Quê Hương tổng hợp
Việt Nam và Philippines sắp ký thỏa thuận hợp tác về Biển Đông
24/01/2024
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại một họp báo ở Manila, Philippines hôm 10/1/2024
AFP
Một thỏa thuận hợp tác biển giữa Hà Nội và Manila dự kiến sẽ được ký trong chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào tuần tới.
Mạng báo Inquirer của Philippines loan tin ngày 23/1 dẫn bản thảo cuối cùng Biên bản Ghi nhớ (MOU) về hợp tác biển giữa Lực lượng Tuần Duyên Philippines và Tuần Duyên Việt Nam sắp được ký kết.
Theo Inquirer, một thỏa thuận như thế cho phép hai nước quản lý tốt hơn xung đột tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines; cũng như tiến hành các hoạt động “phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, luật quốc gia của mỗi bên, và những công ước quốc tế mà cả hai nước tham gia ký kết.
Động thái ký kết thỏa thuận hợp tác biển của Việt nam và Philippines được cho là nhằm xây dựng một mặt trận đoàn kết giữa các quốc gia đang vướng vào tranh chấp lãnh hải chồng lấn với Trung Quốc tại Biển Đông.
Vào tuần tới, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ công du Việt Nam vào khi hai nước tìm cách củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược.
Cả hai phía cũng tìm cách củng cố hợp tác trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, môi trường, chia sẻ thông tin, và trao đổi nhân dân.
Trong chuyến công du Việt Nam vào tuần tới của Tổng thống Philippines, hai phía cũng sẻ ký một thỏa thuận về gạo.
EU đưa năm mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt vào diện kiểm soát
RFA
24/01/2024
Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đi nhiều nuớc trên thế giới
Công thương
Năm mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này.
Năm mặt hàng gồm ớt chuông, mỳ ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và thanh long. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 23/1.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), cho truyền thông hay, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được thông tin từ Ban thư ký WTO về thông báo của EU về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU. Đối với Việt Nam, EU đưa ra danh sách gồm năm mặt hàng nêu trên.
So với thông báo của sáu tháng cuối năm 2023, theo ông Nam, Việt Nam có bốn mặt hàng gồm đậu bắp, mỳ ăn liền, ớt chuông, thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra như trước. Chỉ riêng có mặt hàng sầu riêng thì phải bổ sung tần suất kiểm tra là 10%.
Theo ông Ngô Xuân Nam, việc sầu riêng sẽ phải chịu tần suất kiểm tra 10% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Việc EU tăng hay giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của các nước thứ ba là hoạt động thường xuyên theo quy định.
Theo quy định của EU, cứ sáu tháng một lần, Nghị viện châu Âu sẽ họp và xem xét đánh giá tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc phi động vật của nước thứ ba nhập khẩu vào EU.
Không chỉ có nông sản, thực phẩm của Việt Nam, nhiều mặt hàng nông sản của các nước khác cũng áp dụng tương tự.
Vẫn theo ông Nam, trong năm 2023, Việt Nam chỉ có 67 cảnh báo, giảm năm cảnh báo so với cùng kỳ năm 2022. Về sầu riêng, sáu tháng cuối năm 2023, Việt Nam chỉ có ba lô hàng sầu riêng hơn một tấn vi phạm quy định của EU. “Đó cũng là một trong những lý do sầu riêng bị EU đưa vào diện kiểm soát”, ông Nam nhấn mạnh.
Kiều hối chuyển về TP HCM năm 2023 tăng cao nhất trong 10 năm
23/01/2024
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới
Kiều hối chuyển về TP HCM trong năm 2023 đạt gần 9,5 tỉ USD, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, được báo chí trong nước dẫn lời cho biết.
Ông Lệnh cho biết rằng so với mức dự báo hồi tháng 12-2023, số kiều hối chuyển về thực tế cao hơn 500 triệu USD, theo báo Tuổi Trẻ
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng nói rằng so với năm 2022, kiều hối chuyển về tăng tới 43,3% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, duy trì tỉ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước (trên 50%).
