Về sách lược của triều Nguyễn trong việc bảo vệ phần lãnh thổ phía Nam của Tổ Quốc, có sự kiện “nhạy cảm” bị các sử gia né tránh hoặc bình luận sai lệch, đó là sự kiện lập Trấn Tây Thành.
Vùng đất Cao Miên do Đại Nam bảo hộ (tô màu hồng). Phần gạch là phần đất lập trấn Tây Thành.
Lịch sử Chân Lạp (Cao Miên – Campuchia) mấy trăm năm qua, dù viết từ phía nào cũng rối rắm, đọc thấy ù tai nhức óc. Không phải các sử gia làm cho rối rắm, sự rối rắm nằm trong chính quốc gia này. Ở nước ta, sau khi hoàn thành việc thiết lập chủ quyền trên toàn đất Nam Bộ, Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát qua đời, Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, quyền hành bị Trương Phúc Loan thâu tóm. Từ đây nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nội chiến diễn ra ác liệt. Nước Chân Lạp mất chỗ dựa. Lợi dụng tình hình rối ren đó, Xiêm La thực hiện việc bành trướng lãnh thổ. Sau khi chiếm ba tiểu quốc Vạn Tượng (cả nước Lào ngày nay), Xiêm nhiều lần đưa quân tấn công uy hiếp Chân Lạp, sáp nhập một vùng đất rộng lớn gồm Xiêm Riệp, Battambang và lãnh thổ phía Tây Chân Lạp vào đất Xiêm, đồng thời áp đặt quyền đô hộ đối với phần còn lại của Chân Lạp và tạo dựng, khống chế, sai khiến vua Chân Lạp.
Sau khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh khiến cho cục diện trong khu vực thay đổi. Vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân, dù được người Xiêm dựng lên, đã cử sứ giả sang xin vua Gia Long phong vương và xin thần phục Việt Nam, trong khi vẫn giữ quan hệ phụ thuộc vào Xiêm. Vua Gia Long phong cho Nặc Ông Chân làm quốc vương Cao Miên (Chân Lạp). Chính sách “chư hầu kép” khôn khéo của Nặc Ông Chân đã giúp nước này giữ được thế cân bằng, giảm bớt sự khống chế của Xiêm. Tuy nhiên, chính sách của Nặc Ông Chân khiến cho Xiêm tức tối. Lợi dụng sự mâu thuẫn trong triều đình Chân Lạp, liên tục từ năm 1809 đến 1814, Xiêm dùng vũ lực can thiệp vào nội bộ triều đình Chân Lạp, rồi đem quân tấn công Chân Lạp, Nặc Ông Chân phải chạy trốn và cầu cứu Việt Nam. Là một thiên tài quân sự và là nhà ngoại giao khôn khéo, vua Gia Long một mặt đem quân thị uy, mặt khác thực hiện sự hòa giải mềm dẻo, buộc Xiêm phải tự triệt binh. Gia Long cho củng cố lại thành Nam Vang rồi rước quốc vương Cao Miên về, giao cho Chưởng cơ Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại và Tham tri Bộ binh Đàn Ngọc hầu Trần Văn Đàn đóng quân giữ thành Nam Vang để bảo vệ cho Chân Lạp. Từ đây, Chân Lạp lại được yên ổn, bờ cõi phía Nam của nước Việt ta cũng vô sự.
Tuy nhiên, vào năm 1833, thời vua Minh Mệnh, sau một cuộc đại loạn không thành, Lê Văn Khôi nhờ các giáo sĩ phương Tây sang cầu viện Xiêm La. Tận dụng triệt để cơ hội đó, Vua Xiêm Rama III đem đại quân chia thành 5 đạo đồng loạt tấn công Cao Miên và Việt Nam (1). Lực lượng tập trung vào đạo thứ nhất gồm 4 vạn quân tiến chiếm Nam Vang, kéo xuống Châu Đốc để tới Gia Định và đạo thứ hai gồm 1 vạn quân đi bằng đường thủy tiến xuống Hà Tiên. Các đạo còn lại với số quân ít hơn đánh vào Nghệ An, Quảng Trị và Trấn Ninh (2) nhằm phân tán sự đối phó của quân ta.
