc của tên lửa đạn đạo khiến nó tạo ra động năng cực lớn không kém động năng nổ khi chạm mục tiêu, nên sức mạnh của tên lửa đạn đạo lớn hơn rất nhiều. Nhược điểm chính của tên lửa đạn đạo theo nghĩa truyền thống là chúng bay theo quỹ đạo được tính toán trước và chỉ có thể bắn trúng các mục tiêu cố định.

    Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo chống hạm hiện đại đã mang lại khả năng mới để tấn công các mục tiêu đang di chuyển. Tên lửa đạn đạo chống hạm đã có khả năng dẫn đường trong giai đoạn giữa và cuối của chuyến bay, vì vậy chúng cũng có thể nhắm mục tiêu vào các mục tiêu đang di chuyển.

    Sự kiêu ngạo trên biển của chính quyền Trung Quốc phần lớn có thể đến từ năng lực tên lửa đạn đạo chống hạm của nước này. Trung Quốc đã phô trương tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa Dongfeng-21 (DF-21) và Dongfeng-26 (DF-26), gọi chúng là sát thủ tàu sân bay.

    Dongfeng-21 được đưa vào sử dụng năm 1991. Nó có tầm bắn khoảng 1.400 đến 1.700 km, có thể mang đầu đạn nặng 600 kg và có tốc độ bay tối đa khoảng Mach 10. Tỷ lệ lỗi là khoảng 300 mét. DF-21 được trang bị Phương tiện quay lại cơ động (MARV), cho phép thay đổi đường đạn nhỏ trong giai đoạn cuối của chuyến bay của tên lửa đạn đạo khi nó tiếp cận mục tiêu.

    Dongfeng-26 được đưa vào sử dụng từ năm 2015, có tầm bắn hơn 5.000 km, trọng lượng đầu đạn khoảng 1.800 kg và tốc độ tối đa Mach 18.

    Tuy nhiên, bất chấp các thông số hiệu suất ấn tượng của những tên lửa đạn đạo chống hạm này, chúng có thể không gây ra nhiều mối đe dọa cho hạm đội Mỹ như Trung Quốc đã khoe khoang. Hệ thống phòng thủ chính của Mỹ đối với tên lửa đạn đạo là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo “Aegis”, đó là một chiến hệ thống phòng thủ dựa trên hệ thống chiến đấu Aegis được trang bị trên hầu hết các tàu hải quân của Hoa Kỳ. Các tên lửa chặn được phóng từ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis có thể chặn tên lửa ở các giai đoạn bay khác nhau của chúng.

    Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis đã được thử nghiệm 53 lần, với tỷ lệ đánh chặn thành công khoảng 80%. Điều quan trọng là trong các cuộc thử nghiệm này, Aegis thường có thể xác định tên lửa đang bay tới và phóng tên lửa đánh chặn ở bất kỳ đâu từ 90 giây đến khoảng 4 phút sau khi tên lửa được phóng. Dongfeng-26 có tầm bắn tối đa khoảng 6.500 km, tốc độ tối đa Mach 18 và mất 20 phút để tiếp cận mục tiêu. Điều này giúp Aegis có đủ thời gian để phóng tên lửa đánh chặn. Nếu tên lửa đánh chặn ban đầu trượt mục tiêu, vẫn có thể phóng tên lửa đánh chặn thứ hai để thực hiện đánh chặn hiệu quả.

    Hoa Kỳ đã thể hiện rõ khả năng tiêu diệt các tên lửa đạn đạo có tốc độ chậm và tầm bắn ngắn của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. Các tên lửa đạn đạo của Houthi có thể là hàng nhái của tên lửa Iran Qiam-1 hoặc tên lửa hành trình của Liên Xô cũ, có tầm bắn trong khoảng vài trăm kilômét, vận tốc dưới 5 Mach. Điều này có nghĩa là tên lửa đạn đạo của Houthi có thể mất khoảng 8 phút từ lúc phóng đến khi đánh trúng mục tiêu. Thực tế đã chứng minh rằng Hải quân Hoa Kỳ có khả năng ngăn chặn các tên lửa chống hạm của Houthi trong khoảng thời gian ngắn như vậy một cách hiệu quả.

    Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang phát triển khả năng đối phó với mối đe dọa từ các phương tiện bay siêu thanh (HGV), bay với tốc độ Mach 5 đến 10 và có khả năng cơ động cao. Dongfeng-17 (DF-17), được Trung Quốc quảng bá nhiều, thuộc loại tên lửa này. Vào tháng 5/2023, quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống Patriot SAM mới để tiêu diệt một tên lửa siêu thanh như vậy của Nga và Patriot không được thiết kế đặc biệt cho loại nhiệm vụ này. Điều này ủng hộ quan điểm rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng đối phó với mối đe dọa từ các phương tiện bay siêu thanh. Mỹ cũng cam kết cải thiện khả năng đặc biệt của mình để đối phó với tên lửa siêu thanh và nâng cấp hệ thống Aegis.

    Đồng thời, Hải quân Hoa Kỳ đang ngày càng trang bị vũ khí năng lượng định hướng (DEW) và khả năng tác chiến điện tử (EW), những khả năng này có thể ngăn chặn hoặc tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc. Về lý thuyết, vũ khí hướng định có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo hoạt động ngoài tầm khí quyển, và công nghệ vũ khí hướng định từ vũ trụ cũng có thể đã nằm trong danh sách phát triển vũ trụ của Hoa Kỳ.

    Có lẽ phân tích có sức thuyết phục nhất về khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc là một bài viết của Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc (CMSI) thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (NWC). Bài viết cho rằng Trung Quốc chỉ hù dọa những ai không thể có được thông tin chi tiết kỹ thuật nhưng quen thuộc với những điều cơ bản, điều này làm cho khả năng chống hạm được Trung Quốc tự ca ngợi không thể giành được sự tôn trọng thực tế.

    Tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa đến mức nào đối với Hải quân Mỹ? Chỉ cần nhìn vào tỷ lệ thành công của lực lượng vũ trang Houthi là có thể hình dung được. Mặc dù công nghệ hiện tại của Mỹ không thể đảm bảo 100%, nhưng cũng có khả năng đối phó với mối đe dọa này một cách đáng kể, và Mỹ đang nhanh chóng phát triển các công nghệ liên quan. Nếu Trung Quốc hy vọng rằng tên lửa đạn đạo chống hạm của họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ trong tương lai, thì có thể họ sẽ đối mặt với những bất ngờ khiến họ thất vọng.

    https://vietluan.com.au/112653/lieu-hoa-ky-co-the-chong-lai-sat-thu-tau-san-bay-dongfeng-26-cua-trung-quoc/


    Không có nhận xét nào