Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Sa giữa những phản bội và trung thành

    Tác giả, André Menras Hồ Cương Quyết

    Gửi tới BBC từ Pháp

    20 tháng 1 2024

    " Dù có nguy cơ đối mặt với nguy hiểm, ngư dân Việt Nam vẫn kiên trì bám biển.

    Sự thực, những người duy nhất chưa bao giờ từ bỏ Hoàng Sa, quần đảo nguồn sống của họ từ nhiều thế kỷ, là ngư dân Việt Nam. Cuộc sống của họ, của gia đình họ là ở đó, gian nan, nhọc nhằn nhưng đầy nhân cách, tiếp tục truyền thống của cha ông.

    Mỗi lần ra khơi là một lần họ phải đơn độc đối đầu với quái vật. Họ là những người duy nhất giương cao ngọn cờ Tổ quốc ở vùng biển cấm. Tôi đã trải qua những hành trình cùng họ trong đất liền cũng như ngoài khơi.

    Họ trung thành với Hoàng Sa, đối đầu với biết bao sự bội phản mà quần đảo này là nạn nhân. Sự thủy chung của họ làm rạng ngời bản chất nhân văn. Tôi xin mượn mấy dòng này để chúc họ nhiều may mắn và dũng cảm cho năm Giáp Thìn.

    Xin gửi tới họ sự ủng hộ toàn diện và lòng quý mến".

    Nguyen Phu Trong - Tap Can Binh

    Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/POOL/AFP qua Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    TBT Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023.

    Có người giải thích các bi kịch lịch sử bằng “lời nguyền địa lý”. Số phận chàng David Việt Nam sống sát bên người khổng lồ Trung Quốc là mãn kiếp phải chịu những yêu sách, tham vọng và xúc phạm của hàng xóm.

    Chưa đầy ba tháng sau ngày ký kết đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, Tập Cận Bình đích thân tới Hà Nội để nhắc lại cái “đạo trời” mà Trung Quốc đưa ra: Trung Quốc và Việt Nam chung vận mệnh.

    Vị trí địa chính trị then chốt của Việt Nam, ở cửa ngõ phía nam của đế chế Trung Hoa, mở ra biển Đông Nam Á, ngày nay là con đường huyết mạch của giao thông quốc tế, đã khiến cho Việt Nam bị nước ngoài chiếm đóng trong nhiều thế kỷ.

    Qua ngàn năm Bắc thuộc với chuỗi dài triều cống, cướp bóc triền miên, tàn sát điêu linh, lớp lớp những anh hùng quốc gia đã vùng lên kháng cự. Những phố phường đô thị, những con đường nông thôn còn ghi tạc tên tuổi của họ.

    Nước Việt Nam non trẻ đã được dựng xây qua bao đau khổ, trong sự hợp tác, và nhất là trong sự kháng cự, để giành lại độc lập, gìn giữ và làm chủ lãnh thổ. Trong cuộc đấu tranh ấy, trên thực tế, Việt Nam cũng làm cái khiên cho nước láng giềng sống yên ổn ở phía bắc.

    Thế mà ngày nay, như Tập Cận Bình vừa cho thấy, phản xạ phong kiến với những uy hiếp và đe dọa trừng trị theo kiểu thiên triều đối với chư hầu vẫn còn nguyên. Mỗi lần gặp phải những quyết định của Hà Nội có điểm nọ điểm kia không vừa ý, báo chí Trung Quốc lại đồng thanh “nhắc nhở các đồng chí phương nam” phải biết ơn, nhớ món nợ đối với Trung Quốc trong các cuộc kháng chiến.

    Việt Nam nợ Trung Quốc? Hay ngược lại? Món nợ nào lớn hơn?

    Ông Hồ Cương Quyết biểu tình cùng người dân tại Sài Gòn vào năm 2011 để phản đối yêu sách "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc

    Chụp lại hình ảnh, 

    Ông Hồ Cương Quyết biểu tình cùng người dân tại Sài Gòn vào năm 2011 để phản đối yêu sách "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc

    Sự im lặng của Pháp

    Trong cơn cuồng phong lịch sử, Việt Nam thật khó giữ gìn sự toàn vẹn.

    Trong những thế kỷ vừa qua, không có được toàn bộ chủ quyền, đôi khi không được hỏi ý kiến trong những quyết định cốt yếu, vương quốc “An Nam” dưới sự “bảo hộ” của Pháp đã mất đi những bộ phận của lãnh thổ mà chính quyền thực dân đã chia năm xẻ bảy, và do sự bất tài, cẩu thả, tham nhũng hay đổi chác, đã để rơi vào tay Trung Quốc.

    Quần đảo Hoàng Sa là một ví dụ điển hình.

    Vì ham muốn theo đuổi những ảo vọng tô giới thương mại lấp lánh ở Trung Quốc mà Pasquier (toàn quyền Đông Dương), Pichon (“công sứ” Pháp tại Bắc Kinh) và những quan chức thực dân cao cấp đã để cho những tham vọng của triều đình Trung Quốc (đặc biệt là Tổng đốc Quảng Đông) dấy lên, dòm ngó quần đảo Hoàng Sa ngay từ năm 1909.