Cuộc nổi dậy quy mô lớn do Lê Văn Khôi cầm đầu chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ là sự bất ngờ lớn đối với triều đình Minh Mệnh. Lúc này triều đình đã chiếm lại 6 tỉnh, quân nổi dậy tuy thất bại nhưng vẫn còn cố thủ ở thành Phiên An. Cùng một lúc, triều đình vừa phải truy quét quân nổi dậy trong nước vừa phải tổ chức lực lượng kháng chiến. Cuối cùng thì ta cũng đại phá được quân Xiêm, đuổi chúng ra khỏi Hà Tiên, Châu Đốc và giải phóng Nam Vang, đưa quốc vương Nặc Ông Chân về nước, thiết lập lại quyền bảo hộ đối với Chân Lạp.
Sử sách ghi lại rằng, sau khi Nặc Ông Chân qua đời (1834), do vị quốc vương này không có con trai, anh em họ hàng thì đang bị người Xiêm khống chế, nên triều Nguyễn phong con gái Nặc Ông Chân là Ngọc Vân (Angmey) làm quận chúa, cùng hai viên quan bản địa do Việt Nam bổ nhiệm là Trà Long và La Kiên cai quản Chân Lạp. Sau đó, đổi nước này thành Trấn Tây Thành, chia làm 32 phủ và 2 huyện, bổ nhiệm Trương Minh Giảng làm Trấn Tây tướng quân, Lê Đại Cương làm Trấn Tây tham tán đại thần, sáp nhập Trấn này vào lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, cương thổ Việt Nam thời Minh Mệnh là rộng lớn nhất trong lịch sử, không chỉ bao gồm phần lớn lãnh thổ Campuchia ngày nay mà còn bao gồm vùng Xiêng Khoảng và một số vùng khác của nước Lào hiện nay.
Vua Minh Mệnh là một thiên tài trị quốc, ông có tầm nhìn xa hơn những gì mà các sử gia xưa nay đánh giá. Nói ông có tham vọng về lãnh thổ là chưa chắc đúng, ông từng nói với quần thần rằng “quốc gia chúng ta cần rộng lớn là về phương diện đạo đức” (3), chứ không tham lam về đất đai. Bởi vậy mà vào năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), nước Chân Lạp dâng tặng Việt Nam thêm 3 phủ Kỳ Bát, Chân Sâm và Mật Luật để báo ơn triều đình Việt Nam cử quan bảo hộ Nguyễn Văn Thoại giúp Chân Lạp “tảo thanh giặc ngoài là người Xiêm, bình định nội thù là Tăng Kế”, Minh Mệnh không muốn nhận nhưng vì sợ phụ lòng thành của Chân Lạp nên không từ chối hết, chỉ nhận 2 phủ, và nói rõ là giao cho Thoại Ngọc Hầu “quản trị vùng này, cần phải huấn luyện cho nhân dân biết kỹ thuật đánh giặc mới bảo vệ được cương giới” (3), còn vấn đề thu thuế vẫn để cho quốc vương Chân Lạp tự quản lý. Vì vậy, vệc sáp nhập Chân Lạp vào lãnh thổ Việt Nam là trong cái thế chẳng đặng đừng, nếu để Chân Lạp rơi vào Xiêm La thì phần đất phía Nam của nước ta luôn luôn bị đe dọa. Bằng chứng là sau khi Minh Mệnh mất, ngay sau khi vua Thiệu Trị bỏ Trấn Tây Thành rút quân về nước, Xiêm La lập tức đưa tay chân của họ về cai quản Chân Lạp và đem đại binh xâm lược nước ta (1841-1845), phải rất vất vả mới loại được chúng ra khỏi bờ cõi.
