Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 22 tháng 12 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    IAEA : Lò phản ứng hạt nhân mới của Bắc Triều Tiên dường như đã hoạt động

    Phan Minh /RFI

    22/12/2023

    Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm qua, 21/12/2023, thông báo lò phản ứng thứ hai tại cơ sở hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên dường như đã đi vào hoạt động. 

    (Ảnh minh họa) - Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên ngày 14/09/2021.

    (Ảnh minh họa) - Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên ngày 14/09/2021. © AFP/ Maxar Technologie 

    Hãng tin Anh Reuters trích dẫn tuyên bố của tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết « hiện tượng xả thải nước nóng là dấu hiệu cho thấy lò phản ứng đã đạt khả năng tự vận hành ».

    Ông Grossi nói thêm rằng IAEA đã quan sát thấy dòng nước chảy mạnh từ hệ thống làm mát của lò phản ứng chạy bằng nước nhẹ kể từ tháng 10, điều này chứng tỏ lò phản ứng đang được vận hành, và nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy lò đang xả nước nóng. Tổng giám đốc IAEA cũng cho biết lò phản ứng chạy bằng nước nhẹ, giống như bất kỳ lò phản ứng hạt nhân nào khác, có thể sản xuất plutonium từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, có thể được tách ra trong quá trình tái xử lý, và đây là một điều gây lo ngại.

    Bắc Triều Tiên trong nhiều năm luôn dùng nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò phản ứng nước nhẹ ở Yongbyon để sản xuất plutonium cho kho vũ khí hạt nhân của mình.

    Kể từ khi Bình Nhưỡng trục xuất các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vào năm 2009, cơ quan này chỉ có thể giám sát Bắc Triều Tiên chủ yếu dựa trên các hình ảnh vệ tinh, và vì không thể tiếp cận trực tiếp, IAEA không thể xác nhận trạng thái hoạt động các lò phản ứng hạt nhân của Bình Nhưỡng một cách chính xác.

    Hội Đồng Bảo An LHQ sửa đổi nghị quyết về Gaza để tránh bị Mỹ phủ quyết

    Thu Hằng /RFI

    22/12/2023

    Sau bốn lần đình hoãn, một dự thảo nghị quyết về lệnh ngừng bắn nhân đạo thứ hai ở Gaza có thể được thông qua tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay, 22/12/2023, sau khi được sửa đổi nhiều lần để tránh bị Mỹ phủ quyết. Trong khi đó, Israel tiếp tục oanh kích dải Gaza, nơi mà cho tới nay đã có hơn 20.000 người thiệt mạng, theo số liệu của Hamas.  

    Người dân Palestine khóc than bên đống đổ nát của một tòa nhà ở Rafah, miền nam Gaza, ngày 21/12/2023.

    Người dân Palestine khóc than bên đống đổ nát của một tòa nhà ở Rafah, miền nam Gaza, ngày 21/12/2023. AFP - MOHAMMED ABED 

    Cuộc bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc liên tục bị hoãn từ đầu tuần do bất đồng về kiểm soát hàng viện trợ nhân đạo. Ban đầu nhiệm vụ này được giao cho một mình Liên Hiệp Quốc, nhưng Israel muốn tiếp tục giám sát các xe tải do lo ngại vũ khí được lén đưa vào dải Gaza. Ngoài ra, văn bản sửa đổi không còn kêu gọi « chấm dứt ngay xung đột » như trong bản gốc mà Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đề xuất ngày 17/12. Đây là kết quả đàm phán căng thẳng nhằm tránh cho nghị quyết bị Hoa Kỳ phủ quyết.

    Trên thực địa, Israel tiếp tục oanh kích dải Gaza, đồng thời kêu gọi người dân « sơ tán ngay lập tức » khỏi Khan Younès. Thành phố lớn thứ hai ở miền nam Gaza là nơi cư trú của khoảng 141.000 người, trong đó có hơn 30.000 người di tản từ miền bắc cách đây 2 tháng để tránh các vụ oanh kích vào hệ thống đường hầm của Hamas.

    Trả lời RFI ngày 22/12, Pierre Razoux, nhà sử học thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải (Fondation méditerranéenne d’études stratégiques), cho rằng lời kêu gọi sơ tán chỉ là cách kéo dài thời gian của Israel :

    « Nhìn từ lập trường của Israel, đó là cách cam kết với Hoa Kỳ, cũng như với cộng đồng quốc tế bởi vì Mỹ gây sức ép ngày càng mạnh, nhất là Hoa Kỳ chuẩn bị bước sang năm mới với việc ông Joe Biden vận động tranh cử tổng thống vào tháng Giêng. 

    Vì vậy, người ta thấy rõ  chiến lược của Israel là kéo dài thời gian để tiếp cận các mục tiêu tác chiến mà Israel dường như đang đạt được, chí ít là một phần, tiếp theo là kéo dài thời gian để có thể tiêu diệt Yahya Sinwar, lãnh đạo Hamas ở Gaza và Mohammed Deif, chỉ huy lực lượng dân quân vũ trang của Hamas, cũng như kéo dài thời gian để suy tính đến tương lai. 