    Xin hãy đọc những bài báo ít được biết, bằng chứng cuộc đấu tranh của một nhà báo Pháp, ông M. Henri Cucherousset nhằm bảo vệ chủ quyền của An Nam đối với quần đảo.

    Từ năm 1924 đến năm 1934, tuần báo mà ông Cucherousset làm tổng biên tập, “L’Eveil économique de l’Indochine” (Thức tỉnh kinh tế của Đông Dương), sau đó trở thành “L’éveil de l’Indochine” (Thức tỉnh của Đông Dương), đã tố cáo thực dân Pháp đã khinh thường chủ quyền An Nam ở Hoàng Sa, chủ quyền mà họ có nhiệm vụ bảo đảm.

    Tuần báo còn khẳng định như vậy là, trong vấn đề Hoàng Sa, chính quyền thực dân đã phản bội nước An Nam mà họ bảo hộ và cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa.

    Trong bài báo “Quần đảo Hoàng Sa và Đông Dương” (ngày 30/12/1928), Cucherousset khẳng định dứt khoát: “Không thể nào để cho các nhà lãnh đạo Đông Dương làm như không biết rằng Trung Quốc dự định thành lập quân cảng Du Lâm, phía nam đảo Hải Nam, trông ra Vịnh Bắc Bộ, và chính thức chiếm hữu các đảo Hoàng Sa”.

    Đến hội nghị San Francisco năm 1951 ghi nhận việc Nhật Bản từ bỏ tham vọng lãnh thổ ở khu vực, Pháp không khẳng định hay bảo vệ vị trí kế thừa các quyền chủ quyền của An Nam, mà chỉ bỏ phiếu chống lại đề nghị của Liên Xô là trao quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.

    Còn Hoa Kỳ thì sao?

    Cường quốc ngày nay đang than vãn về mối đe dọa bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt ở vùng biển Đông Nam Á chung quanh quần đảo Trường Sa, ngày ấy đã làm gì?

    Việc Richard Nixon và Henry Kissinger bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn trái ngược với cái “hòa bình trong danh dự” mà họ rêu rao.

    mao - kissinger bat tay

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Mao Trạch Đông gặp Henry Kissinger ngày 12/11/1973, mở ra nhiều đồn đoán về tiến triển quan hệ Mỹ - Trung.

    Khi hải quân Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, Hạm đội 7 của Mỹ đang ở cách đấy không xa nhưng đã làm ngơ trước điện cầu cứu, bỏ mặc đồng minh VNCH bị tàn sát.

    Họ có thể dễ dàng ngăn chặn cuộc xâm lược bằng các hàng không mẫu hạm. Một số chứng cứ còn cho biết lúc đó không quân VNCH đã sẵn sàng cất cánh. Lẽ ra, nó đã có thể làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, nhưng không được phép.

    Chỉ bốn ngày sau cuộc xâm lược của Trung Quốc, Kissinger nói với đại biện của phái đoàn Trung Quốc tại Hoa Kỳ để xin trả tự do cho một nhân viên Mỹ bị bắt tại Hoàng Sa: “Lập trường của Hoa Kỳ là không ủng hộ những yêu sách của Nam Việt Nam đối với các đảo… Chính quyền Sài Gòn đang lập những phái đoàn để đi gặp các tổ chức quốc tế như SEATO, cả Liên Hợp Quốc nữa. Chúng tôi nói rõ là chúng tôi không dính dáng gì tới các phái đoàn đó.”

    Tất cả những sự bội phản, những sự hèn nhát và những tham vọng phù du đó đã dẫn tới hiện tình ngày nay. Không gặp sự ngăn đe thực sự nào, Trung Quốc cứ thế tiến lên, từ xâm chiếm này đến xâm chiếm khác, bạo liệt, đôi khi đẫm máu, gia tốc và khuếch trương những đòi hỏi chủ quyền tùy tiện, gói ghém cái bánh ga tô ăn cướp bằng con đường 11 đoạn, rồi 9, rồi 10 đoạn…, ngang nhiên giày xéo lên quyết định của Tòa trọng tài quốc tế liên quan tới cái gọi là “các quyền lịch sử” của Bắc Kinh trên biển Đông Nam Á, xây dựng những thực thể quân sự trên các đảo và đá để gia cố mạng lưới chiếm đoạt và kiểm soát, gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây hấn, ngày ngày vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển 1982 mà nước này là một bên ký kết, đồng thời cũng muốn thay bằng luật Trung Quốc…

    Chế độ toàn trị bạo ngược mà nhà cầm quyền Bắc Kinh áp đặt trên nhân dân mình đi đôi với chủ nghĩa quốc gia cực đoan được nuôi dưỡng bởi những ô nhục quá khứ và những thành tựu kinh tế hiện tại khiến cho người ta liên tưởng tới thảm kịch toàn cầu mà thế giới đã phải kinh qua cách đây vài thế hệ.

