Header Ads

  • Breaking News

    Chuyển động Quốc Phòng (29/12 – 4/1/2024)

    Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2024/01/israel-palestine-protest_e05dfeb1-471e-4233-8f0a-4b18b481f099.jpg

    Chiến tranh Nga – Ukraine:

    Nga tấn công Kharkiv bằng tên lửa và drone

    Nga đã tấn công thành phố Kharkiv của Ukraine bằng tên lửa và drone trong đêm giao thừa sau khi Moscow cáo buộc Kyiv thực hiện một cuộc không kích chết người ngay bên kia biên giới ở Belgorod gần đó. Trong đợt tấn công đầu tiên của Nga, ít nhất 6 tên lửa đã bắn trúng Kharkiv, làm ít nhất 28 người bị thương và đánh trúng các tòa nhà dân cư, khách sạn và cơ sở y tế. Sau đó gần nửa đêm, nhiều đợt drone của Nga tấn công các tòa nhà dân cư ở trung tâm Kharkiv gây ra hỏa hoạn trong thành phố.

    Xem thêm tại: Reuters, Russia pounds Kharkiv with missiles and drones, Ukraine says. Truy cập ngày 1/1/2024

    Không quân Ukraine đánh chặn toàn bộ tên lửa ‘siêu thanh’ Nga

    Lực lượng Không quân Ukraine sáng thứ ba báo cáo đã vô hiệu hóa thành công mười tên lửa siêu thanh của Nga. Ngoài ra, Ukraine còn tiêu diệt thêm 59 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555/Kh-55, cùng với 3 tên lửa hành trình Kalibr. Kinzhal là tổ hợp tên lửa hàng không siêu thanh của Nga có kích thước và hình dáng giống tên lửa đạn đạo của hệ thống tên lửa Iskander. Tốc độ tối đa của tên lửa Kinzhal được công bố là 10 Mach và được vận chuyển bởi máy bay đánh chặn MiG-31K đã được cải tiến có khả năng mang một tên lửa và tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2000 km.

    Xem thêm tại: Defence Blog, Ukrainian Air Forces intercept all Russian ‘hypersonic’ missiles. Truy cập ngày 3/1/2024

    Anh gửi 200 tên lửa phòng không tới Ukraine

    Anh đang gửi khoảng 200 tên lửa phòng không tới Ukraine để giúp bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng khỏi drone và ném bom của Nga. Tên lửa phòng không do nhà thầu quốc phòng MBDA sản xuất tại Anh, được thiết kế để phóng từ máy bay bao gồm máy bay chiến đấu Typhoon và F-35. Tính đến nay, Anh đã cam kết viện trợ quân sự tổng cộng 5,9 tỷ USD cho Ukraine.

    Xem thêm tại: Reuters, Britain to send 200 air defence missiles to Ukraine. Truy cập ngày 30/12/2023

    Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu dò mìn của Anh viện trợ cho Ukraine

    Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ ba cho biết họ sẽ không cho phép hai tàu săn mìn của Anh đi qua vùng biển khi hai tàu này đang trên đường tới Biển Đen để viện trợ cho Ukraine. Ankara viện dẫn lý do không cho phép tàu Anh qua vùng biển do điều này sẽ vi phạm hiệp ước quốc tế liên quan đến việc đi qua eo biển trong thời chiến. Tháng trước, Anh cho biết họ sẽ chuyển hai tàu dò mìn của Hải quân Hoàng gia cho Hải quân Ukraine để giúp tăng cường các hoạt động trên biển của Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

    Xem thêm tại: Reuters, Turkey to block UK minehunter ships intended for Ukraine. Truy cập ngày 3/1/2024

     

    Chiến tranh Israel – Hamas:

    Israel phủ nhận cáo buộc đàm phán với các nước khác về việc tiếp nhận người nhập cư Gaza

    Israel hôm thứ tư đã phủ nhận một báo cáo của The Times of Israel rằng Tel Aviv đang “đàm phán với Congo” để thảo luận về khả năng di dời hàng nghìn người Gaza đến quốc gia châu Phi này và các quốc gia khác. Trước đó, báo Zman Yisrael đưa tin rằng liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang tiến hành các liên hệ bí mật để tiếp nhận hàng nghìn người nhập cư từ Gaza đến Congo, ngoài các quốc gia khác. Thứ hai tuần trước, ông Netanyahu đã phát biểu tại một cuộc họp của phe Likud rằng ông đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư tự nguyện của người Gaza sang các nước khác. Pháp và Đức đã góp thêm tiếng nói của mình vào sự lên án quốc tế ngày càng tăng đối với Smotrich và Ben Gvir vì ý tưởng “di cư tự nguyện” của họ.

    Xem thêm tại: The Times of Israel, Israel denies it is talking to other countries about absorbing Gazan immigrants. Truy cập ngày 4/1/2024

    Israel tiếp tục tấn công dữ dội khi số người chết ở Gaza lên tới 22.000

    Các cuộc tấn công của Israel vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp Dải Gaza mà không hề có dấu hiệu thuyên giảm khi số người chết tại khu vực này đã tăng lên trên mốc mới nhất là 22.000. Trong khi đó, các cuộc tấn công trên không và trên bộ vẫn tiếp tục diễn ra, bao gồm cả ở miền nam Gaza, nơi hàng trăm nghìn người phải di dời đã được hướng dẫn để tìm nơi an toàn. Tổng số người Palestine thiệt mạng ở Gaza kể từ ngày 7/10 đến nay là 22.185 người, trong khi ít nhất 57.000 người bị thương.

    Xem thêm tại: Al Jazeera, Israel maintains onslaught as Gaza death toll tops 22,000. Truy cập ngày 3/1/2024

    Israel rút quân khỏi Gaza khi chiến tranh bước vào giai đoạn mới

    Israel đang rút một số lực lượng khỏi Gaza để chuyển sang các chiến dịch tập trung nhắm vào Hamas hơn, đồng thời đưa một số lực lượng dự bị trở lại cuộc sống dân sự để hỗ trợ nền kinh tế khi cuộc chiến có vẻ sẽ kéo dài sang năm mới. Các quan chức Israel cho biết họ sẽ tiến hành chiến dịch Gaza theo ba giai đoạn chính. Đầu tiên là pháo kích dữ dội để dọn đường cho lực lượng mặt đất và khuyến khích dân thường sơ tán. Kế đến là cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 27 tháng 10. Với việc xe tăng và quân đội hiện đã tràn ngập phần lớn Dải Gaza, phần lớn khẳng định quyền kiểm soát mặc dù các tay súng Palestine vẫn tiếp tục phục kích từ các đường hầm và hầm trú ẩn, quân đội đang chuyển sang giai đoạn thứ ba.