Tôi hỏi thiền sư – sử gia Lê Mạnh Thát về sự kiện này, thầy Thát bảo vua Minh Mệnh có cái nhìn xa hơn là chúng ta nghĩ, ông không chỉ đề phòng Xiêm La mà còn đề phòng cả mưu đồ của người Anh nữa, vì lúc này người Anh sau khi biến phần lớn lãnh thổ Ấn Độ thành thuộc địa đã bắt đầu đánh chiếm một phần lãnh thổ Miến Điện vào những năm 1822-1824. Vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), một tàu buôn của Anh bị nạn ở vùng biển tỉnh Bình Thuận, vua Minh Mệnh đã sai trấn thần ở đây cứu tế chu đáo, nhân đó nhắc nhở : “Nước Anh Cát Lợi vốn là quốc gia được coi là cường thịnh và sâu hiểm, quỉ quyệt vô cùng, hễ đi tới đâu là luôn luôn sinh chuyện với người ta tới đó” (3).
Về việc vua Thiệu Trị phải rút quân khỏi Trấn Tây Thành (1841), Trần Trọng Kim nhận xét : “Ấy cũng là vì người mình không biết bênh vực kẻ hèn yếu, chỉ đem lòng tham tàn mà ức hiếp người ta, cho nên thành ra hao tổn binh lương, nhọc mệt tướng sĩ, mà phải sự bại hoại, thật là sự thiệt hại cho nước mình” (4). Tất nhiên quan lại thời nào cũng có một bộ phận nhũng nhiễu, ức hiếp dân chúng, nhưng nhận xét của Trần Trọng Kim và một số sử gia khác là thiển cận, không đúng với đại cuộc. Về đại cuộc, dù bảo hộ hay sáp nhập Chân Lạp, Minh Mệnh cũng đối xử với người dân và quan quân Chân Lạp như chính người dân và quan quân nước mình. Ông không chỉ nghiêm khắc trừng phạt những quan lại nhũng nhiễu dân mà còn ngăn chặn cả những hành vi nhỏ nhất. Năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), có người tâu, tại Phủ Bồng Xuy (Chân Lạp) có một loại sắt “chất phẩm rất tinh hảo”, vua sai đem thử rèn gươm đao thấy rất tốt, liền xuống chỉ cho tỉnh thần An Giang tới chọn mua. Nhân đó, Trương Minh Giảng thuê nhiều thổ dân vào rừng khai thác, “vua được tin như vậy, e ngại làm phiền nhiễu dân, liền xuống chỉ khiển trách và bắt phải bỏ công dịch đó” (3).
Thầy Lê Mạnh Thát cho rằng, Thiệu Trị là ông vua không hề tầm thường. Các giáo sĩ người Pháp đã tham gia rất sâu vào cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, từ đó, họ ráo riết hoạt động để mở đường cho thực dân Pháp vào Đại Nam. Việc truyền đạo cũng bắt đầu được hậu thuẫn bằng quân sự của người Pháp. Vua Thiệu Trị đã nhìn thấy trước rằng việc đối phó với người Pháp bằng quân sự là điều không thể tránh khỏi, ông cho rút quân khỏi Chân Lạp để chuẩn bị lực lượng đối phó với Pháp, không để Đại Nam rơi vào cảnh lưỡng đầu thọ địch. Theo thầy Thát, nếu vua Thiệu Trị không mất sớm, lịch sử nước ta có thể đã diễn ra theo hướng khác.
————————————-
Chú thích:
(1) Thời kỳ này quốc hiệu nước ta vẫn là Việt Nam, đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) vua Minh Mệnh mới đổi quốc hiệu là Đại Nam.
(2) Trấn Ninh nay là vùng Xiêng Khoảng của nước Lào. Vùng đất này nguyên là tiểu quốc Bồn Man cổ, được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt thời Lê Thánh Tôn. Khi Gia Long lên ngôi, đất này được cắt tặng cho vương quốc Vạn Tượng. Vào thời Minh Mệnh, tù trưởng ở đây xin nhập lại vào Việt Nam. Đến thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã cắt một vùng đất rộng lớn thuộc các tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam vào địa giới của Lào, trong đó có Trấn Ninh.
(3) Theo Minh Mệnh Chính yếu
(4) Theo Việt Nam sử lược.
Theo HOÀNG HẢI VÂN / MỘT THẾ GIỚI
Câu chuyện Trấn Tây Thành và tầm nhìn của ba vị vua nhà Nguyễn - Redsvn.net
Không có nhận xét nào