Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyến Văn Tuấn - Bán con vs cho con

    25/01/2024

    " Không có bà mẹ nào muốn ‘bán con’. Nhưng hoàn cảnh khó khăn khiến họ phải cho con để người khác nuôi. Đó là trường hợp của cô hàng xóm tôi và cũng là trường hợp của vợ chồng Nhung – Tuấn và bà Cầm. Thế nhưng có sự khác biệt lớn về kết cục giữa họ. Bản án dành cho Nhung – Tuấn chênh vênh đến độ người ta phải đặt câu hỏi: có phải những người dưới đáy xã hội không có quyền hưởng công lí? Hay là những người cầm cán cân công lí không có cái tâm để thấu tình mà chỉ có bộ máy để đạt lí? Nếu vậy thì họ đang gieo mầm cho những bất công, mà bất công chính là mối đe doạ đến công lí".  

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2024/01/screen-shot-2024-01-25-at-4.12.53-pm.png?w=1024

    Bản cam kết này là giấy thoả thuận, trong thời gian chờ hoàn thiện hồ sơ đủ để tiến hành thủ tục cho nhận con nuôi theo quy định của pháp luật

    fb đã xoá bỏ cái note của tôi về vụ 'cho con' [1]. Tuy nhiên, cácbạn có thể đọc trên trang blog của tôi: 

    https://nguyenvantuan.info/2024/01/25/ban-con-vs-cho-con

    Tôi thấy bài báo trên Người Lao Động tường thuật khách quan và đáng đọc: 

    https://nld.com.vn/.../xon-xao-vu-me-ban-con-50-ngay-tuoi...

    Bài báo trên Công An Trà Vinh cũng tường thuật chi tiết và khách quan: 

    https://congan.travinh.gov.vn/.../404-Tre-em-khong-phai... 

    “[…]Thạch Thị Kim Nhung kể lại qua mạng xã hội thấy có hội cho và nhận con nuôi, Nhung đã đăng tin muốn tìm gia đình hiếm muộn để cho bé gái 50 ngày tuổi và được Nguyễn Hữu Dương liên hệ, trao đổi, ngã giá với thân phận là một người phụ nữ cần tìm con nuôi. Cuộc giao dịch được diễn ra một cách nhanh chóng sau đó với niềm tin rằng bé con sẽ có cuộc sống tốt hơn khi được nuôi dưỡng trong một gia đình khá giả và tất cả điều tốt đẹp đó chỉ là trong suy đoán và suy nghĩ của Nhung chứ hoàn toàn không có một sự cam kết chắc chắn nào bằng văn bản từ phía người nhận nuôi và sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Nhung cho biết em vào trang cá nhân của người nhận nuôi, thấy gia đình họ khá giả nên em cũng yên tâm mà không có yêu cầu làm giấy tờ gì.” 

    *** 

    [1] Nói chung, mấy trò AI này nó phạm nhiều sai lầm lắm (và đó cũng là một nhắc nhở rằng đừng quá tin vào AI).

    Bán con vs cho con

    Tôi nghĩ phân định ‘bán con’ với ‘cho con’ tuỳ thuộc vào ý định trong đầu chứ không phải xác định bởi những qui chụp cảm tính của báo chí hay phán xét của toà.

    Ở quê tôi nhiều năm trước có một trường hợp mà nói theo cách nói ngày nay là ‘bán con’. Cô ấy là người Khmer, chẳng biết tằng tịu với ai mà có một cặp song sanh trai. Nhưng vì quá nghèo và gia đình không chấp nhận nên cô ấy đành cho con. Hai đứa con may mắn được một gia đình người Mĩ ở Ohio nuôi. Mãi đến hơn 10 năm sau, cô ấy mới liên lạc được với gia đình người Mĩ. Tôi là người tìm được gia đình đó và nối kết hai bên với nhau.

    Sau này, tôi có dịp hỏi cô ấy là tại sao cho con. Cô ấy nói trong rưng rưng nước mắt rằng do đơn thân và nghèo quá mà lại bị tật, nên không thể nuôi con. Cô ấy nghĩ rằng quyết định cho con là ‘làm phước’ cho con, giải thoát con khỏi cái nghèo. Quả thật, hai đứa con bây giờ là hai thanh niên trưởng thành tốt nghiệp đại học và có việc làm vững vàng ở Mĩ.

