Quê Hương tổng hợp
Uan Tieu: MC Đức Bảo phải xin lỗi ai?
Viết từ Sài Gòn
15/01/2024
Đang lúc không có gì để tiêu khiển, tình cờ đọc phây thấy MC Đức Bảo xin lỗi về câu nói gì đó. Bình thường thì mấy cái vụ trong giới này tôi thường dẹp qua một bên, nhưng hôm nay không có gì tiêu khiển, thôi thì thò mỏ làm đàn bà một chút, có ảnh hưởng gì tới giới tính đâu mà lo.
Nhìn mặt người này thì thấy khá trẻ, cậu ấy đã nói cái câu mà giờ phải xin lỗi như sau: "Nếu sinh con ra để thừa kế sự vất vả nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng là một loại lương thiện".
Vì hôm nay không có gì tiêu khiển nên tôi sẽ gạt phứt mấy cái luân lý, triết học qua một bên, để đóng cho tròn vai một đứa không có gì tiêu khiển, tạm lấy cái tào lao ra làm tiêu khiển.
Tôi không biết cậu này xin lỗi ai, ai đã lôi kéo đám đông bắt cậu này phải xin lỗi, bởi vì lời của cậu làm tôi giựt mình. Tôi giựt mình vì tôi đã từng nghĩ như vậy trước khi sinh con.
Cha mẹ nào không thương con cái, không muốn cho chúng có cuộc đời tốt đẹp hơn mình. Cho nên tôi nghĩ: sanh chúng ra để chúng đi quét lá đa thì sanh làm gì? Sanh chúng ra để chúng phải gánh một khoản nợ vay của đất nước thì sanh chúng ra để làm gì? Sanh chúng ra mà để chúng học trong một nền giáo dục như giẻ rách, xà quần không có lối thoát thì chúng học được gì? Thế thì ít ra tôi cũng phải lo cho chúng ra nước ngoài du học để làm tôi mọi cho ngoại bang thì cuộc sống cũng khá hơn, nhưng tôi cày cuốc quanh năm, ăn còn không đủ no thì lấy tiền đâu để làm việc đó. Vậy tôi sanh chúng ra để chúng chui rút trong ổ chuột ăn thịt thúi, cá ương mà dòm bọn kia ở biệt phủ, đi siêu xe, ăn bò dát vàng, thì có ác với chúng hay không?
Nhưng tôi lại nghĩ: Cuộc sống của mình đã bất an, ốm đau bệnh tật mà không tiền thì ai thèm trị, còn sức thì còn cày, làm ngày nào ăn ngày đó. Nhưng hết sức rồi thì sẽ ra sao? Ai mà lo cho. Thế thì lại phải sanh con, sanh được con gái thì cũng có đủ đường. Như bà năm cuối xóm có con gái đi làm đĩ, mà cơm ăn đủ ba bữa, lo gì đói nghèo; như ông hai có con gái, bán ra nước ngoài qua cách lấy chồng, cũng có tiền đô để xài. Nếu may mắn hơn, có chút nhan sắc thì dịch vụ lo cho kiếm cái giải người đẹp đâu khó gì, có danh rồi thì đêm kiếm cả chục ngàn đô, thì lo gì không trả được nợ. Ngon hơn thì làm “bé đường” cho tham quan, ăn được tiền của chúng cũng có cái thú của nó. Bởi tiền của chúng ở đâu mà có? Chúng nào làm ra tiền, mà đó chính là ăn chặn từ xương máu của bọn cùng đinh như tôi.
Vậy mà hôm nay tôi đã giựt mình, vì có chút cảm giác cậu MC nói mình không lương thiện. Thế thì quay đầu đi làm người tử tế có được không? Nhưng cái danh này nghe cũng có gì đó không ổn, vì có kẻ lũng đoạn cả nên kinh tế, vơ vét của cải, thao túng quyền hành, tạo ra một bầy lâu la để chúng cướp khắp nơi, ăn cả trên xác người, vậy mà khi thất thế cũng đi làm người tử tế được đó.