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo ông Lệnh, kiều hối chuyển về TP HCM tăng nhờ xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài.
Tin cho hay, xét theo khu vực, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỉ trọng cao nhất là 50,5%, tăng trưởng 143,8% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Phi và châu Mỹ đều giảm.
Ông Lệnh được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng “kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về thu hút kiều hối, các hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao, hoạt động kết nối đã trở thành yếu tố nền tảng và động lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn lực kiều hối trong thời gian qua.”
Vào tháng trước, khi dự đoán về lượng kiều hối trong năm 2023, Phó Chủ tịch Thành phố HCM Võ Văn Hoan nói rằng mức đạt 9 tỷ USD là nhiều gấp 3 lần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thành phố. Theo ông Hoan, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố lớn nhất cả nước 3,4 tỷ USD.
TP HCM hiện chiếm hơn một nửa lượng kiều hối của cả nước, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước được VnExpress dẫn lại.
Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM dự báo trong năm nay, khi tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn, lượng kiều hối đổ về thành phố sẽ tăng khoảng 20%.
Hãng công nghệ Việt VNG dừng IPO ở Mỹ, gây thắc mắc về tăng trưởng
24/01/2024
Hãng VNG của Việt Nam được biết tiếng rộng rãi về nhiều trò chơi trên mạng.
Hãng công nghệ VNG có tiếng tăm ở Việt Nam mới đây rút lại hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ, AFP và Bloomberg đưa tin. Động thái này làm dấy lên những câu hỏi về kế hoạch tăng trưởng của hãng chuyên về trò chơi và nhắn tin trên internet.
“Hãng đã quyết định không tiến hành đăng ký chào bán vào thời điểm này và dự định sẽ nộp hồ sơ đăng ký mới trong tương lai”, theo tuyên bố ngày 19/1 do Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) Lê Hồng Minh ký, công bố trên trang web của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ hôm 22/1, được AFP và Bloomberg dẫn lại hôm 23/1.
Tuyên bố không cho biết lý do rút hồ sơ cũng như khung thời gian trong tương lai.
VNG, có trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, từ chối bình luận về vấn đề này, theo tin của Bloomberg và AFP.
Khi có tin về việc dừng IPO, cổ phiếu của VNG, được mua bán trên sàn giao dịch UpCom dành cho các hãng đại chúng chưa niêm yết của Việt Nam, đã giảm tới 6% hôm 23/1, là mức giảm nhiều nhất kể từ ngày 16/1.
Là một trong những hãng phát hành trò chơi trên mạng hàng đầu Việt Nam và cũng được coi là một trong những hãng công nghệ khởi nghiệp hứa hẹn nhất đất nước, VNG nộp đơn về IPO ở Mỹ hồi tháng 8/2023, sau khi hãng chế tạo xe hơi điện Việt Nam VinFast lên sàn ở New York.
Trong cùng năm 2023, VNG cho hay họ đặt mục tiêu bán gần 22 triệu cổ phiếu trong đợt IPO và có kế hoạch mở rộng hoạt động tới Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latin.
Trả lời phỏng vấn AFP hồi tháng 12/2023, CEO Minh nói hãng của ông sẽ chỉ niêm yết trên sàn Nasdaq “khi thị trường thuận lợi”.
Hãng đã từng hoãn kế hoạch IPO hồi tháng 9/2023 để chờ cho đến khi nhu cầu trên thị trường trở nên khá hơn.
Ban đầu có tên là Vinagame, VNG được thành lập vào năm 2004 với chức năng là nhà phát hành trò chơi. Hiện nay, hãng phát triển và phát hành các trò chơi của chính hãng cũng như các phiên bản được nội địa hóa dựa trên các bản quốc tế được nhiều người chơi. Bên cạnh đó, hãng cũng đã dần dần mở rộng sang nhiều loại dịch vụ như chia sẻ nhạc, phát video trực tuyến, nhắn tin và thanh toán di động.