    Và về điểm này, người ta hiểu rằng việc giữ nguyên trạng không còn khả thi nữa. Thực ra, đây không chỉ là một cuộc đàm phán về ngừng giao tranh trong một tuần để trao đổi con tin, mà còn tính đến một giải pháp chuyển tiếp cho giai đoạn tiếp theo ».

    Hơn 20 nước tham gia liên quân quốc tế chống phiến quân Houthi ở Hồng Hải

    Phan Minh /RFI

    22/12/2023

    Lầu Năm Góc hôm qua, 21/12/2023, thông báo đã có hơn 20 quốc gia gia nhập liên quân quốc tế do Hoa Kỳ thành lập để bảo đảm an toàn cho giao thông hàng hải ở Hồng Hải, nơi mà phiến quân Houthi ở Yemen gia tăng tấn công. 

    Chiến hạm Languedoc của Pháp hôm 11/12/2023 đã bắn hạ một drone của Houthi Yemen nhắm vào tàu dầu của Na Uy. Ảnh chụp ngày 27/03/2023.

    Chiến hạm Languedoc của Pháp hôm 11/12/2023 đã bắn hạ một drone của Houthi Yemen nhắm vào tàu dầu của Na Uy. Ảnh chụp ngày 27/03/2023. AFP - JACK GUEZ 

    Theo AFP, Hy Lạp và Úc là những quốc gia mới nhất gia nhập liên quân này, đã bao gồm nhiều nước khác như Mỹ, Pháp, Vương Quốc Anh, Bahrain, Canada, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Seychelles.

    Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder, cho biết đã « có hơn 20 quốc gia cam kết tham gia vào liên minh quân sự này ». Đồng thời, ông cáo buộc phiến quân Yemen đang « tấn công vào sự thịnh vượng và sự ổn định kinh tế của các quốc gia trên thế giới » và gọi tổ chức này là « những tên cướp trên tuyến đường thương mại quốc tế, tức Hồng Hải ».

    Vị tướng Mỹ cũng nhấn mạnh liên minh quân sự này « phải hoạt động như một lực lượng an ninh, tuần tra Hồng Hải và Vịnh Aden để đáp ứng những cuộc gọi từ các tàu thương mại đi qua tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này và hỗ trợ họ nếu cần thiết », đồng thời kêu gọi Houthi ngừng tấn công.

    Trong tuần này, một quan chức cấp cao của phiến quân được Iran hậu thuẫn cho biết sẽ chỉ ngưng các cuộc tấn công « nếu tội ác của Israel chấm dứt và lương thực, thuốc men và nhiên liệu tới được tay người dân bị bao vây » ở dải Gaza, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas vẫn diễn ra quyết liệt.

    Mỹ, TQ khôi phục đối thoại quân sự; Đài Loan, Biển Đông vẫn là mối nguy tiềm ẩn 

    22/12/2023 

    Reuters 

    Tướng Không quân Mỹ Brown ở thủ đô Washington hồi tháng 2/2023 (ảnh tư liệu).

    Tướng Không quân Mỹ Brown ở thủ đô Washington hồi tháng 2/2023 (ảnh tư liệu). 

    Các nhà phân tích của Trung Quốc và châu Á cho rằng việc Trung Quốc và Mỹ nối lại đối thoại quân sự có thể giúp giảm bớt căng thẳng phần nào, nhưng những khác biệt cơ bản về Đài Loan và Biển Đông vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến xung đột.

    Cuộc họp qua đường truyền video giữa Tướng Không quân Hoa Kỳ Charles Q. Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, và Tướng Liu Zhenli (Lưu Chấn Lập) của Giải phóng quân Nhân dân diễn ra sau một tháng kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại liên lạc quân sự giữa hai quân đội khi hai ông hội đàm ở San Francisco.

    Cuộc điện đàm hôm thứ Năm 21/12 là lần đầu tiên quân đội hai nước liên lạc ở cấp cao này kể từ khi liên lạc bị cắt đứt sau chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi.

    Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố, hai lĩnh vực chính được phía Trung Quốc nhấn mạnh trong cuộc họp qua đường truyền video là Đài Loan và Biển Đông.

    Về Đài Loan, ông Liu nói rằng Bắc Kinh "không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài" và sẽ "kiên quyết bảo vệ" chủ quyền quốc gia.

    Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận xét: “Cả hai bên vẫn luôn chống đối nhau về vấn đề Đài Loan, một trong những lợi ích cốt lõi được Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh nhất”.

    Một số nhà phân tích cho rằng mặc dù Trung Quốc có thể sẽ tránh những hoạt động mang tính khiêu khích cao trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của Đài Loan, nhưng có thể sẽ vẫn tiếp tục các cuộc tập trận quân sự kiểu “vùng xám” quanh hòn đảo này nhằm thể hiện ưu thế quốc phòng của Bắc Kinh cũng như để phục vụ việc huấn luyện chiến đấu.

    Hoa Kỳ là nước cung cấp vũ khí và ủng hộ về mặt quốc tế quan trọng nhất cho Đài Loan mặc dù Washington không chính thức công nhận chính phủ của Đài Loan mà chỉ duy trì quan hệ chính thức với Bắc Kinh.

    Gần đây, Trung Quốc và Philippines cũng tăng cường độ đấu khẩu về các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông.