Trở lại câu hỏi ai đã lôi kéo đám đông bắt câu MC xin lỗi? Tôi vừa nhớ ra câu chuyện mà khi còn nhỏ chạy chơi trong xóm, tình cờ nghe lóm được: Có một ông nhà văn đi ngắm phố nói chỉ thấy “mưa sa trên màu cờ đỏ” mà thôi. Thế là ổng bị chất vấn: Tại sao cả một bức tranh tươi đẹp như bồng lai tiên cảnh mà anh chả thấy gì? Anh không thấy theo cái tôi muốn anh thấy thì tức là anh chống đối.
Thì ra là như vậy, cậu MC này lỗi nặng lắm… Một khi nghĩ ra được vấn đề gì thì đó cũng là một cách tiêu khiển, viết xong rồi ra ngoài đứng hút thuốc thì đó cũng là một cách tiêu khiển, và hôm nay tôi đã có được cái thú tiêu khiển.
Sài-gòn, ngày 15/01/2023.
Ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, bị bắt
BBC News
16/01/2024
Nguồn hình ảnh, Công an TP HCM
Chụp lại hình ảnh,
Công an đang thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Công Khế
Hai cựu tổng biên tập báo Thanh Niên là ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông vừa bị bắt, thông tin từ cơ quan công an cho biết.
Ngày 16/1, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam, cho biết Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Công Khế.
Website chính thức của Công an TP HCM viết:
“Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra vụ án ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí’. Quá trình điều tra đến nay xác định: Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên và Nguyễn Quang Thông - nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, đã có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.”
Cũng theo nguồn này, “căn cứ kết quả điều tra, ngày 16/01/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự. Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên.”
Công an TP HCM cũng cho biết đang “tập trung khẩn trương mở rộng điều tra để làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác có liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.”Cùng bị bắt với ông Nguyễn Công Khế còn có ông Nguyễn Quang Thông. Công an cho biết các sai phạm của 2 ông này được xác định xảy ra trong thời gian lãnh đạo báo Thanh Niên.
Ông Nguyễn Công Khế sinh năm 1954 tại Quảng Nam, là nhà báo, đồng sáng lập báo Thanh Niên và tổng biên tập báo Thanh Niên từ năm 1988 đến năm 2008.
Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, được nhận huy chương vì sự nghiệp báo chí, trước khi bị bắt là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên
Ông Nguyễn Quang Thông là người kế nhiệm ông Khế trên cương vị tổng biên tập báo Thanh Niên. Ông làm tổng biên tập báo Thanh Niên từ năm 2008 đến năm 2021 thì nghỉ hưu.
Nguyễn Thanh Luận - Thấy gì qua đại án Việt Á?
Đọc qua các điểm nhấn mạnh của cáo trạng và cách mà báo chí mô tả vụ án Việt Á trong suốt nhiều tuần qua, thì tiền có vẻ là vấn đề duy nhất đáng được quan tâm.
Ông Nguyễn Thanh Long nhận của ai bao nhiêu tiền? Ông Phan Quốc Việt chuẩn bị bao nhiêu tỉ đồng, quy đổi ngoại tệ như thế nào v. v ... là các tình tiết chính trong những mô tả về vụ án.
Tuy nhiên, câu hỏi về số phận của những con người bị ép phải xét nghiệm mỗi ngày dẫn đến khả năng lây nhiễm chéo ; những người đã mất, những người không còn người thân trong suốt giai đoạn chống dịch Covid-19 dường như vẫn không được trả lời.
Cuối cùng, những con số trăm tỉ đó đã ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định chính sách nói trên? Nó đã cô lập bao nhiêu đứa trẻ? Và làm ly tán bao nhiêu gia đình?
