Header Ads

  • Breaking News

    Truyền thống ngày lễ của Tòa Bạch Ốc

    Truyền thống ngày lễ của các tổng thống bắt nguồn từ đâu? 

    Jeff Minick 

    12/12/2023

    Truyền thống ngày lễ của Tòa Bạch Ốc


    Tòa Bạch Ốc trang trí Giáng Sinh với chủ đề Phép màu, Điều kỳ diệu, và Niềm vui mùa lễ hội tại Hoa Thịnh Đốn hôm 27/11/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times) 

    Năm 1800, ngài John Adams trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ sống trong “Dinh thự Điều hành.” Tòa nhà này mang cái tên đó cho đến một thế kỷ sau, khi Tổng thống Theodore Roosevelt chính thức chỉ định nơi này là Tòa Bạch Ốc, cái tên mà chúng ta sử dụng ngày nay. Cùng năm đó, Tổng thống Adams và phu nhân Abigail tổ chức một bữa tiệc Giáng Sinh tại ngôi nhà mới của họ với sự góp mặt của cháu gái Susanna. 

    Bà Abigail giám sát kế hoạch của sự kiện này. Đồ trang trí là cây xanh theo mùa, điển hình của thời đó, và một dàn nhạc nhỏ biểu diễn âm nhạc cho khách. Sau bữa tối là những bài hát thánh ca kèm bánh ngọt và rượu punch. Một người bạn của bé Susanna sơ suất làm vỡ một trong những chiếc đĩa đồ chơi mới của bé và để trả đũa, bé Susanna cắn đứt mũi con búp bê của người bạn đó. Một bài báo liên quan đến cuộc cãi vã này ghi lại rằng, “Người ta nói rằng Tổng thống Adams đã can thiệp và bảo đảm rằng vụ việc không leo thang.” 

    Lễ Giáng Sinh đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc phản ánh những phong tục tổ chức ngày lễ Giáng Sinh vào thời điểm đó, tất nhiên, ngoại trừ chiếc mũi bị mất của con búp bê tội nghiệp. Trong hơn 200 năm qua, những lễ kỷ niệm này đã phản ánh giá trị của gia đình tổng thống lẫn quốc gia nói chung. 

    Kỳ nghỉ lễ của Old Hickory (biệt danh của Tổng thống Andrew Jackson)

    Buổi giới thiệu truyền thông về trang trí ngày lễ và sự kiện nếm thử tại Phòng Xanh của Tòa Bạch Ốc vào ngày 30/11/2005. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)


    Buổi giới thiệu truyền thông về trang trí ngày lễ và sự kiện nếm thử tại Phòng Xanh của Tòa 

    Bạch Ốc vào ngày 30/11/2005. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images) https://adserv.etv.sale/live/www/delivery/lg.php?bannerid=139&campaignid=1&zoneid=124&loc=https%3A%2F%2Fwww.epochtimesviet.com%2Ftruyen-thong-ngay-le-cua-toa-bach-oc_427280.html&referer=https%3A%2F%2Fwww.epochtimesviet.com%2F&cb=c54336b2b8

    Trong khoảng 60 năm đầu, Lễ Giáng Sinh ở Tòa Bạch Ốc ít được chú ý hơn so với ngày nay. Như vào thời của Tổng thống Adams, cây xanh có thể được sử dụng để trang trí Tòa Bạch Ốc, và những bữa ăn chung với bạn bè gia đình và những người quen trong giới chính trị có thể biểu trưng cho dịp này, nhưng Lễ Giáng Sinh dành cho các tổng thống, phu nhân, con cái của họ và các vị khách thường tuân theo cách cũ là đi nhà thờ và lấy các hoạt động gia đình làm trung tâm. 