    Xem thêm tại: Reuters, Israel to pull some troops from Gaza as war enters new phase. Truy cập ngày 2/1/2024

    Israel tiêu diệt phó thủ lĩnh Hamas ở Beirut

    Israel hôm thứ ba đã tiêu diệt phó thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri trong một cuộc tấn công bằng drone ở thủ đô Beirut của Lebanon. Theo đó, Saleh al-Arouri, 57 tuổi, là lãnh đạo chính trị cấp cao đầu tiên của Hamas bị ám sát kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công trên không và trên bộ nhằm vào những người cai trị Hamas ở Gaza. Việc giết chết ông Saleh al-Arouri có thể làm tăng nguy cơ chiến tranh Israel-Hamas lan rộng ra ngoài Dải Gaza. Nhóm Hezbollah được vũ trang mạnh mẽ của Lebanon, một đồng minh của Hamas, đã đấu súng gần như hàng ngày với Israel qua biên giới phía nam Lebanon kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu.

    Xem thêm tại: Reuters, Israeli drone kills Hamas deputy leader in Beirut -Lebanese, Palestinian sources. Truy cập ngày 4/1/2024

     

    Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

    Trung Quốc công bố hình ảnh mới về tàu sân bay thế hệ tiếp theo

    Trung Quốc đã công bố những hình ảnh mới về tàu sân bay tiên tiến nhất, bao gồm cả các bệ phóng thế hệ tiếp theo có thể phóng nhiều loại máy bay hơn từ boong tàu. Theo đó, hình ảnh cho thấy tàu Phúc Kiến đã được đưa vào thử nghiệm, bao gồm thử nghiệm neo đậu trước khi thử nghiệm trên biển. Tàu sân bay Phúc Kiến đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống máy phóng điện từ vào tháng 11. Phúc Kiến sẽ là tàu sân bay duy nhất trên thế giới được trang bị Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) mới nhất ngoài tàu sân bay lớp Ford, một lớp tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân mới đang được phát triển cho hải quân Mỹ.

    Xem thêm tại: Reuters, China unveils new images of its next-generation aircraft carrier. Truy cập ngày 4/1/2024

    Trung Quốc loại 9 tướng PLA khỏi cơ quan lập pháp hàng đầu trong dấu hiệu thanh trừng rộng hơn

    Chín tướng lĩnh của PLA, bao gồm một số thành viên cấp cao của Lực lượng Tên lửa PLA, đã bị cách chức khỏi cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc. Những người bị sa thải bao gồm 5 chỉ huy cấp cao trong quá khứ hoặc đang phục vụ của Lực lượng Tên lửa PLA, một thành phần chủ chốt của kho vũ khí hạt nhân của đất nước, và một cựu chỉ huy lực lượng không quân. Hai người khác phục vụ trong Quân ủy Trung ương, trong khi một người là tư lệnh hải quân.

    Xem thêm tại: SCMP, China removes 9 PLA generals from top legislature in sign of wider purge. Truy cập ngày 31/12/2023

    Các nhà khoa học Trung Quốc trình diễn thiết kế vũ khí tác chiến điện tử thế hệ mới với thế giới

    Trung Quốc vừa qua tiết lộ thiết kế một loại vũ khí tác chiến điện tử mới. Theo đó, các nhà khoa học TQ cho biết loại vũ khí này có thể phóng nhiều chùm sóng điện từ tập trung từ một ăng-ten duy nhất, đồng thời nhắm vào nhiều vật thể khác nhau trên bầu trời, trên biển hoặc trên đất liền để làm gián đoạn hoạt động của chúng. Hiện tại, chỉ một số ít quốc gia đã có được công nghệ vũ khí tác chiến điện tử thế hệ mới, trong đó Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel dẫn đầu với thiết bị Scorpius-SP. Thiết bị nhỏ gọn này có kích thước gần bằng một tên lửa không đối không và có thể được gắn dưới cánh máy bay chiến đấu. Scorpius-SP có thể xác định và đồng thời ngăn chặn các mục tiêu theo nhiều hướng, bao gồm máy bay chiến đấu, radar mặt đất và thậm chí cả tên lửa đang bay tới.

    Xem thêm tại: SCMP, Chinese scientists display new-generation electronic warfare weapon design to the world. Truy cập ngày 2/1/2023

    Trung Quốc bổ nhiệm cựu Tư lệnh Hải quân làm Bộ trưởng Quốc phòng

    Trung Quốc hôm thứ sáu đã bổ nhiệm cựu Tư lệnh Hải quân Đổng Quân làm bộ trưởng quốc phòng mới để thay thế tướng Lý Thượng Phúc đã biến mất khỏi công chúng bốn tháng trước. Một yếu tố quan trọng trong công việc của ông là hợp tác với quân đội Mỹ để giảm nguy cơ xung đột ở Đài Loan và Biển Đông, hai điểm nóng mà tướng Đổng Quân, 62 tuổi, đã có kinh nghiệm. Trước khi trở thành Tư lệnh Hải quân PLA và phong hàm tướng vào năm 2021, Đổng Quân là phó tư lệnh Hạm đội Biển Đông, trụ cột của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông – lực lượng chính chịu trách nhiệm chiến đấu trên lãnh thổ Đài Loan.

    Xem thêm tại: Reuters, Chinese ex-Navy chief, with South China Sea background, named defence minister. Truy cập ngày 31/12/2023

    Ông Tập kêu gọi đặc phái viên Trung Quốc thành lập đội quân ‘ngoại giao sắt’

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ sáu kêu gọi các đại sứ Trung Quốc xây dựng một đội quân “ngoại giao sắt” trung thành với Đảng Cộng sản, làm sống lại khẩu hiệu “chiến lang”. Ông Tập cũng kêu gọi các đặc phái viên tuân thủ kỷ luật Đảng, lặp lại từ “nghiêm khắc” bảy lần trong bài phát biểu quan trọng hàng năm sau Hội nghị Công tác Đối ngoại Trung ương. Ông Tập cũng nhấn mạnh sự cần thiết của Trung Quốc trong việc tăng cường ảnh hưởng quốc tế để chống lại điều mà ông tin là những nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, đồng thời lặp lại từ “đấu tranh” 5 lần.

    Xem thêm tại: Reuters, Xi urges Chinese envoys to create ‘diplomatic iron army’. Truy cập ngày 30/12/2023

    Trung Quốc dự định duy trì tàu gần Senkaku quanh năm

    Trung Quốc có kế hoạch duy trì tàu của mình gần Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông quanh năm khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình kêu gọi củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhỏ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sau đó đã soạn thảo kế hoạch duy trì sự hiện diện của các tàu gần các đảo nhỏ mỗi ngày trong năm tới và tiến hành kiểm tra các tàu đánh cá Nhật Bản trong khu vực biển nếu cần thiết. Vào ngày 14/12, số ngày hàng năm mà Nhật Bản phát hiện tàu Trung Quốc gần quần đảo Senkaku đã vượt qua kỷ lục trước đó là 336 ngày được báo cáo vào năm 2022.

