Trùng Dương
15/12/2023
" Cuộc bầu cử ngày 3 tháng 9 cách nay hơn nửa thế kỷ là cuộc bầu cử biểu tượng của nền dân chủ tự do duy nhất trong lịch sử Việt Nam mấy ngàn năm hết bị trị bởi ngoại bang tới quân chủ chuyên chế và bây giờ là độc tài toàn trị.
Đặc biệt hơn cả nó đã diễn ra trong lúc chiến tranh đang sôi động, nói lên khát vọng muôn đời của người dân Việt Nam về một thể chế chính trị dân chủ công bằng" .
Bích chương tranh cử của các ứng cử viên gồm 11 liên danh ứng cử tổng thống và phó tổng thống, và của các ứng cử viên thượng nghị viện tổ chức cùng ngày 3 tháng 9, 1967 dán bên hông chợ Bến Thành, Sài Gòn. Phải, băng rôn nhắc nhở dân chúng ngày đi bầu tại một vùng nông thôn. (Ảnh: flickr.com, chú thích ảnh của tác giả.)
Trùng Dương
Nói đến quyền căn bản trong một chế độ dân chủ, tức quyền đầu phiếu, hay quyền có tiếng nói, không thể không nhớ tới việc đã có lần người dân Việt có dịp cầm lá phiếu đó trên tay để chọn người mình cho là đáng tín cậy, mặc dù thực tế vẫn có những bất toàn của một nền dân chủ đầu tiên trong lịch sử tuy còn phôi thai.
Ngày 3 tháng 9 cách đây 56 năm, dân Miền nam đã đi bầu trong một kỳ bầu cử tổng thống và nghị sĩ.
Nhật báo The New York Times viết nhân kỷ niệm 50 năm cuộc bầu cử 1967 này, đã viết: “Phải công nhận là cuộc bầu cử [ngày 3 tháng 9, 1967] chưa đạt tiêu chuẩn… Tuy nhiên, nó vẫn là một trong những giờ phút quan trọng nhất trong lịch sử cuộc chiến tại Viet Nam.”
Quan trọng hơn cả, cuộc bầu cử với sự tham gia có vẻ tự nguyện và nồng nhiệt của trên 70 phần trăm cử tri ghi danh đầu phiếu là một “phản ứng đối với nhiều năm đảo chính quân sự, các cuộc lộn xộn khu vực và tình trạng bất ổn giáo phái, cuộc bỏ phiếu đã giúp khôi phục trật tự pháp lý và chính trị, cung cấp một diễn đàn nơi các phe phái chống Cộng có thể tranh biện trong ôn hòa,” tờ NY Times nhận định. “Đi kèm với một Hiến pháp đã được đề ra và một hội đồng lưỡng viện mới, [cuộc bầu cử] đại diện cho một cành ô liu nhằm giành lại những cử tri Việt Nam bất mãn, những người có thể đứng về phía Cộng sản, và để ngăn chặn sự ủng hộ đang giảm sút trong Quốc hội Hoa Kỳ. Và trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc đang diễn ra, nó đã đưa tới một loạt các sinh hoạt mới lạ, từ các cuộc tranh luận trên toàn quốc và các ứng cử viên đến thời lượng phát sóng truyền hình được cung cấp cho tất cả các ứng cử viên.”
Trong khi đó, Nhật báo Chính Luận, số ra ngày 3-4 tháng 9, 1967, chạy những hàng tít lớn nhỏ ở trang nhất, bên cạnh các tin chiến sự và chính trị khác: “Lần đầu tiên Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam lên tiếng về cuộc bầu cử – Công nông hãy dùng lá phiếu chận sự đột nhập của phường ác ôn thối nát vào QH, chính quyền – Tổng Liên Đoàn Lao Công dành trọn sự ủng hộ cho Liên danh Nông-Công-Binh có thành phần binh sĩ vì khi hòa bình lập lại nửa triệu binh sĩ cần kế sống.” Một tít khác có tựa đề: “Mấy liên danh đang dẫn đầu đều ‘bị’ hoan hô và đả đảo – Các ứng cử viên đều bị cạn vốn, nên không còn chuyện giật gân nữa.” Cũng nơi trang nhất: “Tổng Liên Đoàn Lao Công: Đòi hỏi Bầu cử ngày 3-9 tuyệt đối trong sạch công bằng – Không tán thành gây xáo trộn sau bầu cử.”
Theo tài liệu của University of Michigan, có tổng cộng 11 liên danh ra ứng cử tổng thống và phó tổng thống, tranh nhau số phiếu của tổng số 5 triệu 853 ngàn cử tri, tức 70 phần trăm người ghi danh đi bầu (Có tài liệu ghi 83.3 phần trăm, với chỉ có 3 phần trăm phiếu bị loại vì không hợp lệ). So với 61.4 phần trăm trong kỳ bầu cử tống thống Mỹ 1964, và 61.4 phần trăm trong kỳ bầu cử 1968. Có tỉnh số người đi bầu lên tới 93 phần trăm.