    Tổng thống Andrew Jackson là một ngoại lệ với quy tắc này. Ông đã phá vỡ các quy ước xã hội khi mà tại lễ nhậm chức năm 1829, có hàng ngàn người ủng hộ (nhiều người trong số họ là những người chiến hữu cũ từ những ngày ở biên giới của ông) xuất hiện tại Tòa Bạch Ốc, xô đẩy nhau vào bên trong để chúc mừng “Old Hickory,” đập phá đồ đạc và để lại những vết giày đầy bùn trên sàn nhà. 

    Sáu năm sau, Tổng thống Jackson tổ chức một bữa tiệc Giáng Sinh xa hoa cho các cháu của mình và một số bạn trẻ khác. Các lễ hội này bao gồm ca hát, thức ăn, và khiêu vũ, nhưng có hai sự kiện đã khiến dịp này trở nên đặc biệt. Vào thời điểm này, việc treo những chiếc tất Giáng Sinh cạnh lò sưởi đã trở nên phổ biến. Các cháu của Jackson buộc tất lên lò sưởi, sau đó thuyết phục Tổng thống Jackson làm điều tương tự lần đầu tiên trong đời. 

    Thú vị hơn nữa là trận chiến bóng tuyết nhân tạo do tổng thống thiết kế. Không có tuyết trên bãi cỏ Tòa Bạch Ốc, nhưng Tổng thống Jackson có những “quả cầu tuyết” đặc biệt được làm bằng bông gòn. Trong khi ông và những người lớn khác đứng ngoài lề, bọn trẻ chạy quanh phòng, ném những quả bóng tuyết vào nhau trước sự cổ vũ của người lớn. 

    Gần 80 năm sau, tờ Evening Star của thủ đô Washington kể lại rằng Phó Tổng thống Martin Van Buren “đã tham gia cùng đám đông thanh niên trong các trò chơi ‘bịt mắt bắt dê,’ ‘con mèo trong góc,’ hoặc ‘phạt,’ hoặc trong khi các cô bé cố gắng bắt ông dưới nhành tầm gửi treo lơ lửng trên chiếc đèn chùm lớn.” Vào cuối buổi tối, “các vị khách nhỏ đi ngang qua Tổng thống, lần lượt tặng ông một nụ hôn và chào ông ‘Chúc ngủ ngon, thưa tướng quân.’” 

    Tổng thống Theodore Roosevelt, người theo chủ nghĩa bảo tồn môi trường, được cho là đã cấm cây Giáng Sinh tại Tòa Bạch Ốc. Nhưng vào tháng 12/1903, các con đã tạo bất ngờ cho ông khi đặt một cây Giáng Sinh trong tủ đồ phòng may. Bức tranh “Không ai tỏ ra kinh ngạc hơn ông Roosevelt” đầu thế kỷ 20, nghệ sĩ George Varian. (Ảnh: Hiệp hội Lịch sử Tòa Bạch Ốc)


    Tổng thống Theodore Roosevelt, người theo chủ nghĩa bảo tồn môi trường, được cho là đã cấm cây Giáng Sinh tại Tòa Bạch Ốc. Nhưng vào tháng 12/1903, các con đã tạo bất ngờ cho ông khi đặt một cây Giáng Sinh trong tủ đồ phòng may. Bức tranh “Không ai tỏ ra kinh ngạc hơn ông Roosevelt” đầu thế kỷ 20, nghệ sĩ George Varian. (Ảnh: Hiệp hội Lịch sử Tòa Bạch Ốc) 

    Năm 1903, Tổng thống Theodore và phu nhân Edith Roosevelt tổ chức một buổi tiệc thậm chí còn hoành tráng hơn bằng cách mời hơn 500 trẻ em đến dự bữa tiệc Giáng Sinh tại Tòa Bạch Ốc, chỉ là không có trò quả cầu tuyết. 

    Ngày nay, cách trang trí [nội thất] và cây cảnh của Tòa Bạch Ốc tiếp tục khiến những vị khách nhỏ tuổi trầm trồ. 

    Cây cối, đồ trang trí, và những vị đệ nhất phu nhân sáng tạo

    Những người nhập cư Đức đã giới thiệu cây thông Giáng Sinh đến Mỹ. Vào giữa thế kỷ 19, cây thông Noel đã được bán thương mại ở các thành phố, được mang về nhà và trang trí bằng những đồ thủ công làm tại nhà. 