    Xem thêm tại: Kyodo News, China plans to keep ships near Senkakus 365 days in 2024. Truy cập ngày 31/12/2024

    Đài Loan phát hiện khinh khí cầu Trung Quốc trên đảo gần căn cứ không quân lớn

    Đài Loan hôm thứ tư cho biết họ đã phát hiện 4 khinh khí cầu Trung Quốc bay qua eo biển, 3 trong số đó bay qua trung tâm hòn đảo. Bộ Quốc phòng Đài Loan kể từ tháng trước đã báo cáo một số trường hợp khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan, sau đó băng qua không phận về phía bắc của hòn đảo trước khi biến mất. Đài Loan cho biết cả ba đã bay lần lượt 105 hải lý (194 km), 160 hải lý và 159 hải lý về phía tây nam của Ching Chuan Kang, địa điểm có căn cứ không quân quan trọng của Đài Loan.

    Xem thêm tại: Reuters, Taiwan spots Chinese balloons over island near major air base. Truy cập ngày 4/1/2024

    Trung Quốc chỉ trích Đài Loan ‘thổi phồng’ mối đe dọa quân sự, gửi máy bay chiến đấu

    Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ năm cáo buộc chính phủ Đài Loan cố tình “thổi phồng” mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc để giành lợi ích bầu cử trước cuộc bầu cử trên đảo chỉ trong hơn hai tuần, nhưng lại cử máy bay chiến đấu vào eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết chính quyền Đảng Tiến bộ Dân chủ đang cố tình thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa quân sự từ đại lục” và phóng đại căng thẳng liên quan đến đảng cầm quyền của Đài Loan, mà Bắc Kinh coi là phe ly khai.

    Xem thêm tại: Reuters, China decries Taiwan for ‘hyping up’ military threat, sends warplanes. Truy cập ngày 29/12/2023

    Máy bay Japan Airlines bốc cháy tại sân bay Tokyo sau va chạm với máy bay lực lượng bảo vệ bờ biển

    Một chiếc máy bay của Japan Airlines tối thứ ba đã va chạm với một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản khi hạ cánh xuống Sân bay Haneda ở Tokyo. Theo đó, máy Airbus A350 hoạt động trên chuyến bay 516 từ Sân bay New Chitose, tại thành phố Sapporo trên đảo Hokkaido phía bắc đất nước. Cảnh sát cho biết 5 trong số 6 thành viên phi hành đoàn trên máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã thiệt mạng, trong khi cơ trưởng đang trong tình trạng nguy kịch. Vụ việc xảy ra khi Nhật Bản đang quay cuồng với trận động đất lớn tấn công bờ biển Nhật Bản vào ngày đầu năm mới.

    Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan Airlines plane burns up at Tokyo airport after collision. Truy cập ngày 3/1/2024

    Kim Jong Un nói xung đột vũ trang trở thành hiện thực vì Mỹ

    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói với các chỉ huy quân sự nước này rằng phải huy động các phương tiện mạnh mẽ nhất để tiêu diệt Mỹ và Hàn Quốc nếu họ chọn đối đầu quân sự. Lời kêu gọi nâng cấp khả năng sẵn sàng quân sự của đất nước tuân theo cam kết được đưa ra khi kết thúc cuộc họp chiến lược kéo dài 5 ngày kết thúc vào thứ bảy nhằm tăng cường kho vũ khí hạt nhân, chế tạo drone quân sự và phóng ba vệ tinh do thám mới vào năm 2024. diễn ra khi Mỹ tăng cường tập trận với Hàn Quốc trong năm qua, triển khai nhiều khí tài quân sự chiến lược hơn, bao gồm tàu ​​ngầm mang tên lửa hạt nhân, tàu sân bay và máy bay ném bom cỡ lớn.

    Xem thêm tại: Reuters, North Korea’s Kim says armed conflict becoming reality because of US – KCNA. Truy cập ngày 2/1/2023

    Hàn Quốc, Mỹ tiến hành cuộc tập trận kéo dài một tuần gần biên giới Triều Tiên

    Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận bắn súng chung gần biên giới với Triều Tiên bằng vũ khí hạng nặng. Theo đó, cuộc tập trận của lữ đoàn bộ binh cơ giới hóa của Quân đội Hàn Quốc và lữ đoàn thiết giáp Stryker của Quân đội Mỹ diễn ra nhằm kiểm tra và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu mô phỏng hành động xâm lược của kẻ thù. Cuộc tập trận diễn ra trong hơn một tuần, bắt đầu từ ngày 29/12 và kết thúc vào thứ nămăm. Cuộc tập trận chung có sự tham gia của hơn 110 loại vũ khí chiến đấu lớn, bao gồm xe tăng quân đội Hàn Quốc, pháo phòng không và máy xúc đất chiến đấu được hỗ trợ bởi máy bay tấn công và xe chiến đấu bọc thép của quân đội Mỹ.

    Xem thêm tại: Reuters, South Korea, US conduct week-long firing drills near North Korea border. Truy cập ngày 4/1/2024

    Đông Nam Á:

    Ngoại trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về căng thẳng Biển Đông

    Các ngoại trưởng của khối ASEAN hôm thứ bảy bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông mà họ cho rằng có thể đe dọa hòa bình khu vực và kêu gọi đối thoại hòa bình giữa các bên. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines trong những tháng gần đây đã có những cáo buộc lẫn nhau về một loạt vụ va chạm trên biển và khi Manila viện dẫn sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận vì các nỗ lực ngoại giao đang đi theo “hướng kém”. Các ngoại trưởng ASEAN cũng tái khẳng định sự cần thiết phải “tự kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”.

    Xem thêm tại: Reuters, ASEAN foreign ministers express concern over South China Sea tensions. Truy cập ngày 31/12/2023

    Quân đội Philippines thực hiện cuộc tuần tra chung thứ hai với Mỹ đang diễn ra ở Biển Đông

    Philippines và Mỹ hôm thứ tư bắt đầu tuần tra chung kéo dài hai ngày ở Biển Đông, một động thái có thể khiến Trung Quốc khó chịu. Philippines và Mỹ lần đầu tiên tiến hành các cuộc tuần tra chung vào tháng 11, tổ chức các cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày ở vùng biển gần Đài Loan và Biển Tây Philippines (Biển Đông). Quân đội Philippines cho biết cuộc tuần tra chung lần này có sự tham gia của 4 tàu của hải quân Philippines và 4 tàu của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, bao gồm một tàu sân bay, một tàu tuần dương và hai tàu khu trục.

