Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Đại hội Công Đoàn kỳ 13 có đổi mới nhưng thiếu nhiều giải pháp cơ bản?

    Tác giả, T. K. Trần

    Vai trò, Gửi bài tới BBC từ Stuttgart, Đức

    13/12/2023

    Getty Images

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Cứ 5 năm một lần kể từ ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam lại tổ chức một đại hội công đoàn các cấp. 

    Đây là một dấu mốc quan trọng cho đoàn viên và gián tiếp cho cả giai cấp người lao động, bởi định hướng việc làm, chương trình hành động của Công đoàn trong 5 năm tiếp đó sẽ được bàn thảo và quyết định trong đại hội này.

    Từ 01 tới 03/12/2023 vừa qua, Đại hội Công đoàn lần thứ 13 đã được tổ chức với phương ngôn “đổi mới - dân chủ - đoàn kết - phát triển”.

    Công đoàn đổi mới những gì? Thế nào là “dân chủ“, “đoàn kết“, “phát triển“ trong khẩu hiệu của Công đoàn hiện nay? Phương ngôn trong đại hội này có là giải pháp cho nguyện vọng người lao động?

    Công đoàn đổi mới những gì?

    Theo tôi quan sát, thực ra vấn đề Công đoàn “đổi mới“ không hề… mới. 

    Ngay từ Đại hội lần thứ 7 (nhiệm kỳ 1993-1998), mục tiêu Công đoàn đã là “… đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn…”. 

    Mục tiêu của Đại hội thứ 10 (nhiệm kỳ 2008-2013) và Đại hội thứ 11 (nhiệm kỳ 2013-2018) là “tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp...”.

    Điều này chứng tỏ là ít nhất từ 30 năm nay (1993-2023) Công đoàn vẫn loay hoay “đổi mới”“, tìm cách tháo gỡ tình trạng hoạt động trì trệ.

    “Đổi mới” mà Công đoàn hiện nay nhắm đến chỉ lại là sửa đổi phương pháp hoạt động, tuyên truyền chính trị, cách thức thu nhận thành viên. Những sửa đổi mà bao năm qua không đem lại kết quả chờ đợi.

    “Đổi mới” thực sự có thể là dùng phương tiện công nghệ số trong công việc. Nhưng điều này chỉ là đổi mới kỹ thuật làm việc, không có tác động vào nội dung. 

    “Đổi mới” có thể là vấn đề “bảo đảm an ninh trong giới công nhân”, “nắm chắc tình hình công nhân” (theo ngôn ngữ văn bản) mà thực chất là tăng cường những biện pháp công an giám sát theo dõi công nhân bất mãn, đề phòng bất ổn trong quan hệ lao động. Ta thấy chủ đề bàn thảo của diễn đàn số 10 trước Đại hội tổ chức ở Bộ Công an.

    Không đổi mới tầm nhìn giáo điều của người lãnh đạo

    Bên cạnh những “đổi mới” đó, có những chủ trương theo tôi đánh giá là không đổi mới:

    Không đổi mới là sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng CSVN, là Công đoàn vẫn là một tổ chức chính trị xã hội của Đảng CS.

    Không đổi mới từ khi thành lập Công đoàn tới ngày nay là chủ trương “giáo dục” công nhân, đưa chủ nghĩa Mác-Lê đến với người lao động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà ta nhận thấy rõ nét trong bài phát biểu định hướng công đoàn của TBT Nguyễn Phú Trọng, nguyên văn như sau:

    “(Trích) NLĐ vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình.”

    Tôi cho rằng, trên thực tế khó mà hình dung được tâm tư của người lao động làm việc đầu tắt mặt tối không đủ ăn, lại chủ động tham gia vào một tổ chức lao động là để được “giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành…” như nhận định chủ quan của Tổng Bí thư Trọng. Họ gia nhập Công đoàn hay một tổ chức đại diện nào khác chỉ vì mong muốn duy nhất là được bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của họ.

    Công đoàn Việt Nam xác định vừa là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, vừa là tổ chức đại diện người lao động. Chức năng nửa nạc nửa mỡ của Công đoàn không khác gì hình ảnh con rắn hai đầu loay hoay giằng co không biết đi về đâu.

    Đại hội Công đoàn có quyết định gì liên quan tới người lao động?

    Trong Nghị quyết Đại hội Công đoàn, ngoài những lời tự khen “thành quả” đạt được, quan trọng là phần mục tiêu cụ thể của Công đoàn trong nhiệm kỳ này. Phần lớn những chỉ tiêu này có tính cách nội bộ như tăng cường thành lập công đoàn cơ sở 100%, phát triển đoàn viên lên 15 triệu, tăng lượng đoàn viên được giới thiệu làm đảng viên đảng CSVN, xây dựng bồi dưỡng chủ tịch công đoàn cơ sở…

    Trực tiếp liên quan tới người lao động chỉ là chỉ tiêu chính trị: hàng năm phải có ít nhất 85% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền phổ biến học tập quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng Cộng sản liên quan đến lao động và công đoàn. 