    Thảm kịch ấy bắt nguồn từ những nhu nhược, vô trách nhiệm, hèn nhát trước một mối nguy mà nhiều người đã trông thấy phát triển, nhưng người ta đã coi nhẹ, hay không muốn đối mặt.

    Nhu nhược không loại trừ được nguy hiểm

    Trước cuộc xâm lược của Hitler, Thống chế Pétain chủ trương hợp tác, một thứ chính sách “cây tre” triệt để nhằm tránh né sấm sét của kẻ xâm lăng, nhưng đồng thời lại giúp kẻ chiếm đóng thực hiện chính sách của chúng.

    Và chính các dân vệ người Pháp đã truy tìm, bắt giam và đưa đi đày đồng bào của mình là những người kháng chiến, và đã củng cố quyền lực của quân xâm lược. Khác nhau về quy mô bi kịch và cường độ bạo lực, song tình hình Việt Nam hiện nay cũng có mặt tương đồng với thời kỳ đen tối trước đây của lịch sử Pháp.

    Các biện pháp đàn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm truy lùng, bắt bớ và giam tù với những bản án hàng chục năm đối với những người Việt Nam yêu nước như các bạn tôi, Phạm Chí Dũng, Trần Văn Bang và bao người khác, là những người đã lên án sự khuynh loát của Bắc Kinh đối với đất nước Việt Nam, dường như không làm cho “ông anh” phương bắc hài lòng.

    Trước một kẻ bạo tàn như vậy, sợ hãi hay nhu nhược không hóa giải được nguy cơ.

    bieu tinh gac ma 1988

    Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Người biểu tình tuần hành kỷ niệm Hải chiến Gạc Ma 1988.

    Với chuỗi dài các hành động của Bắc Kinh: cuộc xâm chiếm đẫm máu ở Hoàng Sa năm 1974, cuộc tàn sát ở Gạc Ma năm 1988, cuộc xâm nhập kéo dài của giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, vô vàn những cuộc gây hấn, đôi khi chết người, đối với ngư dân Việt Nam, đã được các ngư dân Trung Bộ kiểm kê và ghi lại đầy đủ, không thể nào chấp nhận được rằng nhà nước Việt Nam, người bảo vệ công dân và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lại không yêu cầu luật pháp quốc tế, cũng không làm gì để bảo vệ người lao động trên biển.

    Đó là nhiệm vụ cần thiết, chính đáng, đàng hoàng và hòa bình, không thể nào thay thế nó bằng những lời phản đối của một người phát ngôn mỗi lần xảy ra sự cố. Sự buông tay tội lỗi này khác nào khuyến khích bọn cướp biển tiếp tục hoành hành, dẫn tới một sự bùng nổ nhất thiết sẽ xảy ra. Nó cũng không giúp gì cho việc triển khai sự đoàn kết quốc tế hiệu quả.

    Và cứ như thế, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn của Bắc Kinh, có thể lật ngửa ván bài cho năm 2024: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cương quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi trên biển của chúng tôi”.

    Vẫn như cũ

    Ngày 2/3/2010, BBC News Tiếng Việt đăng một bài báo của tôi, “Lời chúc cho người dân chài”, trong đó tôi trình bày tình hình Hoàng Sa. Dù rằng phương thức bắt giam ngư dân Việt Nam ở đảo Phú Lâm hay Hải Nam dường như đã tạm ngưng, nhưng chính sách khủng bố của những “con tàu màu trắng” vẫn không ngừng. Dường như Trung Quốc còn tăng cường với đội máy bay trực thăng.

    Hà Nội vẫn kêu gọi ngư dân “bám biển”, nhưng hải quân cũng như không quân Việt Nam không làm gì để bảo vệ chống lại sự gây hấn của Trung Quốc. Hàng vạn ngư dân vẫn chưa có quyền tự do hiệp hội để nói lên tiếng nói của mình…

    ngu dan ra khoi

    Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP qua Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Dù có nguy cơ đối mặt với nguy hiểm, ngư dân Việt Nam vẫn kiên trì bám biển.

    Sự thực, những người duy nhất chưa bao giờ từ bỏ Hoàng Sa, quần đảo nguồn sống của họ từ nhiều thế kỷ, là ngư dân Việt Nam. Cuộc sống của họ, của gia đình họ là ở đó, gian nan, nhọc nhằn nhưng đầy nhân cách, tiếp tục truyền thống của cha ông.

    Mỗi lần ra khơi là một lần họ phải đơn độc đối đầu với quái vật. Họ là những người duy nhất giương cao ngọn cờ Tổ quốc ở vùng biển cấm. Tôi đã trải qua những hành trình cùng họ trong đất liền cũng như ngoài khơi.

    Họ trung thành với Hoàng Sa, đối đầu với biết bao sự bội phản mà quần đảo này là nạn nhân. Sự thủy chung của họ làm rạng ngời bản chất nhân văn. Tôi xin mượn mấy dòng này để chúc họ nhiều may mắn và dũng cảm cho năm Giáp Thìn.

    Xin gửi tới họ sự ủng hộ toàn diện và lòng quý mến.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72y2w274p1o


    Không có nhận xét nào