Nguồn: “Who is Lai Ching-te, the leader in Taiwan’s presidential race?”, The Economist,
Biên dịch: Phan Nguyên
12/01/2024
" Nếu đắc cử, ông Lại sẽ dựa vào Mỹ trong nỗ lực củng cố chủ quyền mong manh của Đài Loan. Ông đã hứa sẽ giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc: Hồng Kông và đại lục là nơi tiếp nhận 35% hàng xuất khẩu của Đài Loan trong 11 tháng đầu năm 2023. Ông hy vọng hòn đảo của mình có thể ký nhiều thỏa thuận thương mại hơn với nước ngoài và củng cố “mối quan hệ đối tác với các nền dân chủ trên khắp thế giới”. Tuy nhiên, ông nói rằng ông vẫn sẵn sàng đối thoại với thế lực bên kia eo biển".
Ông có thể ăn nói nhẹ nhàng nhưng lời nói của ông thường khiến Trung Quốc tức giận.
Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), phó tổng thống Đài Loan, đã nắm giữ hầu hết mọi chức vụ chính trị cấp cao tại hòn đảo này. Vào ngày 13/1, vị cựu bác sĩ hy vọng sẽ hoàn thiện lý lịch của mình với công việc hàng đầu: tổng thống Đài Loan. Vậy người đang dẫn đầu cuộc đua trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Đài Loan này là ai?
Vị chính trị gia kỳ cựu, còn được gọi là William Lai, đại diện cho Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, có tư tưởng độc lập. Trước khi trở thành phó tổng thống vào năm 2020, ông là một nhà lập pháp, thị trưởng nổi tiếng hai nhiệm kỳ của Đài Nam, một thành phố phía nam, và từ năm 2017 đến 2019 là thủ tướng dưới thời tổng thống sắp mãn nhiệm, Thái Anh Văn. Ông đã hứa sẽ tuân theo cách tiếp cận thận trọng của bà Thái đối với vấn đề gai góc nhất của hòn đảo: Đài Loan trên thực tế độc lập với Trung Quốc nên không cần tuyên bố gì thêm về vấn đề này. Chính phủ Bắc Kinh coi nền dân chủ vững mạnh 24 triệu dân này là một phần lãnh thổ của mình; họ đã đe dọa sẽ chiếm hòn đảo bằng vũ lực nếu cần thiết.
Chính Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho ông Lại, hiện 64 tuổi, bước vào con đường chính trị. Ông lớn lên trong nghèo khó ở một làng khai thác than ở phía bắc Đài Loan. Cha ông, một thợ mỏ, qua đời khi ông còn nhỏ, để lại mẹ ông một mình nuôi sáu đứa con. Theo người phát ngôn của ông, những trải nghiệm ban đầu này đã để lại cho ông một sự đồng cảm suốt đời đối với “những người và nhóm thiểu số kém may mắn hơn”. Ông học y khoa tại các trường đại học danh tiếng của Đài Loan và có bằng thạc sĩ y tế công cộng của Đại học Harvard. Đến năm 1996, khi Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên, một thập niên sau gần 40 năm thiết quân luật, ông Lại đã tham gia chính trị, ủng hộ các ứng cử viên DPP. Nhưng khi Trung Quốc phóng tên lửa xuống vùng biển gần hòn đảo nhằm thu hút phiếu bầu theo hướng có lợi cho các ứng cử viên thân thiện với mình, ông cảm thấy buộc phải tự mình ra tranh cử. Ông viết trên tờ Wall Street Journal : “Tôi quyết định mình có nghĩa vụ tham gia vào nền dân chủ của Đài Loan và giúp bảo vệ thử nghiệm non trẻ này khỏi những kẻ muốn làm hại nó” .
Hai đối thủ thân thiện hơn với Trung Quốc đang cạnh tranh với ông Lại. Bất chấp vị trí dẫn đầu sít sao trong các cuộc thăm dò, chiến thắng dành cho DPP vẫn chưa chắc chắn. Đảng từng thu hút cử tri trẻ tuổi nhưng sau 8 năm nắm quyền, đảng này đang có hình ảnh ngột ngạt. Tăng trưởng tiền lương đã chậm hơn so với lạm phát và giá nhà. Ông Lại đã kiên định với mục tiêu của đảng là đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của Đài Loan vào năm 2025, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng giá năng lượng. Quan trọng nhất, rõ ràng là Trung Quốc sẽ không có liên hệ chính thức với chính phủ DPP.
Ông Lại đã gây ra sự phẫn nộ đặc biệt ở Trung Quốc khi tự mô tả mình vào năm 2017 là một “người thực dụng ủng hộ độc lập của Đài Loan”. Các quan chức ở Bắc Kinh gần đây gọi ông là “kẻ nói dối đòi độc lập cho Đài Loan” và “kẻ lưu manh cực đoan”. Người Trung Quốc không phải là những người duy nhất lo lắng về nhận xét của ông. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng chiến thắng của ông Lại có thể dẫn đến căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan. Họ lo lắng về khuynh hướng ăn nói thiếu thận trọng của ông: Hồi tháng 7 năm 2023, ông nói rằng ông hy vọng tổng thống Đài Loan một ngày nào đó sẽ có thể “vào Nhà Trắng”, một điều sẽ phá vỡ tiền lệ và khiến Trung Quốc tức giận. Mặc dù Mỹ là nước ủng hộ chính của Đài Loan nhưng nước này có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chứ không phải với hòn đảo này.
Nếu đắc cử, ông Lại sẽ dựa vào Mỹ trong nỗ lực củng cố chủ quyền mong manh của Đài Loan. Ông đã hứa sẽ giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc: Hồng Kông và đại lục là nơi tiếp nhận 35% hàng xuất khẩu của Đài Loan trong 11 tháng đầu năm 2023. Ông hy vọng hòn đảo của mình có thể ký nhiều thỏa thuận thương mại hơn với nước ngoài và củng cố “mối quan hệ đối tác với các nền dân chủ trên khắp thế giới”. Tuy nhiên, ông nói rằng ông vẫn sẵn sàng đối thoại với thế lực bên kia eo biển. Nhiều người Đài Loan hy vọng Trung Quốc sẽ chấm dứt lệnh cấm khách du lịch tới hòn đảo này để thúc đẩy nền kinh tế. Dẫu vậy, nếu ông Lại thắng, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đe dọa và cô lập Đài Loan. Viễn cảnh đó làm dấy lên những lời chỉ trích từ các ứng cử viên tổng thống đối lập rằng DPP khiến hòn đảo trở nên không an toàn. Về phần mình, ông Lại đã miêu tả các đối thủ của mình là những kẻ xoa dịu một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến, và nói rằng dưới sự cầm quyền của họ, ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc sẽ phá hủy nền dân chủ vốn khó khăn lắm mới giành được của Đài Loan.
Không có nhận xét nào