Thật vậy! Thấy gì qua đại án Việt Á? Điều thấy rất rõ là: Tham nhũng không chỉ giết một vài người như những tội ác man rợ thường xuất hiện trên các đầu báo. Tham nhũng giết hại hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người.
15/01/2024
Báo chí Việt Nam gỡ hết bài về tháp chuông “cảng cáp treo Vinpearl” bị sập
Khánh Trang
15/01/2024
(VNTB) – Báo chi Việt Nam đồng loạt xoá bỏ tin Tháp chuông cao 10 m của “cảng cáp treo Vinpearl” bị đổ sập khi đang xây dựng.
Ngày 14/1, công trình “cảng cáp treo Vinpearl” nằm trong khu vực cảng Nha Trang (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) đang xây dựng thì bất ngờ đổ sập phần tháp chuông cao 10 m. Đây là công trình thuộc dự án rộng hàng nghìn m2 chạy dọc biển, ở phường Vĩnh Nguyên, xây theo kiến trúc châu Âu.
Thông tin ban đầu là nhiều giàn giáo, sắt thép, phần đất đá của công trình nằm ngổn ngang, hơn chục xe tải, máy xúc được điều động thu dọn hiện trường. Công trình này dự kiến sẽ khai trương vào cuối tháng 1/2024.
Nhưng chỉ sau một vài giờ, các tin tức bất lợi kiểu này cho Vingroup đã được báo chí chính thống tại Việt Nam gỡ sạch. Bài viết đồng loạt bị xoá, khi bấm theo đường dẫn bài viết đều chỉ thấy lỗi 404, kể cả “cache” cũng được gỡ sạch sẽ.
Bài viết về vụ sụp tháp chuông ở Nha Trang hôm 14/1/2023 tuy chỉ thông tin vắn tắt về vụ sụp tháp chuông đang xây dựng, nhưng không nêu tên chủ đầu tư, chủ công trình là ai cũng được coi là “nhạy cảm”. Tuy báo chí không nói ra tháp của ai, công trình của ai nhưng người dân ai cũng biết đó là ai.
Trong bối cảnh tin tức tích cực về Vinfast, công ty con của Vingroup, mới được tung ra hồi tuần rồi như đầu tư mới vào Ấn Độ tới 2 tỉ đô la, tổng thống Indonesia được Vượng Vin đích thân lái xe đưa đi thăm nhà máy sản xuất xe điện, … thì vụ sập tháp nhà ga của Vinpearl lại làm cho công sức của bộ phận truyền thông Vingroup bị đổ sông đổ biển.
Hiện trường vụ việc cũng như một khúc đường Trần Phú gần với khu vực có tháp sụp đã bị phong toả, cấm không cho phóng viên tác nghiệp, cả cơ quan chức năng cũng chưa đến được hiện trường làm rõ vụ việc. Tất cả đều được bưng bít.
“Khi phóng viên có mặt tại hiện trường để ghi nhận vụ việc thì bị nhiều người được cho là bảo vệ công trình ra ngăn cản.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã thông báo mình là nhà báo, đang tác nghiệp đúng Luật Báo chí, đứng phía ngoài phạm vi công trình, khu vực không cấm quay phim chụp ảnh… nhưng vẫn bị những người nêu trên liên tục đeo bám, dùng tay che chắn, cản trở phóng viên ghi hình.
Đến hiện tại, chưa có cơ quan chức năng địa phương triển khai đến hiện trường làm rõ vụ việc. Chưa xác định được vụ việc có xảy ra thương vong hay không, chưa ai có thể tiếp cận bên trong hiện trường vì bảo vệ đã phong tỏa một đoạn đường Trần Phú dẫn vào đây khu vực này.”