    Xem thêm tại: Reuters, Philippine military says second joint patrol with US underway in South China Sea. Truy cập ngày 4/1/2024

    Indonesia trì hoãn mua máy bay chiến đấu đã qua sử dụng do giới hạn tài chính

    Chính phủ Indonesia đã trì hoãn kế hoạch mua 12 máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 trước đây được Qatar sử dụng do năng lực tài chính hạn chế. Trước đó, Indonesia đã ký thỏa thuận với một đơn vị của công ty quốc phòng Czechoslovak Group để mua 12 máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 vào tháng 1 năm 2023 trị giá 801,68 triệu USD. Các máy bay phản lực đã qua sử dụng dự kiến ​​sẽ được giao trong vòng 24 tháng sau khi thỏa thuận được ký kết. Các máy bay này được Indonesia sử dụng tạm thời trong khi Jakarta chờ đợi sự xuất hiện của một số trong số 42 máy bay chiến đấu Rafale mà Jakarta đã mua vào năm 2022 với giá 8,1 tỷ USD.

    Xem thêm tại: Reuters, Indonesia delays buying used fighter jets, cites fiscal limits. Truy cập ngày 4/1/2024

     

    Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

    Xuất khẩu vũ khí của Đức đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023

    Chính phủ Đức cho phép xuất khẩu vũ khí nhiều hơn vào năm 2023 hơn bao giờ hết. Chiến tranh ở Ukraine phần nào thúc đẩy sự gia tăng này, với xuất khẩu sang Kyiv tăng hơn gấp đôi so với năm 2022. Tính đến giữa tháng 12, Đức đã cho phép xuất khẩu 12,8 tỷ USD các mặt hàng quốc phòng, trong đó 6,6 tỷ USD là vũ khí, với 5,6 tỷ USD còn lại được phân loại là “các vật phẩm quốc phòng khác”. Phần xuất khẩu lớn nhất trong năm ngoái là dành cho Ukraine. Kyiv được ủy quyền nhận hơn 4,1 tỷ euro hàng xuất khẩu quân sự từ Đức vào năm 2023 trong khi Israel nằm trong số 10 quốc gia dự kiến ​​nhận hàng đầu với 323 triệu euro.

    Xem thêm tại: Defense News, German weapons exports reached record high in 2023. Truy cập ngày 3/1/2024

    Ba Lan nối lại việc tìm kiếm mảnh tên lửa sau vụ vi phạm không phận hôm thứ Sáu

    Ba Lan đang gia hạn hoạt động tìm kiếm các bộ phận của tên lửa bị nghi ngờ của Nga vào thứ bảy, mà nước này cho rằng đã vi phạm không phận nước này vào sáng thứ sáu. Trước đó, các quan chức quân sự Ba Lan cho biết vật thể này đã rời khỏi không phận nước này trong vòng ba phút sau khi đi vào hướng biên giới với Ukraine.

    Xem thêm tại: Reuters, Poland resumes ground search after Friday airspace breach. Truy cập ngày 31/12/2023

    Mỹ và Anh tăng cường áp lực lên phiến quân Houthi để ngăn chặn các cuộc tấn công vận chuyển trên Biển Đỏ

    Anh và Mỹ đã tăng cường áp lực lên phiến quân Houthi khi phong trào của Yemen nhắm vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps hôm thứ hai cho biết Anh sẵn sàng thực hiện “hành động trực tiếp” chống lại nhóm liên kết với Iran để “ngăn chặn các mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đỏ”. Mỹ đã triển khai hai nhóm tấn công tàu sân bay đến khu vực kể từ cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của nhóm chiến binh Palestine Hamas vào miền nam Israel gây ra cuộc chiến với nhà nước Do Thái và đã mở rộng lực lượng đặc nhiệm hàng hải của mình để chống lại các cuộc tấn công vận chuyển hàng hải của người Houthis.

    Xem thêm tại: Financial Times, US and UK step up pressure on Houthi rebels to deter Red Sea shipping attacks. Truy cập ngày 2/1/2024

    Mỹ đánh chìm 3 tàu, giết chết 10 người sau vụ tấn công Biển Đỏ của Houthi

    Máy bay trực thăng của Mỹ đã đẩy lùi cuộc tấn công của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn vào tàu container của Maersk ở Biển Đỏ, đánh chìm 3 tàu và giết chết 10 phiến quân. Trận hải chiến xảy ra hôm chủ nhật khi những kẻ tấn công tìm cách lên tàu Maersk Hàng Châu treo cờ Singapore. Máy bay trực thăng từ USS Eisenhower và USS Gravely đã cùng với đội an ninh của tàu đẩy lùi những kẻ tấn công sau khi nhận được cuộc gọi cấp cứu.

    Xem thêm tại: Reuters, US sinks 3 ships, kills 10 after Houthi Red Sea attack. Truy cập ngày 2/1/2024

    Drone có vũ trang bị bắn hạ gần căn cứ Mỹ ở miền bắc Iraq

    Các hệ thống phòng không hôm chủ nhật đã bắn hạ một drone có vũ trang trên sân bay Erbil ở miền bắc Iraq, nơi lực lượng Mỹ và các lực lượng quốc tế khác đóng quân. Một nhóm có tên “Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq” cho biết họ đã phóng drone để tấn công nơi mà họ gọi là “căn cứ chiếm đóng”. Cuộc tấn công hôm chủ nhật diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi hai drone bị bắn hạ vào tối thứ bảy gần một căn cứ quân sự phía bắc Iraq được lực lượng Peshmerga của người Kurd ở Iraq sử dụng và căn cứ không quân al-Harir, nơi cũng có lực lượng Mỹ đồn trú.

    Xem thêm tại: Reuters, Armed drone shot down near US base in northern Iraq. Truy cập ngày 1/1/2023

    Quân đội Syria cho biết cuộc tấn công của Israel vào ngoại ô Damascus gây thiệt hại vật chất

    Israel sáng thứ ba đã thực hiện một cuộc không kích vào Syria xuất phát từ hướng cao nguyên Golan nhắm vào các vị trí ở ngoại ô Damascus đã gây ra một số thiệt hại vật chất. Kể từ cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas, Israel đã tăng cường tấn công vào các mục tiêu dân quân được Iran hậu thuẫn ở Syria và cũng tấn công vào hệ thống phòng không của quân đội Syria và một số lực lượng Syria.