    Trong tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị) cảnh báo Philippines chớ có câu kết với các thế lực bên ngoài “có mục đích xấu” – là những lời lẽ ám chỉ Mỹ.

    Trong cuộc họp qua video, ông Liu nói với ông Brown rằng Hoa Kỳ cần phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thực hiện các hành động cụ thể để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như sự lành mạnh chung của quan hệ Trung-Mỹ.

    Về phần mình, Washington nói rằng quân đội Trung Quốc đã có hành vi ngày càng khiêu khích và nguy hiểm, bao gồm hơn 180 lần nghênh chặn máy bay Mỹ trong không phận quốc tế, theo bản báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc.

    Collin Koh, một chuyên gia về an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, bình luận: “Rõ ràng là tình hình sẽ khá căng thẳng từ nay đến cuộc bầu cử (Đài Loan)”.

    “Mỹ chắc chắn sẽ phải giữ đúng cam kết của mình với Đài Loan nên chúng ta có thể sẽ chứng kiến Trung Quốc và Mỹ có thêm những bất đồng về các hoạt động quân sự tương ứng của họ”.

    "Cũng có rất nhiều khả năng là họ lo ngại về việc làm sao có thể kiểm soát được sự leo thang, vì vậy có thể họ sẽ không đình chỉ các cuộc đàm thoại đó".

    Trong cuộc điện đàm, cả hai bên cam kết khôi phục liên lạc trên bình diện rộng hơn giữa quân đội hai nước để tránh những toan tính sai lầm và hiểu lầm. Tuy nhiên, Mỹ nói rằng cần "làm nhiều việc hơn" để đảm bảo các đường dây liên lạc quân sự "thông suốt và đáng tin cậy".

    Ông Liu gần đây nổi lên là ứng cử viên hàng đầu để thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Li Shangfu (Lý Thượng Phúc), người đã bị cách chức hồi tháng trước.

    Đan Mạch, Hoa Kỳ ký thỏa thuận cho phép quân đội Hoa Kỳ hiện diện thường trực 

    Andrew Thornebrooke 

    Cẩm An biên dịch

    22/12/2023

    ‘Cả hai nước chúng ta đều biết rằng hòa bình và ổn định không thể được coi là điều hiển nhiên,’ Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Rasmussen nói. 

    Đan Mạch, Hoa Kỳ ký thỏa thuận cho phép quân đội Hoa Kỳ hiện diện thường trực

    Một lá cờ Đan Mạch lớn tung bay trong sự kiện Pro Am trước khi bắt đầu giải golf Made in Denmark tại Himmerland Golf & Spa Resort ở Aalborg, Đan Mạch, vào ngày 22/05/2019. (Ảnh: Andrew Redington/Getty Images) 

    Các quan chức của Đan Mạch và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận an ninh song phương sẽ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ tự do tiến vào đất nước Scandinavia này. 

    Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) này sẽ cho phép Hoa Kỳ khai triển lâu dài phi cơ quân sự tới Đan Mạch và cấp cho các lực lượng Hoa Kỳ quyền tiếp cận các căn cứ của Đan Mạch ở Aalborg, Karup, và Skrydstrup. 

    Thỏa thuận này được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Rasmussen ký kết tại Hoa Thịnh Đốn hôm 21/12. 

    Ông Blinken nói rằng DCA sẽ “tăng cường hơn nữa việc hợp tác an ninh” và “nâng cao khả năng liên lạc” giữa quân đội hai quốc gia. 

    “Nói chung, các thỏa thuận này nhấn mạnh đồng thuận chung giữa Hoa Kỳ và các đối tác Âu Châu của chúng tôi để tăng cường an ninh của Âu Châu và xuyên Đại Tây Dương,” ông nói. 

    “Đan Mạch vẫn là một đối tác cần thiết trong nỗ lực này.” 

    Mối quan hệ Hoa Kỳ-Âu Châu là then chốt để chống lại Nga

    Thỏa thuận với Đan Mạch có nghĩa là Hoa Kỳ hiện có quyền tiếp cận quân sự rộng rãi tới toàn bộ lục địa Scandinavia, ngoại trừ lãnh thổ Aland tự trị của Phần Lan. 

    DCA cũng không bao gồm Quần đảo Faroe hoặc Greenland, vốn là những lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. 

    Hoa Kỳ đã ký các thỏa thuận tương tự với Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Lithuania, Na Uy, Ba Lan, Slovakia, và Thụy Điển. 

    Các cuộc đàm phán về thỏa thuận với Đan Mạch bắt đầu hồi tháng 02/2022, vào thời điểm đó Bộ Ngoại giao mô tả thỏa thuận này là “một sự tiến triển tự nhiên trong nhiều thập niên hợp tác an ninh của chúng ta.” 

    Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết: “Hoa Kỳ và Đan Mạch hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề quan trọng đối với cả hai nước, đối với Liên minh NATO, và đối với phần còn lại của thế giới.” 

    Ông Blinken cho biết hợp tác với Đan Mạch là quan trọng hơn bao giờ hết vì Nga đã cố gắng xâm chiếm Ukraine. 

    “Đan Mạch tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong việc bảo đảm cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine vẫn là một thất bại chiến lược,” ông nói tại buổi lễ ký kết. “Đây là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine và đào tạo phi công Ukraine lái loại phi cơ này.” 