Có những “người Vin” còn cãi cọ trên mạng rằng hình tháp sụp là do “phô tô shóp”. Thông tin tháp sụp là sự thật, và việc Vingroup yêu cầu xoá bỏ thông tin đã tạo hiệu ứng ngược cũng là thật. Thay vì che giấu, Vingroup nên đưa tin thật, trình bày rõ về sự cố cũng như phương án khắc phục vụ việc thì ít ra người dân cũng sẽ có cảm tình với sự thành thật của Vingroup.
Tuy nhiên, đó là Vingroup. Vingroup che giấu thông tin tích cực đã không còn là chuyện khác thường. Nói xấu Vinfast hay Vingroup bị công an phạt cũng đã là chuyện bình thường. Vụ sụp đổ công trình, tai nạn trong xây dựng là điều bình thường.
Nhưng Vingroup đã biến điều bình thường thành bất thường khiến cho số người quan tâm đến vụ việc tăng cao, kích thích sự tò mò và độc giả sẽ cố tìm cho được thông tin để đọc. Đây là lúc những trang báo không chính thống, hay được liệt kê vào loại “phản động” sẽ phát huy tác dụng phục vụ độc giả mà không bị Vingroup hay Ban Tuyên giáo chi phối.
Việc gỡ bài, che giấu thông tin không chỉ đơn giản là việc sụp đổ một phần công trình nào đó. Nhưng có thể điều Vingroup muốn che giấu là một bức tranh lớn hơn, đó là chất lượng các công trình xây dựng của Vingroup.
Vingroup đã đầu tư rất rất nhiều tiền vào bất động sản, xây dựng những thành phố hào nhoáng như Paris, Venice theo gu thẩm mỹ và thị hiếu của trọc phú ở hầu như khắp các nơi đắc địa từ nam chí bắc ở Việt Nam. Những thành phố này vẫn vắng bóng người mua. Nếu chất lượng công trình bị nghi ngờ, người mua hay nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà nữa.
Một nghi, mười ngờ về chất lượng công trình nhà ở không chỉ của Vingroup mà tất cả những nhà đầu tư khác trong nước cũng sẽ bị kéo theo. Trong khi thị trường bất động sản vẫn đang thoi thóp, bất kỳ tin tức tiêu cực nào cũng có thể là một cú đấm knock out.
Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến người giàu nhất Việt Nam phải cho bưng bít thông tin bằng mọi giá. Và sau Vingroup, đâu chỉ có một mình Phạm Nhật Vượng.
Ngày 16-1-2024 xét xử lưu động 100 bị cáo vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk
Trường Sơn
16/012024
(VNTB) – 100 người dân tộc thiểu số được cho là tham gia tấn công vào trụ sở UBND ở Đắk Lắk, giết chết 4 cán bộ công an xã, làm bị thương 2 cán bộ công an xã khác.
Theo nội dung vụ án, vào đêm 10-6-2023, khoảng 100 đối tượng là người dân tộc thiểu số, tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết 4 cán bộ công an xã, làm bị thương 2 cán bộ công an xã khác.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết định đưa ra xét xử lưu động 100 bị cáo, trong đó, có 53 bị cáo về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân”; 39 bị cáo về tội “Khủng bố”; 1 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”; 1 bị cáo về tội “Che giấu tội phạm”. Ngoài ra, có 6 bị cáo ở nước ngoài là Y Mút Mlô, Y Bút Êban, Y Niên Êya, Y Čik Niê, Y Chanh Byă và Y Quynh Bdap bị xét xử vắng mặt tội “Khủng bố”.
Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 10 ngày.
Theo nội dung vụ án, vào đêm 10-6-2023, rạng sáng 11-6-2023, khoảng 100 đối tượng là người dân tộc thiểu số, chia thành 2 nhóm tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết 4 cán bộ công an xã, làm bị thương 2 cán bộ công an xã khác. Trên đường rút chạy, các đối tượng tiếp tục phá hoại nhiều tài sản của người dân, uy hiếp 3 người dân làm con tin, chặn xe giết chết 2 cán bộ xã cùng 3 người dân khác.