Hãng cho hay trong số các cổ đông của hãng có cả Tencent, công ty khổng lồ về internet của Trung Quốc, và quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek.
VNG đã cân nhắc việc IPO ở Mỹ ít nhất là từ năm 2017.
Vẫn là dự án trên giấy, tuyến metro số 2 của Hà Nội đã cần tăng vốn gần gấp đôi
24/01/2024
Một phần infographic trên báo Lao Động về sự đội vốn của dự án đường sắt Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, Hà Nội; 22/1/2024.
Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo của thủ đô Việt Nam, hiện vẫn nằm trên giấy, giờ đây cần số vốn nhiều gần gấp đôi so với dự tính đặt ra hồi năm 2008, nhiều báo trong nước đưa tin, dẫn lại một tờ trình của chính quyền thành phố Hà Nội.
Theo tin trên Dân Trí, Lao Động và một số báo khác hôm 22/1, Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã gửi văn bản đề nghị thủ tướng Việt Nam điều chỉnh việc đầu tư cho tuyến tàu đô thị dài 11,5 kilomet còn có tên gọi là “tuyến 2”.
Thay đổi lớn nhất mà Hà Nội xin được duyệt là tổng vốn đầu tư sẽ tăng hơn 81%, từ mức hơn 19,5 nghìn tỷ đồng được duyệt hồi năm 2008 lên thành gần 35,6 nghìn tỷ đồng. Các báo trong nước như Dân Trí, Lao Động, Cafebiz, Cafeland… gọi đây là sự “đội vốn” sau hơn 15 năm không thể khởi công dự án.
Các báo Việt Nam dẫn thông tin từ chính quyền Hà Nội tường thuật rằng những hạng mục tăng vốn đầu tư nhiều nhất là chi phí cho xây dựng và thiết bị, phải cần thêm lần lượt là gần 6,7 nghìn tỷ đồng và hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.
Vẫn chính quyền Hà Nội lý giải rằng việc tăng tổng mức đầu tư do có các thay đổi về quy mô, tỷ giá quy đổi, biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và tiền lương..., trong khi tổng mức đầu tư cũ đã được bên tư vấn tính toán ra dựa trên mức đầu tư của các công trình tương tự ở một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ… từ thời những năm 2000.
Không có thông tin về ngày khởi công dự án, song các báo Việt Nam trích dẫn lời UBND Hà Nội đề xuất rằng dự án sẽ được hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành trong năm 2029.
Theo tìm hiểu của VOA, quy hoạch của Hà Nội nhắm đến xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị, gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, cần đến tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỷ đô la.
Tuy nhiên, do nhiều vấn đề, đến nay, Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến hoạt động từ cuối năm 2021 là Cát Linh-Hà Đông. Như VOA đã đưa tin, bản thân tuyến này cũng bị đội vốn từ mức hơn 8,7 nghìn tỷ đồng được duyệt năm 2008 (tương đương gần 553 triệu đô la) lên thành 18 nghìn tỷ đồng vào năm 2017 (khoảng 868 triệu USD).
Hà Nội đang xây dựng tuyến Nhổn-ga Hà Nội và chuẩn bị xây tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, nhưng cả 2 dự án này đều chậm tiến độ và bị đội vốn.
Hà Nội nói Mỹ dán nhãn ‘kinh tế phi thị trường’ cho Việt Nam ‘có hại’ cho quan hệ song phương
BBC News
24/01/2024
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự bữa tiệc trưa cấp Nhà nước do Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (phải) chủ trì tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào ngày 11/9/2023
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ hôm thứ Ba vừa thúc giục Washington đưa nước này ra khỏi danh sách ‘nền kinh tế phi thị trường’. Nhãn hiệu này kéo theo các mức thuế trừng phạt lên hàng hoá Việt Nam mà theo Hà Nội, nếu duy trì sẽ ‘có hại’ cho mối quan hệ song phương đang ngày càng trở nên mật thiết, theo Reuters.
Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cho hay họ đang xem xét tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam sau khi Hà Nội nói rằng họ cần phải được đưa ra khỏi danh sách này – vốn được áp dụng với các trường hợp chống bán phá giá - do những cải cách trong nền kinh tế những năm gần đây.
Nhãn hiệu nền kinh tế phi thị trường - cũng được áp dụng cho Nga và Trung Quốc do nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế - cùng với các nước khác, cho phép Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao hơn đáng kể lên hàng nhập khẩu từ các quốc gia được chỉ định bằng cách dựa vào giá uỷ quyền của nước thứ ba.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, việc đánh giá này, được bắt đầu từ 24/10/2023, cần phải được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức khoảng giữa tháng Bảy.
“Tất nhiên, chúng tôi muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường,” đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, rằng Việt Nam không còn phù hợp với một nhãn hiệu được áp dụng cho chỉ 12 nước, qua đó, tạo ra những thay đổi và bước tiến đáng kể cho vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
“Bạn có thể tưởng tượng được không, với cái mà chúng ta vừa làm, cái mà chúng ta nỗ lực để đạt được, và nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước, liệu có chấp nhận được rằng Việt Nam nằm trong số 12 nước… tệ nhất trên thế giới?”
“Do đó không thể chấp nhận được,” ông Dũng nói. “Tôi cho rằng nếu Bộ Thương mại Mỹ không chấp thuận việc này, tôi nghĩ điều đó sẽ rất rất tệ cho cả hai nước.”
Năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính năm ngoái cũng kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.
Ông Dũng nói rằng Việt Nam mong muốn Mỹ đầu tư nhiều hơn để nâng cao vị thế của Hà Nôi trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và để đáp ứng các cam kết về phát thải carbon.
“Chúng tôi muốn có nhiều hơn các thị trường thuận lợi và mở cho cả hai quốc gia, hàng hoá và dịch vụ, ông Dũng nói. “Tất nhiên, ít các vụ việc bị điều tra hơn.”
Ông Dũng nói Hà Nội hi vọng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo một ngày nào đó sẽ bao gồm khả năng tiếp cận thị trường, điều mà các nước châu Á đang tìm kiếm.
Ông cũng nói rằng Việt Nam muốn Mỹ giúp nhiều hơn trong việc xử lý bom mìn chưa nổ - di sản của Chiến tranh Việt Nam.
“Những điều mà chúng ta đã làm là rất tuyệt vời, nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn thế,” ông nói. “Chúng ta cần tăng tốc, và chúng ta cần nhiều kinh phí hơn.”
Ông Dũng được hỏi về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump, người mà chính quyền của ông ta từng đe doạ sẽ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam sau các cáo buộc về thao túng tiền tệ, hiện là ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hoà.
Ông Dũng nói rằng có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng cho quan hệ đối tác. “Sự nhiệt tình có thể thay đổi theo từng thời điểm, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Sự phát triển của thời đại, ở mỗi quốc gia.”
Tổng thống Đức không hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Nam/VNTB
24/01/2024
(VNTB) – Ngày đầu tiên của phái đoàn Đức tại Hà Nội, Tổng thống Steinmeier đã không hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lịch trình dự kiến.
Chiều 23-1, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân đã đến dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch.
Trưa 23-1, không lâu sau khi đặt chân đến Hà Nội, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cùng phu nhân đã đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trên các cương vị ngoại trưởng và phó thủ tướng Đức, ông Frank-Walter Steinmeier đã hai lần thăm Việt Nam vào tháng 3-2008 và tháng 10-2016.