    Xem thêm tại: Reuters, Syrian military says Israeli attack on Damascus outskirts caused material damage. Truy cập ngày 3/1/2024

    Tàu chiến Alborz của Iran tiến vào Biển Đỏ

    Tàu chiến Alborz của Iran đã tiến vào Biển Đỏ vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên tuyến đường vận chuyển quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến Israel-Hamas và các cuộc tấn công vào tàu của các lực lượng đồng minh với Tehran. Phía Iran không cung cấp thông tin chi tiết về nhiệm vụ của Alborz nhưng cho biết các tàu chiến Iran đã hoạt động ở vùng biển để đảm bảo các tuyến đường vận chuyển, chống cướp biển và thực hiện các nhiệm vụ khác kể từ năm 2009. Tàu khu trục lớp Alvand là một phần của hạm đội thứ 34 của hải quân Iran, cùng với tàu hỗ trợ Bushehr và tuần tra Vịnh Aden, phía bắc Ấn Độ Dương và eo biển Bab Al-Mandab từ năm 2015

    Xem thêm tại: Reuters, Iranian warship Alborz enters the Red Sea. Truy cập ngày 2/1/2024

    Hải quân Mỹ chấm dứt triển khai tàu sân bay ở Trung Đông

    Hải quân Mỹ cho biết hôm thứ hai rằng tàu sân bay Gerald R. Ford sẽ trở về Mỹ, kết thúc việc triển khai tới phía đông Địa Trung Hải. Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Ford chứa hơn 4.000 nhân viên và 8 phi đội máy bay, đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho sự ủng hộ của Mỹ bằng cách tiến gần hơn đến Israel sau cuộc tấn công của nhóm phiến quân Palestine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gia hạn triển khai Ford ba lần với hy vọng rằng sự hiện diện của nó sẽ ngăn cản Iran và các nhóm liên kết với Iran, đặc biệt là Hezbollah của Lebanon, tấn công Israel.

    Xem thêm tại: Reuters, US Navy ending aircraft carrier’s Middle East deployment. Truy cập ngày 3/1/2024

    Mỹ đạt thỏa thuận tăng cường hiện diện quân sự tại căn cứ Qatar

    Mỹ đã đạt được thỏa thuận kéo dài sự hiện diện quân sự tại căn cứ ở Qatar thêm 10 năm. Căn cứ được đề cập là Căn cứ Không quân Al Udeid, nằm ở sa mạc phía tây nam Doha và là nơi đặt cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Qatar là một đồng minh lớn không thuộc NATO của Mỹ, một danh hiệu được Mỹ cấp cho các đồng minh thân cận, ngoài NATO có mối quan hệ hợp tác chiến lược với quân đội Mỹ.

    Xem thêm tại: Reuters, US reaches deal to extend military presence at Qatar base – source. Truy cập ngày 4/1/2024

    Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Mali hoàn tất việc rút quân

    Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali hôm chủ nhật đã hoàn tất việc rút quân khỏi nước này. Các chuyên gia an ninh cảnh báo khu vực này giờ đây có thể trở thành tâm điểm của một cuộc xung đột ở phía bắc khi các nhóm nổi dậy và quân đội tìm cách chiếm các khu vực mà Liên hợp quốc đã rời đi. Bạo lực ở Mali đã tăng vọt kể từ tháng 6 khi chính quyền quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021 ra lệnh cho phái đoàn gìn giữ hòa bình kéo dài hàng thập kỷ của Liên Hợp Quốc rời đi. Liên Hợp Quốc cho biết chỉ có một nhóm nhỏ sẽ ở lại để giám sát việc vận chuyển tài sản và tiêu hủy các thiết bị do Liên hợp quốc sở hữu.

    Xem thêm tại: Reuters, UN peacekeeping mission in Mali completes its withdrawal. Truy cập ngày 1/1/2024

    Brazil tỏ ra lo ngại khi Venezuela chỉ trích tàu chiến Anh gửi tới Guyana

    Brazil bày tỏ lo ngại hôm thứ sau khi Venezuela phàn nàn về việc triển khai tàu chiến của Anh ngoài khơi bờ biển Guyana, làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp biên giới về vùng Esequibo giàu dầu mỏ của thuộc địa cũ của Anh. Trước đó, Anh đã điều tàu tuần tra HMS Trent của Hải quân Hoàng gia tới Guyana, nơi tàu dự kiến ​​đến vào sáng thứ Sáu. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm thứ năm đã chỉ trích việc triển khai tàu chiến và nói rằng nó vi phạm “tinh thần” của thỏa thuận đạt được giữa chính quyền Venezuela và Guyan. Hồi đầu tháng này, Venezuela và Guyana đã đồng ý tránh sử dụng vũ lực hoặc làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp biên giới kéo dài về lãnh thổ Esequibo.

    Xem thêm tại: Reuters, Brazil shows concern as Venezuela slams UK warship sent to Guyana. Truy cập ngày 30/12/2023

     

    Chuyên mục Phân tích:

    Israel đối mặt với thực tế khắc nghiệt ở Nam Gaza

    Cuộc chiến giành Khan Younis đang buộc Israel phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt rằng Hamas sẽ không bị tiêu diệt hoàn toàn. Song song với đó, hai mục tiêu của Israel, tiêu diệt các thủ lĩnh của Hamas và giải cứu tất cả con tin, đang mâu thuẫn với nhau. Về cơ bản, do Israel gần như đã chiếm được miền bắc Gaza nên Khan Younis là pháo đài cuối cùng của giới lãnh đạo Hamas. Nhưng bất chấp những thành công trong quá khứ như các chiến dịch táo bạo và khéo léo nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân trong hơn 20 năm, Israel thường phớt lờ Hamas kể từ khi lực lượng này tiếp quản Gaza. Ngay cả những kết quả khác nhau cho đến nay ở phía bắc và phía nam Gaza cũng đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Israel có đủ ý chí và sức bền để duy trì cuộc chiến hay không. Tướng Dan Goldfus, người chỉ huy cuộc xâm lược Khan Younis, tiết lộ rằng việc kiểm soát hoàn toàn Gaza có thể mất nhiều tháng, kéo dài quá thời hạn mà Israel đặt ra cho các hoạt động quân sự quy mô lớn.

