FB Matthew NChuong
Tháng 01 năm 2024
Tân Tổng thống Lại Thanh Đức
Khi ông Lại Thanh Đức thuộc đảng Dân Tiến trở thành tân Tổng thống Đài Loan vào giữa tháng 1 mới đây, Bắc Kinh phản ứng gay gắt. Vì sao? Sẽ không thể hiểu sóng ngầm nếu chưa biết được, trong dòng sử của Đài Loan, diễn ra xung đột thường xuyên giữa “căn cước China” và “căn cước Taiwan”.
/I/ “CĂN CƯỚC CHINA”
Trong ngày Lễ Độc lập tại Đài Loan.
Tưởng Giới Thạch (sinh quán Chiết Giang, Hoa lục) vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, cùng đảng Quốc dân (quen gọi “Quốc dân đảng”) từ Hoa lục chạy qua Đài Loan. Thể chế chánh trị “Trung Hoa dân quốc” (ROC) đã cai quản toàn bộ Hoa lục suốt hơn 37 năm (từ 1912 đến 1949), sau đó định vị tại Đài Loan.
Trong nửa thế kỷ (50 năm), 1950-2000, Quốc dân đảng độc quyền lãnh đạo, một cõi mình ên tại Đài Loan. Kế tiếp Tưởng Giới Thạch là Nghiêm Gia Cam (sinh quán Giang Tô, Hoa lục) làm Tổng thống, rồi Tưởng Kinh Quốc (con trai TT Tưởng Giới Thạch, sinh quán Chiết Giang)…
Đường lối của Quốc dân đảng là sẽ hợp nhứt với Hoa lục, nhưng theo thể chế chánh trị khác Bắc Kinh. Tức, người dân ở Đài Loan được khuyến khích nhìn nhận “căn cước China”.
/II/ “CĂN CƯỚC TAIWAN”
Tổng thống tiền nhiệm Thái Anh Văn là người mang dòng máu của tộc người Paiwan và người Hẹ.
2a) Cần nhắc đến Tổng thống Lý Đăng Huy của Quốc dân đảng đã chấp thuận bầu cử không còn độc quyền cho đảng bên ông mà mở rộng, bầu cử tự do vào năm 2000 (dẫn đến chiến thắng lịch sử của Trần Thủy Biển bên đảng Dân Tiến).
Hành động này của ông Lý Đăng Huy bị nhiều đồng chí Quốc dân đảng của ông không ưng, cho là “tự chuyển hóa”.
Ông Lý Đăng Huy là người đầu tiên có sinh quán tại Đài Loan trở thành Tổng thống (trước đó, Tưởng Giới Thạch, Nghiêm Gia Cam, Tưởng Kinh Quốc đều có sinh quán bên Hoa lục).
2b) Nửa thế kỷ nắm quyền của Quốc dân đảng đã chấm dứt, sau khi Trần Thủy Biển của đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party: DPP) thắng cử trong cuộc bầu Tổng thống, trong năm 2000. Ông tái đắc cử vào năm 2004, làm TT đến năm 2008.
Trần Thủy Biển sinh quán tại Đài Loan, sau này đảng Dân Tiến còn có bà Thái Anh Văn đắc cử TT hai nhiệm kỳ (2016-2024) cũng sinh quán Đài Loan; và tân Tổng thống Lại Thanh Đức (đắc cử vào tháng 1/2024) thuộc đảng Dân Tiến, cũng sinh quán tại Đài Loan.
2c) Tôn chỉ của đảng Dân Tiến, thể hiện trong một nghị quyết vào năm 2007, là “tách biệt khỏi đặc tính Trung Hoa”, không “Chinese” mà nên là “Taiwanese”.
Họ kêu gọi thay đổi tên hiệu “Trung Hoa dân quốc” trở thành “Đài Loan dân quốc” (Cộng hòa Đài Loan). Nói cách khác, khẳng định “căn cước Taiwan” (thay vì “căn cước China”).
Tuy nhiên, đảng Dân Tiến gặp trở ngại ngay trong sinh hoạt chánh trị tại Đài Loan, vì Quốc dân đảng ủng hộ “căn cước China”.
Đường đi của “căn cước Taiwan” không suôn sẻ, vào giai đoạn 2008-2016 khi Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng trở thành Tổng thống, đi theo quan điểm “căn cước China”…
Giờ đây Lại Thanh Đức của đảng Dân Tiến đắc cử tân Tổng thống, tiếp tục đường lối “căn cước Taiwan”, mong muốn Đài Loan trở thành một quốc gia tách biệt, không dính dáng đến “đặc tính China”.
NGHĨA LÀ họ quan tâm đến quốc gia “Taiwan” (Đài Loan) của chính họ - những cư dân Taiwanese!
Còn quốc gia China (Hoa lục) theo thể chế chánh trị nào, việc đó thuộc về sự chọn lựa của người "Chinese".
