Header Ads

  • Breaking News

    Bùi Anh Trinh – Đằng sau Hiệp định Paris, mật ước Nixon và Phạm Văn Đồng

    2014

    140

    Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn Của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh

    Năm 1973, ngày 7-2, mười một ngày sau khi ký kết Hiệp định Paris, Kissinger lên đường đi Hà Nội.  Tại Hà Nội Kissinger trao cho Phạm Văn Đồng một công hàm của Tổng thống Nixon, trong đó quy định thể thức thanh toán số tiền bồi thường chiến tranh cho Hà Nội là 4,75 tỉ USD.  Sau đó Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng giao cho Kissiger mang về cho Tổng thống HK một công hàm hoan nghênh tinh thần Mật ước của Nixon và hứa sẽ thi hành nghiêm chỉnh Mật ước này.  Như vậy là Mật ước đã có đủ chữ ký của cả hai người cầm đầu chính phủ. ( Lưu Văn Lợi, Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ & Kissinger tại Paris )

    Nguyên văn Mật ước :

    Ngày 1 tháng 2 năm 1973. 

    Tổng thống thông báo cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà những nguyên tắc sẽ chỉ đạo sự tham gia của Hoa Kỳ về việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam. Như đã nêu trong Điều 21 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973, Hoa Kỳ thực hiện sự tham gia này theo chính sách truyền thống của mình.

    Những nguyên tắc đó là: 

     (1)  Hoa kỳ sẽ đóng góp xây dựng lại Bắc Việt sau chiến tranh mà không cần một đòi hỏi chính trị nào.

    (2)  Con số cam kết sơ khởi là 3,25 tỉ Dollars viện trợ không hoàn lại trong vòng 5 năm.  Những hình thức viện trợ khác ( viện trợ phát triển kinh tế ) sẽ được nghiên cứu sau.

    (3)  Công việc điều hành kế hoạch viện trợ sẽ do một Ủy Ban được đặt tên là Ủy ban hỗn hợp kinh tế Hoa Kỳ- Bắc Việt.  Ủy ban sẽ được hình thành trong vòng 30 ngày sau khi ký Hiệp định.

    (4) Chức năng của Uỷ ban này sẽ là đề ra các chương trình cho việc đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại ở Bắc Việt Nam. Sự đóng góp của Hoa Kỳ sẽ tiến hành trên cơ sở những yếu tố sau đây :

    a/ Các nhu cầu của Bắc Việt Nam do những tàn phá của chiến tranh gây nên.

    b/ Các yêu cầu của công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp của nền kinh tế Bắc Việt Nam.

    (5) Uỷ ban hỗn hợp kinh tế sẽ gồm những đại diện ngang nhau của mỗi bên. Uỷ ban sẽ thoả thuận về một bộ máy để quản lý chương trình đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại Bắc Việt Nam. Uỷ ban sẽ cố gắng hoàn thành sự thoả thuận này trong vòng 60 ngày sau khi được thành lập.

    (6) Hai thành viên của Uỷ ban sẽ hoạt động trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Những trụ sở của Uỷ ban sẽ đặt tại một nơi sẽ được thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

    (7) Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện những nguyên tắc nói trên sẽ thúc đẩy những quan hệ kinh tế thương mại và các quan hệ khác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sẽ góp phần vào việc bảo đảm một nền hoà bình vững chắc và lâu dài ở Đông Dương. Những nguyên tắc này phù hợp với tinh thần của Chương VIII của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam ký tại Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973.

    Điều ghi chú về những hình thức viện trợ khác:

    Về những hình thức viện trợ khác, việc nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy rằng những chương trình thích hợp có thể là vào khoảng 1 đến 1,5 tỷ đô la tuỳ theo nhu cầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về lương thực và hàng hoá khác.

    Hiểu biết về Chương trình xây dựng lại kinh tế:

    Có sự hiểu biết là những đề nghị của ủy ban hỗn hợp kinh tế nói trong công hàm của Tổng thống gửi Thủ tướng sẽ do mỗi thành viên thực hiện theo những qui định của Hiến pháp của mình”  ( Lưu Văn Lợi, Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ – Kissinger Tại Paris ).

