Võ Thái Hà tổng hợp
Hungary chặn viện trợ 50 tỷ euro của Liên Âu cho Ukraina
Phan Minh /RFI
15/12/2023
Mặc dù đạt được thỏa thuận mở các cuộc đàm phán kết nạp Ukraina, nhưng các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 14/12/2023, đã không thuyết phục được thủ tướng Hungary Viktor Orban bật đèn xanh trong việc trích 50 tỷ euro từ quỹ chung của khối để viện trợ cho Kiev.
Một số nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đang trao đổi với nhau trong ngày đầu họp thượng đỉnh tại Bruxelles, Bỉ, 14/12/2023. REUTERS - YVES HERMAN
Từ Bruxelles, đặc phái viên Daniel Vallot giải thích :
Viktor Orban tỏ ra cứng rắn về khoản hỗ trợ tài chính khi ông muốn các nước thành viên viện trợ trực tiếp cho Ukraina mà không thông qua quỹ chung của khối. Điều này rất khó thực hiện và nhất là sẽ khiến Kiev chịu nhiều rủi ro hơn. Vì vậy, Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, đêm qua cho biết các cuộc thảo luận mới về vấn đề này sẽ được tiến hành vào đầu năm tới.
Mặc dù vấp phải sự cản trở của thủ tướng Hungary, các nhà lãnh đạo châu Âu mong muốn gửi một thông điệp ủng hộ rõ ràng tới Ukraina, vào thời điểm hết sức quan trọng, khi nước này đang phải đối mặt với khó khăn kép : phản công thất bại và hỗ trợ tài chính của Mỹ dường như chững lại, một tin xấu đối với Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, tổng thống Ukraina hôm qua đã phát biểu qua video với các nhà lãnh đạo châu Âu và đạt được điều quan trọng nhất mang tính biểu tượng, đó là việc khởi động các cuộc đàm phán để Ukraina gia nhập Liên Âu - điều mà cho đến 24 giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc, mọi người vẫn không nghĩ là có thể thực hiện được.
Liên Âu bất ngờ đạt thỏa thuận mở đàm phán kết nạp Ukraina và Moldova
Trọng Nghĩa /RFI
15/12/2023
Tại hội nghị thượng đỉnh mở ra vào hôm qua, 14/12/2023, ở Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu đã bất ngờ thông qua được một cách nhanh chóng thỏa thuận mở đàm phán với Ukraina để kết nạp nước này vào khối. Cho dù đã liên tiếp đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết bác bỏ thỏa thuận này, thủ tướng Hungary rốt cuộc đã chọn phương án không bỏ phiếu, trong lúc toàn bộ 26 thành viên còn lại đều bỏ phiếu tán đồng.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel thông báo với giới truyền thông về việc mở đàm phán gia nhập kết nạp Ukraina và Moldova vào Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 14/12/2023. AP - Virginia Mayo
Cùng với Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu cũng bật đèn xanh cho Moldova mở đàm phán gia nhập, đồng thời cấp cho Gruzia quy chế ứng viên vào Liên Âu.
Theo thông tín viên RFI tại Bruxelles, thỏa thuận nói trên đã đạt được một cách chóng vánh bất ngờ chỉ sau vài tiếng đồng hồ thương thuyết, trong khi mọi người lo ngại thượng đỉnh sẽ phải kéo dài với những cuộc đàm phán khó khăn với thủ tướng Hungary Viktor Orban. Dù ông Orban chưa hẳn đã chịu thua trên vấn đề Ukraina, nhưng thỏa thuận đạt được hôm qua được xem là một thành công cho Liên Hiệp Châu Âu.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet phân tích:
“Rốt cuộc ông Viktor Orban đã quyết định không phủ quyết mà sử dụng phương án được gọi ở đây là “bỏ phiếu trắng mang tính xây dựng”. Thủ tướng Hungary rời phòng họp vào lúc 26 lãnh đạo còn lại quyết định cho mở đàm phán gia nhập với Ukraina.
Ông Orban vẫn coi quyết định này là một điều phi lý, nhất là vì đối với ông, Ukraina chưa đáp ứng được ba trong số bảy tiêu chí cần thiết ban đầu là quyền dành cho các nhóm thiểu số, chống tham nhũng và ảnh hưởng của những đại tài phiệt.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có một giai đoạn thứ hai, có thể là vào tháng Ba tới đây, khi một hội nghị liên chính phủ giữa 27 nước ấn định khuôn khổ các cuộc đàm phán. Điều đó đặt ra một thời hạn mới để tiếp tục đánh giá việc tuân thủ tất cả các tiêu chí sơ bộ.