/III/ “BẢN ĐỊA HÓA”
Tộc người Paiwan
3a) Dân số tại Đài Loan khoảng 24 triệu người, trong đó phần lớn nói tiếng Phước Kiến (Mân Nam), tiếng Khách gia (“Hẹ”)… Tuy nhiên, trong cơ cấu độ tuổi thì tuổi từ 75 trở lên, vào lúc này, chỉ còn khoảng 7-8% dân số.
Vì sao, “tuổi từ 75 trở lên”? Kể từ lúc người dân từ Hoa lục chạy sang Đài Loan vào năm 1950, cho đến nay (năm 2024), cũng đã xấp xỉ 75 năm. Thế hệ sinh ra tại Phước Kiến, Quảng Đông nay đã trở thành ông cố, ông nội.
Các thế hệ con, cháu, chắt – như vậy – đều sinh ra tại Đài Loan, chiếm tỉ lệ đến 90%.
Còn lại hơn 2% thuộc về các tộc người thiểu số (vốn là chủ nhân gốc của Đài Loan trong rất nhiều thế kỷ, trước năm 1683 là thời điểm nhà Thanh chính thức sáp nhâp vào Hoa lục): tộc người Amis, người Paiwan, người Saisiyat, người Tao (Yami)… - họ được gọi là “nguyên trú dân” (原住民).
Tiếng nói của các tộc người này thuộc Ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian).
(ở nước Nam chúng ta, tiếng nói của người Chăm, người Ê-đê thuộc Ngữ hệ Nam Đảo)
3b) Quí bạn có biết bà Tổng thống tiền nhiệm Thái Anh Văn mang hai dòng máu là người Khách gia (người Hẹ) và người Paiwan?
Ông nội của bà là người Hẹ, trong khi bà nội là người thiểu số bản địa Paiwan.
Bà Thái Anh Văn là người cổ võ, ban hành nhiều chính sách gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa của các tộc người thiểu số bản địa.
Trong khi đó, 90% số người nói tiếng Mân, tiếng Hẹ đều sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội của Đài Loan, thực tế này có tác động đến nhận thức về GIÁ TRỊ “Taiwanese” ngày càng đậm hơn.
3c) Sẵn nói chút về xứ Đài trước kia…
Đã từng có người Hoa tìm đến Đài Loan để làm ăn, sinh sống từ thời nhà Minh. Nơi đây, cũng từng tiếp nhận văn hóa Hà Lan từng “đóng” ở đây… NHƯNG, chính thức xác lập chủ quyền Đài Loan thuộc về Hoa lục là vào thời nhà Thanh: năm 1683 nhà Thanh lập “phủ Đài Loan” thuộc Phước Kiến; năm 1885, nhà Thanh tách Đài Loan khỏi Phước Kiến để lập tỉnh Đài Loan.
Tuy nhiên, năm 1895 Đài Loan không còn thuộc Trung Hoa, mà trở thành lãnh thổ thuộc chủ quyền của Nhựt Bổn (Hiệp ước Shimonoseki, ký giữa Nhựt Bổn với Đại Thanh).
Sau khi Nhựt Bổn thua trận trước Đồng Minh, kết thúc Thế chiến thứ 2, Nhựt Bổn tuyên bố không còn thủ đắc chủ quyền đối với Đài Loan (Hiệp ước San Francisco 1951), nhưng cũng không mặc định sẽ thuộc về quốc gia nào.
(trước đó Trung Hoa đại lục, đại diện bởi Đại Thanh, vào năm 1895 đã từ bỏ chủ quyền đối với Đài Loan).
/IV/ GHI CHÚ THÊM
* Tên gọi “Taiwan” đã từng trở thành tên hiệu của một quốc gia, dù ngắn ngủi. Đó là vào năm 1895-1896 ra đời “Đài Loan dân chủ quốc (臺灣民主國), một quốc gia cộng hòa (Tổng thống là Đường Cảnh Tùng)…
* Đài Loan có diện tích 36.193 km2 (xếp hạng 135), diện tích như rứa nhưng xem ra vẫn lớn hơn so với Vương quốc Bỉ 30.689 km2 (hạng 137), Quốc gia Israel 20.770 km2 (hạng 151), Qatar 11.586 km2 (160), và lớn hơn nhiều so với Cộng hòa Singapore chỉ 727km2 (hạng 178)!
“Nhỏ mà có võ” đó đa! Chẳng hạn Singapore nhỏ xíu mà GDP đầu người lên đến 57714 USD, Vương quốc Bỉ 43324 USD/đầu người, Israel 40270 USD/ đầu người…
Và Đài Loan cũng được gọi là một “kỳ tích” trong sự tăng trưởng kinh tế: 32679 USD/ đầu người (cao hơn rất nhiều so với China 12733 USD/đầu người).
--------------------------------------------------------------------------
https://www.facebook.com/100012719672028/posts/pfbid02vxvejKoTXhf18NmeHb3o7652DFDG2deHwwMJxUsXr516F2bs21EHcBkLdSWsfdvel/
Không có nhận xét nào