    Một trong những hình ảnh sớm nhất được biết đến về cây thông Giáng Sinh của Tòa Bạch Ốc, gia đình Cleveland đã đặt cây thông Noel của họ ở tầng trên, tại Phòng Bầu dục Tầng hai, vào khoảng năm 1896. (Hiệp hội Lịch sử Tòa Bạch Ốc) 

    Mặc dù có nhiều ghi chép khác nhau, Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Benjamin Harrison có thể là nơi đầu tiên có cây thông Noel trong nhà. Đó là năm 1889, và cây thông được treo các đồ trang trí của gia đình. Năm 1895, phu nhân trẻ tuổi của Tổng thống Grover Cleveland, Francis, đã trang trí cây thông của họ bằng những hình thiên thần và xe trượt tuyết, bên dưới cô đặt một mô hình của Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, đặc biệt đáng chú ý là đèn điện của cây thường xanh này. Tin tức về cây thông lấp lánh của phu nhân Francis Cleveland đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân loại bỏ những ngọn nến nguy hiểm, vốn thường được dán trên cành cây. 


    Tổng thống Calvin Coolidge trong buổi thắp sáng cây thông Giáng Sinh Quốc gia vào ngày 24/12/1923. Thư viện Quốc hội. (Ảnh: Tài liệu công cộng) 

    Sang thế kỷ 20, cây thông Giáng Sinh ở Tòa Bạch Ốc càng có ý nghĩa trọng đại hơn. Năm 1923, Tổng thống Calvin Coolidge giám sát việc thắp sáng Cây thông Giáng Sinh quốc gia. Trong thời gian Tổng thống Dwight Eisenhower còn đương chức, việc dựng một cái cây ở công viên tổng thống Ellipse (của Tòa Bạch Ốc) được thắp sáng bởi hàng ngàn ánh đèn đã trở thành một truyền thống được tiếp nối cho đến ngày nay. Đệ nhất phu nhân Mamie Eisenhower cũng thường được ghi nhận là người đã đưa Phòng Xanh trở thành nơi đặt cây thông Giáng Sinh chính trong nhà. 

    Năm 1961, đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy lần đầu tiên tạo ra một cây thông Giáng Sinh theo chủ đề cho Phòng Xanh, chọn đồ trang trí tượng trưng cho tác phẩm “Kẹp hạt dẻ” của nhà soạn nhạc Tchaikovsky. Đệ nhất phu nhân cũng lao vào trang trí các khu vực khác của Tòa Bạch Ốc. Bà đặt một cái cây trong mỗi phòng và sử dụng hơn 900 mét ruy băng để tạo ra một lễ hội hóa trang bằng tuyết. 

    Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và cây thông Noel theo chủ đề “Nutcracker Suite” của bà, 1961, có đồ chơi trang trí, chim, và thiên thần được mô phỏng theo vở ballet “Kẹp hạt dẻ” của nhà soạn nhạc Tchaikovsky. (Ảnh: Robert Knudsen/Thư viện và Bảo tàng Tổng thống John F. Kennedy)


    Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và cây thông Noel theo chủ đề “Nutcracker Suite” của bà, 1961, có đồ chơi trang trí, chim, và thiên thần được mô phỏng theo vở ballet “Kẹp hạt dẻ” của nhà soạn nhạc Tchaikovsky. (Ảnh: Robert Knudsen/Thư viện và Bảo tàng Tổng thống John F. Kennedy) 

    Các đệ nhất phu nhân khác cũng noi gương bà, chọn chủ đề cho các cây Giáng Sinh và trang trí mặt tiền một cách xa hoa. Ví dụ, vào năm 2016, đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã chọn chủ đề “Món quà của ngày lễ,” nhấn mạnh đến các nền văn hóa khác nhau, năm sau, Đệ nhất phu nhân Melania Trump chọn “Các truyền thống được quý trọng lâu đời,” bao gồm những cái cây được treo các đồ trang trí từ toàn bộ 50 tiểu bang. Những nỗ lực này thường được đưa lên các kênh tin tức quốc gia, truyền cảm hứng cho một số người trong công chúng thử tự mình tạo ra một kỳ nghỉ theo chủ đề. 

