Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn văn Tuấn - Thiên kiến tiêu cực

    22/01/2024

    " Tôi nghiệm ra rằng phần lớn những thoá mạ nạn nhân có vẻ xuất phát từ việc thỏa mãn cái bản ngã của người phát biểu hơn là làm sáng tỏ sự việc. 

    Trong cuốn 'Nghĩ Về Trái Tim' tác giả Minh Niệm viết và tôi rất đồng ý: "Tệ hại nhứt là ta đã lỡ nghi oan cho một bậc nhân từ, đức hạnh — nơi qui tụ vô số năng lượng an lành của vũ trụ — thì hậu quả sẽ khôn lường. Đó là món nợ cảm xúc khổng lồ, ta và con cháu ta nhiều đời mới trả hết. Cho nên, đừng bao giờ dễ dãi buông ra sự nghi ngờ. Hãy tập ‘tự hối tâm’ hoặc bày tỏ sự ăn năn trực tiếp khi phát hiện ra mình đã lỡ nghi oan cho ai đó để hoá giải phần nào hậu quả.“

    Thành ra, nếu chỉ nhìn sự việc bằng mắt hay nghe bằng tai mà không tìm hiểu thấu đáo và đặt trong bối cảnh thì con người chúng ta — cho dù là kẻ thông thái như Khổng Tử — vẫn mắc phải sai lầm. Bài học là đừng vội đưa ra phán xét dựa vào một vài dữ kiện hay thiên kiến một chiều đang ngự toạ trong đầu".

    Cái fb feed của tôi có nhiều tin tức thời sự. Mà, thời sự VN, nhứt là hiện nay, nhìn từ truyền thông xã hội đa phần là … tiêu cực. 

    Thành ra, nhiều khi xem qua mấy bản tin fbfeed mình cũng bị ảnh hưởng theo, tức cũng có khi nhìn sự việc theo hướng tiêu cực. Cũng may là tôi có dịp đối chiếu và so sánh với thực tế, nên tinh thần không quá bi quan như nhiều bạn của tôi. Ngay cả sự việc diễn ra một cách tiêu cực thực sự, tôi cũng cố gắng nhìn theo chiều hướng tích cực của người phương Tây: ngày mai sẽ tốt hơn. 

    Tôi thấy cái fbfeed nó có phần nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ nó chỉ cung cấp thông tin một chiều. Từ đó, người đọc, nếu không sàng lọc và chắt chiu, sẽ bị thiên kiến một chiều, mà giới tâm lí học gọi là 'my side bias'. Cái thiên kiến này nhiều khi nó làm cho chúng ta nhận định sự việc sai lầm. 

    Chẳng hạn như gần đây sự việc ông Trump thắng lớn ở Iowa, nhưng vì ông ấy bị giới elites thù ghét, nên fbfeed toàn là những tin xấu về ông ấy, và họ tránh nói đến chuyện thắng lớn. Có đài tivi (như MSNBC) nói thẳng là họ kiểm duyệt, họ không cho loan tin tích cực về Trump, không phát hình bài diễn văn của ông ấy! Họ ghét luôn Vivek Ramaswamy. 

    Ôi xứ Mĩ tự do!

    Câu chuyện nói lên rằng dữ liệu có khi chỉ vậy, nhưng nếu người ta mang trong đầu thiên kiến một chiều thì sẽ hiểu theo kiểu 1 chiều. 

    'Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ'

    “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“. Đó là hai câu thơ trác tuyệt của Nguyễn Du tả nỗi buồn của Kiều lúc bị mụ Tú Bà giam cầm ở lầu Ngưng Bích. Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra cảnh xa xa rất đẹp, nào là ‘Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân‘, là ‘Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia‘, thế nhưng nàng Kiều vẫn buồn. Buồn vì lúc đó nàng cô đơn và ở một nơi rất xa lạ. Trong lòng buồn bã như thế thì cảnh chung quanh không còn đẹp hay vui nữa.

    Cũng như Kiều, cái tâm nó chi phối đến cái nhìn của chúng ta. Khi tâm trạng chúng ta phơi phới thì nhìn đâu cũng thấy vui vẻ, nhìn sự việc gì dù bi đát ra sao chúng ta cũng thấy lạc quan. Nhưng khi tâm chúng ta đen tối hay khi năng lượng suy giảm đến độ thấp, thì rất khó thấy cái hay, cái đẹp của người khác, và nhìn đâu cũng toàn là một màu xám xịt. Rất đúng với câu “Nhất thiết duy tâm tạo“, có nghĩa là mọi sự việc, mọi thiện ác và lành dữ đều do tâm mà ra.

    Tôi từng biết một người như vậy. Có lẽ xuất phát từ cuộc sống gia đình có nhiều vấn đề, anh ta gần như không có khả năng nhận xét tích cực. Anh ta có thói quen hay nghi ngờ người khác. Hầu như bất cứ ai — kể cả thân phụ anh ta và cả khôi nguyên giải Nobel — anh ấy đều đánh giá thấp! Khi đồng nghiệp được một phần thưởng, thay vì đưa ra một lời khích lệ, anh ấy quay sang nói về những lần thất bại của đồng nghiệp! 

    Trong cõi mạng cũng tồn tại không ít người như vậy. Có những người chẳng biết có vấn đề gì hay không mà rất thích phanh phui những khuyết điểm và những lầm lỡ của người khác. Rất khó biết những gì họ phanh phui là đúng hay sai. Ngay cả sự việc xảy ra ngay trước mắt mình, mà nếu không biết bối cảnh đằng sau, thì cũng dễ dàng phán xét sai lầm. 