Dù sao đi nữa, thỏa thuận hôm qua là một thành công đối với Liên Hiệp Châu Âu, vốn muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ chính trị dành cho Ukraina, một tín hiệu gởi đến chính người dân Ukraina cũng như cho cả tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tín hiệu đó được củng cố thêm bằng quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập với Moldova và trao cho Gruzia tư cách quốc gia ứng viên vào Liên Âu.”
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky dĩ nhiên đã thở phào nhẹ nhõm khi đón nhận tin vui từ Bruxelles. Đối với ông, đó là một “chiến thắng cho Ukraina” và “cho toàn bộ châu Âu”.
Pháp và Đức, hai đầu tàu của Liên Âu, cũng tỏ thái độ hài lòng. Đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quyết định của Liên Âu là “phản ứng hợp lý, công bằng và cần thiết”, trong lúc thủ tướng Đức nói đến một “dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ… mang lại một triển vọng” cho Ukraina.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, Hoa Kỳ, nước ủng hộ Ukraina trong cuộc chiến chống Nga cũng tuyên bố vui mừng. Trên mạng xã hội, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, đã “hoan nghênh quyết định lịch sử của EU về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraina và Moldova”.
Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov hôm nay cho rằng việc kết nạp Ukraina và Moldova "sẽ gây mất ổn định" cho Liên Hiệp Châu Âu vì những nước này "không đáp ứng các tiêu chí".
Giao tranh Israel-Hamas tiếp tục tàn phá Gaza; Mỹ thúc ép phải bảo vệ dân thường
15/12/2023
Những người có vũ khí đầu hàng lính Israel ở Jabalia, miền bắc Dải Gaza, 14/142/2023.
Các nhân chứng cho hay lực lượng Israel và Hamas giao tranh ác liệt trên khắp Gaza hôm thứ Sáu 15/12, cho thấy cuộc tấn công trên bộ của Israel đang gặp phải sự kháng cự quyết liệt hơn, cùng lúc Mỹ thúc ép đồng minh của mình cần phải thay đổi chiến lược.
Người dân ở vùng lãnh thổ nhỏ này cho biết giao tranh xảy ra ở Sheijaia, Sheikh Radwan, Zeitoun, Tuffah và Beit Hanoun ở miền bắc Gaza, ở phía đông của Maghazi thuộc miền trung Gaza và ở trong trung tâm và ngoại ô phía bắc của thành phố lớn Khan Younis thuộc miền nam.
Các bệnh viện ở Deir al-Balah, Khan Younis và Rafah ghi nhận có thêm nhiều người chết và bị thương vào sáng sớm 15/12, bao gồm cả hai trẻ em.
Quân đội Israel đưa ra bản cập nhật thông tin hôm 15/12, trong đó nói rằng lực lượng của họ đã phá hủy một trung tâm chỉ huy và điều hành của Hamas ở quận Sheijaia mà hai bên đang giành giật quyết liệt ở thành phố Gaza, và Israel cũng thực hiện một "cuộc đột kích nhắm mục tiêu cụ thể" vào cơ sở hạ tầng của phiến quân ở Khan Younis.
Tình hình giao tranh ác liệt làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu cuộc tấn công trên không và trên bộ kéo dài hai tháng của Israel vào Gaza có làm suy yếu đáng kể phong trào Hamas mà họ thề sẽ tiêu diệt hay không.
Theo các quan chức y tế Palestine, các cuộc ném bom không ngừng của Israel đã làm tan hoang lớn Gaza trong hai tháng qua, với gần 19.000 người được xác nhận đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác có thể bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Israel phát động chiến dịch tấn công dữ dội để trả đũa cuộc tấn công loạn xạ bất ngờ xuyên biên giới của Hamas, nhóm được Iran hậu thuẫn và nắm quyền cai trị Gaza. Các chiến binh của nhóm này đã tấn công các cộng đồng Israel gần Gaza, giết chết 1.200 người và bắt giữ 240 con tin vào ngày 7/10.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu hôm 14/12 với cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đang đến thăm rằng Israel sẽ duy trì chiến tranh với Hamas "cho đến khi giành chiến thắng tuyệt đối". Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nói rằng cuộc chiến "sẽ lâu dài chứ chỉ không chỉ là vài tháng - nhưng chúng tôi sẽ giành chiến thắng và chúng tôi sẽ tiêu diệt bọn chúng".