    Tại sao cả hai bên đều không thi hành mật ước?

    Như vậy những gì hai bên thương lượng với nhau suốt 4 năm không nằm trong Hiệp định, mà nằm trong Mật ước.  Và hai bên ký với nhau Hiệp định Paris chỉ là che mắt thế gian, còn Mật ước mới là kết quả thương lượng thực giữa hai bên.

    Khoan nói tới hai bên đã mật cam kết với nhau những gì;  nhưng tại sao lại không giữ lời giao ước?  Đây là một giao ước mật chứ không phải là giao ước công khai.  Một khi giao ước mật được ký kết thì phải được tôn trọng tuyệt đối, gần như là lời thề thiêng liêng.  Nếu có một bên phản bội thì bên kia chỉ cần tung mật ước ra trước ánh sáng thì bên vi phạm sẽ trở thành kẻ lừa đảo.

    Mãi đến ngày 19-5 -1977 Tổng thống HK Cater mới loan báo rằng sau khi ký Hiệp định Paris 1973, Tổng thống Nixon đã có ký với Hà Nội một mật ước riêng.  Trong đó cam kết bồi thường 4,75 tỉ USD cho Hà Nội.

    Sau loan báo của Tổng thống, Quốc hội Hoa Kỳ tuyên bố đó chỉ là lời hứa của người đứng đầu cơ quan hành pháp HK, cho nên quốc gia Hoa Kỳ không có trách nhiệm phải thi hành cam kết đó.  Vì vậy dư luận hiểu rằng chính phía HK đã không thi hành đúng như cam kết, nghĩa là sau Hiệp định Paris HK không chung cho HN một đồng nào trong số 4,75 tỉ.  

    Vấn đề được đặt ra là tại sao Nixon lại không thi hành những điều mà ông nhân danh Tổng thống HK để viết ra?  Trong khi đó Hà Nội cũng không đưa mật ước ra để tố cáo Nixon thất hứa?  Nhất là khi Nixon còn tại chức?  Đặc biệt theo như nhân dân HK được biết một cách không chính thức thì HK chỉ phải chung cho HN 3,25 tỉ đô la mà thôi, tại sao giờ đây chính phủ Cater lại loan báo là 4,75 tỉ.

    Còn về phía Hà Nội tại sao họ cứ một mực tố cáo Nguyễn Văn Thiệu vi phạm Hiệp định mà không công khai hay bán công khai tố cáo Nixon không giữ lời hứa về số tiền tái thiết BV? Nhất là khi Nixon còn tại chức ?

    Chìa khóa giải mã

    Năm 1998  Chính phủ CSVN ( Phan Văn Khải ) đã cho công bố toàn bộ biên bản các cuộc mật đàm giữa Lê Đức Thọ và Kissinger bằng một cuốn sách của Đại tá CSVN Lưu Văn Lợi, ông là chuyên gia thương thuyết trong phái đoàn HN tại Paris.  Cuốn sách có tựa đề là “Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ & Kissinger tại Paris”, sách xuất bản tại HK năm 1998 nhưng phổ biến hạn chế, đặc biệt không cho lưu hành trong nước.

    Đến tháng 10 năm 2002 nhà xuất bản “Công an Nhân dân” mới in lại và xuất bản trong nước. Trong chương cuối có đăng nguyên văn bản mật ước Nixon-Phạm Văn Đồng, được Nixon ký ngày 1-2-1973, nghĩa là 4 ngày sau khi hai bên ký kết Hiệp định Paris.