    Lực lượng Phòng vệ Israel đã phải đối mặt với bốn hình thái địa lý khác nhau ở Khan Younis, thay vì địa hình chiến đấu tương đối đồng nhất ở phía bắc Gaza. Hamas đã học được từ phía bắc Gaza rằng các trận chiến lớn với IDF sẽ thất bại. Thay vào đó chiến tranh du kích dồn dập – chiến thuật đánh rồi chạy sử dụng tên lửa chống tăng và phục kích – thường thành công hơn. Điều quan trọng nhất là các lãnh đạo hàng đầu của Hamas có rất ít nơi để chạy trốn khỏi miền nam Gaza và tình báo Israel tin rằng các con tin Israel còn lại đang bị giam giữ ở đó. Tất cả những điều này khiến cuộc giao tranh của Hamas trở nên khốc liệt hơn, trong khi IDF đôi khi rút lui để tránh vô tình giết thêm con tin. Israel đã ám chỉ rằng họ có thể xem xét cho phép các nhà lãnh đạo của Hamas tới Qatar trong một thỏa thuận thả con tin. Nếu Hamas không chấp nhận thỏa thuận này, kết quả có thể là mất mát đáng kể con tin hoặc một chiến dịch kéo dài vài tháng. Mặt khác, bắc Gaza đã dạy cho Iran và Hezbollah rằng Israel sẽ không tha thứ cho một ngày 7 tháng 10 nào nữa và bất kỳ hành động gây hấn nào đối với Israel sẽ nhận được phản ứng chết người từ Jerusalem. Nhưng miền nam Gaza dường như đang cho họ thấy rằng ngay cả sự tức giận ngày 7 tháng 10 cũng sẽ dần phai nhạt trước số lính Israel thiệt mạng hàng ngày, hiện lên tới hơn 150 người trong cuộc xâm lược.

    Xem thêm tại: WSJ, IDF Faces a Harsh Reality in Southern Gaza. Truy cập ngày 30/12/2023

    Israel chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài ở Gaza như thế nào?

    Trong những tuần gần đây, IDF đã đưa các nhà báo, phóng viên vào các đường hầm do Hamas đào bên dưới Gaza. Mục đích chính của những chuyến đi này là để củng cố thông điệp rằng phong trào Hồi giáo cai trị Gaza trong hơn 16 năm đã xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự cho dân cư Gaza, bao gồm cả bệnh viện và trường học. Israel đang tiến hành một cuộc chiến giành dư luận toàn cầu bên cạnh chiến dịch quân sự của mình. Tuyên bố trọng tâm của tổ chức này là nguyên nhân chính khiến số người Palestine thiệt mạng cao là do cách Hamas che chắn cho các chiến binh của mình bằng cách đặt họ vào giữa dân thường. Thêm vào đó, IDF cũng đang cố gắng truyền tải một thông điệp quân sự đơn giản hơn: Israel phải phá hủy toàn bộ mạng lưới đường hầm được cho là trải dài hàng trăm km trong lãnh thổ. Điều đó sẽ kéo dài thêm nhiều tháng chiếm đóng quân sự và một loạt các cuộc giao tranh đẫm máu mệt mỏi với các chiến binh Hamas còn lại đang ẩn náu ở đó. Điều này sẽ khó khăn.

    Nhưng cuộc chiến đã gây tổn hại cho nền kinh tế Israel và gây ra sự gián đoạn sâu sắc. Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10, IDF đã bắt đầu triệu tập ồ ạt lực lượng dự bị. Lực lượng dự bị này không chỉ cần thiết để phát động một cuộc phản công ở Gaza mà còn để củng cố biên giới phía bắc của Israel trong trường hợp lực lượng dân quân Hezbollah tấn công. Với khoảng 360.000 người đã được huy động cùng với quân đội thường trực của Israel, điều này có nghĩa là hơn nửa triệu người trong dân số chỉ dưới 10 triệu người đang tại ngũ. Hai tháng sau khi cuộc tấn công trên bộ của Israel bắt đầu vào ngày 27 tháng 10, quân đội Israel đã đạt được nhiều kết quả khác nhau. Trong số 24 tiểu đoàn của Hamas, có 12 tiểu đoàn đóng trong và xung quanh thành phố Gaza. IDF cho rằng hầu hết trong số này trên thực tế đã bị “tan rã” – nghĩa là hầu hết các chỉ huy và chiến binh của Hamas đã thiệt mạng, bị thương nặng hoặc bị bắt. Tuy nhiên, IDF vẫn chưa đạt được hai mục tiêu chính: tiêu diệt hoặc bắt giữ các thủ lĩnh hàng đầu của Hamas và giải cứu những con tin Israel còn lại. Và trong khi phần lớn người Israel vẫn ủng hộ cuộc chiến, những dấu hiệu thất vọng đang bắt đầu xuất hiện. Thủ tướng Netanyahu, người đã tụt dốc trong các cuộc thăm dò dư luận kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đã đưa ra những tuyên bố khoa trương nhằm củng cố cơ sở dân tộc chủ nghĩa đang lung lay của mình. Tuy nhiên, các tướng lĩnh của ông đang âm thầm lên kế hoạch thu hẹp quy mô chiến dịch, trong khi các phái viên của ông Netanyahu đã đến Washington và Cairo để thảo luận chi tiết về một thỏa thuận ngừng bắn có thể có và cách chuyển giao Gaza cho chính quyền mới.

    Xem thêm tại: Economist, Israel prepares for a long war in Gaza. Truy cập ngày 31/12/2023

    Nga đang cố gắng áp đảo Ukraine bằng tên lửa như thế nào?

    Nga đã thực hiện các cuộc không kích lớn nhất trong nhiều tháng qua, nhắm vào không chỉ ở thủ đô Ukraine mà còn ở Kharkiv, Dnipro, Odessa, Lviv, Zaporizhia và các thành phố khác. Tên lửa của Nga cũng tấn công các khu dân cư ở Odessa và Lviv, gây ra hậu quả tàn khốc. Tuy nhiên, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine cho rằng Nga chủ yếu nhắm vào các cơ sở quốc phòng, trong đó một số có liên quan đến việc sản xuất tên lửa và drone. Trận chiến tầm xa trên không đã trở nên nổi bật hơn do tình trạng tương đối bế tắc trên bộ. Nga hiện đang đạt được nhiều tiến bộ dọc theo chiến tuyến sau cuộc phản công yếu kém của Ukraine vào mùa hè. Nhưng Ukraine đang đạt được nhiều thành công hơn trên không. Vào ngày 22 tháng 12, bộ chỉ huy không quân của Ukraine báo cáo rằng họ đã phá hủy ít nhất hai máy bay Su-34 của Nga ở vùng Kherson. Hai chiếc khác bị bắn rơi hai ngày sau đó. Những máy bay ném bom này, có thể phóng bom lượn có sức công phá cao, đã khủng bố quân đội Ukraine mà không bị trừng phạt. Sau đó, vào ngày 26 tháng 12, tên lửa hành trình của Ukraine – được cho là Storm Shadows do Anh cung cấp – đã tấn công Novocherkassk, một tàu đổ bộ của Nga đang neo đậu tại cảng Feodosia của Crimea. Các nguồn tin của Nga cho rằng có 77 thủy thủ trên con tàu gặp nạn. Sự trả đũa ít nhất có thể là một phần động cơ dẫn tới các cuộc tấn công của Nga vào ngày 29 tháng 12. Một nguồn tin trong bộ tham mưu Ukraine cho biết các cuộc tấn công vào Crimea, một trung tâm quân sự quan trọng của Nga, sẽ gia tăng trong mùa đông.