Không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột sẽ dừng lại, như vậy, việc Israel từng khẳng định vào cuối tháng 11 rằng họ đã khống chế được phần lớn khu vực đô thị hóa đông đúc ở miền bắc Gaza giờ đây dường như không có nhiều giá trị trên thực tế.
Sau một tuần chiến sự tạm dừng và tạo điều kiện để một số con tin được phóng thích, chiến tranh lan rộng trên bộ gần đây đã làm hỏng các kế hoạch đẩy mạnh cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho dân thường để họ sống sót khi nhà cửa đã bị tàn phá.
Hơn 80% trong số 2,3 triệu người ở Gaza đã phải chạy nạn, nhiều người trong số họ phải chạy từ nơi này sang nơi khác nhiều lần.
Trong nhiều tuần qua, Washington đã thúc ép Israel phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ dân thường ở Gaza giữa lúc có làn sóng phản đối dâng cao trên toàn cầu về thảm họa nhân đạo đang lan rộng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã hội đàm với phía Israel hôm 14/12 về việc thay đổi chiến lược quân sự của họ ở Gaza từ tấn công quy mô lớn trên bộ sang các đòn đánh chính xác nhằm vào Hamas để bảo vệ nhiều hơn cho dân thường khỏi phải chịu các tổn thất.
"Đã có thảo luận trong các cuộc họp này cũng như trong các cuộc họp trước đây của chúng tôi, cũng như trong các cuộc điện đàm giữa Tổng thống (Joe Biden) và Thủ tướng (Israel) (Benjamin Netanyahu), về việc cần thay đổi trọng tâm từ các hoạt động càn quét với nhịp độ nhanh, các hoạt động càn quét có cường độ cao hiện đang diễn ra, tới đây chuyển sang các đòn đánh tập trung với cường độ thấp hơn vào các mục tiêu có giá trị cao, các đòn tấn công xây dựng từ thông tin tình báo, là những mục tiêu quân sự rất cụ thể và ở diện hẹp hơn", một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, với điều kiện không nêu danh tính.
Nhưng sẽ là "vô trách nhiệm" khi đặt ra khung thời gian cụ thể cho sự chuyển hướng chiến lược như vậy, vẫn quan chức này nói trong cuộc họp ngắn với các phóng viên về chuyến thăm Israel của ông Sullivan.
Israel cho rằng Hamas sử dụng dân thường và các tòa nhà dân sự làm lá chắn, cáo buộc này bị Hamas phủ nhận, nhưng cả các đồng minh lẫn đối thủ của Israel cũng như Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân đạo, nhân quyền đều nói rằng Israel đã không làm gì mấy để bảo vệ dân thường.
Anh, Ý, Nhật, ký thỏa thuận phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới
Liên Thành
Anh, Ý, Nhật, ký thỏa thuận phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới (ảnh: japantimes).
Bộ Quốc phòng Anh hôm qua đã thông báo với Vương quốc Anh họ đã ký một hiệp ước quốc tế với Nhật Bản và Ý về chương trình không quân chiến đấu trong tương lai, hiệp ước này nhằm phát triển một loại máy bay chiến đấu tàng hình cải tiến.
Hiệp ước của Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP), quan hệ đối tác quốc phòng giữa ba nước sẽ có trụ sở tại Anh.
Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố: “Máy bay chiến đấu tàng hình hàng đầu thế giới trong tương lai nhằm mục đích nâng cao năng lực quân sự, sự thịnh vượng và lợi ích chiến lược cho cả ba quốc gia”.
Tuyên bố này lưu ý rằng chương trình GCAP nhằm mục đích phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình cải tiến có khả năng siêu thanh và được trang bị công nghệ tiên tiến để hỗ trợ sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai và hỗ trợ rộng hơn cho an ninh toàn cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps cho biết trong tuyên bố: “Trụ sở chính đạt tại Vương quốc Anh sẽ chứng kiến việc chúng tôi đưa ra các quyết định hợp tác quan trọng nhanh chóng, với các đối tác thân thiết là Ý và Nhật Bản, cũng như ngành công nghiệp quốc phòng đầy ấn tượng, để cung cấp một chiếc máy bay xuất sắc”.