    Bản mật ước gồm có 7 mục, trong đó 3 mục đầu quy định thể thức chi trả 3,25 tiền bồi thường chiến tranh và 4 mục sau quy định thể thức viện trợ kinh tế dài hạn cho Hà Nội, bước đầu là 1,5 tỉ hàng hóa và lương thực ( viện trợ với lãi xuất ưu đãi ).  Cơ quan điều hành hệ thống viện trợ bồi thường chiến tranh của HK tại HN sẽ được thành lập xong trong vòng 30 ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết.  Và hệ thống sẽ đi vào hoạt động trong vòng 60 ngày sau khi được thành lập, nghĩa là đồng đô la viện trợ đầu tiên sẽ đến Hà Nội 1 tháng sau khi người tù binh HK cuối cùng đã được thả ( Tù binh được thả trong vòng 60 ngày ).

    So sánh thời gian trao trả tù binh và thời gian bắt đầu chung viện trợ thì có thể kết luận được rằng “Nếu HN thả hết 391 tù binh HK xong rồi thì HK mới thưởng bằng tiền viện trợ” Đây là lời hứa của bên chiến thắng : HN phải thả hết tù binh vô điều kiện, thả xong tới người cuối cùng một cách vui vẻ thì mới được chung 4,75 tỉ. ( Thường thì giao ước bồi thường và trao trả tù binh được thực hiện trên nguyên tắc:  đồng tiền đầu tiên được đưa ra cùng với người tù đầu tiên được thả, và đồng tiền cuối cùng được đưa ra cùng với ngày người tù binh cuối cùng được thả.  Thêm một bằng chứng chứng minh HN đã đầu hàng sau cuộc dội bom ).

    Vậy thì ai đánh lừa ai?

    Sự kiện tù binh phải được thả hết trước khi Hà Nội nhận được viện trợ chứng tỏ HK không có lý do gì để sợ Hà Nội phản bội mật ước.  Có chăng là HN sợ HK lấy xong tù binh rồi quỵt nợ không chung tiền.  Và thực tế xảy ra đúng như vậy, Nixon lấy được toàn bộ tù binh nhưng không chung được 1 đồng như đã hứa. Cái gì khiến cho Nixon và Kissinger trở thành những tay lừa đảo hạng bét?

    Người ta xem lại biên bản từng cuộc mật đàm để truy nguyên hoàn cảnh phát sinh ra bản mật ước Nixon- Phạm Văn Đồng.  Hóa ra ban đầu, trước trận thả bom 12 ngày đêm thì mật ước đã được soạn trước nhưng chỉ có 3 mục đầu, nghĩa là bồi thường 3,25 tỉ.  Số tiền này đã được thông báo cho Quốc Hội HK.

    Nhưng sau khi Hà Nội thiếu điều kéo cờ trắng trong cuộc dội bom 12 ngày đêm thì hai bên mới ngồi lại và thêm vào 4 mục sau, có thêm 1,5 tỉ viện trợ lương thực và hàng hóa  ( Đây là số tiền cho vay để phát triển kinh tế chứ không phải là viện trợ nhân đạo không hoàn lại ).  Đồng thời có thêm một kế hoạch viện trợ phát triển  kinh tế về lâu về dài cho Bắc Việt.

    So sánh mật ước 3 mục ( trước cuộc dội bom ) với mật ước 7 mục ( sau cuộc dội bom ) thì sau cuộc dội bom Hà Nội đã được Nixon thưởng thêm bằng cam kết sẽ viện trợ phát tiển kinh tế cho Hà Nội như là viện trợ cho một nước đồng minh; giống như viện trợ cho Nam Hàn sau Hiệp ước Bàn Môn Điếm hay viện trợ cho Sài Gòn sau Hiệp định Geneve.

    Suy  ra Hà Nội đã âm thầm trở thành đồng minh của HK sau cuộc dội bom, nghĩa là thay vì đầu hàng thì Hà Nội đã xin hồi chánh.

    Đầu hàng là buông súng và chịu mọi sự phán xét của kẻ thù, còn hồi chánh là ly khai với phe Cọng sản và trở thành đồng minh của phe Tự do.  Lê Duẩn quyết định hồi chánh thì có lợi cho Bắc Việt nhiều hơn so với đầu hàng.  Ông ta có quyền ly khai khỏi phe CS bởi vì TQ và Liên Xô đã phản bội ông ta trước.