Cơ quan công tố cho rằng đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe cán bộ, người dân, phá hủy tài sản cơ quan, tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với mục đích nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga”.
Dự đoán là các bản án tuyên sẽ không quá nặng nề khi ở họp báo trước phiên xét xử, phía đại diện chính quyền tỉnh đã thông báo rằng: Trong quá trình xét xử, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ đánh giá toàn bộ tài liệu chứng cứ, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tính chất, mức độ phạm tội để quyết định hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo. Qua đó, vừa đảm bảo sự nghiêm minh, tính răn đe, vừa đảm bảo sự khoan hồng, tính giáo dục, nhân văn của pháp luật, đồng thời thể hiện được đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay.
Sau khi có bản án, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước thực hiện việc chuyển giao 6 đối tượng đang bị truy nã quốc tế về Việt Nam để thi hành án.
Ở vụ án này, lần đầu tiên cho thấy xuất hiện cụm từ “Lính Đêga”.
Theo quan sát bước đầu của luật sư N.L.P., phía tố tụng đưa ra cụm từ “Lính Đêga” có ít nhất là hai ẩn tình: thứ nhất, ‘chuyển giao’ trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự từ ‘phe cánh Công an’ sang cho bên ‘Quân đội’. Trước đó Bộ trưởng Công an Tô Lâm được Bộ Chính trị phân công kiêm nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Và điều này cho thấy xảy ra ‘biến loạn Tây nguyên’ đưa đến thương vong là có trách nhiệm quản lý của tướng Tô Lâm.
“Tôi cho rằng phía tố tụng sử dụng cụm từ ‘Lính Đêga’ mang tính trung dung theo kiểu tự hiểu đây có thể là tổ chức thuộc “Nhà nước Đê Ga” hay “Cộng hòa ĐêGa” đều được. Bởi “Đêga” còn được hiểu là “người Thượng”. Và phía Hà Nội đã từng đưa ra cáo buộc Quỹ người Thượng (tên tiếng Anh: Montagnard Foundation, Inc.), còn gọi là Sáng Hội Người Thượng hoặc Tổ chức Người Thượng, đã đứng sau lưng hậu thuẫn các cuộc bạo loạn Tây nguyên.
Trong khi đó thì Quỹ người Thượng chỉ là một tổ chức với mục tiêu chống Nhà nước Việt Nam và “bảo vệ cuộc sống và văn hóa người Thượng ở Tây Nguyên, Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình”. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1990 có trụ sở ở Nam Carolina (Hoa Kỳ) và do Ksor Kok, một người dân tộc Jarai đứng ra làm chủ tịch.
Giờ dùng ‘Lính Đêga’ là cụm từ trung dung cho nhiều hàm ý tùy vào trường hợp để phản hồi công luận từ phía tố tụng trong vấn đề nhân quyền” – luật sư N.L.P., chia sẻ cảm nhận ban đầu khi tiếp nhận thông tin về phiên hình sự sơ thẩm như nêu trên.
Truyện cười: Sóng to gió lớn
Trần Thế Kỷ
15/01/2024
1. Trong bài “Đại biểu quốc hội ‘thành khẩn’ nhận tội bảo kê: Mặt mũi nào cho quốc hội” (đã đăng trên VNTB), tác giả Cảnh Chân viết:
“Ông Lưu Bình Nhưỡng là đại diện cho một nhóm lãnh đạo dối trá, mị dân với bức bình phong đại biểu quốc hội”.
Thật là buồn khi đọc những dòng trên. Nhưng buồn thì cũng phải chịu nếu quả thực có chuyện ông Nhưỡng đã “thành khẩn” nhận tội bảo kê, cưỡng đoạt hàng tỷ đồng tài sản của dân.
Cảnh Chân viết tiếp: “Lời khai ‘thành khẩn’ của Lưu Bình Nhưỡng không chỉ là cái tát vào mặt những người còn đặt niềm tin vào ông Nhưỡng, mà còn là cái tát vào mặt quốc hội”.