    Câu chuyện ‘bán con’ ở Trà Vinh

    Trường hợp cô hàng xóm tôi may mắn hơn nhiều so với hai vợ chồng Thạch Thị Kim Nhung và Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn ở Trà Vinh. Theo các nguồn tin mà tôi có được thì Nhung là một cô gái Khmer nghèo từ Trà Vinh lên TPHCM làm mướn, và cô ấy gặp Tuấn, rồi hai người ở với nhau như vợ chồng. Trong một lần trả lời phỏng vấn, họ cho biết rằng sở dĩ chưa làm đám cưới vì cả hai quá nghèo. Ấy vậy mà có vài phóng viên của báo chí Nhà nước viết một cách xách mé rằng họ là “vợ chồng hờ”!  

    Khi Tuấn đi nghĩa vụ quân sự thì ở nhà Nhung hạ sanh đứa con đầu lòng. Khi Tuấn xong nghĩa vụ quân sự về lại với Nhung thì hai người có thêm ba con. Trong gia đình, Tuấn là người có việc làm (phụ hồ) và thu nhập chỉ chừng 120,000 đồng / ngày. Mà, công việc cũng bấp bênh chứ không ổn định. Họ quyết định cho đứa con 50 ngày tuổi để hi vọng có ít tiền nuôi 3 đứa còn lại. Theo báo Người lao động, Nhung muốn “cho một trẻ sơ sinh làm con nuôi với giá 20 triệu đồng” [1].

    Xin nhấn mạnh là ‘cho’. Thật vậy, trong biên bản mà công an thu giữ được có đoạn viết:

    “Tôi xin trình bày sự việc như sau: Tôi có sinh một bé trai nặng 2,8 kg tại B.V Sóc Trăng nhưng do hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để nuôi cháu nên tôi nhờ anh chị nuôi cháu khôn lớn trưởng thành.

    Tôi xin cam kết sẽ không đòi lại con cũng như không làm phiền gia đình nhận nuôi dưới mọi hình thức. Tôi trao quyền nuôi dưỡng con trên tinh thần tự nguyện và không có mưu cầu cá nhân gì.

    Tôi viết bản cam kết này trong trạng tháo hoàn toàn tỉnh táo và không bị ép buộc. Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.  

    Bản cam kết này là giấy thoả thuận, trong thời gian chờ hoàn thiện hồ sơ đủ để tiến hành thủ tục cho nhận con nuôi theo quy định của pháp luật.”

    Người nhận là Nguyễn Hữu Dương ở Hà Tĩnh. Một số nguồn tin cho rằng Dương là một kẻ buôn người. (Không nói ra thì ai cũng biết buôn người là trọng tội, và kẻ buôn người bị xã hội lên án. Việt Nam bị liệt kê vào danh sách các nước có tệ nạn buôn người). Theo báo Người lao động [1] thì Dương có ý định bán cháu bé cho người khác, nhưng chưa thực hiện ý đồ thì đã bị công an Trà Vinh và Bến Tre bắt giữ.

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2024/01/screen-shot-2024-01-25-at-4.13.05-pm.png?w=770

    Nguyễn Hữu Dương, người đóng vai hiếm muộn giàu có, nhưng thật ra là kẻ buôn người. 

    Bản án gây tranh cãi

    Điều lạ lùng là khi ra toà (ngày 15/1/2024) thì Dương được miễn trách nhiệm hình sự vì “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”, và hệ thống tư pháp “tạm đình chỉ điều tra” để y đi điều trị!  Còn hai vợ chồng Nhung – Tuấn thì bị kết án tổng cộng 23 năm tù giam!

    Bản án gây ra nhiều tranh cãi và bức bối trong công chúng. Ts Tô Văn Trường viết (và tôi nghĩ nhiều người đồng tình với anh ấy) rằng:

    ” … Và Toà đã xử người chồng 13 năm tù, vợ 10 năm, để lại 4 đứa con bỗng dưng bơ vơ như trẻ mồ côi. Luật pháp không cấm cho và nhận con nuôi, ở đây có thể do nhận thức vụng dại, đôi vợ chồng nghèo khó đã biến gia đình thành bi kịch đau thương, khốn cùng. Từ vụ án xét xử người dân ‘thấp cổ bé họng‘ này, nhìn lại các vụ án xử các quan chức, người dân thấy rõ ‘độ vênh‘ và sự bất cập của hệ thống tư pháp Việt Nam.“

    Bản án đó không thuyết phục được công chúng vì nhiều lẽ. Có thể bản án đó ‘đạt lí’, nhưng nó không ‘thấu tình’. Không thấu tình là vì phiên toà chưa xem xét đến các yếu tố mang tính bối cảnh:

    Hai vợ chồng Nhung – Tuấn không có ý định cho con để ai đó có khả năng tài chánh nuôi dưỡng (chứ không phải bán con). Họ cũng ý thức rằng họ sẽ hoàn tất hồ sơ theo pháp luật qui định. Về khía cạnh này, họ cũng giống như cô gái hàng xóm tôi ở dưới quê.