    “Hai quốc gia chúng ta cùng nhau cam kết tạo điều kiện cho Ukraine tự cường, và tự cường một cách mạnh mẽ, về mặt quân sự, kinh tế, dân chủ.” 

    Khi Hoa Kỳ ký một thỏa thuận tương tự với Phần Lan hồi đầu tuần, giới lãnh đạo Nga đã nói rõ rằng họ không sẵn lòng chấp nhận những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Scandinavia. 

    Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố DCA sẽ tạo ra “những vấn đề” trong khu vực, và tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự của Nga dọc biên giới Phần Lan. 

    Theo chính phủ Nga, họ cũng dự định tổ chức lại một số sư đoàn quân sự và khai triển thêm quân ở phía tây bắc để đáp lại điều mà họ coi là “NATO mong muốn tăng cường tiềm lực quân sự gần biên giới Nga.” 

    Ông Rasmussen, cựu thủ tướng Đan Mạch, cho rằng việc hợp tác liên tục giữa Hoa Kỳ và châu Âu là rất quan trọng để đối đầu với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, chủ nghĩa khủng bố chống lại Israel, và khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng ở Gaza. 

    “Cả hai nước chúng ta đều biết rằng hòa bình và ổn định không thể được coi là điều hiển nhiên,” ông nói. “Trong một thời điểm như thế này, bằng hữu phải gắn bó với nhau, và đó là những gì chúng ta đang làm với thỏa thuận này.”

    “Quý vị luôn có thể tin tưởng vào chúng tôi. Và chúng tôi sẽ luôn tin tưởng vào quý vị.”

    Nga đã bắn 7.400 phi đạn, 3.700 máy bay không người lái Shahed vào Ukraine 

    22/12/2023 

    Reuters 

    Đuôi của một chiếc máy bay không người lái Geran-2 của Nga

    Đuôi của một chiếc máy bay không người lái Geran-2 của Nga 

    Nga đã phóng khoảng 7.400 phi đạn và 3.700 máy bay không người lái tấn công ‘Shahed’ vào các mục tiêu ở Ukraine trong cuộc xâm lược kéo dài 22 tháng, Kyiv cho biết hôm 21/12.

    Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine, ông Yury Ihnat loan báo trên truyền hình rằng lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 1.600 phi đạn và 2.900 máy bay không người lái vừa kể.

    “Chúng ta đang phải đối mặt với một kẻ xâm lược khổng lồ và chúng ta đang phản pháo.”

    Ông cho biết tỷ lệ bắn hạ phi đạn có thấp đi là do Nga dùng phi đạn đạn đạo siêu thanh, khó bắn trúng hơn nhiều, cũng như là do phương Tây chỉ mới cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không Patriot tiên tiến.

    Trong khi đó, máy bay không người lái Shahed của Iran, được sản xuất với giá rẻ, được ‘biết tiếng’ ở Ukraine vì động cơ xăng ồn ào, đã được sử dụng ngày càng thường xuyên hơn trong các cuộc tấn công trên không của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, nằm xa chiến tuyến của cuộc chiến ở phía đông và phía nam.

    Người phát ngôn Ihnat cho biết: “10 đến 15 khu vực tham gia bắn hạ Shaheds mỗi đêm.”

    Nga nói họ chỉ bắn vào các mục tiêu quân sự mặc dù Moscow cũng thừa nhận nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Nga cũng nói họ không nhắm mục tiêu vào dân thường, mặc dù đã có hàng ngàn thường dân thiệt mạng trong suốt cuộc chiến.

    Nga bắt đầu triển khai máy bay không người lái nhắm vào các cơ sở hạ tầng vào tháng 9 năm ngoái. Ban đầu, họ khiến hệ thống phòng không Ukraine bối rối vì radar phòng không tiêu chuẩn khó phát hiện chúng hơn so với phát hiện phi đạn.

    Việc Nga dùng máy bay không người lái trong các cuộc tấn công hàng loạt sau đó đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Ukraine vì chúng có giá thành sản xuất quá rẻ nên việc bắn hạ chúng bằng tên lửa phòng không đắt tiền là không hiệu quả về mặt chi phí.

    Ukraine hiện sử dụng các phương tiện có gắn súng máy để bắn hạ máy bay không người lái.

    Phát ngôn nhân Ihnat, nhớ lại những nỗ lực ban đầu nhằm hạ gục máy bay không người lái của Nga, cho biết: “Chúng tôi đã bắn vào chúng bằng mọi thứ chúng tôi có thể tìm thấy, bằng súng lục, súng tiểu liên”.

    “Ngay cả như vậy thì rõ ràng là mục tiêu không hề đơn giản, rất nhiều sự phức tạp và sai lầm. Cần phải chuẩn bị.”

    Các phương tiện truyền thông và các nhà phân tích phương Tây đã đưa ra bằng chứng, bao gồm cả hình ảnh vệ tinh, về việc Nga đang thiết lập các cơ sở sản xuất máy bay không người lái Shahed của riêng mình.