    Còn nếu như ông ta đầu hàng thì không có ai giúp ông hồi phục kinh tế sau chiến tranh mà trái lại ông còn giữ nguyên quyển sổ nợ chiến phí của LX và TQ.  Vả lại chạy theo Mỹ thì tất cả dân Việt từ Nam chí Bắc đều hoan hô ông;  còn như tiếp tục chạy theo hai đàn anh đểu cáng là Trung Quốc và Liên Xô thì dân tộc mãi mãi trong tăm tối và đói khát như Bắc Hàn hay Cu Ba ngày nay.

    Tại sao không bắt  Hà Nội đầu hàng mà lại cho hồi chánh ?

    Ngay từ những ngày đầu có cuộc mật đàm Kissinger- Lê Đức Thọ thì Quốc hội HK đã mặc nhiên cho phép Kissinger có quyền bỏ tiền ra lấy tù binh trở về.  Vấn đề là Kissinger trình diễn làm sao cho việc chung tiền không có vẻ là Hoa Kỳ bại trận.  Vì vậy Nixon vẫn hợp pháp khi Kissinger soạn ra tờ “Mật ước 3 điểm” hứa chung 3,25 tỉ cho Hà Nội. Số tiền đã được thông báo cho Quốc hội HK và ngay cả dân chúng HK cũng được biết một cách không chính thức.

    Thế nhưng 4 mục sau ( cam kết thiết lập hệ thống viện trợ kinh tế dài hạn cho Hà Nội ) là một việc làm phi pháp, bởi vì không xin phép Quốc hội HK, “lén thỏa thuận với đối phương”.  Vả lại viện trợ kinh tế dài hạn chỉ được dành cho quốc gia đồng minh của HK chứ không thể nào dành cho “kẻ thù”.

    Ngoài ra những đối thủ của Nixon trong đảng Dân chủ cũng có thể cáo buộc  rằng cái giá để lấy tù binh trở về là công cuộc viện trợ phát triển kinh tế cho HN.  Cũng là phạm pháp vì không xin phép Quốc hội; nhưng nếu có xin phép thì QH cũng sẽ bác bỏ bởi vì viện trợ kinh tế chỉ được cung cấp cho các quốc gia đồng minh trong khi Hà Nội đang là quốc gia thù địch.

    Sự kiện Nixon lẫn Hà Nội giữ kín tờ mật ước cho tới 1977 chứng tỏ ngày đó hai bên đồng thỏa thuận “Hà Nội bí mật hồi chánh”.  Hà Nội có quyền ly khai khỏi thế giới Cọng sản là doTrung Quốc và Liên Xô tráo trở, cả hai đã ngưng cung cấp vũ khí để buộc Hà Nội phải chấm dứt chiến tranh và trả tù binh cho HK.

    Thế nhưng tại sao Nixon lại giấu nhẹm tin HN hồi chánh ?  Câu trả lời rằng nhân dân Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận bởi vì mối thù giữa Hà Nội và nhân dân HK đang còn nóng hổi, Quốc hội và dân chúng HK muốn Hà Nội phải đầu hàng chứ dứt khoát không có chuyện Hà Nội tự nhiên trở thành đồng minh của HK mà chẳng phải trả giá cho tội lỗi của họ.

    Vậy thì tại sao Nixon không buộc Hà Nội phải đầu hàng đúng theo ước vọng của dân chúng Hoa Kỳ ?  Câu trả lời là TQ và LX sẽ không chấp nhận.  Họ đã thỏa thuận trói tay Hà Nội để Hà Nội ngưng theo đuổi chiến tranh chứ không phải để cho HK tha hồ đánh Bắc Việt đến nỗi phải đầu hàng.  Thế giới sẽ nguyền rủa hai đàn anh đểu cáng.