    Họ không phải là ‘vợ chồng hờ’ như báo chí cố ý nói xách mé; họ đã ở với nhau 5 năm và sanh 4 đứa con.

    Họ cũng cố gắng bươn chải (chứ không phải lười biếng) nhưng vì Covid và kinh tế khó khăn nên thu nhập không thấm vào đâu.

    Họ không đủ khả năng nuôi con nên tìm người hiếm muộn để cho con. Chẳng may họ gặp Dương là một kẻ lái buôn người đóng vai người hiếm muộn.

    Nhìn nhận như vậy để thấy hai vợ chồng Nhung – Tuấn là nạn nhân của kẻ buôn người tên Dương. Đúng như tác giả Đặng Chung Ngạn viết: “Kẻ đáng vào tù trong vụ án này là Nguyễn Hữu Dương” [2].

    Thật vậy, báo Trà Vinh viết như sau: “[…]Thạch Thị Kim Nhung kể lại qua mạng xã hội thấy có hội cho và nhận con nuôi, Nhung đã đăng tin muốn tìm gia đình hiếm muộn để cho bé gái 50 ngày tuổi và được Nguyễn Hữu Dương liên hệ, trao đổi, ngã giá với thân phận là một người phụ nữ cần tìm con nuôi. Cuộc giao dịch được diễn ra một cách nhanh chóng sau đó với niềm tin rằng bé con sẽ có cuộc sống tốt hơn khi được nuôi dưỡng trong một gia đình khá giả và tất cả điều tốt đẹp đó chỉ là trong suy đoán và suy nghĩ của Nhung chứ hoàn toàn không có một sự cam kết chắc chắn nào bằng văn bản từ phía người nhận nuôi và sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Nhung cho biết em vào trang cá nhân của người nhận nuôi, thấy gia đình họ khá giả nên em cũng yên tâm mà không có yêu cầu làm giấy tờ gì.” [3]

    Mấy ngày gần đây, cư dân mạng so sánh vụ ‘bán con’ của vợ chồng Nhung – Tuấn và câu chuyện bán con có liên quan đến ông Chủ tịch Quốc hội. Báo Giáo Dục Việt Nam có một bài viết cảm động về tuổi thơ của ông Chủ tịch, mà trong đó tiết lộ rằng lúc gia đình thiếu ăn, mẹ ông (Võ Thị Cầm) phải bán ông cho một gia đình giàu có [4]. Tuy nhiên, câu chuyện kết thúc có hậu khi  sau này bà chuộc con về. Bài báo viết [4]: “Bán con là trường hợp bất khả kháng. Những năm tháng xa con, lòng tui khi mô cũng như lửa đốt.”

    Không có bà mẹ nào muốn ‘bán con’. Nhưng hoàn cảnh khó khăn khiến họ phải cho con để người khác nuôi. Đó là trường hợp của cô hàng xóm tôi và cũng là trường hợp của vợ chồng Nhung – Tuấn và bà Cầm. Thế nhưng có sự khác biệt lớn về kết cục giữa họ. Bản án dành cho Nhung – Tuấn chênh vênh đến độ người ta phải đặt câu hỏi: có phải những người dưới đáy xã hội không có quyền hưởng công lí? Hay là những người cầm cán cân công lí không có cái tâm để thấu tình mà chỉ có bộ máy để đạt lí? Nếu vậy thì họ đang gieo mầm cho những bất công, mà bất công chính là mối đe doạ đến công lí.  

    ******

    [1] https://nld.com.vn/phap-luat/xon-xao-vu-me-ban-con-50-ngay-tuoi-o-tra-vinh-20221221094432284.htm

    [2] https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=1510773389482022&id=100016481266182

    [3] https://congan.travinh.gov.vn/catv/ch12/404-Tre-em-khong-phai-la-mot-mon-hang.mhtml

    [4] https://giaoduc.net.vn/tuoi-tho-du-doi-cua-bo-truong-vuong-dinh-hue-post15290.gd

    Click to share on Facebook (Opens in new window)

    Click to share on Twitter (Opens in new window)

    Click to share on LinkedIn (Opens in new window)

    https://nguyenvantuan.info/2024/01/25/ban-con-vs-cho-con/?fbclid=IwAR13bIm2Z-0242hYT7rWBmK1LOUyLaglWQhz7cu7UYNCUbI7l1U74qRsfQQ


    Không có nhận xét nào