    Mỹ đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề an ninh biên giới với Mexico

    Phan Anh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/fhff.jpg

    Di dân bất hợp pháp tại biên giới Mỹ – Mexico. (Nguồn: Chụp màn hình video) 

    Ngày 20/12, Mỹ cho biết đang phối hợp với Chính phủ Mexico giải quyết những vấn đề ở biên giới hai nước vốn là nguyên nhân khiến hai tuyến vận tải đường sắt quốc tế nối giữa hai quốc gia phải tạm ngừng hoạt động mới đây, theo hãng tin Reuters.

    Đầu tuần này, Thống đốc bang Texas của Mỹ, ông Greg Abbott, đã ký dự luật về việc đình chỉ tuyến đường sắt quốc tế nối với hai thành phố Eagle Pass và El Paso của Mexico nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép vào Texas bằng đường sắt. Dự luật cũng quy định người nhập cư bất hợp pháp vào bang Texas là tội phạm.

    Phản ứng về quyết định trên, hàng chục tập đoàn nông nghiệp của Mỹ ngày 20/12 đã kêu gọi chính phủ nước này mở lại các tuyến vận tải đến Mexico, viện dẫn những thiệt hại nặng nề đối với hoạt động xuất khẩu nông sản Mỹ sang quốc gia láng giềng phía Nam. Các tập đoàn đề xuất Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ nối lại các tuyến vận tải và triển khai 5 nhân viên biên giới làm nhiệm vụ tại mỗi đầu biên giới, thay vì tạm thời đóng cửa.

    Trong tuyên bố ngày 20/12, một người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Mexico để giải quyết vấn đề ở biên giới hai nước đồng thời tăng cường nhân viên an ninh tại khu vực này. Tuyên bố cũng cho hay nhà chức trách Mỹ đang làm việc với lãnh đạo ngành vận tải để đánh giá và giảm thiểu tác động của việc đóng cửa tuyến đường sắt nối với Mexico.

    Theo Bộ Hạ tầng, Viễn thông và Vận tải Mexico, vận tải đường sắt chiếm tới 11,5% tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ giữa Mexico và Mỹ, trong số này, hai tuyến đường sắt vừa bị dừng hoạt động chiếm khoảng 36%.

    TT Biden: ‘Không còn nghi ngờ gì’ ông Trump ủng hộ cuộc nổi loạn 6 tháng 1

    Anh Nguyễn, theo JTN

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/vnfd.jpg

    Tổng thống Joe Biden phát biểu tại tiệc chiêu đãi Hanukkah ở Phòng phía Đông của Nhà Trắng vào ngày 11 tháng 12 năm 2023 tại Washington, DC. (Ảnh: Jacquelyn Martin – Pool/Getty Images) 

    Sau khi Tòa Tối cao Colorado phán ông Trump không đủ tư cách làm tổng thống theo Tu chính án thứ 14, Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư (20/12) khẳng định rằng cựu Tổng thống Donald Trump đã tham gia kích động Cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

    Tòa án Colorado đã ra phán quyết loại cựu Tổng thống Trump khỏi danh sách ứng viên tổng thống sơ bộ tại tiểu bang và lệnh này chưa có hiệu lực cho đến ngày 4 tháng 1 năm 2024. Ông Trump tuyên bố sẽ kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

    Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Tư (20/12), ông Biden tán thành với quan điểm rằng ông Trump đã tham gia vào cuộc nổi dậy, nhưng từ chối cân nhắc về các lập luận pháp lý liên quan đến tư cách tranh cử của đối thủ.

    “Tôi nghĩ đó là điều hiển nhiên. Chúng ta đã thấy tất cả”, ông Biden nói, theo Daily Mail. “Ông ấy [Trump] chắc chắn ủng hộ một cuộc nổi dậy. Không còn nghi ngờ gì nữa. Không hề”.

    Ông nói thêm: “Liệu Tu chính án thứ 14 có được áp dụng hay không, tôi sẽ để tòa án đưa ra quyết định đó”.

    Việc ông Trump bị loại khỏi cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ ở Colorado đã thu hút sự phẫn nộ từ các thành viên Đảng Cộng hòa, thậm chí còn có những lời kêu gọi trả đũa bằng cách loại bỏ ông Biden khỏi cuộc bỏ phiếu ở các bang đỏ (bang có xu hướng ủng hộ Đảng Cộng hoà), mặc dù cho đến nay vẫn chưa có ai thực hiện điều đó.

    Tu chính án 14th và việc “truất quyền thi đấu” của Donald Trump

    Minh An 

     20 tháng 12, 2023

    Saigon Nhỏ

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/GettyImages-1868528185.jpg

    Chưa từng có ứng cử viên tổng thống nào gặp nhiều rắc rối pháp lý nghiêm trọng như Donald Trump (ảnh: Scott Olson/Getty Images) 

    Chiến dịch tái tranh cử của Donald Trump gặp nhiều rắc rối về mặt pháp lý. Cựu tổng thống đối mặt nguy cơ trải qua bốn phiên tòa hình sự với các tội nghiêm trọng diễn ra trùng với mùa bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa và chiến dịch tổng tuyển cử. Ngay trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng, Trump lại bị tấn công bởi quả bom Tu chính án 14th.