    Xem thêm tại: Economist, Russia tries to overwhelm Ukraine with missiles. Truy cập ngày 29/12/2023

    Khả năng trực chiến của quân đội Mỹ đang suy giảm?

    Hai thập kỷ xung đột trực tiếp và gián tiếp liên quan đến quân đội Mỹ đã làm suy giảm khả năng trực chiến của nước này. Theo đó, Washington tham chiến ở Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 và xâm chiếm Iraq năm 2003 để lật đổ cựu lãnh đạo Saddam Hussein. Năm ngoái, chính phủ Mỹ bắt đầu gửi hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm tên lửa Patriot, bệ phóng tên lửa HIMARS, vũ khí chống tăng và phòng không. Mặc dù quân đội đang nỗ lực xây dựng lại và khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu nhưng họ vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn. Ví dụ, Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với khoản tồn đọng về bảo trì tàu trị giá 1,8 tỷ USD. Các vấn đề về bảo trì và cung cấp cũng hạn chế khả năng sẵn sàng hoạt động của một số máy bay. Ngoài ra, năng lực thực hiện nhiệm vụ của quân đội Mỹ đã suy giảm kể từ năm 2017.

    Trong khi Quân đội và Thủy quân lục chiến Mỹ cải thiện trong lĩnh vực mặt đất, thì lại có sự sụt giảm đáng kể trong lĩnh vực biển, không quân và không gian. Ví dụ, chỉ có hai trong số 49 hệ thống hàng không đáp ứng được các mục tiêu có thể thực hiện nhiệm vụ hàng năm nhưng phần lớn đã bỏ lỡ hơn 10 phần trăm. Chương trình F-35 của đất nước gặp phải nhiều vấn đề về duy trì, khiến tỷ lệ có khả năng thực hiện nhiệm vụ của nó giảm hàng năm kể từ năm 2020. Lực lượng Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đang phải đối mặt với khoảng cách đáng kể giữa chi phí vận hành máy bay và giá thành. Từ thực trạng trên, Quân đội Mỹ phải cải thiện độ an toàn của trực thăng để ngăn chặn các sự cố chết người, bao gồm cả vụ tai nạn gần đây ở Kentucky khiến 9 binh sĩ trên hai chiếc trực thăng Black Hawk thiệt mạng. Quân đội cũng phải giải quyết những thiếu sót trong hỗ trợ đường sắt và huấn luyện hải vận vì chúng có tác động tiêu cực đến khả năng sẵn sàng và khả năng tiến hành các hoạt động hậu cần của quân đội.

    Xem thêm tại: Defense Post, US Military Readiness Degraded by Two Decades of Conflict. Truy cập ngày 31/12/2023

    Drone có thể giúp chiến lược con nhím của Đài Loan như thế nào?

    Trước mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc, Đài Loan đã thực hiện các biện pháp chủ động để đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất drone quân sự cũng như các biện pháp đối phó. Đài Loan đã sản xuất một số drone như Albatross thế hệ thứ hai, drone Loitering Munition (UAV), drone Cardinal III di động và vũ khí trên không Loại 2 là một số drone chiến đấu và giám sát. Nhưng Trung Quốc có hơn 50 loại drone khác nhau, khiến Đài Loan bị bỏ lại phía sau một cách nguy hiểm. Do đó, việc bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc xâm lược của Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải sử dụng công nghệ drone của nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để Washington nhanh chóng triển khai drone tới hòn đảo tự trị dân chủ này vì vị trí quá xa của hòn đảo này.

    Vì lý do này, Đài Loan cần sự hỗ trợ từ các đối tác có thể cung cấp công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm chuyên môn nhiều năm trong nghiên cứu và sản xuất drone. Trong số các đối tác tiềm năng, Israel trở thành đối tác cung cấp drone đầy hứa hẹn của Đài Loan. Israel là nước triển khai drone có vũ trang lớn nhất và là nhà phát triển vũ khí lảng vảng chủ chốt ở Trung Đông. Vai trò tiên phong của nhà nước Do Thái trong lĩnh vực drone có vũ trang đã trở nên phổ biến vì drone vũ trang của họ sử dụng bom trọng lực không tạo ra tiếng ồn hoặc khói khi rơi xuống, khiến kẻ thù khó đoán trước hoặc né tránh. Ngoài ra, Israel đã có những bước tiến trong việc thúc đẩy công nghệ drone để sử dụng trong môi trường đô thị, chẳng hạn như vận chuyển hàng hóa, viện trợ khẩn cấp cũng như phân phối vật tư y tế cho các khu vực chưa được phục vụ đầy đủ. Đài Loan cũng nên xem xét hình thành quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các cường quốc khác với các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ drone đáng chú ý, như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Nhật Bản, để nâng cao năng lực nghiên cứu kỹ thuật. Do có công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm thực tế sâu rộng có được trong cuộc chiến tranh Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp là những đối tác lý tưởng để Đài Loan hợp tác sâu rộng hơn nữa về công nghệ drone quân sự. Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của những đối tác này rất thiết thực đối với các nhà sản xuất Đài Loan khi họ đang tìm cách tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển drone của mình. Cụ thể hơn, các đồng minh công nghệ này có thể tham gia vào cuộc đối thoại hiệu quả và tập hợp nguồn lực của họ để hỗ trợ Đài Loan phát triển các mẫu drone quân sự và thương mại phù hợp với nhu cầu răn đe và địa lý của quốc đảo này. Nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công chống lại Đài Loan, việc có sẵn một hệ thống phối hợp các nỗ lực quân sự và chia sẻ dữ liệu do drone trinh sát thu thập trong thời gian thực sẽ là một lợi ích đáng kể cho khả năng ngăn chặn cuộc xâm lược của Đài Loan. Hơn nữa, Washington nên triển khai các drone tấn công và giám sát tại các địa điểm ở Nhật Bản và Thái Bình Dương để ngăn chặn bất kỳ hành động hấp tấp nào mà Trung Quốc có thể thực hiện chống lại Đài Loan.

    Xem thêm tại: National Interest, Drones Could Help Turn Taiwan Into a ‘Porcupine’. Truy cập ngày 29/12/2023

    Biển Đông đủ nóng để “phát nổ” trong năm nay?