    Được nêu cao hơn cả là cái gọi là “khâu đột phá”: “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”. Đáng chú ý là “khâu đột phá” này không có gì mới. Nó đã được đưa lên trong những kỳ Đại hội trước đây từ hơn 30 năm với phương ngôn: “động viên mới cơ chế quản lý kinh tế…, chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động” (Đại hội kỳ 6, nhiệm kỳ 1988-1993) nhưng không được thực thi đúng mức.

    Khác với những chỉ tiêu phấn đấu liên quan tới tổ chức nội bộ Công đoàn, “khâu đột phá” của Đại hội không có gì cụ thể, không có mốc thời gian hoàn thành, không nêu chỉ tiêu cần đạt được.

    Những vấn đề của người lao động có được Đại hội Công đoàn kỳ 13 quan tâm?

    Vấn đề được người lao động quan tâm nhất hiện nay là tăng lương tối thiểu vùng của năm 2024. Tháng 8 vừa qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có một phiên họp bàn về việc này nhưng bỏ ngỏ, không quyết định. 

    Ông Lê Đình Quảng, đại diện cho Công đoàn trong Hội đồng Tiền lương, trong cuộc phỏng vấn của truyền hình “Talk Công đoàn”, dự báo là vấn đề sẽ được “chốt” trước khai mạc Đại hội Công đoàn, hay muộn lắm là cuối năm nay. Thế nhưng tới nay vẫn chưa có tin tức gì về một cuộc đàm phán tăng lương. Công đoàn vẫn né tránh vấn đề hệ trọng này.

    Vấn đề quan trọng khác đối với người lao động là bảo hiểm xã hội (BHXH). Quan điểm và định hướng giải quyết của Công đoàn về việc rút một lần BHXH ra sao? Vấn đề 200.000 người lao động bị mất BHXH sẽ được giải quyết như thế nào? Người lao động muốn biết.

    Vấn đề thì giờ làm việc của người lao động: Trong khi người lao động khu vực nhà nước làm 40 tiếng/tuần thì công nhân xí nghiệp khu vực tư làm 48 tiếng/tuần. Công đoàn có chương trình san bằng bất công này không?

    Vấn đề an toàn vệ sinh lao động hiện nay vẫn có nhiều thiếu sót. Cụ thể như vụ việc xảy ra vừa qua ở công ty Châu Tiến ở Nghệ An: Trong 81 công nhân Công ty Châu Tiến được khám ngày 8/11 vừa qua, có tới 57 người mắc bệnh bụi phổi, trong đó, 19 người bị thể nặng, 25 người thể trung bình và 13 người thể nhẹ. Bi thảm hơn, 6 công nhân của công ty này đã chết vì bệnh bụi phổi. Công đoàn có giải pháp gì để giảm thiểu vấn đề này?

    Vấn đề nhà ở cho người lao động: Dự tính của nhà nước xây 1 triệu căn hộ cho người lao động tới năm 2030 có nhiều khúc mắc trở ngại, thực hiện nhỏ giọt, có nguy cơ thất bại. Cho dù nhà xã hội có giá rẻ, người lao động cũng không thể mua với tiền lương thấp như hiện nay. Chính sách của Công đoàn ra sao?

    Lẽ ra với “trách nhiệm tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội” mà chính đảng CSVN và Công đoàn đề ra thì những vấn nạn nêu trên phải có trong chương trình hành động của Đại hội Công đoàn với những mốc thời gian và chỉ tiêu giải quyết rõ ràng, thế nhưng tất cả lại bị bỏ ngỏ.

    Tóm lại, theo tôi thì “đổi mới” trong phương ngôn của Đại hội Công đoàn (đổi mới - dân chủ - đoàn kết - phát triển) thực chất là chỉ đổi mới kỹ thuật, phương pháp làm việc nội bộ, không đổi mới nội dung, phương hướng. 

    “Phát triển” là mục tiêu tăng cường số lượng đoàn viên, số lượng công đoàn cơ sở. Còn thế nào là “dân chủ”, “đoàn kết” thì các văn kiện, nghị quyết của đại hội không cho thấy. 

    Ngược lại, việc thảo luận về “bảo đảm an ninh trong giới công nhân” làm dấy lên mối lo ngại là nhà nước sẽ mạnh tay với công nhân bất mãn, sẽ đàn áp đình công tự phát.

    Việc thiếu vắng một chương trình chi tiết cụ thể giải quyết những nguyện vọng bức thiết nhất hiện nay của người lao động làm kết quả Đại hội Công đoàn trở nên hết sức mờ nhạt.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72702z941po


    Không có nhận xét nào