Theo Bộ này, máy bay phản lực trên dự kiến sẽ có radar mạnh mẽ và có thể cung cấp dữ liệu nhiều hơn 10.000 lần so với các hệ thống hiện tại, giúp mang lại lợi thế chiến thắng trong chiến đấu.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh thông báo rằng Nhóm tấn công tàu sân bay của Vương quốc Anh sẽ đến thăm Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sắp tới.
Bộ trưởng Quốc phòng này nói thêm: “Nhật Bản là đối tác an ninh thân cận nhất của chúng tôi ở châu Á và chuyến thăm của nhóm tấn công đặc nhiệm tới nước này sẽ chỉ nhằm tăng cường quan hệ quân sự và ngoại giao của chúng tôi”.
Báo chí Mỹ thiên vị đảng Dân chủ
Tờ New York Times (NYT) có vị thế tốt để thiết lập một khuôn khổ tranh luận chung ở Mỹ. Nhưng cũng như hầu hết các phương tiện truyền thông chính thống ở xứ cờ hoa, nó đang bị ảnh hưởng bởi thành kiến phi tự do. Trong một bài tiểu luận, James Bennet, người phụ trách chuyên mục về chính trị Mỹ của tờ The Economist, đồng thời là cựu biên tập viên chuyên mục góc nhìn của NYT, lập luận rằng cam kết của NYT về việc theo đuổi tin tức “không sợ hãi hay thiên vị” không còn nữa. Chính Bennet đã bị yêu cầu từ chức ở NYT vào năm 2020, sau khi chuyên mục góc nhìn do ông phụ trách cho đăng bài xã luận của Tom Cotton, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, gây ra tranh cãi trong nội bộ phòng tin tức của NYT.
Tuần này The Economist xem xét tình hình của giới truyền thông Mỹ. Đội ngũ của Economist phân tích dữ liệu của hơn 600.000 bài báo và cho thấy, ngôn ngữ của các phương tiện truyền thông chính thống có xu hướng sử dụng các thuật ngữ và chủ đề ưa thích của đảng Dân chủ. Điều đó có thể làm giảm uy tín của truyền thông đối với những người bảo thủ — và khiến việc hàn gắn những rạn nứt trong chính trị Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới càng trở nên khó khăn hơn.
Lạm phát ở Nga tăng
Khi lạm phát trên toàn thế giới giảm thì ở Nga nó lại tăng lên. Trong tháng 11, giá cả ở Nga đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 6,7% của tháng trước. Trước tình hình đó, tại cuộc họp chính sách tiền tệ hôm thứ Sáu, ngân hàng trung ương Nga có thể sẽ tăng lãi suất thêm một điểm phần trăm, sau khi đã tăng hai điểm phần trăm.
Nguyên nhân lạm phát đơn giản là do chính sách tài khóa. Vladimir Putin đang tăng mạnh chi tiêu quốc phòng khi ông tìm cách giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Và với cuộc bầu cử vào năm sau, chính phủ cũng đang tăng cường chi trả phúc lợi. Cộng với tình trạng nguồn cung giảm, đặc biệt là lao động, áp lực lên lạm phát lại càng lớn. Với rất nhiều lựa chọn khác, người lao động đang yêu cầu tăng lương, khiến cho tiền lương danh nghĩa tăng tới khoảng 15% một năm. Ngân hàng trung ương muốn ông Putin giảm bớt kích thích tài khoá, nhưng ông khó mà nghe theo.
Liệu Trung Quốc có vượt qua nguy cơ suy thoái kinh tế?
Sau đợt phong tỏa vào năm 2022, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng vào những tháng đầu năm 2023, nhưng rồi đi vào suy thoái trong mùa hè. Phản ứng mạnh mẽ hơn từ các nhà hoạch định chính sách, bao gồm cả việc đẩy mạnh nới lỏng tài khóa, đã giúp vực dậy tăng trưởng vào mùa thu. Nhưng Ting Lu đến từ ngân hàng Nomura lo lắng rằng đà phục hồi non trẻ này đã mất động lực. Nhập khẩu và lạm phát yếu đi đáng kể trong tháng 11. Và dù số liệu công bố vào thứ Sáu có thể cho thấy tăng trưởng đáng kể về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, đó là vì cùng kỳ năm trước (tháng 11 năm 2022) rơi vào giai đoạn đỉnh điểm của phong toả.
Sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc ám chỉ họ sẽ đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ trước khi giải quyết các vấn đề còn tồn tại, như nợ chính quyền địa phương. Chính phủ đã tung ra một số kích thích. Nếu GDP giảm lần thứ ba liên tiếp, họ sẽ phải nỗ lực gấp đôi.
Kyrgyzstan có quốc hội mới
Vào thứ Sáu, khoảng 700 đại biểu sẽ tề tựu về Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan, để tham dự phiên họp chính thức đầu tiên của “Kurultai Nhân dân.” Lấy tên từ một hội đồng truyền thống gồm các thủ lĩnh và các hãn, kurultai sẽ có những yếu tố của một hội đồng bình dân kiểu cũ. Nhưng thay vì tự tổ chức, mô hình này do chính phủ triệu tập.
Thành lập kurultai từ lâu đã là mục tiêu của tổng thống Kyrgyzstan, Sadyr Japarov, người lên nắm quyền sau các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2020. Ngay sau đó, ông hứa sẽ cung cấp một phương tiện để “nhân dân kiểm soát chính quyền”.
Nhưng các đối thủ của ông tỏ ra hoài nghi. Quá trình lựa chọn đại biểu không rõ ràng, và không rõ chính xác quốc hội mới sẽ nắm giữ quyền lực gì. Những người phản đối lo ngại diễn đàn này có thể được sử dụng để tạo ra lớp vỏ ngoài hợp pháp dân chủ cho một chính quyền ngày càng tập quyền và phi tự do. Ông Japarov gần đây đã thắt chặt kiểm soát bất đồng chính kiến, kể cả truyền thông địa phương. Trong bối cảnh đó, khó mà nghĩ ông sẽ cho phép Kurultai được tự do.
Trung Quốc làm trung gian đàm phán giữa chính quyền Myanmar với phiến quân
15/12/2023
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh.
Trung Quốc làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa quân đội cầm quyền và các nhóm nổi dậy ở Myanmar, và các bên đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn tạm thời và duy trì đối thoại, Bắc Kinh cho biết hôm thứ Năm (14/12).
Cuộc giao tranh, chủ yếu diễn ra ở bang Shan phía bắc, đã gây lo ngại cho nước láng giềng Trung Quốc. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 300.000 người đã phải di dời kể từ khi cuộc tấn công của phiến quân bắt đầu vào ngày 27/10. Tổ chức này cho biết hơn 2 triệu người đã trở thành vô gia cư kể từ cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar vào tháng 2 năm 2021.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc đàm phán đã được tổ chức tại Trung Quốc trong những ngày gần đây, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Trung Quốc hy vọng các bên liên quan ở Myanmar sẽ thực hiện các thỏa thuận và sự đồng thuận đã đạt được, kiềm chế tối đa và chủ động xoa dịu tình hình trên thực địa, tuyên bố của Bộ này nói thêm.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, nói: “Trung Quốc đã làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn chiến tranh và thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan ở Myanmar, đồng thời thúc đẩy việc giảm leo thang và hạ nhiệt tình hình”.
Bà Mao nói số vụ đụng độ và đọ súng ở miền bắc Myanmar đã giảm xuống rõ rệt, “điều này không chỉ phục vụ lợi ích của các bên liên quan ở Myanmar mà còn góp phần duy trì hòa bình dọc biên giới Trung Quốc-Myanmar”.
Quân đội Myanmar hôm thứ Hai cho biết họ đã gặp phiến quân và các bên khác trong cuộc xung đột, và một vòng đàm phán khác sẽ diễn ra vào cuối tháng nhưng không nêu chi tiết.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư, liên minh nổi dậy người thiểu số đã tái khẳng định cam kết đánh bại cái mà họ gọi là “chế độ độc tài” của Myanmar và không đề cập đến các cuộc đàm phán hòa bình hoặc ngừng bắn.
Liên minh nổi dậy bao gồm ba nhóm: Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA).
Không có nhận xét nào