Rất đúng, quá đúng. Nhưng chưa đủ. Đó còn là cái tát vào mặt chế độ, vào mặt đảng Cộng sản Việt Nam.
Rốt cuộc, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng thực là mũi tên trúng nhiều đích của Bộ Công an!
2. Hai người bạn trò chuyện:
– Sư quốc doanh cứ vi phạm hết lần này tới lần khác.
– Thế mới là sư quốc doanh.
– Đã tới lúc GHPGVN rũ bỏ cái áo quốc doanh.
– Khó lắm. Đảng lập ra cái GHPG quốc doanh là để dễ bề cai trị. Muốn giải tán cái GH quốc doanh đó thì phải giải tán Đảng.
– Đúng là khó. Thôi thì bà con Phật tử mê muội cứ tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc bằng cách vái lạy cái sợi lông nách hay lông gì đó của mấy thằng sư dỏm!
3. Mấy người bạn trò chuyện:
– Vụ Thích Trúc Thái Minh chưa dứt thì lại tới một sư trụ trì ở Đồng Nai bị tố cáo là dâm ô với một sư cô.
– Đẹp mặt. Cái GHPG quốc doanh ngày càng tai tiếng.
– Ai nói đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ…
– Một vị cao tăng từng nói: “Không nơi nào ma quỷ nhiều bằng nơi chùa miếu”.
– Thật là chí lý. Khi làm trò bậy bạ với sư cô như thế, có lẽ sư ta nghĩ rằng cây nhà lá vườn dẫu sao vẫn hơn bọn gái mại dâm.
– Có lẽ vậy. Cây nhà lá vườn thì bảo đảm là hàng sạch. Xin chúc mừng thầy đã thành chánh quả!
4. Hai người bạn trò chuyện:
– Chính quyền Cuba thông báo giá xăng sẽ tăng hơn 500% kể từ 1/2/2024.
– Điều này cho thấy kinh tế Cuba vốn đã khó khăn giờ càng thêm khó khăn.
– Đúng vậy. Chính phủ Cuba nói không thể tiếp tục bán xăng với giá trợ cấp trong bối cảnh thiếu ngoại tệ và phải chịu lệnh cấm vận kéo dài của Mỹ.
– Vấn đề là nếu Cuba không ương ngạnh thì Mỹ đã bỏ cấm vận từ lâu. Đằng này đám lãnh đạo cứ câng câng cái mặt thì làm gì Mỹ nó không ghét.
– Đúng vậy. Đối với chính quyền Cuba thì dân chết mặc dân, miễn là tao không chết.
– Mà thôi, xăng đắt thì đi xe đạp, có làm sao đâu.
– Xăng tăng thì dân Cuba có khi chuyển sang xe điện. Đây sẽ là dịp tốt cho anh Vượng. VinFast có bao nhiêu xe cứ tung hết vào Cuba, vừa giải quyết xe ế vừa thể hiện tình anh em XHCN.
– Có lý. Nhưng anh Vượng phải bán với giá chỉ bằng một phần mười giá ở VN thôi. Bán đắt chó nó mua!
Việt Nam và Philippines sẽ ký thỏa thuận về gạo vào tháng này
16/01/2024
Công nhất chất gạo lên tàu tại một nhà máy gạo ở Việt Nam năm 2017 (minh hoạ)
Reuters
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. dự kiến sẽ ký một thỏa thuận về gạo với Việt Nam trong chuyến công du đến Hà Nội vào cuối tháng 1/2024.
Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Laurel Jr. cho truyền thông nước này biết tin vừa nêu trong ngày 16/1. Ông nói rõ một dự thảo về thỏa thuận làm việc đã có.
Vào tháng 9/2023, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta, Indonesia, Tổng thống Philippines và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đồng ý sẽ đúc kết một thỏa thuận về gạo có hiệu lực năm năm giữa hai nước.