    Được ban ra từ Tòa án Tối cao Colorado ngày 19 Tháng Mười Hai 2023, phán quyết  – vận dụng Tu chính án 14th – nói rằng Trump không đủ tư cách có mặt trong cuộc bỏ phiếu tổng thống năm 2024 của Colorado vì liên quan cuộc bạo loạn tấn công trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Giêng 2021. Tu chính án 14th của Hiến pháp, được phê chuẩn năm 1868, ba năm sau khi Nội chiến kết thúc, có Mục 3, nêu:

    “Không bất kỳ người nào là Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu tại Quốc hội, hoặc đại cử tri của Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc giữ bất kỳ chức vụ dân sự hoặc quân sự nào ở Hoa Kỳ hoặc dưới bất kỳ Tiểu bang nào mà trước đó họ đã tuyên thệ với tư cách là một thành viên Quốc hội, hoặc với tư cách là quan chức của Hoa Kỳ, hoặc với tư cách là thành viên của bất kỳ cơ quan lập pháp Tiểu bang nào, hoặc với tư cách là quan chức hành pháp hoặc tư pháp của bất kỳ Tiểu bang nào, (được mặc định là những người ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ), lại có thể được phép tham gia các cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn (chống phá Hiến pháp), hoặc trợ giúp hoặc ủng hộ kẻ thù (của nước Mỹ). Quốc hội có thể bỏ phiếu bằng 2/3 số phiếu ở Thượng lẫn Hạ viện để loại bỏ tình trạng không đủ tư cách như vậy.”

    Việc vận dụng Tu chính án 14th để “truất quyền thi đấu” trong thực tế đã được áp dụng. Một năm trước, Couy Griffin, khi đó là ủy viên hạt (county commissioner) ở New Mexico, đã bị thẩm phán bang cách chức vì tham gia cuộc nổi dậy tấn công và phá hoại Capitol ngày 6 Tháng Giêng 2021.

    Trong trường hợp Donald Trump, Tu chính án 14th của Hiến pháp có thực sự gây trở ngại cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai của Trump? Tháng Tám 2023, hai học giả pháp lý lừng lẫy – Will Baude thuộc Đại học Chicago và Michael Stokes Paulsen thuộc Đại học St Thomas ở Minneapolis – đã khẳng định rằng điều đó hoàn toàn có thể.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/GettyImages-1868318336.jpg

    Tỉ lệ ủng hộ Donald Trump không hề giảm trước vô vàn vấn đề pháp lý bủa vây Trump (ảnh: Scott Olson/Getty Images) 

    Trong bài viết dài 126 trang, sẽ được xuất bản vào năm 2024 trên Tạp chí Luật của Đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania Law Review), hai học giả trên cho rằng việc vận dụng Mục 3 Tu chính án 14th để loại Donald Trump “và có thể nhiều người khác” là hoàn toàn hợp pháp.

    J. Michael Luttig, thẩm phán được bổ nhiệm bởi Tổng thống George H.W. Bush; và Laurence Tribe, giáo sư luật tại Đại học Harvard, cũng ủng hộ ý kiến này, rằng chỉ cần đưa ra Tu chính án 14th, với bằng chứng vi phạm rõ ràng, thì đương nhiên ứng cử viên bị loại (Section 3 is “self-enforcing”). Họ cho biết, việc không tham gia nổi dậy hoặc không hỗ trợ kẻ thù của nước Mỹ là một yêu cầu bắt buộc đối với viên chức cơ quan công quyền giống như độ tuổi tối thiểu của tổng thống là 35; do vậy, các ngoại trưởng ở 50 tiểu bang hoàn toàn có thẩm quyền loại Trump ra khỏi lá phiếu cho cuộc bầu cử sắp tới.

    Colorado không là nơi duy nhất đang làm khó Trump bằng Tu chính án 14th. Tháng Mười Hai 2023, tám cử tri Minnesota đã nộp hồ sơ lên tòa, đòi chính quyền địa phương vận dụng Tu chính án 14th để ngăn chặn Donald Trump. Ở Colorado, chiến dịch tương tự được thực hiện bởi tổ chức Citizens for Responsibility and Ethics (thay mặt sáu cử tri trong tiểu bang), với lập luận rằng Trump phải chịu trách nhiệm về việc “tuyển mộ, kích động và khuyến khích một đám đông bạo lực tấn công Điện Capitol” và do vậy Donald Trump không thể có tên trong lá phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở Colorado.

    Trong thực tế, vấn đề không đơn giản và còn tùy thuộc vào quan điểm của từng tòa án địa phương. Tu chính án 14th từng được nêu ra để “trừ khử” dân biểu Marjorie Taylor Greene và cựu dân biểu Madison Cawthorn nhưng không thành. Ngày 8 Tháng Mười Một 2023, Tòa án Tối cao Minnesota cũng bác một vụ tương tự, khi họ ra phán quyết rằng các tòa án và quan chức bầu cử không có thẩm quyền ngăn đảng Cộng hòa đề xuất Trump làm ứng cử viên chính.

    Một thẩm phán ở New Hampshire cũng bác một vụ tương tự vì lý do thủ tục (procedural grounds). Và tại Michigan, một thẩm phán đã ra phán quyết rằng giới chức bầu cử của tiểu bang không thể xóa tên Trump khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ (vụ việc đang được kháng cáo lên Tòa án Tối cao Michigan).