    Các tranh chấp ở Biển Đông đang nhanh chóng trở thành điểm nóng lớn của khu vực vào năm 2024. Chỉ trong ba tháng qua, Philippines và Trung Quốc đã có những cuộc chạm trán ngày càng nguy hiểm tại Bãi Cỏ Mây, nơi biệt đội thủy quân lục chiến Philippines đã đóng quân hơn hai thập kỷ. Trong suốt cả năm, ASEAN hầu như im lặng trước tình trạng tranh chấp hàng hải leo thang giữa Philippines, một thành viên sáng lập của khối và Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của khu vực. Để đối phó với những chỉ trích ngày càng tăng từ bên ngoài về sự im lặng ASEAN, Indonesia đã đăng cai tổ chức cuộc tập trận hải quân khu vực đầu tiên của khối trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN. Nhưng đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ các thành viên nghiêng về Bắc Kinh như Campuchia.

    Về phần mình, Philippines đã bỏ qua cuộc tập trận cuối cùng, vốn được dời ra xa Biển Đông hơn do sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia thành viên thân thiện với Bắc Kinh. Không có một quốc gia khu vực nào bày tỏ tình đoàn kết trong bối cảnh Manila đang căng thẳng với Bắc Kinh về tranh chấp hàng hải, quốc gia Đông Nam Á này chỉ đơn giản là tăng cường các cuộc tập trận và tuần tra chung trên biển với các đối tác phương Tây và các đồng minh châu Á của họ. Người phát ngôn của Lực lượng Vũ trang Philippines, Đại tá Medel Aguilar gần đây gợi ý rằng việc xây dựng công trình dân sự trên bãi Cỏ Mây đã được dành để tài trợ trong ngân sách quốc gia năm 2024 của Philippines, hành động mà Trung Quốc coi là vượt qua lằn ranh đỏ. Năm nay có thể sẽ chứng kiến ​​những bước phát triển lớn trong liên minh quốc phòng Mỹ-Philippines, với việc Lầu Năm Góc đẩy nhanh việc triển khai các hệ thống vũ khí tại 9 căn cứ của Philippines. Trong khi đó, Manila cam kết mở rộng các cuộc tuần tra chung trên không và trên biển với các quốc gia có cùng chí hướng trên các vùng biển lân cận để ngăn chặn sự quyết đoán hơn nữa của Trung Quốc. Ngoài Mỹ và Úc, vốn đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung với Philippines vào năm ngoái, Nhật Bản, Pháp, New Zealand, Anh và Canada cũng được cho là đang xem xét các cuộc tuần tra đa phương chung ở Biển Đông.

    Xem thêm tại: Asia Times, South China Sea hot enough to bubble over in 2024. Truy cập ngày 3/1/2024

    Tại sao Mỹ sẽ không thể răn đe hạt nhân bằng cách tấn công vào thành phố của đối thủ?

    Diễn biến an ninh toàn cầu nguy hiểm nhất vào đầu năm 2024 là việc Trung Quốc và Nga phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân để phá vỡ trật tự do Mỹ dẫn đầu. Nga đang kết thúc nỗ lực xây dựng vũ khí hạt nhân và sử dụng các mối đe dọa hạt nhân chống lại Ukraine và NATO. Cùng với đó, Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân và thực hiện hành vi quân sự nguy hiểm trên vùng biển quốc tế để đe dọa Đài Loan. Nhưng kế hoạch nâng cấp khả năng răn đe của Mỹ bắt đầu vào năm 2009 không thể ngăn cản đồng thời Trung Quốc và Nga trong thập kỷ tới. Thay vào đó, Nhà Trắng có thể muốn giải quyết vấn đề bằng những con đường tắt. Một hướng đi tắt rất tệ sẽ là sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công vào các thành phố của kẻ thù, hay “nhắm mục tiêu đối trọng” (countervalue targeting) hoặc “nhắm mục tiêu vào thành phố” (counter-city targeting). Theo đó, bên ủng hộ chiến lược này lập luận rằng nên nhắm mục tiêu vào các thành phố của đối thủ để tránh “một cách tiếp cận mang tính răn đe quá khắt khe”. Việc nhắm mục tiêu vào các thành phố có thể hạn chế số lượng vũ khí Mỹ cần để răn đe, nhưng có ba lý do khiến Mỹ nên tiếp tục chính sách hiện tại đồng thời cập nhật thế bố trí lực lượng hạt nhân để đáp ứng những thách thức mới. Trước đây, việc đe dọa tấn công các mục tiêu xã hội bằng vũ khí hạt nhân có nguy cơ khiến răn đe thất bại cao. Năm thập kỷ trước, Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Nixon, James Schlesinger, đã bác bỏ chính sách đe dọa quét sạch toàn bộ thành phố. Schlesinger lập luận rằng để khiến khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ trở nên đáng tin cậy hơn đối với Liên Xô, Washington cần nhắm vào thứ mà chế độ Liên Xô đánh giá cao nhất: bản thân chế độ này, các hệ thống chiến lược và thông thường của nó, bộ máy được sử dụng để kiểm soát trong nước. và khả năng công nghiệp của nó để tiến hành chiến tranh. Đe dọa nhắm vào các thành phố của Liên Xô và cố ý giết hại dân thường không có khả năng ngăn cản Liên Xô khỏi chương trình nghị sự đế quốc của họ. Kế đến, nếu răn đe thất bại, Mỹ nên có nhiều phản ứng hạt nhân khác nhau để thuyết phục đối thủ rút lui. Schlesinger lập luận rằng việc đáp trả bằng các lựa chọn nhắm mục tiêu hạn chế của Mỹ, thay vì tấn công làm tê liệt, trong khi vẫn giữ khả năng dự trữ của Mỹ nhằm vào chế độ và quân đội Liên Xô, sẽ mang lại động lực lớn nhất cho sự kiềm chế lẫn nhau. Những người ủng hộ việc nhắm mục tiêu vào các thành phố vào thời điểm đó lập luận rằng việc nhắm mục tiêu vào vũ khí của kẻ thù sẽ “làm mất ổn định” khả năng răn đe và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang. Lập luận này đang trở lại khi Mỹ tìm cách ngăn chặn đồng thời Trung Quốc và Nga. Nhưng trong nhiều thập kỷ, đây là cách Mỹ tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến tranh lớn và khả năng răn đe vẫn được giữ vững. Cuối cùng, tìm cách ngăn chặn đồng thời giảm thiểu thương vong cho dân thường là công bằng về mặt đạo đức và tuân thủ việc áp dụng Luật Xung đột Vũ trang của Mỹ. Nếu các nhà lãnh đạo dân sự và quan chức quân sự giám sát một sứ mệnh có niềm tin về mặt đạo đức vào sứ mệnh đó thì mọi thứ từ kế hoạch đến lời nói và cố vấn quân sự có thể sẽ củng cố độ tin cậy của khả năng răn đe của Mỹ.

    Xem thêm tại: WSJ, No Shortcuts on Nuclear Deterrence. Truy cập ngày 3/1/2024

    https://nghiencuuquocte.org/2024/01/06


    Không có nhận xét nào