    Cây thông Giáng Sinh của Đệ nhất phu nhân Melania Trump trong Phòng Xanh năm 2020. (Ảnh: Tài liệu công cộng)


    Cây thông Giáng Sinh của Đệ nhất phu nhân Melania Trump trong Phòng Xanh năm 2020. (Ảnh: Tài liệu công cộng) 

    Phụng sự người khác

    Vào ngày Giáng Sinh năm 1864, cậu bé Tad Lincoln mời một số cậu bé bán báo mà cậu gặp đến Tòa Bạch Ốc để sưởi ấm và thưởng thức một bữa ăn nóng. Mặc dù đang bị bủa vây trong cuộc chiến với miền Nam, các kẻ thù chính trị ở D.C., và trên báo chí, Tổng thống Lincoln vẫn mời các cậu bé ở lại ăn tối. Những lời mời ngay tại chỗ này là điều không thể tưởng tượng nổi trong môi trường an ninh nghiêm ngặt ngày nay, nhưng nhiều tổng thống và đệ nhất phu nhân của chúng ta đã đánh dấu mùa Giáng Sinh bằng những hành động nhân đức tương tự. 

    Một tranh minh họa “Lễ Giáng Sinh tại gia đình Tổng thống Hoover” từ Tạp chí The Sunday Star, ngày 22/12/1929, do Stockdon Mulford thực hiện. Thư viện của Quốc hội. (Ảnh: Tài liệu công cộng)

    Một tranh minh họa “Lễ Giáng Sinh tại gia đình Tổng thống Hoover” từ Tạp chí The Sunday Star, ngày 22/12/1929, do Stockdon Mulford thực hiện. Thư viện của Quốc hội. (Ảnh: Tài liệu công cộng) 

    Chẳng hạn như, lễ Giáng Sinh năm 1929 là ngày lễ đầu tiên trong thời kỳ mà sau này trở thành thời Đại Suy Thoái, và bà Lou Hoover, phu nhân của Tổng thống Herbert Hoover, đã giúp đỡ tổ chức ít nhất hai sự kiện từ thiện. Vào ngày 23/12, bà trợ giúp tổ chức bất vụ lợi Central Union Mission có trụ sở tại Washington “trong việc phân phát các túi đồ chơi và những món quà Giáng Sinh vui vẻ cho hàng trăm bé trai và bé gái, mà nếu không có các món quà đó, Giáng Sinh của các em sẽ thiếu đi niềm hân hoan.” Khi làm như vậy, bà đang tiếp tục một hoạt động từ thiện mà đã bắt đầu từ người tiền nhiệm Tòa Bạch Ốc của bà, Đệ nhất phu nhân Grace Anna Coolidge. Ngày hôm sau, bà Hoover giúp phát những giỏ thức ăn cho tổ chức Cứu Thế Quân (Salvation Army). 

    Bà Hoover mua tem ủng hộ cho cuộc chiến chống bệnh lao, ngày 17/12/1929. Thư viện Quốc hội. (Ảnh: Tài liệu công cộng)


    Bà Hoover mua tem ủng hộ cho cuộc chiến chống bệnh lao, ngày 17/12/1929. Thư viện Quốc hội. (Ảnh: Tài liệu công cộng) 

    Giống như rất nhiều người Mỹ khác, đối với những người coi ngôi nhà số 1600 Đại lộ Pennsylvania NW là nhà của họ, lễ Giáng Sinh mang ý nghĩa rằng: cho đi cũng chính là nhận lại. 