Đoạt số phiếu cao nhất là liên danh quân nhân Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, với 34.8 số phiếu. Các liên danh dân sự là Trương Đình Dzu và Trần Văn Chiêu xếp hạng thứ hai với 17.2 phần trăm số phiếu; Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán, 10.8 phần trăm; và Trần Văn Hương và Mai Thọ Truyền, 10 phần trăm.
Trái, trang nhất nhật báo Chính Luận đề Chủ nhật và thứ Hai ngày 3-4 tháng 9, 1967 (Tài liệu Kho Chứa Sách Xưa). Phải, kết quả bầu cử với các liên danh dẫn đầu. (Tài liệu University of Michigan.)
Một số trong 5 triệu 853 ngàn cử tri, hay 70 phần trăm người ghi danh bầu, thuộc mọi tầng lớp dân chúng đi bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng tổng và thượng nhị sĩ trong ngày bầu cử 3 tháng 9, 1967. (Ảnh flickr.com)
Đông đảo dân chúng háo hức theo dõi kết quả bầu cử ngày 3 tháng 9, 1967 tại quảng trường Lam Sơn trước Nhà Quốc Hội. (Ảnh Flickr.com)
Theo một tài liệu của University of New South Wales, Australia, “[C]uộc bỏ phiếu diễn ra dưới sự giám sát của hàng trăm quan sát viên bao gồm các nhà báo và quan sát viên chính thức đến từ 24 quốc gia. Các nhân viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã theo dõi cuộc bầu cử và Hoa Kỳ cũng đã gửi một hội đồng gồm 22 quan sát viên bao gồm ba Thượng nghị sĩ, ba Thống đốc, hai thị trưởng, hai cựu chiến binh, một đoàn viên, hai đại diện doanh nghiệp, hai đại diện tôn giáo và năm đại diện của các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Cùng đi với các quan sát viên còn có ba học giả có chuyên môn về bầu cử, đại diện của Bộ Ngoại giao và một đại diện của Nhà Trắng. Khi trở về Hoa Kỳ, các nhà quan sát này đã gặp Tổng thống Johnson để thảo luận về quan điểm của họ về cuộc bầu cử mà họ vừa chứng kiến. Các nhà quan sát có quan điểm chính trị khác nhau và một số công nhận có hoài nghi về cuộc bầu cử trước khi họ dời khỏi Mỹ.”
“Mặc dù vậy, khi trở về Hoa Kỳ, họ đã nhất trí trong việc đánh giá của họ rằng cuộc bầu cử đã tự do và công bằng,” bản tường trình tiếp. “Thống đốc Richard Hughes, một đảng viên Dân chủ, cho biết cuộc bầu cử đã ‘sạch sẽ.’ Ông đã nói chuyện với khoảng 200 quan chức bầu cử, nông dân, trưởng làng và những người khác và thấy họ nhiệt tình đón nhận cuộc bầu cử. Thống đốc Tom McCall, một đảng viên Cộng hòa, nói rằng cuộc bầu cử đáp ứng các tiêu chuẩn của cuộc bầu cử tự do và công bằng và cuộc bầu cử được đánh giá thuận lợi với bất kỳ tiểu bang nào ở Hoa Kỳ. Một số người khác nói rằng cuộc bầu cử so sánh thuận lợi với những cuộc bầu cử được tổ chức ở Mỹ.”
Cuộc bầu cử ngày 3 tháng 9 cách nay hơn nửa thế kỷ là cuộc bầu cử biểu tượng của nền dân chủ tự do duy nhất trong lịch sử Việt Nam mấy ngàn năm hết bị trị bởi ngoại bang tới quân chủ chuyên chế và bây giờ là độc tài toàn trị.
Đặc biệt hơn cả nó đã diễn ra trong lúc chiến tranh đang sôi động, nói lên khát vọng muôn đời của người dân Việt Nam về một thể chế chính trị dân chủ công bằng .
[TD2023-08]
Một số tài liệu tham khảo:
1967 Elections: A Turning Point for South Vietnam? [Vietnam ’67]
https://archive.nytimes.com/www.nytimes.com/2017/09/01/opinion/south-vietnam-war-election.html
50th Anniversary: South Vietnam’s 1967 Presidential election
https://vietnam.unsw.adfa.edu.au/50th-anniversary-south-vietnams-1967-presidential-election/
Nhật báo Chính Luận ngày 3 và 4 tháng 9, 1967
http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Nhat%20Bao%20Chinh%20Luan/ChinhLuan_1030%2003_04SEP1967.pdf
1967 – Cuộc bầu cử Tổng Thống và Thuợng Nghị Viện VNCH ngày 3-9-1967
VIETNAM ELECTIONS September 3, 1967 – by Co Rentmeester – LIFE Photo Collection
https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/albums/72157651237373908
Không có nhận xét nào