    'We don’t see things as they are, we see them as we are'

    Người phương Tây có câu tạm dịch là "Chúng ta không nhìn sự vật như chúng thực sự vậy, mà chúng ta chỉ nhìn sự vật như chúng ta đang là." (We don’t see things as they are, we see them as we are). Nói nôm na cho dễ hiểu: cách mà chúng ta nhìn sự vật phản ảnh cái tầm của chúng ta, chứ không hẳn là sự vật. 

    Tầm chúng ta tới đâu thì chỉ nhìn sự vật tới đó. Nhớ một lần tôi trình bày một báo cáo về big data, có người trong diễn đàn nói rằng cái slide của tôi sai. Nhưng khi hỏi thêm thì tôi nhận ra ngay rằng người đưa ra nhận xét mới vào nghề nên không biết hết bức tranh của chuyên ngành, không xem kĩ và nắm vững cái thông điệp, và chưa phân biệt được 'high level language' và 'low level language'. Không trách anh ấy, bởi vì trình độ của anh ấy chỉ tới đó. Bài học là trước khi ai đó sai / wrong thì nên suy nghĩ lại 'hay là trình độ của mình chưa tới.' 

    Một ví dụ nhỏ: tôi thường viết theo cách viết hồi mình lớn lên ở trong Nam, như 'hành chánh', 'chánh phủ', 'Tân Sơn Nhứt', v.v. và thế là một số bạn trẻ bắt bẻ rằng tôi viết sai 'chính tả' (chánh tả). 'Bắt bẻ' là còn nhẹ, có người, xem ra cũng có tuổi kha khá, còn đem mấy chữ đó ra mỉa mai và mạt sát tôi nữa. Nhưng tôi nghĩ rằng sự bắt bẻ của họ phản ảnh cái sự học mà họ được dạy theo kiểu một chiều, hễ cái gì không giống với cách viết của họ đều là sai. 

    'Thấy vậy mà không phải vậy' 

    Viết tới đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện nồi cơm Nhan Hồi, một đồ đệ của Khổng Tử. Chuyện kể rằng một hôm, Khổng Tử thấy Nhan Hồi mở nắp nồi rồi lấy đũa bới cơm và đưa vào miệng ăn. Thấy vậy, Khổng Tử thất vọng trước người đệ tử xuất sắc và than rằng “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lí? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!” Sau đó, để thử lòng Nhan Hồi, Khổng Tử đề nghị xới một chén cơm để cúng cha mẹ ông. Các đệ tử đều đồng ý, ngoại trừ Nhan Hồi im lặng. Khi được hỏi tại sao, Nhan Hồi thưa rằng:

    “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch … khi cơm chín con mở nắp nồi ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em … Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”

    Nghe giải thích xong, Khổng Tử mới than rằng “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

    Câu chuyện này rất nổi tiếng và được kể đi kể lại trong sách vở Phật giáo và tâm lí xã hội học. Bài học là ngay cả chính mắt mình thấy hay chính tai minh nghe mà vẫn có thể hiểu lầm, bởi sự việc ‘thấy vậy mà không phải vậy.’

    Thành ra, tôi nghĩ nếu mình tin vào mấy cái fbfeed thì cũng rất rất dễ bị sai lầm và gây tội lỗi đối với người khác. Một khi cái tâm đã không ổn hay có thiên kiến trong đầu, người ta sẽ bận rộn đi tìm kiếm chứng cớ để chứng minh cho cái thiên kiến của họ. Hậu quả là họ tiêu ra thời giờ để thoả mãn cái tâm tiêu cực. 

    Thế nhưng trong thực tế vẫn có nhiều người, có học thức đàng hoàng, phán xét sự việc vội vã như vậy. Thấy báo Nhà nước đăng gì tiêu cực về một nhân vật náo đó là có người tin ngay và thoá mạ nạn nhân. Có người có xu hướng xem báo chí là chân lí. Câu chuyện Thiền Am là một ví dụ tiêu biểu. Rồi câu chuyện các luật sư xin đi tị nạn bên Mĩ cũng rộ lên những phán xét và thoá mạ họ như là những kẻ thất bại, nhưng vấn đề là những người đưa ra phán xét hình như cũng không biết sự thật đằng sau sự tị nạn của họ. 

    Tôi nghiệm ra rằng phần lớn những thoá mạ nạn nhân có vẻ xuất phát từ việc thỏa mãn cái bản ngã của người phát biểu hơn là làm sáng tỏ sự việc. 

    Trong cuốn 'Nghĩ Về Trái Tim' tác giả Minh Niệm viết và tôi rất đồng ý: "Tệ hại nhứt là ta đã lỡ nghi oan cho một bậc nhân từ, đức hạnh — nơi qui tụ vô số năng lượng an lành của vũ trụ — thì hậu quả sẽ khôn lường. Đó là món nợ cảm xúc khổng lồ, ta và con cháu ta nhiều đời mới trả hết. Cho nên, đừng bao giờ dễ dãi buông ra sự nghi ngờ. Hãy tập ‘tự hối tâm’ hoặc bày tỏ sự ăn năn trực tiếp khi phát hiện ra mình đã lỡ nghi oan cho ai đó để hoá giải phần nào hậu quả.“

    Thành ra, nếu chỉ nhìn sự việc bằng mắt hay nghe bằng tai mà không tìm hiểu thấu đáo và đặt trong bối cảnh thì con người chúng ta — cho dù là kẻ thông thái như Khổng Tử — vẫn mắc phải sai lầm. Bài học là đừng vội đưa ra phán xét dựa vào một vài dữ kiện hay thiên kiến một chiều đang ngự toạ trong đầu.

    https://www.facebook.com/t.nguyen.2016


    Không có nhận xét nào