    Thắt chặt mối quan hệ

    Ngày 30/11/2023 đánh dấu kỷ niệm 100 năm thắp sáng Cây thông Noel Quốc gia. Năm nay, cây thông cao 19 foot đến từ Quận Ashe, North Carolina, nơi hai anh em Amber Scott và Alex Church cùng nhau điều hành Cline Church Nursery. Trước khi chặt cây, anh Alex cho biết, anh và gia đình quây quần lại bên nhau để cầu nguyện cho cuộc hành trình của cây. Tương tự như những năm trước, lễ thắp sáng có kèm theo âm nhạc và chính thức chào đón mùa [lễ hội] này đến Tòa Bạch Ốc và cả nước. 

    Trong nhiều thế hệ, người Mỹ đã trân trọng những giai thoại như vậy về Giáng Sinh và Tòa Bạch Ốc. Chúng nhắc nhở chúng ta về điều tốt lành ở đất nước và người dân nơi đây. 

    Một phong tục lâu đời trong gia đình Tổng thống Franklin Roosevelt là tụ tập cả gia đình quanh lò sưởi vào đêm Giáng Sinh, nơi Tổng thống Roosevelt đọc to truyện “Hồn Ma Đêm Giáng Sinh” của nhà văn Charles Dickens. Trong Lời chào mừng Giáng Sinh tới Quốc gia vào ngày 24/12/1936, Tổng thống Roosevelt đã đề cập đến truyền thống này, sau đó trích dẫn “lời cam kết của Lão Scrooge” ở gần cuối câu chuyện kinh điển trên: “Tôi sẽ tôn vinh Giáng Sinh trong trái tim mình và cố gắng giữ gìn nó suốt cả năm. Tôi sẽ sống trong Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Linh hồn của cả Ba sẽ hiện hữu trong tôi. Tôi sẽ không khước từ những bài học mà họ dạy.” 

    Tổng thống Roosevelt và xung quanh là các cháu của ông tại Hyde Park vào ngày 24/12/1943. (từ trái–sang phải) Franklin D. Roosevelt III, Curtis “Buzzie,” Christopher duPont Roosevelt, Tổng thống Roosevelt, Ann Roosevelt, Eleanor “Sistie” Dall, John Boettiger và Haven Roosevelt. (Ảnh: Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Franklin D. Roosevelt)


    Tổng thống Roosevelt và xung quanh là các cháu của ông tại Hyde Park vào ngày 24/12/1943. (từ trái–sang phải) Franklin D. Roosevelt III, Curtis “Buzzie,” Christopher duPont Roosevelt, Tổng thống Roosevelt, Ann Roosevelt, Eleanor “Sistie” Dall, John Boettiger và Haven Roosevelt. (Ảnh: Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Franklin D. Roosevelt) 

    Vào cuối bài diễn văn của mình, Tổng thống Roosevelt đưa ra những lời trấn an sau đây cho một quốc gia đang bị tàn phá bởi cuộc Đại Suy Thoái: “Chúng ta, người Tây bán cầu, năm nay đã đặc biệt tôn vinh tinh thần Giáng Sinh, vì chúng ta đã cam kết một lần nữa niềm tin của chúng ta vào sự phân xử của lý trí và thực tiễn của tình bằng hữu. Đêm nay chúng ta làm chứng cho đức tin đó. Nguyện đức tin đó sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hôm nay và ngày mai và suốt cả năm tới.” 

    Lý trí, tình bằng hữu, đức tin — là những kim chỉ nam tuyệt vời cho tất cả người Mỹ đang tìm kiếm thông điệp Giáng Sinh cổ xưa, “Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người.” 

    Và gửi đến các độc giả của tôi, cũng như Tổng thống Roosevelt, tôi xin mượn những lời cuối cùng trong câu chuyện Giáng Sinh kinh điển này của nhà văn Dickens: “Cầu Chúa Phù Hộ Cho Mỗi Người Chúng Ta!”

    Hòa Long biên dịch

    https://www.epochtimesviet.com/truyen-thong-ngay-le-cua-toa-bach-oc_427280.html


    Không có nhận xét nào