Truyền thông Philippines dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng “Chúng tôi mong có một khung hợp tác ổn định về mua bán gạo cho một giai đoạn kéo dài; ít nhất là năm năm”.
Philippines hiện là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, và là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong tháng 7/2023, Philippines nhập gần 1,94 triệu tấn gạo của Việt Nam với tổng kim ngạch gần 985 triệu USD. Con số này chiếm đến gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Việt Nam vào năm ngoái là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đứng sau Ấn Độ và Thái Lan.
Vào tháng 7/2023, Ấn Độ tuyên bố ngưng xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát. Biện pháp này khiến giá gạo thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Dự án điện mặt trời của hãng Trung Quốc kết nối với mạng lưới điện
16/01/2024
Nhà máy của Trinasolar
Petro Times
Hãng sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc là Trinasolar mới đây thông báo việc kết nối vào mạng lưới điện dự án điện mặt trời áp mái công suất 12,6 MW tại nhà máy của hãng ở tỉnh Thái Nguyên.
Trinasolar là hãng đầu tư và xây dựng của dự án này.
Dự án được dự kiến sẽ cung cấp khoảng 11,29 KW giờ điện mỗi năm, đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện của nhà máy. Sản lượng tế bào và module pin năng lượng mặt trời của nhà máy dự kiến sẽ đạt 4GW và 6GW, cải thiện khả năng cung ứng của công ty cho thị trường Đông Nam Á.
Trinasolar (còn gọi là Trina) hiện là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt nam.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Reuters cho biết Trina đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Việt Nam để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với mặt hàng này từ Trung Quốc.
Reuters dẫn ba nguồn tin giấu tên cho biết nhà sản xuất pin điện mặt trời này sẽ đầu tư từ 400 triệu đến 600 triệu dô la đầu tư vào nhà máy mới có diện tích 25 ha tại một khu công nghiệp. Nhà máy dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025.
Hồi giữa năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra kết luận rằng Trian và bốn công ty sản xuất pin mặt trời khác của Trung Quốc sử dụng nhà máy ở Thái Lan và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để lẩn tránh thuế trừng phạt lên tấm pin năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất mà Mỹ áp đặt.
Nestlé đầu tư thêm 100 triệu đô la vào nhà máy ở Việt Nam
16/01/2024
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An
VGP/MT
Hãng Nestlé Việt Nam hôm 8/1 công bố dự định đầu tư thêm 100 triệu đô la và nhà máy hiện có của hãng tại tỉnh Đồng Nai, đưa tổng vốn đầu tư của nhà máy này lên hơn 500 triệu đô la. Mục tiêu là nhằm đáp ứng nhu cầu thế giới cho các dòng sản phẩm như Nescafé, Nescafé Dolce Gusto và Starbucks.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và Nestlé là công ty mua nhiều cà phê của Việt Nam nhất với tổng chi phí thu mua hàng năm lên đến hơn 700 triệu đô la.
Nhà máy Trị An của Nestlé ở Đồng Nai là một trong sáu nhà máy mà hãng hiện có tại Việt Nam và cũng là nhà máy lớn nhất chuyên sản xuất các dòng sản phẩm bao gồm cà phê, nước uống ca cao, gia vị nấu ăn. Sản phẩm cà phê từ nhà máy này đã được xuất đi hơn 29 quốc gia với các dòng sản phẩm Nescafé, Nescafé Dolce Gusto, Nesperesso,Starbucks, và Blue Bottle (dòng sản phẩm cao cấp cho thị trường Mỹ).
Tính đến nay, Nestlé đã đầu tư gần 830 triệu đô la thông qua Công ty TNHH Nestlé Việt Nam với bốn nhà máy và hai trung tâm phân phối. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, công ty đang vận hành ba nhà máy.
Không có nhận xét nào