Dù trên cương vị nào, ông Frank-Walter Steinmeier vẫn dành sự quan tâm cho quan hệ Việt Nam – Đức. Ông được đánh giá là người có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước, sự phát triển và hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Đây cũng là chuyến thăm thứ hai của một tổng thống Đức tới Việt Nam trong lịch sử quan hệ hai nước kể từ khi nước Đức thống nhất. Cách đây 17 năm, Tổng thống Đức Horst Kohler đã tới thăm Việt Nam vào tháng 5-2007.
Dự kiến, một cuộc tọa đàm giữa đoàn doanh nghiệp tháp tùng tổng thống với các doanh nghiệp Đức và các tổ chức doanh nghiệp Đức đang làm ăn ở Việt Nam sẽ được tổ chức. Trong ngày thứ hai ở Việt Nam (ngày 24-1), tổng thống và đoàn sẽ thăm và khảo sát một số dự án của Đức tại TP.HCM và khu vực lân cận. Đoàn cũng sẽ có một số hoạt động văn hóa và ngoại giao nhân dân trong khuôn khổ chuyến thăm.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội, phát hành hôm 19-1 viết: “Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân Bà Elke Büdenbender có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 1 năm 2024.
Qua chuyến thăm này, Tổng thống Steinmeier muốn nhấn mạnh mục tiêu của Đức là mở rộng và đa dạng hóa quan hệ chính trị và kinh tế với Việt Nam. Tháp tùng Tổng thống Steinmeier là một phái đoàn doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Steinmeier sẽ có các buổi hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Bên cạnh đó, Tổng thống Steinmeier sẽ tới thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như gặp gỡ các học viên, giáo viên, các đối tác tuyển chọn lao động để tìm hiểu về chủ đề trao đổi lao động lành nghề giữa Việt Nam và Đức. Sau đó, Tổng thống dự kiến sẽ có một buổi trò chuyện về chủ đề tiểu sử và kinh nghiệm nhập cư.
Trong ngày làm việc thứ hai tại Việt Nam, Tổng thống sẽ rời đi Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông và đoàn doanh nghiệp Đức sẽ có cuộc trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam. Chủ đề trọng tâm là các triển vọng trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước. Sau đó, Tổng thống sẽ tới thăm trường Đại học Việt Đức (VGU) và có bài phát biểu trước sinh viên và giảng viên của trường”.
Tuy nhiên trên trang nhà của Tổng thống Steinmeier, ở bản tin phát hành ngày 23-1, cho biết lịch trình như sau: Buổi chiều: Lễ đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng dân tộc, liệt sĩ. Sau đó, Trụ sở Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự nghi thức đón chào của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Tiếp đến là trò chuyện với Chủ tịch nước. 15g45 họp báo chí.
Sau đó, tại trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam, hội kiến Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Sau đó trò chuyện với Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ.
Buổi tối, Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC): Phát biểu tại Quốc yến của Chủ tịch nước.
Thứ tư 24-1-2024. Buổi sáng, tại trụ sở Chính phủ, trò chuyện với Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính.
Sau đó bay tới Thành phố Hồ Chí Minh.
13g00, “Ngôi nhà Đức” TP.HCM. Ăn trưa cùng đại diện doanh nghiệp Đức tại Việt Nam theo lời mời của Phòng Ngoại thương Đức tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức
15g15, Đại học Việt Đức Bình Dương tham quan và phát biểu với sinh viên và giáo viên. Sau đó trao đổi với sinh viên và giáo viên Đức và Việt Nam.
Buổi tối Nhà hàng Đu Đủ Xanh: Thảo luận cùng các chuyên gia về chủ đề mua bán người và quyền phụ nữ.
Chuyến bay tối đi Bangkok/Thái Lan”.
Thế nhưng tin tức thực tế ở ngày đầu tiên của phái đoàn Tổng thống Đức tại Hà Nội đã không thấy diễn ra sự kiện hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không có nhận xét nào