    Phần mình, trong vụ Colorado, Trump chắc chắn kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Tòa án Tối cao Colorado dường như đoán trước được điều đó nên hiện hoãn việc ra phán quyết một chính thức cho đến ngày 4 Tháng Giêng 2024; và sẽ giữ nguyên quyết định đó nếu đơn kháng cáo được nộp lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là tên của Trump có thể được đưa vào lá phiếu trong khi vụ việc đang diễn ra. Colorado là một trong hơn chục tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 5 Tháng Ba, còn được gọi là Siêu Thứ Ba.

    Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Trump, Steven Cheung, gọi quyết định của Tòa tối cao Colorado là “hoàn toàn sai” (“completely flawed”). Trong một phát biểu, Cheung nói rằng vấn đề có tính phe đảng vì nhiều thành viên Tòa án tối cao Colorado đều do đảng Dân chủ bổ nhiệm. Bảy thẩm phán được bổ nhiệm bởi các thống đốc đảng Dân chủ, từ năm 2010 đến năm 2021. Giai đoạn đầu của nhiệm kỳ ít nhất là hai năm. Sau đó, các thẩm phán phải ứng cử để được giữ lại trong cuộc bỏ phiếu “có-không” (“yes-no” election). Nếu được giữ lại, nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

    Derek Muller, giáo sư luật thuộc Đại học Notre Dame, nhận định rằng quyết định của Colorado là không giống bất kỳ quyết định nào trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông nói chưa có ứng cử viên nào bị loại khỏi cuộc bầu cử bởi tội vi phạm Mục 3 Tu chính án 14th, có nghĩa chưa từng có một ứng cử viên tổng thống nào lại can tội phản quốc, phá hoại chính thể và chà đạp Hiến pháp.

    Giới học giả và chuyên gia luật Hiến pháp cho rằng chỉ có Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ mới có thể ra quyết định cho tất cả các tiểu bang rằng liệu cuộc tấn công ngày 6 Tháng Giêng 2021 vào trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ có cấu thành một cuộc nổi dậy hay không và liệu Trump có bị cấm tranh cử hay không. Nếu Tối cao Pháp viện ra một quyết định như vậy thì Trump gần như không có cửa tranh cử.

    Trung Quốc vẫn dẫn đầu về số lượng du học sinh tại Mỹ 

    22/12/2023 

    VOA 

    Tư liệu- Sinh viên tham dự buổi định hướng dành cho sinh viên mới tại Đại học Texas ở Dallas ở Richardson, Texas.

    Tư liệu- Sinh viên tham dự buổi định hướng dành cho sinh viên mới tại Đại học Texas ở Dallas ở Richardson, Texas. 

    Sinh viên từ Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách du học sinh quốc tế đông nhất tại Hoa Kỳ trong năm 2023. Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về số lượng sinh viên theo học tại Mỹ.

    Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp hơn 600.000 visa cho du học sinh tới Mỹ học tập trong năm tài chính 2023, kết thúc vào tháng 9. Đây là con số cao nhất kể từ năm tài chính 2017.

    Trong số này, 289.526 thị thực được cấp cho sinh viên Trung Quốc, giảm 560 sinh viên so với năm trước, theo số liệu của Bộ Ngoại giao.

    Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong năm tài chính 2024, Bộ sẽ tập trung rút ngắn thời gian chờ đợi cấp visa cho du học sinh.

    Bà Julie Stufft tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ đã giảm thời gian chờ đợi đối với mọi visa trên toàn cầu, ngoại trừ visa cho du khách lần đầu thăm Hoa Kỳ.

    Tính tới ngày 4/12, thời gian chờ đợi đối với người xin thị thực du học từ Trung Quốc tại các lãnh sự quán Hoa Kỳ trên khắp Trung Quốc là từ ba đến tám ngày.

    Đối với những người đã trải qua quá trình xin visa du học Mỹ, như Shawn Zhan, một sinh viên đến từ Trung Quốc, thì thủ tục cấp thị thực vẫn rất phức tạp và “rất nhiều thủ tục giấy tờ”.

    “Và phải trải qua tất cả các kỳ thi, thi TOEFL rồi các cuộc kiểm tra thể chất nữa. Tôi đã chích ngừa nhiều lần, nhưng tôi sẽ nói rằng, sẽ đáng giá nếu bạn quyết tâm” du học Mỹ.

    Bài thi TOEFL đánh giá khả năng tiếng Anh của một sinh viên muốn đăng ký vào một trường đại học nói tiếng Anh.

    Zhan đang học năm cuối tại Đại học Maryland. Anh sắp tốt nghiệp với tấm bằng kinh tế và dự định ở lại Mỹ để học cao học.

    “Tôi sẽ tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Khoa học về Phân tích Kinh doanh, thêm một năm nữa,” anh nói.

    Theo Báo cáo Open Doors 2023 về Trao đổi Giáo dục Quốc tế, tổng số sinh viên đến từ Trung Quốc đã giảm trong ba năm qua chủ yếu là do đại dịch COVID-19.

    Năm học 2022-2023, với 289.526 sinh viên Trung Quốc, là con số thấp nhất kể từ niên khóa 2013-2014 khi có 274.439 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ. Số lượng tuyển sinh cao nhất của sinh viên Trung Quốc là 372.532 trong năm 2019-2020.