    Nếu Hà Nội đầu hàng vì trận dội bom 12 ngày đêm thì đương nhiên Liên Xô và Trung Quốc sẽ công bố cho thế giới biết rằng trong năm 1972 đích thân Nixon đến Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa để năn nỉ họ thôi viện trợ vũ khí cho Hà Nội để Hà Nội chấm dứt mộng theo đuổi chiến tranh, đem lại hòa bình cho nhân dân Việt Nam và cho toàn thế giới chứ họ không ngờ là HK đã lợi dụng việc này để tấn công buộc Hà Nôi phải đầu hàng.

    Hậu quả chắc chắn sẽ kéo theo sự căng thẳng trở lại giữa Hoa Kỳ và thế giới Cọng sản.  Và dư luận thế giới sẽ coi HK như là một kẻ tráo trở vô liêm sỉ, bởi vì rõ ràng là HK đã bị CSVN đánh bại nhưng lại năn nỉ LX và TQ trói tay HN để HK tiếp tục hạ gục HN.

    Vì vậy mà Nixon đã không kịp trở tay khi nghe Hà Nội đề nghị hồi chánh, ông chỉ còn có nước bí mật giúp đỡ Hà Nội dưới hình thức viện trợ bồi thường chiến tranh.  Sau đó là hiệp thương trao đổi hàng hóa giữa hai miền Nam Bắc ( theo Hiệp định Genève và Hiệp định Paris ).  Cuối cùng là tổng tuyển cử lựa chọn chế độ ( Cũng theo Hiệp định Genève và Hiệp định Paris ).  Dự trù đến lúc tổng tuyển cử thì Hà Nội sẽ sắp xếp cho dân Miền Bắc bỏ phiếu quyết định theo chế độ Tự do.  Lúc đó Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa sẽ không nói gì được.  Và nhân dân HK không thể nào từ chối.

    *( Ghi chú :  Thực ra bức mật thư đã được Hà Nội tiết lộ dần dần cho các dân biểu nghị sĩ HK từ năm 1975 nhưng những người này đã nhém đi vì không muốn chung tiền cho HN.  Họ viện lý do HN đã không thi hành nghiêm chỉnh HĐ Paris :

    Tháng 12 năm 1975 phái đoàn của HK do dân biểu Montgomery dẫn đầu đến HN đã được xem.

    Ngày 15-1-1976 phái đoàn do Thượng nghị sĩ McGovern dẫn đầu đến HN đã được xem.

    Ngày 14-4-1976, báo Nhân Dân của HN đăng một phần Mật ước với lời công kích chính phủ Mỹ ( Đăng 3 điều đầu, giấu 4 điều sau ).

    Ngày 3-5-1977, Phài đoàn đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa CSVN và HK tại Paris do Holbrooks dẫn đầu đã được Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Phan Hiền cho xem.

    Ngày 6-5-1977, báo Nhân Dân của HN cho đăng một phần Mật ước và một phần Công hàm đáp nhận của Phạm Văn Đồng cùng với lời chỉ trích chính phủ Mỹ “chà đạp luật pháp quốc tế”.  Dân biểu HK Lester L.Wolff đòi đưa Nixon ra tòa nếu Nixon không đưa ra bản Mật ước.

    Ngày 14-5-1977 Nixon viết thư trả lời Wolff rằng chẳng có cam kết viện trợ nào cả.

    Ngày 19-5-1977, trước sức ép của Wolff, chính phủ Cater loan báo ngày 1-2-1973 Nixon có ký một Mật ước với HN với con số 4,75 tỉ USD ( nghĩa là cho lộ luôn 4 điều sau mà HN đã giấu ).

    Ngày 21-5-1977 Bộ Ngoại giao HN cho công bố toàn văn Mật ước của Nixon và công hàm đáp nhận của Phạm Văn Đồng ).

    BÙI ANH TRINH

    https://vantuyen.net/2014/09/30/bui-anh-trinh-dang-sau-hiep-dinh-paris-mat-uoc-nixon-pham-van-dong/



    Không có nhận xét nào