    Trong một email gửi tới VOA, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết cơ bản rằng họ đã chứng kiến sự phục hồi của tất cả sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ sau đại dịch, với mức tăng hơn 14% về số lượng tuyển sinh mới trong năm qua.

    Quan chức này cũng cho biết chính phủ Hoa Kỳ “cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại hợp pháp đến Hoa Kỳ trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn an ninh quốc gia cao”.

    Anh Zhan cho biết ấn tượng đầu tiên của anh về Hoa Kỳ là “thực sự khá tốt đẹp” và có một gia đình bản xứ chào đón anh.

    “Điều này chắc chắn đã giúp tôi rất nhiều trong việc thích nghi với ngôn ngữ, môi trường và tất cả mọi thứ..Mọi người ở đây rất tử tế,” anh nói.

    Quốc hội Mỹ điều tra cáo buộc chủ tịch Harvard 'đạo văn'

    Tác giả, Max Matza

    BBC News

    21/12/2023

    Reuters

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Các nhà lập pháp muốn Harvard cung cấp hồ sơ từ cuộc điều tra nội bộ đối với cáo buộc bà Claudine Gay đạo văn

    Một ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ nói họ đang điều tra cáo buộc Chủ tịch Đại học Harvard, bà Claudine Gay đạo văn.

    Ủy ban Giáo dục và Lao động do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã chia sẻ kế hoạch mở rộng giám sát cách Tiến sĩ Gay xử lý chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường Harvard.

    Chủ tịch Virginia Foxx cho biết cuộc điều tra sẽ xem liệu sinh viên và nhân viên có được yêu cầu tuân theo cùng tiêu chuẩn học thuật hay không.

    BBC đã liên hệ với cơ quan quản lý của Harvard để bình luận.

    Bà Foxx, một thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nói trong một lá thư gửi ban lãnh đạo Harvard hôm thứ Tư rằng ngôi trường danh tiếng này có thể đang vi phạm niềm tin của công chúng.

    “Mối quan tâm của chúng tôi là các tiêu chuẩn không được áp dụng nhất quán, dẫn đến các quy định khác nhau đối với các thành viên khác nhau của cộng đồng học thuật,” bà nói.

    Harvard là một tổ chức tư nhân nhận được hàng trăm triệu đô la tài trợ công mỗi năm. Trường có tài sản trị giá 50 tỷ USD.

    Hội đồng quản trị của trường tuần trước nói rằng họ đã kiểm tra lịch sử học tập của Tiến sĩ Gay và đã tìm thấy "các trường hợp trích dẫn không đầy đủ".

    Tuy nhiên, họ nói thêm rằng bà không vi phạm “các chuẩn mực về hành vi sai trái trong nghiên cứu”.

    Bức thư yêu cầu Harvard nộp bất kỳ tài liệu và thông tin liên lạc nào liên quan đến việc điều tra cáo buộc đạo văn đối với Tiến sĩ Gay, cũng như danh sách mọi hành động kỷ luật học thuật được thực hiện đối với các giảng viên và sinh viên Harvard kể từ năm 2019.

    Lá thư yêu cầu hội đồng quản trị trả lời ủy ban trước ngày 29 tháng 12.

    “Nếu một trường đại học sẵn sàng nhìn sang hướng khác và không buộc giảng viên phải chịu trách nhiệm về việc có hành vi không trung thực trong học tập, thì trường đó sẽ hạ thấp sứ mệnh và giá trị giáo dục của mình,” bà Foxx nói.

    Hội đồng quản trị của Harvard cho biết họ đã biết về cáo buộc đạo văn đối với Tiến sĩ Gay vào tháng 10, nhưng không phát hiện ra hành vi nào vi phạm chính sách của Harvard.

    Các tường thuật gần đây do các hãng tin Hoa Kỳ CNN và Washington Free Beacon đăng tải nói rằng việc đạo văn xảy ra nhiều lần. Trong số này có luận án năm 1997 của bà, trong đó bà bị cho là đã sao chép một đoạn đầy đủ gần như nguyên văn từ một bài báo xuất bản một năm trước đó.

    Free Beacon, một ấn phẩm bảo thủ, cho biết họ đã phát hiện ít nhất 29 trường hợp đạo văn.

    Tiến sĩ Gay đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức trong phiên điều trần quốc hội trước cùng một ủy ban hiện đang điều tra Harvard và các trường đại học nổi tiếng khác của Hoa Kỳ.

    Bà và các nhà lãnh đạo trường đại học khác bị cáo buộc là vô cảm và đạo đức giả khi thảo luận về nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường của họ trong bối cảnh cuộc chiến Israel-Gaza.

    Trong cuộc tra vấn căng thẳng, Tiến sĩ Gay cho biết những lời kêu gọi giết người Do Thái là điều đáng ghê tởm. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng những việc dó có bị coi là bắt nạt hay quấy rối hay không còn phụ thuộc vào bối cảnh dẫn tới những bình luận như vậy.

    Trường đại học sau đó thông báo họ đã chọn không kỷ luật Tiến sĩ Gay vì lời khai của bà, và bà cũng đã xin lỗi trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo sinh viên của trường.


    Không có nhận xét nào